T |
rong quá trình điều trị, chúng tôi nhận thấy có một tỉ lệ lớn các bệnh nhân là người gốc châu Á thế hệ thứ hai bị thừa cân hoặc béo phì và có nhiều nguy cơ bị tiểu đường hơn những người thuộc thế hệ đầu tiên. Về cơ bản, các bệnh nhân này ăn nhiều các loại thực phẩm truyền thống của Mỹ và gặp nhiều vấn đề sức khỏe hơn.
Maricel là một y tá hai mươi sáu tuổi, đi thẳng vào phòng khám từ chỗ làm khi vẫn chưa thay bộ đồ điều dưỡng. Với chiều cao 1,47m, thì trọng lượng 87kg đặt cô vuông vức vào tình trạng béo phì mức cao với chỉ số BMI là 40,1. Mái tóc đen huyền của Maricel giống mẹ, người cùng đi với cô. Mẹ cô, Emily, sinh ra ở Philippine, nhưng Maricel lớn lên tại Mỹ và ăn các loại thực phẩm điển hình của phương Tây. Maricel nói cô thích ăn vặt với khoai tây chiên kiểu Pháp cùng với bánh quy và bánh chiên, thức uống là soda, sữa và nước trái cây, trong khi mẹ cô không quen với chế độ ăn uống kiểu Mỹ. Thật khó thừa nhận một phụ nữ trẻ trung sôi động phải chịu đựng bệnh huyết áp cao và tiểu đường type 2 có thể là do béo phì. Chúng tôi tin rằng các vấn đề sức khỏe của cô có liên quan đến Chế độ ăn chuẩn Mỹ – Standard American Diet. (Hài hước thay, chữ viết tắt của chế độ ăn này là SAD, nghĩa là BUỒN, nhưng đó là sự thật.) Câu chuyện Maricel không cá biệt. Có khoảng 250.000 nhà hàng thức ăn nhanh tại Mỹ, và trong khoảng thời gian hai mươi năm, tổng lượng tiêu thụ thức ăn nhanh đã tăng từ 2 đến 10% trong tổng năng lượng dung nạp ở mỗi người.
Điều này nói lên rằng, các loại thực phẩm SAD cũng đang được tiêu thụ ngày càng tăng ở những nơi khác trên thế giới. Chẳng hạn, trước khi các chuỗi thức ăn nhanh bùng nổ tại các nước châu Á, thì béo phì ở đây gần như không phổ biến như bây giờ. Theo báo cáo của Viện Phát triển Hải ngoại, số người lớn thừa cân và béo phì ở các nước đang phát triển đã tăng gần bốn lần, lên khoảng một tỉ người trước sự bùng nổ bệnh tiểu đường trên toàn thế giới. Tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường song song với sự bùng phát của các chuỗi thức ăn nhanh tại các nước này không phải là ngẫu nhiên. Trải qua nhiều thế hệ, mặc dù người dân châu Á đã thích nghi với lượng dung nạp chất bột đường cao hơn, như bún gạo trong chế độ ăn truyền thống, nhưng cơ thể của họ không thể xử lý tình trạng quá tải chất bột đường, đặc biệt là đường, vốn có nhiều trong các món tráng miệng và thức ăn nhanh SAD. Điều này cho ta thấy gì? Quá nhiều đường trong máu và insulin quá cao!
Hãy xem một bữa ăn gà rán điển hình. Nhiều người coi thực phẩm chiên là một thủ phạm chính gây tăng cân. Chúng tôi đồng ý rằng thực phẩm chiên có nhiều calo và không phải là thực phẩm lành mạnh, nhưng chính sự tăng insulin nó gây ra khiến ta tăng cân. Ví dụ, thịt gà chiên thường được lăn bột, và lượng carbohydrate này làm tăng insulin. Thông thường, một bữa ăn gà rán thường kèm xà lách trộn, khoai tây nghiền, bánh quy mật ong, và tất nhiên là một ly soda.
