Ngọc thu dọn đồ gói bánh bừa bãi trên mặt sập. Những tầu lá giong rách nát và cuống được dồn cả vào thùng rác. Lạt gói bánh còn tới hơn một bó sẽ cất đi để dùng vào việc khác. Đời sống ngày nay tất cả đều hiếm hoi, kể cả mấy cái dây buộc đồ.
Bốn cặp bánh chưng cũng to gần được như những chiếc bánh thời xưa, ngày mà gia đình Ngọc còn sum họp đông đủ trong những ngày Tết. Kể từ tháng tư Bảy lăm, một nửa gia đình Ngọc đã di cư sang Mỹ, một nửa ở lại với những chuỗi ngày thảm thương nghèo đói. Anh em ở bên ấy cũng chỉ giúp đỡ có hạn, làm sao đủ khả năng để nuôi một nửa đại gia đình gồm bốn năm chục anh em, con cháu! Tết năm nay, tình trạng lại càng bi đát hơn. Gần hết năm rồi, tiền tiếp tế vẫn chưa thấy. Điều trở ngại đầu tiên chắc chắn vì vụ đổi tiền vừa qua của nhà cầm quyền khiến cho những đường dây gửi tiền như tạm thời ngưng hoạt động...
Không có tiền, nhưng mẹ Ngọc, bà cụ không muốn cho đàn cháu mất niềm vui ngày đầu Xuân. Quần áo mới không có, cũng tạm được, nhưng ngày Tết thiếu bánh chưng thì thực là tội nghiệp. Đứa cháu nào cũng thèm bánh chưng và chỉ mong tới ngày Tết được ăn, vậy sao nỡ để chúng thất vọng.
Mấy mẹ con lo buồn vì không nghĩ ra cách gì để có tiền gói dăm chiếc bánh chưng... Gạo thóc, thịt thà đã lên giá vùn vụt kể từ sau ngày đổi tiền. Đây chính là một hình thức cướp cạn của nhà cầm quyền Cộng Sản đối với đồng bào.
Chị Ba hăng hái đề nghị:
- Cô Chín đi vay đâu đi, nay mai thế nào mấy anh cũng gửi tiền về, mình sẽ trả cho họ...
Ngọc lắc đầu:
- Em chịu thôi. Bây giờ ai cũng than hết tiền cả, nhất là năm hết, Tết đến, việc vay vỏ lại càng khó.
Chị Tám buồn rầu:
- Xem nhà còn gì bán có tiền không. Nhà con may ra có thể mua được một ký thịt ba rọi trong sở... Mình chỉ cần gạo, đậu và lá giong.
Anh Ba góp ý:
- Một ký thịt có thể tạm gói đủ, nhưng đợi đến khi mua được thịt thì chắc gói bánh không kịp ăn vào sáng mồng một Tết như mọi năm... Để tôi thử xoay với thằng Thìn xem sao.
Mọi người đều vui. Thìn là một giáo sư Trung Học thời cũ, nay hành nghề giết thịt heo lậu trong trại Bùi Phát. Bà cụ lên tiếng cười, gạt đi, nói:
- Thôi, mẹ nghĩ, thế này...
Mấy anh chị em hồi hộp chờ đợi. Bà cụ chỗi dậy khỏi chiếc ghế xích đu, khiến có tiếng kêu cọt kẹt vì chiếc ghế lâu ngày chưa được ăn dầu. Bà đưa tay cho mọi người xem, nói mau:
- Chị nào kiếm chút xà phòng ra đây lấy chiếc nhẫn này ra.
Các con chợt hiểu, trố mắt nhìn vào chiếc nhẫn cưới vàng lóng lánh trên ngón tay khẳng khiu của người mẹ già... mà muốn rơi nước mắt. Chiếc nhẫn cưới đã ở trên tay cụ hàng sáu bảy chục năm trời rồi, nay sắp sửa phải tháo ra để tạo niềm vui và hy vọng cho con cháu...
