THỜI CỦA THÁNH THẦN

Chương 7

Phúc cho người từ trong quê ra tìm Vỹ và Chiến Thắng Lợi. Bà Đồ Kha ốm nặng, khó qua khỏi.

Vỹ vừa thu xếp xong đồ đạc quần áo cho vào ba lô thì Chiến Thắng Lợi đi xe commăngca đến. Anh lái xe trẻ măng, có vẻ kiêm cần vụ, vì có súng ngắn đeo bên sườn. Trên xe có cả Là, vợ Lợi, lúc ấy đã có mang đến tháng thứ ba.

Chuyện Chiến Thắng Lợi lấy vợ, mãi sau ngày tiếp quản Thủ đô anh em gặp nhau, Vỹ mới biết. Hoá ra đó cũng là một đám cưới chạy. Trước khi cơ quan Lợi rục rịch chuyển từ Sơn Dương về Hà Nội, anh em phải đứng ra tổ chức cưới gấp.

- Lúc ấy chú còn đang phỏng vấn tù binh ở mãi bên Sơn La. Có báo chú cũng chẳng sang dự được - Lợi nói với Vỹ hôm giới thiệu hai chị em với nhau và cố tình xuê xoa câu chuyện. Đám cưới thời chiến, tổ chức được như thế là tốt lắm rồi. Với lại thầy từng dạy chúng mình: "Thê thiếp như y phục" vợ chỉ là cái áo thay hàng ngày. Sự nghiệp mới là mục đích của đấng nam nhi.

Là không đẹp, nhưng rất đàn bà. Con gái Tày da trắng bóc, mặt tròn, má bánh đúc đỏ hây hây như lúc nào cũng vừa từ bếp lửa ra. Là là con gái út ông Ma Kin Siu, chủ nhà cơ quan Chiến Thắng Lợi đến ở nhờ thời kỳ chuyển từ Đại Từ sang.

Liếc thấy Lợi, Là đã tít mắt. Cũng phải thôi. Đẹp trai, cán bộ triển vọng, lại chưa vợ, Lợi như miếng mỡ ngon luôn treo trước miệng các ả mèo. Khối bà nạ dòng bờm xơm tán tỉnh, nhưng Lợi chẳng dại. Bài học với Cam lúc nào cũng như cành cây cong, khiến con chim Chiến Thắng Lợi luôn cảnh giác. Có chết thì chết ở biển cả chứ đừng có chết ở ngòi khe. Cho nên, mới chuyển đến ở ngày thứ hai, Lợi đã tăm thấy ngay cái vòng mông nở, đôi bắp chân trắng nõn và bộ ngực lúc nào cũng như ấn vào mắt người ta. Tiếp đến mới là đôi mắt. Đôi mắt một mí, dài có đuôi, đa tình một cách lộ liễu không cần giấu giếm. Đôi mắt ấy chết đứ đừ khi gặp mắt Lợi thôi miên.

Kỷ luật trong khu ATK tất nhiên là rất nghiêm ngặt, nhưng dù tai mắt của tổ chức tinh tường đến đâu, cũng không thể kiểm soát được tất cả núi rừng, khe suối, hang động trong vùng. Trai gái đã thích nhau, trời cũng chẳng ngăn được. Lợi ngủ với Là thật dễ dàng. Vừa đụng vào người, Là đã ngã lăn ra thảm lá dày dưới vòm tre trúc dày đặc. Từ đó, tuần nào Lợi cũng hẹn gặp Là một lần. Là ham tới mức nhiều khi bỏ cả việc nhà sang nấu cơm cho bếp cán bộ để đợi Lợi rủ ra rừng. Có lần Lợi đi công tác vắng, Là còn tìm cách đón đường ngay từ lúc Lợi mới về đến con suối đầu bản.

Cho tới khi tin chiến thắng Điện Biên Phủ truyền đi, hiệp định Giơnevơ lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết, các cơ quan Chinh phủ chuẩn bị về Thủ đô, thì một hôm ông Ma Kin Siu tìm gặp thủ trưởng cơ quan Lợi, với vẻ mặt đầy nghiêm trọng.

- Hoà bình rồi, các cán bộ về xuôi thì tốt rồi. Nhưng anh Chiến Thắng Lợi thì không về được đâu.

- Vì sao thế bác? - Thủ trưởng của Lợi, đồng chí Lê Công Trạng, một người chín chắn và điềm đạm, ngạc nhiên hỏi.

- Tưởng anh Lợi phải báo cáo với thủ trưởng rồi chứ?

- Chuyện riêng tư của mỗi người, tổ chức chúng tôi luôn tôn trọng - ông Trạng như phần nào đã hiểu ra.

- Không được đâu. Anh Lợi định chạy làng là không tốt đâu! Mấy hôm nay cháu Là nhà tôi khóc sưng cả mắt. Nó lo anh Lợi bỏ về Hà Nội, không ai nuôi con nó.

Ông Trạng hiểu ra sự việc nghiêm trọng.

- Tôi hiểu rồi. Bác bình tĩnh lại đi. Cơ quan chúng tôi sẽ thu xếp việc này.

- Phải giải quyết trước khi các đồng chí về tiếp quản Thủ đô chứ.

- Tất nhiên rồi. Để chúng tôi sẽ bàn với đồng chí Lợi. Đơn vị sẽ thay mặt gia đình đồng chí Lợi có lời với hai bác cùng gia đình và cô Là.

Những nếp nhăn trên gương mặt ông già người Tày giãn hết cả ra.

- Có thế chứ. Phải tổ chức cưới đàng hoàng chứ. Tôi sẽ cho con gái tôi cùng về Hà Nội, báo cáo với đồng bào…

Thấy bố Là sang gặp thủ trưởng cơ quan, Chiến Thắng Lợi đoán ngay được câu chuyện. Không để rơi vào thế bị động, ngay sau khi ông Siu về, Lợi đã mở chiếc hòm bằng gỗ nghiến nặng trịch như két sắt, có bộ ổ khoá bé xíu nhưng rất chắc chắn, moi từ dưới đáy cùng lên chiếc mật gấu khô và hai lạng cao hổ, tần ngần ngắm nghía một lúc, rồi tặc lưỡi, đút túi, đi tìm gặp ông Trạng.

