THỜI CỦA THÁNH THẦN

Chương 5

Tập thơ đầu tay của Nguyễn Kỳ Vỹ "Thời của Thánh Thần" vừa xuất bản ở chiến khu Việt Bắc, lập tức đã tạo một cơn dư chấn, giống như tác động của một trận động đất cấp 10 độ rích te làm rung chuyển tận tâm can hàng triệu người. Tập thơ mỏng, ba mươi hai bài, in bằng thứ giấy rơm vàng xỉn, với công nghệ xếp chữ thủ công, mực in nhoè mờ, vậy mà hàng vạn chiến sĩ khắp các chiến trường Việt Bắc, Tây Bắc, Khu Ba, Khu Bốn, Khu Năm, Tây Nguyên, Tứ giác Long Châu Hà, vùng rừng U Minh và cả chuồng cọp Côn Đảo chuyền tay nhau đọc, chuyền nhau chép lại trong sổ tay và học thuộc, từng câu, từng bài.

Tác giả Nguyễn Kỳ Vỹ - chỉ sau hai năm đi theo kháng chiến, vừa tròn 18 tuổi đã trở thành một hiện tượng, một vì tinh tú chói sáng trên bầu trời văn học kháng chiến. Tuyệt vời hơn nữa là tập thơ lại được chính đồng chí Tư Vuông, người xếp vị trí quan trọng trong ban lãnh đạo của Việt Minh, viết lời tựa. Tên thật đồng chí Tư Vuông là Nga Sỹ Liên, một cái họ rất lạ. Có nguồn tin lại bảo rằng tên gốc ở quê do bố mẹ đặt cho đồng chí là Lún, Nga Sỹ Lún. Vì quá yêu Liên Xô, đất nước mà đồng chí coi là tổ quốc thứ hai của mình, đồng chí đổi Lún thành Liên. Khi làm thơ, một tờ báo xếp chữ nhầm, họ Nga thành họ Ngô, đồng chí biết nhưng lờ đi, sau thành quen, thành bút danh Ngô Sỹ Liên. Bút danh này khiến những người có học liên tưởng đến nhà sử học nổi tiếng Ngô Sỹ Liên thời Lê, người đã viết bộ "Đại Việt sứ ký toàn thư", một bộ chính sử vào bậc nhất của nước Đại Việt. Việc lấy tên các bậc tiền bối làm tên mình, quả là một phát kiến táo bạo, tuy ban đầu có gây phản cảm cho nhiều người, nhất là những người am hiểu văn hoá lịch sử. Nhưng tổ chức đã thừa nhận tức là có ý tuyên bố ngầm ủng hộ. Thế nên, đã tạo thành thói quen sau này, làm gương cho nhiều quan chức noi theo, như các trường hợp liên quan tới những danh nhân Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, vân vân…

Lời tựa của nhà thơ Ngô Sỹ Liên thực sự là một tôn vinh, một ưu ái ngoài sức tưởng tượng của nhiều người đối với cây bút trẻ Nguyễn Kỳ Vỹ:

"Âm hưởng chủ đạo của tập thơ "Thời của Thánh Thần" là ca ngợi lãnh tụ, ca ngợi nhân dân, ca ngợi kháng chiến. Nếu như ở các bài "Bi phẫn", "Hận lửa, những thôn làng đã qua tác giả tập trung tố cáo chế độ hà khắc, tàn ác của bọn thực dân Pháp, sự hèn mạt của vua quan phong kiến nhà Nguyễn, nỗi thống khổ của hàng triệu người cần lao, thì với bài "Thời của Thánh Thần" - bài thơ chủ đạo được lấy làm tựa đề cho cả tập thơ, Nguyễn Kỳ Vỹ đã nhân hoá giai cấp vô sán, những người lao khổ như Thần Thánh, như Phù Đổng Thiên vương, rũ bùn vươn tới những vì sao. Sự hoán cải, sự hoá thân ấy, chính là sự mầu nhiệm của cách mạng, sự đổi đời, quật khởi của cuộc đấu tranh giai cấp. Nguyễn Kỳ Vỹ với tập thơ ("Thời của Thánh Thần" xúng đáng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hoá, văn nghệ".

Ngợi ca như thế, lăng xê như thế thì quả là độc nhất vô nhị trong nền phê bình văn học cách mạng.

Trong bảng phong thần của nền thi ca vô sản, ngoài những tên tuổi đã lừng lững trước cách mạng từ thời Tự lực Văn đoàn, Tiểu thuyết Thứ Bẩy, Thơ Mới… có thêm một tiểu tướng sản sinh cùng với kháng chiến, con đẻ của cách mạng là Nguyễn Kỳ Vỹ.

