Tìm địa chỉ liên lạc của cô Yuko khó khăn đến nỗi thật khó tin là mới vài tháng trước chúng ta còn gặp nhau mỗi ngày. Cô không nhờ đến pháp luật mà tự tay xét xử hai thiếu niên đã cướp đi sinh mạng người mà cô yêu quý, rồi biến mất trước mắt chúng em. Giáo viên như vậy em thấy hơi vô trách nhiệm. Nếu đã chọn cách tự mình xét xử thì cũng phải có trách nhiệm theo dõi xem hai thiếu niên ấy sau đó thế nào chứ.
Cô phải biết những gì xảy ra sau phiên xét xử ấy. Nghĩ vậy em đã thử viết một lá thư dài, nhưng làm thế nào để cô đọc được thì… Suy đi nghĩ lại, tuy biết là liều lĩnh nhưng em đã quyết định gửi đi tranh “Giải thưởng gương mặt mới” của tạp chí văn nghệ mà cô vẫn hay đọc trong phòng giáo viên giờ giải lao. Gần đây có rất nhiều người dưới hai mươi tuổi đoạt giải nên em nghĩ không hẳn là không có khả năng.
Song điều em lo lắng là tờ tạp chí văn nghệ ấy hằng tháng vẫn có mục “Người thầy cứu rỗi” nhưng mục ấy đã chấm dứt từ số tháng Tư. Giả như lá thư này đoạt giải và được đăng lên thì cũng không biết cô có đọc được hay không. Tuy vậy em vẫn cứ đặt hy vọng vào xác suất mong manh ấy.
Nhưng cô giáo ơi, không phải em đang tìm sự giúp đỡ của cô đâu ạ. Chỉ là có một chuyện nhất định em phải hỏi cô.
Trước khi vào chủ đề chính, cô có để ý tới không khí không?
Trì trệ, trong lành, ứ đọng, lưu thông… Không khí là tập hợp mùi của những người đang có mặt ở đó. Lý do hằng ngày em đều cảm thấy bầu không khí ấy thật ngột ngạt có lẽ là bởi em không thể hòa nhập với tập hợp đó chăng? Nói chung tuy đã là mùa xuân, nhưng không khí trong lớp B, nếu phải diễn đạt ngắn gọn thì…
Là bất thường.
Buổi học cuối cùng mà cô xét xử Nao và Shuya cũng chính là ngày cuối cùng em nhìn thấy Nao ở trường. Ngày đầu tiên của kỳ học mới, trong phòng học lớp 8B, chỉ có duy nhất Nao vắng mặt. Duy nhất Nao. Shuya có đến. Tất cả mọi người trong đó có em sửng sốt vì sự hiện diện của Shuya hơn là sự vắng mặt của Nao. Không ai có ý định bắt chuyện với Shuya. Nhưng mọi người lại tụ tập đằng xa nhìn Shuya và xì xào điều gì đó.
Shuya hoàn toàn không bận tâm đến phản ứng của mọi người, ngồi vào chỗ được xếp theo thứ tự điểm danh và đọc cuốn sách bỏ túi đã được bọc bìa ngoài. Không phải cậu ta đang tỏ ra mạnh mẽ mà từ hồi lớp Bảy sáng nào cậu ta cũng làm như vậy. Chẳng có gì thay đổi, điều ấy càng khiến mọi người rùng mình.
Thời tiết đẹp nên cửa sổ được mở hết cỡ nhưng không khí trì trệ vẫn bao trùm lớp học. Giữa bầu không khí ấy, tiếng chuông bắt đầu giờ học vang lên, giáo viên chủ nhiệm mới bước vào. Thầy chủ nhiệm trẻ tuổi hào hứng viết tên mình lên bảng đen.
“Từ thời sinh viên mọi người đã gọi thầy là ‘Werther’, các em cứ gọi thầy như vậy nhé”
Tự nhiên bị nói thế em cũng thấy bối rối, nhưng trong lá thư này, em sẽ gọi thầy ấy là Werther.
“Nên các em chẳng cần lăn tăn gì hết nhé!”
Song chẳng thấy có ai cười.
“Nào nào, ít nhất các em cũng phải đọc sách cho thầy chứ.”
Werther làm bộ đau lòng lắm. Em thừa hiểu vì thầy ấy tên là Yoshiki nên chơi chữ thành ra Werther[3], sau đó liên hệ với Werther trong tác phẩm Nỗi đau của chàng Werther luôn. Nào nào, ít nhất thầy cũng phải để ý xem mọi người đang như thế nào chứ. Cảm giác của em khi ấy là thế.
“Thôi chết, suýt thì quên. Naoki bị cảm nên nghỉ… còn ai nghỉ nữa không?”
Mới là buổi học đầu tiên mà Werther đã suồng sã gọi tên riêng khi điểm danh rồi nhanh chóng giới thiệu bản thân.
“Hồi cấp hai, thầy không phải một học sinh ngoan. Giấu bố mẹ hút thuốc, bôi bẩn lên xe của giáo viên mình ghét… Nhưng giáo viên chủ nhiệm năm lớp Tám đã giúp thầy thay đổi. Nếu một bạn trong lớp có chuyện, thầy sẽ tạm gác giờ học qua một bên và nghiêm túc trò chuyện với bạn đó. Cả thầy cũng còn được giáo viên ấy dành cả năm tiếng để dạy tiếng Anh mà… ha ha.”
Em nghĩ hầu như chẳng ai thèm nghe màn tự giới thiệu của Werther. Chắc chắn mọi người bận tâm đến việc Nao nghỉ học vì bị cảm nhiều hơn.
Tuy biết đó là nói dối nhưng dẫu sao em cũng thấy nhẹ người vì Nao vẫn có tên trong lớp. Có vài đứa lén nhìn về phía Shuya. Shuya nhìn lên phía thầy giáo hệt như một học sinh ngoan ngoãn, nhưng không phải đang lắng nghe câu chuyện của thầy. Dẫu vậy Werther vẫn hớn hở tiếp tục màn giới thiệu.
“Thầy mới vào dạy từ mùa xuân này, nên lớp B là lớp đầu tiên rất đáng ghi nhớ. Để không có định kiến gì với các em, thầy quyết định không đọc bản nhận xét do giáo viên chủ nhiệm hồi lớp Bảy viết. Vậy nên thầy muốn các em đến với thầy bằng tâm lý hoàn toàn mới mẻ. Nếu có chuyện gì khúc mắc, hãy cứ thoải mái tâm sự với thầy như một người anh trai nhé.”
Hết Werther lại đến anh trai. Trong lúc nhắc đi nhắc lại các em, các em, Werther hăng hái nói về lý tưởng của mình, cuối cùng lấy một viên phấn vàng mới tinh và viết dòng chữ này lên bảng đen để kết thúc giờ sinh hoạt đầu kỳ.
ONE FOR ALL! ALL FOR ONE!
Em không biết cô Yuko nghĩ về từng bạn trong lớp như thế nào. Em cũng không hình dung được cô viết gì trong bản nhận xét của Nao và Shuya. Song, nếu như Werther cẩn thận đọc những bản nhận xét ấy thì chuyện đó đã không xảy ra.
Kết thúc kỳ nghỉ Tuần Lễ Vàng, lớp học tương đối yên bình cho tới giữa tháng Năm. Nao vẫn không thấy đến trường buổi nào, còn Shuya thì bị mọi người xa lánh.
Trong giờ Toán, khi bọn em đang làm bài tập, bỗng dưng thầy ấy lấy ra một cuốn rồi đọc to lên.
“Tôi vốn chẳng hề hứng thú với tôn giáo, nhưng trong khi phiêu bạt vòng quanh thế giới, không biết tự khi nào tôi đã cầm trên tay cuốn Kinh Thánh. Trong sách Phúc âm của Thánh Matthew, chương mười tám có đoạn thế này.
Một người có một trăm con chiên, nếu một con lạc mất thì người đó chẳng để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con đi lạc sao? Và nếu may mà tìm được thì ta bảo thật với anh em, người ấy vui vì con chiên đó hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc… Ở đây tôi nhìn thấy bản chất thực sự của giáo dục.”
Werther đọc đến đó rồi gấp sách lại, chậm rãi nói.
“Hôm nay chúng ta sẽ chuyển giờ Toán thành giờ sinh hoạt nhé. Cả lớp sẽ cùng suy nghĩ về chuyện của Naoki.”
Con chiên đi lạc kia chẳng phải trùng khớp với Nao sao. Werther bảo bọn em dẹp hết sách vở mà chẳng cho đáp án bài tập. Tuần đầu tiên lý do nghỉ học của Naoki là bị cảm nhưng sau đó chuyển thành sức khỏe không tốt.
Werther nói:
“Thầy đã báo với các em là Naoki nghỉ học vì sức khỏe không tốt. Song không phải là Naoki trốn học. Về mặt ý chí, Naoki muốn được tới trường nhưng những rối loạn tâm lý đang ngăn cản điều ấy.”
Hình như ý chí và tâm lý có thể ở cùng một chỗ nhưng em không biết tự Werther suy diễn thế hay là mẹ Nao nói vậy.