Với vẻ mặt khổ não của một kẻ tội đồ luôn ăn năn, dằn vặt, Lợi đã báo cáo hết với ông Trạng mối quan hệ của anh với Là.

- Báo cáo anh… Thực tình em luôn coi anh như hàng cha chú. Anh dạy bảo mắng chửi em là giúp em nên người. Chuyện của em với Là, cũng là khuyết điểm của tuổi trẻ…

- Ờ cái cậu này, hay nhỉ? Yêu nhau sao lại gọi là khuyết điềm? Trai chưa vợ, gái chưa chồng, yêu nhau ai có quyền cấm nào?

- Dạ, nhưng…

- Nhưng có điều, cô cậu yêu đương quá đà. Có thể xếp vào tội hủ hoá. Cậu lại là người của tổ chức, tức là đã xa rời lập trường quan điểm giai cấp, vi phạm đạo đức cách mạng. Mười điều răn "Đạo đức Cách mệnh" cậu nhớ không?

- Dạ thưa anh, em nhớ. Năm là xa lánh tà dâm…

- Tà dâm chó gì? - ông Trạng bật cười - Cô cậu yêu đương quá đà chứ không phải tà dâm. Lẽ ra phải báo cáo tổ chức. Tức là tớ phải biết trước, chứ không phải đợi đến bây giờ cô Là ễnh bụng ra mới đến báo cáo. Tội của cậu là tội lừa dối tổ chức. Nếu cấp trên biết, nhẹ nhất là khai trừ, ghi lý lịch, đuổi về quê… - ông Lê Công Trạng bắt đầu thấy sốt ruột. Vừa nói, ông vừa nhìn xoáy vào bàn tay Lợi cứ thập thò mãi trong túi áo.

Lợi thấy lạnh toát xương sống. Khép vào tội hủ hoá, lừa dối tổ chức là ăn cứt rồi. Hoặc là anh sẽ bị ghi lý lịch, tống cổ về quê. Hoặc là anh cứ việc cưới vợ, sinh con đẻ cái, rồi anh hãy ở lại đây chờ cho đến khi Kinh già hoá Thổ. Chúng tôi sẽ về Thủ đô, còn anh chị cứ ở lại với núi rừng nhé.

Tự dưng hai hàng nước mắt Lợi rơi lã chã. Lợi đã tiên lượng thấy bao điều khủng khiếp sẽ diễn ra nếu Lợi không nhanh tay tự cứu mình. Không chút chần chừ, anh rút cái mật gấu khô và hai lạng cao hổ cốt, phù phục quỳ xuống, đặt trước mặt ông Trạng.

- Cái gì thế? Cậu đừng làm thế. Đứng dậy đi - ông Trạng đưa hai tay đỡ Lợi dậy, vờ như ngạc nhiên - Đồ sính lễ để tổ chức cưới phải không?

- Dạ không. Em đã chuẩn bị cho lễ cưới rồi, nhưng còn chờ xin ý kiến anh. Đây là chút lễ mọn kính anh. Cao hổ cốt với mật gấu này đều là của thật ở rừng thượng nguồn sông Gâm. Gọi là có chút quà, sắp tới anh đem về quê biếu các cụ…

- Thằng này vẽ chuyện - ông Trạng cười xoà, lấy tay đẩy gói quà - Vấn đề của cậu bây giờ là phải chuộc lỗi với tổ chức, lấy lại lòng tin trong quần chúng nhân dân. Sắp chuyển về tiếp quản Thủ đô rồi, phải giữ hình ảnh người cán bộ kháng chiến sao cho đẹp.

- Dạ thưa, đó cũng là mục đích của em hôm nay. Em đến báo cáo anh, xin anh, xin cơ quan cho chúng em tổ chức cưới.

- Cậu không muốn, chúng mình cũng bắt cậu phải cưới - Vừa nói, ông Trạng vừa thản nhiên cầm gói quà đút vào túi - Không cưới thì dân người ta ỉa vào mặt, mà đơn vị mình cũng mất sạch danh hiệu thi đua. Bản thân tớ có thể cũng bị cảnh cáo khai trừ…

Đám cưới Lợi - Là được tổ chức gấp rút ngay sau đó. Một đám cưới đời sống mới, nhưng cũng phải thịt hai con lợn và mấy chục con gà. Vừa cưới, vừa tổ chức chia tay với đồng bào nơi chiến khu cách mạng.

Là là người đàn bà ruột để ngoài da, phúc hậu và tốt bụng. Chị coi vừa lấy được Lợi vừa được về ở giữa Thủ đô là diễm phúc lớn của đời mình. Chỉ có điều Là hơi buồn và ngượng với Lợi: tưởng có chửa, hoá không phải. Chậm kinh hai tuần, nhưng rồi máu lại ra ồ ồ. Có lẽ do Lợi khoẻ quá, từ hôm báo cáo ông Trạng, công khai với thiên hạ rồi, ngày nào cũng như giã giò thai nào mà trụ được?

Mấy tháng về Hà Nội, phải thay đổi nơi ở vài ba lần, Là vẫn ngoan ngoãn ôm đồ đạc đi theo chồng. Chị chăm sóc, phục vụ Chiến Thắng Lợi như một con sen mẫn cán, chẳng bao giờ kêu ca, phàn nàn. Hơn Vỹ một tuổi, nhưng Là lại luôn xưng em với Vỹ. Vỹ bảo:

- Không được xưng hô như thế. Gia đình mình nề nếp, gia giáo ít tuổi nhưng ở bậc trên vẫn là chị. Chị cứ gọi như thế, về nhà thầy u biết, mắng em đấy.