Thực ra; để có vụ lăng xê hết ý này, công đầu không phải là tài năng của Nguyễn Kỳ Vỹ, mà chính là do sự bày binh bố trận của Chiến Thắng Lợi. Do vị trí và mối quan hệ công tác, Chiến Thắng Lợi được làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tư Vuông. Vừa đưa Nguyễn Kỳ Vỹ từ quê lên Việt Bắc, Chiến Thắng Lợi đã tiến cử em trai với đồng chí Tư Vuông. Nhìn cậu học sinh Thành chung khôi ngô, nhanh nhẹn, thông minh, đồng chí Tư Vuông đã có cảm tình.

- Trời ơi, tác giả bài thơ "Sống" đây ư? Giỏi lắm. Đáng mặt anh hào lắm, hỉ. Tôi sẽ ghi công giới thiệu nhân tài cho đồng chí Chiến Thắng Lợi. Cách mạng đang rất cần những người tài. Đồng chí là một tài năng trẻ. Tốt lắm. Phải bổ sung anh em trí thức trẻ cho cách mạng, cho kháng chiến. Có thích làm báo Vệ quốc không? Mình sẽ giới thiệu đồng chí xuống đó.

Cuộc gặp gỡ lần đầu tiên, nhà thơ Ngô Sỹ Liên đã đặt Nguyễn Kỳ Vỹ trên một đường bay lớn để từ đó anh cất cánh.

Liên tiếp trong các số báo Vệ quốc sau đó, bắt đầu xuất hiện các bài phóng sự mặt trận, những bài thơ của Nguyễn Kỳ Vỹ. Thế rồi, như một bảo mẫu đầy tận tuỵ và trách nhiệm, Chiến Thắng Lợi lặng lẽ cắt từng bài thơ của Nguyễn Kỳ Vỹ dán thành tập. Cho đến khi được đủ ba mươi sáu bài, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật của nhà thơ Ngô Sỹ Liên, Chiến Thăng Lợi liền đem trình nhà thơ:

- Báo cáo anh, thằng em em nó không dám. Nhưng em mạo muội trình anh tập thơ này, dâng lên anh như một món quà mừng sinh nhật. Em nghĩ, không có anh, thằng Kỳ Vỹ nhà em đâu có được như ngày hôm nay. Anh là cha đỡ đầu, là người khai sinh…

- Đừng, đừng nói vậy, ngoa ngôn, phạm thượng, Lợi ơi. Mình xin… Mình chỉ dám nhận là người cổ vũ lớp nhà thơ kháng chiến…

Một tuần sau, nhà thơ Ngô Sỹ Liên gọi Chiến Thắng Lợi lên và bảo:

- Cậu là người có con mắt xanh đấy. Mình đọc tập thơ của Nguyễn Kỳ Vỹ và rất thích. Bỏ đi bốn bài thì in được. Lấy tên tập thơ là "Thời của Thánh Thần", hỉ. Bảo Vỹ nó lên gặp mình. Mình sẽ viết giấy cho nó đem xuống nhà in.

Năm ngày sau, Vỹ tức tốc từ Đoan Hùng, đi suốt một ngày một đêm về gặp nhà thơ Ngô Sỹ Liên. Trước mặt nhà thơ lớn, Vỹ run lẩy bẩy đến thảm hại. Anh run vì quá sung sướng, vì quá xúc động khi được một con người mà anh ngưỡng vọng tôn thờ, quan tâm đến.

Gần hai tháng sau thì tập thơ "Thời của Thánh Thần" ra khỏi nhà in, phát hành trong toàn quân.

Như có sức nổ dây chuyền, hiện tượng Nguyễn Kỳ Vỹ tạo nén một luồng sinh khí trên khắp các mặt trận, có sức động viên hiệu triệu, thúc giục hàng triệu chiến sĩ, dân công hoả tuyến; nông công binh trí, đặc biệt khuấy động phong trào giảm tô, cải cách ruộng đất ở đồng bằng Sông Hồng, trung du Bắc Bộ, vùng Thanh Nghệ Tĩnh, truyền cho bộ đội sức mạnh dời non lấp bể tiến vào trận đánh huyết chiến cuối cùng: chiến dịch vĩ đại Điện Biên Phủ.

"Thời của Thánh Thần" lập tức được mười hai nhạc sĩ cùng phổ nhạc. Ấn tượng nhất là trường ca "Sao ơi" của nhạc sĩ tài danh Đường Thanh:

Từ ao tù bùn đọng bốn ngàn năm

Ta đứng dậy vươn vai thần Phù Đổng

Máu tuôn trào đỏ ngập trời, như sóng

Búa liềm ơi, vàng rực, sao sao ơi!

