Lại nói về Trầm Hoà. Năm ấy Trầm Hoà ngồi trong phòng khách nhà số 3 phố Đào Lý. Anh là khách của Dật Hán, là biên tập sách cho Tùng Vy. Quỳnh không còn nhớ rõ hình dạng lúc đó của Trầm Hoà, chỉ nhớ anh ta gầy hơn sau này rất nhiều. Trầm Hoà và Dật Hán vốn xuất thân từ cùng một trường đại học. Lục Dật Hán tốt nghiệp khoa nghệ thuật, Trầm Hoà tốt nghiệp khoa văn. Hai người vì vậy trở nên thân thiện hơn. Họ trò chuyện chậm rãi vô cùng. Trầm Hoà tuy trẻ nhưng già dặn, trò chuyện với Dật Hán có phần ăn ý. Nói nhiều nói ít không còn là điều quan trọng. Còn nhớ lần ấy, cả hai người hầu như không nhắc tới Tùng Vy, chỉ nói những chuyện bâng quơ đại loại như đi du lịch. Trầm Hoà kể chuyện mới đi Tây Tạng, Vân Nam cùng vài người bạn. Vai đeo ba lô to tướng, đi bộ rất nhiều ngày đường, anh từng được xem nghi lễ thiên táng rùng rợn. Đến bây giờ, đi Vân Nam, Tây Tạng du lịch đã thành chuyện "đời thường". Nhưng lúc đó, khoảng mười năm trước chuyện đi Tây Tạng có ít nhiều dáng dấp của hào khí anh hùng. Hồi đó, đối với người mới trưởng thành như Trầm Hoà, là cả một sự đáng tự hào khi ngâm nga bài hát "Trở về Lhasa". Lục Dật Hán cười nói với Trầm Hoà, tôi rất ngưỡng mộ cậu, nếu tôi cũng trai tráng như cậu, tôi cũng sẽ đi đến những nơi rất xa, không vướng bận bất cứ điều gì. Trầm Hoà không đồng tình: bây giờ cũng vẫn đi được chứ sao, chỉ cần trái tim vẫn còn trai tráng là được. Có lẽ cả hai đều không đồng ý với nhau, nhưng đều cười.
Quỳnh mười bốn tuổi, chưa từng rời khỏi thành phố này. Cô nghe Trầm Hoà kể chuyện du lịch li kì, không nén được hỏi, nơi đó rất xa phải không, rất khó đến phải không, người bình thường có đi nổi không, em có đi được không?
Được chứ, chỉ cần toàn tâm toàn ý, là có thể trở thành một nhà lữ hành. Trầm Hoà trả lời. Trông anh ta đầy sức sống, dường như sức lực trong người anh ấy dùng mãi không hết.
- Đến khi lớn lên, để anh Trầm Hoà đưa cháu đi du lịch Tây Tạng nhé. Lục Dật Hán mỉm cười nói với Quỳnh.
- Thật không ạ? Quỳnh xoay đầu hỏi Trầm Hoà.
- Ừ, được chứ sao không. Trầm Hoà nói.
Thực ra Quỳnh đang nghĩ được đi du lịch cùng Dật Hán. Trong đầu Quỳnh, "đi Tây Tạng" với "thám hiểm" có cùng một nghĩa. Trong óc Quỳnh hiện lên hình ảnh con ngựa to lớn và thảo nguyên mênh mông, cô ngồi phía trước Dật Hán, Dật Hán ra roi cưỡi ngựa, ôm cô từ phía sau. Cô cảm thấy rất an toàn. Họ dõi tầm mắt ra vô cùng, nhìn thấy ánh hoàng hôn nơi chân trời mùa thu rực rỡ. Trí tưởng tượng của Quỳnh chỉ dừng lại được ở đó, không nghĩ ra thêm được gì, nhưng cảm giác ngọt ngào thì cô đã cảm nhận được.
