THỜI CỦA THÁNH THẦN

Chương 18

Rời hiệu sách quốc văn, Vỹ đứng mãi bên vỉa hè, đọc ngốn ngấu như nuốt từng dòng tập tuỳ bút "Đường lớn ta đi" của nhà văn Châu Hà. Tập sách vừa ra khỏi nhà in, giấy rơm vàng xỉn, nhưng thơm phức cái mùi của chữ nghĩa, mà chỉ "những con mọt sách", những người sống chết với văn chương như Vỹ mới cảm nhận hết. Châu Hà, chính là cái gã nhà văn Đà Giang thuốc lào, cóc cáy quê mùa như một bác nông dân, không ngờ lại là cha đẻ của những áng văn chiến trường khét mùi khói súng, hừng hực lửa, máu và da diết tình yêu, lý tưởng. Cái bút danh Châu Hà, chính Vỹ đã tặng Đà Giang hôm hai thằng nằm với nhau đêm cuối cùng trên gác xép, trước ngày Đà Giang vào mặt trận.

- Thằng Du San nó sẽ lấy bút danh Xuyên Sơn. Nó bảo nó không dạo trên núi mà nó sẽ đi xuyên núi. Tao muốn lấy lại cái tên cúng cơm cũ: Mai Văn Nhạ.

- Tên ấy cũng được. Nhưng đã chôn đi rồi thì còn bốc mả lên làm gì? - Vỹ nói thủng thẳng - Quê mày có sông Châu Giang, ký bút danh Châu Hà vừa có nghĩa là sông Châu, vừa có nghĩa là viên ngọc của đất Hà Nam danh giá nhất ông Cò. Cố mà giữ lấy tình quê. Từ Đà Giang đến Châu Hà là dòng chảy của một thiên tài…

Đà Giang ôm chầm lấy Vỹ.

- Tao phục mày. Bút danh ý nghĩa lắm. Tao nguyện sẽ sống và viết đế xứng với cái tên Châu Hà.

Không có dòng chữ nào Châu Hà gửi từ chiến trường ra mà Vỹ không đọc ngốn ngấu. Đọc với tình yêu, sự ngưỡng vọng, háo hức và cả nỗi ghen tị, tủi hờn. Đã biết bao đêm Vỹ nằm như con tôm luộc, ghé chiếc đài bán dẫn Xiong Mao sát tai, lắng nghe như nuốt từng lời giọng Tuyết Mai đọc những truyện ngắn, bút ký, những bài thơ viết từ chiến trường của Châu Hà, Trần Nhân Ảnh và những bạn văn chương thân thiết của anh. Có lần vừa nghe, Vỹ vừa lặng lẽ khóc. Khóc vì tự hào, kiêu hãnh có một lớp nhà văn bạn bè trưởng thành, vì tủi hờn khi mình bị vứt ra khỏi lề thời cuộc, trở thành kẻ vô tích sự.

Nhớ nhất một đêm mưa, Vỹ đang nằm bên Khiêm, nhưng tai vẫn dán vào chiếc Xiong Mao để nghe tin tức đài BBC về tình hình chiến sự. Bỗng một giọng nói quen quen khiến Vỹ tung chăn ngồi vục dậy.

- Giọng thằng Du San em ạ. Nó đổi bút danh là Xuyên Sơn. Vào chiến trường Quảng Đà được ba tháng, không chịu được bom đạn, gian khổ, xin chiêu hồi, liền được phong hàm trung tá tâm lý chiến, suốt ngày ra rả kêu gọi anh em đồng chí về với chính phủ quốc gia. Để xem thằng phản bội này nó sủa thế nào - Vỹ kéo Khiêm dậy, vặn đài to hết cỡ.

- Tôi viết "Xương trắng Đất Việt" với nỗi buồn đau vô hạn của một kẻ cầm bút có lương tâm khi tận mắt chứng kiến hàng triệu người trai đang tuổi thanh xuân phơi phòi, chỉ vì nghe bọn cộng sản Bắc Việt xúi giục mà đi vào cuộc nồi da nấu thịt đang tay xả súng bắn vào những người đồng bào miền Nam ruột thịt của mình. Ôi, nước Việt mến yêu, biết bao xương trắng từ thuả Trịnh - Nguyễn phân tranh đã chất thành dải Trường Sơn hùng vĩ. Giờ đây xương trắng con dân Đất Việt lại chất ngất cao thêm tới chín tầng mây…

- Đ. m. Văn chương chó ghẻ. Mẹ cha thằng chiêu hồi!

Vỹ ném chiếc đài xuống đất vỡ tan. Từ hồi lấy nhau, lần đầu tiên Khiêm thấy Vỹ chửi tục và phẫn nộ đến thế.

Vỹ xoá tên Du San khỏi bộ nhớ. Nhưng anh không bỏ sót một mẩu báo, một tác phẩm nào của Châu Hà. Cuốn "Đường lớn ta đi" này là tập hợp những bài Châu Hà đã gửi ra đăng trên nhiều báo và tạp chí. Đọc lại, nhưng không thấy cũ, vẫn thấy cuồn cuộn một dòng chảy, hừng hực một hào khí. Vỹ mua cuốn sách này là để tặng giáo sư Trần, nhà triết học và người thầy tư tưởng mà anh thường lui tới và xin thỉnh giáo.