°°°

Vượt qua vòng vây kiểm soát thiên la địa võng của thực dân Pháp, từ căn cứ địa Việt Bắc, tập thơ của Nguyễn Kỳ Vỹ được các lực lượng yêu nước trong thành Hà Nội đón nhận như đất hạn gặp mưa rào. Hào hứng nhất là giới học sinh, sinh viên, trí thức. Người ta chép vào sổ tay những bài thơ trong tập "Thời của Thánh Thần" cùng với những tin tức về các trận đánh vào đồi Độc Lập, Bản Kéo, cầu Mường Thanh. Người ta vừa thầm hát trường ca "Sao ơi", vừa lắng nghe tin chiến sự Điện Biên Phủ, tin về hội nghị Giơnevơ, về đình chiến và lập lại hoà bình ở Đông Dương.

Vào đúng mùa hè nóng bỏng năm 1954 ấy, khi cậu học trò Nguyễn Kỳ Vọng con ông Lý Phúc đang ở Hà Nội dự thi Tú tài phần I, cũng là lúc Vọng có được trong tay tập thơ "Thời của Thánh Thần".

- Có đúng nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ là anh trai của toi không? - Tạ Đôn, thằng bạn học cùng trường dúi vào tay Vọng tập thơ "Thời của Thánh Thần" và nhìn cậu với bộ mặt rất nghiêm trọng - Người ta đồn hai ông anh toi là Việt Minh? Tập thơ này hay nhưng sặc mùi cộng sản.

Mặt Vọng thất sắc. Cậu cầm tập thơ, giấu trong ngực áo, bấm mạnh tay Tạ Đôn, ghé vào tai bạn:

- Khe khẽ cái mồm. Moi đang bị theo dõi.

Quả thật, suốt mấy tháng nay, từ ngày lên học ôn để dự thi tú tài I, Vọng cảm thấy có một ai đó luôn lẽo đẽo theo sát mình. Lúc thì người đó đội mũ phớt đeo kính đen, lúc lại đội mũ nỉ trắng, mặc áo ký giả. Hôm nghe xướng danh, cả trường Phương Đình của Vọng, bốn mươi hai đứa dự thi chỉ có Vọng và Tạ Đôn đỗ tú tài ban B và ban C. Vọng sướng đến phát điên lên. Vừa ôm Tạ Đôn xong, đã thấy một người đàn ông chen vào giữa hai đứa, bắt tay Vọng. Rồi người đó theo Vọng về nhà trọ và bảo: "Cậu là trò duy nhất của tỉnh Sơn Minh cuối năm đệ nhị vừa qua được phần thưởng của Quốc trưởng Bảo Đại. Chính phủ bảo hộ rất chú ý đến cậu. Cậu là tương lai của nền Cộng hoà, của nước mẹ Đại Pháp. Đợt tới này cậu có danh sách chuyển vào Nam đầu tiên".

Hai tiếng vào Nam, lần đấu Vọng nghe, cũng là lúc chiến trường Điện Biên Phủ vào hồi kết cục. Khắp Hà Nội người ta loan tin bộ đội Việt Minh đã bao vây Đồi A1 và hầm tướng Đờ Cát Rồi đồi A1 đã bị chiếm. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã cùng đại diện Cộng hoà Pháp ký hiệp định Giơnevơ. Người Pháp đã tuyên bố đầu hàng Việt Minh.

Vọng chỉ mới kịp đọc một hai bài của tập thơ "Thời của Thánh Thần" thì người đeo kính đen đội mũ phớt đã xuất hiện tại nơi Vọng trọ học.

- Tôi khuyên cậu không nên đọc bất kỳ một tài liệu gì của Việt Minh. Cậu Tạ Đôn mới đưa cho cậu tập thơ của anh trai cậu, đúng không? Hãy đưa cho tôi. Tôi khuyên cậu. Cậu muốn an toàn tính mạng thì hãy đưa cho tôi giữ. Nước Đại Pháp chỉ tạm thời thua trận ở Điện Biên Phủ, nhưng nhất định người Pháp sẽ quay trở lại. Người Mỹ không bao giờ bỏ rơi người Pháp. Tàu chiến, máy bay của họ đang có mặt ở Nam Bộ. Quốc trưởng Bảo Đại, người trao cho cậu phần thưởng cuối lớp Đệ nhị vừa qua, đang rất cần có những người con trung thành như cậu. Cậu hãy chuẩn bị để theo Chúa vào Nam.

- Nhưng ông là ai? Tại sao ông lại quan tâm đến tôi? - Vọng gặng hỏi.

- Tôi là người biết cậu từ ngày cậu được nhận phần thưởng của Quốc trưởng Bảo Đại, là người có trách nhiệm bảo vệ và đưa cậu vào Sài Gòn bằng cách an toàn nhất nay mai. Cậu chỉ cần hiểu như thế là được. Lúc này cậu có rất ít cơ hội lựa chọn. Đường về quê Sơn Minh đã bị phong toả. Bốt làng Động đã bị du kích san bằng. Ông bà Lý Phúc và các em cậu đã chuẩn bị đi Nam rồi…

- Tôi phải về gặp bố mẹ và các em.

