Thính Tuyết Lâu Hệ liệt

Hoang Nguyên Tuyết 1

Docsach24.com

ió từ biển tới, mang theo vị mằn mặn của muối, ngập tràn làng chài Thạch Đường. Thạch Đường thuộc Thái Bình phủ, là một thôn nhỏ bên bờ biển Đông.

Lúc này chính là mùa đánh bắt, những tráng niên lao lực đã sớm kết quần kết đội ra biển đánh cá, lưu lại những phụ nữ trẻ em và những người già yếu chia nhau ra biển, xách giỏ đến các bãi cát ven bờ lục tìm một số loại tôm cua hải tảo, hoặc là phụ giúp sửa chữa lại các đồ gia dụng. Trong thôn thoáng chốc trống huơ trống hoắc, chỉ còn những hài tử chơi trò trốn tìm hoặc một vài con em du đãng đang chơi bời lêu lổng.

Gió biển thổi nhẹ nhàng qua xóm nhỏ yên tĩnh. Vài thương nhân từ xa tới thu mua hàng hóa đang thong thả đi lại trong thôn, uống chút trà, sưởi nắng ấm, chờ mỗi khi thuyền đội quay về, ở cửa thôn thiết lập chợ phiên.

Cửa thôn có một cây long não rất già, thân xum xuê và cao vời vợi. Nghe nói ba trăm năm trước, đợt di dân đầu tiên của họ Nhậm từ Trung Nguyên đã đến nơi này, khai quật miệng giếng đầu tiên, tiện thể trồng cây này. Chuyện ngoài ý liệu là, trong gió biển rát buốt quanh năm và đất muối mặn đắng khắc nghiệt là thế, cây cổ thụ này vẫn sống rất khỏe, phảng phất như trời cao báo cho họ biết một cách rất rõ ràng: chỗ này là phúc địa.

Thế là, các tiền bối họ Nhậm quyết định trụ lại đây, sinh sôi nẩy nở, khai khẩn thổ địa, đắp đê lấn biển, bắt cá canh tác suốt ba trăm năm nay. Cả tộc họ Nhậm ở đây khai chi phát tán, từ từ phát triển thành một thôn hoàn chỉnh.

Trăm năm nay, cái thôn nho nhỏ này cũng ít nhiều gì xuất hiện một vài nhân vật, danh tự được cung phụng trong tổ miếu ở giữa thôn.

Người tối kiệt xuất trong đó chính là Binh bộ thượng thư Nhậm Hoàn Vũ vào năm mươi năm về trước.

Nhậm Hoàn Vũ có tên lúc nhỏ là Đào Sinh, vốn là con của một nhà bần khổ ở Đài Châu phủ, từ nhỏ phụ thân chết vì một vụ cướp biển, mẫu thân chỉ nhờ vào nghề dệt vá lưới cá để lấy tiền cùng con trai sống lây lất qua ngày.

Năm mươi năm trước, ở vùng duyên hải chịu nạn Oa họa rất nghiêm trọng (Chú: Oa họa: Nạn cướp biển, chủ yếu là từ các thuyền của Nhật lúc xưa, cướp biển Nhật lúc đó gọi là Oa khấu). Triều đình sau nhiều lần phái binh tiêu diệt đều không có hiệu quả gì nhiều, liền phóng tay hạ lệnh một biện pháp rất cực đoan: ra lệnh cho toàn bộ bách tích ở vùng duyên hải phải rút lui vào trong cách bờ biển mười dặm, phá hủy mọi nhà cửa phòng ốc gần bờ, thực hiện vườn không nhà trống. Đồng thời, để phòng chống người trên bờ tư thông với Oa phỉ, Đài Châu phủ hạ nghiêm lệnh: thuyền bè không được hạ thủy.

Nhất thời, bên bờ Đông hải biến thành bình địa. Vô số ngư dân bị bức thiêu cháy nhà cửa và thuyền bè, vừa khóc vừa bồng bế gia đình di chuyển vào trong nội địa. Nhưng trong nội địa làm gì có đủ đất để tiếp thu những người từ miền biển lên?

