Cuối tháng Mười hai, Trầm Hoà đưa Quỳnh đến thăm Tùng Vy. Anh bảo Quỳnh, Tùng Vy ở ngay trong thành phố. Lúc sắp đi, Trầm Hoà dặn dò không được nói với Tùng Vy chuyện Dật Hán đã chết, bà ấy không hề biết điều đó.
Quỳnh ngỡ ngàng: “Nếu bà ấy ở ngay trong thành phố, tại sao không đến thăm Lục Dật Hán? Hoặc nếu Dật Hán đã chết trước, thì khi trở về đây bà cũng phải nghe nói rồi chứ“.
Trầm Hoà lắc đầu: “Bà ấy không chịu đựng nổi đìêu này đâu. Em phải nhớ, không được nói“.
Quỳnh đồng ý.
Tùng Vy là người như thế nào nhỉ? Trong tưởng tượng của Quỳnh, đó là một thiếu nữ như trong tấm ảnh của Dật Hán. Đã mười mấy năm, Tùng Vy không hề xuất hiện. Trong những cuốn sách sau này của bà cũng chỉ phác lên một cách sơ lược một góc nhìn nghiêng về một phụ nữ đầu tóc rối loạn, xương mũi lộ cao, khoé mắt dài. Nghe nói người như thế rất xét nét. Cô ấy mặc chiếc áo cổ cao, bởi vì cổ của cô cao rất đẹp. Cô ấy thần bí, ẩn hiện mờ ảo.
Chẳng ai biết Tùng Vy đang ở đâu, có phải đã lập gia đình. Cuộc sống của Tùng Vy như thế nào? Quỳnh tưởng tượng ra rất nhiều khả năng. Cô đoán Tùng Vy chưa lấy chồng, sống một mình ở nước ngoài. Trong đầu cô luôn có hình ảnh Tùng Vy mặc áo khoác dài chấm gót màu xám nhạt, tóc buộc lỏng trên đầu, gương mặt trắng xanh, đi đôi giày gót cao và nhọn bằng da hươu, đạp trên thảm lá dày cuối thu, đi qua những quảng trường của châu Âu, phía sau cô ấy là đàn chim câu bay lên. Quỳnh nghĩ chỉ có Tùng Vy mới có thể đi trong cô độc một cách trầm tĩnh như vậy.
Ngày đi thăm Tùng Vy, Quỳnh hết sức hồi hộp. Mặc dù bà là cái rãnh sâu ngăn cách giữa cô và Trầm Hoà, khiến cô thầm buồn mình chỉ là vật mô phỏng của Tùng Vy, nhưng cô vẫn rất mực kính trọng bà, say mê bà. Đúng vậy, cô cảm thấy Tùng Vy là một điều bí ẩn đẹp đẽ, nếu mình là đàn ông, chắc chắn mình sẽ yêu Tùng Vy.
Ngày mùa đông, Quỳnh theo Trầm Hoà đi gặp Tùng Vy. Khi sắp đến nơi, Quỳnh tưởng Trầm Hoà bị thần kinh. Bởi vì Trầm Hoà đưa cô đến một trại điều dưỡng ở chân núi ngoại ô thành phố. Trầm Hoà nói với Quỳnh, Tùng Vy ở đây. Quỳnh dường như không tin vào tai mình. Thần tượng bao năm nay của mình lại ở trong một bệnh viện tâm thần, là người khi lên cơn sẽ bị giam vào trong phòng có những song sắt, là một phụ nữ không thể tự chăm sóc mình!
Trầm Hoà dẫn Quỳnh đi qua dãy hành lang u ám, Quỳnh nhìn thấy xung quanh nhiều phụ nữ tóc tai rối bời đang cười với cô, còn tiến tới sờ đầu tóc cô. Một hộ lý vội vã chạy lại, tóm lấy bệnh nhân kia, bóc quýt cho cô ta ăn mới dỗ dành được cô ta về phòng mình. Lúc này Quỳnh dường như không thể tưởng tượng nổi. Trong đầu cô, Tùng Vy thanh nhã, sống cuộc sống tiêu dao thoát tục, chẳng hạn như du sơn vãn thuỷ, uống trà đọc sách.v.v... Cô chỉ cảm thấy bầu trời quá thấp, một vật rất nặng nề đang áp xuống rất gần. Cô không tưởng tượng được điều gì ở đằng sau những lối rẽ kia. Liệu có lại xông ra một người điên nào đó... Những điều này liên quan thế nào với Tùng Vy đây? Tùng Vy ở đây thật sao?
