Một khi say mê, ta sẽ thấy người thật nhẹ, chân hẫng khỏi mặt đất. Phải, cảm giác đang bay.
Hồi nhỏ, tôi thường mơ ước lớn lên sẽ là một nghệ sĩ cuồng nhiệt. Mỗi một lần nhìn thấy những ngón tay lướt như bay trên những phím dương cầm, những đường nét chuyển động, những màu sắc rung rinh, xem người ngâm thơ mắt ướt lệ, nhìn đống bản thảo chất chồng, tôi đều thấy bổi hổi trong lòng. Lúc đó tôi còn không hiểu nghệ thuật là gì. Chỉ bởi vì những hình thức đó tựa như những trận cuồng phong, thổi vào những lỗ chân lông, khiến cho tâm hồn nhăn nhúm được vuốt phẳng, khiến cho căn phòng cửa kín then cài biến thành dãy hành lang uốn lượn. Phải, từ trước khi tôi mê mẩn một loại hình thức nghệ thuật nào đó, tôi đã bắt đầu mê mẩn cái hình thức của nghệ thuật đó theo tưởng tượng của riêng mình. Giờ đây nghĩ lại, thuở nhỏ tôi là một đứa trẻ bướng bỉnh theo chút chủ nghĩa anh hùng với ham muốn được thể hiện chính mình. Tôi thích làm thời gian biểu cho từng tuần, từng tháng trong mỗi đợt nghỉ hè hay nghỉ đông. Rồi mỗi ngày trôi qua trống trơn không theo kế hoạch, tôi vẫn ngoan cố tiếp tục dán lên bảng tờ kế hoạch của hôm sau.
Quá trình khôn lớn giống như một trận sốt cao dai dẳng không hạ. Nó khiến ta nóng bỏng, chếch choáng, khiến ta không nhớ phải đi về đâu. Ngơ ngơ ngẩn ngẩn cất bước, bỗng chợt phát hiện, một chút chủ nghĩa anh hùng của mình bỗng biến đi đâu mất, ham muốn thể hiện cũng tan chảy. Hoá ra, cái gọi là “lý tưởng lớn lao” của mình chỉ là một ông người tuyết, đến lúc sẽ tan ra thành một vũng nước bẩn. Vâng, trong tuổi dậy thì của tôi, dường như không có một ước mơ lớn lao nào. Tôi chỉ sốt liên tục, buồn bã như một trận cảm virus. Có lẽ sáng tác văn học là một bệnh song hành với sốt cao. Một ngày tôi cảm thấy thế giới như rực rỡ hơn, bức tường lầm lỳ bỗng thành cánh cửa khép hở, mọi thứ bình, hộp rỗng ruột đều trở nên đầy ắp, có thể chưa bao giờ xảy ra, chúng chỉ sôi sục trong tim tôi. Tôi bị mê mẩn bởi thế giới của trí tưởng tượng trong đầu và dưới ngòi bút.
Khi cuốn sách kết thúc, tôi nghĩ ngợi xem nên để lại mấy lời thế nào, trong lòng bỗng hiện lên hai chữ Say mê. Trong thời điểm năm sắp qua, tôi cảm nhận thấy ý chí và niềm say mê của mình như huyết mạch mạnh mẽ, trở thành chứng cứ của Sự Sống. Năm nay tôi đã viết cuốn “Hoa thuỷ tiên trôi theo cá chép vàng“. Trong đó có sự say mê từ trong ký ức, trong tưởng tượng của tôi. Say có lẽ là tiểu thuyết, là bóng hình mà hoa thuỷ tiên ích kỷ đã yêu. Say mê có thể là Trầm Hoà đã theo đuổi không tiếc hy sinh, có thể là khát khao được ca ngợi của Mạn, là những dặn dò để lại của Ưu Di... là sôcôla, là căn hộ, là đường lữ hành, là những lời hứa, là tiếng thì thào bên tai, là cuốn nhật ký giãi bày, là con mèo nát rữa, là bước chạy trên phố giữa đêm, là khúc ca cổ ai oán, là những cáo biệt... Say mê như là nghiện, cũng là ma quỷ. Chỉ có một sợi chỉ mỏng manh phân tách giữa hai khái niệm, đáng tiếc là giới hạn đó không xác định, chỉ bao giờ bạn đã vượt khỏi giới hạn mới có thể nhận ra. Vì vậy, mỗi một sự say mê đều tiềm ẩn những nguy hiểm, và khả năng đổ vỡ.