- Không được. Chúng tôi có trách nhiệm chuyển tin tức của cậu cho ông bà Lý Phúc. Cậu không phải về quê. Và có muốn về cũng không được. Cậu nên nhớ lúc này, tính mạng mình là quan trọng…

- Nhưng tôi không theo đạo công giáo. Thầy u tôi thờ Phật.

- Tất cả mọi người đều là con của Chúa. Với lại, Phật cũng vào Nam theo nước mẹ Đại Pháp và theo Quốc trưởng Bảo Đại Cậu không còn thiếu thời gian suy nghĩ nữa đâu. Thắng trận Điện Biên rồi, Việt Minh sẽ tràn về Hà Nội. Sẽ có một cuộc tắm máu. Tất cả những ai dính líu đến Chính phủ Đại pháp, đến Quốc trưởng Bảo Đại sẽ bị Việt Minh tùng xéo. Cả bố cậu, ông Lý Phúc, từng làm lý trưởng cho Pháp cũng sẽ bị tùng xẻo, nếu không đi theo nước mẹ…

Vọng thấy khắp người ớn lạnh. Sao người đeo kính đen này lại biết rõ hoàn cánh, lý lịch của Vọng cặn kẽ thế. Có phải người của phòng Nhì không? Nếu Vọng trốn về quê có bị bọn người này ám sát không?

Người đeo kính đen dúi vào tay Vọng một tờ giấy có in sẵn tên Nguyễn Kỳ Vọng, đóng dấu triện hình bầu dục.

- Đây là tích kê máy bay của cậu. Cậu sẽ đi cùng chuyến với Tạ Đôn.

Vọng sững sờ và hoang mang vô cùng. Hay là Tạ Đôn, vì muốn Vọng đi cùng vào Nam mà bày đặt ra chuyện thuê người đội mũ phớt, đeo kính đen đến dụ dỗ mình?

Tạ Đôn. là con ông Cả Đáo, người làng Miệng Thượng, có họ xa với bà Lý Phúc. Miệng Thượng là làng công giáo toàn tòng, có nhà thờ to nhất huyện, tháp chuông cao ngất. Ông Cả Đáo học trường dựng, sau phá ngang đi làm ký bưu điện, lấy được vợ bé con nhà giầu ở phố Sinh Từ. Tạ Đôn là con bà cả ở quê, cùng học với Vọng từ lớp Đệ nhất, cùng ra Hà Nội ôn thi Tú tài. Tạ Đôn có cô em gái xinh đẹp, con bà bé, tên Thu Uyên, kém Vọng một tuổi. Đôn có ý ngầm gán ghép Uyên cho Vọng. Vọng thích, đêm thường mơ thấy nàng, nhưng gặp thì lại thẹn và nhút nhát, không dám nhìn… Chẳng lẽ người đội mũ phớt, đeo kính đen lại biết cá mối quan hệ giữa Vọng và Uyên, em gái Tạ Đôn ư?

°°°

Cùng được ông Lý Phúc kèm cặp học chữ nho từ lúc nhó, cùng theo học lớp đồng ấu, lớp sơ học yếu lược, nhưng giữa Vọng và Quặc lại là hai thực thể hoàn toàn trái ngược. Vọng học đâu nhớ đó, thậm chí học chữ Nho khó như vậy mà chỉ sau khi ông Lý Phúc dạy cách viết, cậu đã nhớ mặt chữ viết nét sổ, nét ngang, nét móc đâu ra đấy. Ngược lại, dù nhồi nhét cách nào, Cục cũng chỉ nhớ mỗi một chữ nhất là một gạch ngang, đến chữ rihí, hai gạch ngang thì nó lại viết thành hai gạch dọc. Phức tạp như cái chữ ngã (tôi) chữ quốc (nước) thì Cục đành chịu, dù ông Lý Phúc có bắt nó đặt cả hai bàn tay lên phản mà dùng thước đánh đến chảy máu, nó cũng không thể viết được. Khi hai đứa cùng đi học lớp đồng ấu, Vọng luôn đứng đầu lớp, còn Cục thì xếp cuối bảng. Vọng chăm học, ngăn nắp, vở sạch chữ đẹp bao nhiêu thì Cục ngược lại, luôn coi việc học là một khổ sai, sách vở lúc nào cũng nhầu nát, quăn mép, hai bàn tay rồi mặt mũi đầy vết mực. Để đối phó với ông bà Lý Phúc, Cục luôn năn nỉ Vọng chép hộ bài, giải hộ bài tập và đừng để thầy u biết nó bị điểm kém. Bù lại Cục nhận làm thay Vọng hết thảy những việc nhà, như nấu cơm, rửa bát, quét sân. Lên học sơ học yếu lược, Cục liên tiếp hai năm bị lưu ban. Cho đến khi Cục bị rắn cắn liệt một cánh tay, rồi trong một lần đi hôi cá, bị chủ ao ném bùn đầy lỗ tai, khiến tài nó có mủ, thối hoắc, sinh ra bệnh nghễnh ngãng, thì việc học của nó hoàn toàn không có hy vọng. Cục tự trói tay quì phủ phục trước mặt ông Lý Phúc, nài nỉ: "Thầy thương con, tha cho con không phải đi học". Ông Lý Phúc nhìn nó lắc đầu, ứa nước mắt, đành để mình Vọng tiếp tục học lên bậc tiểu học.