Giáo sư Trần là một nhà khoa học nhân văn có khuynh hướng cộng sản từ những ngày du học ở Paris. Năm 1946, khi Bác Hồ sang Pháp, ông xin theo về. Bác Hồ bảo: "Bác phân công chú ở lại, tiếp tục học hỏi, tích luỹ kiến thức. Bác muốn chú phải trở thành một triết gia Macxit hàng đầu…". Thế là giáo sư Trần ở lại Paris thêm vài năm nữa. Năm 1951, ông nhận được chỉ thị của Bác Hồ về nước, rồi lên Việt Bắc, tham gia kháng chiến. Sau năm 1954, ông công tác ở Viện Mác-Lênin, từng dịch và hiệu đính nhiều tác phẩm kinh điển của Các Mác và Anghen. Thời kỳ Nhân văn Giai phẩm, rồi Chủ nghĩa xét lại ở Liên Xô, ông không được tin dùng. Nhưng với Vỹ và nhiều trí thức, văn nghệ sĩ, sức hút của giáo sư Trần vẫn như một tảng nam châm cực mạnh. Ông như một đỉnh núi mà những kẻ hành hương như Vỹ thường muốn hướng tới, để được hít thở một chút khí trời trong khiết và cao siêu.

Hà Nội những ngày sau khi Mỹ tuyên bố ném bom hạn chế từ vĩ tuyến 19 trở ra, đã nhộn nhịp và đông đúc hơn. Một vài trường đại học, chuyên nghiệp, một số cơ quan sơ tán. tận vùng núi xa, thiếu thốn, kham khổ quá, đã rục rịch chuyển dần về các huyện ngoại thành. Đạp xe từ căn hộ tầng hai khu tập thể của giáo sư Trần về nhà, Vỹ thấy lâng lâng một cảm hứng muốn được sáng tạo. Anh ngầm muốn tranh đua cùng với Châu Hà. Nhất định anh sẽ hoàn thành trong năm nay cuốn tiểu thuyết "Chân trời hoang tưởng" mà anh vừa khởi thảo.

Đang đi, bỗng một người đàn bà từ ngõ phố lao ra đâm sầm vào xe Vỹ. Lực đâm khá mạnh khiến cả hai cùng ngã.

- Dở người. Làm thơ hay sao đấy? Đang đi thì đâm vào người ta.

- Tôi xin lỗi. Chị có sao không? - Vỹ bỏ xe, đỡ người bị ngã dậy. Thoáng nhìn thấy bộ mặt sát tận xương và đôi mắt ngùn ngụt lửa, anh tưởng vừa chạm vào mạch điện…

- Ối giời ôi! Đền tôi đi? Vỡ lòi xăm. Vành cong số tám thế này - Người đàn bà mếu máo rồi lu loa lên - Ông giết tôi rồi! Ối bà con đường phố ơi, có anh công an nào không đấy? Chiếc xe tôi đi mượn của người ta…

Lời kêu cứu của nạn nhân như có phép thần. Một anh công an như đứng trực sẵn, liền xuất hiện.

- Không được na nối nên giữa phố xá như thế - Giọng nói trầm đục lẫn lộn n và l khiến Vỹ rùng mình - Có việc gì mời hai người về đồn công an giải quyết.

Vỹ nhìn đồng hồ. Sắp đến giờ cửa hàng dầu hoả đóng cửa. Chiếc can nhựa anh buộc sẵn sau xe vẫn không việc gì.

- Đồng chí công an ơi, chuyện vặt trên đường, để chúng tôi tự thu xếp với nhau. Tôi sẽ đền tiền để chị sửa xe mà…

- Ông định lừa tôi rồi chạy làng chứ gì? Cái ví lép kẹp của ông liệu có mua nổi một cái nan hoa? Cái xe của người ta được tiêu chuẩn phân phối, xếp hàng mấy đợt mà chưa được phân chiếc xăm - Tiếng người đàn bà xoe xoé - Không lôi thôi gì hết. Đề nghị anh công an cứ cho chúng tôi vào đồn.

Sau này, Vỹ mới biết cuộc đụng xe đạp với anh chỉ là một màn kịch. Và người đàn bà mặt sát xương xoe xoé đòi ăn vạ, chỉ là một diễn viên nghiệp dư. Vừa dẫn Vỹ vào trong đồn công an xong là chị ta chuồn cửa sau ra về. Để có cớ lục soát chiếc túi xách của Vỹ, nhất là khi anh vừa có cuộc gặp gỡ ở nhà giáo sư Trần, thì không diệu kế gì hơn là bố trí một cuộc va quệt, cãi cọ trên đường. Vỹ bỗng sực nhớ đến trường hợp mất tích của hai người bạn anh trên đường phố gần đây. Dịch giả V. đang đạp xe trên đường Hàng Bài thì bị một chiếc com măng ca đỗ xịch, bắt cóc lên xe. Rồi nhà văn B. ở Hải Phòng, cũng bị bắt trong trường hợp tương tự. Cái tin đồn: "Đang có cuộc thanh trừng chính trị, tiêu diệt tận gốc bọn xét lại hiện đại âm mưu chống Đảng, lật đổ chính quyền" chắc đang ứng vào Vỹ chăng?

- Đề nghị anh cho xem giấy tờ - Một anh công an khác, mũi khoằm như mỏ quạ, không đeo quân hiệu, nhưng đeo băng đỏ, ngồi ở phòng trực ban, có vẻ như cấp trên của anh công an nói ngọng, chỉ tay xuống ghế mời Vỹ ngồi, mặt lạnh như kem.

Vỹ răm rắp làm theo.

- Nguyễn Kỳ Vỹ. Nơi công tác: Nhà xuất bản Bình Dân. Cái tên này nghe quen quá - Nhà chức trách đọc như đánh vần, rồi liếc nhanh chiếc xà cột bên người Vỹ, chuyển giọng đột ngột - Đề nghị anh cho xem túi xách.

