Tia Chiếu Khủng Khiếp Của Kỹ Sư Garin

- 10 -

41

 

Một vài người dừng lại bên ngoài cửa. Nghe rõ hơi thở của họ. Garin hỏi to bằng tiếng Pháp:

- Ai đấy?

- Có điện tín, - một giọng thô bạo đáp, - mở cửa ra!...

Dôia im lặng nắm hai vai Garin, lắc đầu. Y kéo ả vào góc phòng, bắt ngồi xuống thảm. Rồi y lập tức quay đến chỗ đặt bộ máy và nói to:

- Cứ nhét bức điện vào dưới khe cửa ấy.

- Nếu đã bảo là phải mở cửa thì mở ra, - vẫn cái giọng lúc nãy gầm lên.

Một giọng khác thận trọng hỏi:

- Có một phụ nữ trong ấy không?

- Có.

- Hãy trao bà ta cho chúng tôi, chúng tôi sẽ để anh được yên.

- Ta xin báo trước, - Garin dữ tợn nói, - nếu các anh không cút khỏi đây ngay thì một phút nữa các anh sẽ mất mạng hết đấy.

- Ô la la!... Ô hô hô!... Hứ hứ!... - nhiều giọng nói gào lên, hí lên, cánh cửa bị thúc mạnh, nắm đấm cửa bằng sứ bị xoay tròn, mấy mảnh vữa rơi xuống từ khung cửa. Dôia không rời mắt khỏi khuôn mặt Garin. Y tái nhợt đi, cử động của y nhanh nhẹn và tự tin. Ngồi xổm xuống, y vặn chiếc vít đo vi lượng trong máy. Y rút vài que diêm đặt lên bàn cạnh chiếc hộp. Y cầm lấy khẩu súng lục và vươn thẳng người lên, chờ đợi. Cửa ra vào kêu răng rắc. Đột nhiên, một cú nện mạnh làm kính cửa sổ vỡ tan, rơi xuống, tấm màn che rung rinh. Garin lập tức bắn một phát về phía cửa sổ. Y ngồi thụp xuống, bật diêm, đưa vào máy rồi đóng sập nắp hình cầu lại.

Sau phát súng của y, không khí yên tĩnh chỉ kéo dài chừng một giây. Ngay lập tức, cả cửa sổ lẫn cửa ra vào đều bị tiến công cùng một lúc. Cửa ra vào bị một vật nặng gì đó thúc mạnh, vụn gỗ bay lả tả. Rèm cửa sổ xoắn lại và rơi xuống cùng gờ tường.

- Gaxtông! - Dôia rú lên.

Mỏ Vịt mồm ngậm dao, đang leo qua dãy chắn song sắt ở cửa sổ. Cửa ra vào vẫn còn đứng vững. Garin mặt trắng bệch, vặn chiếc vít đo vi lượng, tay trái run rẩy cầm khẩu súng lục. Trong máy, ngọn lửa phần phật, kêu xèo xèo. Vòng ánh sáng nhỏ trên tường (đối diện với nòng súng) thu lần lại, giấy bồi tường bốc khói. Gaxtông liếc nhìn khẩu súng lục, di chuyển dọc theo tường, cả người thu lại, chuẩn bị chồm lên. Gã cầm dao trong tay, lưỡi dao quay về phía mình, theo kiểu Tây Ban Nha. Những khuôn mặt đầy râu ria cũng nhô vào qua những khe vỡ của cửa ra vào. Vòm ánh sáng nhỏ đã trở thành một chấm sáng chói mắt. - Garin ôm bộ máy bằng cả hai tay và chĩa nòng về phía Mỏ Vịt...

Dôia thấy Gaxtông bỗng há miệng ra không phải để kêu mà cũng không phải để hớp lấy không khí. Một dải khói chạy ngang qua ngực gã, hai tay gã định giơ lên nhưng buông ngay xuống - gã lăn kềnh xuống thảm. Đầu gã cùng hai vai đứt khỏi phần thân dưới như một khúc bánh mì.

