Thuật Đọc Nguội

Chương 1. Chân Tướng Của Thuật Đọc Nguội

Một nhà mưu lược từng nói: “Kinh nghiệm sống chẳng qua là vấn đề giáo dục, còn tư duy hoàn chỉnh của con người hình thành từ âm mưu”. Thuật đọc nguội huyền bí chính là một kỹ năng điều khiển quan hệ xã hội được xây dựng trên cơ sở tâm lý học, nó có thể biến chúng ta trở thành người hưởng lợi từ cuộc sống.

Bài 1: Kỹ năng nguy hiểm

Thầy giáo Hiroyuki Ishii nêu khái quát về thuật đọc nguội như sau: “Dùng trong trường hợp không có sự chuẩn bị trước để nắm bắt tâm lý đối phương, đồng thời dự báo những việc sẽ diễn ra trong tương lai”. Chính vì thuật đọc nguội có tác dụng như vậy nên nó trở thành thủ đoạn quen thuộc của một số thầy bói rởm và những kẻ lừa đảo.

Nhưng trong công việc và cuộc sống thường ngày, bất luận là vì lấy lòng người khác, hay vì muốn che giấu bản thân, hoặc vì muốn tự bảo vệ, chúng ta đều cần sử dụng thuật đọc nguội để giao tiếp với người khác một cách khéo léo, tế nhị, như vậy, cuộc sống của chúng ta mới trở nên thuận lợi và thoải mái hơn.

Khi đó, thuật đọc nguội không còn là kỹ năng nguy hiểm nữa mà là kỹ năng sống hữu ích trong giao tiếp xã hội, giúp chúng ta giành lấy sự tin tưởng của người khác trong chớp mắt.

Sức mạnh của thuật đọc nguội

Mục tiêu của chúng ta không phải là nói nhiều hơn mà là theo đuổi những mục đích lớn hơn và trở thành người điều khiển cuộc sống.

Hãy xem ví dụ dưới đây, bạn sẽ biết mình vô tình đánh mất quyền phát ngôn của bản thân như thế nào.

“Thưa quý bà, sắc mặt của bà rất tốt, có chuyện gì vui mừng đúng không ạ?”

“Đúng vậy, tôi sẽ có một kỳ nghỉ dài.”

“Xem ra rất tuyệt vời, điều này khiến bà trẻ trung hơn đó, có thể thấy bà là một người giàu tình cảm, có khả năng giúp những người bên cạnh cảm thấy vui vẻ.”

“Thật vậy sao?”

“Bà xem, có phải bản thân mình đã coi nhẹ việc điều này không, hoặc là chưa thể hiện ra hết.”

“Có thể lắm!”

“Chờ một lát, xem ra bà chưa chịu khó nghỉ ngơi, do công việc quá bận rộn nên đôi mắt có vẻ hơi mệt mỏi?”

“Tôi vẫn khỏe mà.”

“Nếu như không ngại, bà có thể thử sản phẩm thuốc nhỏ mắt này.”

Đây là cái bẫy giao tiếp trong đó sử dụng kỹ năng đọc nguội. Đầu tiên, nhân viên bán hàng thông qua kỹ năng nắm bắt tâm lý, đoán trúng suy nghĩ của đối phương, xây dựng quan hệ tin cậy với nữ khách hàng, sau đó hoàn thành việc tiếp thị sản phẩm.

Nếu như chưa thấy thuyết phục, chúng ta hãy đến với ví dụ khác.

“Ngày mai không thể gặp nhau rồi, anh có cuộc họp khẩn cấp!”

“Lẽ nào anh đã quên mai là sinh nhật em?”

“Dĩ nhiên là không, anh đang tính đến chúc mừng sinh nhật em lúc nửa đêm đây.”

“Ha ha, được!”

Thế nào, phải chăng đối phương đã chịu “khuất phục” một cách cam tâm tình nguyện.

Đây là một kỹ năng giao tiếp thay đổi khung ngôn ngữ. Thuật đọc nguội, thông qua việc thay đổi khung ngôn ngữ như hoàn cảnh, ý nghĩa... dẫn đến thay đổi trải nghiệm nội tâm của đối tượng giao tiếp và giúp người đọc nguội dễ dàng giành lấy quyền chủ động trong cuộc trò chuyện.

Ai là người bán rẻ bản thân

Bí mật của thuật đọc nguội nằm ở việc khai thác nhược điểm tâm lý con người, khơi gợi ký ức từ trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người, giống như bắt đầu từ việc đoán trúng suy nghĩ rồi từ đó cùng đối phương xây dựng mối quan hệ mật thiết, thậm chí là gắn kết tâm hồn.

Để lý giải mối quan hệ logic trong đó, các bạn có thể suy ngẫm vấn đề sau:

So sánh hình ảnh của mình trong gương với ngoài đời, cái nào đẹp hơn?

Các nhà tâm lý học đã cho chúng ta câu trả lời, vì mỗi ngày chúng ta đều nhìn thấy mình trong gương, lâu dần trở nên có tình cảm, do đó, mọi người dễ thích hình ảnh của mình trong gương hơn.

Điều này giúp chúng ta giải mã một bí mật, thực ra đối tượng mà con người khó nhận thức nhất chính là bản thân. Mỗi người đều cần thông qua người khác hoặc sự vật bên ngoài để nhận thức chính mình. Trong khi những người bên ngoài thường có nhiều mục đích khác nhau, điều này đem đến cho thuật đọc nguội không gian rộng lớn, khiến một số người trở nên đáng yêu, làm việc gì cũng trôi chảy, thuận lợi.

Để chứng minh cho bí mật này, sau đây hãy dành cho bản thân mình bảy phút, dùng những từ ngữ khác nhau để viết ra hai mươi câu “Tôi là người như thế nào.”

- Tôi là người ...

- Tôi là người ...

- Tôi là người ...

Cảm giác của bạn thế nào? Viết ra rất dễ dàng đúng không? Hai mươi câu ấy có đủ để phác họa bản thân bạn? Phải chăng nó chưa bao hàm bản chất? Vẫn còn một số nét miêu tả mang tính nước đôi cần tìm người hiểu rõ bạn giúp bạn xác định? Đọc hai mươi câu miêu tả này cho bạn của bạn nghe, họ có thể nhận ra những gì được viết đó đang nói về bạn không?

Tôi là ai? Đây là một chủ đề vừa cũ vừa mới, nhiều người cả đời cũng không tìm ra câu trả lời.

Thực ra, chúng ta đều là người như sau:

Đôi khi có những mơ ước xa vời, không thiết thực.

Đôi lúc rất hướng ngoại, thao thao bất tuyệt với mọi người; đôi lúc lại hướng nội, xử lý sự việc một cách thận trọng.

Nhận thấy bản thân rất lý tính, không tin vào quan điểm của người khác một cách vô căn cứ.

Thích sự thay đổi và tự do ở mức độ nhất định, nhưng cũng vẫn cảm thấy có chút bất an.

Tuy có một số khuyết điểm về tính cách, nhưng xét về tổng thể vẫn tương đối tốt.

Trong cơ thể có sức mạnh tiềm tàng chưa được đánh thức.

Trong một số vấn đề, có yêu cầu rất nghiêm khắc đối với bản thân.

Khát vọng được người khác yêu thích, thừa nhận, nể phục mình.

Có đôi chút không thỏa mãn trong đời sống tình dục.

Liệu đọc những miêu tả kể trên, bạn có nghĩ nó đang miêu tả bạn? Tuy được liệt kê như vậy, nhưng nó lại như thuật nắm bắt tâm lý xuyên thấu kiếp trước và kiếp này của bạn, bạn cảm thấy nhói trong tim.

Đây chính là nguyên lý “hiệu ứng Barnum” trong tâm lý học. Nó làm sáng tỏ một hiện tượng đáng yêu, khi con người tiến hành tự nhận thức về bản thân, khi dùng những từ ngữ rất phổ thông để miêu tả tính cách một người, người ta thường chấp nhận nó mà không chút do dự và nhận thấy đang nói đến chính bản thân mình.

Để kiểm nghiệm độ tin cậy của nguyên lý tâm lý học này, Bertarn Forer, nhà tâm lý học người Mỹ đã lấy sinh viên của mình làm đối tượng để tiến hành thí nghiệm:

Ông chọn ra một tốp học sinh, yêu cầu họ làm trắc nghiệm nhân cách và nói một tuần sau sẽ đưa cho mỗi sinh viên một bản phác họa nhân cách. Một tuần sau, các sinh viên đối chiếu với đặc điểm tính cách của bản thân, cho điểm đối với độ chính xác của bản phác họa nhân cách mà mình cầm trên tay. Cuối cùng, độ chính xác phác họa nhân cách đạt 86%, các sinh viên cảm thấy kinh ngạc: “trắc nghiệm thật chính xác.”

Trên thực tế, Forer chỉ dựa trên đặc điểm tính cách của con người, tùy ý lựa chọn một số cách trình bày trên tạp chí tướng số và tổ hợp lại. Hơn nữa, bản phác họa nhân cách mà mỗi sinh viên nhận được đều giống nhau. Kết quả, để kiểm chứng cho câu nói của thầy hướng dẫn “Đây là trắc nghiệm của các em”, các sinh viên đã bị cuốn vào tình huống này, về mặt tâm lý đã dễ dàng chấp nhận “trò lừa bịp.” Giáo sư Forer kết luận: “Thực ra con người rất dễ bị lừa gạt, sự tự đánh giá của con người cũng rất không chính xác.”

Những người đọc nguội thực ra đã sử dụng nguyên lý vừa đơn giản vừa thực dụng, khiến người khác cảm thấy đối phương quả thực đã nhìn thấu bản thân mình.

Nói cách khác, những người chạm tới sâu thẳm tâm hồn chúng ta, có thể chính là những kẻ lừa gạt như vậy, còn chúng ta đã trở thành đồng phạm hoặc nạn nhân của họ.

Càng bó buộc, càng yêu thương

Do đó, chúng ta dễ nhận thấy, thực ra con người đều yếu đuối và dễ bị kích động, đến mức “bị lừa gạt” một cách tự nhiên như vậy.

