Từ trước đến giờ tôi vẫn không thể hiểu nổi cái thứ tình yêu cao thượng theo kiểu "Hạnh phúc là buông tay để người mình yêu được tự do bên người họ thực sự thuộc về". Ủa, hạnh phúc gì kỳ khôi vậy? Người mình yêu mà không hạnh phúc bên mình thì nhắm còn ai có thể làm họ hạnh phúc hơn? Ngoại trừ mình ra thì họ đi yêu ai cũng là sai tét bét, sai từa lưa, sai hết thuốc chữa!
Hôm nọ, cậu em nhạc sĩ gửi demo bài hát mới, bảo "viết riêng tặng anh", trong đó có câu "Anh sẽ chọn về mình xót xa để em có người ta...". Tôi mới lắc đầu, không đâu, anh không phải kiểu người đủ thánh thiện thiên thần mà đóng vai cao thượng nhường nhịn cam chịu nọ kia. Tự tay dâng tình mình cho một yêu thương khác là chuyện ngu xuẩn nhất của con người.
Tôi đã luôn nghĩ, một cách ít kỷ, như vậy. Cho đến khi...
Mãi tới hôm nay, xem một 0him hoạt hình cho con nít thì thằng người lớn trong tôi mới tỉnh ngộ. Và nhận ra bản thân mới chính là người đã sai, khi khư khư buộc ràng hai chữ "tình yêu" với "sở hữu".
Phim The Good Dinosaur của Disney như một bàn tay xoa đầu nhẹ nhàng và hiền lạnh dạy cho trẻ nhỏ ban sơ, lẫn người lớn cố chấp như tôi, rằng: Hạnh phúc không phải là nhất nhất không rời, mà là bình thản nhìn thấy người được hạnh phúc nhất - ở bất kỳ nơi nào, bên bất kỳ ai khác.
Vì bạn biết đó, sở hữu sẽ không bền lâu. Và tình cảm sẽ chỉ còn là sự cam chịu nếu chúng ta cứ cưỡng cầu giam lỏng người ấy trong cái lồng kín bưng nhân danh "người thương". Yêu càng lâu, tình càng sâu thì con người ta càng có xu hướng kiểm soát, chiếm giữ và lấn lướt luôn cả vào cuộc sống của đối phương. Đến khi người kia quá ngột ngạt và cảm thấy không còn khoảng trời riêng, tự khắc họ sẽ muốn tự do. Sự buông tay khi ấy sẽ đến nhanh không ngờ và tất yếu sẽ có một người đau lòng để nhường cho người còn lại thanh thản.
Đoạn kết của The Good Dinosaur lấy nước mắt của hầu hết khán giả trưởng thành có lẽ cũng bởi khoảnh khắc hai nhân vật chính chia tay nhau. Biết nơi đâu mới thật là nhà để người kia trở về, biết nơi đâu mới thật là bình yên để người kia nương tựa, biết nơi đâu mới thật là một đời một kiếp chứ không phải là tạm bợ nhất thời.
Nên là, mình phải rời đi.
Rời đi trong tâm thế hoàn toàn hạnh phúc và chúc phúc cho người mình thương quý. Bởi khi tình cảm đã đủ đầy, chúng ta sẽ thấu được rõ ràng cái gọi là "càng giữ chặt càng sợ mất, còn không giữ gì thì mới là không mất đi".
Người ta vì có nên mới sợ không còn, vì yêu nên mới sợ hết yêu, vì sở hữu nên mới sợ mất mát. Còn chúng ta, vì không - có nhau nên vẫn luôn còn nhau trong thương nhớ, vì không - có yêu nên chẳng sợ danh phận ràng buộc làm khổ người kia, vì không - sở - hữu nên đời này kiếp này sẽ mãi nhẹ lòng nhìn nhau không chút so đo thiệt hơn ghen hờn.
Dĩ nhiên, chẳng ai muốn tình yêu của mình phải lâm vào cảnh nhường đường nhau đi. Nhưng quả thật nếu mọi sự cố gắng của cả hai đều đã bất thành, thì phải chăng mình nên tự nhìn lại bản thân có đủ tốt cho người mình yêu? Đừng nhầm lẫn giữa tình yêu và sự cam chịu. Chịu thương chịu khó chịu đựng vì một người không còn cảm thấy dễ chịu khi bên mình, rốt cục chỉ là tự mình chịu khổ chuốc đau.
Vậy thì tại sao không thử từ bỏ thứ hạnh phúc tù mù này và buông tay cho nhau đi tìm một ban mai khác? Biết đâu, khi không còn nắm giữ khư khư, không mong cầu chiếm hữu, thì ở phía không nhau, chúng ta mới biết thực sự yêu một người là như thế nào. Dù chỉ là biết đâu. Nhưng còn hơn cả đời mù quáng trói buộc và không hề hay biết ngoài kia, tình yêu vốn dĩ là để bình an bên nhau, chứ không phải là làm khổ nhau như chúng ta thế này.
Mà tánh kỳ! Đi coi phim hoạt hình trẻ thơ nhưng đầu óc cứ nghĩ chuyện đâu đâu của tuổi già đời.
Thôi thì tự nhủ, không mong sở hữu, mới được bền lâu. Chuyện phim hay chuyện tình, cuối cùng cũng chỉ là một cách trấn an lòng mình, bớt cố chấp, bớt cứng đầu, để yêu thương tự vẽ đường do chính nó muốn nhất. Còn bản thân, cứ bình thản đón nhận dù là đến - đi, thương - lạ, thân - xa, không - có.
Và quan trọng nhất, để đừng hoài công bận lòng với câu hỏi muôn thuở: Tụi mình có thương nhau không? Có hay không?