Mọi người yên lặng bất động. Bà cụ nhắc:
- Kìa Ngọc, sao còn ngồi đấy?
Anh Hai đến bên cụ, lên tiếng:
- Không. Mẹ đừng làm vậy...
Anh là rể. Chị của Ngọc đã mất từ sáu năm nay rồi... anh ở vậy gầy dựng cho các con. Anh cả của Ngọc đã sang Mỹ tỵ nạn, anh hai trở thành lớn nhất trong nhà.
Anh nói tiếp:
- Mẹ và các dì, các chú yên tâm, tôi đã có cách.
Anh lấy ví ra, thư thả lục lọi, một lúc, lấy ra một gói nhỏ bằng giấy báo, vừa mở ra, vừa nói:
- Đây là chiếc nhẫn cưới của nhà con. Khi nhà con nhắm mắt, con định chôn nó theo, nhưng mẹ không cho, bảo gỡ ra, sau này dùng để kéo lại thành hai chiếc nhẫn cưới khác cho thằng Sinh lấy vợ... Con nghĩ thời buổi này, lấy vợ, lấy chồng cũng chẳng cần nhẫn vàng nhẫn bạc mà làm gì...
Mọi người nhìn chiếc nhẫn, nhớ tới người thân đã khuất mà không cầm được nước mắt. Anh hai trao chiếc nhẫn cho Ngọc:
- Ngọc cầm lấy em, bán đi để gói bánh chưng.
Anh hai đã quyết, mọi người cũng không muốn cản. Bà cụ thở dài:
- Thôi được, Ngọc cầm lấy cho anh hai vui.
Anh hai cười lớn:
- Nhưng dì Ngọc nhớ cắt cho anh một miếng để cúng chị đấy nhé...
Cả gia đình cũng tạm gượng vui.
Bây giờ, chiếc nhẫn cưới của chị hai đã biến thành bốn cặp bánh chưng. Một cặp đặc biệt có dây đỏ để cả đại gia đình ăn vào ngày mồng một Tết như cái lệ từ hai chục năm nay mà mọi người không muốn bỏ, những chiếc bánh còn lại sẽ chia cho năm gia đình của năm anh chị em, nhiều ít tùy thuộc vào số người của từng nhà. Đêm nay là đêm hai mươi chín, vì là út, chưa có gia đình như các anh chị khác, nên Ngọc phụ trách việc nấu bánh chưng. Dù đã được nghỉ làm, nhưng Ngọc vẫn thích nấu bánh chưng vào buổi tối, canh bánh chưng qua đêm như những năm qua.
Ngọc ngồi nắn lại mấy chiếc bánh cho ngay ngắn. Chiếc bánh đặc biệt có hai chiếc trứng muối buộc chỉ điều này do chị Hiền gói dùm. Chị Hiền là bạn học cũ của anh Sáu, hồi này làm ăn khá giả, thường nhận chuyển tiền cho nhà Ngọc mỗi khi người nhà chị ở Mỹ nhận được tiền của các anh của Ngọc ở bên đó. Chị đã bán dùm Ngọc chiếc nhẫn nửa chỉ vàng với giá hời để Ngọc mua đồ. Chiều nay, chị còn sang phụ Ngọc gói bánh nữa.
Ngọc nghĩ: "Chị Hiền cho mình bốn trái trứng vịt muối để gói bánh... Tết thế nào mình cũng phải mời chị ấy sang ăn bánh chưng cho vui. Nhưng chắc gì chị Hiền còn ở Saigon. Chị ấy thường về Biên Hòa ăn Tết với gia đình nhà chồng".
Đang nghĩ vẩn vơ, bà cụ từ trong buồng loẹt quẹt đôi dép râu đi ra, hỏi:
- Có đủ tiền gói bánh không?
Ngọc cười:
- Thực ra thì không đủ... vì còn thiếu tiền mua trứng muối. Nhưng chị Hiền lại mang sang bốn cái để gói cặp bánh đặc biệt này...
Bà cụ thở dài:
- Năm nay đổi tiền đổi nong nên vật giá leo thang, chứ năm ngoái thì dư rồi.