“Xin lỗi vì thầy đã giấu các em đến tận bây giờ.”
Em thấy hơi thương hại Werther khi thầy ấy nói câu đó. Nao có lẽ bị rối loạn tâm lý thật. Nhưng trong lớp này, người duy nhất không biết nguyên nhân Nao bị như vậy là Werther.
Chắc chắn không ai trong lớp nói với người ngoài sự thật mà cô Yuko kể hôm đó. Ngay sau khi cô ra khỏi lớp, cả lớp giải tán, có một tin nhắn được gửi đến điện thoại của tất cả mọi người.
Cứ coi kẻ tiết lộ chuyện thú tội của lớp B ra ngoài là C.
Tất cả học sinh trong lớp đều đã đăng ký địa chỉ thư điện tử để tiện liên lạc, song không biết thư ấy gửi từ địa chỉ của ai.
Werther đưa ra ý kiến.
“Hãy tạo một môi trường để Naoki có thể dễ dàng quay lại trường học.”
Mọi người vẫn lặng thinh. Đến cả Kenta vẫn hay phản ứng lại mấy câu đùa vô vị của Werther cũng cúi đầu im lặng. Nhìn cảnh tượng đó, Werther lại tưởng mọi người đang nghiêm túc suy nghĩ nên bắt đầu đưa ra vài ý tưởng với khuôn mặt rất mãn nguyện. Có lẽ ngay từ đầu thầy ấy đã không có ý định hỏi ý kiến học sinh.
“Các em cùng chép lại bài và mang đến nhà cho Naoki nhé.”
Đây đó vang lên những tiếng “Hả…” rõ ràng là khó chịu.
“Sao các em lại có thái độ như vậy? Ryoji.”
Werther hỏi Ryoji, người la to nhất. Ryoji nhăn mặt rồi cụp mắt xuống, lập tức đưa ra một cái cớ hợp lý: “Tại nhà em ngược hướng…”
“Vậy thì các em thay phiên nhau chép bài, mỗi tuần một lần thầy và Mizuki sẽ mang đến nhà Naoki được không?”
Tại sao lại là em? Vì năm nay em vẫn là lớp trưởng (còn lớp phó là bạn Yusuke) và nhà em ở gần nhà Naoki. Em nhận lời mà không thể hiện chút khó chịu nào, nhưng Werther lại hỏi em.
“Có phải Mizuki ngại gì thầy không?”
Em không biết vì sao lại bị hỏi như vậy.
“Mizuki có biệt danh gì không?”
Hình như Werther không vừa ý khi em không gọi thầy ấy là Werther. Nhưng ngoài em ra có phải ai cũng gọi thầy ấy là Werther đâu. Em trả lời bình thường mọi người vẫn gọi em bằng tên “Mizuki” nên em không có biệt danh. Bỗng Ayaka hét lên “Mizuho!” Đó là cái tên mà những năm đầu tiểu học, hầu hết các bạn cùng lớp vẫn gọi em.
“Nghe đáng yêu đấy chứ! Được, từ hôm nay thầy sẽ gọi Mizuki là Mizuho. Các bạn khác cũng thế chứ? Đây là những người bạn có duyên mới gặp được. Hãy cùng gỡ bỏ bức tường ngăn cách trong tâm hồn mỗi người nhé!”
Nhờ lời kêu gọi nhiệt tình của Werther mà từ hôm đó em lại bị gọi là Mizuho.
Lần đầu tiên em mang vở đến nhà Nao là hôm thứ Sáu, tuần thứ ba của tháng Năm. Mấy năm đầu tiểu học, em hay chơi cùng chị thứ hai của Nao nên đã tới nhà nhiều lần.
Đón em và Werther là mẹ của Nao.
Đã lâu không gặp nhưng mẹ Nao vẫn chẳng hề thay đổi, trang điểm kỹ càng, ăn vận đẹp đẽ.
Quà vặt ưa thích của Nao là bánh kếp. Bác cắt hành tây chảy hết cả nước mắt, thế là Naoki bảo “mẹ đừng khóc” rồi mang chiếc khăn tay bác thích nhất lại cho bác. Nao đã đạt giải Ba cuộc thi thư pháp đấy.
Nao thế này, Nao thế kia… Nao đang chơi với chị, không có mặt ở đó nhưng bà mẹ cứ nói suốt về Nao.
Em định chỉ đến đưa vở rồi về ngay nhưng lại được mời vào phòng khách. Tuy không muốn lắm nhưng hình như ngay từ đầu Werther đã định như vậy.
Trong phòng khách này em đã từng chơi bài, chơi cờ Othello cùng Nao. Phòng của Nao nằm ở tầng hai, ngay trên phòng khách nên chị Nao lúc nào cũng gọi với lên trần nhà “Nao ơi, mang bài xuống đây”. Chị ấy đang học đại học ở Tokyo. Em nhìn lên trần nhà nhưng không biết Nao có ở trên đó hay không. Mẹ Nao mang trà ra, đoạn nói với Werther.
“Naoki bị rối loạn tâm lý là do giáo viên chủ nhiệm năm ngoái. Nếu tất cả giáo viên ai cũng tâm huyết với mọi học sinh như thầy thì thằng bé nhà tôi đã chẳng nên nông nỗi này…”
Nhìn bà mẹ là em hiểu Nao đã không nói với mẹ chuyện bị trả thù vào buổi học cuối cùng. Nếu bà mẹ biết rồi thì chắc chắn không thể bình tĩnh mà than thở thế này.
Không nói với mẹ nghĩa là Nao một mình chịu đựng. Mẹ Nao không đả động gì đến sự việc ấy, liên tục chỉ trích cô Yuko. Chắc bà mẹ chỉ nghĩ là con trai mình bị lôi kéo vào vụ việc đó.
Rốt cuộc, bọn em đến để nghe mẹ Nao than vãn chứ chẳng hề được gặp Nao. Tuy nhiên, gương mặt Werther khi tung hứng nhiệt tình với mẹ Nao lại có vẻ rất đắc chí. Dù em không biết bao nhiêu phần của câu chuyện lọt vào đầu thầy ấy.
“Xin chị cứ để tôi lo chuyện của Naoki.”
Lúc Werther tự tin nói câu ấy thì bỗng có một tiếng động nhỏ, em nhìn lên trần nhà. Em nghĩ Nao đã nghe thấy hết. Song hôm sau, hôm sau nữa, vẫn không thấy Nao đến trường. Nao không đến trường là chuyện đương nhiên, Shuya bị mọi người xa lánh là chuyện đương nhiên. Song hóa ra đó lại là khoảng thời gian tốt đẹp nhất.
Thứ Hai đầu tiên của tháng Sáu, sữa tươi được phát cho tất cả mọi người trong giờ sinh hoạt ngắn trước khi tan học. Nối tiếp thành công của “Cuộc vận động toàn quốc đẩy mạnh sản phẩm từ sữa cho học sinh cấp hai và cấp ba”, thường gọi tắt là “Giờ uống sữa” do Bộ lao động và phúc lợi phát động, tất cả trường cấp hai trong tỉnh sẽ được phát sữa mỗi ngày. Các trường thí điểm đã đưa ra nhận định rằng uống sữa không chỉ giúp phát triển chiều cao và mật độ xương, mà “số học sinh dễ nổi khùng đã ít hơn so với mọi năm”, vì vậy mà việc phát sữa sớm được triển khai.
Lớp trưởng là em và lớp phó Yusuke đi phát sữa cho mọi người. Em cảm thấy bầu không khí ngột ngạt đang lan ra cả lớp như muốn gợi lại những ký ức không vui. Nhưng uống sữa không phải là việc bắt buộc. Bởi tuy có hiệu quả thật song lại có khá nhiều phàn nàn về giờ uống sữa từ phụ huynh của những bạn ghét sữa.
Có phải người lớn bọn cô có quyền ép buộc không?
Em cho rằng thế giới này toàn những bậc cha mẹ rỗi việc áp đặt ước mơ lên trẻ con. Nhưng nhờ vậy mà tên lớp và số điểm danh không còn bị viết lên vỏ hộp nữa. Trong lớp học, chỉ có duy nhất Werther là uống sữa một cách ngon lành.
“Nào nào, các em, sữa tốt cho cơ thể lắm đấy.”
Werther hô hào rồi vừa bóp hộp sữa vừa uống một hơi hết sạch. Bạn Yumi tình cờ bắt gặp ánh mắt của thầy ấy nên khẽ nói với vẻ khó chịu: “Em sẽ uống sau giờ sinh hoạt câu lạc bộ.”
“Đúng rồi, như vậy tốt đấy. Bổ sung dinh dưỡng khi cơ thể mệt mỏi.”
Werther bật cười trước câu nói của mình rồi không nói gì nữa mặc dù nhìn thấy cả lớp đều cất sữa vào cặp.