Trầm Hoà không nói gì, chỉ kéo Quỳnh đi tiếp.
Mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ hơn, nếu thời gian quay trở lại, Quỳnh nhất định sẽ chọn cách rút lui, không đi thăm Tùng Vy nữa. Bởi hình ảnh thanh cao vẫn sống trong tâm trí cô không thể nào đồng dạng với thực tế trong một trại tâm thần. Cô hiểu rằng dù mình nhìn thấy, cũng khó lòng chấp nhận được, vậy tại sao lại phải gặp.
Nhưng dù gì thì gì, bà đã từng là thần tượng của cô từ thời niên thiếu, đó là người phụ nữ mà Dật Hán đã yêu, đó cũng là người làm Trầm Hoà rung động. Vì vậy Quỳnh quyết định gặp Tùng Vy.
Trên hành lang chật hẹp ở tầng hai, họ dừng lại. Ở đó, Quỳnh đã nhìn thấy Tùng Vy. Hôm đó là ngày cuối cùng của tháng 12, bệnh viện đang làm vệ sinh, cắt tóc cho bệnh nhân, thay áo mới. Tùng Vy ngồi giữa căn phòng gió lùa, ngoan ngoãn để cho hộ lý đứng sau lưng cắt tóc cho mình. Trông bà thật tiều tuỵ, nhầu nhĩ. Mặc chiếc áo đơn dài xám xịt, cổ để hở, bên trong lộ ra một chiếc áo nhung. Chiếc áo nhung dường như đã theo bà nhiều năm tháng, không còn sự mềm mại. Bà không biết lạnh, gấu quần xắn cao, để lộ đôi chân hằn những đường gân xanh. Bà để chân trần, dẫm trên nền nhà lạnh ngắt. Gót chân trơ xương, lồi khối, méo mó như cung nữ bó chân trong cung đình thời phong kiến. Mớ tóc khô xơ như bó củi. Đôi mắt vô thần, quầng mắt xanh đậm nổi bật, xung quanh mắt là vô vàn những nếp nhăn chồng chéo. Năm đó Tùng Vy chỉ khoảng hơn bốn mươi tuổi, còn trẻ hơn Mạn vài tuổi, nhưng già nua hơn Mạn rất nhiều. Khi y tá vén mái tóc trước trán lên, Quỳnh nhìn thấy bao nhiêu mạch máu xanh như những con giun đất ẩn hiện dưới làn da nhão nhệu. Cánh tay đã viết ra những cuốn sách nổi tiếng trông kỳ quái và gầy khô như những que xăm để xem bói trong đền miếu. Trong phòng có tiếng ca khúc “Hà nhật quân tái lai” của Đặng Lệ Quân, phát ra từ một chiếc đài cũ rách. Âm thanh đầy những tiếng lạo xạo, lại còn xen kẽ những lời chúc mừng năm mới của người đọc chương trình. Quỳnh nhíu mày, cảm thấy cái lạnh của mùa đông tập trung hết vào ngày hôm nay, cô đang lạnh buốt.
Đây là thần tượng của Quỳnh bao năm nay sao? Đây là người khiến Lục Dật Hán và Trầm Hoà đều say mê hay sao? Quỳnh rùng mình.
Tiếng đài ngừng một lúc lại tiếp tục bài hát “Hẹn nhau sau hoàng hôn” của Đặng Lệ Quân. Quỳnh thấy Tùng Vy ngồi thẳng đơ giữa căn phòng, cười ngơ ngác. Chắc là bà rất thích bài hát này.
Lời hát ngọt ngào: “Ngày trăng tròn năm xưa, đèn lồng chợ hoa đỏ, Trăng lá liễu ngang đầu, người hẹn sau hoàng hôn...”
Quỳnh cảm thấy trên thực tế Tùng Vy như một kẻ đào ngũ. Bà nấp mình vĩnh viễn trong một cõi của ký ức, chìm đắm trong cái “ngày trăng tròn năm xưa“. Lúc này, Quỳnh thấy dường như Tùng Vy đã lừa dối mình, lừa dối tất cả mọi người. Bà đã dùng tiểu thuyết của mình để xây dựng lên cả một toà thành trì nguy nga tráng lệ. Còn trong thực tế, những thứ đó đều là hư cấu, là một sự lừa dối vĩ đại. Hóa ra điểm xuất sắc nhất của Tùng Vy là khả năng sáng tác, bà là một bậc thầy về những câu chuyện huyền thoại.