Hãy tạm gác vấn đề calo sang một bên. Hãy nhìn vào các bữa ăn gà rán điển hình qua một lăng kính khác – về ảnh hưởng của nó lên insulin. Gà được lăn bột trước khi chiên. Bột làm tăng mức insulin. Khoai tây nghiền: ngoài tinh bột, nước xốt thường được nêm bằng đường bắp cao phân tử (HFCS). Xà lách trộn hiển nhiên cũng được trộn với đường bắp cao phân tử HFCS. Bánh quy được làm bằng bột và có chỉ số đường huyết cao. Những thứ này chắc chắn làm tăng mức insulin! Và cuối cùng, không nghi ngờ gì, các đồ ngọt như mật ong và soda làm mức insulin tăng vọt. Tất cả đều quy về insulin, insulin, insulin! Đó là lý do tại sao tỉ lệ béo phì và tiểu đường bùng phát và trở thành một đại dịch trên toàn thế giới.
QUÁ NHIỀU CALO TỪ ĐƯỜNG
Mặc dù thức ăn làm tăng insulin là thủ phạm lớn trong vấn đề béo phì, nhưng rất nhiều người – thậm chí các chuyên gia và các tổ chức y tế – vẫn tin rằng béo phì chủ yếu là vấn đề tiêu thụ quá nhiều calo, bất kể lượng calo đó đến từ tinh bột, chất béo, đường, hay đạm. Chắc bạn đã nghe cụm từ “Calo vào bằng calo ra”. (Một calo được định nghĩa là một đơn vị năng lượng.) Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh (CDC), “Một calo là một calo không phân biệt nguồn gốc của nó”. Có nhiều ứng dụng giảm cân theo dõi lượng calo để giúp chúng ta giảm cân.
Xét về bề nổi, quan điểm này có vẻ đúng. Trong thực tế, chúng tôi đã áp dụng tư tưởng này trong nhiều năm. Nhưng khi xem xét lại sẽ thấy rằng khái niệm “calo vào, calo ra” như vậy là quá đơn giản. Ăn quá nhiều calo đúng là gây tăng cân, nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Rõ ràng là không đúng khi cho rằng calo từ một cái ức gà 100g giống như calo từ một lon soda đường! Bạn đã biết ở chương trước về các tác động của đường đối với insulin, do vậy, bạn cũng biết rằng tác động của việc ăn đường không giống như ăn chất đạm.
Chúng tôi không muốn bạn nghĩ rằng đường hoàn toàn xấu – cơ thể chúng ta cần đường để tạo năng lượng cho tế bào hoạt động. Vấn đề chúng ta phải lo lắng là quá nhiều đường. Giống như mọi thứ trong cuộc sống, điều độ là rất quan trọng. Hãy xem xét thực tế thú vị này: Mười ngàn năm trước, tổ tiên của chúng ta săn bắn hái lượm và tiêu thụ khoảng 20 muỗng đường trong một năm. Soda hay nước ngọt chứa khoảng 17 muỗng đường mỗi chai. Chúng ta uống bao nhiêu nước ngọt sau mỗi lần tập nặng? Nếu chỉ uống một chai, thì lượng đường cũng gần bằng với lượng đường tổ tiên chúng ta đã uống trong một năm.
Liên Hợp Quốc (UN) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo rằng đường không nên chiếm quá 10% lượng calo hàng ngày. Nếu một người trung bình ăn 2.000 calo mỗi ngày, thì lượng calo từ đường chỉ nên là 200. Lượng đường này tương đương khoảng 8 muỗng cà phê mỗi ngày. Nhưng thực tế chúng ta ăn bao nhiêu đường mỗi ngày?
Người ta ước tính một người Mỹ tiêu thụ khoảng 64kg đường mỗi năm. Tương đương với 28 bịch, mỗi bịch 2,3kg. Mỗi ngày 30 muỗng. Mức này nhiều hơn gấp bốn lần so với khuyến cáo của UN và WHO. So với tổ tiên của chúng ta mười ngàn năm trước, người Mỹ hiện nay tiêu thụ đường nhiều hơn gần 550 lần. Thật khủng khiếp! Bây giờ hãy xem xét tất cả lượng carbohydrate khác mà bạn đang ăn, và chúng ta có thể biết lý do tại sao nhân loại đang trải qua một đại dịch béo phì.