Chuyện xảy ra vào giờ tan học ngày hôm ấy. Hôm đó đến phiên Shuya trực nhật, khi cậu ấy định lấy chổi ra khỏi ngăn dụng cụ thì “pạch!”, nghe như có thứ gì đó bị bục ra. Yusuke đã ném rất chuẩn xác hộp sữa của mình vào chân Shuya khi ấy đang quay lưng lại. Em đang ngồi ở bàn viết nhật ký lớp, mới đầu không hiểu chuyện gì xảy ra. Trong lớp có khoảng năm, sáu bạn, cả nam lẫn nữ, ai cũng ngơ ngác nhìn Yusuke.
Em không biết trên thực tế mọi người nghĩ như thế nào về Shuya, nhưng dù ghét đến mấy thì em nghĩ không có ai đủ dũng cảm để ra tay trực tiếp. Dũng cảm, em đã viết như vậy nhưng có đúng thế không? Có lẽ vì Yusuke hăng hái, giỏi thể thao, đóng vai trò thủ lĩnh của lớp nên em mới cảm thấy như vậy chăng.
Yusuke nói với Shuya vẫn im lặng, đứng đấu lưng lại.
“Mày chẳng hối hận gì nhỉ.”
Song Shuya chỉ khó chịu nhìn gấu quần bị dính sữa rồi cầm cặp đi ra khỏi lớp mà không thèm nhìn Yusuke. Mọi người chỉ biết im lặng nhìn theo.
Đó chính là khởi đầu của sự trừng phạt dành cho Shuya.
Em nghĩ Yusuke thích cô Yuko.
Giờ em mới thấy, dù muốn nịnh thì cũng không thể nói rằng cô Yuko là một giáo viên nhiệt huyết, nhưng cô luôn đánh giá được từng học sinh. Bạn được điểm cao nhất bài kiểm tra định kỳ, bạn được tuyên dương vì các hoạt động câu lạc bộ, bạn hết mình với các hoạt động của trường… Cô chẳng khen ngợi ồn ào song luôn giới thiệu đầy đủ trước cả lớp trong giờ sinh hoạt hoặc đầu giờ học để mọi người vỗ tay khen tặng.
Em cũng mấy lần nhận những tràng vỗ tay của các bạn trong giờ sinh hoạt. Công việc của lớp trưởng chỉ toàn mấy việc lặt vặt, em hoàn thành mà không hề than phiền song cũng chẳng được ai cảm ơn. Cô đã khen em trước cả lớp như đó là lẽ tất nhiên. Tuy có ngượng nhưng em vẫn thấy vui…
Song Werther chẳng hề làm những chuyện như thế. Werther rất thích bài hát có từ “only one” hay “number one” gì đó ấy. Hôm phát biểu với tư cách là giáo viên chủ nhiệm trong buổi khai giảng, Werther còn hát cả đoạn điệp khúc nữa.
“Thầy không định chỉ đánh giá cao những học trò xếp hạng nhất. Thầy muốn trở thành một giáo viên có con mắt công bằng, có thể đánh giá được mỗi em đã cố gắng đến đâu.”
Trong giải đấu dành cho các cầu thủ mới của tỉnh tổ chức đầu tháng Năm, câu lạc bộ bóng chày đánh bại một trường tư thục mạnh và lọt vào bốn đội xuất sắc. Hình như đây là thành tích vẻ vang đầu tiên của trường S nên có hẳn một bài báo kèm ảnh trên tờ báo địa phương. Người có công lớn nhất là Yusuke - con át chủ bài mang áo số bốn. Sau giải đấu cậu ta được chọn đi bồi dưỡng, còn được phỏng vấn riêng nữa. Cả lớp (em không rõ Shuya thì thế nào) đều vui mừng vì thành tích của Yusuke. Từ khi vào học kỳ mới, đây là lần đầu tiên lớp B có được không khí vui vẻ. Werther là kẻ phá ngang bầu không khí ấy.
“Đúng là Yusuke đã làm rất tốt. Nhưng có phải chỉ mình Yusuke cố gắng đâu? Bóng chày là môn thể thao đồng đội. Dù ném bóng cừ đến mấy nhưng nếu chỉ có một mình thì cũng không thể chơi bóng chày được. Thế nên thầy muốn khen ngợi cả đội, Yusuke, tám em trong đội, và những em trong đội dự bị không được ra sân nữa.”
Werther không thể nói những lời ấy sau khi khen Yusuke được hay sao. Nếu là cô Yuko, em nghĩ cô sẽ khen Yusuke trước, sau đó mới khen ngợi tất cả thành viên trong đội. Rồi tới lượt cả lớp dành một tràng pháo tay.
Không chỉ riêng Yusuke mà những bạn đã được cô Yuko khen ngợi dù chỉ một lần, đều cảm thấy chút xíu không bằng lòng, dẫu khi ấy các bạn không nhận ra. Em muốn được giải phóng cảm giác không thỏa mãn ấy. Nhưng suy nghĩ đó không phải nguyên nhân khiến mọi người bắt đầu công kích Shuya.
Thứ Sáu hằng tuần em đều tới nhà Nao cùng với Werther. Ngày đầu tiên, mẹ Nao còn mời bọn em vào phòng khách và than vãn. Nhưng khi số lần đến nhà nhiều lên thì thời gian đón tiếp cũng ngắn dần đi, địa điểm cũng đổi từ phòng khách ra thềm cửa, đến cuối cùng thì cả thềm cửa cũng không được mời vào mà chỉ có thể chuyển bì thư qua khe cửa còn cài nguyên xích.
Qua khe cửa hẹp, em nhìn thấy mẹ Nao vẫn trang điểm kỹ lưỡng như mọi khi, song khóe miệng hình như có hơi sưng.
Chị gái đầu của Nao đã kết hôn và ra ở riêng, bố thì đi làm về muộn nên chỉ có Nao và mẹ ở nhà. Và Nao đang có một nỗi lo lớn chẳng thể nói với cả mẹ mình.
Em nói với Werther có đến nữa Nao cũng không trở lại trường đâu, ngược lại có khi còn dồn Nao tới chân tường ấy. Trong giây lát, Werther khó chịu ra mặt, nhưng lập tức mỉm cười nói.
“Thầy cho rằng đây là thời khắc quan trọng với cả hai bên. Nếu qua được giai đoạn này chắc chắn bên kia sẽ hiểu mình.”
Werther hoàn toàn không có vẻ muốn dừng việc tới nhà Nao. Cả hai là ai với ai, và thời khắc quan trọng là ở hoàn cảnh nào cơ. Chẳng phải Werther chưa bao giờ gặp Nao, người không đến trường từ hôm khai giảng sao? Đến nước này thì em cũng chẳng buồn hỏi nữa.
Thứ Hai đầu tuần, vào giờ toán, Werther chuẩn bị một tờ bìa cứng.
“Các em hãy viết những lời động viên Naoki vào đây nào!”
Em đã chuẩn bị sẵn tinh thần đón nhận bầu không khí uể oải trong lớp. Nhưng khác với em tưởng tượng, không khí lớp có gì đó bất thường.
Khi viết vào tờ bìa, có bạn nữ cười khúc khích, có bạn nam lại tủm tỉm. Em không biết vì sao các bạn ấy lại cười. Khi tờ bìa được chuyền tới em thì đã kín hơn hai phần ba và có một câu như thế này.
Mọi người đều không đơn độc, thế giới này tuy nhảm nhí nhưng phải hạnh phúc nhé.
Hãy vững tin, đừng từ bỏ!
… Giờ viết lại em mới nhận ra. Sao em lại ngu ngốc thế nhỉ. Mọi người đã bắt đầu tận hưởng không khí bất thường ấy rồi.
Hôm đó, cô Yuko đã nói về Luật vị thành niên nhỉ. Tuy em ở phía được bảo vệ song em đã luôn hoài nghi luật này trước cả khi cô nói.
Ví dụ như cậu bé (dù bây giờ không còn là cậu bé nữa) hung thủ trong “vụ sát hại hai mẹ con ở thành phố H” đã giết phụ nữ và trẻ em. Mấy lần em đã nhìn thấy trên tivi cảnh người thân họ kể hai mẹ con đã bị giết hại dã man như thế nào bởi một lý do vô cùng lãng xẹt, hay lúc còn sống hai mẹ con đã hạnh phúc ra sao.
Mỗi lần xem em lại nghĩ, cần gì tòa án, cứ giao thủ phạm cho gia đình để họ muốn làm gì thì làm. Giống như cô tự mình xét xử Nao và Shuya, nên trao quyền xét xử hung thủ cho gia đình người bị hại. Chỉ đem ra tòa khi không có người xét xử thôi.
Không chí với cậu bé hung thủ kia, em còn tức giận cả vị luật sư đã bênh vực quá mức, thản nhiên đưa ra những lý lẽ mà ai nghe cũng thấy nực cười. Có lẽ ông ta có lý tưởng cao cả của riêng mình. Mặc dù vậy, mỗi lần nhìn thấy vị luật sư đó trên tivi em đều nghĩ, giả sử ông ta đang đi trước mặt thì thế nào cũng bị em thụi cho vào lưng, hoặc nếu biết nhà ông ta ở đâu nhất định em sẽ tới ném đá.