- Nhưng trông anh Vỹ người lớn lắm, xưng chị ngượng chết - Là sửa mấy gần, nhưng vẫn không quen.

°°°

Đã một năm nay sức khoẻ cụ bà Đồ Kha sút hẳn. Cụ phát bệnh từ cái đêm Việt Minh đánh bốt làng Động.

Trước đó năm ngày, do đã được cơ sở ta báo trước, nên ông bà Lý Phúc cùng bé Hậu đã tản cư trước lên nhà ông Chánh tổng Thiện ở làng Nghi Sơn đầu huyện. Thuyết phục mãi, nhưng cụ Đồ Kha nhất định không đi tản cư. Đành phải để Cục ở lại trông bà.

Nửa đêm hôm sau, du kích bao vây đồn. Cuộc chiến kéo đài hơn năm tiếng đông hồ. Đích thân đồn trưởng Trương Phiên chỉ huy một đại đội lính Âu Phi và hai đại đội lính địa phương quân chống trả điên cuồng. Lô cốt xây bằng gạch bị giật đổ, chúng kéo vào trong đình tứ thủ. Ngôi đình trở thành một pháo đài vững chắc. Đã có lúc địch đánh nống ra tận dãy giao thông hào xóm Am, đánh bật Việt Minh ra cuối làng. Nếu quân tiếp viện từ bốt Phủ xuống kịp, có thể tình thế của Việt Minh sẽ bị lật ngược lại. Trận chiến càng về cuối càng quyết hệt. Đã có trận giáp lá cà giữa những người cảm tử với lính Âu Phi. Đạn moocchiê, súng trung liên, lựu pháo… bay chiu chíu qua đầu hai bà cháu. Tiếng loa địch vận, giọng nữ rất trong và vang, đề nghị anh em binh lính đầu hàng đế tránh thương vong, chốc chốc lại lẫn trong tiếng lóng. Rồi có tiếng xe xích sắt, xe cam nhông chạy rầm rập. Không biết quân tiếp viện từ bốt Phủ xuống hay Trương Phiên đang mở đường máu thoát thân.

Đến gần sáng thì quân Pháp chạy thoát khói đình làng Động. Cả làng đang hả hê háo hức ra đình thu chiến lợi phẩm, thì bỗng nghe những tiếng nổ khủng khiếp. Tiếng nổ của những gói bộc phá lớn. Thì ra du kích sợ lính Pháp từ bốt Phủ điều xuống tái chiếm lại, nên đã đặt bộc phá giật đổ ngôi đình. Ngôi đình dọc, thường gọi là đình Đụn, chứ không phải đình ngang như mọi nơi, bốn mái đầu đao cong vút, những dãy cột lim to hai người ôm, những bức trạm trổ kỳ công và tinh xảo…, công trình kiến trúc, văn hoá, lịch sử của làng Động, vào loại to và đẹp nhất huyện, bị phá huỷ.

Nằm bẹp dưới hầm bí mật, bà cụ Đồ Kha không bị mảnh đạn nào, cũng không hề bị sức ép của đạn pháo, nhưng gần trưa, khi thằng Cục từ đâu về mang theo một khẩu súng lục, hai hộp bánh bích quy chiến lợi phẩm, rồi nó hí hửng mô tả chiến thắng của quân ca, mô tả quang cảnh ngôi đình Đụn bị bộc phá đánh sập… thì bà cụ Đồ bỗng ngất xỉu. Suốt từ đó, bệnh cụ Đồ ngày càng trầm trọng.

Khi cụ Đồ Kha trở bệnh, mạch có lúc lặn, không tìm thấy, ông Lý Phúc thường nghĩ nhiều đến những công việc hậu sự. Ông mang lá số của Cục ra nghiền ngẫm nhiều đêm. Rồi để kiểm chứng những điều tiên cảm của mình, ông cầm lá số tử vi của Cục đến nhà cụ Nhiêu Biểu.

- Thưa cụ, từ hôm bà cụ tôi ốm nặng, tôi cứ nghĩ mãi về lá số của thằng cháu Quặc…

- Tôi biết rồi, bác có nhớ tôi đã nói với bác về thằng bé này từ hồi bác nhờ tôi lấy lá số cho thằng ba Vọng không? - Cụ Nhiêu Biểu đưa tay bấm độn, nói chậm rãi - Từ hồi có thằng Quặc, cài thế thần triệt của hai thằng anh nó đã bị phá. Nó là phụ nhìn lại gánh phần chính, là thứ nhưng lại làm việc trưởng. Người xưa có nói "Phu hiếu giả, thiên kế nhân chi chí, thiên thuật nhân chi sự giả dã", là vận đúng vào lá tử vi của cậu Tư Quặc. Cậu này sẽ biết thừa kế chí khí của cha anh, nối sự nghiệp dòng họ. Năm nay cậu này phải lấy vợ.

Ông Lý Phúc giật mình.

- Tôi đang muốn thưa chuyện với cụ về việc này. Quả là không có việc gì qua được mắt cụ. Bà cụ nhà tôi chắc không qua khỏi. Không cưới đợt này cho cháu thì phải đợi ba năm nữa.

- Bác nghĩ thế là phải. Thằng Quặc lớn lắm rồi. Bác còn nhớ hồi đầu năm tôi nói với bác về lời sấm của cụ Nguyễn Tiên Điền viết trong Truyện Kiều không? "Tông đường chút chửa cam lòng. Cắn răng bẻ một chữ đồng làm đôi". Câu sau ứng với câu thứ 1954, một câu sấm thớt tài tình. Năm nay có đúng là năm Giáp Ngọ 1954 không? Cái chữ đồng bị bẻ làm đôi không chỉ ứng với nước mình, mà ứng với cả mọi nhà! Rồi bác cứ nghiệm lời tôi mà xem. Chữ đồng bị bé đôi tức là bất đồng, dị đồng. Tan tác, ly tán không chỉ bắc nam, mà ngay từ trong mỗi nhà, ngay giữa cha con, anh em, vợ chồng. Cho nên nếu tụ được, hợp được thì chớ có bỏ lỡ cơ hội. Tôi xem ra, bà cụ nhà yếu lắm. Bác tìm vợ cho thằng Quặc dịp này là thuận!