Khác hẳn hai anh Khôi và Vỹ, giỏi thơ văn và các môn học xã hội, Nguyễn Kỳ Vọng giỏi và ham học các môn học tự nhiên. Ngày Pháp nhảy dù Phương Đình, lập vành đai trắng, đóng bốt làng Động, trường trung học công lập đầu tiên được thành lập ở nhà thờ Miệng Hạ. Vọng ghi tên học lớp Đệ lục. Để đỡ tốn tiền của thầy u, hàng ngày Vọng cuốc bộ tám cây số đến trường. Mùa đông nón lá, áo tơi để chống lại gió bấc mưa phùn. Có ngày dậy sớm quá đi hết cánh đồng làng lên bờ đê mà trời vẫn chưa tảng. Có ngày mưa rét quất vào mặt, đến lớp ướt như chuột lội, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập hai bàn tay vặn vẹo vào nhau hàng nửa giờ vẫn không cầm nổi quản bút. Chao ơi, những ngày ấy sao rét dữ đến thế. Bụng càng đói cồn cào, người càng rét run. Mùa hè, lại cực theo kiều khác. Bàn chân bé nhỏ bỏng rẫy trên đường đá răm, mồ hôi ướt đầm quần áo. Nhưng cuốc bộ tám cây số, với Vong lại là quãng đường tự học tốt nhất. Chỉ trong một năm đi bộ mà Vọng đã thuộc làu cả quyển từ điển Pháp Việt bỏ túi.

Từ ngày hai anh Nguyễn Kỳ Khôi, Nguyễn Kỳ Vỹ trốn nhà lên Việt Bắc, ông bà Lý Phúc càng dồn hết tiền bạc, quyết tâm để lo cho Vọng học lên. Đầu năm 1953, chiến cuộc lan tràn, ông bà Cử Phúc liền nghĩ ngay đến việc gửi Vọng lên Hà Nội học. Vẫn biết lên Hà Nội là nhiêu khê, tốn kém, nhưng phía bà Lý Phúc có ông anh họ làm ký ga, nhà ở vườn hoa Tập Kèn, có thể nhờ vả được. Ông Ký nọ lại là anh họ của mẹ Tạ Đôn, nên Vọng vừa có nơi trọ học chu đáo. vừa có thằng bạn học tâm đầu ý hợp lúc này cũng được bố đón ra Hà Nội. Ông Lý Phúc bảo vợ: "Thời buổi mũi tên hòn đạn này, không biết thế nào. Hai thằng anh nó, coi như hiến cho đất nước. Thằng Quặc thì không tính làm gì. Nó vào cửa nhà này là để hứng chịu tất cả những rủi ro thua thiệt cho ba thằng anh nó. Còn thằng Vọng, phải cố mà giữ lấy. Sểnh hai thằng anh, còn có thằng em". Vọng như món gia tài cuối cùng, canh bạc cuối cùng, ông Lý Phúc quyết không để mất. Cho nên, dù vẫn cộng tác với Việt Minh, có hai con trai theo Việt Minh, nhưng ông Lý vẫn tính một bài toán khác, thực chất là ông vẫn phải lo hai mang, chân này chân kia, vẫn để ngỏ cửa với người Pháp.

Phần thưởng của Quốc trưởng Bảo Đại trao cho Nguyễn Kỳ Vọng càng khiến ông củng cố quyết tâm cho Vọng ăn học đến cùng, thậm chí ông trao trọng trách cho Vọng phải bằng mọi cách kiếm được một suất học bổng du học tại Pháp sau khi có bằng Tú tài.

Thời gian ở Hà nội tuy ngắn ngủi, nhưng đối với Vọng quí giá vô cùng. Ngoài giờ học ở trường, Vọng đi dạy tư để có tiền, giảm gánh nặng cho thầy u. Lúc rảnh rỗi, Vọng đi lang thang đến các toà báo Tia Sáng, Chính Đạo, Con Vịt… đến các quầy sách báo lẻ để đọc ké. Thú vị nhất là báo Con Vịt. Bao nhiêu là truyện cười, vừa lý thú vừa bồ ích.