Garin quay bộ máy về phía cửa ra vào. Tìm đường đi, "sợi tia" cắt đứt các đường dây điện, bóng đèn trên trần tắt phụt. Tia sáng lóa mắt, mảnh và thẳng như chiếc kim, từ nòng bộ máy chiếu ra, chạm vào phần trên cửa - những mảnh gỗ rơi lả tả. Nó trườn xuống thấp hơn. Một tiếng gào rú ngắn vang lên như khi con mèo bị đè bẹp. Trong bóng tối, một người nào đó nghiêng đi rồi nhẹ nhàng đổ sụp xuống sàn. Tia sáng nhảy nhót ở độ cao chừng sáu mươi phân. Mùi thịt cháy bốc lên nồng nặc. Đột nhiên, mọi vật lặng như tờ, chỉ nghe thấy tiếng lửa reo khe khẽ trong máy.

Garin húng hắng ho rồi nói bằng một giọng gượng gạo, khàn khàn:

- Thế là xong.

Bên ngoài ô cửa sổ vỡ tung, một ngọn gió nhẹ lướt đến hàng cây đoạn vô hình, chúng xào xạc như ngái ngủ. Từ trong bóng tối ở phía dưới, nơi mấy chiếc xe lặng lẽ đỗ, có tiếng người hét vang lên bằng tiếng Nga: - Garin, anh còn sống chứ? - Garin xuất hiện ở cửa sổ. - Anh hãy thận trọng, tôi là Senga đây. Anh nhớ giao ước của chúng ta chứ? Tôi đang giữ chiếc xe của Rôlinh. Phải chạy trốn ngay. Hãy cứu lấy bộ máy. Tôi đợi anh...

 

42

 

Buổi tối, như lệ thường vào những ngày chủ nhật, giáo sư Râykhe chơi cờ tại nhà mình, trên dãy bao lơn nhỏ không có mái che ở tầng bốn. Ông chơi với Henrích Vônphơ, người học trò yêu của ông. Họ vừa hút thuốc vừa chăm chú theo dõi ván cờ. Ánh hoàng hôn đã tắt từ lâu ở cuối dãy phố dài. Bầu không khí đen sẫm thật ngột ngạt. Cành dây trường xuân không hề động đậy, quảng trường trải nhựa đường nằm im ắng, vắng vẻ.

Giáo sư khó nhọc tìm nước đi. Ông giơ bàn tay rắn rỏi với móng tay vàng vàng lên, nhưng không động đến quân cờ. Ông rút điếu xì gà hút dở khỏi miệng.

- Đúng, phải suy nghĩ đã.

- Giáo sư cứ nghĩ đi, - Henrích nói.

Khuôn mặt đẹp của anh với vầng trán rộng, chiếc cằm hằn nét và cái mũi ngắn, thẳng, toát ra vẻ bình lặng của một bộ máy hùng mạnh. Giáo sư sôi nổi hơn (ông thuộc thế hệ cũ) - bộ râu ánh màu thép của ông rối bù, trên vầng trán nhăn nheo của ông hiện lên những vệt đỏ.

Chiếc đèn cao dưới chụp đèn rộng, sặc sỡ, soi sáng khuôn mặt họ. Vài con bướm đêm còi cọc, xanh xanh, bay nhộn nhạo quanh đèn, đậu lên tấm khăn bàn mới là, giương râu lên, chăm chú nhìn bằng đôi mắt nhỏ như hai chấm, và chắc chắn không hiểu được rằng chúng đang có vinh dự chứng kiến hai ông thần giải trí bằng trò chơi của những kẻ trần tục. Đồng hồ trong phòng điểm mười giờ.