Những năm ấy, không riêng gì Đài châu phủ, mà toàn vùng duyên hải biển Đông đều xảy ra tình trạng cực kỳ bất an loạn động như vậy.

Nông dân trên đất liền đầy địch ý đối với ngư dân đến tranh đoạt đất đai của họ, những cuộc chiến đại quy mô đôi khi phát sinh. Các ngư dân không được an trí ổn thỏa, đói khổ và bệnh tật nhanh chóng lan tràn. Đôi khi có ngư dân không còn cách nào chịu đựng nổi nữa, đã nổi lên cướp đoạt, liều mạng khởi nghĩa, hoặc đơn thuần là chạy xuống biển sống cùng Oa khấu.

Khi Thái thú Đài Châu phủ bị công kích nặng nề, không biết phải ứng phó ra sao thì một thiếu niên nghề biển áo quần lam lũ đến cầu kiến.

Đó chính là người sau này uy chấn khắp Đông hải "Đào sinh tướng quân" Nhậm Hoàn Vũ.

Hắn đã đem những ngư dân đang bước đến đường cùng đó xung nhập quân đội, lợi dụng sinh hoạt trên biển nên ít nhiều thông hiểu hải dương của họ. Nhậm Hoàn Vũ nhanh chóng dựng lên một đội ngũ hùng mạnh, không cần lương thảo của triều đình, mà dùng sách lược "Dĩ chiến dương chiến" (lấy chiến tranh nuôi chiến tranh) để tồn tại. Ba năm sau, cánh quân "Tĩnh hải quân" ấy càng lúc càng mở rộng biên chế, đạt đến vài nghìn người, vô số lần kích bại bọn Oa khấu từ biển đến xâm phạm. Oa khấu khi nghe hai tiếng "Đào sinh", liền kinh hồn hoảng sợ, chạy không kịp ngáp.

Tuy nhiên, đối với con người của Nhậm Hoàn Vũ, thế nhân vẫn khen chê bất nhất.

Đó là vì quân đội không có lương, chỉ có thể từ những cuộc chiến tranh không ngừng để tước đoạt lương thảo; Nhưng vì tù binh rất khó an trí, Nhậm Hoàn Vũ hạ một mệnh lệnh chết người: Tĩnh hải quân nhất mực không cho phép đầu hàng, toàn bộ tù binh đều phải giết tận sát tuyệt, những của hoạnh tài cướp được sẽ luận chiến công khen thưởng, phần còn lại thì chia đều.

Hai chữ "Tĩnh hải" đi đến đâu, mặt biển nhuộm máu đến đó, từ Oa khấu đến bần dân lưu lạc trên biển đều không có ngoại lệ.

Bản thân Nhậm Hoàn Vũ tuy kiêu dũng thiện chiến, mưu lược hơn người, nhưng đối với việc chiếm đoạt tài phú thì không chùn tay chút nào. Mỗi lần tiêu diệt xong một nhóm Oa khấu, y đều chiếm đoạt tài bảo trân quý nhất, các nữ tử mỹ lệ nhất cho mình trước hết. Chỉ ngắn ngủi vài năm, y từ một thiếu niên bần khổ đã biến thành bạo quân trên biển.

Bởi vì giết người cướp của nhiều như thế, y chiếm được ác danh "Hải diêm la" trên mặt biển.

Thậm chí, những ngư dân trên biển đều coi vị "Đào sinh tướng quân" này gộp chung vào một thủ lĩnh hải tặc vang danh ở Nam hải mà luận: tên thủ lĩnh hải tặc đó có đôi mắt ma quỷ, một mắt màu lam một mắt màu đen, hắn là hóa thân của "Quỷ", cùng là thứ máu lạnh vô tình, trong cương vự Nam hải vô biên vô tế, hắn là bá chủ chí cao vô thượng, những thuyền đội đi ngang qua đều không thoát được.