Lại một mùa đông. Đến mùa đông tôi lại trở về Bắc Kinh. Cái lạnh lẽo phương Bắc khiến tôi cảm thấy có một âm thanh không thể thoát ra, cứ dội đi dội lại trong người, cho đến khi kết ngưng lại hình cái kén. Chúng ta thật dễ dàng thất vọng. Tôi tự hỏi, có thật mình cần nhiều ký ức đến như vậy không. Phải chăng nhất thiết phải ném mình trở lại với đoàn xiếc thú cũ xưa hết lần này đến lần khác, tỉ mỉ tẩn mẩn quét dọn mỗi góc tường của ký ức đều đặn như thực hiện thời khoá biểu. Cha tôi đọc sách của tôi xong, trong một lần đi công tác trở về, đã mua cho tôi một con giống nặn bằng bọt, rất giống với con giống cha đã mua cho tôi rất nhiều năm trước. Chuột Mickey không còn là con vật cưng của ông chủ bán con giống nữa, trông nó đã lỗi thời. Cũng như vậy đối với những gì tôi viết trong sách. Cha tôi quả thực đã làm gãy đầu con chuột trong thời gian tôi cãi cọ chống đối. Ông tưởng rằng tôi đã quên điều đó, nhưng tôi đã oán trách ông suốt mấy năm trời. Tôi vẫn tìm thêm những quan tâm yêu quý từ những chuyện hơi nhỏ nhặt như thế.
Nhưng ba nói với mẹ, ông không hề làm gãy con chuột, ông cảm thấy cũng bình thường. Có lẽ thế, có thể con mèo đó là Quỳnh tưởng tượng ra. Tất cả điều đó đều không phải là ước mộng của tôi. Quỳnh cũng không thuộc ký ức của tôi, đó là một cánh diều làm sau buổi trưa. Từ khi dây bị đứt, nó biến thành một chú bướm. Về sau khi rơi xuống nước, chúng biến thành bóng tôi dưới nước. Cũng có thể, cô ấy nằm bên bờ, nở thành một bông hoa thuỷ tiên rất to. Tôi không hề biết, nhưng tôi đã hứa cho cô ấy “một cõi đi về“.
Ngày 12 tháng 12
Cuốn tiểu thuyết được viết từ mùa xuân. Từ Xuân sang Thu, tôi vẫn không sao tìm được cho nó một cái tên vừa ý. Cứ vài ngày, tôi lại đổi cho nó một cái tên khác. Để rồi ngay lập tức đã thấy nó không “vừa vặn” cho lắm, lại phải đổi. Như thế cho đến tháng 9.
Ngày 18-9: Đọc một cuốn tạp chí Đài Loan, có dẫn một câu của Hồ Lam Thành: Thuỷ Tiên đã cưỡi chép vàng đi, hoa sen lệ đỏ trong đêm dài, chợt lòng buồn hiu hắt.
Ngày 27-9: Lại nhớ đến câu thơ đã đọc, hào hứng tìm đọc rất nhiều thứ liên quan đến nó. Câu thơ này xuất hiện đầu tiên trong thơ của Lý Thương Ẩn “Bản kiều hiểu biệt”: Thuỷ Tiên muốn cưỡi cá vàng đi, phù dung lệ đỏ đêm vô tận.
Ngày 30-9: Quyết định đặt tên cho cuốn sách là Thuỷ tiên đã cưỡi chép vàng đi. Bỗng có cảm giác mây tan nắng chiếu cả tâm hồn, dường như cái tên đó đã tìm đến với tôi. Chúng tôi đã gặp được nhau. Cái tên rất gần gũi với tôi, giống như đã biến thành một cái nốt ruồi, hay một nét chỉ tay.
Ngày 1-10: Hôm nay lật đống tư lệu xem mới phát hiện ra, cái nơi cá chép lắc mình vọt qua để hoá rồng, gọi là “Duyệt Thành“. Có lẽ nó đã nằm trong trang sách này, lặng lẽ đợi tôi lật ra.
Ngày 3-10: Tôi vẫn nhớ câu chuyện thần thoại Hy Lạp được nghe hồi trước: Chàng thiếu niên xinh đẹp Narcicuss không yêu bất kỳ cô gái nào, chỉ say mê bóng mình soi dưới nước. Cuối cùng chàng không kìm nổi, đã nhảy xuống nước làm bạn ngày đêm với bóng hình mình. Về sau, bên bờ hồ nở ra một bông hoa cô độc - hoa Thuỷ Tiên. Vì thế, hoa thuỷ tiên đại diện cho những người chỉ yêu chính mình. Sự si mê đó là một thứ bệnh. Nhưng câu chuyện đó không khiến tôi cảm thấy Narcicuss ngốc nghếch, chỉ thấy thật đẹp. Tôi nghĩ khi chàng thiếu niên nhìn thấy hình bóng mình, nhất định rất chăm chú, tựa hồ trên thế gian này ngoài chàng ta và cái bóng, không còn bất kỳ một thứ gì khác.