Cụ bà Râykhe, mẹ của giáo sư, một cụ già gọn gàng, sạch sẽ, ngồi bất động. Cụ không còn đọc sách hay đan áo được nữa dưới ánh sáng nhân tạo. Xa xa, nơi những ô cửa sổ của một tòa nhà cao sáng rực trong đêm đen, có thể cảm thấy những khoảng không rộng lớn của thành phố Béclin xây bằng đá. Nếu như không có con trai ngồi bên bàn cờ vua, nếu không có ánh sáng êm ả của chiếc chụp đèn, nếu không có lũ bướm đêm xanh xanh trên tấm khăn trải bàn thì nỗi khủng khiếp đã lắng sâu từ lâu trong tâm hồn cụ chắc hẳn đã trào lên như đã từng trào lên nhiều lần trong những năm qua, và làm khô héo đi khuôn mặt nhợt nhạt của cụ. Đấy là nỗi kinh hoàng trước hàng triệu kẻ đang tràn đến thành phố này. Tên chúng không phải là Phơrít, Giôhan, Henrích, Ốttô, và chúng đông vô kể. Đứa nào cũng hệt như nhau - râu ria lởm chởm, đeo yếm giấy phủ bụi sắt và chì, - cứ tối tối là chúng lại kéo ra nườm nượp các phố xá. Chúng ham muốn nhiều thứ, hàm bạnh ra.

Cụ nhớ lại thời kỳ hạnh phúc, khi chồng chưa cưới của cụ là Ốttô Râykhe từ Xêđăng[1] trở về trong đội quân chiến thắng hoàng đế Pháp. Ốttô khắp người thấm đẫm mùi lính, râu ria xồm xoàm, giọng nói oang oang. Cô gái Râykhe ra đón người yêu ở ngoại ô thành phố. Cô mặc chiếc áo dài màu xanh, thắt nơ, cài hoa. Nước Đức đang bay đến các chiến thắng, bay đến hạnh phúc cùng Ốttô vui tươi với niềm kiêu hãnh và hy vọng. Chẳng mấy chốc cả thế giới đã bị chinh phục...

Cuộc đời cụ đã qua rồi... Cuộc chiến tranh thứ hai cũng đã đến và cũng đã qua đi rồi. Họ phải chật vật lắm mới rút được chân khỏi bãi bùn lầy, nơi hàng triệu xác người đang thối rữa. Và rồi, lũ người kia nườm nượp kéo đến. Cứ nhìn vào mắt bất cứ tên nào dưới chiếc mũ cát-két mà xem. Đấy không phải là cặp mắt Đức. Ánh mắt chúng gan lì, buồn bã, khó hiểu, xa lạ. Cụ Râykhe cảm thấy kinh hoàng.

Ngoài hàng hiên xuất hiện Khơlưnốp. Anh diện bộ comlê màu xám sạch sẽ thường mặc trong ngày chủ nhật.

Khơlưnốp nghiêng mình chào cụ Râykhe, chúc cụ một buổi tối tốt lành, rồi ngồi xuống cạnh giáo sư. Giáo sư hiền hậu nhíu mày và giễu cợt nháy mắt về phía bàn cờ. Trên bàn có những tạp chí và nhiều báo nước ngoài. Cũng như bất kỳ người trí thức nào ở Đức, giáo sư chẳng lấy gì làm giàu có. Ông chỉ có thể tỏ lòng hiếu khách bằng ánh sáng dịu mát của chiếc đèn trên tấm khăn trải bàn mới là, bằng điếu xì gà giá hai hào và cuộc chuyện trò có lẽ còn giá trị hơn bữa ăn sang trọng có rượu sâm banh.

Vào những ngày làm việc, suốt từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối, giáo sư thường lặng lẽ, bận bịu và nghiêm nghị. Nhưng vào ngày chủ nhật, ông "sẵn lòng cùng bè bạn đi đến vương quốc của trí tưởng tượng". Ông thích nói "từ đầu này đến đầu kia điếu xì gà".