Làm sao có thể ăn nhiều đường như vậy trong một năm? Sẽ rất khó để ăn 28 bịch đường 2,3kg nguyên chất. Đường chắc chắn phải ẩn mình trong những thức ăn khiến chúng ta dễ dàng tiêu thụ nhiều mà không thực sự nhận ra sự hiện diện của nó.
Trong Chế độ ăn chuẩn Mỹ, thủ phạm hiển nhiên là đồ uống có đường và đồ ăn vặt. Sau khi loại trừ các loại đường tự nhiên như fructose trong trái cây, thì nguồn cung cấp đường chủ yếu là nước ngọt. Theo USDA, ước tính khoảng 33% lượng đường tiêu thụ qua nước ngọt, 10% qua các loại nước trái cây có đường, 5% qua bánh kẹo và 4% qua các loại ngũ cốc.
Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng nhiều thực phẩm chế biến sẵn và các sản phẩm ít chất béo là những thức ăn chứa nhiều đường. Thực phẩm chế biến sẵn như rau quả đóng hộp, gia vị, và bơ đậu phộng chiếm 26% lượng cung cấp đường. Bạn đã được dạy rằng các sản phẩm ít chất béo là tốt. Sự thật thì ngược lại! Sản phẩm ít chất béo chứa rất nhiều đường để bù đắp cho sự thiếu hương vị. Hãy kiểm tra nhãn sản phẩm để xem có bao nhiêu đường trong món salad ít chất béo.
CHẾ ĐỘ ĂN ÍT MỠ KHÔNG HIỆU QUẢ
Một số chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng sự liên quan giữa chế độ ăn ít chất béo và béo phì có thể được truy ngược lại những năm 1970. Năm 1977, chính phủ Hoa Kỳ đề nghị giảm lượng dung nạp chất béo xuống dưới 30% trên tổng lượng calo trong khi tăng lượng dung nạp chất bột đường từ 55 lên 60%. Kể từ đó, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng mức dung nạp chất bột đường. Theo Khảo sát Dinh dưỡng và Y tế Quốc gia (NHANES), tổng dư thừa calo từ chất bột đường tăng lên rất nhiều, trong khi tổng lượng dung nạp chất béo giảm nhẹ từ năm 1974 đến năm 2000. Liệu chỉ là một trùng hợp ngẫu nhiên hay có mối liên quan giữa việc cắt giảm chất béo và tăng chất bột đường tới việc tăng tỉ lệ béo phì? Có thể điều này không chắc chắn, nhưng chúng ta biết rằng: nghiên cứu gần đây cho thấy các chế độ ăn ít chất béo không mang lại cải thiện trong tỉ lệ béo phì hay bệnh tim mạch. Và như vậy, chế độ ăn ít chất béo không có hiệu quả trong việc giảm cân do chúng có hàm lượng đường cao.
Trong khi hạn chế lượng đường, các chế độ ăn ít chất bột đường lại thường không hạn chế chất béo bão hòa. Một lần nữa, kinh nghiệm cho thấy cái gì quá nhiều đều không tốt. Thực phẩm giàu chất béo bão hòa có làm tăng nguy cơ đau tim không? Những người ủng hộ chế độ ăn kiêng ít chất bột đường không nghĩ như vậy, vì họ đã dẫn ra các bằng chứng nghiên cứu về các lợi ích sức khỏe của chế độ ăn kiêng này. Tuy nhiên, những nghiên cứu này không theo dõi những người tham gia trong thời gian đủ dài – chỉ tối đa là sáu tháng. Khi những nghiên cứu này kéo dài hơn (ít nhất là mười hai tháng), thì chế độ ăn ít chất bột đường không cho thấy lợi ích về tim mạch so với chế độ ăn khác.