Có một người bạn nhỏ Vọng làm quen và kết thân trong thời kỳ này là cậu bé Lê Đoàn. Đoàn kém Vọng ba tuổi, cao gầy và đen trũi, người Hà Nam, bị thất lạc gia đình hồi tản cư được gom vào trại tế bần, rồi chuyển sang học ở Cô Nhi viện, gần vườn hoa Tập Kèn. Mười tuổi, Đoàn đã nói tiếng Pháp làu làu. Mười ba tuổi, cậu học nhảy cóc ba lớp, thông thạo tiếng Pháp, đến mức bọn Tây Lê Dương nghe cậu nói đều lè lưỡi lắc đầu, phục sái cổ. Một ngày chủ nhật, Đoàn hớt hải đến tìm Vọng:

- Đi với em. Có chuyện này cực kỳ hay.

- Chuyện gì mà hấp dẫn vậy?

- Cứ đi khắc biết thế nào là nước mẹ Đại Pháp. Nhưng nhớ mang theo một chiếc khăn bịt mũi.

Đoàn kéo Vọng lên xe điện ngược Cầu Giấy. Đi hai ga thì hai đứa nhảy xuống, rẽ vào khu bãi trống đối diện với chùa Kim Sơn. Đã thấy thoang thoảng mùi phân người. Mỗi lúc một nồng nặc. Rồi thối khẳm, không thể chịu được, dù đã lấy khăn đút nút hai lỗ mũi.

Đoàn đưa tay chỉ khoảng sân rộng mênh mông, dày đặc phân bắc, giải thích:

- Đây là bãi phơi phân. Những người đổ thùng vệ sinh sẽ thu gom phân người từ khắp thành phố về đây để bán cho công ty phân của ông Năm Diệm. Phân được phơi khô, sau đó đóng vào các thùng gỗ, dán mác "Made in Annam" để chở về nước mẹ Đại Pháp.

- Để làm gì nhi? - Vọng hỏi ngây thơ.

- Để bón cho những cánh đồng nho ở xứ Boócđô hoặc ở Brơtanhơ quê hương mẫu quốc. Anh thấy nước mẹ có vĩ đại không? Bòn rút đến không từ hòn cứt của dân thuộc địa An Nam - Rồi Đoàn buông một câu kết như đinh đóng cột - Em thề dù được học bổng cũng không bao giờ sang Pháp du học. Loại thực dân bòn cả cứt như thế, em khinh.

Thái độ khinh bỉ và coi thường nước Đại Pháp của cậu bé Lê Đoàn cứ day trở mãi trong đầu Vọng, khi cân nhắc đến chuyện đi và ở. Đi, sẽ theo học trường Pháp hay trường Mỹ?

Báo chí đang nói nhiều đến chuyện người Mỹ sẽ thay người Pháp ở miền Nam. Học lên nữa, học với người Mỹ để giành những đinh cao học vấn, hoặc trở về quê, cái làng Động nghèo khổ và tối tăm, để chứng kiến cảnh tắm máu? Những giằng xé ấy khiến hai đêm liền Vọng không ngủ. Vọng viết vào sổ nhật ký. Vọng viết thư cho thầy u, các anh Khôi, Vỹ và em Cục em Hậu…

Vào một đêm trở bão, lúc mười giờ, Lê Đoàn bỗng hớt hải đến tìm Vọng. Nó đi lom khom, tay ôm một bọc gì có vẻ rất nặng trước bụng. Vọng chột dạ: Hay là Đoàn đã đoán được cuộc ra đi của Vọng và đến đưa tiễn?

- Khuya rồi, Đoàn đến có việc gì thế?

- Đỡ cho em với. Nặng quá.

Tay Vọng bỗng chạm vào những viên đạn lạnh buốt. Hàng trăm viên đạn súng ngắn, lấp lánh dưới ánh đèn hắt từ đầu hồi nhà.

- Nhiều đạn không - Đoàn nói như reo - Một trăm sáu mươi bẩy viên đấy. Em lấy trộm của bọn Lê Dương ở trại Tập Kèn đấy. Tán dóc với tụi nó một hồi. Cho mỗi thằng vài điếu thuốc Cô táp, rồi em lừa chúng, khoắng luôn. Em đã có sẵn khẩu Rulô lần trước xoáy của thằng Joyli rồi. Đợi hôm nào bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô, hai anh em mình sẽ bắn hết số đạn này chào mừng.

- Nhưng mình không biết bắn súng - Vọng thở dài và tự cảm thấy vô cùng xấu hổ.