- Đứng, phải nghĩ kỹ đã, - ông lại nói và nhả khói mù mịt.

- Giáo sư cứ nghĩ đi, - Henrích khô khan và lịch thiệp trả lời.

Khơlưnốp mở rộng tờ báo Không khoan nhượng xuất bản ở Pari và trên trang nhất, dưới đầu đề "Tội ác bí hiểm ở Vinlơ Đavrê", anh nhìn thấy bức ảnh chụp bảy người bị cắt nhỏ ra. "Đúng là cắt nhỏ ra thật", - anh thầm nghĩ. Nhưng những gì anh đọc thấy đã buộc anh phải ngẫm nghĩ:

"... Có thể phỏng đoán rằng kẻ gây ra tội ác này đã dùng một vũ khí nào đấy mà cho tới nay vẫn chưa ai biết, hoặc là một sợi kim loại nóng đỏ, hoặc là một tia nhiệt có cường độ cực lớn. Chúng tôi đã xác định được quốc tịch và hình dáng bề ngoài của hung thủ: Chắc chắn là một người Nga (tiếp theo là đoạn mô tả hình dáng bên ngoài theo lời của bà chủ nhà trọ). Vào đêm đó, ngoài y ra còn có một phụ nữ trong phòng y. Nhưng diễn biến về sau thì hoàn toàn bí ẩn. Có lẽ, bức màn bí mật sẽ được vén lên chút ít nhờ một biến cố đẫm máu khác phát hiện thấy trong khu rừng Phôngtenơblô. Tại đấy, cách đường cái chừng ba chục mét, đã tìm ra một người lạ mặt nằm bất tỉnh. Trên thân thẻ người này có bốn vết thương do hỏa khí gây nên. Giấy tờ và tất cả những gì có thể giúp cho việc xác định người này đều bị đánh cắp hết. Chắc chắn là nạn nhân đã bị quăng từ ô tô xuống. Cho tới nay vẫn chưa làm nạn nhân hồi tỉnh được..."

 

43

 

- Chiếu! - giáo sư thốt lên, vung quân mã vừa ăn được - Chiếu và chiếu hết! Henrích, anh đã bị đánh bại, đã bị chiếm đóng, đã phải quì gối rồi. Anh sẽ phải trả chiến phí trong sáu mươi sáu năm. Luật của chính sách đế quốc chủ nghĩa cao cả là như vậy đó.

- Phục thù chứ, thưa giáo sư? - Henrích hỏi.

- Ồ không, chúng tôi sẽ tận hưởng mọi ưu thế của kẻ chiến thắng đã.

Giáo sư vỗ vào đầu gối Khơlưnốp:

- Anh đọc được tin gì trong báo thế, anh thiếu niên Bônsêvích không bao giờ chịu dung hòa của tôi? Bảy người Pháp bị cắt nhỏ chứ gì? Biết làm thế nào được - những kẻ chiến thắng bao giờ cũng thích làm những chuyện thái quá. Lịch sử luôn luôn có khuynh hướng tiến tới sự cân bằng. Bi quan - đấy là thứ mà những kẻ chiến thắng thường lôi về nhà mình cùng những của cải cướp bóc được... Chúng bắt đầu ăn quá nhiều chất mỡ. Dạ dày chúng không kham nổi mỡ và làm máu bị đầu độc bằng những chất độc ghê tởm. Chúng cắt nhỏ người ra, chúng treo cổ lên bằng dây đeo quần, chúng nhảy từ trên cầu xuống. Chúng mất dần tình yêu cuộc sống. Lạc quan - đấy là thứ còn lại ở kẻ chiến bại thay cho những của cải bị cướp đoạt. Tính chất tuyệt vời của ý chí con người là tin rằng mọi thứ đều sẽ tốt đẹp hơn trong cái thế giới tốt đẹp nhất trong các thế giới này. Phải nhổ tận rễ sự bi quan mới được. Tôi có đọc Lênin của anh, anh bạn thân mến ạ... Đấy là một người lạc quan vĩ đại. Tôi kính trọng Lênin của anh.