Về phương diện đáng yêu trong nội tâm con người, chúng ta hãy xem xét một hiện tượng tâm lý bất thường như sau:

Ngày 23/8/1973 tại Stockholm (Thụy Điển), ba tên cướp bắt cóc bốn nhân viên ngân hàng, gồm ba nữ, một nam, họ bị bắt cóc khoảng hơn 160 tiếng. Ban đầu, các nhân viên ngân hàng vô cùng sợ hãi, thầm nghĩ không có cách nào bảo toàn tính mạng. Điều bất ngờ là, băng cướp hung hãn kia lại đưa cho họ thức ăn và nước uống. Kết quả là, từ trong sâu thẳm tâm hồn, bốn nhân viên ngân hàng gồm ba nữ, một nam cảm thấy biết ơn bọn cướp, vì họ cảm thấy băng cướp hoàn toàn có thể giết chết mình nhưng chúng đã không làm thế. Vài tháng sau khi vụ việc xảy ra, bốn nhân viên ngân hàng bị bắt cóc vẫn thể hiện sự thương hại đối với những tên cướp, bọn họ từ chối tố cáo băng cướp trước tòa, thậm chí còn quyên góp tiền thuê luật sư biện hộ cho chúng. Bọn họ đều thể hiện rõ không hề căm giận băng cướp, đồng thời bày tỏ sự cảm kích vì những tên cướp không hề làm hại mà ngược lại còn chăm sóc họ và họ có thái độ thù địch với cảnh sát. Thậm chí, nữ nhân viên ngân hàng còn yêu một trong số những tên cướp và hai người đính hôn trong thời gian tên cướp đó ngồi tù.

Đây chính là “hội chứng Stockholm” nổi tiếng trong giới tâm lý học. Hội chứng này làm sáng tỏ một nhược điểm đáng sợ trong nội tâm con người là, sau khi bị đày đọa về thể xác và tinh thần, rồi lại được an ủi, vỗ về một cách vừa phải, con người có thể bị khuất phục.

Những quy luật trên xem ra có vẻ siêu việt khác thường, nhưng những người ở trong tình cảnh đó đều có tâm lý tương tự. Do đó, cần nhắc nhở bản thân cảnh giác và cẩn thận không để cho những kẻ bất lương lợi dụng, đây cũng là kỹ năng thuật đọc nguội dạy cho chúng ta.

Trong sự nghiệp làm chuyên gia tư vấn, tôi từng gặp một trường hợp khiến mình có ấn tượng sâu sắc:

Có hai cô bạn đồng nghiệp tên Kim Tử và Tiểu Yến cùng bán hàng tại một cửa hàng. Ban đầu, hai người phối hợp khá ăn ý, thường thì người này vừa nói, người kia đã lập tức thực hiện. Dần dần, Tiểu Yến phát hiện hình như Kim Tử luôn ra lệnh cho mình, luôn nói “Tiểu Yến, cậu lấy cho tớ cái này cái kia” hoặc “Cậu nên làm thế này thế kia mới đúng chứ,” Tiểu Yến không thích giọng điệu đó của Kim Tử tí nào, nhưng lại nghĩ: bình thường mọi người đều không chịu nổi thái độ tự cho mình là đúng của Kim Tử, đặc biệt từ trước đến nay, cô ta chưa bao giờ tự nhận mình làm sai, cũng không ai buồn bận tâm tới cô ấy, nếu mình không quan tâm tới cô ấy, chẳng phải rất đáng thương sao. Từ đó, Tiểu Yến hết lần này tới lần khác làm việc cho Kim Tử, dần thành thói quen.

Tuy người sai khiến chưa chắc đã hiểu thuật đọc nguội, nhưng vô tình họ đang vận dụng kỹ năng giao tiếp xã hội này, trở thành người nắm quyền chủ động trong cuộc sống. Trong khi bên chịu sai khiến khi đứng trước sự bó buộc, bị chèn ép, lại không phản kháng mà dường như chấp nhận, yêu mến sự bó buộc này.

Dẫn dắt tiềm thức

Đời người giống như một vai diễn bị bắt cóc, hạnh phúc trái ngược với chân tướng. Trong đó, người đọc nguội thường đóng vai “ác” bắt cóc tư duy của người khác, dẫn dắt người khác lựa chọn đáp án do mình chuẩn bị sẵn.

Trong não bộ của chúng ta, ý thức và tiềm thức tồn tại song song, hơn nữa, tiềm thức có sức mạnh rất to lớn và không ngừng phát huy tác dụng. Cũng giống như một niềm tin như sau: “Vốn dĩ tôi đã biết làm như vậy là không tốt, nhưng không có cách nào buộc bản thân dừng lại.” Đó chính là tiềm thức mà chúng ta không thể điều khiển.

Thầy giáo Hiroyuki Ishii từng làm một thí nghiệm kinh điển như sau:

“Hãy xem ở đây có hai chiếc hòm A và B. Bạn hãy dựa vào trực giác lập tức lựa chọn một chiếc trong số đó.”

“Ồ, tôi chọn A.”

Thực ra, chiếc hòm A đã được thầy giáo Hiroyuki Ishii chỉ định cho người tham gia thí nghiệm lựa chọn, dĩ nhiên trước đó, Ishii không hề gợi ý cho người tham gia thí nghiệm. Nghe có vẻ rất khó tin phải không! Điều ảo diệu ở chỗ, khi làm thí nghiệm này, trước tiên thầy Ishii đã dùng tay trái báo hiệu “Bên này là A,” sau đó dùng tay phải báo hiệu “Bên này là B,” rồi buông hai cánh tay, sau đó yêu cầu người tham gia thí nghiệm lập tức lựa chọn một trong hai chiếc hòm. Đồng thời khi nói tới hai chữ “lập tức,” mạnh dạn giơ tay chỉ về vị trí chiếc hòm A, cuối cùng, chiếc hòm A đã được người tham gia thí nghiệm lựa chọn.

Để chứng minh tính hiệu quả của thuật đọc nguội, thầy Ishii thường tiến hành thí nghiệm kể trên tại những nơi diễn xuất, nghe nói tỷ lệ thí nghiệm thành công tới 99%.

Điểm mấu chốt ở chỗ, khi thầy Ishii yêu cầu người tham gia thí nghiệm lựa chọn ngay lập tức, tay trái của ông cũng lập tức chỉ về vị trí A. Khi dẫn dắt như vậy, ấn tượng về A sẽ đi vào tiềm thức của người tham gia thí nghiệm, khi bị yêu cầu lựa chọn ngay lập tức, chiếc hòm A đã được “nhấn mạnh” dễ xuất hiện trong não bộ. Cho dù nhiều người tham gia thí nghiệm một mực phủ nhận ám hiệu như vậy, nhưng kết quả luôn buộc mọi người phải tin tưởng.

Thí nghiệm trên đã chứng minh thuật đọc nguội mang tính khoa học và khả năng dễ dàng điều khiển tâm lý con người. Neil Strauss, nhà văn chuyên viết tiểu thuyết tình yêu từng miêu tả một trường hợp dùng thuật dẫn dắt tâm lý trong tình yêu(1), toát ra sức quyến rũ không thể tưởng tượng nổi.

Trong một quán ăn, một nhà tâm lý học và bạn bè đang dùng bữa. Một nữ nhân viên phục vụ nhỏ nhắn sơn móng tay màu hoa hồng, có khuôn mặt ngây thơ, mái tóc màu tím bước tới giúp họ gọi đồ ăn. Nhà tâm lý học nhìn cô gái, chỉ vào những người bạn của mình và nói: “Những người này đều là học trò của tôi, tôi là thầy giáo hướng dẫn của bọn họ.”

“Thật vậy sao?” Cô gái hỏi, thể hiện sự thích thú một cách lịch sự.

“Nếu tôi cho cô biết, tôi có thể dạy người khác sử dụng thuật điều khiển tâm lý để thu hút bất kỳ người nào mà họ muốn theo đuổi, cô có tin không?” “Ông đang đùa ư?” “Đó là sự thật. Tôi có thể khiến cô yêu bất kỳ một vị khách nào đang ngồi bên chiếc bàn này.” “Làm thế nào vậy? Điều khiển tâm lý của tôi ư?” Cô gái hoài nghi, nhưng rõ ràng cũng rất hào hứng. “Tôi hỏi cô một câu, khi thực sự bị một ai đó thu hút, làm sao cô biết. Nói cách khác, từ trong thâm tâm cô sẽ nhận được một tín hiệu như thế nào giúp cô phát hiện ra điều đó.” Đến đây, nhà tâm lý học nói nhỏ lại, từ từ nhả ra từng chữ dưới đây: “Cô... thực sự... rất thích... người đó?”

Khi đặt câu hỏi, nhà tâm lý học đã tiến hành dẫn dắt tâm lý. Đứng trước ông, cô nhân viên phục vụ có cảm giác bị thu hút, đồng thời kết hợp cảm giác đó với khuôn mặt nhà tâm lý học. Cô gái nghĩ một lát rồi nói: “Ừm, tôi đoán trong bụng mình sẽ có cảm giác là lạ, tựa hồ như một đàn bướm đang bay lượn.” Nhà tâm lý học đặt tay lên bụng mình. “Đúng vậy, hơn nữa, tôi cược rằng, cô càng có cảm giác bị thu hút, đàn bướm đó càng từ vị trí dạ dày bay lên,” ông từ từ dịch chuyển tay lên phần ngực và nói, “đến khi khuôn mặt cô bắt đầu ửng hồng giống như bây giờ.”

Trên thực tế, động tác ra hiệu tay của nhà tâm lý học giống với động tác ra hiệu tay của thầy Hiroyuki Ishii khi làm thí nghiệm về hai chiếc hòm, đều là một hình thức thả neo tư duy hoặc tâm trạng, tức là liên kết một loại tư duy hoặc cảm giác (như yêu quý) với với động tác chạm hoặc ra hiệu tay. Sau đó, khi nhà tâm lý học ra hiệu tay như vậy, đối phương sẽ bị hấp dẫn bởi cảm giác đó hoặc đưa ra lựa chọn đã được sắp đặt trước.