Nhưng Ngọc an ủi:
- Con nói vậy thôi, chứ nếu chỉ mua đồ gói bánh không thì cũng đủ, nhưng con đã giữ lại chút đỉnh để mẹ mừng tuổi cho các cháu.
Mặt bà cụ có nét vui:
- Cô này giỏi... Mẹ cũng đang nghĩ đến điều đó... Như vậy cũng tạm xong rồi... Ít tiền mẹ còn giữ đây định để mừng tuổi... nhưng cô đã có rồi, mẹ để dành để đề phòng những ngày sắp tới... nếu bên đó chưa kịp gửi tiền về... thì mình cũng cầm cự được vài ba ngày...
Rồi cụ nhìn quanh, hỏi:
- Bao giờ con bắc bếp đấy? Cũng cứ mang ra hè, chỗ mọi năm mà nấu.
Ngọc đáp:
- Vâng, con cũng định thế. Để đến chiều, tụi thằng Sinh, thằng Hoan và sấp nhỏ đến con sẽ bắc bếp.
Bà cụ vui vẻ:
- Con đã cho tin tụi nó rồi a? Tội nghiệp, ăn chả bao nhiêu, nhưng thiếu thì mất ý nghĩa ngày Tết.
- Chúng nó đòi ở lại cả đây canh bánh chưng suốt đêm với con đó.
- Thì cũng như hồi xưa vậy.
Ngọc nhìn xa vắng:
- Hồi xưa... anh Sáu còn ở nhà, con còn bé tí, vẫn ngồi canh bánh chưng với anh ấy suốt sáng... Mười mấy năm qua, nay con lại thay anh ấy làm việc này... còn tụi nhỏ bây giờ lại giống con ngày trước...
Bà cụ, giọng thực buồn:
- Số thằng đó vất vả... Sang đến bên đó rồi, thư từ cũng chẳng viết về nhà...
Ngọc yên lặng... Nàng cũng chẳng hiểu sao lại thế.
Chiều xuống dần. Bên ngoài ánh nắng đã tắt. Chiều hai mươi chín Tết buồn tẻ khủng khiếp... Ngày thường đã vắng, ngày Tết còn vắng hơn. Một vài người cần phải ra ngoài lúc này thì tất tả đến tội nghiệp. Hai mẹ con yên lặng nhìn ra ngoài qua chiếc cửa sổ kính đã bể nhiều miếng.
Bỗng có tiếng xe đạp nghiến kèn kẹt từ xa vọng lại. Ngọc tươi nét mặt:
- Có lẽ tụi nó đến.
Bà cụ vội ra mở cửa lớn, đứng ngóng đàn cháu. Một chiếc xe đạp cũ kỹ xuất hiện. Xe không có gác-đờ-bu, không gác-đờ-sen, và chỉ còn một thắng... nhưng trên xe lại chồng chất tới ba đứa cháu của cụ. Thằng Hoan lớn nhất, lái xe. Năm nay nó đang học lớp mười... đến cuối năm sẽ phải thi hành nghĩa vụ quân sự! Hai thằng em, Tính mười hai, ngồi ở đàng trước, Tiến mười bốn, ngồi ở póc-ba-ga sau. Mồ hôi nhễ nhãi, chúng vào như cơn gió lốc. Chiếc xe phóng luôn tới giữa nhà.
Ba cái miệng tranh nhau nói:
- Bà ạ! Dì ạ!
Bà cụ nhoẻn miệng cười:
- Dì đang chờ tụi bay lên phụ bắc bếp đấy. Còn thằng Sinh đâu?
Hoan đáp:
- Con có ghé qua nhà bác hai gọi anh, nhưng anh còn bận chút việc, nói là sẽ đến sau.
Ngọc và ba cháu hì hục lấy nồi ra rửa, rồi dùng đá làm bếp, bắc nồi. Hoan cẩn thận xếp tám chiếc bánh vào nồi nấu bánh. Nồi to, bánh ít, trông thật ngọ ngằn.