- Hôm nay giáo sư quả phấn chấn đấy, - Henrích rầu rĩ nói.

- Anh có biết tại sao không? - Giáo sư ngả người trong chiếc ghế bành đan, cằm ông đầy những nếp nhăn, mắt ông nhìn vui vẻ, trẻ trung dưới hàng lông mày. - Tôi đã thực hiện được một phát minh hết sức lý thú... Tôi đã nhận được vài bản tin, đã đối chiếu một vài số liệu và bất ngờ đi đến kết luận kỳ lạ... Nếu như chính phủ Đức không phải là một kẻ phiêu lưu, nếu như tôi tin rằng phát minh của tôi không rơi vào tay bọn bịp bợm và kẻ cướp thì có lẽ tôi sẽ công bố phát minh ấy... Nhưng không, cứ yên lặng là hơn...

- Tôi hy vọng là với chúng tôi thì giáo sư có thể chia sẻ ý kiến được, - Henrích nói.

Giáo sư ranh mãnh nháy mắt với anh:

- Chẳng hạn như anh, anh sẽ nói gì nếu như tôi giao cho chính phủ Đức lương thiện... Anh nghe thấy tôi nhấn mạnh chữ "lương thiện" chứ, tôi đặt vào đấy một ý nghĩa đặc biệt... - nếu như tôi giao cho họ một trữ lượng vàng vô tận?

- Vàng ấy từ đâu, thưa giáo sư? - Henrích hỏi.

- Tất nhiên là từ đất rồi...

- Đất ở đâu ạ?

- Cái đó không quan trọng. Một điểm bất kỳ nào trên trái đất... Mặc dù vàng sẽ làm cho anh, tôi, tất cả người Đức đều đâm giàu có... Nhưng rất có thể chúng ta sẽ trở nên nghèo hơn nữa... Chỉ có một người thôi, - ông quay mái đầu bạc như bờm sư tử về phía Khơlưnốp, - một người đồng bào của anh đã đề nghị sử dụng số vàng đó một cách thật sự... Anh hiểu chứ?

Khơlưnốp mỉm cười, gật đầu.

- Thưa giáo sư, tôi đã quen nghe giáo sư một cách nghiêm chỉnh rồi, - Henrích nói.

- Tôi sẽ cố nghiêm chỉnh. Ở thành phố Mátxcơva bên họ, mùa đông giá lạnh đến ba mươi độ âm, nước té từ tầng ba khi rời đến hè phố thì đã thành những hạt băng rồi. Trái đất bay trong khoảng không giữa các hành tinh đã được mười, mười lăm tỷ năm. Trong khoảng thời gian dài như vậy, nó dứt khoát phải nguội đi, có đúng thế không? Tôi khẳng định là trái đất đã nguội đi từ lâu lắm rồi, bằng cách bức xạ nó đã trao toàn bộ nhiệt của mình cho khoảng không giữa các hành tinh rồi. Chắc các anh sẽ hỏi: thế còn núi lửa, dung nham nóng chảy, những suối nóng phun thì sao? Giữa vỏ trái đất rắn, được mặt trời sưởi ấm yếu ớt, và toàn bộ khối bên trong trái đất có một vòng đai kim loại nóng chảy được gọi là vòng đai olivin. Nó xuất hiện do sự phân rã nguyên tử liên tục của khối chất trong lòng trái đất. Khối chất này là một quả cầu có nhiệt độ bằng khoảng không giữa các hành tinh, tức là hai trăm bảy mươi ba độ âm. Sản phẩm của sự phân rã này - vòng đai Ôlivin, chính là lớp đá Ôlivin, thủy ngân và vàng nằm trong trạng thái lỏng. Theo nhiều tài liệu thì lớp này ở không sâu lắm, chỉ cách mặt đất từ một nghìn năm trăm đến ba nghìn mét. Có thể khoan một lỗ ở trung tâm Béclin, và vàng hóa lỏng sẽ tự phun lên như dầu hỏa từ lòng vòng đai ôvilin...