Sau đây, chúng ta tiếp tục nói về trường hợp thôi miên tình yêu này.

Sau khi nhà tâm lý tiếp tục lầm bầm thôi miên vài phút, ánh mắt nữ nhân viên phục vụ bắt đầu đờ ra. Nhà tâm lý học không ngừng thay đổi tâm trạng của cô gái, cách vài giây lại đưa tay từ bụng lên mặt như thang máy đang di chuyển, mỗi lần như vậy cô gái lại vì thế mà đỏ mặt. Hai bàn tay của cô đang bưng đĩa thức ăn, cũng bắt đầu run nhè nhẹ. “Lấy bạn trai cô làm ví dụ,” nhà tâm lý học tiếp tục nói, “cô lập tức bị anh ta thu hút đúng không?” Ông vẫy vẫy mấy ngón tay, giải thoát cô khỏi trạng thái mơ màng, “vẫn phải trải qua một quãng thời gian?”

“Ừm, chúng tôi chia tay rồi.” Cô gái nói, “nhưng chính xác cần một quãng thời gian, ban đầu chúng tôi chỉ là bạn.”

“Nhưng điều tuyệt vời hơn là, nếu cô có thể lập tức cảm nhận được mình bị thu hút...” Ông tiếp tục đưa tay lên xuống giống như thang máy, ánh mắt cô gái lại bắt đầu đờ đẫn, “đối với một ai đó,” ông chỉ vào mình, để khiến cô gái cho rằng ông chính là chàng trai đó, “quả thực không thể tưởng tượng phải không?”

“Đúng vậy.” Cô gái đồng ý, quên hết các vị khách ngồi bàn khác. “Bạn trai cô có vấn đề gì sao?”

“Anh ta quá trẻ con.”

Nhà tâm lý học chớp lấy cơ hội và nói: “Ồ, cô nên bầu bạn với những người đàn ông trưởng thành một chút.”

“Vừa nãy khi chúng ta nói chuyện, tôi đã nghĩ tới điều này, cũng giống như ông.” Cô gái cười tươi.

Nhà tâm lý học đề nghị đợi đến khi cô nghỉ phép hai người có thể cùng đi uống cà phê, cô gái lập tức nắm lấy cơ hội và cho ông số điện thoại.

Nhà tâm lý học nói với cô một cách thân thiết: “Được rồi, những vị khách khác của cô hình như sắp nổi giận đến nơi rồi, trước khi cô rời khỏi đây, tại sao chúng ta không đem những cảm xúc tốt đẹp mà cô đang có hiện nay...” ông lại đưa tay lên, “bỏ vào trong gói kẹo này,” ông rút gói kẹo ra, sau đó dùng bàn tay đã giơ lên vò nhè nhẹ, “để cô có thể mang nó theo cả ngày.” Ông đưa gói kẹo cho cô gái. Cô phục vụ bỏ gói kẹo vào trong tạp dề sau đó bước đi, khuôn mặt vẫn đỏ ửng.

Trong hành động dẫn dắt tâm lý này, gói kẹo cũng nhận được cảm xúc yêu thương như vậy.

Lời đường mật của tâm hồn để giành lấy sự tin tưởng

Đọc đến đây, phải chăng bạn cảm thấy có đôi chút sợ hãi? Phải chăng bạn cảm thấy nó rất nguy hiểm?

Một số kẻ có tâm địa xấu xa lợi dụng thuật đọc nguội để lừa gạt, tuyệt nhiên không phải lỗi của thuật đọc nguội. Điều này giống như một con dao trong nhà bếp, chỉ vì nằm trong tay kẻ ác mới trở thành hung khí.

Trên thực tế, chỉ cần chúng ta nắm vững được thuật đọc nguội và vận dụng nó một cách thành thục, không những có thể biết rõ âm mưu quỷ quyệt của người khác, hóa dữ thành lành; mà còn có thể giúp chúng ta cải thiện quan hệ xã hội, nâng cao chất lượng giao tiếp của bản thân.

Điểm mấu chốt của thuật đọc nguội là lợi dụng trạng thái tâm lý “tự mình” trong tiềm thức mỗi người, từ đó thực hiện một biện pháp dẫn dắt giao tiếp. Nhiệm vụ của người đọc nguội là dẫn dắt sự kỳ vọng trong lòng đối phương, giúp tâm hồn “đối phương” nói chuyện, thực ra đây là biểu hiện sự thấu hiểu hoán đổi vị trí cao độ, sự giao lưu như vậy dĩ nhiên dễ giành lấy lòng tin của người khác.

Ai cũng có nhu cầu được yêu thích, được tôn trọng, được cảm thông, được lắng nghe, được an ủi... những nhu cầu tâm lý này chính là điều kiện và cơ hội cho việc thực hiện thành công thuật đọc nguội.

Chúng ta hãy dùng những ví dụ trong cuộc sống để chứng minh cho quan điểm này:

Một chàng trai gọi điện cho bạn gái, hẹn cô gái buổi tối đi xem phim. Ở đầu dây bên kia, cô gái uể oải: “Hôm nay em không muốn đi.” Khi đó, người bình thường đều hỏi một cách trực giác: “Tại sao vậy?” Nhưng người đọc nguội biết khi đó cần hỏi: “Ồ, em cảm thấy không khỏe ư? Tối nay, anh đến thăm em nhé.”

Trong sự bao bọc ân cần, tình yêu giống như những hạt cát mịn màng say đắm lòng người.

Hai cách hỏi này có gì khác nhau sao? Nếu bạn có thể nhận ra, không có nghĩa là bạn có thể lừa gạt, kỹ năng đọc nguội chỉ cố gắng hết khả năng giúp bạn trở thành một chuyên gia giao tiếp ưu tú, nâng cao chất lượng quan hệ xã hội của bạn. Nghiên cứu tâm lý học chỉ rõ, trong tiềm thức con người, thường rất phản cảm với những “câu hỏi kiểu chất vấn” như “tại sao,” điều này sẽ khiến người khác tự động mở ra “cơ chế phòng vệ” trong tiềm thức. Trong khi thuật đọc nguội lại khéo léo đi vòng qua hệ thống phòng vệ vô thức của đối phương, thu thập được những thông tin mà bạn muốn biết.

Đồng nghiệp nói với bạn: “Có phải năm ngoái anh mượn của tôi hai nghìn tệ?” Bạn trả lời theo bản năng: “Trời ạ! Rõ ràng là năm trăm tệ, biến thành hai nghìn tệ từ khi nào vậy?” Với câu trả lời theo tiềm thức đó, bạn đã mắc mưu. “Ha ha, năm trăm tệ à, vậy khi nào anh trả tôi vậy?” Câu nói của bạn đã khiến đối phương đạt được mục đích.

Đây chính là điểm cao minh của người đọc nguội, khiến người khác vô thức rơi vào bẫy giao tiếp của mình.

Chỉ cần bạn quan sát một chút những người đang trò chuyện, bạn sẽ phát hiện: Thực ra, điều con người muốn nói nhất đều là “bản thân anh ta,” cũng chính là tình hình gần đây, công việc, những người xung quanh, lý tưởng của anh ta hoặc những con vật nuôi trong nhà, thậm chí là tâm trạng của anh ta khi không vui, những việc anh ta ghét, những chuyện xui xẻo trong ngày hôm nay...

Dưới đây là quá trình thực hiện đọc nguội của một chuyên gia đọc nguội. Đầu tiên, chuyên gia đọc nguội này thông qua những diễn đàn thông tin như QQ, blog... biết được đối phương vừa thất tình, vậy là triển khai đọc nguội một cách thuận lợi:

Nam: Gần đây, tâm trạng của em không được tốt, tuy em rất muốn bản thân mình vui vẻ lên?

Nữ: Có một chút ạ.

Nam: Thông qua cảm nhận tâm hồn, anh biết, em giống như một chú lạc đà.

Nữ: Lạc đà ư? Tại sao?

Nam: Thoạt nhìn em có vẻ rất rắn rỏi, nhưng thực ra rất ít người biết được sự buồn bực và thất vọng trong lòng em.

Nữ: Vậy có liên quan gì tới con lạc đà chứ?

Nam: Em luôn âm thầm cho đi, giống như chú lạc đà, luôn luôn có tình cảm thánh thiện và nguyện vọng thực hiện những điều tốt đẹp, vì vậy ở bên cạnh người kia mà không một chút oán hờn.

Em cũng hy vọng người đó sẽ cảm nhận được tấm lòng mình, bởi vì chỉ mình em mới thật lòng quan tâm anh ta như vậy. Tuy em có đủ sự kiên cường, nhưng vẫn không tránh khỏi hụt hẫng. Hiện nay, em giống như một chú lạc đà mất đi mục tiêu, bước đi trên sa mạc, rất mịt mờ, rất dễ bị tổn thương...”

Nữ: Cảm ơn anh.

Nam: Hơn nữa, em là một người coi trọng tình cảm, vì vậy, em rất khó thoát ra khỏi chuyện đó, giống như một chú lạc đà bị sa mạc bủa vây, không có cách nào dễ dàng quay lại điểm xuất phát.

Với những lời nói bùi tai như vậy, đối phương bất giác đã bị đọc nguội, trong một thoáng lơ là đã chấp nhận người đọc nguội và trở thành bạn tâm giao.

Bài 2: Nhận diện những người đọc nguội ở xung quanh

Thuật đọc nguội đã được ứng dụng trong mọi ngành nghề, có lẽ bạn không mấy chú ý đến việc đối phương đã thực hiện đọc nguội như thế nào, nhưng nhất định bạn đã từng bị đọc nguội. Nếu không tin, hãy đọc nội dung dưới đây, bạn sẽ phát hiện nội tâm khốn khổ của mình:

Bí mật của thầy bói

Nếu nói tới người đọc nguội, dễ bắt gặp nhất chính là những thầy bói ngoài đường phố. Trong quá trình càng lan truyền càng sai lệch, thầy bói luôn khoác lên mình nhiều vòng hào quang. Những người mê tín, cảm thấy thầy bói vô cùng thần kỳ, có thể biết kiếp trước và kiếp này. Lẽ nào thầy bói thực sự biết trước số mệnh? Mang theo nỗi nghi vấn này, hãy xem đoạn đối thoại dưới đây:

“Anh gặp vấn đề trong chuyện tình cảm ư?”