Tuy rằng em chưa bao giờ gặp nạn nhân lẫn người thân của họ. Tuy rằng sự việc đó xảy ra ở một thành phố xa xôi và em chỉ biết qua tivi, báo chí. Đến em còn nghĩ thế thì hẳn khắp Nhật Bản này có rất nhiều người nghĩ như vậy.
Nhưng giờ đây, khi viết lá thư này em lại nghĩ khác một chút.
Quả thực, dù hung thủ tàn bạo đến đâu cũng vẫn cần có tòa án. Điều này không phải vì hung thủ. Cần có tòa án để ngăn người dân không hiểu lầm và đi quá xa.
Chẳng phải phần lớn mọi người ít nhiều đều mong muốn được khen ngợi sao. Song làm việc tốt, việc đáng nể vất vả lắm. Vậy cách đơn giản nhất là gì. Chỉ cần chỉ trích những người làm việc xấu thôi. Tuy nhiên, người chỉ trích đầu tiên, người đứng đầu cuộc chỉ trích cần phải tương đối dũng cảm. Vì có thể sẽ chỉ có một mình lên tiếng. Song việc hùa theo kẻ chỉ trích lại vô cùng dễ dàng. Bởi chẳng cần đến ý kiến cá nhân, cứ nói “tôi cũng thế, tôi cũng thế” là xong. Vả lại, làm việc đó còn giúp tống khứ những căng thẳng thường nhật nên sẽ có được cảm giác khoan khoái bậc nhất. Một khi đã biết khoái cảm đó thì chỉ trích xong một lượt, để có được khoái cảm mới, ta sẽ lại đi tìm đối tượng để chỉ trích tiếp. Ban đầu chỉ là chỉ trích những kẻ tàn bạo, dần dà sẽ cố bói ra cho bằng được những kẻ cần phải chỉ trích.
Nếu vậy thì giống như phiên tòa xét xử phù thủy châu Âu thời Trung cổ. Những thường dân ngu ngốc đang quên mất điều cốt lõi nhất. Đó là họ không có quyền phán xử…
Từ sau hôm bị Yusuke ném sữa vào người, ngăn bàn của Shuya lúc nào cũng bị nhét đầy hộp sữa. Kinh khủng nhất là có lần bị nhét toàn hộp quá hạn cả một tuần mà không hiểu trước đó chúng được cất ở đâu, có hộp còn bị vỡ vì nén chặt quá. Ngăn để giày và tủ để đồ cũng bị nhét đầy sữa. Shuya mỗi sáng đến trường đều dọn dẹp đống ấy mà chẳng nói năng gì, giống như đã thành nhiệm vụ hằng ngày. Vở và quần áo thể dục cũng thường xuyên bị mất. Có lần em nhìn thấy tất cả các trang sách giáo khoa của Shuya đều bị viết “Đồ giết người”.
Tuy rằng cả lớp đều làm ngơ nhưng thực hiện trò bắt nạt này chỉ là một số rất ít kẻ theo đuôi và không hiểu rõ ngọn ngành câu chuyện.
Nhưng một ngày, có một email thế này gửi đến cả lớp.
Thay trời trừng trị Shuya!
Cùng tích điểm phạt nào!
Địa chỉ giống với địa chỉ email được gửi tới sau khi cô công bố sự thật. Điểm phạt tức là gửi tới địa chỉ này báo cáo những việc mình đã làm gì để bắt nạt Shuya và nhận điểm. Thứ Bảy hằng tuần sẽ tổng kết, người có số điểm thấp nhất lớp từ tuần sau sẽ bị coi là về phe của kẻ giết người và phải chịu hình phạt tương đương.
Dù không hề có ý cảm thông với Shuya song vì chuyện này quá mức ngớ ngẩn nên em đã quyết định mặc kệ. Em nghĩ sẽ chẳng có mấy ai tin cái thư này. Thế nhưng vài ngày sau, sau giờ học, em sửng sốt bắt gặp Saki và Yukari của câu lạc bộ mỹ thuật, những bạn vốn nhút nhát và hiền lành gửi thư đến địa chỉ kia sau khi nhét sữa vào ngăn đựng giày của Shuya.
Nếu đến cả các bạn ấy cũng tham gia thì có lẽ chỉ mình em là chưa ghi được điểm nào.
Thứ Hai tuần sau đó, em chuẩn bị sẵn sàng tinh thần khi tới trường. Nhưng chẳng có gì thay đổi cả. Em nghĩ ngoài em ra thì còn nhiều bạn nữa cũng không có điểm nào.
Em cảm thấy nhẹ người vì không phải cả lớp đều trở nên bất thường.
Tuần thứ tư của tháng Sáu, sắp thi cuối kỳ, vậy mà giờ Toán bỗng dưng bị chuyển thành giờ sinh hoạt.
“Vở bài tập về nhà các em nộp hôm qua có kẹp một bức thư thế này.”
Sau màn chào hỏi qua quýt, Werther phe phẩy tờ giấy khổ B5 trước mặt cả lớp, nói. Có tiếng thở hắt ra ở dãy bàn đầu. Tờ giấy hình như được đánh máy, từ chỗ em ngồi nhìn không rõ.
“Có chuyện bắt nạt trong lớp này.”
Werther cao giọng đọc nội dung tờ giấy. Nghĩ tới việc có người đang cố gắng thay đổi bầu không khí này, em lại thấy khâm phục sự dũng cảm của bạn nam (hoặc bạn nữ) viết bức thư đó. Nhưng chắc chắn người viết không hề nghĩ rằng thư của mình sẽ bị đọc trước cả lớp. Có lẽ trong thâm tâm còn thấy sợ trước diễn biến bất ngờ này.
Werther vừa nhìn khắp lớp vừa nói.
“Thầy sẽ không nói nó được kẹp trong vở của ai, nhưng thầy muốn bàn về vấn đề này trước cả lớp. Thầy cũng để ý thấy không khí lớp gần đây rất lạ. Shuya lúc nào cũng chăm chỉ chép bài nhưng tháng này đã ba lần nói là bị mất vở phải thay vở mới. Không chỉ có vở, cả dép đi trong nhà và quần áo thể dục cũng thay mới. Thế nên thầy định hỏi thăm Shuya xem sao. Nhưng chưa kịp hỏi thì nhận được thư cầu cứu của một bạn học sinh dũng cảm trong lớp. Thầy rất vui vì điều đó. Tuy nhiên… Đây không phải là bắt nạt. Những trò chơi xấu Shuya không phải bắt nạt, mà là đố kỵ. Bằng chứng là không có bạo lực trực tiếp mà chỉ gián tiếp chơi xấu trên đồ dùng. Shuya đứng nhất nhì khối. Thầy nghe nói Shuya từng đoạt giải ở hội thi toàn quốc gì đó. Thế nên, không có gì lạ khi trong lớp có bạn quá ganh tị với Shuya rồi thành ra đố kỵ, và chơi xấu Shuya. Thầy không định hỏi đó là ai. Đây là chuyện của tất cả các em. Cả những bạn làm hay không làm, thầy muốn tất cả nghe đây. Đúng là Shuya học giỏi. Nhưng vì vậy mà các em nghĩ mình thua kém Shuya là sai. Học giỏi là cá tính của Shuya. Tương tự như vậy, tất cả các em, mỗi người đều có một cá tính riêng. Vậy thì thay vì đố kỵ, thầy muốn các em hãy nhìn nhận lại cá tính của mình và mài giũa nó. Có lẽ sẽ có em không thể tìm được cá tính của mình. Khi đó, đừng ngại, hãy hỏi thầy. Tuy mới gặp các em vài tháng nhưng thầy luôn quan sát các em hằng ngày…”
Đến đây bỗng có tiếng chuông điện thoại. Takahiro nói “chết cha” rồi vội vàng thọc tay vào ngăn bàn tắt nguồn điện thoại. Mang điện thoại tới trường không bị cấm nhưng trong giờ học thì phải tắt nguồn. Werther tịch thu điện thoại của Takahiro rồi nói với cả lớp.
“Thầy đang nói một chuyện rất quan trọng, tất cả là vì các em. Vậy nhưng chỉ vì một bạn không tuân theo quy định mà câu chuyện bị gián đoạn. Tắt nguồn điện thoại. Người không tuân thủ nổi quy định đơn giản này còn không bằng một học sinh tiểu học…”
Bài thuyết giáo của Werther còn tiếp tục thêm một lúc. Có vẻ như việc câu chuyện mình nói bị gián đoạn còn to tát hơn cả việc trong lớp xảy ra bắt nạt. Thật sai lầm khi cầu cứu Werther. Có lẽ người viết thư đang thở dài vì hối hận.
Nhưng từ đây trở đi mới là ác mộng. Phiên xử phù thủy bắt đầu.
Chuyện xảy ra sau giờ tan học của ngày hôm ấy. Em không tham gia câu lạc bộ nào nên trực nhật xong, chuẩn bị đi về thì bị Maki chặn lại trước tủ giày. Sang kỳ học mới rồi nhưng Maki vẫn thế, mỗi ngày đều lấy lòng Ayaka chẳng khác gì bầy tôi.