Nó vừa làm vừa nói với bà ngoại đang đứng cạnh đấy:
- Hồi xưa, nhà mình dùng cái thùng rác lớn nấu đầy một thùng bánh chưng, bà nhỉ!
Thấy cháu nhắc lại thời trước, bà cụ ngậm ngùi:
- Số các cháu hẩm hiu... lớn lên thì chẳng còn gì...
Chẳng biết mấy thằng cháu có hiểu được lời mình không. Nhưng nói ra được lời than thở, lòng cụ cũng nhẹ bớt được phần nào.
Có tiếng xe thắng gấp trước cửa, bà cụ giật nảy mình:
- Gì vậy?
Hoan bình tĩnh hơn, nói:
- Không sao đâu bà, chắc anh Sinh tới.
Thằng Tiến ra mở cửa. Hú hồn! tụi con Lan, con Thảo tới. Mấy đứa con gái chị hai, từ ngày mẹ mất đảm đang ra. Mọi chuyện chúng nó đều làm một cách rất đàng hoàng như người lớn, mặc dầu con Lan mới mười sáu tuổi. Bà cụ hết lo, lại mừng.
- Bà ạ!
- Bà ạ!
- Hai đứa làm bà lo hết hồn...
Lan, Thảo cùng hiểu được câu bà nói, chúng trấn tĩnh bà ngoại:
- Không có gì đâu bà. Ngày Tết mà, tụi nó cũng không có quấy nhiễu đâu...
Ngọc từ bếp đi lên, cũng góp một câu:
- Mấy tên ở xóm này cũng biết năm nay ai cũng nghèo kiết, nghèo hơn năm ngoái vì vụ đổi tiền thành ra cũng không đòi hỏi mấy đâu.
Bà cụ nghi ngờ:
- Ấy, chính vì thế mà mẹ lại lo sợ chúng gây sự bằng mười năm ngoái...
Lan và Thảo phụ Ngọc lo quét dọn nhà cửa cho bà. Tuy chẳng có việc gì cần thiết, nhưng tụi cháu gái cũng muốn đến nhà bà ngoại để bà vui và giúp bà việc lặt vặt, tương tự như những năm xưa, đại gia đình vẫn hội họp vào những ngày cuối năm vậy.
Khi hai anh em Sinh, Toàn tới thì nồi bánh chưng đã bắt đầu lên lửa.
Bà cụ nói:
- Thôi, cài cửa kỹ lại. Chắc nhà mình không còn ai tới nữa đâu.
Sinh năm nay đã hai mươi bốn. Anh đang làm nhân công cho hãng dệt vải của nhà nước tại Thủ Đức. Chưa có vợ, mặc dầu bố và bà ngoại giục giã.
Bà thường nói:
- Mẹ mày mất sớm, nhà cũng cần phải có một người đàn bà để giúp bố coi sóc gia đình.
Sinh cười:
- Con nghĩ bố nên cưới vợ để dì hai về lo cho bố... Chắc mẹ con cũng đồng ý.
Sinh nói thế chứ anh biết chắc bố không bao giờ chịu điều đó. Nhà một đống người, sống đã vất vả lắm rồi, thêm người nữa thì lại càng gay go hơn. Nếu Sinh lập gia đình, ít ra vợ Sinh còn trẻ, cũng có thể đi làm đủ sống, không tạo thành gánh nặng.
Câu chuyện vợ con của Sinh vẫn còn nhì nhằng ở chỗ đó.
Sự có mặt của Sinh làm mọi người cảm thấy yên tâm hẳn đi. Nghe bà nói, Sinh ra cửa, hé mở, nhìn ra ngoài. Lúc này trời đã tối, đường vắng ngắt. Ánh sáng vàng vọt từ cột đèn góc phố không đủ soi tới tận cửa nhà bà. Sinh lắng tai nghe từng tiếng động nhỏ... tiếng xe đạp kít két của một người nào đó vừa quẹo vào ngõ hẻm, tiếng dép lẹt xẹt trên hè phố... Có phải là tiếng dép râu của mấy tên công an phường đi rình rập đồng bào lối xóm? Nếu nó bắt gặp tụi con cháu trong nhà bà ngoại, có thể cũng làm lôi thôi đấy...
