Tia Chiếu Khủng Khiếp Của Kỹ Sư Garin

- 1 -

Vào mùa này, bữa sáng, giới doanh nghiệp Paris thường tụ tập ở khách sạn "Magiextích". Ở đây có thể gặp những mẫu người thuộc mọi dân tộc, trừ người Pháp. Họ vừa ăn uống vừa bàn bạc công việc và ký hợp đồng giữa tiếng nhạc, tiếng mở nút chai lốp bốp và tiếng phụ nữ líu lo.

 

Trong gian đại sảnh lộng lẫy trải toàn những loại thảm quí, cạnh chiếc cửa quay bằng kính, một người đàn ông cao lớn bệ vệ đi đi lại lại. Tóc ông ta đã bạc, khuôn mặt cạo nhẵn đầy cương nghị như gợi nhớ đến quá khứ anh dũng của nước Pháp. Ông ta mặc chiếc áo đuôi tôm rộng màu đen, đi tất lụa và đôi giày bóng lộn có khóa cài. Trên ngực ông vắt ngang một sợi móc xích bằng bạc. Đó là người quản trị tối cao, người đại diện tinh thần cho công ty cổ phần đứng ra kinh doanh khách sạn "Magiextích".

 

Chắp đôi tay mắc chứng thống phong ra sau lưng, thỉnh thoảng ông ta lại dừng bước trước lớp tường kính, nơi khách khứa đang dùng bữa, giữa những tàu lá cọ và những cây cối nở hoa trồng trong các thùng gỗ sơn xanh. Vào phút đó trông ông giống như một vị giáo sư đang quan sát đời sống thảo mộc và côn trùng qua lớp kính của thành bể nuôi cá.

 

Các bà các cô người nào cũng xinh đẹp. Các cô gái trẻ phơi phới tuổi xuân ánh mắt đầy quyến rũ, mắt xanh là các cô gái Ăngglôxắcxông, mắt đen sẫm như màn đêm là các cô gái Nam Mỹ, mắt tím nhạt là các cô gái Pháp. Những bà đứng tuổi thì dùng cách phục sức lòe loẹt để làm cho vẻ đẹp đã tàn úa của mình thêm hấp dẫn, chẳng khác gì gia giảm thêm món ăn bằng thứ nước chấm quá cay.

 

Đúng, về đám phụ nữ thì chẳng có gì đáng ngại. Nhưng người quản trị tối cao kia không thể nói như vậy được về cánh nam giới ngồi trong phòng ăn.

 

Từ đâu, từ đám cỏ dại nào mà sau chiến tranh lại xuất hiện lũ đê tiện béo phị kia với thân hình ngắn ngủn, với những ngón tay đầy lông lá đeo nhẫn, với những đôi má húp híp khiến lưỡi dao cạo phải vất vả lắm mới chinh phục nổi.

 

Chúng vội vã nốc lấy nốc để mọi thứ đồ uống suốt từ sáng này đến sáng khác. Những bàn tay lông lá của chúng hối hả vơ lấy vơ để tiền của như những thứ đó vốn có từ trong không khí... Số đông bọn chúng từ Mỹ, từ cái nơi đáng nguyền rủa, nơi người ta lội trong vàng đến tận đầu gối, luồn sang đây và định mua rẻ toàn bộ cái thế giới cũ tốt lành này.

 

 

2

 

Một chiếc rônxơ- rôixơ - kiểu xe dài có phần thân bằng gỗ hồng sắc - nhẹ nhàng lăn bánh đến thềm khách sạn. Người quản trị vội vàng chạy đến cửa quay, sợi móc xích trên ngực ông ta kêu lẻng xẻng.

Người đầu tiên từ xe bước vào khách sạn là một gã đàn ông tầm thước, da vàng bủng, bộ râu đen xén ngắn, mũi mập ú, hai lỗ mũi phồng lên. Y mặc chiếc áo măng tô dài, rộng thùng thình, và đội chiếc mũ nồi kéo sụp xuống tận lông mày.

Y dừng lại, cau có chờ đợi người phụ nữ cùng đi đang đứng nói chuyện với một thanh niên vừa từ sau chiếc cột ở cổng khách sạn nhảy bổ ra đón xe. Ả gật đầu với y rồi đi qua cánh cửa quay. Đấy là Dôia Mônrô nổi tiếng, một trong những phụ nữ đẹp nhất Paris - mắt xám, vóc người thon thả, cao, mặc bộ quần áo dạ màu trắng.

- Chúng ta sẽ ăn chứ, anh Rôlinh? - ả hỏi người đàn ông đội mũ nồi.