Sự đối kháng như vậy tiếp tục khoảng mười năm, Tĩnh hải quân không ngừng trong chiến đấu mà lớn mạnh. Oa hoạn ở bờ Đông hải từ từ lắng lại, khôi phục cục diện thái bình trong dĩ vãng. Sau khi được sự cho phép của quan phủ, ngư dân quay trở về nguyên địa, được sự chủ trì của Nhậm Hoan Vũ, Thái Bình phủ tại Đông Hải bắt đầu thi công một con đê lớn, ngăn cản hải triều, tạo ra một cảng có thể chứa hàng trăm ngư thuyền vào neo đậu, mệnh dạnh là "Lục Dương đê".

Thái Bình phủ bắt đầu có những thuyền đội giương buồm ra khơi, ngư dân có đường sống nên sinh hoạt cũng từ từ trở nên ổn định.

Nhậm Hoàn Vũ trấn thủ Thái Bình phủ vài năm, chiến công chói lọi, nhiều lần được triều đình phong thưởng.

Tuy nhiên, những ngày tháng làm vua một cõi của y không dài. Bởi vì triều đình sợ một kẻ vũ phu ủng binh tự tác ở Đông hải tạo thành họa hoạn sau này, nên cuối cùng hạ chiếu lệnh vời y về kinh thành, phong làm Công bộ thượng thư.

Tuy nhiên, một vị tướng quân quát gió gọi mây trên biển lại không thiện quyền lực quan trường. Khác với chuyện lãnh binh tác loạn trên biển, Nhậm Hoàn Vũ không ngừng bị đánh bại trên chiến trường không khói tại đế đô, chịu không ít bài xích của các quan van trong triều, từ từ bị tước đoạt thực quyền. Tuy nhiên, nhờ có công tích nhiều năm, lại không tiếc dùng số vàng bạc châu báu lớn hối lộ trọng thần, y vẫn tự bảo vệ được mình không bị hạch tội, nhưng vị tướng quân một đời võ dũng không còn đất dụng thân, cuối cùng chết già tức tưởi ở đế đô.

Trước khi mất, y cầm lấy tay phu nhân, dặn dò bà phải dẫn gia nhân đem quan tài trở về cố hương, rồi cắm rễ ở Thái Bình phủ, không được trở về kinh thành nữa.

Vì thế, một nhà Nhậm gia phản hồi cố hương, dựa vào sự ân sủng của triều đình kiến tạo một đền thờ trước cửa thôn tưởng nhớ tiền nhân.

Và miếu thờ to lớn tinh mỹ này lại trở thành tiêu ký rõ ràng nhất của thôn nhỏ này. Những năm qua, vô luận là làm chuyện đại sự gì, thôn dân cũng tự động tụ tập lại dưới miếu mà thương nghị, còn mỗi phiên chợ đều được tổ chức ở khoảng đất bên hông miếu.

"Trai biển xào đây! Trai biển xào tươi ngon tuyệt đây!" Dưới cây cạnh miếu Thượng thư, một cô bé nhỏ bé ốm yếu run run trong gió lạnh đầu xuân, tay cầm một giỏ đồ biển, dùng một giọng nói e dè rao bán, "Thử trước mua sau, không tươi không lấy tiền!"

Những người đến chợ vào ban ngày không nhiều, nên cô bé ở đó rao gần cả buổi mà chẳng có mấy người hỏi qua.

"Tiểu nha đầu ngu ngốc..." Xung quanh đột nhiên hôn ám, có người khẽ cười. Cô bé kinh sợ ngẩng đầu, thấy những người không phận sự xung quanh đột nhiên dạt ra hết, chỉ còn lại một đám thiếu niên vô lại, tên nào tên ấy đều cười cợt nô đùa. Ở giữa chúng là một thiếu niên mặc hồng y cao lớn, tóc đen dài tới vai, trên mặt treo một nụ cười tà quái, một cái áo choàng đỏ chói khiến người chói mắt, ở góc có thêu một con phi long.