- Báo cáo đồng chí. Chỉ là mấy cuốn sổ cá nhân…

- Chúng tôi hoàn toàn tôn trọng đời sống cá nhân. Nhưng nhiệm vụ buộc phải làm, mong anh thông cảm.

Chiếc túi được lộn mề gà. Gói thuốc Bông Lúa và bao diêm. Chiếc bút máy Trường Sơn. Tài liệu gì nữa đây? Một cuốn sổ ghi chép. Chữ viết loằng ngoằng, gạch xoá như mật mã, rất đáng nghi. Đây rồi. "Chủ nghĩa Hiện thực vô bò bến", 32 trang đánh máy. Ái chà, ảnh gì mà đẹp thế này? Phim à? Lại cả bài viết giới thiệu hàng loạt phim Liên Xô: "Người với người là bạn", "Số phận một con người", "Bài ca người lính", "Người thứ 41"… Toàn phim xét lại, xoá nhoà ranh giới đấu tranh giai cấp. Đây nữa. Tập thơ "Váy Đình Bảng". Sao lại đưa váy vào thơ? Đồi truỵ hết chỗ nói rồi.

- Anh Vỹ ạ - Anh mũi khoằm nheo mắt, chỉ để lọt hai luồng tia sáng rất nhỏ nhưng sắc lạnh dọi chiếu vào mặt Vỹ - Anh đang giữ những tài liệu nguy hiểm cấm lưu truyền, phát tán. Chúng tôi buộc phải làm biên bản và giữ anh…

Vỹ sững sờ. Anh nhỏm hẳn dậy như vừa ngồi phải đinh.

- Sao lại thế? Tôi là một nhà thơ. Tập tài liệu này là một nghiên cứu triết học, tôi vừa mượn của giáo sư Trần… Còn đây là bản thảo các bài báo và bản thảo tập thơ chưa hề công bố của nhà thơ Bùi Việt. Không có gì phản động. Với tư cách nhà văn, tôi cam đoan như vậy.

- Với tư cách những người làm công tác an ninh, chúng tôi lại thấy có những dấu hiệu vi phạm an ninh quốc gia, anh Nguyễn Kỳ Vỹ ạ. Chúng ta đang trong hoàn cảnh chiến tranh, những thế lực phản động thù địch đang tìm mọi cách chống phá lật đổ nhà nước Xã hội chủ nghĩa…

- Nhưng tôi phản đối việc khám người vô cớ. Các đồng chí đã xâm phạm tự do cá nhân…

- Đề nghị anh không được phát ngôn tuỳ tiện. Anh đang là người phạm pháp. Thứ nhất, anh gây rối trật tự trên đường. Thứ hai, anh đang cất giữ tài liệu cấm lưu hành. "Chủ nghĩa Hiện thực vô bờ bến", ngay cái tên đã đi ngược lại Chủ nghĩa xã hội. Còn tập thơ "Váy Đình Báng" thì chúng tôi biết quá rõ tác giả của nó. Bùi Việt đang bị quản thúc. Tất cả các bài thơ của ông ta đang bị cấm in và lưu hành. Chúng tôi vừa nhận được nguồn tin có người đang muốn chuyển tập thơ này ra nước ngoài…

Một cái phẩy tay nhẹ. Anh công an nói ngọng từ phòng bên liền mang tờ biên bản đã chuẩn bị sẵn sang để trên bàn.

- Anh đọc và ký vào đây - Người đeo băng đỏ đẩy tờ biên bản đến trước mặt Vỹ.

Vỹ cố giữ bình tĩnh, đọc lướt trang giấy đã viết sẵn.

- Tôi muốn gặp cấp trên của các đồng chí. Tôi cực lực phản đối việc giữ, khám người và tờ biên bản có tính áp đặt này. Tôi là một công dân, nhưng đồng thời là một nhà văn, tôi đề nghị các đồng chí nên khách quan và trung thực.

Trong khi Vỹ đang cố kìm giữ và tìm lời diễn đạt thì một tờ giấy in sẵn, có dấu đỏ tươi được anh chiến sĩ trực ban đưa đến trước mặt người chỉ huy.

- Vì sự bất hợp tác với cơ quan chức trách, cố tình không ký biên bản khi có dấu hiệu phạm tội, chúng tôi buộc phải ký lệnh tạm giữ anh Nguyễn Kỳ Vỹ và khám xét nơi ở và làm việc để thực hiện công việc điều tra. Đề nghị anh Vỹ đứng lên nghe đọc lệnh.

Chỉ một tích tắc nữa thì Vỹ đổ gục. Đầu óc anh choáng váng, mắt như có màng kéo tối sầm. Chân Vỹ run, bủn rủn. Nhưng rồi Vỹ gắng gượng, đứng dậy.

Tiếng viên sĩ quan tuyên đọc lệnh như tiếng sấm, tiếng súng, từ rất xa vọng lại, lùng bùng trong tai Vỹ.

°°°

Cuộc khám xét nơi làm việc của Vỹ ở Nhà xuất bản Bình Dân và ở căn gác hai hiệu may Phúc Hoà cũ kéo dài suốt một buổi chiều. Không một ngóc ngách nào bị bỏ sót. Không một tài liệu, một cuốn sách nào không được săm soi kỹ lưỡng dưới những con mắt nghiệp vụ tinh tường. Tang chứng đáng giá nhất phục vụ cho công tác điêu tra là những cuốn sổ ghi chép, những bản thảo, thư từ, ảnh kỷ niệm… Đặc biệt đáng chú ý là bản thảo tiểu thuyết Vỹ đang viết dở: "Chân trời hoang tưởng".