Quỳnh của tuổi thiếu niên luôn cảm thấy, Trầm Hoà và Dật Hán có những điểm tương đồng. Họ có thể trở thành bạn tốt, nhưng rồi không biết tại sao, giữa họ như luôn có một cái gì đó ngăn cách, không thể lại gần nhau hơn.
Gia đình Trầm Hoà thuộc loại phong lưu, không phải lo lắng chuyện ăn ở. Nhờ thế anh ta mới có thể không tiếc công sức lần tìm Tùng Vy, xuất bản sách cho cô. Không phải anh ta tin vào con mắt đánh giá của mình, chỉ vì anh thích tác phẩm của Tùng Vy. Trầm Hoà sinh vào những năm 70, cũng giống nhiều thanh niên của thời đại ấy, phương thức tiếp cận sự việc của họ bắt đầu bằng sự kén chọn, phản đối và căm ghét. Sở thích của Trầm Hoà rất hẹp, bất luận là về người hay sách. Lúc mới đến làm ở nhà xuất bản, phải đọc tất cả những bản thảo chồng hcất từ trước đến nay và mấy cuốn sách đã xuất bản, anh ta cảm thấy rất khổ sở. Theo anh, mấy cuốn sách đó quá tệ. Trưởng phòng biên tập của anh là một phụ nữ gầy nhỏ, đã buồn bã bảo với cậu rằng: người như cậu không phù hợp với nghề biên tập đâu. Nhưng Trầm Hoà hiểu rằng, ngụ ý của bà ta là cậu không thích hợp làm trong phòng biên tập dưới quyền bà, vì sẽ gây trở ngại cho mọi người trong p hòng. Nhưng rồi chẳng ai ngờ rằng, người bị đánh giá là sẽ gây trở ngại ấy, hơn một năm sau đã biên tập một cuốn sách gây xôn xao dư luận. Sự hợp tác giữa Trầm Hoà và Tùng Vy đã bắt đầu từ đó. Có thể nói, sức sáng tạo của Tùng Vy được đánh thức bởi Trầm Hoà. Sau "Bóng thuỷ tiên", cô đã viết liên tục mấy cuốn tiểu thuyết nữa. Cuốn sau luôn có rất nhiều thay đổi so với cuốn trước. Dưới ngòi bút của cô, phụ nữ luôn lấp lánh sáng ngời. Những nhân vật đó không giống nhau. Người thì dịu dàng yếu đuối, người hào sảng hiệp khí, người điên cuồng dị dạng, bạo lực giết chóc, quỷ ám... chẳng thiếu kiểu gì. Các tác phẩm của cô rực rỡ như hoa nở rộ, nhưng điều khiến người đọc tò mò hơn cả là Tùng Vy sống như thế nào đằng sau những câu chuyện đó. Nhưng Trầm Hoà chỉ yên lặng, giữ tin tức kín như bưng.
Việc sáng tác của Quỳnh cũng bắt đầu từ lúc ấy. Viết lách tựa như một năng lực tiềm ẩn bên trong người Quỳnh đã im lặng suốt mười năm qua, đến đây bỗng bị Tùng Vy đánh thức.
Lục Dật Hán mua cho Quỳnh và bé Trác mỗi người một quyển sổ ghi nhật ký thật dày, có kẻ ô li. Cuốn của Quỳnh kẻ ô li màu đỏ tím và màu đen. Cuốn của Trác màu xanh lam và xám nhạt. Quỳnh tiếc rẻ, không nỡ dùng để ghi nhật ký. Quỳnh không thích cô giáo sẽ dùng bút đỏ ghi chữ "đã đọc" cùng với những câu nhận xét vô thưởng vô phạt vào cuốn nhật ký của mình. Vì thế, cô quyết định viết vào một cuốn vở kẻ ô màu vàng nhạt. Về sau, đến một trưa ngày nóng bức, Quỳnh ngủ mơ thấy bà nội. Bà đứng bên bếp lửa bóc tỏi. Dáng điệu bà có gì đó chẳng lành, cứ lặp đi lặp lại liên tục mà không sao dừng được. Tay bà nhanh thoăn thoắt, như những người máy trong dây chuyền sản xuất. Nhưng chân của bà lại cơ hồ đứng không vững nữa, người bà bắt đầu nghiêng ngả hai bên. Mỡ trong nồi bắt đầu nóng sôi, nhưng có vẻ như bà không hề nhìn thấy. Quỳnh biết bà sắp ngã ra đến nơi, cô gào khóc: Bà ơi, bà ơi, bà làm sao thế. Nhưng bà vẫn không đứng yên được, cả người càng chao đảo mạnh hơn. Quỳnh cảm thấy bà sắp đổ xuống, như một thân cây bị phạt gãy.