Nghe lời cụ Nhiêu Biểu, ông Lý Phúc về bàn với vợ, đánh tiếng xin hỏi cô Bính con ông Phó Bùng trên làng Nguyễn cho Cục. Cô Bính hơn Cục hai tuổi, cao kều, da bánh mật, không xinh nhưng chắc khoẻ và rất hay làm. Mười tám tuổi, nhưng hình như Bính trốn tuổi dậy thì, người cứ khô như con cào cào trước sau như một, chẳng thấy mông thấy vú gì. Bọn thanh niên trong xã thường gọi là Bính cào cào, để phân biệt với các Bính khác. Trai gái Phương Đình có tục tảo hôn. Mười ba, mười bốn đã lấy chồng lấy vợ khắp lượt. Mười sáu, mười bẩy đã con bồng con bế. Tuổi như Bính mà vẫn chưa có người rước tức là ế. Bù lại, gia đình ông Phó Bùng lại rất căn bản. Ông Bùng từng có thời làm Phó hội trong làng, có nhà ngói cây mít, con cái khuôn phép, gia giáo. Suy đi tính lại, ông bà Lý Phúc không thấy đám nào hơn. Ông Lý ướm hòi Cục:

- Thầy u muốn cưới vợ cho con, ý con thế nào?

Cục nghênh bên tai lành lắng nghe, rồi bảo:

- Con đợi các anh Khôi, anh Vỹ, anh Vàng cưới trước. Với lại người ngợm con thế này, ai lấy?

- Các anh con đều có phúc có phận, kệ các anh ấy. Thầy đã nhắm rồi. Cô Bính, con ông Phó Bùng ở làng trên, có ưng không?

Cục mường tượng ngay ra Bính cào cào từng đi mót lúa non với Cục mấy lần dưới cánh đồng Bói. Cao thế mà lần nào lội xuống đồng, Bính cũng xắn quần tới bẹn. Trông gầy ngẳng mà đùi trắng và to ra phết. Y nghĩ ấy khiến Cục mặt đỏ tía tai, ngượng ngùng gãi đầu.

- Nhưng mà chị Bính hơn tuổi con.

- Gái hơn hai, trai hơn một. Cô Bính tuổi Tý, con tuổi Dần, đẹp đôi lắm.

Cục lại chợt nhớ đến lần đi xem chèo ở chợ Mới. Bính cao, lại đứng ở trên, che hết cả sân khấu. Cục cao hơn cả Bính, nhưng vẫn phải cố chen lên, chen mãi, tới lúc thấy mình đụng phải Bính. Bất ngờ đũng quần của Cục cứ căng ra. Lặng lẽ, Bính chổng mông đẩy lại. Cứ đùn đẩy như thế một hồi, cả hai, đũng quần đều ướt đầm đìa, thích quá, chẳng cần xem nữa.

- Dạ, tuỳ thầy u - Cục nói nhanh, sợ ông Lý Phúc đổi ý - Thầy u đặt đâu thì con xin ngồi đấy.

- Thầy không ép. Như vậy là con đồng ý rồi nhé. Cưới nhau rồi nếu thích ở riêng, thầy u cho hai vợ chồng cái nhà ngang, cho bẩy sào ruộng trên hai thửa ở cánh đồng Giục và cánh Cửa Ao, với con nghé hoa…

- Con không ở riêng - Cục chối đây đẩy - con phải ở với thầy u để còn chăm bà và em Hậu.

- Thôi được. Cứ lo xong vợ đi đã. Con Bính tuổi Bính Tý. Chuột vàng đấy con ạ.

Ông bà Lý nhờ người đánh tiếng. Ông bà Phó Bùng lập tức phát tín hiệu đồng ý. Được làm thông gia với dòng họ Nguyễn Kỳ thì đanh giá quá. Cậu tư Quặc tiếng là con nuôi nhưng chẳng khác gì con đẻ. Tuy khuyết tật một tí nhưng trông khôi ngô sáng sủa, lại chịu khó hay làm. Con mình quá lứa lỡ thì, được vào nhà ấy khác nào chuột sa chĩnh gạo. Ông Phó Bùng bảo với vợ như thế để quán triệt mà dạy bảo con gái.

Lễ vấn danh được gấp rút tiến hành. Nhà gái thách cưới thế nào, cần bao nhiêu lễ, thủ tục ra sao… tất tật mọi yêu cầu nhà trai chấp thuận cả. Đây là chủ ý của ông Lý Phúc, bởi ông nghĩ cưới chạy không có nghĩa là cưới chui, lấy cớ để làm ăn chớt chát. Với lại ông muốn để làng xóm biết rằng, ông không phân biệt con nuôi con đẻ, rằng, nếu mẹ ông có mệnh hệ nào thì bà cụ cũng được mát lòng vì đứa cháu nội cụ đã yên bề gia thất.

Vợ chồng anh em Chiến Thắng Lợi về đến nhà, thì cụ bà Đồ Kha đang hôn mê. Ông Lý Phúc hầu như không lúc nào rời mẹ. Bao nhiêu vị thuốc tốt nhất, đắt nhất, ông đã cắt cho bà eụ. Những ngày này ông phải dùng đến nhân sâm để phục dưỡng, kéo dài thời gian hưởng thọ cho mẹ và cũng là để chờ mấy thằng cháu đích tôn.