Sinh đóng chặt cửa, khóa trái lại, rồi quay vào trấn an mọi người:
- Không có gì... Với lại ngày Tết, ai cũng bận Tết nhất... bà đừng lo gì cả.
Sinh ra sân sau, nơi dì Ngọc đang gầy nồi bánh. Thấy các em đông đủ vây quanh, anh nói:
- Tụi bay dang ra, để anh giúp dì.
Đám em tản ra ngồi ở bệ gạch và mấy chiếc ghế thấp kê ở góc sân. Sinh và Hoan giúp Ngọc chuyên nước nóng từ trong bếp ra, đổ vào nồi bánh. Cần phải dùng nước nóng ngay, nếu đổ nước lạnh, rồi mới nấu sôi thì lá bánh sẽ đỏ ra.
Ngọc đã gầy lửa có ngọn lớn, quạt cho củi cháy đều. Sinh ngồi xuống bên dì, hỏi:
- Nhà mình năm nay gói được mấy chiếc, dì?
- Tám chiếc.
- Thôi, thế cũng đủ. Cháu nhớ thời ông ngoại còn ở nhà, nhà mình bao giờ cũng gói tới năm, sáu chục, dì nhỉ.
Ngọc cười buồn:
- Hồi đó, tụi bay chưa ăn bao nhiêu. Chả bù bây giờ, lúc không có thì mỗi đứa có thể được cả cặp!
Sinh cười, nói đùa:
- Chả ăn hết cả cặp, nhưng đến độ, lá vất ra ngoài đường, chó cũng không thèm liếm!
Ngọc thấy thật tội nghiệp đàn cháu. Nàng nhìn lên trời, bỗng bảo Sinh:
- Cháu lấy cuộn lưới thép kia, quây chung quanh, rồi vào kiếm cái chiếu rách trong bếp ra đây. Mình phải che đi một chút, không bên ngoài, nhỡ tụi nó đi qua đây, thấy ánh sáng, biết là nhà mình nấu bánh, lại phiền...
Sinh cười mỉa mai:
- Và ít nhất cũng tiêu tùng vài cặp bánh!
Anh nói xong, nhanh nhẹn làm ngay lời dì bảo. Chẳng mấy chốc, bếp nấu bánh được che lại.
Trời mỗi lúc một khuya. Gió đã trở nên lành lạnh.
Ngọc bảo Sinh và Hoan:
- Sinh và Hoan ngủ đi. Dì sẽ coi đến khoảng hai, ba giờ sáng, rồi hai cháu dậy thay phiên cho dì... Nồi bánh này mình phải nấu chừng tám tới chín tiếng, nghĩa là nước bắt đầu sôi lúc tám giờ thì khoảng bốn, năm giờ sáng mới vớt ra được. Đứa nào muốn đi ngủ với hai anh thì đi, nếu không thức chơi với dì.
Không có đứa nào theo Sinh và Hoan cả... Chúng ở lại, ngồi quây quần chung quanh dì Ngọc, trên một cái chiếu trải trước bếp. Ngọc ngồi chơi với các cháu mà lòng tưởng nhớ tới những mùa xuân xa xưa... Những mùa xuân cùng những đêm nấu bánh chưng như hôm nay, anh Sáu đã ngồi canh bánh chưng với mấy em nhỏ, với đàn cháu như thằng Sinh, thằng Hoan. Trong đêm khuya, anh Sáu kể những câu chuyện ma rùng rợn, làm cho mấy đứa nhỏ cứ ngồi dúm lại với nhau. Thế mà đã hơn mười năm rồi. Hơn mười năm gia đình phân ly mà ngày đoàn tụ còn như trong mơ tưởng...