- Không, anh còn phải nói chuyện với hắn đã. Sau đó mới ăn được.

Dôia nhếch miệng mỉm cười như muốn tỏ ra khoan dung với cái giọng trả lời gay gắt ấy. Đúng lúc đó, người thanh niên đã nói chuyện với Dôia ban nãy ở cạnh xe nhảy phóc qua cửa. Hắn mặc chiếc áo măng tô cũ kỹ để phanh ra, tay cầm can và chiếc mũ mềm. Khuôn mặt kích động của hắn đầy tàn nhang. Bộ ria cứng lưa thưa như dán thêm vào. Rõ ràng hắn định bắt tay Rôlinh, nhưng y không rút tay khỏi túi áo khoác, nói bằng một giọng còn gay gắt hơn nữa:

- Anh đến chậm mười lăm phút đấy, anh Xêmiônốp ạ.

- Tôi bị giữ lại... Cũng vì công việc của chúng ta thôi... Xin ông tha lỗi cho... Mọi việc đã thu xếp xong... Họ đồng ý... Ngày mai họ đã có thể đi Vácsava rồi...

- Nếu anh còn gào lên cho cả khách sạn nghe thấy thì anh sẽ bị tống đi đấy. - Rôlinh nói và chằm chằm nhìn Xêmiônốp bằng cặp mắt đục ngầu không hứa hẹn chuyện gì tốt đẹp.

- Xin lỗi ông... Tôi sẽ nói thầm thôi... Ở Vácsava, mọi thứ đều đã chuẩn bị xong: hộ chiếu, quần áo, vũ khí và những thứ khác nữa. Đầu tháng tư, họ sẽ vượt qua biên giới...

- Bây giờ, tôi và bà Dôia sẽ đi ăn, - Rôlinh nói. - Ông hãy đến gặp các ông ấy và bảo là tôi muốn gặp họ hôm nay, vào lúc hơn bốn giờ. Anh báo trước cho họ biết là nếu họ tìm cách bịp tôi thì tôi sẽ trao họ cho cảnh sát.

Cuộc nói chuyện này diễn ra vào đầu tháng năm, năm 192...

 

 

3

 

Ở Lêningrát, vào lúc rạng sáng, một chiếc thuyền hai mái chèo dừng lại cạnh dãy phao chắn của Trường huấn luyện chèo thuyền trên sông Crextôpen.

Có hai người bước ra khỏi thuyền và trao đổi vài lời ngắn ngủi với nhau ngay cạnh mặt nước - thật ra chỉ một người nói, giọng xẵng và như ra lệnh, còn người kia thì nhìn dòng nước mênh mông, tối sẫm, đang chảy êm đềm.

Sau đó, cả hai cúi xuống thuyền và ánh diêm đã chiếu sáng khuôn mặt họ. Họ lấy mấy gói bọc từ đáy thuyền lên; người hồi nãy im lặng cầm lấy mấy gói ấy và biến mất trong rừng, còn người kia nhảy xuống thuyền, đẩy thuyền khỏi bờ và vội vã khua cọc chèo kêu ken két. Hình bóng người đang chèo thuyền lướt qua dải nước ửng hồng rồi tan đi trong bóng tối ở bờ bên kia. Những đợt sóng nhỏ vỗ vào dãy phao chắn.

Đêm đó, Taraskin, hội viên câu lạc bộ "Xpáctác", tay chèo chuyên ngồi phía trước trên loại thuyền đua hai chỗ ngồi, làm nhiệm vụ trực ban ở câu lạc bộ. Vì tuổi còn trẻ và tiết trời lại đang là mùa xuân, nên Taraskin không chịu hoài phí những giờ phút trôi nhanh của cuộc đời vào việc ngủ: anh ngồi bó gối trên dãy phao chắn, bên làn nước như còn ngái ngủ.

Anh có đủ chuyện để suy nghĩ trong cảnh tĩnh mịch ban mai này. Đã hai năm liền, các tay chèo Matxcơva, những kẻ không biết đến cả mùi nước thật sự nữa, đã liên tiếp đánh gục cánh vận động viên thuộc Trường huấn luyện chèo thuyền trong các loại thuyền một người, bốn người và tám người. Thật bực mình!

Nhưng là một vận động viên, anh biết rằng phải nếm mùi thất bại rồi mới có thể đạt được thắng lợi. Đó là một. Ngoài ra, lại còn vẻ mỹ lệ của buổi bình minh mùa xuân thoang thoảng hương cỏ cay nồng và cây cối ẩm ướt này nữa. Có lẽ, những yếu tố đó đã giúp Taraskin giữ được sự bình tĩnh cần thiết để luyện tập trước khi tham gia những cuộc đua tài lớn vào tháng sáu.