- Em sẽ dạy anh. Dễ ẹc. Chỉ một lúc là biết bắn thôi mà - Đoàn chuyển những viên đạn sang tay Vọng - Bây giờ anh cho em gửi số đạn này ở đây. Để ở chỗ em sẽ bị lộ. Lơ mơ bị bắt giam như bỡn.

Đoàn đang dồn Vọng vào tình thế vô cùng khó xử. Biết nói thế nào cho Đoàn hiểu? Hay là nói hết những dự định của mình?

Rất may, bà Ký Thọ đã xuất hiện đúng lúc. Bà giục Vọng vào đi ngủ. Vọng nói nhỏ vào tai Đoàn:

- Đoàn cứ mang đi giấu tạm ở chỗ nào. Bác Ký Thọ biết, nguy hiểm lắm.

Đoàn về rồi mà Vọng cứ dằn vặt suốt. Vọng thầm khâm phục Đoàn và tự xỉ vả mình. Nếu mai kia, khi thấy Vọng bỗng nhiên biến khỏi Hà Nội thì Đoàn sẽ khinh bỉ và nguyền rủa Vọng biết chừng nào.

Không tài nào ngủ được. Đúng 12 giờ khuya, Vọng rón rén cầm cuốn Truyện Kiều đi ra đầu nhà. Dưới ánh sáng ngọn đèn điện đỏ quạch ở đầu hồi, Vọng kính cẩn ấp hai bàn tay vào cuốn sách, lầm rầm khấn vái: "Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thuý Kiều". Đó là lời khấn mà bà nội Vọng, bà Đồ Kha, thường khấn mỗi lần bói Kiều. Kỳ lạ thay là người bà không biết chữ của Vọng. Chữ nho cũng không mà chữ quốc ngữ càng mù tịt. Vậy mà bà cụ thuộc làu làu cả cuốn Truyện Kiều. Không những đọc xuôi, mà bà cụ còn đọc ngược. Nói đến đoạn nào là cụ lại đọc vanh vách đoạn ấy. Độc đáo nhất là cụ Đồ Kha có tài bói Kiều. Bất cứ nhà có việc gì, lành dữ, con cháu có điều gì uẩn khúc, mắc mớ, bà cụ lại mang Truyện Kiều ra bói. Vọng nhớ như in từng cử chỉ, và nét mặt đầy thành kính, trang nghiêm của bà. Rồi bà giở một trang bất kỳ, mở cuốn sách trước mặt, bảo Vọng đọc cho bà nghe.

"Trai tay trái, gái tay phải. Tuỳ người muốn bói là nam hay nữ mà đọc trang lẻ hay trang chẵn con à".

Sau khi khấn vái xong, Vọng mở trang Kiều, nhìn vào trang bên trái:

"Tông đường chút chưa cam lòng

Cắn răng bẻ một chữ đồng làm đôi?

Không tin ở mắt mình, Vọng chớp chớp mắt, rồi đọc lại. Đúng là câu Kiều thứ 1954: "Cắn răng bé một chữ đồng làm đôi". Chẳng lẽ lời cụ Nhiêu Biểu nói với ông Lý Phúc hồi Tết vừa rồi lại linh nghiệm chăng? Vọng nhớ lại buổi nói chuyện giữa ông cụ Nhiêu Biểu với thầy:

- Văn chương cụ Nguyễn Tiên điền tài tình lắm ông ạ. Còn tôi còn ông, rồi xem. Đây này, câu thơ "Cắn răng bẻ một chữ đồng làm đôi", đúng vào câu thứ 1954. Thế là nhà ông có chuyện. Mà có khi cả nước nhà cũng có chuyện. Năm nay là năm Giáp Ngọ, theo công lịch là năm thứ 1954, năm chia lìa, ly tán. Nhất định rồi ông ạ. Cuộc tao loạn này nhất định rồi phải kết thúc. Nhưng không phải là sự đại đoàn viên. Tôi bấm quẻ, xem âm dương, ngắm sao trên trời đều thấy triệu chứng chia đôi, phân ly ông ạ.

Phân ly. Đến bao giờ? Loáng thoáng có người nói với Vọng: Pháp đồng ý với Việt Minh sẽ hiệp thương trong hai năm. Hai năm nữa, chính phủ liên hiệp thống nhất sẽ được thành lập. Thời gian ấy đủ cho Vọng học xong Tú tài phần hai, với nhiều cơ hội thi vào đại học. Vọng sẽ đi du học nước ngoài hoặc trở về Hà Nội học tiếp. Vọng Bẽ lại gặp thầy u, anh em, bạn bè.

Một tháng sau ngày hiệp định Giơnevơ được ký kết, giữa trưa ngày hạ tuần tháng 8 năm 1954, chiếc máy bay Dakota chở Nguyễn Kỳ Vọng cùng Tạ Đôn, Tạ Thu Uyên và bốn mươi hai đồng bào Công giáo từ phi trường Gia Lâm đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất.