Hồng long. Nhậm Phi Dương.

Trong Thái Bình phủ, nếu là đứa bé lên tám trở lên đều biết, kẻ mặc hồng y trên có thêu phi long tên Nhậm Phi Dương này là một tiểu thái tuế bá chủ một vùng, không dễ gì chọc vào.

Dựa vào tài phú của Nhậm Hoàn Vũ còn để lại, con cháu nhà họ Nhậm quả nhiên đều trở thành những ẩn giả an phận, không truy cầu công danh cũng không bước chân vào giang hồ, yên tâm sống trong Thạch Đường ngư thôn cưới vợ sinh con, rảnh rỗi thì gảy đàn múa kiếm, tiêu phí thời gian. Tuy nhiên, có lẽ là do Nhậm Hoàn Vũ khi xưa tạo quá nhiều sát nghiệp trên biển, nên ảnh hưởng dương thọ của đời sau, ba đứa con gái đều khứ thế rất sớm, cháu chắt còn lại chỉ còn độc có mỗi Nhậm Phi Dương.

Khi Nhậm Phi Dương bốn tuổi đã không còn mẫu thân, trước đó mấy tháng phụ thân đã qua đời, sau đó tên lãng tử không cha không mẹ này triệt để ăn chơi nhàn tản. Bình thường, hắn không đọc thư cũng chẳng tập viết, chỉ thích luyện võ công gia truyền, dẫn theo một bọn đệ tử phóng đãng không nghề múa đao múa gậy, đi quanh quẩn trên địa bàn, trong vòng mười năm sản nghiệp để lại của gia đình đã bị hắn tiêu hoang hết phân nửa.

Tì khí của Nhậm đại thiếu gia biến đổi rất thất thường, làm chuyện gì cũng không quản nó là đại thiện đại ác gì cả.

Hắn đã từng chạy băng băng hơn trăm dặm chỉ vì cứu tính mệnh của một người không quen không biết. Trong năm xảy ra nạn lớn, hắn đã từng mở cửa kho trong nhà cho thôn dân đói khổ cơm áo qua ngày. Nhưng giờ phút này, hắc lại buồn tẻ vì quá thanh nhàn mà đi khi phụ một cô bé nhỏ khốn khổ.

"Các huynh đệ, đến coi thử coi là tươi hay không tươi?" Theo tiếng thét của hắn, các con trai trong giỏ đã bị đám thiếu niên ba chân bốn cẳng lấy mất không còn một con.

Tiểu nữ hài đó không biết làm như thế nào cho phải, chỉ biết ôm chặt cái giỏ, mặt đỏ rần, cất giọng chói lói: "Cô cô, cô cô, mau ra đây a!"

"Tươi cái con khỉ! Gần phát sình rồi đây!" Hiểu rõ lão đại muốn trêu đùa cô bé này, thiếu niên thử sớm nhất chợt phun nhổ cả ra, nhợn nhợn muốn ói. Những thiếu niên vô lại khác cũng lập tức lớn tiếng phụ họa: "Đúng vậy, đúng vậy. Mấy thứ vứt đi này ăn vào chỉ tổ đau bụng!"

"Không tươi không lấy tiền là do ngươi nói đó nha! Tiểu nha đầu, đồ của ngươi khiến huynh đệ ta ăn vào bị đau bụng, nhất định phải đền tiền!" Nhậm Phi Dương được trò vui lại còn làm tới, cười cười nhìn vẻ khẩn cấp của cô bé.

Tiểu nữ hài sắp khóc tới nơi, ngoại trừ kêu "Cô cô" liên tục, không nói được lời gì khác.

Nhìn hết một lúc lâu, thấy trừ việc thành công khiến cô bé khóc mếu khóc máo, thì chẳng còn chỗ nào đáng vui cả, Nhậm Phi Dương cụt hứng đứng lên, lấy từ trong túi ra mấy miếng bạc vụn, không thèm nhìn quẳng vào trong giỏ trúc của cô bé, rồi phủi tay cười lớn bỏ đi.