Rất nhiều năm sau, và có thể cho tới cuối đời, hình ảnh khiếp đảm và đau đớn của mẹ con Khiêm trong cái buổi chiều đại hoạ ấy vẫn không làm sao dứt khỏi đầu óc Vỹ. Nàng và đứa con gái tội nghiệp, lúc nép bên nhau như những sinh linh nhỏ bé không còn khả năng tự vệ, không được ai che chở, đang bị dồn đuổi vào nơi hang ổ cuối cùng; lúc ngây dại đẫn đờ không còn chút sinh lực, không có khả năng cứu giúp. Vỹ không dám nhìn vào hai cặp mắt hoảng loạn ấy. Vỹ nhục nhã đau đớn đến cùng cực vì vôn đã vô tích sự, chưa một ngày mang lại hạnh phúc cho vợ con, giờ lại gieo thêm tội lỗi, tai hoạ.

Nếu không có những người đang thừa hành công vụ, có lẽ Vỹ đã ôm chầm lấy Khiêm và con gái, oà khóc. Nhưng lạ thay, khi chiếc còng số tám bập vào hai cổ tay anh, Vỹ bỗng thấy cứng cỏi và có chút ngạo đời, anh hất mái tóc đang xoà trước trán, nói với vợ giọng cứng cỏi rồi bước ra khỏi nhà.

- Không sao đâu… Anh đi rồi lại về. Em gắng an ủi và chăm sóc bé Mai nhé…

Chiếc xe màu rêu đít vuông như chiếc hòm kín bịt bùng chở Vỹ đi đâu, đi bao lâu, anh cũng không biết nữa. Từ đây Vỹ quên dần cảm giác thời gian và không gian. Lẫn lộn giữa hiện tại và quá khứ. Mờ mịt không thấy tương lai.

Suốt hai ngày đầu trong căn phòng như chiếc quan tài, chiều ngang chừng hai mét, chiều dài ba mét, có ô kính bằng bàn tay phía trên đủ hắt một chùm ánh sáng từ ngoài vào, Vỹ lúc nằm xoài trên chiếc phản nhớp nháp vì đủ loại mồ hô người lâu ngày, lúc ngồi gục mặt trên hai đầu gối, lúc lại nằm nghiêng như con tôm luộc. Suất cơm cá khô để chỏng chơ. Tập giấy và chiếc bút bi vẫn nguyên chỗ cũ. Người ta khuyên anh thành khẩn khai hết tội lỗi, kể hết quá trình tha hoá, phản cách mạng, từ khi còn học ở Liên Xô, rồi theo nhóm Nhân văn Giai phẩm, theo Chủ nghĩa xét lại, câu kết với bọn phản động chống phá cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng Chủ nghĩa xã hội…

Cho đến ngày thứ năng thì cuộc hỏi cung bắt đầu.

- Anh cho biết họ tên?

- Báo cáo cán bộ, Nguyễn Kỳ Vỹ.

- Ngày tháng năm sinh? Quê quán.

- Báo cáo cán bộ, sinh ngày… tháng… năm…, tại làng Động, huyện Phương Đình, tỉnh Sơn Minh.

- Nghề nghiệp, nơi làm việc?

- Báo cáo cán bộ, đi bộ đội rồi viết văn.

- Viết văn không phải là nghề nghiệp. Anh nói lại.

- Báo cáo cán bộ, làm biên tập tại Nhà xuất bản Bình Dân.

- Vì sao anh bị bắt, vì tội gì?

- Báo cáo cán bộ, đang đi, tôi bị đụng xe đạp, rồi bị giải về đồn…Tôi không biết mình bị bắt vì tội gì.

- Anh hãy nghiêm chỉnh. Không ai vô cớ bắt anh. Anh cố tình ngoan cố. Trả lời lại cho thành khẩn. Anh bị bắt vì tội gì?

- Báo cáo cán bộ. Thực tình tôi không hiểu bị bắt vì tội gì. Đề nghị cán bộ cho biết…

Nhà chức trách mũi khoằm bỗng đập bàn. Rõ ràng ông không thể kiên nhẫn được nữa. Người thư ký ở bàn bên giật mình, đánh rơi chiếc bút.

- Anh định hỏi cung lại chúng tôi phỏng? Anh quá biết tội lỗi tày trời của mình, nhưng lại cố tình quanh co. Cho anh trả lời lại! Anh thấy mình bị bắt vì tội gì?

Vỹ cúi mặt. Nhà chức trách đọc rõ vẻ lì lợm, sắt đá qua vành môi cắn chặt của Vỹ.

- Anh Nguyễn Kỳ Vỹ. Hãy nhìn thẳng cán bộ và trả lời câu hỏi.

- Báo cáo cán bộ. Tôi không có tội.

Chiếc đồng hồ treo tường điểm tích tắc nặng nề. Không khí trong phòng tưởng như nén lại, ngột ngạt.

- Tôi cảnh cáo anh - Nhà chức trách xô ghế đứng dậy - Tôi cho anh tiếp tục suy nghĩ. Nếu anh muốn được khoan hồng để trở về với vợ con thì phải thành khẩn. Tội anh to hơn anh tưởng rất nhiều đấy anh Nguyễn Kỳ Vỹ ạ.

Câu cuối cùng nhà chức trách gằn qua kẽ răng, rồi hất hàm cho anh cảnh vệ đưa Vỹ đi Lần thứ hai, rồi lần thứ ba, kịch bản diễn ra vẫn y nguyên như cũ. Lại những câu hỏi và những câu trả lời như lần trước.