- Rất lôgích, rất hấp dẫn, nhưng khó mà tin nổi, - Henrích im lặng một lát rồi nói. - Với những công cụ hiện nay mà khoan sâu tới mức như vậy thì thật không thể làm nổi...

 

44

 

Khơlưnốp đặt tay lên trang báo mở rộng của Không khoan nhượng.

- Thưa giáo sư, bức ảnh này làm tôi nhớ lại một câu chuyện trên máy bay, khi tôi bay đến Béclin... Nhiệm vụ thâm nhập đến những nguyên tố đang phân hủy của lòng trái đất không đến nỗi huyễn hoặc như vậy đâu.

- Cái đó có liên quan gì đến những người Pháp bị cắt nhỏ này? - giáo sư hỏi và lại hít một hơi xì gà.

- Vụ giết người ở Vinlơ Đavrê thực hiện bằng tia nhiệt.

Nghe thấy câu ấy, Henrích xích lại gần bàn, khuôn mặt lạnh lùng của anh lộ vẻ cảnh giác.

- Chả, lại những tia này! - giáo sư nhăn mặt như nếm phải của chua. - Một chuyện nhảm nhí, bịp bợm, một tin vịt do bộ chiến tranh Anh tung ra.

- Bộ máy ấy do một người Nga chế tạo ra, tôi có biết người này, - Khơlưnốp trả lời. - Đó là một nhà sáng chế tài năng và một tên tội phạm cỡ lớn.

Khơlưnốp kể lại tất cả những gì anh biết về Garin: về những công việc của y tại trường đại học Bách khoa, về những tội ác của y trên đảo Crextốpxki, về những vật lạ lùng tìm thấy trong tầng hầm ngôi nhà nghỉ ngoại ô, về bức điện kêu gọi Senga đến Pari, về cuộc săn đuổi bộ máy của Garin mà hiện nay chắc chắn đang diễn ra ráo riết.

- Bằng chứng đây, - Khơlưnốp chỉ bức ảnh. - Đây là tác phẩm của Garin.

Henrích cau có xem kỹ bức ảnh. Giáo sư bối rối nói:

- Anh cho rằng có thể dùng các tia nhiệt để khoan trái đất ư? Tuy rằng... ở nhiệt độ ba nghìn độ thì cả đất sét lẫn đá granit đều sẽ hóa lỏng hết. Rất đáng chú ý, rất đáng chú ý đấy... Liệu có thể đánh điện đến nơi nào đó cho Garin được không?... Hừm! Nếu kết hợp việc khoan với sự làm mát nhân tạo và lắp những máy xúc chạy bằng điện để múc đất đá lên thì có thể khoan sâu được... Anh bạn thân mến, anh làm tôi hết sức quan tâm đấy...

Trái với thường lệ, giáo sư đi đi lại lại ngoài hiên cho tới hai giờ đêm. Ông hút thuốc liên miên và phát triển nhiều kế hoạch, kế hoạch sau kỳ lạ hơn kế hoạch trước.

 

45

 

Thường thường, khi ra khỏi nhà giáo sư, Henrích chia tay với Khơlưnốp trên quảng trường. Nhưng lần này anh đi tiếp cùng Khơlưnốp, tay gõ gõ chiếc can, khuôn mặt cau lại, cúi xuống.

- Theo anh thì kỹ sư Garin đã trốn mất cùng bộ máy sau câu chuyện ở Vinlơ Đavrê phải không? - Henrích hỏi.

- Đúng thế.