Thằng Tính bỗng nói:
- Dì Ngọc, kể chuyện ma đi...
Con Thảo gạt đi:
- Ma với mãnh gì, ghê bỏ bà.
- Sợ gì, truyện chứ đâu có thật... Dì kể đi dì.
Thằng Tiến cũng tán thành, nói:
- Mấy chị sợ thì đi ngủ đi, tụi em ngồi canh bánh chưng, nghe dì kể chuyện ma... Thế mới thú chứ. Rõ nhát.
Hai cô chị không muốn bị cậu em họ chê là nhát, nên ngồi yên.
Ngọc cười khẽ:
- Được, dì kể chuyện ma cho mà nghe. Nhưng còn cái này thú hơn là chuyện ma nữa kia.
Tụi cháu nhao nhao:
- Gì thế dì?
Ngọc cười:
- Bí mật.
Nàng nói xong, đi nhanh vào bếp. Một lúc sau, Ngọc ra với một bọc nhỏ trên tay. Bốn chị em Lan giương mắt chờ đợi. Ngọc ngồi xuống, nhìn các cháu mỉm cười hãnh diện:
- Xem đây.
Vừa nói, nàng vừa mở bọc giấy báo. Năm sáu củ khoai sống đổ ra mặt đất. Bốn cặp mắt sáng lên:
- Trời ơi, còn gì thú bằng!
Đã có đứa nuốt nước bọt ừng ực.
Ngọc cười:
- Để mình vừa nướng khoai, vừa kể chuyện ma.
Con Lan nói:
- Nhà mình đã nghèo kiết xác mà dì còn nhớ tới cái vụ này... dì thực thương các cháu...
Bình thường mà được ăn khoai đã khoái, bây giờ, bụng vừa đói, lại ở cái không khí thân mật, đầm ấm này, ăn miếng khoai vùi lại càng thú vị hơn. Từ xưa đến nay, nhà này vẫn có lệ những đêm ngồi canh bánh chưng là nướng khoai ăn... Món ăn vừa lành lại vừa ngon miệng.
Lan thay dì khơi than, vùi khoai. Ngọc nhắc chừng:
- Coi chừng không lấy ra kịp, để cháy đen là uổng lắm đấy, nhé.
Lan nhận trách nhiệm coi chừng mấy củ khoai.
Tiến nhắc dì:
- Dì kể chuyện ma đi.
- Ừ, để dì nhớ lại đã. Ngày trước cậu Sáu kể cho dì nghe nhiều lắm, lâu ngày quên gần hết. Để nhớ lại xem sao.
Mấy đứa nhìn dì, chờ đợi.
Ánh lửa bập bùng, hắt ra làm bóng mấy dì cháu chập chờn ẩn hiện trên tường. Sự yên lặng của mọi người càng tăng vẻ quạnh quẽ của đêm cuối năm.
Ngọc nhìn qua lớp hơi nước của nồi bánh chưng, mường tượng tới cái cảnh canh bánh chưng năm nào. Khuôn mặt xương xương của anh Sáu, đôi mắt long lanh của thằng Khánh, con anh, thằng bé tí teo cũng đòi thức canh bánh trong cái Tết cuối cùng còn ở quê nhà... Hình ảnh chị hai đầu tóc lòa xòa, vật vả trên giường bệnh... Tiếng khóc thảm thiết của mẹ, của đám con nheo nhóc sớm mồ côi mẹ của chị... Ngọc bỗng rùng mình... quay nhìn lại con Lan, con Thảo.
Như giao cảm được với tâm tư của người dì ruột, con Lan bỗng nói:
- Thôi dì, kể chuyện vui đi...
Ngọc không nghĩ thế, nàng vẫn muốn kể một câu chuyện ma nào đó... gọi là giữ cái "truyền thống canh bánh chưng" của gia đình, nàng muốn cho đám cháu thấy được cái ý của mình, nên nói:
- Không, lúc này nghe chuyện ma thú vô cùng... các cháu đừng bỏ lỡ cơ hội... một năm mới có một lần. Những năm tới, nếu các cháu có thay dì nấu bánh, cũng kể chuyện ma cho các em nó nghe...