Lần thứ tư, Vỹ được dẫn tới một căn phòng khác, rộng hơn. Có thêm hai người nữa. Một thư ký ngồi ở bàn bên, cạnh anh thư ký cũ, có máy ghi âm và một chồng sổ sách tài liệu.

Ngồi trước bàn lớn giữa phòng, cạnh người mũi khoằm là một người mang hàm đại tá, có gương mặt thư sinh, trán hói, đeo kính trắng, rất khó đoán tuổi. Người mũi khoằm lại đưa ra những câu hỏi thủ tục ban đầu. Và Vỹ vẫn một mực không nhận tội.

Người đeo kính trắng bất ngờ đưa ra một cuốn sổ.

- Anh Vỹ có nhận ra cuốn sổ này không?

Vỹ bỗng tròn xoe mắt khi nhìn thấy cuốn sổ tay bìa màu đô mà anh tưởng đã đánh rơi ở bến phà sông Công khi anh đi cùng Hạnh lên thăm Khánh ở nông trường Quan Chi năm nào. Trời ơi, sao cuốn sổ ghi chép của Vỹ lại nằm ở đây? Bằng cách nào? Ai đã vớt nó dưới sông lên?

- Anh ngạc nhiên lắm phải không? Cuốn sổ tay này ghi những gì chắc anh còn nhớ? Anh có muốn chúng tôi đọc lại bản nháp lần đầu bài thơ "Tiếng hát nhân dân" của anh không?

"Chữ Đồng Tử trầm mình lội ngược sông Hồng

Từ thuở Âu Cơ đến giờ vẫn khố

Đồng hợp tác chỉ toàn rơm với rạ

Máu đỏ bầm chứ đâu phải phù sa?

Khi cho in trên "Giai phẩm Bốn mùa" anh đã sửa hai câu cuối thành " Sóng cuồn cuộn chay tận cùng xứ sở/ Máu đỏ bầm chứ đâu phải phù sa?" Miệng lưỡi thâm độc quá, nhà thơ ơi. Còn đây nữa, rất nhiều những câu thơ phản động của các đồng chỉ Nhân văn Giai phẩm mà nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ của chúng ta đã chép trong sổ tay. Nào là: "Tôi đi giữa phố giữa nhà / Mà không thấy phố thấy nhà / Chi thấy mưa sa trên nền cờ đỏ" Nào là: "Đem bục công an đặt giữa tim người" Phản động hết chỗ nói. Nhà thơ ơi, đáng lẽ chúng tôi đã cho bắt anh ngay từ những ngày ấy…

Vỹ bất ngờ. Vì cuốn sổ như có phép thăng thiên, độn thổ, lọt vào tay các nhà chức trách. Vì cái giọng đọc diễn cảm và cách nói giễu cợt rất có duyên của ông đại tá.

- Chưa hết đâu - Vị đại tá tiếp tục - Chúng tôi sẽ dành riêng một buổi để nghe anh nói về người đồng chí tên là Sécgâyêvích, anh đã hẹn gặp ở Đại sứ quán Liên Xô, cùng những tài liệu về Đại hội lần thứ XX Đảng cộng sản Liên Xô, mà anh đã dịch và truyền bá… Hôm nay hãy nói về văn chương… Những tư liệu mới nhất mà chúng tôi có trong tay càng cho thấy nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ đã trở thành người đứng ngoài cuộc, hoàn toàn thờ ở xa lạ với cuộc chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc. Chưa nói tới việc lưu hành tập thơ "Váy Đình Bảng" của Bùi Việt, một nhân vật của nhóm Nhân văn không chịu hối cải, hay phát tán tài liệu ra nước ngoài để đài báo của địch lợi dụng công kích, bêu xấu chế độ ta. Nguy hiểm hơn là Bùi Việt và một vài phần tử đang có khuynh hướng sáng tác suy đồi, đi ngược lại phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa mà toàn giới văn nghệ sĩ đang lấy làm kim chỉ nam cho đường hướng sáng tác của mình. Hiện thực vô bờ bến là hiện thực gì? Garôdi là ai? Rõ ràng là một sự phủ nhận Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, xoá nhoà đấu tranh giai cấp, thủ tiêu chủ nghĩa xã hội. Người dịch tài liệu này là ai? Có phải người từng tranh luận rồi kết thân với Jean-Paul Sartre, kẻ đã ly khai Đảng Cộng sản Pháp, đi theo chủ nghĩa hiện sinh? Chúng tôi đã từng cảnh báo giới văn nghệ sĩ rằng giáo sư Trần là một nhân vật đặc biệt nguy hiểm. Ai đã đưa anh đến với giáo sư Trần?

- Báo cáo cán bộ, tự tôi đến. Tôi coi giáo sư là người thây triết học…

- Đó mất lập trường quan điểm từ chỗ đó. Ăn phải đạn bọc đường từ chỗ đó, nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ ạ - Vị đại tá bắt đầu tỏ ra thích thú khi thấy Vỹ đã bị cuốn vào câu chuyện - Còn đây nữa, hai câu thơ đề tựa cho cuốn tiểu thuyết "Chân trời hoang tưởng" đang viết dở, đặc biệt đáng lưu ý: "Tôi khóc những chân trời không có người bay/ Lại khóc những người bay không có chân trời"(1).

- Báo cáo cán bộ, không phải thơ của tôi. Đây là câu thơ rất hay của một nhà thơ bậc đàn anh. Tôi mượn làm lời đề tựa.

- Của ai vậy?

- Báo cáo cán bộ. Thơ nháp trong sổ tay, dạng bản thảo, tác giả chưa công bố, vì thế xin được coi như bí mật cá nhân.