“Ồ...” (tỏ ra kinh ngạc)

“ Có liên quan tới bạn gái?”

“Sao ông biết? Thực ra chủ yếu do người nhà bạn gái khiến tôi đau đầu.”

Trong đoạn đối thoại này, thầy bói không nói gì, nhưng người đi xem bói vẫn tin chắc rằng đối phương đã nói ra điều khiến họ lúng túng trong lòng. Người đi xem bói vô thức bị thầy bói dắt, “phục tùng” thầy bói, chủ động giãi bày nỗi lòng mình.

Trong thế giới cá nhân không có ai giúp đỡ, rất nhiều người buộc phải nhờ đến thầy bói để giãi bày nỗi lòng, nhận lấy sự an ủi trong hoàn cảnh nửa sai nửa thật.

Chờ đợi được giãi bày nỗi lòng

Những người nhờ cậy vào thầy bói nhất định từng trải qua một việc như sau: bị người khác nói trúng những trắc trở trong chuyện tình cảm trước đây và mục tiêu trong tương lai. Đối phương luôn xuất hiện vào những lúc bạn “cần,” hơn nữa, hình như người ấy hiểu bạn hơn bất cứ ai trên thế giới này, hình như là người được ông trời phái xuống hạ giới để giúp đỡ bạn khi bạn cảm thấy bơ vơ nhất. Vậy là, bạn và người ấy thẳng thắn chân thành, trút bầu tâm sự, hy vọng người ấy có thể chỉ ra con đường lầm lạc, soi sáng tiền đồ.

“Gần đây, đường sự nghiệp của anh rất vượng!”

“Thật vậy sao? Tôi có thể hoàn thành doanh số bán hàng năm nay một cách thuận lợi không?”

“Đó là điều tất nhiên, ngoài ra, trước đó, anh sẽ trải qua một số thử thách, sau khi vượt qua những thử thách này, anh sẽ có được niềm vui bất ngờ.”

Vậy là, bạn làm theo những gì người ta nói, đương nhiên bạn cũng bao gồm việc bạn phải trả tiền vì người ta đã “phán đúng.” Cuộc sống từ đây dường như đã có chút khởi sắc, điều này khiến bạn càng vững tin hơn mà không có chút nghi ngờ, thậm chí bạn còn mách cho bạn bè mình tới xem để thầy có nhiều lộc hơn.

Nếu nói thầy bói phán đúng, chẳng qua là người ta đã nói ra điều bạn muốn nói và giúp bạn quyết định một việc mà bản thân bạn đang do dự.

Chính bạn đã phối hợp với thầy bói

Thầy bói không thể thực sự “phán trúng” chuyện của bạn, là bản thân bạn đã cho ông ta cơ hội, chỉ là “bạn nhận thấy bị người ta nói trúng mà thôi.” Chân tướng do chính bạn tiết lộ, bởi vì bạn quá vội vàng “phối hợp”, chủ động “nói ra” hoặc “biểu hiện ra” mà ngộ nhận đã bị nói trúng.

Bọn họ đã sử dụng thuật đọc nguội, chỉ là bạn đã tự nguyện đóng vai trò “đồng bọn.”

Đứng trước những thầy bói, việc có tin hay không, không quyết định bởi đối phương nói đúng hay sai, mà vấn đề then chốt là bạn có đóng vai trò là người phối hợp hay không?

Hãy xem ví dụ dưới đây:

“Tôi trông thấy một con ngõ nhỏ thật dài và cái sân đầy cỏ. Anh có nghĩ tới điều gì không?”

“Ngõ nhỏ... cỏ... sân........” Bạn tìm tòi suy nghĩ, rơi vào bẫy của đối phương.

“Hình như anh đã gặp chuyện gì đó trong con ngõ nhỏ dài dài đó... Tuy có chút mơ hồ, song cảm giác đó rất rõ ràng... Đúng vậy, một cảm giác rất ngẫu nhiên...”

“Ồ! Đó là điều tôi nhìn thấy cuối tuần trước khi trở về nhà...”

“Đúng rồi, đúng là như vậy.”

Trong đoạn đối thoại này, thầy bói từ đầu chí cuối chỉ nói chuyện xoay quanh từ khóa “con ngõ nhỏ,” các thông tin khác đều do nhân vật “tôi” trong đoạn hội thoại tự nói ra.

Đây là phương thức quen thuộc của các thầy bói, chỉ có điều bạn quá vội vàng chứng minh một chuyện nào đó nên không để ý tới mà thôi.

Chiêu bài khiến thầy bói không thể lý giải

Nếu người đi xem bói không chủ động phối hợp với thầy bói, thầy bói ắt sẽ rơi vào tình huống không ai giúp đỡ, đây cũng là kỹ năng quan trọng để chống lừa gạt.

Bí mật là bất luận thầy bói nói gì, bạn đừng nên có bất cứ phản ứng nào, dù có nói đúng cũng không được gật đầu, nói sai cũng không thể hiện cảm xúc, từ đầu đến cuối chỉ lặng lẽ lắng nghe, quan sát nhất cử nhất động của ông ta.

Nếu bắt buộc phải trả lời, hãy dùng biểu cảm và lời nói của bạn để cho ông ta biết: “Trước khi cho ông biết bất cứ thông tin gì, mời ông hãy nói ra những sự việc mà mình nhìn thấy đã!”

Hành động “không trả lời, không phối hợp” như vậy, là ra ngón đòn sở trường đúng lúc để chế ngự thầy bói! Nó khiến những thầy bói lão luyện cũng cảm thấy không thể lý giải.

Thế nào, có phải đã thấy rõ nội tình? Dĩ nhiên, những người kiếm ăn bằng nghề bói toán ngoài việc sử dụng thuật đọc nguội, còn kết hợp sử dụng nhiều món nghề khác nữa, nhưng điều đó không thuộc phạm vi thảo luận của cuốn sách này.

Lưu Khiêm cũng đang diễn kịch

Đời người giống như một vở kịch, bất luận bạn diễn vai gì, đều đang mua vui cho người đời và mua vui cho bản thân.

Nếu đêm giao thừa năm 2010 khiến bạn nhớ rõ như in, như vậy không để che lấp công trạng màn ảo thuật của Lưu Khiêm. Biểu diễn kỹ năng ảo thuật, thêm vào đó là khả năng điều khiển tâm lý, đã khiến người khác đắm chìm trong đó. Nhà ảo thuật và các chuyên gia tâm lý từng bắt tay tiến hành một số nghiên cứu, phát hiện vấn đề then chốt trong màn biểu diễn kỹ xảo của nhà ảo thuật là tạo ra hiệu quả “khiến người khác mắc lừa.” Hay nói cách khác, màn biểu diễn ảo thuật thành công cũng là một quá trình đọc nguội thành công.

Nhà ảo thuật thông qua việc đánh lạc hướng sự chú ý của bạn, giúp bạn “xây dựng trước” một kết quả hiện thực, sau đó khéo léo tác động bạn, khiến bạn trông thấy hiệu quả ảo thuật “đáng kinh ngạc.” Trong biểu diễn ảo thuật, nhà ảo thuật phải nắm rất vững kỹ năng đọc nguội.

Khi bắt đầu ảo thuật, sự tò mò của người xem đã dần tăng lên, nhà ảo thuật cũng chính thức bắt đầu việc đọc nguội. Mọi người chăm chú quan sát từng cử chỉ lời nói của nhà ảo thuật, đặc biệt là sự chuyển động của ánh mắt, động tác. Sự chuyển động từng chút, từng chút một đều khiến người xem tập trung cao độ, trong đầu cũng tự nhiên hình thành kết quả mà mình “đã khẳng định.”

Nhà ảo thuật đoán trúng suy nghĩ của khán giả, trong cấu tứ ảo thuật, nhà ảo thuật đã nhanh trí lợi dụng con mắt và tư tưởng của khán giả để đánh lừa họ.

Đôi mắt cũng biết đánh lừa người khác sao? Nếu không tin, xin mời xem hai hình vẽ 1 – 1 để thử đôi mắt của bạn.

xxx

Hai vạch đen trong hình vẽ có uốn lượn không?

xxx

Vòng tròn màu đen ở bên trái lớn hơn vòng tròn màu đen ở bên phải sao?

Cả hai đáp án của hình 1 – 1 đều là phủ định. Nếu không tin bạn có thể đo đạc lại. Bây giờ, bạn còn tin vào mắt mình nữa không?

Tâm lý học cho rằng con người đều có một hệ thống nhận biết của riêng mình, thông qua hệ thống này, con người tiến hành xử lý thông tin và đưa ra phản ứng trước những biến đổi và đặc trưng của sự việc khách quan. Rất nhiều sự việc trước tiên phải thông qua sự chuyển động cảm quan của chúng ta mới tới được não bộ, đôi khi chỉ là trong nháy mắt, não bộ của chúng ta có thể bị thông tin cảm quan đánh lừa, sinh ra một hiện tượng bề mặt.

Khi nhà ảo thuật biểu diễn tiết mục “làm cho đồng tiền xu biến mất,” chúng ta rõ ràng nhìn thấy một đồng xu được tung vào khoảng không, đợi đến khi nhà ảo thuật tiếp tục tung lần nữa, chúng ta cùng ngước lên khoảng không, đầy kinh ngạc vì phát hiện đồng tiền xu đã biến mất.

Thật sự biến mất sao? Thực ra do biểu tượng thị giác của chúng ta đã bị sai lệch, “bị chính bản thân mình đánh lừa.” Khi chúng ta đang chăm chú quan sát động tác của nhà ảo thuật, khi anh ta giơ tay, ngẩng đầu lên, chúng ta cũng phối hợp với nhà ảo thuật để làm động tác tương tự. Nhưng đằng sau động tác này, nhà ảo thuật lại âm thầm giấu đồng tiền xu vào lòng bàn tay.