Không giống chế độ ăn ít chất bột đường và ít béo, Thinsulin xem xét lượng dung nạp chất bột đường và chất béo bão hòa. Chúng tôi chú ý đến những khuyến nghị dinh dưỡng từ ban cố vấn hàng đầu của quốc gia để cắt giảm phần lớn các chất béo bão hòa như: thịt mỡ, thức ăn chiên, sữa nguyên chất, và bơ để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Xin chú ý rằng các cảnh báo này nói về chất béo bão hòa chứ không phải cholesterol. Trong năm 2015, cũng ban cố vấn này đã đảo ngược những cảnh báo trong gần bốn mươi năm của chính phủ về việc tiêu thụ cholesterol trong khẩu phần có thể bao gồm trứng và tôm. Vì lý do này, bạn có thể ăn sò với Thinsulin vì động vật có vỏ không làm tăng mức insulin và cholesterol không còn được coi là một “vấn đề dinh dưỡng.”
BẠN KHÔNG CẦN BỎ HOÀN TOÀN CHẤT BỘT ĐƯỜNG
Vậy, chế độ ăn nào giảm cân hiệu quả? Hơn mười sáu thử nghiệm đã công bố hiệu quả của chế độ ăn kiêng ít chất bột đường trong việc giảm cân bằng cách hạn chế nghiêm ngặt lượng tinh bột và đường. Theo thời gian, cách này thực sự làm giảm mức insulin, cho phép cơ thể đốt chất béo chứ không dự trữ.
Nhưng không cần phải hạn chế tất cả chất bột đường bởi vì không phải tất cả đều giống nhau. Một số làm tăng vọt insulin, trong khi số khác thì không. Quan trọng là bạn nên ăn các thực phẩm không làm tăng insulin. Ở chương sau, bạn sẽ tìm hiểu về các loại thực phẩm này.
Béo phì không chỉ là vấn đề calo. Ở bề nổi, có vẻ như thức ăn nhanh và đồ uống có đường là nguyên nhân tăng cân vì có calo cao, nhưng bên trong đó, chính mức insulin cao do những thực phẩm này gây ra mới là tác động trực tiếp gây béo phì.
Roni, 59 tuổi, có gia đình và hai con đã đến độ tuổi 30. Cô muốn nghỉ hưu vào năm sau khi được 60. Cô đã chiến đấu với bệnh béo phì từ khi 50 tuổi. Trọng lượng của cô đã dao động từ đó. Cô tin rằng béo phì và giảm cân có cơ chế giống nhau như đã được dạy. “Kim tự tháp thực phẩm mà chúng ta học đã lộn ngược,” Roni chia sẻ. “Tôi đã tăng rất nhiều cân khi ăn các nhóm thực phẩm trong kim tự tháp”.
Mười hai năm trước, cô đạt mức trọng lượng lớn nhất cuộc đời là 90kg. Cô giảm 10kg bằng cách ăn ít hơn và chọn thực phẩm lành mạnh, nhưng cân nặng đã đứng yên ở mức 80kg trong vòng một năm. Cô ấy đến Lorphen Medical Clinic, ở Riverside, California, để vượt qua ngưỡng này. Trong tám tháng, cô giảm 23kg, đạt mức thon thả khỏe khoắn là 57kg. Lần đầu tiên trong đời, cô có thể duy trì trọng lượng này trong hơn một năm. Cô thấy Liệu pháp Thinsulin cho phép nhiều sự lựa chọn và có sự tự do. “Tôi không thể theo chương trình giảm cân nào bắt buộc ăn theo một cách cố định”, Roni cho biết.
Khi nghĩ đến việc nghỉ hưu, cô xác định Thinsulin sẽ là một phần trong cuộc sống của mình. Cô ấy không muốn quay trở lại con đường cũ luôn suy nghĩ về calo. Cô xem thức ăn là một nguồn vui. Quan trọng nhất, cô đã quen nhìn nhận thực phẩm dưới khía cạnh insulin.