- Nhà văn Nguyễn Kỳ Vỹ đã nhầm lẫn quá rồi. Đối với cách mạng thì không có gì là cá nhân cả. Mọi bí mật riêng tư đều thuộc về tổ chức, về tập thề. Vì chế độ chuyên chính vô sản, mọi công dân đều phải có nghĩa vụ hy sinh mọi cái riêng, mọi toan tính cá nhân. Câu thơ ấy là của ai?

- Báo cáo cán bộ, tôi đọc trộm từ một cuốn sổ tay…

- Của ai? Chúng tôi muốn biết tác giả của hai câu thơ này. Đây là thơ cực kỳ phán động… Nếu anh trung thực khai báo, anh sẽ được khoan hồng…

- Báo cáo, xỉn miễn cho tôi trả lời câu hỏi này…

Biết vừa chạm vào tảng đá ngầm, mặt vị đại tá đang lạnh tanh bỗng nhếch một nụ cười:

- Không sao… Thì ta hãy tạm gác chuyện này lại. Tôn trọng tự do cá nhân mà… Chúng tôi đành phải tự tìm ra tác giả. Chỉ xin nói với anh Vỹ rằng đây là hai câu thơ ám chỉ, các anh dùng biểu tượng hai mặt để công kích Chủ nghĩa xã hội. Chân trời là gì? Chân trời hoang tưởng là thế nào? Người bay là ai? Các anh không thể dùng biểu tượng ba bốn mặt để che giấu dã tâm của mình được đâu. Bọn Nhân văn Giai phẩm từng rêu rao là những chiến sĩ đấu tranh cho tự do sáng tạo, tự do nghệ thuật. Chúng thiếu chân trời, bức bối ngột ngạt vì thiếu tự do, dân chủ. Chúng rêu rao Chú nghĩa xã hội là một trại lính. Đấy, biểu tượng hai mặt chính là ở chỗ đó Chúng vừa kích động trực tiếp, vừa bóng gió xa xôi.

Vỹ bàng hoàng vì sự diễn giải và suy diễn của vị đại tá.

- Bây giờ ta bàn đến tiểu thuyết "Chân trời hoang tưởng".

- Tôi rất thắc mắc, tại sao nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ bỗng nhiên lại chuyển sang viết văn xuôi nhỉ? Anh chán thơ rồi à?

- Báo cáo cán bộ, tôi vẫn làm thơ. Tôi coi thơ như một tháp ngà nghệ thuật. Nhưng không phải lúc nào mình cũng tới được.

- Một tháp ngà nghệ thuật. Rất hay. Nhưng còn tiểu thuyết?

- Báo cáo cán bộ, nếu ví thơ như một tháp ngà thì văn xuôi nói chung và đặc biệt là tiểu thuyết, như một dãy núi. Tiểu thuyết là những khẩu đại pháo của nền văn học. Một nền văn học vạm vỡ và đồ sộ phải có những đỉnh cao tiểu thuyết…

- Thế "Truyện Kiều" của thi hào Nguyễn Du thì sao? Thi ca chẳng lẽ lại kém tiểu thuyết hay sao? - Vị đại tá lại thấy hứng thú khi đụng chạm đến những vấn đề học thuật.

- Báo cáo cán bộ, Truyện Kiều chính là bộ tiểu thuyết bằng thơ. Một thi phẩm tiểu thuyết kiệt tác. Nguyễn Du phải dùng tới hơn ba ngàn câu thơ mới sáng tạo nổi nàng Kiều và bức tranh xã hội thời nàng sống. Thơ là những khúc tình ca và bi ca. Phải tiểu thuyết mới đủ khả năng bao chứa những vấn đề xã hội rộng lớn…

- Và nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ phải chuyển thành nhà văn, phải dùng đến tiểu thuyết "Chân trời hoang tưởng" để công kích, bôi nhọ, tiến tới xoá bỏ chế độ Xã hội chủ nghĩa bách chiến bách thắng của chúng ta?

- Báo cáo cán bộ, đây có lẽ là một kiểu đọc văn bản hết sức lệch lạc…

- Thôi, anh đừng nguy biện, đánh tráo khái niệm - Vị đại tá nhìn đồng hồ, và đột ngột nổi nóng. Hình như ông sực nhớ tới cuộc hẹn ở nhà hàng trên đường Cổ Ngư trưa nay - Hình tượng nhà báo Phan trong tác phẩm, bỏ toà soạn về nuôi chó cảnh, suốt ngày đàm đạo, tâm sự với đàn chó, nhằm mục đích gì? Tại sao anh cho cô Nhuỵ, con một địa chủ bị ta xử hồi cải cách ruộng đất, yêu Phan, rồi kể hết về cuộc đấu tố cha để khuyên Phan dựng lại thành tiểu thuyết?

Mỗi câu nói của vị đại tá lại khiến Vỹ nổi gai, ớn lạnh dọc sống lưng. Hoá ra ông ta đã đọc kỹ những trang viết bằng đủ thứ mực, những dòng nguệch ngoạc, gạch xoá nhằng nhịt mà tưởng chỉ Vỹ mới đọc nổi. Và ông ta không chỉ đọc mà còn ghi nhớ, nghiền ngẫm, săm soi, tìm kiếm xem phía sau những dòng chữ ấy chứa ẩn điều gì?

- Báo cáo cán bộ, đây là một tác phẩm văn học… Vả lại tác phẩm này vẫn đang ở dạng bản nháp, chưa công bố, nó vẫn thuộc về bí mật cá nhân, nên chưa thể bàn xét…

Vị đại tá lại nhìn đồng hồ. Qua gần hai tiếng trực tiếp hỏi cung phần tử hậu Nhân văn Giai phẩm, kiêm Xét lại hiện đại, sắc mặt ông đã đổi màu. Nó chuyển từ trắng xanh sang đỏ lựng, rồi tím tái. Nguyễn Kỳ Vỹ quả là một nhân vật rất nguy hiểm, nhưng nói chuyện với y thật thú vị.