Ngày 4-10: Chỉ nói với một vài người về cái tên mình quyết định đặt cho cuốn sách. Tôi thử giải thích cho họ ý nghĩa của “Thuỷ Tiên” và “Cá chép” trong suy nghĩ của tôi. Nhưng tất cả đều hoài công vô ích, bởi chúng đã tạo nên một toà thành hư ảo trong tâm trí tôi. Tiên cảnh, đoàn xiếc tưng bừng, bút mực, cầu vồng, màu xanh ngọc và đá hoa cương...
Ngày 7-10: Tôi chỉ thích loại hoa chỉ có một thân, không rẽ nhánh. Thân hoa trơn tru, màu hoa thuần khiết. Chẳng hạn như hoa Calla Lyli, hay là Thủy Tiên. Thuở nhỏ tôi sống ở miền bắc Trung Quốc, hồi đó khí hậu lạnh hơn bây giờ đôi chút. Đón TẾt năm nào trong nhà cũng có hoa Thuỷ Tiên chở từ miền Nam lên. Trong nhà có lò sưởi, vì thế Thuỷ Tiên chẳng mấy chốc đã nở. Khi mới đến, chúng chỉ là những cục rễ hình thù kỳ dị xấu xí, trông bình thường như mấy củ khoai tây cỡ lớn. Lên lớp Bốn, tôi được biết trong rễ Thuỷ Tiên có chất cực độc, có người nhầm là khoai tây ăn vào chết luôn. Đó là cô bạn cùng lớp kể cho tôi hay. Cô ấy còn nói nếu cha cô còn tiếp tục đánh đập mẹ, cô sẽ nấu thứ củ đó cho ông ta ăn. Về sau cô ấy chuyển trường, tôi không biết cô ấy đã làm như thế nào, nhưng hễ nhìn chăm chú vào rễ Thuỷ Tiên, tôi lại rùng mình, những câu nói độc địa củ cô bạn dường như lại vang lên.
Ngày 11-10: Hôm nay, khi đang viết, bỗng nghĩ tới cô bạn tên E. E đã từng tự tử, cô ấy bỗng nhiên kể với tôi như vậy, trong một ngày mùa đông. E đã có một thời thiếu nữ rất “thoát tục”, cô là một nữ punk - “chọc ngoé” siêu hạng. Về sau, E quyết định đoạn tuyệt với quãng đời điên cuồng, hoang tưởng ấy. E yêu hoa Thuỷ Tiên, cô dùng chiếc kéo cha cô vẫn sử dụng để sửa gốc thuỷ tiên để tự cắt động mạch mình. Sau khi được cứu sống, cô ấy không còn một chút nào hình ảnh của một dân punk, cũng không bao giờ thích hoa thuỷ tiên nữa. Thậm chí, tôi còn nhớ cô ấy thấy máu là ngất, nên cũng rất nghi ngờ tính xác thực trong câu chuyện của cô ấy. Có thể đơn giản trở thành dân punk là một ước mơ của E. Nhưng dường như chính tôi đã kế thừa lại sở thích mà cô ấy nói đoạn tuyệt, tôi bắt đầu yêu hoa thuỷ tiên và bắt đầu chăm sóc chúng. Về sau trong tiểu thuyết của tôi có một cô bé, lấy việc thái vụn những gốc thuỷ tiên làm vui. Cô tên là Tiểu Nhiễm.
Ngày 12-10: Căn cứ vào lịch hoa của Trung Quốc thời xưa, tháng 11 ứng với hoa Thuỷ Tiên. Thuỷ Tiên chính là Lạc Thần.
Ngày 15-11: Lại nhớ về hình ảnh tương lai được vẽ ra bởi một bạn trai trong lớp hồi nhỏ. Cậu ta làm mình nhớ nhung không ít. Cậu ấy nói chúng tôi sẽ đến sống ở một nơi ẩm ướt, có rong rêu và những con cá vàng. Thế giới của Thuỷ Tiên và Cá Chép dường như còn đẹp hơn cả tiên cảnh trong lời hứa của cậu bạn.