Sài Gòn mùa hè ấy nắng chói chang. Ánh nắng phương Nam mang sắc vàng của vùng đất mới và vị mặn của biển. Hàng trăm lều vải dựng tạm, những chiếc dù màu cứt ngựa, san sát xung quanh nhà ga chính. Sân bay như một chảo lửa.

Vừa từ máy bay bước xuống, Vọng đã bị vây bủa bời hàng nghìn đồng bào di cư từ các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình… Đây là đợt di cư bằng đường hàng không dành cho những người có tiêu chuẩn đặc biệt, gia đình con em những công chức… Tiếng loa chói tai, như đẩy cái nóng hầm hập ong ong vào màng nhĩ: "Đây là phi trường Tân Sơn Nhất. Nhiệt liệt chào đón đồng bào miền Bắc vừa thoát khỏi chính quyền cộng sản trở về với nước Chúa, với cộng đồng dân tộc". Xin đồng bào lưu ý: Theo sự chỉ dẫn của nhân viên, quí vị sẽ đến nơi đón tiếp đồng bào di cư để làm thủ tục. Không nên chen lấn, xô đẩy. Hãy phát huy tinh thần tương thân tương ái, người khoẻ giúp đỡ người yếu, người già, con trẻ… "

Một chiếc ô tô nhà binh từ ngoài cổng bỗng lao đến đám đông. Một tấm bảng hiệu trên ghi một dòng chữ bằng mực tân, được một người mặc bộ đồ trắng ngồi trên ghế lái giơ lên: "Gia đình ông Tạ Đáo".

Ông Tạ Đáo, bố Tạ Đôn, có người em ruột là chủ đồn điền Hố Nai. Đợt di cư này Vọng được đi phi cơ là nhờ Tạ Đôn. Do cước phí vận chuyển quá đắt, chủ yếu đồng bào di cư sẽ được đi tàu thuỷ từ cảng Hải Phòng. Chỉ những người có tiêu chuẩn đặc biệt mới được đi theo đường hàng không từ phi trường Gia Lâm. Cha mẹ Tạ Đôn và em gái cùng chạy xô về nơi chiếc xe.

Tạ Đôn tần ngần đứng lại, cầm tay Vọng.

- Mình nói với cậu mợ để vọng về cùng chỗ ở. Nhưng cậu tớ bảo ốc đang không mang nổi mình ốc. Ý muốn nói cậu mợ mình cũng đang phải nhờ vả người ta… Thôi, Vọng về Bệnh viện Bình dân nhé. Hẹn gặp nhau sau nhé.

Tạ Đôn dúi vào tay Vọng mấy đồng bạc Đông Dương, gạt nước mắt, rồi cùng chạy lại chỗ chiếc xe. Tạ Thu Uyên đang đi vội quay lại:

- Kìa, anh Vọng cũng cùng đi với nhà mình chứ?

Tạ Đôn ngăn em lại.

- Không. Cậu ấy đi theo đoàn. Anh em mình sẽ gặp Vọng sau.

Uyên nhìn Vọng thẫn thờ. Đôi mắt đen nhoà ướt. Đôi chân tưởng chừng không cất nổi.

Chưa bao giờ Nguyễn Kỳ Vọng cảm thấy bơ vơ và cô đơn như bây giờ. Chiếc ba lô để bộ quần áo và mấy thứ đồ dùng sinh hoạt như kéo lệch một bên vai. Đôi mắt Vọng nhoè mờ. Nước mắt giàn giụa hai khoé từ lúc nào. Qua làn nước mắt, trước mặt Vọng như những cảnh phim loang loáng qua.

Nhốn nháo, nhếch nhác. Lếch thếch, xộc xệch. Hàng vạn đồng bào di cư miền Bắc tha thếch kéo về những chiếc lều vải như một đội quân bại trận, vật vờ, dẻo dặt, như những con chiên bị Chúa bỏ rơi, không biết phương hướng.

Mình đã giã từ cha mẹ, giã từ miền Bắc thật rồi sao? Chao ôi mới mấy tiếng đồng hồ trước đây, khi máy bay bay qua bầu trời Hà Nội, nhìn xuống sông Hồng, hồ Gươm, Vọng thầm hẹn một ngày trở lại. Nhưng bây giờ, khi một mình đứng trơ trọi giữa phi trường nóng lửa này, Vọng lại nghĩ rằng, thế là hết.

Vĩnh viễn. Sẽ không có ngày trở lại với thầy u, với làng Động thân thương, với các anh em ruột thịt. Vọng đã trở thành một kẻ lưu vong, một kẻ phát vãng. Vọng đang là kẻ vong bản, mất quê hương.