“Ayaka có chuyện cần gặp cậu nên cậu quay về lớp được không?”
Đúng như em nghĩ, chân chạy vặt của Ayaka. Em biết chuyện cần gặp đó sẽ chẳng vui vẻ gì, nhưng nếu từ chối thì sau dễ thành phiền phức nên đành quay lại lớp.
Em vừa bước vào lớp từ cửa sau thì bị Maki đẩy mạnh vào lưng. Rồi sau đó là năm, sáu bạn cả nam lẫn nữ vây quanh.
“Kẻ mách lẻo với Werther là mày đúng không Mizuho?”
Ayaka nói. Một hiểu lầm ngớ ngẩn, song lúc quay về lớp em cũng đoán được ít nhiều.
“Không. Không phải tớ.”
Em nhìn vào mắt Ayaka, nói. Tuy nhiên, Ayaka không có vẻ gì là chịu lắng nghe.
“Nói dối. Trong lớp này chỉ có mày mới làm chuyện đó… Có chuyện bắt nạt trong lớp này. Trời? Cái gì thế? Tức cười quá. Bọn tao chỉ đang trừng phạt kẻ giết người thôi. Này, Mizuho, mày không thấy cô Yuko đáng thương sao? Hay là mày về phe kẻ giết người?”
Cãi lại thì càng ngớ ngẩn nên em chỉ im lặng lắc đầu.
“Được rồi, vậy đưa ra bằng chứng đi.”
Ayaka giơ một hộp sữa ra.
“Nếu mày ném hộp sữa này thì tao sẽ tin mày vô tội.”
Em cầm lấy hộp sữa và nhìn ra sau Ayaka thì thấy Shuya. Shuya đang nằm trên sàn, tay và chân bị trói bằng băng dính. Mọi người vừa nhìn em vừa cười nhăn nhở.
Nếu bây giờ không ném hộp sữa vào người Shuya thì ngày mai em phải chịu trận cùng. Ngược lại, em sẽ bị trút giận lên đầu vì đã không thể trực tiếp ra tay với Shuya.
Em bắt gặp ánh mắt của Shuya. Ánh mắt không phải cầu xin giúp đỡ, cũng không phải khiêu khích, em không rõ Shuya nghĩ gì, chỉ biết là ánh mắt ấy cực kỳ bình tĩnh. Vừa nhìn đôi mắt ấy em vừa tự nhủ. Cậu ta chẳng nghĩ gì đâu. Cậu ta làm gì có những cảm xúc của con người. Cậu ta là kẻ giết người đáng sợ. Cô Yuko nói kẻ trực tiếp ra tay là Nao nhưng nếu không có cậu ta thì đâu có sự việc đó!
Kẻ giết người, kẻ giết người, kẻ giết người!… Em không còn thấy do dự nữa.
Em đứng lên, bước hai, ba bước về phía Shuya. Em nhắm vào ngực cậu ta, vung tay lên, nhắm mắt lại và ném hộp sữa thật mạnh. Pạch! Hộp sữa vỡ. Khoảnh khắc ấy, một cảm giác sung sướng lạ kỳ dâng lên trong em.
TA MUỐN GIÀY VÒ KẺ GIẾT NGƯỜI NÀY NHIỀU HƠN NỮA.
HƠN NỮA, HƠN NỮA, ĐÂY CHÍNH LÀ SỰ TRỪNG PHẠT!
Thứ ngăn tín hiệu đó lan truyền trong cơ thể em là tiếng cười của mọi người. Tiếng cười hô hố đến mức kỳ lạ. Em từ từ mở mắt rồi nín thở. Sữa đang chảy từng giọt trên mặt Shuya. Má bên phải đỏ tấy. Hộp sữa em ném không trúng ngực mà trứng mặt.
“Tuyệt lắm! Mizuho.”
Câu nói của Ayaka càng khiến tiếng cười hô hố to hơn. Có gì mà thích thú đến vậy chứ… Shuya vẫn nhìn em bằng ánh mắt giống như trước khi bị ném sữa. Nhưng em cảm giác lần này đôi mắt ấy như muốn nói điều gì.
Cậu có quyền phán xét tôi sao?
Em thấy Shuya như một vị thánh bị lũ người ngu ngốc phỉ báng.
“Xin lỗi…”
Ayaka đã không để sót câu em buột miệng nói ra.
“Khoan, nó vừa mới xin lỗi kẻ giết người kìa. Thủ phạm đúng là Mizuho rồi. Hãy trừng phạt kẻ phản bội!”
Ayaka cất cao giọng chẳng khác nào Jeanne d’Arc[4]. Chắc chắn cậu ta không biết tên của nhân vật lịch sử này…
Em chưa kịp bỏ chạy thì đã bị siết chặt hai tay từ phía sau. Em biết do một bạn nam làm nhưng em không rõ là ai. Chỉ biết là một bạn trong lớp. Đau quá, sợ quá, cứu với…, đầu em chỉ nghĩ được có vậy.
“Từ hôm nay mày là đồng bọn của nó.”
Ayaka vừa dứt lời, em liền bị ấn lưng bắt ngồi xuống trong khi hai tay vẫn bị giữ chặt. Khi em ngã xuống sàn, khuôn mặt Shuya chỉ ở cách em vài xen ti mét.
Hôn đi! Hôn đi! Hôn đi!
Ai đó hô, rồi mọi người bắt đầu vỗ tay. Dừng lại, dừng lại, dừng lại! Chắc chắn em có hét lên như vậy nhưng quá sợ nên không bật được thành tiếng. Kẻ đang giữ chặt em dùng một tay tóm gáy em, khẽ đẩy lên rồi gí mặt em vào mặt Shuya… Em nghe thấy một tiếng bíp ngu ngốc.
“Xem này, Ayaka, chụp chuẩn luôn!”
Em được thả ra sau câu nói của Maki. Em ngẩng mặt lên thì thấy cả bọn đang xúm lại nhìn màn hình điện thoại của Maki. Lại một tràng cười hô hố.
“Mizuho, nụ hôn đầu đời phải không?”
Ayaka lấy điện thoại của Maki giơ ra trước mặt em. Trên đó là hình em và Shuya gắn chặt môi vào nhau.
“Làm gì với cái này là tùy mày đấy, Mizuho.”
Cô Yuko, nếu Nao và Shuya là kẻ giết người thì những người này là gì?
Em không nhớ sau đó em làm thế nào để về được đến nhà.
Cởi bộ đồng phục dính mùi sữa và tắm rửa xong, em ở lì trong phòng mà không ăn tối. Trên cánh tay vẫn còn cảm giác bị giữ chặt, những tiếng cười hô hố văng vẳng bên tai. Cơn run rẩy vẫn chưa chấm dứt. Ước gì trời đừng bao giờ sáng. Ước gì có quả bom nguyên tử phóng tới và phá hủy tất cả.
Hễ nhắm mắt là sự việc ghê tởm ấy lại hiện về khiến em không thể ngủ được.
Khoảng mười hai giờ đêm, điện thoại báo có tin nhắn. Có lẽ bức ảnh đó được gửi đến. Em sợ sệt mở điện thoại ra thì thấy một địa chỉ lạ hoắc. Là Shuya. Cậu ta đang ở trước một cửa hàng tiện ích gần đó nên muốn em tới. Tuy lưỡng lự nhưng em quyết định sẽ đi.
Shuya đang đứng trước chiếc xe đạp dựng cạnh bãi đỗ xe cửa hàng. Không biết phải tỏ ra thế nào, không biết phải nói gì, em chỉ im lặng đứng đối diện Shuya. Shuya không nói không rằng, lôi từ túi quần jean ra một tờ giấy được gấp nhỏ, đoạn mở ra rồi giơ lên trước mặt em.
Đèn đường đang bật nhưng em không biết trên đó viết gì. Em hơi ngửa người ra sau, chăm chú nhìn thì thấy có vài chữ số viết trên đó. Đến khi đọc mục cuối cùng em mới biết đó là kết quả xét nghiệm máu của Shuya. Em nhìn kỹ lại thì thấy ở trên cùng có tên Shuya và ngày làm xét nghiệm. Một tuần trước.
“Tớ về nhà thì thấy nó. Chuyện là vậy.”
Shuya gấp tờ giấy lại và nhét vào túi quần. Em thấy nước mắt mình đang trào ra. Em không muốn Shuya nghĩ đó là nước mắt vui mừng.
“Tớ đã biết rồi.”
Em chỉ nói vậy. Shuya tỏ vẻ ngạc nhiên, nhìn lại em. Đó không phải gương mặt của học sinh A - kẻ giết người, mà là gương mặt có chút cảm xúc lâu rồi em mới thấy.
“Tớ có chuyện muốn nói với Shuya.”
Shuya mua hai lon nước từ máy bán hàng tự động bỏ vào giỏ xe rồi bảo em ngồi lên sau xe. Cửa hàng tiện lợi lúc đêm khuya quá ồn ào để nói về vụ việc đó.