Chưa bao giờ làng Động đón những đứa con về làng trên một chiếc xe commăngca oách đến như thế. Từ thượng cổ đến giờ chưa một người làng Động nào có ô tô hoặc được ô tô rước về làng. Nếu kể đến một người sang nhất làng là ông Nghè Đặng Dụng Chu, đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân khoá thi triều Lê, năm Bính Thân 1776, có tên ghi ở bia Văn Miếu Quốc Tử Giám, thì hồi ấy ông Nghè cũng chỉ vinh quy bái tổ bằng kiệu và ngựa, chứ làm gì có ô tô như thế này. Thế cho nên, xe về đến chợ Mới là trẻ con đã xúm đen đặc, như đàn kiến bu quanh con mồi. Đích thân Cục và thằng Ngạnh vẩu phải dùng roi tre quất đen đét vào đít vài đứa, chúng mới chịu giãn ra để xe đi. Còn cách Nguyễn Kỳ Viên chừng hai trăm mét thì lại tắc đường. Hầu như cả họ, cả làng cùng mang gỗ ván ra bắc qua một chỗ tát nước cho xe vào nhà.

Người ta bàn tán râm ran:

- Họ Nguyễn Kỳ có phúc lớn. Cả hai người con ông Lý Phúc đi kháng chiến, vào sinh ra tử trăm trận mà đều không có dính mũi tên hòn đạn nào nhé. Ông Hai Bồng cũng hai người con đi bộ đội thì một người nằm lại ở Điện Biên Phủ. Bà Cả Choắt có mống con độc nhất thì ngoẻo cú tỏi ở mặt trận Đông Khê. Ông Giáo Điển đến ngày hoà bình rồi còn bị mìn tiện đứt một chân…

- Ông bà Lý Phúc kỳ này mát mặt với làng nước. Đi hai về ba, một lúc có tới hai người con trai làm quan to trên Trung ương người nào cũng đeo súng ngắn sệ đít. Mà cái anh cả. Khôi thật khéo chọn vợ. Rõ dáng bồ cu chân nhện. Da trắng như trứng gà bóc. Đàn bà to vú nở mông. Vừa biết chiều chồng lại khéo nuôi con

Sung sướng nhất là vợ chồng ông Lý Phúc. Khỏi phải nói tâm trạng ông bà như thế nào khi thấy chiếc commăngca chở các con đi vào cổng lớn có ba chữ đại Nguyễn Kỳ Viên do chính tay bậc tài danh Tam Nguyên Yên Đổ đề tặng. Bà Lý Phúc mừng đến cuống cuồng, nhầm lẫn lung tlmg. Ông Lý vốn có cốt cách của bậc túc nho thâm trầm, cũng không giấu nổi vẻ rạng rỡ trên gương mặt vốn quá lo âu mệt mỏi trong những ngày vừa qua.

Sau các thủ tục vấn an thăm hỏi bà nội và thầy u, các chú bác cô dì anh em trong họ, giới thiệu Là, thành viên mới của gia đình, Lợi và Vỹ mới sực nhớ đến hai đứa em: Chú ba Nguyễn Kỳ Vọng và cô em gái út Nguyễn Thị Kỳ Hậu.

- Ừ nhỉ con bé đâu rồi nhỉ?

Bà Lý Phúc nhớn nhác tìm con gái. Mãi sau ai đó mới phát hiện ra cô bé Hậu từ lúc các anh chị về cứ đứng thập thò sau cánh cửa buồng nhìn ngắm một cách e ấp và thoả thuê.

- Trời ơi, thầy u phải đặt tên em là Nguyễn Thị Hoa Hậu mới đúng.

Vỹ bế bổng bé Hậu, công kênh nó trên vai. Hậu quá xinh. Ngày anh lên Việt Bắc, Hậu còn chưa nói sõi. Giờ hơn bốn tuổi mà nó phổng phao như đứa trẻ lên sáu. Cô bé thơm vào má anh, thì thào: "Em nhớ anh Vỹ lắm". Ôi, bé đáng yêu quá. Người nó toả ra mùi thơm khó tả. Nước da nó trắng hồng, má phính, đôi mắt đen láy như hai hạt nhãn.

Riêng Cục thì Cả Lai và Vỹ đều không thể nhận ra. Cậu chàng cao vỏng như một cây sào, mái tóc xoăn râu ngô và đôi mắt đã chuyển từ màu xanh sang nâu, trầm tĩnh và u buồn. Cục có vẻ mặc cảm về cánh tay trái bị liệt và đôi tai nghễnh ngãng, nên ngại tiếp xúc với hai anh và chị dâu mới.

Đợi khách khứa về vãn, ông Lý Phúc gọi hai con trai lên nhà thờ nói về chuyện cưới vợ cho Cục.

- Thầy đã xem kỹ mạch của bà. Cùng lắm là được ba ngày nữa. Anh chị Khôi được tổ chức đứng ra lo cho, giờ lại sắp có tin mừng, thầy u mãn nguyện lắm. Giờ còn em Quặc. Nó vất vả nhất nhà. Thay các anh quán xuyến mọi việc đồng áng, nhà cửa. Nó lại là con nuôi. Thầy u lo cho các anh một thì phải lo cho nó hai. Đấy là đạo lý, đấy cũng là để phúc để đức cho nhà mình. Có đứa em dâu, các anh chị đi xa cũng không phải lo lắng gì cho thầy u…

- Tức là thầy muốn cưới chạy cho chú Quặc? - Lợi đã quen họp hành, không thích nói vòng vo, vào việc luôn.

- Thì anh cứ để thầy nói hết - Vỹ đưa mắt sang lợi, ý không bằng lòng. Hai tiếng "cưới chạy" làm Vỹ bỗng nhớ đến tên cuốn tiểu thuyết mà nhà văn Đà Giang, bạn anh, đang dự định viết. Đây là đề tài nóng bỏng về giảm tô và cải cách ruộng đất đợt thí điểm đầu tiên ở Đại Từ, Thái Nguyên. Một anh vệ quốc yêu con gái nhà giàu đang bị đội cải cách xếp vào hàng địa chủ gian ác. Cô gái lấy cớ bà nội ốm nặng sắp chết, giục người yêu cưới chạy. Tổ chức cương quyết không cho anh vệ quốc lấy con địa chủ. Anh vệ quốc tìm cách đưa người yêu đi trốn… Cốt truyện của Đà Giang gần giống với đám cưới của Quặc và Bính. Chỉ khác chăng là ông Lý Phúc không phải là địa chủ…

- Thầy chỉ đợi các anh chị về để lo việc cho em - ông Lý Phúc nói tiếp - Mọi thủ tục đã chuẩn bị hết rồi. Cỗ bàn đơn giản cũng phải một trăm hai mươi mâm. Ba giờ sáng ngày kia làm lễ rước dâu.