Nếu như chúng ta không làm động tác tương tự thì sao? Không ngước nhìn thì sao? Màn ảo thuật sẽ không đạt hiệu quả.

Hiện tượng bề mặt này chính là kỹ năng được nhà ảo thuật sử dụng. Trong cuộc sống bạn cũng từng gặp hiện tượng bề mặt của nhận thức, được người khác sử dụng nhiều tới mức đề phòng không xuể.

Đồng thời, khi nhà ảo thuật biểu diễn, luôn nhắc đi nhắc lại một số câu, qua đó nhấn mạnh cảm giác trong suy nghĩ của bạn. Đây chính là nguyên nhân tại sao khi xem Lưu Khiêm biểu diễn ảo thuật, chúng ta có cảm giác ông giống như một diễn viên kịch (nói đối).

“Anh hoàn toàn được tự do lựa chọn, bây giờ hãy quyết định ngay đi.”

“Sỡ dĩ tôi cho anh đánh dấu chỉ để chứng minh đây là đồng tiền xu “độc nhất vô nhị” trên thế giới.”

Nhà ảo thuật đã thông qua kỹ năng đọc nguội như vậy để khiến bạn ngoan ngoãn chấp nhận việc ông ta giúp bạn lựa chọn, sau đó, bạn trầm trồ thán phục trước màn biểu diễn của ông ta. Dĩ nhiên, biểu diễn ảo thuật là việc vô cùng phức tạp, ngoài việc dựa vào kỹ năng đọc nguội, còn cần dựa vào nhiều biện pháp khác mới có thể đạt hiệu quả.

Tấn công và phòng ngự trong vụ án gián điệp

Ngoài những nhà ảo thuật ưu tú thành thạo kỹ năng đọc nguội, một số trinh sát FBI cũng là cao thủ đọc nguội.

Nhắc đến FBI, trong đầu mọi người có thể sẽ hiện lên nhiều hình ảnh huyền bí. Bọn họ lợi hại như vậy, cũng đang sử dụng thuật đọc nguội hay sao?

Ngày 9/7/1987, tại nước Mỹ xảy ra một vụ án gián điệp: một quân nhân âm mưu thu thập tài liệu tuyệt mật có tính chất vô cùng nhạy cảm. Nếu những tài liệu trên bị rò rỉ ra ngoài, sẽ gây tổn thất không thể bù đắp đối với Mỹ và các nước đồng minh. Qua thẩm vấn, điều tra viên xác định quân nhân này nhiều khả năng còn đồng phạm. Còn anh ta tuy thừa nhận bản thân có liên quan tới vụ án, nhưng cương quyết từ chối việc có đồng phạm. Điều tra viên thử khơi gợi ý thức yêu nước của quân nhân này, hy vọng anh ta có thể suy nghĩ cho hàng triệu nhân dân thiếu chút nữa đã bị chính anh ta đặt trong vòng nguy hiểm, nhưng không có chút hiệu quả nào. Vụ việc rơi vào bế tắc. Một đặc vụ tham gia điều tra vụ án này. Đầu tiên, ông đưa ra danh sách tất cả những kẻ có khả năng là đồng phạm, trong đó bao gồm 32 người có cơ hội tiếp cận với tài liệu tuyệt mật này. Sau đó, lần lượt ghi tên mỗi người lên một tấm danh thiếp và đưa cho quân nhân kia xem, mỗi lần xem một tấm, đồng thời yêu cầu anh ta miêu tả khái quát về từng người mà anh ta nhìn thấy. Đặc vụ thực ra không bận tâm anh ta trả lời như thế nào, mà tập trung quan sát biểu cảm trên khuôn mặt. Khi quân nhân kia nhìn thấy tên hai người trong số đó, anh ta nhướn mày, đồng tử thu nhỏ lại. Viên sỹ quan đặc vụ đã có nhiều năm kinh nghiệm làm công tác điều tra thừa hiểu hành động nhướn mày chứng tỏ quân nhân biết hai người kia, còn đồng tử thu nhỏ thể hiện anh ta cảm thấy bị uy hiếp. Đó chính là những thông tin mà đặc vụ cần thu thập, bèn thu lại số danh thiếp và rời đi. Ngày hôm sau, đặc vụ quay trở lại, mang theo ảnh hai người mà quân nhân có chút phản ứng và nói với anh ta: “Nói với tôi về người này, còn người này nữa.” Quân nhân mắt tròn mắt dẹt, kinh ngạc hỏi: “Sao ông biết?” Đặc vụ nói: “Lẽ nào anh thực sự cho rằng mình là người duy nhất hợp tác với chúng tôi?” Khi đó, quân nhân hét lớn: “Hai thằng khốn nạn này!” Sau đó, anh ta bắt đầu khai báo thành khẩn. Cuối cùng, ba tên gián điệp đều bị định tội.

Đây là một ví dụ được nhắc đến trong tác phẩm kỳ công của George Navaro, điều tra viên lão luyện đã có 25 năm làm việc cho FBI. Trong quá trình điều tra quân nhân, đặc vụ đã khéo léo sử dụng thuật đọc nguội, phá được vụ án gián điệp thoạt nhìn có vẻ được tính toán chi tiết, không thể giải quyết này.

Hình thức đọc nguội mang tính chuyên môn này chắc chắn càng thể hiện rõ sức mạnh to lớn của thuật đọc nguội. Đọc nguội, không những có thể hiểu thấu lời nói của người khác trong chớp mắt, hơn nữa còn có thể từ những thông tin phi ngôn ngữ của một người để phát hiện ra nhược điểm của họ, hóa giải phòng tuyến tâm lý của họ vào thời điểm thích hợp.

Chuyên viên phỏng vấn lão luyện

Chuyên viên phỏng vấn trong quá trình tuyển nhân sự thường phải đối diện rất nhiều người, làm cách nào nhanh chóng chọn ra “ngựa tốt” trong số đó cũng cần có kỹ năng.

Người được phỏng vấn: “Xin hỏi, vị trí công tác này của quý công ty rất chú trọng khả năng làm việc theo nhóm phải không?”

Chuyên viên phỏng vấn: “Vị trí nào cũng đều coi trọng khả năng này, đây là điều kiện cơ bản.”

Người được phỏng vấn: “Ồ, tôi tin tưởng mình nhất định sẽ hợp tác rất tốt với các thành viên trong nhóm, hơn nữa, khả năng lãnh đạo của tôi cũng rất tốt, tôi rất có tinh thần trách nhiệm.”

Chuyên viên phỏng vấn: “Hình như bạn để ý tới khả năng lãnh đạo của bản thân hơn, nhưng chúng tôi đã có lãnh đạo rồi.”

Người được phỏng vấn: “Ồ, thật vậy sao? Tôi tin tưởng cơ hội dành cho người biết chuẩn bị.”

Trước khi nắm rõ công ty cần dùng người như thế nào, người được phỏng vấn này đã tự khoe khoang, điều này không có chút ý nghĩa nào, ngược lại giúp chuyên viên phỏng vấn sớm phát hiện ra động cơ của bạn, khiến bản thân rơi vào thế bị động. Một câu nói đơn giản của chuyên viên phỏng vấn: “Hình như bạn để ý tới khả năng lãnh đạo của bản thân hơn,” điều đó có nghĩa ông ta đang đọc nguội bạn.

Trước sự lão luyện, tinh quái của chuyên viên phỏng vấn, bạn có thể suy đoán mục đích thực sự đằng sau vấn đề không? Nếu đã nhìn ra vấn đề, như vậy, việc phỏng vấn đối với bạn dễ như trở bàn tay, vì bạn hiểu rõ nên trả lời đối phương thế nào, mà không phải thao thao bất tuyệt không có chút kỹ năng.

“Bạn có thể nói sếp cũ đánh giá thế nào về mình không?”

“Nếu cấp dưới có mâu thuẫn, bạn sẽ xử lý thế nào? Lấy ví dụ?”

“Là người lãnh đạo, để cải thiện tình trạng giao tiếp trong nội bộ công ty, bạn sẽ cố gắng ra sao?”

“Công ty trước có hay tăng ca không? Bao lâu thì đi công tác một lần?”

Thực ra, mấy vấn đề kể trên nhằm khéo léo thăm dò cá tính, năng lực quản lý, khả năng làm việc theo nhóm và bạn có thể thường xuyên đi công tác hay không...

Tìm hiểu một người tuyệt nhiên không đơn giản là nhìn vào dung mạo, cách ăn mặc của người đó, mà cần thông qua kỹ năng đọc nguội để tìm hiểu bề ngoài và nội tâm họ.

Cao thủ quan hệ xã hội làm việc gì cũng trôi chảy thuận lợi

Người nắm vững kỹ năng đọc nguội, nhất định là cao thủ quan hệ xã hội. Sử dụng thuật đọc nguội có thể giúp một người có vô vàn bạn bè trong cuộc sống và luôn thuận buồm xuôi gió trong công việc.

Tại sao đọc nguội lại hiệu quả như vậy? Trong cuộc sống, bạn thử là biết.

A: “Hình như bạn rất thích nghe nhạc Bandari!”

B: “Con mắt bạn rất tinh tường! Tại sao bạn biết?”

A: “Vì chúng ta giống nhau nên đứng trước bạn tôi có cảm giác với một người quá đỗi thân thuộc!”

B: “Ồ, như vậy bạn và tôi đều thích nghe nhạc nhẹ, thích cảm giác núi rừng mênh mông bát ngát.”

Bạn không hề có nhu cầu muốn biết gu âm nhạc của đối phương, nói đúng hay không, đối phương vẫn tự cho bạn câu trả lời, quan trọng nhất là câu nói sau đó “vì tôi và bạn giống nhau, cảm giác với một người quá đỗi thân thuộc,” tự nhiên sẽ không lưu lại ấn tượng rằng bạn muốn mon men làm quen trong đầu đối phương, từ đó cùng đối phương trao đổi thoải mái về những điểm chung giữa hai người, như vậy, bạn đã bắt chuyện thành công với người bạn xa lạ.

Chắc chắn, bạn muốn biết nếu đối phương trả lời ngược lại thì nên làm thế nào. Điều bạn cần làm là dùng kỹ năng đọc nguội để trả lời.