Không biết mọi người nghĩ gì khi thấy hai đứa đèo nhau trên xe đạp giữa đêm khuya? Hầu như không có xe cộ hay người nào đi ngược chiều, mà vốn dĩ em và Shuya chẳng có tình ý gì nhưng em vẫn hơi hồi hộp.
Có thể là vì lưng của Shuya cứ tưởng gầy mà hóa ra lại rộng. Em cảm thấy như giữa đêm tối, đúng lúc em nghĩ giá thế giới này kết thúc thì Shuya đã đến cứu em.
Nếu nửa đêm mà cậu ấy tới cứu em thế này thì em phải kể cho cậu ấy chuyện đó…
Đạp xe khoảng mười lăm phút, Shuya dừng trước một căn nhà một tầng nằm bên bờ sông cách xa khu dân cư. Chắc chắn đây không phải nhà Shuya, cũng không có vẻ gì là có người ở, vậy mà Shuya lại lấy chìa khóa ra từ trong túi và mở cửa căn nhà. Thấy em lo lắng, Shuya bảo đây là nhà bà Shuya trước đây, nay bà đã mất, nó được dùng làm kho chứa đồ của cửa hàng.
Shuya vào nhà, bật điện lên. Hành lang xếp đầy những hộp các tông lớn. Căn nhà chất đầy đồ đạc, không thông khí nên nóng nực như phòng xông hơi. Chúng em quyết định ngồi trước cửa nhà. Vừa lăn qua lăn lại lon nước bưởi giữa hai tay, em vừa kể cho Shuya nghe chuyện ngày hôm đó em đã làm. Chuyện này cả cô Yuko cũng không biết.
Câu chuyện của cô Yuko có một điểm em không thể tin được. Là đoạn cuối. Khi nghe cô nói, thực sự em thấy sợ cô đến lạnh cả sống lưng.
Sau khi cô ra khỏi lớp, Nao lao ra, rồi cả lớp cùng ùa ra như thể chạy trốn. Còn lại mỗi mình em trong lớp, em cũng định đi ra song lại thấy chiếc thùng đựng những hộp sữa rỗng vẫn đang để trên bục cạnh bảng đen.
Ai trực nhật hôm nay nhỉ? Dù là ai chắc cũng không muốn chạm vào thứ này. Em bất giác nhìn vào hộp sữa của Nao và Shuya.
Trong lúc nói chuyện cô đã nhắc đến từ “đạo đức” mấy lần cô nhỉ. Vậy đạo đức của cô, người cứ nhắc đi nhắc lại từ “đạo đức” thì như thế nào. Tuy em có thể phần nào hình dung được nỗi buồn và sự đau khổ của cô nhưng không thể hiểu hoàn toàn. Em thích một người, người đó vẫn sống nên dù em có tưởng tượng người đó đã chết thì cũng chỉ là tưởng tượng mà thôi. Dẫu cô có hận Nao và Shuya thế nào thì trong cô hẳn vẫn còn “đạo đức”. Em đã nghĩ như vậy.
Em dùng túi ni lông trong ngăn đồ trực nhật gói hai hộp sữa của Nao và Shuya lại rồi cầm về nhà. Đương nhiên, nếu chỉ thiếu hai hộp sữa đó thì sau này dễ có chuyện nên em đã bỏ vỏ hộp của cả lớp vào túi đựng rác cháy rồi mang tới bãi rác sau nhà thể chất mà không đưa tới điểm thu vỏ hộp. Trên đường đi em có gặp vài thầy cô nhưng bọn họ chỉ nói “em vất vả quá”, mà không nghi ngờ gì về thứ bên trong túi rác. Cái mác lớp trưởng có ích vào những lúc thế này. về đến nhà em lập tức lấy kéo cắt vỏ hộp sữa của Nao và Shuya, nhỏ vào đó dung dịch có phản ứng với máu. Tình cờ em lại có chất đó.
Kết quả đúng như em nghĩ.
“Cảm ơn cậu đã không nói gì với cả lớp.”
Nghe em nói xong, đầu tiên Shuya nói cảm ơn.
Em ngạc nhiên. Em im lặng không phải vì Shuya mà chẳng qua là vì không có bạn nào có thể chia sẻ một chuyện quan trọng như vậy nên em đã không nói với ai. Song dĩ nhiên, nếu mọi người trong lớp biết điều này thì chắc chắn việc bắt nạt Shuya còn kinh khủng hơn, chẳng hạn như sẽ có bạo lực.
“Cậu chỉ không tin phần đó trong câu chuyện của cô Yuko thôi?”
Em gật đầu.
“Thế mà lại không sợ khi chỉ có hai người ở chỗ như thế này à?”
Em lại gật đầu.
“Dù tớ là A?”
Em nhìn thẳng vào Shuya. Nếu cậu là A thì những đứa khác trong lớp là gì. Nhưng thứ em sợ hơn cả là chính em khi ném hộp sữa ấy. Má Shuya vẫn còn hơi sưng. “Tớ xin lỗi.” Em vừa thì thầm vừa chạm đầu ngón tay vào má Shuya như để xác nhận lại việc mình đã làm. Nhiệt độ cơ thể Shuya truyền tới đầu ngón tay ấm hơn tưởng tượng khiến em bối rối.
Em nghĩ không phải vì em đã cầm lon nước lạnh một lúc lâu hay vì má Shuya vẫn đang sưng. Trong thâm tâm em vẫn nghĩ Shuya là kẻ sát nhân máu lạnh. Song Shuya là một thiếu niên bình thường.
“Sao cậu lại cho tớ xem kết quả xét nghiệm máu?”
Em hỏi điều mình thắc mắc từ lúc nãy.
“Vì tớ nghĩ cậu và tớ chắc cũng giống nhau.”
Em hơi thất vọng vì hóa ra không phải cậu ấy tới cứu em, không biết đáp lại thế nào em bèn giật nắp lon nước.
“Chờ đã, cậu uống hết được không?”
Nghe Shuya nói, em nhìn lon nước 350 ml trong tay mình.
Tuy nước có ga nhưng cũng không phải là không uống hết được. Tuy nhiên, em hiểu Shuya muốn nói gì. Em cũng không khó chịu vì điều ấy.
“Chắc là hơi khó.”
Nói rồi em đặt lon nước xuống. Shuya đưa lon nước đang uống dở cho em. Em đón lấy, uống liền ba hơi rồi trả lại Shuya. Shuya uống tiếp rồi đưa cho em. Chúng em uống chung lon nước soda vị bưởi, đến khi lon rỗng thì hôn nhau. Em có người mình thích rồi, nhưng chẳng liên quan. Shuya là đồng minh duy nhất của em trên thế giới này.
“Ngày mai nhất định phải đến trường nhé.”
Shuya nói thế sau khi đèo em về cửa hàng tiện ích lúc nãy rồi chia tay. Dù không thích đến trường nhưng lúc này mà nghỉ học khéo sẽ thành giam mình cả đời trong nhà mất. Vả lại có Shuya thì chắc em có thể chịu đựng được phần nào chuyện bắt nạt. Em hứa với Shuya.
“Nhất định tớ sẽ đến.”
Sáng hôm sau, em đặt chân vào lớp thì nghe thấy tiếng huýt sáo từ mấy bạn nam. Có bạn nữ hết nhìn em lại nhìn lên bảng rồi cười khúc khích. Trên bảng vẽ một chiếc ô đôi có tên của em và Shuya. Giống như Shuya vẫn làm, em đi tới chỗ ngồi của mình mà không nhìn ai. Trên mặt bàn cũng vẽ thứ tương tự. Cũng bằng bút không xóa được.
“Chào Mizuho!”
Một lũ đang vây quanh Ayaka. Từ chỗ ngồi của mình, Ayaka lắc lắc cái điện thoại ra hiệu cho em nhưng em mặc kệ, ngồi vào chỗ và mở cuốn sách chuẩn bị sẵn từ trước.
Đến đây thì Shuya tới. Tiếng reo hò giống như ban nãy lại vang lên, Shuya cũng nhìn lên bảng. Shuya vẫn không thể hiện cảm xúc gì, nhưng sau khi đặt cặp sách lên trên mặt bàn bị vẽ bậy, cậu ấy đi tới chỗ Takahiro đang huýt sáo.
“Ái chà, học sinh A, có chuyện gì muốn nói à?”
Takahiro nói với vẻ khinh bỉ. Shuya không đáp lại, liếc nhìn Takahiro rồi tự cắn đầu ngón tay út và bôi xoẹt một đường lên má phải Takahiro. Đó là dấu hiệu khởi đầu sự trừng phạt dành cho sự trừng phạt. Trên má Takahiro lưu lại một vệt đỏ. Là máu của Shuya. Những bạn đứng gần đó hét lên, sau đó lớp học im lìm như bị đóng băng.
“Mày đã giữ tay Mizuki đúng không? Mày muốn được lòng con bé ngu ngốc ấy thế cơ à?”