Ngồi trên dãy phao chắn, anh nhìn thấy chiếc thuyền hai mái chèo neo lại rồi bơi đi. Taraskin vốn khá thản nhiên với những hiện tượng của cuộc sống. Nhưng trong chuyện này, anh cảm thấy có một chi tiết thật lạ lùng: hai người lúc nãy bước lên bờ giống nhau hệt như hai mái chèo vậy. Cùng một khổ người, cùng mặc loại măngtô rộng, cùng đội loại mũ mềm và kéo sụp xuống trán, cùng để một kiểu râu dê y như nhau.

Nhưng suy đến cùng thì Nhà nước có cấm lang thang vào ban đêm, trên bộ hoặc dưới nước, với kẻ giống hệt mình đâu cơ chứ! Chắc hẳn Taraskin đã quên bẵng đi ngay hai kẻ râu dê kia nếu như không có một biến cố lạ lùng xảy ra ngay buổi sáng hôm đó, gần Trường huấn luyện chèo thuyền, trong khu rừng bạch dương, tại một ngôi nhà nghỉ đổ nát với các ô cửa sổ bịt kín.

 

 

4

 

Khi mặt trời hiện lên từ ánh bình minh hồng rực bên trên những lùm cây rậm rạp của các hòn đảo thì Taraskin vươn tay vươn chân, khiến các khớp xương kêu lên răng rắc, rồi đi vào sân câu lạc bộ để thu dọn đám rẻo gỗ vụn. Lúc đó vào quãng hơn năm giờ sáng. Cánh cửa vườn bỗng kẹt mở, và Senga dắt xe đạp, theo con đường nhỏ ẩm ướt, bước lại gần.

Senga là một vận động viên dày công luyện tập, lực lưỡng và nhanh nhẹn, vóc người tầm thước, cổ rắn chắc, điệu bộ thoải mái, điềm tĩnh và thận trọng. Anh công tác ở Ban điều tra hình sự và chơi thể thao để tăng cường sức khỏe.

- Thế nào, tình hình ra sao, đồng chí Taraskin? Mọi chuyện đều ổn chứ? - anh vừa hỏi vừa dựng xe đạp cạnh bậc thềm - Tôi đến làm lụng một lát đây... Anh nhìn kìa, rác rưởi mới khiếp chứ.

Anh cởi áo va rơi, xắn tay áo sơ mi trên đôi tay gầy, gân guốc, rồi bắt đầu thu dọn khu sân câu lạc bộ còn ngổn ngang những vật liệu để lại sau khi sửa chữa hệ thống phao chắn.

- Hôm nay, anh em từ nhà máy sẽ đến đây và chỉ trong một đêm, chúng tôi sẽ sắp đặt ngăn nắp hết - Taraskin nói - Còn đồng chí thì sao, đồng chí Senga, đồng chí sẽ ghi tên vào đội đua thuyền sáu người chứ?

- Tôi chẳng biết tính toán ra sao nữa - Senga vừa đáp vừa lăn thùng hắc ín - Một mặt, phải đánh gục đội Mátxcơva, nhưng mặt khác, tôi sợ là không tập luyện đều đặn được... Chúng tôi đang vướng phải một vụ thật nực cười.

- Lại một bọn cướp nào đó chăng?

- Không, cao hơn nữa - một tên tội phạm cỡ quốc tế kia.

- Thật đáng tiếc, - Taraskin nói - anh mà tham gia thi đấu được thì tốt quá.

Bước lên dãy phao chắn và nhìn những vệt nắng lấp lánh suốt mặt sông, Senga gõ cán chổi một cái rồi thấp giọng gọi Taraskin:

- Anh có biết rõ những ai sống trong các nhà nghỉ quanh đây không?

- Có đám dân lang thang sống lẩn quất ở đâu đó.

- Thế có ai đến ở một trong các nhà nghỉ này vào khoảng giữa tháng ba không?

Taraskin liếc nhìn dòng sông rực rỡ ánh nắng và lấy hai bàn chân cọ vào nhau.

- Có đấy, trong khu rừng nhỏ kia kìa, - anh đáp, - Tôi nhớ là quãng bốn tuần trước đây có trông thấy khói bốc ra từ ống khói. Chúng tôi cho rằng đấy hoặc là bọn trẻ con bơ vơ, hoặc là bọn cướp.

- Anh có trông thấy một người nào đó trong nhà nghỉ ấy không?

- Gượm đã, anh Senga. Có lẽ đúng hôm nay tôi vừa trông thấy đấy.

Và Taraskin liền kể về hai người đã cập thuyền vào chỗ bờ sông lầy lội vào lúc rạng sáng.