- Cỗ bàn phải xem lại - Lợi khoát tay, thực sự vào vai anh con trưởng - Phải tiết kiệm tối đa. Chỉ nên mười lăm, hai mươi mâm thôi.

- Thầy tính nát nước ra rồi. Lần đầu định tổ chức cưới con. Họ hàng đông. Bạn bè nhiều. Vả lại đây cũng là dịp mừng các con đi kháng chiến trở về, dịp cám ơn dân làng đã thăm hỏi bà… Tiếng là lo việc hỷ nhưng cũng là lo luôn cả việc hiếu. Bà nằm xuống, thầy chỉ mời trầu cau dân làng…

Vỹ tán đồng ngay:

- Con thấy thầy tính như thế là phải. Chú Quặc phải được ưu tiên hàng đầu.

- Nhưng về thời gian thì phải tính lại - Lợi vẫn không chịu - Sao không phải là bẩy, tám giờ sáng cho nó đàng hoàng mà lại đi đón dâu lúc đêm hôm rét mướt?

- Thầy nhờ cụ Nhiêu Biểu bấm ngày giờ rồi. Tuổi hai đứa, phải giờ ấy mới hợp.

- Vẽ vời quá - Lợi lắc đầu - Chúng ta đang bắt đầu một thời đại mới, thời đại xoá bỏ tận gốc rễ những tàn dư của phong kiến đế quốc, xoá bỏ triệt để mê tín dị đoan. Nếu không có anh em chúng con, thầy muốn làm gì mặc thầy. Nhưng bây giờ, khi vợ chồng anh em chúng con đã về, thì mọi việc phải khác. Con xin thầy nhớ cho rằng anh em chúng con bây giờ đã là cán bộ cách mạng. Nhất cử nhất động quần chúng đều nhìn vào đánh giá, bọn phản động nhòm ngó xuyên tạc.

- Thì thầy cũng tham gia cách mạng chứ kém gì các anh - ông Lý buộc phải nói - Nhà mình chẳng có ai Việt gian phản động cả.

Chiến Thắng Lợi sực nhớ đến Vọng. Vì sao Vọng không ở nhà lúc này? Có chuyện gì khuất tất mà cả thầy u đều có vẻ lúng túng khi nhắc đến Vọng? Lợi hỏi thẳng ông Lý Phúc:

- Dạ, còn em Vọng? Em Vọng con đâu hả thầy?

Ông Lý ngồi lặng. Đây là nỗi đau nhất của ông trong những ngày này. Đau vì thương con trai, trẻ người non dạ, nghe kẻ xấu xui bẩy, vì lo cho con không biết sống ra sao, nhờ cậy ai ở nơi đất khách quê người. Nhưng đau nhất là ông nghĩ rằng mình đã vĩnh viễn mất Vọng. Câu sấm của cụ Nguyễn Du là ứng với thằng này. Rồi nó sẽ như tên đồn trưởng Trương Phiên, ngày càng dấn sâu vào tội lỗi, phản bội dân tộc.

Thằng Trương Phiên đã chạy thoát khỏi bốt làng Động, khiến ông ân hận là đã không kiên quyết đề nghị khử nó từ sau trận địch càn Khu Trắng phá bỏ nhiều cơ sở của ta. Cứ nghĩ đến chuyện Trương Phiên chạy thoát vào Sài Gòn, gặp thằng Vọng của ông ở trong đó, rồi chúng câu kết với nhau mà ông đau buốt tới tận óc. Nhiều lúc ông muốn quên Vọng, muốn gạt Vọng ra khỏi tên những đứa con ông. Lá thư của Vọng viết trước khi rời Hà Nội gửi thầy u và các anh em vẫn để trong ống quyển trên ban thờ kia. Ông không muốn nhìn thấy nữa. Ông càng không muốn đưa ra lúc này. Thậm chí ông không muốn cho Khôi và Vỹ biết Vọng đã vào Nam.

- Nó chạy theo thằng đồn trưởng Trương Phiên rồi phải không thầy?

Câu hỏi của Lợi khiến ông Lý Phúc giật bắn mình. Ông ấp úng nhưng rồi vẫn phải nói ra sự thật:

- Nó bỏ đi Nam rồi. Nó có thư để lại cho các anh…

Không để ông Lý nói hết, Lợi đã đập hai tay xuống chiếc tràng ký, rít qua kẽ răng:

- Thầy giết anh em chúng tôi rồi.

- Thì thầy u cũng như các anh. Nó đi rồi mới biết. Nó nghe chúng bạn rủ rê… - Đầu ông Lý Phúc rũ xuống, như một tội đồ.

- Chúng bạn nào rủ rê? Thầy xui nó. Thầy muốn bắt cá hai tay. Rút cục thầy vẫn lòi ra cái bản chất tư sản phong kiến, chân nọ chân kia. Thằng Vọng cam tâm làm tay sai cho địch rồi. Nó đã nhảy sang chiến tuyến bên kia rồi. Nó chính là một thằng Việt gian phán động. Tôi mà biết âm mưu phản dân hại nước của nó từ trước, tôi sẽ bắn bỏ - Lợi vừa nói dằn tìm tiếng vừa đưa tay vào bao súng, như một phản xạ - Hai thằng chúng tôi không quản hy sinh xương máu, đi theo cách mạng là muốn cứu cho cái lý lịch bất hảo của gia đình này. Vậy mà thầy và nó đã làm hỏng tất cả.