Shuya thì thào vào tai Takahiro, tiếp theo, cậu ấy tới trước mặt Ayaka, giơ ngón tay út ra. Vệt máu chảy từ đầu ngón tay sắp xuống đến cổ tay. Ayaka lấy hai tay che mặt. Nhưng Shuya lại dùng bàn tay dính máu cầm lấy điện thoại của Ayaka đang để trên bàn. Shuya nói với Ayaka đang hét lên.
“Dùng thủ đoạn hèn hạ không làm bản thân cao quý lên được đâu. Đồ con gái ngu xuẩn không biết bản thân đang bị lợi dụng.”
Cuối cùng, Shuya tới trước mặt Yusuke đang ngồi ở cuối lớp, cạnh cửa sổ, quan sát sự việc với vẻ bàng quan.
“Tao biết thừa mày xúi giục con bé ngu xuẩn kia và kích động chuyện bắt nạt tao.”
Nói đoạn Shuya ấn môi mình vào môi Yusuke. Tất thảy mọi người trong lớp học, kể cả em, đều nín thở.
“Cảm tưởng hôn một thằng con trai thế nào?”
Từ bên cạnh nhìn sang em cũng biết là mặt Yusuke đang đông cứng lại. Shuya cười với bộ mặt thỏa mãn và nói với Yusuke.
“Trừng phạt? Đừng ra cái vẻ anh hùng chính nghĩa. Mày biết chuyện đứa bé đó đi tới bể bơi mà. Mày đang mang cảm giác tội lỗi vô cớ là nếu mày chịu khó đi báo thì có thể đứa bé đã không chết đúng không? Bắt nạt tao, mày có thấy nhẹ nhõm hơn chút nào không? Biết gì không? Kẻ như mày người ta gọi là đạo đức giả đấy. Mày mà còn bày trò nữa thì lần tới tao sẽ hôn cả lưỡi vào đấy.”
Từ đó chẳng còn ai bắt nạt Shuya nữa.
Đã vào tháng Bảy. Tuy đã bắt đầu thi cuối kỳ nhưng hầu như ngày nào em và Shuya cũng gặp nhau tại căn nhà đó. Vốn chưa từng tỏ thái độ chống đối bố mẹ nên em chỉ cần nói “con đến nhà bạn học” thì dù có về hơi muộn cũng không bị trách mắng gì. Shuya nói bố cậu ấy đã tái hôn hồi lớp Năm, vì có thêm em trai nhỏ nên cậu ấy dùng căn nhà đó làm nơi học tập, một tuần không về nhà cũng không bị nói gì. Shuya gọi phòng trong cùng là “phòng nghiên cứu”. Tại căn phòng đó, Shuya bỏ cả chuyện học thi để chế tạo thứ gì đó giống như đồng hồ đeo tay. Em hỏi nhưng cậu ấy không nói. Nhưng em thích đứng từ xa nhìn Shuya cặm cụi làm như vậy. Giữa tháng Bảy, cậu ấy làm xong và lần đầu tiên nói cho em biết đó là “máy phát hiện nói dối”. Phần dây đeo có bộ phận cảm biến nhận biết mạch đập, khi mạch đập không đều, bảng chữ số sẽ sáng và chuông sẽ kêu. Cơ chế là như vậy.
“Cậu thử đi.”
Nghe Shuya nói, em lo lắng nhỡ có điện trong đó thì sao nhưng vẫn rụt rè đeo thử vào tay.
“Cậu đang nghĩ nhỡ có điện trong đó à?”
“Hả? Tớ có nghĩ vậy đâu.”
Píp píp píp… Bảng chữ số sáng, âm thanh giống với tiếng chuông đồng hồ báo thức loại rẻ tiền vang lên.
“Tuyệt vời, tuyệt thật! Shuya giỏi thật!”
Em nhắc đi nhắc lại “tuyệt vời” với vẻ thán phục. Shuya cười ngượng nghịu, kéo tay em lại.
“Chỉ cần thế này thôi… Tớ chỉ mong được ai đó khen ngợi như thế này thôi, vậy mà…”
Là vụ đó, em nghĩ. Đây là lần đầu tiên Shuya định nói về chuyện đó. Em đặt tay còn lại lên trên bàn tay Shuya đang nắm lấy cổ tay em.
Bọn trẻ con ấy, chúng sẽ dần dần phóng đại câu chuyện lên cho tới khi đối phương có phản ứng đúng như chúng trông đợi nhỉ. Đây cũng giống thế thôi. Tớ tìm thấy xác con mèo ở bãi đất hoang. Thế á… Thực ra chính tớ đã giết con mèo đó. Hả, không thể nào. Tớ không nói dối đâu, thỉnh thoảng tớ vẫn giết chó hoặc mèo. Hả, thế à. Nhưng không phải giết theo cách bình thường. Hả, như thế nào? Giết bằng “Máy hành quyết” tớ chế ra. Cậu giỏi thế!… Cô giáo, bên trong có thứ hay lắm, cô mở ra xem đi. Này, Mizuki, tội của tớ là gì nhỉ? Là giết người thật à? Vậy từ giờ tớ nên làm gì…
Shuya khóc. Em không nói gì, chỉ ôm chặt lấy Shuya. Không hiểu sao đồng hồ trên tay lại đổ chuông báo thức.
Hôm đó, gần sáng em mới về đến nhà.
Người vui nhất khi chuyện bắt nạt Shuya không còn nữa là Werther. Shuya bắt đầu cười nhiều hơn trong lớp, bài kiểm tra cuối kỳ cũng đứng đầu khối. Trong cuộc bầu cử thành viên Hội học sinh tổ chức vào học kỳ hai, mọi người đều nghĩ lớp B đương nhiên sẽ đề cử Yusuke song gần đây có cả ý kiến cử Shuya. Werther có vẻ rất tâm đắc, chẳng hề nhận ra bầu không khí ôn hòa miễn cưỡng trong lớp học. Có lần em nhìn thấy Werther nháy mắt với Shuya khi bắt gặp Shuya được cô giáo tiếng Anh khen ở hành lang.
Không phải thầy nháy mắt với em mà em lại thấy buồn nôn.
Tuy nhiên vẫn còn một vấn đề lớn dành cho Werther. Là chuyện của Nao. Nếu cứ tiếp tục không tới trường thế này thì từ học kỳ hai sẽ như thế nào. Có lẽ đã đến lúc phải đưa ra quyết định, bao gồm cả chuyện thay đổi hướng đi khác.
Đối với chuyện mình không làm được, cô Yuko có bao nhiêu phần lưỡng lự mới nói ra câu “tôi không thể” ạ? Những người chưa làm đã nói “tôi không làm được” thì em không bàn tới, nhưng em nghĩ cần rất nhiều dũng cảm để nói ra điều đó. Werther nên vứt cái tôi đi mà nói “tôi không thể đưa Naoki trở lại trường”.
Hoặc Werther nên tham khảo giáo viên khác. Ví dụ như khuyên nên chuyển sang trường khác cũng tốt đúng không ạ?
Vì lý do Nao không thể đến trường là ở lớp này mà.
Trước hôm tổng kết học kỳ một, sau giờ học, như thường lệ, em và Werther cùng tới nhà Nao. Lúc đó là khoảng sáu giờ nhưng trời vẫn còn nắng, em đứng ở thềm cửa mà khắp người nhơm nhớp mồ hôi.
Hôm ấy em đã viết thư cho Nao. Vì em nghĩ sẽ không công bằng nếu chỉ nói cho Shuya kết quả kiểm tra vỏ hộp sữa mà không nói cho Nao. Dĩ nhiên, em chỉ ghi mỗi kết quả chứ không hề viết câu nào kiểu như “quay lại trường đi nhé!” Em nghĩ, không đả động gì chuyện đến trường sẽ giúp trái tim Nao nhẹ nhõm ít nhiều.
Qua khe cửa he hé, Werther đưa cho mẹ Nao bì thư đựng bài vở ghi chép và tờ bìa cứng được bọc giấy bọc quà. Em ngạc nhiên vì em vẫn chưa đưa lại cho Werther tờ giấy bìa cứng. Mà thôi, Werther quên luôn đi thì tốt.
Hình như trong nhà bật máy lạnh, thấy mẹ Nao lại mặc chiếc áo dài tay dày ngay giữa mùa hè. Em không nhìn rõ được mặt mẹ Nao. Em cố đưa cho mẹ Nao bức thư trước khi cửa bị đóng. Đúng lúc ấy, đột nhiên Werther lấy một chân chặn cửa rồi hét với vào trong nhà.
“Naoki, nếu em ở trong nhà thì nghe đây. Thực ra, trong học kỳ một này người khổ sở không chỉ mình em đâu. Shuya cũng khổ lắm. Shuya bị các bạn cùng lớp bắt nạt. Một kiểu bắt nạt quỷ quyệt. Thầy đã giải thích cho các bạn hiểu hành vi đó sai trái thế nào. Thầy đã giải thích bằng cả trái tim… Và các bạn đã hiểu ra. Naoki này, đầu tiên, hãy chia sẻ với thầy những trăn trở của em. Thầy sẵn sàng đón nhận bằng tất cả trái tim. Nhất định thầy sẽ giải quyết được. Em hãy tin ở thầy. Hãy tới dự lễ tổng kết vào ngày mai. Thầy chờ em.”