Ngày 19-10: Tôi viết tiểu thuyết đoạn đi Lệ Giang, ra sông thả cá chép. Cảnh ấy cực đẹp, cực dịu dàng, bình yên. Đoạn này tôi viết đi viết lại, cảm thấy như đã về đó rất nhiều lần.
Ngày 23-10: Tiểu thuyết sắp đến đoạn kết. Thuỷ Tiên tự yêu mình, ích kỷ nhưng thực tế trong truyện chỉ có chiếc bóng rất mờ nhạt. Còn tôi luôn muốn Quỳnh vững vàng trong cô đơn, không dựa vào bất kỳ ai, và còn có dáng vẻ của hoa thuỷ tiên, say mê chính hình bóng mình, chìm đắm trong thế giới cô độc của mình. Có lẽ điều đó với Quỳnh quá nghiệt ngã. Nhưng tôi muốn Quỳnh là hình mẫu của nhiều cô gái, hình mẫu của chính tôi. Phải, nhất định phải thế.
Ngày 24-10: Hoa thuỷ tiên một cánh gọi là “Kim Trản Ngân Đài“. Thuỷ tiên cánh kép gọi là: “Ngọc linh lung“.
Ngày 29-10: Đọc trên mạng một bài về tình yêu đẹp giữa một nhà thơ nữ và ông chồng cũng nổi tiếng chẳng kém - chuyện tình thậm chí còn đẹp hơn thơ ca của họ. Trước đó, tôi cũng biết sơ sơ về bi kịch tình cảm giữa họ: Sylvia và Ted Hughes yêu nhau tha thiết, nhưng cuối cùng không thể ở bên nhau. Plath đã tuyệt vọng vì Hughes thay tình đổi nghĩa, đã tự kết thúc đời mình. Hughes sống phần đời còn lại trong sự ghét bỏ của mọi người và sự hối hận của chính mình. Mấy hôm nay bỗng tìm được những tư liệu về họ, lại đọc những bài thơ Hughes viết sau khi Plath chết: “Sinh Nhật”, tôi lại đọc một số lời của Plath. Bà quả là một người phụ nữ đầy áp lực đối với người khác, chẳng bao giờ đem lại cho người ta niềm vui hay hy vọng. Trong sâu kín của bà là sự điên dại, u uất. Bà khiến người ta chìm nghỉm trong gió bão trăm ngàn mối... Tôi kinh ngạc nhận ra, câu chuyện về Plath rất phù hợp với Tùng Vy trong tiểu thuyết của tôi. Trước đó tôi vẫn phân vân có nên sắp xếp để Tùng Vy “đi về một cõi” như vậy, phải chăng sẽ quá khắc nghiệt... nhưng bi kịch của Plath có khác gì một kết quả đã sớm được chôn xuống đó. Họ đều là những phụ nữ quá đỗi mãnh liệt, không còn cách nào khác, ngoài một sự huỷ diệt đẹp đẽ đến ma quái.
Ngày 30-10: Một đoạn thơ của Hughes, khóc người vợ quá cố Plath:
Em ngồi trong đám thuỷ tiên
Dáng em ngây thơ và lãng mạn
Như em đã viết bên tấm ảnh
Lãng mạn ngây thơ hoa thuỷ tiên.
Nắng dịu dàng trên khuôn mặt em
Như thuỷ tiên Tháng tư nở rộ
Em ngồi giữa hoa với sinh linh bé bỏng
Trên cánh tay nâng, như một búp bê xinh
Vài tuần tuổi - bước vào sự diệu kỳ trong tấm ảnh
Người mẹ hiền và đứa trẻ - bên em
Cô con gái yêu đang mỉm cười với mẹ
Chỉ có hai người - Như một bông thuỷ tiên,
Em cúi nhìn con, nói điều gì?
Trong máy chụp hình, lời em đã biến tan.
Ngày 1-11: Cậu bạn Mã Lương đã đi một nơi ở Giang Nam - không xa lắm so với Thượng Hải. Cậu ấy chụp cho tôi những tấm ảnh về Thuỷ Tiên.
Ngày 29-11: Tiểu thuyết đang được sửa đi sửa lại, bởi tôi vẫn thấy ý tứ chưa dứt. Vương quốc của Thuỷ Tiên và Cá Chép, sẽ chẳng bao giờ quên được.
Ngày 4-12: Hôm nay tôi lại mơ thấy cá chép. Mẹ nói đó là điềm lành. Con chim không chịu ngừng nghỉ, dừng trên cây này một chút, lại nghỉ trên cây kia một tẹo, không thèm đếm xỉa đến bất kỳ sự níu kéo của một cái cây nào.
Hết