°°°

Suốt một tháng trong phòng tạm giam, nhà chức trách vẫn không kết được tội Vỹ. Vỹ kiên quyết không ký biên bản. Vỹ đòi phải mở một phiên toà công khai để xử anh theo đúng tinh thần của Hiến pháp và pháp luật.

Đài BBC và một vài hãng thông tấn nước ngoài, như Reuters, UPI, AFP… đã đánh hơi thấy vụ bắt giam Vỹ, đưa tin một cách méo mó và sai lệch.

Một buổi sáng, Vỹ được đưa lên chiếc xe đít vuông có thùng kín bịt bùng đến một nơi xa thành phố. Bằng trực cảm và kinh nghiệm, Vỹ nhận ra chiếc xe đang đi trên những con đường trải sỏi vùng trung du, thỉnh thoảng lại gặp một ổ voi, một vũng nước, cũng có thể là xe đang đi qua những hố bom.

Chừng hai giờ sau, chiếc xe dừng lại, Vỹ biết, xe đang dừng bên một hồ nước, dưới những đồi thông, vì tiếng reo vi vút của thứ lá kim trong gió, không lẫn được. Quả nhiên, khi ra khỏi thùng xe, Vỹ ngỡ ngàng vì một vùng cảnh quan thơ mộng, sơn thuỷ hữu tình. Người ta dẫn Vỹ đến một căn nhà lợp lá cọ, nép dưới tán thông xanh tốt, nửa nổi trên mặt đồi, nửa chìm dưới lòng đất, có hệ thống giao thông hào, hầm chữ A xung quanh rất kiên cố. Thật ngạc nhiên, đón Vỹ trong căn phòng biệt thự thời chiến ấy lại chính là anh trai của Vỹ, đồng chí Chiến Thắng Lợi.

- Em gầy quá!

Đó là câu nói đầu tiên của ông Lợi khi hai anh em giáp mặt nhau. Vỹ cảm thấy độ rung của hai bàn tay to nặng đặt lên vai Vỹ. Vỹ nhìn thấy hai ngấn nước trong khoé mắt người anh trai của mình. Ông xúc động và thương Vỹ thật lòng.

- Chú có biết anh đau lòng biết bao khi gặp chú trong hoàn cảnh này không?

Đến lúc hai anh em ngồi đối diện bên chiếc bàn rộng, có trà, thuốc lá, kẹo và bánh ngọt, thì Vỹ lại thấy những lời của Lợi không còn chân thật nữa rồi. Kỷ niệm về lần gặp gỡ đầu tiên tại Ban X, nơi Lợi làm việc, sau khi Vỹ bị trục xuất khỏi Liên Xô về nước, khiến Vỹ nhớ ngay đến cuộc tranh luận nẩy lửa giữa hai người. Lần này thì Vỹ không muốn cãi nhau với ông anh trai nữa. Vô bổ. Còn gì mà tranh cãi? Hai thế giới tâm hồn khác nhau. Hai phạm trù đạo đức, phạm trù sống khác nhau. Hai đường thẳng song song, chỉ có thể gặp nhau ở vô cùng…

- Hôm chú đụng xe, các đồng chí công an gọi cho anh ngay. Anh nghĩ chỉ vài tiếng đồng hồ rồi chú lại về…

- Em cũng nghĩ thế…

Câu chuyện giữa hai anh em thật khó khăn. Ngay cả cuộc gặp gỡ này, cũng khó khăn lắm ông Lợi mới thu xếp nổi. Sẽ chẳng còn là một con người theo đúng nghĩa của nó, chứ không nói chi đến bổn phận một ông anh trai, quyền huynh thế phụ, nếu Lợi không có một cuộc dàn xếp để, hoặc là cứu tội cho em mình, hoặc là để Vỹ và gia đình họ mạc biết rằng, ông đã làm hết sức. Trước khi đến đây, Lợi cũng đã xin ý kiến Anh Tư và tổ chức. Lợi muốn bảo lãnh, nếu có thể. Nhưng ý Anh Tư có vẻ kiên quyết lắm. "Ông cha mình đã dạy rồi: Thương cho vọt cho roi. Trị thằng Vỹ tức là dằn mặt cả một phe nhóm chống đối, là giữ yên một mảng hậu phương, không để kẻ địch lợi dụng. Thà giết nhầm còn hơn bỏ sót, Mao Chủ tịch từng dạy như thế". Lợi biết không còn cách nào cứu Vỹ hơn cách Vỹ tự cứu mình. Ông còn biết, chính Vỹ đang là thứ thuốc thử đối với ông. Ông đang bị Văn Quyền theo dõi từng ngày. Có hai vụ ông đã bị hớ với Quyền. Một là cuốn sổ ghi chép của Vỹ do Sành lấy trộm của vợ nộp cho Quyền. Quyền giả vờ như cánh hẩu với Lợi, đưa riêng cho Lợi biết, nhưng lại ngầm sao chụp lại và báo cáo với đồng chí Tư Vuông để thử xem Lợi có dám ém nhẹm đi không? Vụ ấy Lợi cứ chần chừ mãi, phải đợi Anh Tư nhắc. Hai là, việc Lợi xin cho Lê Kỳ Chu, con trai Phó Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Đào Thị Cam, không những không phải ra mặt trận mà còn được sang Liên Xô học kỹ thuật tên lửa. Hai tử huyệt ấy, Văn Quyền vẫn ngầm găm lại đấy. Ai biết Quyền sẽ lật đổ Lợi lúc nào? Cho nên, chỉ cần ông tỏ ra mềm yếu, đặt tình anh em lên trên những nguyên tắc của tổ chức, chắc chắn sẽ bị trả giá…

- Cái lần Văn Quyền đưa cuốn sổ ghi chép của chú cho anh, mấy lần anh định tâm sự với chú…

- Hoá ra anh cũng đã biết hết cả rồi…

Sau lần Anh Tư chỉ thị cho đăng bài bút ký "Sau luỹ tre làng" trong chuyến đi thâm nhập thực tế của chú, anh đã mừng…

- Ai ngờ chứng nào vẫn tật ấy, phải không anh?