Cơn giận không thể diễn đạt bằng lời trào lên trong em. Chẳng phải thầy đã nói không phải bắt nạt mà là đố kỵ sao. Thế mà chuyện vừa chấm dứt đã nói đó là bắt nạt. Từ bên ngoài nhìn lên trên tầng hai, em thấy hình như rèm cửa phòng Nao khẽ lay động.
Phấn khích quá hay sao mà Werther còn cúi gập người chào mẹ Nao đang ngớ ra, hai mắt sáng rực, vô hồn rồi đóng cửa lại. Hàng xóm cũng ngó sang tưởng có chuyện gì. Werther tươi cười cúi chào cả mấy người ấy rồi quay lại nói với em.
“Mizuho, cảm ơn em đã luôn đi cùng thầy.”
Đang nói với em mà thầy ấy nói to trên mức cần thiết như thể muốn tất cả cùng nghe thấy. Vở kịch độc diễn. Vốn từ đầu đã là như thế.
Còn em là khán giả đã theo dõi toàn bộ từ màn đầu tiên. Em được dẫn theo để làm nhân chứng cho việc Werther đã nhiệt tình tới nhà Nao như thế nào. Em vò bức thư chưa kịp chuyển đến Nao đang bỏ ngoài túi váy.
Đêm hôm ấy, Nao giết mẹ mình.
Lễ tổng kết học kỳ một được rút ngắn, thay vào đó, có buổi họp phụ huynh đột xuất từ đầu giờ chiều.
“Tối qua xảy ra một việc liên quan đến học sinh lớp này. Hiện chi tiết vẫn đang được điều tra song mọi người không có gì phải lo lắng cả.”
Thầy hiệu trưởng chỉ giải thích có vậy về vụ việc của Nao. Song hầu hết học sinh đều biết chuyện. Trong lớp, ai cũng suy đoán về chuyện của Nao, mọi người đều muốn biết chi tiết hơn. Xảy ra một chuyện nghiêm trọng như vậy mà không khí trong lớp có gì đó hân hoan kỳ lạ. Giờ sinh hoạt sau lễ tổng kết, Werther không đả động gì đến vụ án lẫn Nao. Trông thầy ấy có vẻ định nói gì đó nên em đoán là bị nhà trường ngăn không cho nói mấy chuyện thừa thãi. Hết giờ sinh hoạt, cả lớp gần như bị đuổi về nhưng riêng em được yêu cầu ở lại. Em nghĩ là do em đã đến nhà Nao chỉ vài giờ trước khi xảy ra chuyện.
Thấy em phải ở lại một mình trong lớp học, Shuya đưa cho em một chiếc “bùa”. Em ngồi chờ một lúc thì Werther đi vào.
“Mizuho đừng lo. Nếu bị hỏi, em cứ trả lời đúng như sự thật.”
Werther đặt hai tay lên vai em, nói với giọng cả quyết. Không gạt tay thầy ấy xuống, em nhìn thẳng vào mắt Werther.
“Em hỏi thầy một chuyện được không? Nhưng trước hết thầy hãy đeo cái này vào tay. Giống loại bùa may mắn đang thịnh hành gần đây ạ.”
Sau khi chắc chắn Werther đã đeo chiếc bùa em đưa vào tay, em hỏi:
“Thầy tới nhà Nao hằng tuần là vì nghĩ cho Nao hay là để thỏa mãn cá nhân?”
“Cái gì, em nói vớ vẩn gì vậy. Mizuho, tuần nào em cũng đi với thầy, em phải hiểu chứ? Thầy đến là vì Naoki, vì nghĩ cho Naoki.”
Píp píp píp… Âm thanh ngu ngốc nghe mà chỉ muốn cười đau khổ. Werther nhìn màn hình số sáng rực với vẻ nghi ngờ và hỏi.
“Gì thế? Cái gì đây.”
“Thầy đừng bận tâm… Là dấu hiệu phán quyết cuối cùng đã kết thúc thôi.”
Em đi theo Werther tới phòng hiệu trưởng. Ở đó có thầy hiệu trưởng, cô chủ nhiệm khối và hai cảnh sát. Vừa ngồi xuống cạnh Werther, em liền bị bảo hãy kể về Nao, gì cũng được mà chẳng hề được giải thích cụ thể về vụ việc. Em kể lại đúng như sự thật.
“Thứ Sáu hằng tuần, em cùng thầy Yoshiki tới nhà Nao để đưa vở chép bài. Người ra tiếp luôn là mẹ của Nao, em chưa bao giờ thấy Nao. Mẹ Nao ban đầu chào đón rất nhiệt tình nhưng dần dần lại tỏ thái độ như bị làm phiền. Hôm trời nóng mẹ Nao vẫn mặc áo dài tay, tuy đã trang điểm che đi nhưng trên mặt có cả những vết thâm. Em nghĩ chắc là Nao đã hành hung mẹ mình. Chắc hẳn mỗi lần thầy và em tới, mẹ Nao lại khuyên cậu ấy đến trường.
“Tuy mẹ Nao không nói gì nhưng em nghĩ chắc chuyện bị giáo viên tới nhà đã trở thành áp lực với Nao. Nao không phải kiểu người nổi giận rồi đánh người khác. Song có lẽ, dần dần bị dồn ép, cậu ấy đã không còn chỗ nào để xả ra bức bối. Vậy nên cậu ấy đã trút giận lên người mẹ luôn tha thứ dù cậu ấy làm bất cứ chuyện gì. Nao hơi yếu đuối. Nếu là giáo viên theo sát Nao từ trước đến giờ hẳn sẽ biết điều đó. Duy chỉ có thầy Yoshiki, người muốn tự mình giải quyết tất cả là không biết. Em và thầy càng tới Nao càng bị dồn ép, càng trút giận lên mẹ. Nghĩ vậy, em đã bàn với thầy Yoshiki hay là nên ngừng việc tới nhà một thời gian. Nhưng ý kiến của em không được lắng nghe. Đã vậy, hôm qua thầy ấy còn thuyết giáo Nao bằng một giọng to đến mức cả hàng xóm cũng nghe thấy. Làm thế chỉ biến Nao thành một vật triển lãm không hơn không kém. Vì Nao không muốn đến trường nên nhà là chốn bình yên. Vậy mà thầy Yoshiki lại cướp nốt chốn bình yên đó của Nao.
“Người dồn ép Nao là thầy Yoshiki. Thầy ấy chẳng bao giờ đếm xỉa đến học sinh. Thầy chỉ mải mê lo cho hình ảnh của mình trong mắt học trò. Nếu thầy không làm chuyện phô trương ngu ngốc đó thì chắc chắn bi kịch này đã không xảy ra.”
Cô Yuko, đây là những chuyện đã xảy ra chỉ trong bốn tháng, suốt cả học kỳ một.
Khi em đang viết thư này thì đã vào kỳ nghỉ hè rồi. Không biết Werther có xuất hiện ở lễ khai giảng học kỳ hai không. Nếu thầy ấy vẫn mặt dày tiếp tục làm giáo viên thì em còn một dự định này nữa.
Em thu thập được rất nhiều hóa chất từ mùa hè năm ngoái. Em định dùng để kết liễu đời mình nếu thấy chán ghét thế giới này. Song có lẽ nên thử kiểm tra tác dụng của chúng trên người khác đã. Em vẫn chưa có thứ em muốn nhất là kali xyanua, hiện nhà trường đang bận rộn đối phó với các bậc phụ huynh nên có lẽ đây là thời cơ. Em nghĩ nếu em hỏi, thầy Tadao phụ trách các môn tự nhiên sẽ không nghi ngờ gì và cho em mượn chìa khóa phòng Hóa học ngay thôi.
Cho Werther uống rất đơn giản. Ở lớp B, chỉ có mình Werther là uống sữa, mà nếu lỡ ai khác uống phải em cũng chẳng quan tâm. Chắc cô đang thắc mắc tại sao em lại căm ghét Werther đến vậy.
Em thích Nao ngay từ những năm đầu tiểu học. Có lẽ là tình yêu đầu đời.
Mọi người trong lớp đều gọi em là Mizuho, chỉ có Nao gọi em là Mizuki-chan. Mizuho là biệt danh lũ con gái ngu ngốc đến bảng cửu chương cũng không thuộc đặt cho người học giỏi nhất lớp là em để trả thù.
Mizuki ngớ ngẩn[5], thành Mizuho.
Có thể cậu ấy đã quen gọi em là Mizuki-chan do là bạn từ nhỏ. Nhưng chỉ thế thôi cũng đủ để em thích. Em nghĩ trên thế giới này chỉ có Nao đứng về phía em.
Em nghe chị thứ hai của Nao kể. Khi được hỏi “Tại sao lại giết mẹ”, Nao chỉ nói độc một câu.
“Vì muốn bị cảnh sát bắt.”
Cô Yuko, em hỏi cô một câu cuối cùng được không?
Hiện cô nghĩ thế nào về chuyện đã tự tay mình xét xử hai thiếu niên ấy?