Tụi con trai nhao nhao:
- Dì nói đúng. Sau này, cháu lại kể chuyện ma nghe được đêm hôm nay.
Ngọc cười:
- Tốt. À năm nay là năm con cọp, dì kể chuyện ma Hổ cho các cháu nghe. Người viết chuyện ma Hổ là ông Đái Đức Tuấn, bút hiệu là TCHYA. Ông ta viết hai cuốn về ma Hổ, một là chuyện Thần Hổ, hai là chuyện Ai Hát Giữa Rừng Khuya. Người ta tương truyền rằng khi một con hổ sống lâu năm, ăn thịt được nhiều người, nó có thể thoát xác thành một ông cụ già, râu tóc bạc phơ. Một ngày kia, có một nhóm người gồm hai cô ả đào và một anh kép đánh đàn được mướn lên hát tại nhà một ông quan lang của một làng Mường trên miền thượng du. Đêm hôm đó, trời sáng trăng, ba người đi ngang qua một khu rừng rậm, một con hổ lớn xuất hiện bắt đi mất hai cô gái. Anh kép đàn leo lên cây trốn thoát. Đêm hôm sau, anh này trở lại khu rừng theo dõi con hổ và tìm tung tích hai cô gái. Anh ngồi rình trên cây tại nơi hôm trước gặp nạn. Tới khuya, anh thấy con hổ tới ngồi ở một khu đất trống gần đó, dưới ánh trăng vằng vặc. Rồi chẳng mấy chốc, anh nhạc sĩ vô cùng sửng sốt khi thấy con hổ dần dần thoát xác thành một lão già, râu tóc bạc phơ, chung quanh hiện lên vô số con gái, đầu tóc xõa ra, nhảy múa chung quanh lão già làm vui. Rồi bỗng nhiên, hai cô ả đào bạn hiện ra, ngồi xuống bên cạnh lão già, cất tiếng hát véo von... tay đánh nhịp sênh. Và cũng từ đó, mỗi khi có trăng lên, người dân ở vùng lân cận khu rừng nếu chịu lắng tai, sẽ nghe được tiếng hát tiếng sênh của hai cô ả đào này vọng ra từ trong khu rừng đó. Người ta gọi những con ma theo con hổ thành tinh này là ma trành.
Ngọc không nhớ rõ truyện, thiếu nhiều chi tiết nên không hấp dẫn mấy đứa cháu. Tụi chúng vẫn ngồi im, như chờ đợi một cái gì rùng rợn hơn là câu chuyện vừa rồi. Ngọc cố moi trí nhớ... Nàng bỗng nhớ chị hai xưa có kể chuyện trông thấy ma. Hồi nhỏ, một hôm chị đi cầu một mình, bỗng thấy một con nhỏ, mặc áo dài tứ thân, đội nón nồi rang, leo lên xà nhà cầu, đi đi lại lại ở trên đó, cười cười với chị. Chị không biết sợ, đem chuyện đó kể lại với ông nội, làm các người lớn phát khiếp, vì đó là một con ma "tiểu nhi" thường hiện ra để rủ những đứa trẻ đi theo nó.
Ngọc định kể chuyện này cho tụi cháu nghe, nàng đổi thế ngồi, hắng giọng, khẽ nói:
- Má cháu Lan ngày xưa có gặp ma, một con ma tiểu nhi...
Bỗng từ trong nhà vọng ra một tiếng động lớn, như ai đánh rớt một vật gì trên sàn đá hoa. Lan vội chạy vào, nhưng không thấy gì bể cả.
- Cái gì bể vậy Lan?
- Không sao cả dì. Một cái ly rớt xuống đất, nhưng may không bể.
Tự nhiên Ngọc cảm thấy thất vọng... "Chị hai, lúc này là lúc thuận tiện nhất, sao chị không về với chúng em... Chiếc nhẫn của chị mà... Chị phải tỏ một dấu hiệu gì để họp mặt với gia đình chứ? Tụi em không sợ đâu?".