- Còn người lạ mặt máu me bê bết nằm bất tỉnh ở rừng Phôngtenơblô không thể là Garin chứ?

- Anh muốn nói rằng Senga đã chiếm đoạt được bộ máy?...

- Chính thế...

- Tôi cũng đã nghĩ đến khả năng ấy... Đúng, nếu được như vậy thì tốt quá...

- Để xem xem đã, - Henrích ngẩng đầu lên, nói với vẻ giễu cợt.

Khơlưnốp đưa mắt nhìn nhanh anh ta: cả hai dừng lại. Từ xa, ngọn đèn đường chiếu sáng khuôn mặt Henrích: nụ cười nhếch mép độc ác, cặp mắt lạnh lùng, cái cằm bướng bỉnh. Khơlưnốp nói:

- Dù sao thì tất cả những chuyện đó mới là phỏng đoán thôi, chúng ta tranh cãi bây giờ chẳng để làm gì cả.

- Tôi hiểu, tôi hiểu.

- Anh Henrích ạ, tôi không định lắt léo với anh, nhưng tôi khẳng định rằng bộ máy ấy cần ở trong tay Liên Xô. Chỉ riêng mong muốn ấy thôi đã làm anh thành kẻ thù của tôi rồi. Xin nói thật, anh Henrích thân mến ạ, anh hiểu rất mơ hồ về những gì có lợi hay có hại cho tổ quốc anh.

- Anh cố xúc phạm tôi chắc?

- Vớ vẩn! Tuy rằng đúng như thế đấy, - Khơlưnốp nói. - Sau khi hai nước chúng ta đã giết hại của nhau chừng bảy triệu người[2], chẳng lẽ lại còn có thể mếch lòng vì những lời lẽ nữa hay sao?... Anh là người Đức từ đầu đến chân, là bộ binh bọc thép, là kẻ sản xuất máy móc, theo tôi thì dây thần kinh của anh cũng có thành phần khác chúng tôi. Anh nghe đây, anh Henrích ạ, nếu bộ máy của Garin rơi vào tay những kẻ như anh thì không biết anh sẽ làm những chuyện bậy bạ gì?...

- Nước Đức sẽ không bao giờ cam chịu nhục nhã nữa.

Họ đã đến gần ngôi nhà có căn phòng Khơlưnốp thuê ở tầng một. Hai bên lặng lẽ chia tay nhau. Khơlưnốp đi vào cổng. Henrích đứng yên, chậm rãi nhai điếu xì gà đã tắt. Đột nhiên, cửa sổ ở tầng một mở toang và Khơlưnốp xúc động thò đầu ra:

- A, anh vẫn còn ở đấy ư?... May quá. Henrích ạ, tôi vừa nhận được bức điện từ Pari, của Senga... Anh nghe nhé: "Hung thủ đã trốn thoát. Tôi bị thương, còn lâu mới dậy được. Mối nguy hiểm ghê ghớm, chưa từng có, đang đe dọa thế giới. Cần anh đến ngay"

- Tôi sẽ đi với anh, - Henrích nói.


[1] Xêđăng là một thành phố trên sông Mơdơ, ở miền Đông - Bắc nước Pháp… Gần thành phố này, vào những ngày 1 và 2-9-1870 đã diễn ra trận giao chiến giữa quân đội Pháp và quân đội Đức bao vây xung quanh. Đội quân Pháp đầu hàng theo lệnh của Napôlêông III có mặt trong đội quân này. Thất bại Xêđăng đã dẫn đến việc sụp đổ nền Đế chính thứ hai và việc tuyên bố thành lập nền cộng hòa ở Pháp. (Chú thích của nguyên bản).

[2] Đây là trong đại chiến thế giới lần thứ nhất, (1914 - 1918) Đức và Nga tham chiến ở hai phe đối địch nhau. Kết quả cuộc chiến tranh là người Đức bại trận, phải đầu hàng một cách nhục nhã - N. D