B: “Không đúng, tôi không thích nhạc nhẹ lắm, bình thường tôi hay nghe R&B nhất.”

A: “Quả nhiên không sai, thoạt nhìn đã thấy anh là người tràn trề sức sống, anh nhất định có rất nhiều bạn bè.”

B: “Đúng vậy, hình như anh quen biết tôi từ lâu lắm rồi thì phải!”

Nếu chúng ta lỡ nói sai, đối phương sẽ tự động cải chính, đây là đặc điểm chung của loài người – trời sinh đã thích sửa chữa lỗi lầm. Người đọc nguội có thể lợi dụng điểm này, tuy không nói trúng tâm lý đối phương, nhưng có thể lần theo manh mối do đối phương cung cấp, nói ra một câu phù hợp với tất cả mọi người, khiến đối phương hoàn toàn tin tưởng, còn những lời nói không trúng trước đó liền coi như không có. Câu nói “Hình như anh quen biết tôi từ lâu lắm rồi thì phải” chứng minh chất lượng quan hệ xã hội của bạn đã được nâng lên. Cách đặt câu hỏi khéo léo như vậy, chắc chắn là chiêu thức cơ bản của cao thủ đọc nguội.

Một cao thủ quan hệ xã hội, không những có thể bắt chuyện với người khác như ví dụ kể trên, mà khi từ chối một người cũng có thể không để mất lòng:

A: “Tiểu Bạch à, ngại quá, bạn có thể thay tớ đi dự Hội nghị liên hiệp hữu nghị vào hôm nay không?”

B: “Được thôi, nhưng trước tiên, tớ phải làm hết việc của mình thì mới đi được.”

A: “Ồ, xem ra bạn rất bận, thôi được rồi, tớ sẽ nhờ người khác vậy.”

Ngôn ngữ đọc nguội vốn đơn giản như vậy, vừa gìn giữ được hình ảnh tốt đẹp, vừa từ chối đối phương thản nhiên như không.

Những người sử dụng thuật đọc nguội hiểu nguyên tắc này, nếu bạn muốn từ chối đối phương, nhất định không được từ chối trực tiếp, mà phải khéo léo sử dụng một số từ chuyển tiếp như: “có điều,” “nhưng mà,” “cho dù,”… có thể đạt hiệu quả như dự kiến. Bí mật của cách nói như vậy nằm ở chỗ thông tin mà não bộ đối phương nhận được là: Ồ, anh ấy phải làm xong việc trước rồi mới đi được, chứ không phải là không muốn giúp đỡ mình.

Tình yêu cũng cần kỹ năng đọc nguội

Bạn có biết tại sao hai vật phẩm pha lê và thủy tinh có thành phần hóa học giống nhau, nhưng giá trị lại chênh lệch tới hàng trăm lần? Có người nói, tình yêu cũng giống như hai vật này, hoặc là khiến bạn giống như thủy tinh, chỉ cần sơ sểnh là vỡ vụn thành nghìn mảnh; hoặc là khiến bạn xinh đẹp sáng láng như pha lê, đạt được niềm hạnh phúc sau cuối. Như vậy, trong tình trường, rốt cuộc nên đối diện với thái độ ra sao:

Nam: “Nhìn em có vẻ không vui, nếu có thể, hãy nói với anh.”

Nữ: “Chỉ là đang em đang thấy bối rối, không biết nên làm thế nào. Bây giờ, em đang đứng trước ba sự lựa chọn, đầu tiên là bạn trai đang làm việc tại nước ngoài, lương 50 nghìn tệ/năm; một người khác là bạn học cùng đại học, đang học cao học, người nhà em nói còn phải chờ đợi, cũng tương đối rủi ro; còn có một thẩm phán người địa phương, người nhà em ưng anh này.”

Nam: “Em là một người tương đối kiêu ngạo và thích theo đuổi giá trị cá nhân, đứng trước vị hôn phu trong tương lai cũng không ngoại lệ. Khi đối phương không xác định, trong lòng em liền do dự, có đúng vậy không?”

Nữ: “Suy nghĩ kỹ thì thấy anh nói chính xác. Em cũng thuộc cung Thiên Bình, bị ảnh hưởng bởi điều này, em luôn hoang mang, dao động.”

Nam: “Thực ra khi đối diện với suy nghĩ thật của bản thân, em có thể biết lựa chọn mà mình mong muốn.”

Nữ: “Thật sao? Em lo sợ một khi chọn sai rồi sẽ không có cơ hội nữa.”

Nam: “Thực ra có một số việc nên thuận theo tự nhiên, đó là lựa chọn đúng đắn nhất, anh tin chỉ cần em bình tĩnh trở lại là có thể đưa ra lựa chọn của chính mình.”

Nữ: “Cảm ơn anh, em sẽ tìm ra câu trả lời.”

Cũng giống như ở trên, đối phương vừa mở lời đã thể hiện ưu thế của mình, một dáng vẻ cao ngạo, nói trúng điểm này rất dễ dàng; tiếp sau đó “chỉ cần em bình tĩnh trở lại là có thể đưa ra lựa chọn của chính mình,” ý muốn nói nếu không bình tĩnh, bạn sẽ không tìm ra câu trả lời. Người đọc nguội nói như vậy làm sao mà sai được.

Đứng trước việc phải lựa chọn, chúng ta rất khó quyết đoán, tình yêu cũng không ngoại lệ. Nếu như đối tượng giao tiếp của bạn đang cảm thấy bối rối, khó xử vì chuyện tình yêu, như vậy, những kỹ năng đọc nguội này có thể giúp được bạn.

A: “Con người đôi khi rất kỳ quặc, trong những hoàn cảnh khác nhau sẽ thể hiện bản thân một cách khác nhau.”

B: “Con người quả thực rất phức tạp, thực ra nếu bạn quan sát kỹ, có thể phát hiện ra đặc điểm chung đằng sau đó.”

A: “Thật vậy sao? Con người có đặc điểm chung? Tại sao tớ nhìn không ra?”

B: “Ví dụ, người bạn thích rất yếu đuối khi đứng trước mặt bạn, bạn luôn muốn bảo vệ cô ấy, nhưng trong công việc, cô ấy rất mạnh mẽ, không sợ vất vả, trong con mắt bạn bè, có lẽ cô ấy còn là con người khác nữa.”

A: “Bạn nói như vậy, tôi phát hiện có chút hiểu lầm về bạn gái mình rồi? Tôi luôn có cảm giác cô ấy cố tình tỏ ra như vậy.”

B: “Có lẽ bạn đã coi nhẹ điều gì đó nên mới nảy sinh suy nghĩ như vậy. Chỉ cần chú ý quan sát, bạn sẽ thấy thực ra đối phương rất biết suy nghĩ cho bạn.”

Người đọc nguội hiểu rõ, tình yêu không quan trọng đúng sai, điều tình yêu cần là sự thể hiện, sự quan tâm, thậm chí là một ánh mắt tin tưởng, sự khích lệ và cảm thông.

Vẫn có một số người phản ứng chậm chạp trong tình yêu, tìm hiểu ba năm rồi vẫn chưa cầm tay một lần, đúng là câu chuyện khiến người ta đau đầu. Nếu học được thuật đọc nguội, họ có thể dễ dàng giải quyết vấn đề này. Neil Strauss, chuyên gia tình yêu đã tổng kết những phương pháp phán đoán chỉ tiêu cảm xúc của đối phương:

Chỉ tiêu thứ nhất, sau khi làm quen sơ sơ, đối phương có chủ động hỏi tên của bạn hay không?

Chỉ tiêu thứ hai, liệu cô ấy có hỏi bạn có bạn gái hay chưa, hoặc là từng có mấy bạn gái.

Chỉ tiêu thứ ba, khi hai người gặp mặt, nếu bạn đột nhiên nắm chặt tay cô ấy, đối phương cũng sẽ nắm chặt tay bạn.

Khi đó, bạn đừng nghĩ ngợi gì cả, hãy chọn một nơi lãng mạn, trực tiếp hỏi cô ấy “Em đồng ý hôn anh nhé,”đối phương đồng ý, như vậy, giấc mơ đã thành sự thật; nếu không chắc chắn, hoặc ậm ừ, bạn hãy nói chúng ta thử xem sao; vạn nhất đối phương nói không muốn, bạn hãy nói khích cô ấy: “Anh còn chưa nói có thể, sao em căng thẳng vậy, phải chăng nghĩ tới anh rồi?” Tóm lại, bạn cần mạnh dạn tiến hành bước này.

Bài 3: Học cách lấy sự giả dối để phòng ngừa sự giả dối

Lời nói dối và mánh khóe lừa gạt tồn tại trong cuộc sống dưới nhiều hình thức, đôi khi bạn không thể phân biệt, có thể sẽ bị những lời nói dối hoặc mánh khóe lừa gạt đánh lừa. Nhà văn Lưu Đường từng nói: “Tôi không dạy anh lừa gạt mà dạy anh nhìn rõ bản tính con người, dạy anh nhận biết sự giả dối của người khác, dạy anh cách bảo vệ bản thân.”

Nắm vững thuật đọc nguội, bảo vệ tốt bản thân

Tâm hồn rộng mở

Một con khỉ ngồi trên phiến đá cạnh bờ sông, miệt mài rửa vỏ chuối. Cá sấu bơi tới và tò mò hỏi: “Này khỉ, mày đang làm gì vậy?”

“Đưa đây một đô-la, tao sẽ nói cho mày biết.”

Cá sấu đưa cho khỉ một đô-la, “Nào, bây giờ hãy nói đi!”

“Trước khi vứt vỏ chuối đi, tao muốn rửa nó thật sạch sẽ.”

“Đúng là một con khỉ đần độn!”

“Đần độn ư, một ngày tao kiếm được mười mấy đô-la từ việc này đó!”

Trong cuộc sống, một số người luôn nhận thấy mình đã đủ lớn mạnh, giống như cá sấu coi thường tất cả, nhưng những kẻ lừa đảo luôn biết cách tìm thấy khiếm khuyết trong tâm hồn họ, khiến họ mắc bẫy. Sở dĩ, kẻ lừa đảo có thể thực hiện được ý đồ, chủ yếu là do biết cách lợi dụng những đặc điểm tâm lý của người bị hại như: tò mò, tham lam, hiền lành...