Tỉnh dậy, Quỳnh vẫn gọi bà, miệng khô khốc: "Bà ơi, bà làm sao vậy?".
Quỳnh nhỏm vậy, mồ hôi vã ra. Cô không biết làm sao để kiềm chế cảm xúc. Cô bật dậy muốn chạy ra khỏi phòng. Nhưng cô bỗng nhìn thấy cuốn nhật ký bên gối, các ô li màu tím đỏ. Cuốn nhật ký giống như một căn phòng trống thâm u đang hút lấy Quỳnh. Cô quay lại giường, cầm cuốn nhật ký lên. Cô ôm lấy nó, tựa như ôm lấy đứa con riêng của mình. Trái tim Quỳnh áp chặt lên đó, cảm giác như cuốn sổ cũng đang đập thình thịch, nhịp nhàng chia sẻ với nhịp đập từ trái tim cô. Sự xuất hiện của cuốn sổ bỗng làm cho Quỳnh trấn tĩnh. Cô bước tới trước bàn viết, ngồi xuống và lật cuốn sổ ra. Cô chọn cây bút màu xanh nhạt mình thích nhất, quyết định viết lên đó những dòng từ trái tim.
Suốt buổi chiều, Quỳnh ngồi lặng lẽ trước bàn, tay cô cầm chặt cây bút xanh và viết mãi không thôi. Đến chập tối, cô đã viết được khoảng năm ngàn từ, đầu đề là "Bếp của tình yêu". Quỳnh quyến luyến với tình yêu của bà nội trong bài viết ấy. Cô hồi tưởng lại những việc nhỏ bé nhất bà đã dành cho cô, cô nói về cả cái chết của bà. Khi viết đến đoạn bà nội bị bỏng ở chân đã bật khóc lên như một đứa trẻ tủi thân, Quỳnh cũng áp mặt lên bàn khóc rưng rức. Khi bà chết, cô cũng không khóc đến như thế. Nước mắt làm nhoè những con chữ màu xanh nhạt. Những câu chuyện đã qua bỗng chốc như những hàng chữ bị ướt kia, lồi lõm hiện về. Về sau, Quỳnh mới hiểu ra, khi cô chìm đắm trong văn chương, cảm xúc của cô mạnh mẽ hơn trong cuộc sống bình thường. Viết xong, Quỳnh chợt cảm thấy nhẹ nhõm chưa từng có. Cô đi tắm nước nóng, rồi ăn tối cùng mọi người. Sau đó về phòng làm bài tập. Hôm đó cô rất tập trung. Đêm đến cô ngủ thật say, không hề thức giấc ăn uống. Mọi thứ trở nên bình thản và hài hoà đến bất ngờ. Quỳnh dường như không dám tin, đó là những thay đổi mà năm ngàn từ kia mang lại cho cô. Chúng đổ ào ra, khiến cô đạt được sự bình yên chưa từng có trong đời.