- Anh đừng nghĩ thế - ông Lý Phúc cố kìm nén - Ai làm người ấy chịu. Thằng Vọng làm, cùng lắm là tôi với u các anh phải chịu chứ không đến lượt các anh. Chính phủ Việt Minh sẽ công tâm mà nhận ra chuyện này…

Lợi vò đầu, bứt tóc. Anh giơ tay đấm vào ngực mình thùm thụp. anh tiên cảm thấy hiểm hoạ mà Vọng sẽ mang đến.

- Đã đến nước này thì tôi cũng nói thật với thầy. Tôi phải từ thằng Vọng. Từ nay thầy u và cái chi họ Nguyễn Kỳ này đừng gọi tôi là Nguyễn Kỳ Khôi nữa. Thằng Khôi đã chết rồi. Mấy năm ở Việt Bắc, tôi đã có tên mới là Chiến Thắng Lợi…

Ông Lý Phúc nhìn con trai trừng trừng, hai hốc mắt bỗng đó đọc như hai hòn than và toé những tia lửa. Nó đã bước qua cái ranh giới cha con rồi. Dù nó là ông giời thì nó cũng không có quyền nói với thằng bố đẻ ra nó những câu mất dạy đó.

Chưa bao giờ ông Lý Phúc giận dữ đến như thế. Ông chỉ tay vào mặt Lợi, giọng hộc lên như bị trúng thương:

- Anh không còn là con tôi nữa. Bước ngay ra khỏi cái nhà này.

Chiếc commăngca đưa vợ chồng Chiến Thắng Lợi rời khỏi làng Động ngay đêm hôm đó. Người làng không ai biết cuộc xô xát của bố con ông Lý Phúc. Người ta thì thầm với nhau: "Anh Khỏi đang giữ chức gì to và quan trọng lắm. Về đến nhà chưa kịp ấm chỗ, cấp trên đã có điện gọi đi ngay".

Riêng Vỹ vẫn ở lại. Anh sẽ làm phù rể cho Cục trong đám rước dâu.

Nhưng rồi một sự kiện tưởng như sẽ làm đảo lộn tất cả: Chiều hôm sau, cuối giờ Thân, trong lúc con cháu đang lo dựng rạp, bắt lợn để làm tiệc cưới ở nhà ngoài, thì ở nhà trong, cụ bà Đồ Kha lặng lẽ đi.

Lúc ấy, ông Lý Phúc đang ở bên mẹ. Với một bản lĩnh hiếm có ông nuốt nước mắt, vuốt mắt cho mẹ, rồi ra hiệu tất cả phải im lặng, cấm hé lộ một điều gì với cậu Quặc và mọi người, đoạn ông rỉ tai ông em chú, bảo xuống ngay nhà cụ Nhiêu Biểu.

Cụ Nhiêu Biểu vừa bấm độn, vừa giở sách ra xem, lắc đầu:

- Bà cụ chết vào ngày trùng, giờ trùng. Quá độc. Nhà ông Lý Phúc gay rồi.

Đắn đo mãi, cuối cùng đích thân cụ Nhiêu Biểu phải lên nhà, thì thào với ông Lý Phúc hồi lâu.

- Cưới hay không?

Đầu ông Lý Phúc có lúc muốn nổ tung, có lúc lại như chực ngất xỉu. Đời người, chỉ cần rơi vào tình thế éo le bi kịch này một lần, đủ già đi hàng chục tuổi. Trong luân thường, đạo lý, thì chữ hiếu phải đặt hàng đầu. Giá là đám cưới thằng Khôi, thằng Vỹ, thằng Vọng, chắc chắn ông sẽ cho hoãn lại để lo đám tang cho mẹ. Nếu họ nhà gái không đồng ý hoãn, thì huỷ. Đoạn tang, lại tìm đám khác. Nhưng đây là đám cưới của thằng Quặc, đứa con nuôi, lại tật nguyền. Nhà gái sẽ vu cho vợ chồng ông rẻ rúng, hắt hủi nó. Dân làng sẽ cười ông hủ lậu, không thức thời. Thằng Quặc sẽ hận ông suốt đời.

Buông tấm màn cho mẹ, như bà cụ đang giấc ngủ say, đích thân ông Lý Phúc ra nhà ngoài thu xếp lễ rước dâu và tổ chức cưới theo đúng kế hoạch.

Đoàn họ nhà trai đi đón dâu phải dùng đèn bão và đuốc. Đi trong cái lạnh của ngọn gió bấc thổi ràn rát và ánh lửa bập bùng, Vỹ bỗng liên tưởng đến cảnh hồng hoang thời Sơn Tinh mang sính lễ xin cưới con gái Vua Hùng.

Đuốc hoa thắp cầu vồng hư ảo

Đêm mung lung hương tóc người thương

Câu thơ gợi nhớ Khiêm da diết. Đó là phác thảo cho một bài thơ tình Vỹ sẽ viết tặng Khiêm nay mai.

Chuyện về đám cưới chạy tang sẽ chẳng còn gì đáng nói, nếu buổi trưa hôm ấy không xuất hiện một chiếc xe con nữa về làng.

Đó là một chiếc Peugeot màu xanh, sang trọng hơn cả chiếc Commăngca của Lợi. Trên xe, ở hàng ghế sau, có hai phụ nữ, một người ngoài ba mươi, đẹp một cách quí phái, người kia dáng còn thiếu nữ, mảnh dẻ và khiêm nhường. Xe dừng ở chợ Mới để hỏi đường đến nhà ông Lý Phúc.

- Này, tôi góp ý nhá - ông phó cạo, trung tâm thu phát tin tức của cả vùng, chỉ vào bó hoa lay ơn ở sau xe, giọng nghiêm trang - Đừng mang hoa đến đám cưới này. Bà mẹ ông Lý Phúc chết chiều qua rồi. Đang nằm đắp chiếu ở trong nhà. Chờ đón dâu xong là phát tang. Cứ nghe tôi, nên mua mấy thẻ hương với chục cau là hơn.