Senga khẽ nói theo: "Thế đấy, thế đấy", cặp mắt sắc sảo của anh nheo lại.

- Ta đi thôi, anh hãy chỉ cho tôi ngôi nhà nghỉ đó, - Senga nói và chạm tay vào bao súng lục đeo ở thắt lưng, hơi lệch về phía sau.

 

 

5

 

Ngôi nhà nghỉ trong khu rừng bạch dương còi cọc hình như vô chủ - bậc thềm mục nát, các ô cửa sổ bị bịt chặt bằng những tấm gỗ đóng đè lên cánh cửa. Kính trên tầng nóc đã long ra, những góc nhà bên dưới các mảnh ống máng còn sót lại thì phủ đầy rêu; rau lê mọc rậm rạp dưới các bậu cửa sổ.

- Anh nói đúng, ở đây có người thật, - Senga nhận xét sau khi quan sát ngôi nhà nghỉ từ sau hàng cây, rồi anh thận trọng đi vòng quanh ngôi nhà. - Hôm nay đã có người đến đây... Nhưng chúng phải leo qua cửa sổ để làm cái quái gì nhỉ? Taraskin, anh hãy lại đây, chỗ này có chuyện gì đó không ổn.

Họ bước nhanh đến bậc thềm. Trên bậc thềm hiện rõ nhiều vết chân. Bên trái bậc thềm, một cánh cửa sổ treo nghiêng lơ lửng - rõ ràng là mới bị giật ra. Cửa sổ mở toang vào bên trong. Phía dưới cửa sổ, trên lớp cát ẩm ướt, lại hằn những vết chân người. Những vết chân đó hẳn là của một người nặng nề, còn những vết chân khác thì nhỏ hơn, hẹp, mũi giày chếch về phía trong.

- Trên bậc thềm có những vết giày khác, - Senga nói.

Anh ngó vào cửa sổ, huýt một tiếng rồi gọi:

- Này, bác ơi, cửa sổ nhà bác mở toang thì dễ bị cuỗm lắm đấy.

Không có tiếng đáp lại. Từ căn phòng lờ mờ tối tỏa ra một thứ mùi lờ lợ khó chịu.

Senga gọi to hơn rồi trèo lên bậu cửa sổ, rút súng lục ra và nhẹ nhàng nhảy vào phòng. Cả Taraskin cũng theo gót anh.

Căn phòng đầu tiên rỗng tuếch, ngổn ngang gạch vỡ, vôi vữa và những mảnh báo. Cánh cửa khép hờ dẫn sang nhà bếp. Tại đây, trên bệ đá có chụp sắt han gỉ, trên mấy chiếc bàn và ghế đẩu là mấy cái bếp dầu, lò nồi bằng sứ, bình cổ cong bằng thủy tinh và kim loại, hộp sắt tây và hòm kẽm. Một bếp dầu vẫn còn xèo xèo cháy nốt.

Senga lại gọi: "Này, bác ơi!" rồi lắc đầu, thận trọng mở hé chiếc cửa dẫn sang căn phòng tối lờ mờ bị những tia nắng lọt qua khe cửa cắt ngang.

- Ông ta kia kìa! - Senga nói.

Trên chiếc giường sắt ở cuối phòng có một người mặc quần áo đang nằm ngửa, tay vắt ra sau gáy và bị buộc chặt vào giát giường. Hai chân bị trói bằng dây thừng. Khoảng áo vét tông và sơ mi trên ngực bị rách nát. Đầu ngửa ra một cách thiếu tự nhiên, bộ râu thưa vểnh lên nhọn hoắt.

- Chà, bọn chúng ra tay mới khiếp chứ, - Senga vừa nói vừa xem xét con dao Phần Lan cắm ngập đến tận chuôi vào ngực người bị giết. - Anh nhìn này...

- Đồng chí Senga ạ, đây chính là kẻ đã đi thuyền đến đấy. Anh ta mới bị giết cách đây tiếng rưỡi đồng hồ là cùng.

- Anh hãy ở lại đây canh gác, không được động đến một thứ gì và không cho một ai vào hết. Anh hiểu chứ, Taraskin?

Vài phút sau, Senga gọi điện thoại từ câu lạc bộ:

- Cử ngay các đội công tác đặc biệt đến các nhà ga... Kiểm tra tất cả các hành khách... Cử các đội công tác đặc biệt đến khắp các khách sạn. Kiểm tra tất cả những ai trở về khoảng giữa sáu giờ rưỡi và tám giờ sáng. Cho một đồng chí đến trợ giúp tôi. Đem theo cả chó nữa.