Bây giờ chúng ta đang rộng mở tâm hồn sao? Hay là về căn bản, chúng ta không có sự đề phòng?

Bất luận bạn gói ghém bản thân ra sao, cẩn thận che giấu bí mật trong lòng thế nào, những người thành thục thuật đọc nguội vẫn có thể dễ dàng gợi mở tâm hồn bạn, khiến bạn suy nghĩ theo họ.

Nếu không tin, bạn có thể thử kỹ năng sau đây.

Tại điểm dừng xe bus, bạn và một đồng nghiệp cùng đợi xe. Đồng nghiệp của bạn khe khẽ hát, bạn thản nhiên gõ nhẹ chân thành nhịp phụ họa theo. Nghe như vậy được một lát, dần dần, bạn thay đổi tiết tấu, đối phương cũng thay đổi tiết tấu theo bạn. Tiếp theo đợi sau khi lên xe, bạn nói với đồng nghiệp: “Bài hát khi nãy của bạn nghe rất hay, có điều hình như sau đó lại đổi nhịp.” Đối phương sẽ ngạc nhiên nói: “Ồ, thật vậy sao? Tôi không cảm nhận được, ha ha, chỉ cảm thấy muốn hát thì hát thôi.”

Đồng nghiệp của bạn dĩ nhiên không biết bạn khiến anh ấy thay đổi nhịp! Kỹ năng như vậy không chỉ là độc quyền của thầy bói và người đọc nguội, đây cũng là mánh khóe quen thuộc của nhiều nhân viên và doanh nhân.

“Này, lần trước gặp nhau, số điện thoại em cho anh sao không gọi được vậy?”

“À, không phải chứ.”

“Thế này đi, em đọc lại lần nữa để anh kiểm tra!”

“Uhm, 139xxxxxx.”

Chính là như vậy, nội tâm của chúng ta đã dễ dàng rộng mở, tiết lộ bí mật của chúng ta. Sau khi sự việc xảy ra, mới phản ứng lại: “Tôi bảo với anh ta lúc nào vậy?”

Như vậy, để chống bị lừa, liệu chúng ta có thể gói kín bản thân lại, không cho ai lại gần? Điều này giống hệt một sự vô lý: không cho phép bản thân mình hít thở để tránh lây nhiễm virus cúm.

Trung tâm nghiên cứu Stanford đã tiến hành điều tra theo dõi dài ngày, họ phát hiện trong số tiền mà người thành đạt kiếm được, 12,5% đến từ tri thức, 87,5% đến từ quan hệ. Hay nói cách khác, quan hệ giao tiếp tích cực là sức mạnh then chốt quyết định thành công của con người trong xã hội ngày nay. Điều này cũng cho chúng ta biết, bất luận thế giới bên ngoài ra sao, chúng ta cũng không thể thấy khó không làm, mà cần phải giao thiệp với người khác bằng tâm thế cởi mở, cầu tiến, chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể kết bạn bốn phương, vạn sự hanh thông.

Chính vì vậy, chúng ta cần nắm được kỹ năng đọc nguội, mới có thể ứng phó hiệu quả.

Kẻ lừa gạt chính là bạn

Những câu nói đơn giản cũng có thể không đơn giản. Nói không chừng, chính từ một câu nói đơn giản, “tiết lộ thiên cơ” cũng khiến người khác phải xoay như chong chóng.

Chúng ta hãy xem ví dụ dưới đây:

Người thăm dò: “Nghe nói gần đây sếp tổng muốn cắt giảm biên chế, anh có biết không?”

Người trả lời thứ nhất: “Thật sao? Sao lại đột ngột như vậy? Còn chưa nghe phong thanh cơ mà.”

Người trả lời thứ hai: “Không thể nào, sao nhanh vậy?”

Nghe hai câu trả lời này, bạn phản ứng ra sao? Đối với câu trả lời thứ nhất, rõ ràng không nắm được tình hình, là phản ứng thông thường, cũng không khiến người khác nghi ngờ. Còn câu trả lời thứ hai lại khiến người khác phỏng đoán: “Nói như vậy có nghĩa anh biết chuyện này rồi sao?” có lẽ “Chuyện này sẽ không liên quan gì tới anh?”

Người đọc nguội chỉ cần buột miệng hỏi, ngay lập tức có hiệu quả. Đó không phải lừa dối đối phương, mà là sức hấp dẫn của ngôn ngữ đọc nguội. Dùng lời lẽ khéo léo để hỏi đối phương, đối phương tự nhiên bộc lộ lập trường. Chúng ta tiếp tục xem xét một ví dụ:

“Hãy nói cho tôi về nhạc chuông điện thoại của bạn, tôi sẽ biết bạn thích người như thế nào.”

“Thật sao! Bạn sẽ không lừa tôi chứ?”

“Bạn là người cẩn thận và thận trọng, nếu không chứng minh thì bạn rất khó tin nhỉ?”

“Cẩn thận một chút cũng không có gì sai. Nhưng nghe bạn nói như vậy, tôi có thể thử, nhạc chuông của tôi là bài....”

Người đọc nguội hỏi về nhạc chuông điện thoại, đối phương không nói trực tiếp “Thật sao? Nếu nhạc chuông điện thoại của tôi là bài... Bạn thử đi.” Mà hỏi lại với ý thắc mắc, điều đó đã bộc lộ tính cách của cô ta, cẩn thận, thận trọng. Việc đọc nguội bắt đầu từ khi tiếp lời đối phương.

Một câu nói do cách hiểu khác nhau, câu trả lời được đưa ra cũng muôn hình muôn vẻ. Đọc nguội tuyệt đối không phải tiếp tay cho bạn lừa gạt, mà giúp bạn tìm ra “vấn đề then chốt” trong những cách trả lời đa dạng đó, trong nháy mắt nói trúng suy nghĩ và giành lấy lòng tin của đối phương.

Lấy sự giả dối để ngăn chặn sự giả dối

Nhà tâm lý học Robert Feldman từng làm một thí nghiệm, quá trình cụ thể như sau, trước tiên dùng máy quay mini được ngụy trang ghi lại cảnh giao tiếp của mọi người, đương nhiên, mọi người không hay biết mình bị ghi hình; sau đó, ông cùng trợ lý nghiên cứu clip, mục đích nhằm tính toán số lần người ta nói dối, kết quả khiến người ta bàng hoàng: Một người trung bình cứ ba phút nói dối một lần.

Trong lời nói của con người hóa ra lại ẩn chứa nhiều sự giả dối đến vậy, chẳng trách các thầy bói rởm có thể thực hiện thành công mánh khóe lừa gạt, còn chúng ta cũng ngoan ngoãn tin theo. Trong giao tiếp thường ngày với mọi người, đặc biệt là người quen, đều không phát hiện sự tồn tại của những lời nói dối, chứ đừng nói những kẻ lừa đảo, thầy bói thành thạo kỹ năng đọc nguội mà bạn gặp phải, càng khó hiểu thấu hơn.

Triết lý hành nghề của những kẻ lừa đảo

Bất cứ lời nói dối nào của kẻ lừa đảo đều có ý đồ, hoặc là được chuẩn bị kỹ càng, dẫu rằng nó có hoàn mỹ đến đâu, cũng sẽ lòi đuôi. Nếu chú ý lắng nghe, bạn sẽ dễ dàng phát hiện sơ hở của bọn chúng.

Sách lược hành nghề của kẻ lừa đảo là: đầu tiên chiếm lấy lòng tin của người khác, sau đó bắt đầu lừa gạt. Trong quá trình giăng bẫy, chúng khiến người khác tin tưởng càng nhiều thì càng lừa đảo được nhiều tài sản. Thế là, kỹ năng sinh tồn chủ chốt của phần nhiều những kẻ lừa đảo là không ngừng toan tính nhằm chiếm được lòng tin của người khác.

Suy xét cẩn thận, bất luận là chuyện yêu đương, giao tiếp xã hội, giáo dục, bồi dưỡng hay marketing, tiếp đón khách hàng, hợp tác thương mại... sự giao tiếp dưới bất cứ hình thức nào cũng cần bắt đầu từ việc chiếm được lòng tin của đối phương. Chỉ sau khi đạt được lòng tin, chúng ta mới có những cuộc tiếp xúc mang tính thực chất sau này. Từ góc độ này mà nói, bất luận là kẻ lừa đảo hay thầy bói, kỹ năng bọn họ dùng để chiếm lấy lòng tin của người khác, có nhiều điều đáng để chúng ta học tập.

Học tập kỹ năng này không phải để lừa gạt, mà nhằm phục vụ việc xây dựng và làm chủ các mối quan hệ xã hội tích cực, đồng thời dùng sự giả dối ngăn chặn sự giả dối.

Nghe ra ý ở ngoài lời

Học được thuật đọc nguội có thể giúp chúng ta phát hiện chân tướng của sự thực.

Người thắc mắc: “Sao bây giờ anh mới tới? Tôi đợi anh lâu lắm rồi.”

Người nói dối: “Xe hỏng rồi.”

Người không nói dối: “Xe của tôi hỏng rồi.”

Nếu đối phương luôn hết lần này tới lần khác bớt đi chữ “anh,” như vậy, anh ta đã có lý do để bị nghi ngờ. Khi con người nói dối, họ đều cố gắng né tránh dùng đại từ nhân xưng, đặc biệt là “tôi,” vì khi nhắc tới chữ “tôi,” sẽ cảm thấy chột dạ, run sợ. Để che giấu cảm xúc, dĩ nhiên, họ phải tránh nhắc tới.

Cảnh sát: “Từ 9h đến 12h tối hôm qua anh làm gì?”

Đối tượng tình nghi: “Sau khi đi xe buýt trở về nhà, đầu tiên tôi gọi điện cho bạn gái, sau đó xem tivi, tắm rồi đi ngủ.”

Cảnh sát: “Vậy sao? Anh hãy nhắc lại lần nữa.”