Nhưng bốn bề vẫn vắng ngắt. Ngọc chăm chú nhìn bếp nấu bánh, nàng bỗng thấy như có ai nhấc chiếc vung nồi bánh lên... Hồi hộp... Làm mạnh lên... nếu đúng là chị hai đã về... nhưng không, chiếc vung chỉ rung nhẹ, có lẽ... có lẽ chỉ do hơi nước bốc lên thôi!
Hiện tại coi như đã bỏ đi, hy vọng cuối cùng của mọi người là "đời sống ngày sau", vào sự giúp đỡ của các đấng thiêng liêng mà thôi. Chưa bao giờ con người gần gũi với Thượng Đế đến thế, vì chỉ còn có Ngài là nguồn an ủi duy nhất.
- Chắc khoai được rồi, dì ạ.
Tiếng con Thảo cắt đứt dòng suy tư của Ngọc, nàng bừng trở về với thực tại, vội nói:
- Phải rồi, lấy lẹ ra không cháy thì hết ăn.
Có mấy củ khoai nướng khiến không khí trở nên vui vẻ. Khoai chín tới, mật chảy ra, ăn ngọt lịm. Chỉ tiếc là ít quá.
Ngọc nhắc:
- Vùi cả mấy củ còn lại đi... để chốc nữa Sinh và Hoan ăn.
Ngọc hỏi bâng quơ:
- Mấy giờ rồi?
Tiến chạy vào trong nhà xem đồng hồ, rồi ra nói:
- Hai giờ rồi dì.
Ngọc nghĩ: "Hai giờ là giờ âm thịnh... sao chẳng thấy chị hai về?".
Lòng mong đợi của nàng mạnh đến nỗi nàng như mong một người chị còn sống... của một đứa con mong mẹ về chợ. Nhưng rồi cũng chẳng thấy một dấu hiệu gì của chị hai cảm thông với nàng. Ngọc thất vọng và buồn vô cùng: "Chị hai chẳng thương tụi em, chị hai ơi!". Mắt nàng như rướm lệ.
Bỗng từ trong nhà, Sinh và Hoan vút đi ra:
- Thôi đã đến giờ của tụi cháu, dì và sấp nhỏ đi ngủ đi... để mai còn dậy sớm.
Hai đứa con gái cùng đứng lên:
- Đến phiên mấy ông rồi, mình đi ngủ đi dì.
Ngọc như còn muốn nán lại đó để đợi người chị thương yêu, người chị tuy chẳng còn trên đời này, nhưng nàng vững tin vẫn còn có mặt quanh quất đâu đây, ở một thế giới vô hình nào đó. Chị đang đứng sau tấm gương, tấm gương chia đôi sự sống và cái chết. Trong gương, người sống chỉ nhìn thấy cuộc đời thực tại, còn những sinh hoạt sau tấm gương, có thực đấy, nhưng mình chẳng trông thấy được. Ở đó là đời sống thiêng liêng... Ngọc tin như vậy.
Sinh phải nhắc tới mấy lần, Ngọc mới miễn cưỡng vào nhà để đi ngủ. Nằm xuống giường, Ngọc vẫn còn thì thầm trong bụng:
- Chị hai về đi, em không sợ chị đâu!
Tuy thế, bốn bề vẫn vắng lặng... đêm trôi qua thực êm.
Nhưng có một điều lạ là sáng mồng một Tết, khi cả gia đình Ngọc sum họp ăn bữa đầu năm... mọi người rất ngạc nhiên khi bắt gặp chiếc nhẫn cưới của chị hai nằm gọn giữa lớp nhân của chiếc bánh đặc biệt được đánh dấu bằng sợi dây điều!
Bà cụ hỏi:
- Ai gói chiếc bánh này vậy Ngọc?
Ngọc đáp lơ đãng:
- Có lẽ chị Hiền gói, mẹ ạ...
Cả gia đình lặng yên.