Quỳnh nói với Trầm Hoà: “Em cảm thấy tất cả điều này như một sự lừa dối“.
Trầm Hoà hỏi: “Vậy ai đã lừa dối? Tùng Vy? Hay chính là trí tưởng tượng của em?“.
Quỳnh lắc đầu đau khổ: “Trầm Hoà, em không hiểu. Khi chưa gặp bà, em cảm thấy ghen tỵ, bởi vì bà là tình yêu của chú Dật Hán, bà khiến anh phải kính trọng, yêu quý. Nhưng bây giờ nhìn thấy cảnh này, chỉ càng thấy đau khổ. Anh biết không, em đau khổ... Thà là bà ấy hoàn hảo tuyệt đối, thà để em ghen tỵ, em không muốn phải thương hại bà ấy“.
Trầm Hoà nắm chặt tay Quỳnh: “Trước khi dẫn em tới đây, anh đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Không phải đơn giản để bảo vệ Tùng Vy, còn vì anh biết em sẽ thất vọng. Em đã coi bà ấy là đối thủ, là mục tiêu... Nhưng anh cũng hy vọng em có thể thấu hiểu, và không nên giống bà ấy“. Quỳnh gật gật đầu, đứng lại bên ngoài nhìn Trầm Hoà bước vào. Trầm Hoà tiếp nhận lược và kéo từ tay hộ lý, ra ý anh sẽ cắt tóc cho Tùng Vy. Trầm Hoà nhẹ nhàng nghiêng người, chải gọn tóc phía sau đầu Tùng Vy, vừa chải vừa hỏi:
“Chị vứt giày đi đâu rồi?” Giọng của anh như người ta dỗ trẻ con sáu, bảy tuổi. Tùng Vy rõ ràng tỏ ra rất quen thuộc với Trầm Hoà, lắc đầu thật mạnh. Trầm Hoà không thể tiếp tục cắt tóc. Tùng Vy kêu: “Có rắn, có rắn, vừa mới có rắn ở đây, tôi đang đánh rắn...“.
Trầm Hoà vuốt tóc Tùng Vy, bảo cô ngồi ngay ngắn: “Đừng sợ, không có rắn nữa. Chị quên rồi à, lần trước hai chị em mình đã hợp sức đánh chết con rắn rồi. Chị không cần ném giày để đuổi rắn nữa đâu. Để chân trần như thế này sẽ làm rắn tìm đến đấy“. Trầm Hoà giả vờ căng thẳng để doạ Tùng Vy, bà kêu lên một tiếng thất thanh, co hai chân lên thật cao, người ngả ra đằng sau. Tùng Vy mất thăng bằng, cả người nghiêng đổ vào Trầm Hoà. Trầm Hoà ngã ngồi ra nền nhà, cố sức đỡ cho Tùng Vy. Hộ lý vội vàng giúp Tùng Vy ngồi dậy, Trầm Hoà mới đứng lên được, nhưng không hề tỏ ra bực bội. Anh nhẫn nại tiếp tục chải tóc cho Tùng Vy. Cứ thế trắc trở nhiều lần mới cắt tóc xong. Anh tìm khắp nơi, vẫn không thấy giày đâu. Trầm Hoà bèn theo hộ lý đi nhận đôi giày mới. Anh vừa ra khỏi cửa, Quỳnh đã phát hiện ra giày bị Tùng Vy nhét vào trong áo. Khi Tùng Vy đứng dậy, sau lưng lồi lên hai khối hình thoi. Cô vừa định gọi Trầm Hoà, lại thấy Tùng Vy ngồi ra đất, nhặt tóc mình nhét vào mồm, vừa nhét vừa kêu: “Ở đây có nhiều nấm, hái nấm...“. Quỳnh thất kinh, vội xông vào cản tay Tùng Vy. Không ngờ Tùng Vy thấy Quỳnh lạ, liền kêu la thất thanh. Bà vừa kêu, vừa rúm người lại, run lẩy bẩy. Bà ngã bò ra nhà, không kịp đứng dậy, liền bò vội vào góc tường. Trông tình cảnh đó không khác gì người nguyên thuỷ. Quỳnh sững người không biết phải làm sao. May mà Trầm Hoà kịp thời quay lại, chạy tới an ủi bà.