Đối tượng tình nghi: “Uhm, đầu tiên tôi đi xe buýt về nhà, sau đó gọi điện thoại cho bạn gái, sau đó... cuối cùng xem TV, đi tắm, đi ngủ.”

Khi hỏi tất cả những việc cụ thể đã xảy ra trong một khoảng thời gian, người bình thường khi nhớ lại khó tránh khỏi sai sót, như đối tượng tình nghi kể trên, có thể nói trơn tuồn tuột từ đầu chí cuối, ắt sẽ khiến người khác nghi ngờ!

Nhìn ra bí mật đằng sau hành vi

A: “Tặng em món quà sinh nhật, hy vọng em sẽ thích nó!

Người nói dối: “Em thích cái này!” (Nói xong mới nở nụ cười)

Người không nói dối: “Em thích cái này!” (Nở nụ cười khi trả lời)

Nếu như động tác tay và biểu cảm của đối phương không ăn nhập với thời điểm phát ra câu nói, như vậy rất có thể anh ta đang nói dối.

“Tôi cho rằng giám đốc không nên tiếp nhận kế hoạch kinh doanh của cậu nhân viên mới tới đó, anh thấy sao?”

“Tôi đồng ý với quan điểm của anh.” Vừa nói vừa đưa tay xoa gáy.

Vậy rõ rồi, để che giấu quan điểm không đồng ý, xoa gáy nhằm né tránh. Tương tự, sờ tai, vuốt cổ áo, vuốt mũi... đều là những động tác thường gặp để ngụy trang lời nói dối.

Vũ điệu chỉ số thông minh cảm xúc (Chỉ số EQ)

Xử lý quan hệ xã hội là quá trình lý giải tâm lý con người. Thuật đọc nguội chính là một công cụ như vậy, nó không những giúp bạn giao tiếp vui vẻ, mà còn hướng bạn xây dựng một mạng lưới quan hệ xã hội tích cực và đầy tính tin cậy, ra sức thể hiện chỉ số EQ của bạn.

Giỏi vận dụng chỉ số EQ của bản thân, dựa vào kỹ năng đọc nguội, chúng ta có thể hóa giải hiệu quả tâm lý mâu thuẫn trong tiềm thức đối phương, lưu lại trong tiềm thức đối phương những gì tốt đẹp thuộc về chúng ta.

A: “Sao hôm nay lại ru rú trong nhà thế?”

B: “Tâm trạng rối bời, không muốn ra ngoài.”

A: “Tớ nghĩ bình thường cậu chắc chắn là một người qua loa đại khái, lạc quan vui vẻ, nhưng đôi khi trong suy nghĩ lại muốn yên tĩnh một mình!”

B: “Cậu nói vậy là có ý gì?”

A: “Thực ra tâm hồn của chúng ta cũng cần được an ủi, nếu như ngày nào cũng bắt nó ở trong trạng thái xúc động, nó sẽ không chịu nổi, giống như lúc này, hãy để nó và cậu cùng nghỉ ngơi thư giãn, cũng rất tuyệt đó.

B: “Tuy rằng ngay lúc này tớ còn chưa bình tĩnh lại được, nhưng sau khi nghe cậu nói tớ cảm thấy rất thoải mái, trong lòng tớ cũng nghĩ như vậy.”

Tuy không biết tại sao, nhưng điều đó đã giúp đối phương cảm thấy thoải mái, sức hấp dẫn của thuật đọc nguội được bộc lộ ra hết. Một người có thể khiến người khác cảm thấy hạnh phúc và thoải mái, mới là người chiến thắng trong quan hệ giao tiếp. Khiến người khác cảm thấy thoải mái không phải những điều chúng ta nói nhất định là chân lý, mà là có thể xây dựng một mối quan hệ tin cậy.

Chúng ta tiếp tục xem một ví dụ:

“Không ngờ ngoài tính ham vui, ham chơi, đôi khi cậu còn rất cẩn thận, tỉ mỉ.”

“Ha ha, cậu rất biết nói lời bùi tai!”

“Không phải lời bùi tai, mà là một cảm giác, giống như chỉ cần nghĩ tới quả táo, liền có cảm giác thanh mát dịu ngọt. Trông thấy cậu, tôi liền cảm thấy rất thoải mái.”

“Ha ha, thật sao? Cách ví von này thật mới mẻ.”

“Thế nào, chúng ta làm bạn nhé?”

“Được,...”

Đọc nguội chính là sử dụng khả năng quan sát của chúng ta để quan sát lời nói, cách ăn mặc, diện mạo và cảm nhận, hiểu thấu tâm lý của đối phương, sau đó dùng kỹ năng ngôn ngữ chuẩn xác và hiệu quả biểu đạt, từ đó giành được lòng tin của đối phương.

Cuộc sống thanh thản

Thuật đọc nguội có thể giúp công việc, học tập và đời sống của bạn trở nên thuận lợi hơn.

Tưởng tượng một chút, người nhà cảm thấy hạnh phúc vì sự chu đáo của bạn, một câu nói “có anh ở đây, em cảm thấy rất thoải mái,” truyền tình cảm yêu đương sâu đậm từ những việc rất nhỏ; hoặc trong công việc, khách hàng thể hiện sự tin cậy đối với bạn một cách tự nhiên, khiến cuộc trò chuyện của hai người thoải mái, trôi chảy.

Chúng ta hãy xem một ví dụ trong cuộc sống:

Chồng: “Laura, em đang làm gì vậy? Muốn đánh thức hàng xóm bằng tiếng ồn à? Muộn lắm rồi?”

Laura: “Ồ, em chỉ muốn sắp xếp lại chỗ sách này, đây là việc nên làm từ rất lâu rồi, để kéo dài tới tận bây giờ.”

Chồng: “Hãy nghỉ ngơi một chút đi, thời gian gần đây xảy ra quá nhiều việc, anh có thể thấy em đang muốn xốc lại tinh thần.

Laura: “Cho nên em muốn sắp xếp lại sách vở, nói không chừng có thể phát hiện ra thứ gì đó!”

Chồng: “Uhm, Laura, em là một người lạc quan vui vẻ, cho dù đôi khi không muốn nói chuyện mà thích yên tĩnh một mình, nhưng anh tin rằng em nhất định sẽ điều tiết tốt bản thân.”

Laura: “Cảm ơn sự tin tưởng của anh. Anh hãy nghỉ trước đi, lát nữa em sẽ ngủ sau.”

Trước những lời oán trách của chồng, nếu như Laura dùng lời lẽ oán trách tương tự để trả lời: “Ở đây lộn tùng phèo lên thế này cũng không có ai thu dọn, em thu dọn một tí thì đã làm sao?” sau đó, cuộc cãi vã kiểu gì cũng bắt đầu. Tương tự, người chồng nghe thấy giọng nói của Laura rất mệt mỏi, hơn nữa rất cô độc, anh ấy biết rõ tâm trạng của vợ không được tốt, thế là chuyển sang dùng câu nói mang đầy tính cảm thông, khiến Laura cảm thấy thoải mái hơn nhiều.

Trong cuộc sống, chúng ta cần một chút kỹ năng đọc nguội, nó có thể giúp người nhà và bạn bè của mình cảm thấy được quan tâm, yêu thương và tin tưởng, trong công việc cũng như vậy.

Chu X, sinh viên tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật, hiện đang làm nhân viên bán hàng cho công ty bất động sản nhưng chưa bán được căn hộ nào. Các bạn học nói với Chu X rằng khu tập thể một vị giáo sư đang ở chuẩn bị đập đi, giới thiệu anh ta đi xem sao. Thế là Chu X đến nhà giáo sư. Khi mới bước vào căn hộ, Chu X trông thấy con trai giáo sư đang vẽ tranh.

Chu X: “Xin chào giáo sư, em là bạn học của Y, cậu ấy đã nói với thầy chưa ạ!”

Giáo sư: “Uhm, tôi biết rồi. Em hãy nói về căn hộ của mình đi!”

Khi Chu X giới thiệu về căn hộ, bức tranh của con trai giáo sư cũng sắp được vẽ xong, trong thời gian đó, Chu X còn tranh thủ ngó qua vài lần.

Chu X: “Tình hình cơ bản là như vậy ạ, thầy cảm thấy thế nào?”

Giáo sư: “Em nói gần giống với những gì mà tôi được biết, mấy nhân viên bán hàng của các công ty bất động sản trước đây đều nói như vậy.”

Chu X nhận ra ý giáo sư không muốn mua. Khi đó, anh ta nhìn thấy bức tranh của con trai giáo sư có vài lỗi nhỏ, vô tình bước tới, nói vài câu với cậu bé, cho cậu bé biết những chỗ sai sót và còn giúp sửa lại, cảm giác lập thể của bức tranh lập tức xuất hiện.

Chu X: “Giáo sư, con trai thầy rất thích vẽ tranh, chắc hẳn thầy cũng biết một chút chứ ạ?”

Giáo sư: “Em học mỹ thuật à, kỹ năng cơ bản cũng không tồi. Đối với mỹ thuật tôi chỉ biết nửa vời, đôi khi nhìn tranh thằng bé vẽ rõ ràng thiếu cái gì đó, nhưng cũng không biết sửa thế nào, em đã giúp tôi một chuyện lớn rồi!”

Chu X: “Không có gì ạ, thầy khách sáo rồi. Thực ra, cũng giống như mua căn hộ, chỉ cần thầy quan sát kỹ, nhất định sẽ thấy điểm khác nhau giữa các công ty.”

Giáo sư lại tìm hiểu thêm về hoàn cảnh của Chu X, cuối cùng nói: “Nhiều căn hộ như vậy, nếu như phải cân nhắc, tại sao lại không cân nhắc căn hộ của sinh viên nghèo như em chứ, tôi sẽ dẫn theo vài người bạn cũng muốn mua nhà nữa tới xem.”

Có thể thay đổi ấn tượng của đối phương, khéo léo nói ra những lời đối phương muốn nghe, đó chính là sách lược đọc nguội. Trước tiên hãy giành lấy lòng tin của đối phương, sau đó giành thắng lợi cho bản thân.