Mấy người nhìn nhau, chưng hửng. Rồi nhanh chóng họ thay đổi kế hoạch, tặng lại ông phó cạo bó hoa. Ông phó cạo được người đẹp tặng hoa, sướng quá, cười toe toét, giở giọng nịnh đầm:

- Trông bà đẹp và quen quá. Giống như ni cô Đàm Hiên ở chùa Phổ Hướng năm nào…

Người đàn bà giật mình. Ông phó cạo này đã nhận ra nàng.

- Tôi là Cam, đang công tác trên tỉnh. Tôi về thăm ông Lý Phúc.

Cam không nói rõ chức danh, thậm chí ngay cả những người quen biết, nàng cũng ít khi nói hiện nàng đang là Chánh văn phòng Phụ nữ Liên khu Hữu Ngạn. So với tuổi nàng, đây là một chức vụ không phải nhỏ. Nhưng nếu nàng không mất liên lạc với tổ chức trong thời kỳ sinh bé Lê Kỳ Chu, chắc chắn nàng đã cầm chắc cái ghế Phó Hội trưởng Hội phụ nữ Liên Khu, hoặc Hội trưởng Phụ nữ Tỉnh. Lần về làng Động này, chính là vì đám cưới Cục. Dù đi đâu, làm gì, nàng vẫn theo dõi từng bước đi của Cục. Ngày biết tin thằng bé bị rắn cắn, trở thành tật nguyền, nàng đã khóc bao nhiêu. Nhưng nàng hiểu đó là số phận. Nàng càng biết ơn ông bà Lý Phúc. Nếu Cục không vào cửa nhà ấy, đời nó chưa biết sẽ ra sao?

Sự có mặt của Cam là sự bất ngờ lớn với ông Lý Phúc. Ông biết bây giờ mới bắt đầu là thời của người nữ cán bộ Việt Minh này. Có chức quyền, danh giá thế mà người đàn bà này vẫn không quên ông, một lý trưởng hai mang do nàng móc nôi.

Suy nghĩ đắn đo mãi, Cam vẫn chưa tìm được cách xưng hô đối với ông Lý Phúc, vì thế mà gặp ông, nàng cứ ấp úng rnăt đỏ chín như người say nắng. Chưa bao giờ nàng sống trong trạng thái đầy mâu thuẫn, éo le như bây giờ. Đóng vai nào đây, khi vẻ danh nghĩa tổ chức, quan hệ xã hội, nàng là đồng chí của ông Lý Phúc, nhưng về quan hệ riêng tư, nàng lại là nàng dâu không chính thức của ông. Khôi có về không? Khôi đâu, sao chỉ có mình Vỹ? Trong phút chốc, mối tình với Khôi bỗng trỗi dậy. Thú thực, lần về này, ngoài chuyện mừng cưới Cục nàng còn muốn gặp Khôi, bố của thằng Lê Kỳ Chí của nàng. Đến bây giờ thì Khôi không thể lẩn trốn nàng Nàng phải giành giật lại người đàn ông của đời mình.

- Anh Khôi em đâu, sao không về?

Cam dành câu hỏi này cho Vỹ. Người thân thiết và tin cậy nhất ở nhà này với nàng giờ là Vỹ. Nhưng Vỹ đã làm nàng thất vọng. Khôi có điện gọi đột xuất, đã về Hà Nội. Khôi đã quên nàng từ lâu. Khôi đã lấy vợ và sắp có con.

Đau khổ nhất là Cam đang phải đóng một vai diễn không phải của mình. Nàng muốn gào lên, muốn đập đầu vào tường, muốn cởi hết xống áo chạy ào ra giữa trời mà cười điên loạn. Nàng chỉ là một người đàn bà với bản năng yếu đuối, bất lực mà sao phải chịu những trừng phạt khủng khiếp như vậy?

Người nữ nhân viên đi cùng hình như đã nhận ra tình trạng sức khoẻ của Cam, cứ cuống quít giục nàng bảo lái xe đưa tới trạm y tế huyện. Cam khoát tay, lắc đầu, bảo cô gái đi tìm chú rể và cô dâu lại.

Cục hôm nay khá bảnh trai, một gương mặt hao hao Tây lai, lún phún bộ ria mép, rất đàn ông. Không hề hay biết gì việc bà nội vừa mất, nên Cục hoàn toàn sung sướng, mãn nguyện. Còn Bính thì khỏi nói. Chưa đụng hơi trai mà đã như thài lài gặp cứt chó. Đó là lời bình của những người dự đám cưới.

Cam cầm tay Cục và Bính khá lâu. Nàng nhìn Cục, không cầm được nước mắt. Rồi nàng lấy từ trong túi xách ra hai chiếc nhẫn vàng, đeo vào tay hai vợ chồng trẻ.

- Cô chẳng có gì, chỉ có món quà nhỏ này mừng hạnh phúc hai cháu. Vợ chồng hãy thương yêu nhau đến đầu bạc răng long nhé…

Cả Cục, cả Bính và tất cả mọi người có mặt, không ai tin ở mắt mình. Cục đã nhận ra người đàn bà từng nói anh là con nuôi bà Lý Phúc chứ không phải con đẻ, người biết trong người anh có một cái bớt lông chuột. Cũng chính vì người đàn bà này mà anh bị rắn cắn ở bụi tầm xuân ông Đống đầu làng. Cục đắn đo định trả lại quà tặng, nhưng thấy Bính vui quá, anh không nỡ. Rồi Cục chợt nghĩ, chắc đây chỉ là hai chiếc nhẫn vàng tây bán ở hàng xén chợ Mới. Anh đưa cả cho Bính.

Cục đâu biết rằng, cách đây ba ngày, khi nghe tin anh lấy vợ Cam đã đem đôi khuyên tai mẹ cho, kho vàng duy nhất mà nàng có, thuê thợ kim hoàn đánh thành hai chiếc nhẫn cưới.