- Anh không nghĩ đó là ý thức hệ, là quan điểm lập trường, mà đơn thuần chỉ là phương pháp tư duy, cách tiếp cận hiện thực. Văn nghệ sĩ các chú bồng bột và thiên về trực cảm, thiếu sự dẫn dắt của lý trí, đặc biệt là lý tưởng.

- Vì thế mới có anh và em. Anh làm quan, còn em thì làm giặc!

- Đừng nghĩ thế. Chú là kẻ ngoài cuộc thì đúng hơn. Chú ngây thơ về chính trị. Chú tự tách mình ra khỏi dòng chảy cuồn cuộn của cách mạng. Trong khi hàng triệu chàng trai cô gái xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, trong khi hàng nghìn nhà văn, nghệ sĩ, trí thức tình nguyện khoác ba lô ra trận, hát cho đồng bào tôi nghe, sáng tác phục vụ công nông binh, trong khi hàng chục triệu người thắt lưng buộc bụng, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, sẵn sàng dỡ nhà để làm đường cho xe qua, pháo qua, sẵn sàng hy sinh thân mình để đường thông cầu thông… thì một nhóm phần tử văn nghệ ly khai ra rả đòi tự do sáng tác, đòi dân chủ và công bằng, nguy hiểm và phản động nhất là đòi quyền lãnh đạo…

Chiến Thắng Lợi nói sa sả hơn tiếng đồng hồ. Ông độc diễn thì đúng hơn. Ông nói về hai con đường, về giai đoạn quá độ, về quy luật tất yếu của lịch sử, về sự giãy chết của chủ nghĩa tư bản… Cứ nghe ông nói thì Mỹ, Nhật, Anh, Pháp… sắp chết đến nơi. Liên Xô, Đông Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc đang ở giai đoạn Chủ nghĩa xã hội phát triển, mọi người đang làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Chủ nghĩa xã hội đang nhỡn tiền thành thiên đường của nhân loại…

Vỹ nhìn ông anh một cách thương hại. Ông là người học trò cấp một rất xuất sắc, nhưng không bao giờ vươn tới được tầm kiến thức đại học. Với ông, chủ nghĩa Mác là bất biến, trong khi thế giới biến đổi từng giờ. Trong khi cả thế giới tư bản phương Tây đã vận dụng chủ nghĩa Mác để tự điều chỉnh chính nó, trong khi các nước Bắc Âu như Đan Mạch, Phần Lan, Thuỵ Điển đang thực hiện lý tưởng nhân đạo của Mác trên đất nước họ một cách hài hoà, thì các nước Đông Âu lại biến học thuyết Mác thành một thứ giáo điều, khô cứng, biến Chủ nghĩa xã hội thành một đại công xã đầy quan liêu, hình thức và tẻ nhạt… Sao ông Lợi lại nỡ lấy những bài rao giảng trong các lớp tuyên huấn cho cán bộ cấp xã để nói với Vỹ? Chả lẽ Vỹ lại đốp chát thẳng vào mặt ông anh ngu tín, giáo điều và ảo tưởng rằng, em cam đoan với anh, chỉ hơn chục năm nữa là những hình tượng sáng chói ấy của ông anh sẽ sụp đổ. Bởi cuộc sống không cho phép ai xây dựng lâu đài trên những ảo tưởng, sự độc đoán áp đặt, lối hô hào đạo đức giả… Nhưng thôi, ích gì? Lợi đang thoả mãn vì quyền lực, đang là công cụ của quyền lực. Tự nhiên Vỹ không còn hứng thú tranh luận, như muốn ngủ gật.

- Anh có thể bảo lãnh được cho chú, với một điều kiện - ông Lợi kết thúc bài lên lớp hơn một tiếng đồng hồ.

- Điều kiện gì hả anh?

- Chú phải thành khẩn ký vào biên bản nhận tội. Tội hùa theo kẻ xấu gây rối, chia rẽ, đi ngược lại Chủ nghĩa xã hội. Tội sáng tác và truyền bá tư tưởng chống Đảng, chống chế độ…

- Thôi, anh về đi…

Vỹ uể oải chực đứng dậy, nhưng chưa kịp thì đã bị đồng chí công an ở phía sau tưởng Vỹ có biểu hiện manh động, liền áp sát dằn xuống ghế.

- Nhờ anh nói với nhà em và chị Là, nếu u có hỏi thằng Vỹ thì bảo nó đi công tác nước ngoài. Anh nhớ dặn cả chú Cục. Tuyệt đối không để cho u biết em phải đi…, anh nhé. Tội người già lắm…

Ông Lợi thở dài bất lực. Không có cách nào cứu thằng em bướng bỉnh và bất trị này được.

Một tuần sau, Nguyễn Kỳ Vỹ có lệnh điều đi trại T5.

Chú thích:

(1) Thơ Trần Dần.