Sớm hôm sau, Quỳnh ngồi bần thần bên cạnh giường. Rồi bỗng nhảy phắt xuống, chạy tới bàn viết để xem cuốn nhật ký. Nó vẫn nằm nguyên ở đó, những chữ viết cũng vẫn còn nguyên ở đó, toả ra một nỗi niềm ai oán nhè nhẹ. Quỳnh nhét chúng vào cặp sách, mang đến trường. Đó là lần đầu tiên, viết lách mang lại cho cô một niềm sung sướng tựa như bay lên chín tầng mây. Từ đó, dù đi đâu, Quỳnh cũng mang bên mình cuốn nhật ký. Quỳnh viết vào trong đó hết câu chuyện này đến câu chuyện kia, về ba cô, về ngôi nhà trước đây, về ngôi trường tiểu học, cả về bé Trác và chú Lục Dật Hán.
Nhưng Quỳnh chưa bao giờ đem cuốn nhật ký cho người khác xem. Cô viết ra những chuyện đó chỉ để giúp mình thấy dễ chịu hơn.
Mãi rất lâu sau, Trác mới nói với Quỳnh rằng, cậu đã lẻn vào phòng Quỳnh, thấy cuốn nhật ký của Quỳnh cậu đã không nén được tò mò mở ra. Trác nói điều đó khi Quỳnh đã học xong cấp II. Họ ngồi ăn kem trong một quán giải khát chật chội. Trác bỗng nhiên xin lỗi Quỳnh. Cậu bảo, có một chuyện em vẫn mong được chị tha thứ. Quỳnh hỏi: Sao lại thế? Trác nói, em đã xem cuốn nhật ký của chị. Quỳnh nhìn cậu, không sao nói được, cũng chẳng biết nên trách cứ cậu như thế nào. Trác tiếp tục nói chân thành.
- Chị nhỏ ơi, em thấy những câu chuyện đều hấp dẫn quá. Chị có năng khiếu viết văn.
- Nhưng chị chưa bao giờ nghĩ thế. Quỳnh trả lời lí nhí. Dẫu sao đến giờ nghĩ lại, chính Quỳnh phải cảm ơn Trác. Cậu chính là người đầu tiên trên đời này khen Quỳnh viết hay. Quỳnh không bao giờ quên cậu ta cầm cuốn nhật ký của Quỳnh, đôi mắt rạng rỡ, và bảo rằng những câu chuyện đó thật là hấp dẫn.
Tuy nhiên, sự thật không hẳn như vậy, Quỳnh quả đã từng nghĩ rằng mình sẽ viết mãi không ngừng. Bởi vì đó là công việc duy nhất mà cô thấy ưa thích.
- Sau này sẽ là thành một cuốn sách. Trác sờ mó cuốn nhật ký của Quỳnh, nói quả quyết.
Sách? Quỳnh ngẩng đầu, ngỡ ngàng nhìn Trác. Cô nghĩ tới Tùng Vy. Cô ấy giống như một nàng công chúa ngụ trong toà lâu đài xa xôi, thật cao sang. Quỳnh không biết phải nỗ lực đến thế nào, phải mất bao nhiên thời gian mới có thể có được vị trí như Tùng Vy hiện tại. Tương alị, đó là con đường mịt mù tăm tối, Quỳnh không đủ dũng cảm để mang đến cho nó những ước vọng tươi đẹp. Còn bây giờ, ở tuổi mười lăm, cô chẳng có gì cả, bài tập vẫn làm, không đúng hết, cũng chẳng sai cả. Cô không có bạn thân. Điều đáng nói nhất, là cô vẫn còn bệnh ăn cuồng, như một đứa chết đói. Lúc này Quỳnh đã biết lẩn trốn, cô sợ hãi tất cả những cái cân. Cô nhạy cảm với những từ như "lợn", "lợn béo", "gấu" v.v... Cô gắng sức để những bộ váy liền áo thắt eo nhỏ mới ra năm nay không thu hút ánh mắt mình.
Nếu được, Quỳnh muốn tìm một căn nhà tự giam mình lại. Cô sẽ ở trong đó đọc sách và viết lách, mơ mơ màng màng cả ngày. Vĩnh viễn cô không bao giờ phải nhìn thấy những kẻ vẫn hay coi khinh và chế giễu cô ở ngoài kia.