Các thiếu niên du thủ du thực ấy không hẹn cũng tản ra, tiền hô hậu ủng hắn cùng đi chỗ khác.

"Đầu lĩnh, hôm nay chúng ta đi đâu?" Bọn du thủ lười biếng ấy nịnh hót hỏi.

Nhậm Phi Dương giơ tay phất một cái, thần thái lên mây: "Đến Vạn Xuân lâu chơi mẹ nó một ngày!"

Bọn thiếu niên nhàn tản cũng cất tiếng hoan hô ùa theo lão đại, vĩnh viễn là thứ không chê ăn uống.

Nhậm Phi Dương mới đi được vài bước, chợt cảm thấy bị một người kéo lại, rồi một thanh âm nhỏ nhẹ ấu trĩ cất lên: "Nhậm công tử!"

Hắn kinh ngạc cúi đầu, thấy người nắm giữ tay áo của hắn là cô bé nhỏ khi nãy, không khỏi bực mình: "Chuyện gì vậy?"

Cô bé hiển nhiên có chút sợ sệt, tay hơi rụt lại một chút, nhưng vẫn ngẩng đầu sợ sệt phân bua: "Vừa rồi...vừa rồi món nghêu sào đó là do cô cô nhà ta làm, không đáng bao nhiêu tiền, thỉnh công tử lấy lại tiền thối đi..."

Cô bé dụng lực nhón chân lên, tay cầm chặt mấy miếng bạc vụn.

Nhậm Phi Dương hơi sững người. Qua một lúc lâu, miệng hắn mới hơi hơi cười, cúi người xuống, lấy từ trong người ra một đĩnh bạc nữa, bỏ vào tay của cô bé ấy, lại còn vuốt đầu bảo: "Tiểu nha đầu cũng biết chuyện quá ha! Số bạc này là coi như là thưởng cho ngươi đó."

Hắn chuyển thân định đi, tiểu nữ hài lại nằng nặc nói: "Không được. Cô cô đã nói rồi, không được lấy cái gì của ai khác! Công tử nếu hiềm mình nhiều tiền quá, tại sao không phát cho những người chung quanh?" Tiếng nói của cô bé thật lớn, trong giọng nói ấu trĩ hòa lẫn với sự kiên quyết không tương xứng với tuổi.

Lời này vừa nói ra, những thiếu niên chung quanh Nhậm Phi Dương đều biến sắc, cùng phát ra tiếng hét chói tai muốn xông lên gây sự.

Nhậm Phi Dương có chút giật mình, những vẫn mỉm cười vỗ vỗ đầu cô bé: "Có thấy không? Các huynh đệ của ta bực mình rồi đó. Tiểu nha đầu, mau lấy tiền đi đi, để khỏi phải bị người khác đánh ngươi!"

Tiểu nữ hài bị biển người dọa lui một bước, nhưng vẫn quật cường đưa tay ra, đưa bạc trả lại cho Nhậm Phi Dương.

Nhậm Phi Dương biến hẳn sắc mặt, bắt đầu bực mình tì khí quật cường của nha đầu này, điều đó cũng khiến hắn có phần ảo não.

Trong Thái Bình phủ này, chưa bao giờ có người dám cãi lời Nhậm Phi Dương hắn!

Bọn ác thiếu xung quanh cũng không nhịn được nữa, rêu rao: "Đầu, đừng có nói nhiều với ả, chúng tôi thế huynh giáo huấn ả cho!"

Nhậm Phi Dương ôm quyền đứng thẳng, mỉm cười không nói gì. Hắn cũng có ý dành cho nha đầu mỏng dính này một sự giáo huấn nho nhỏ.

Một đám thiếu niên ôm quyền sắn tay áo, bao vây tiểu nữ hài vào giữa, mặt mày hung dữ bộ dạng khủng bố thật uy hiếp người. Cô bé nhỏ tuy quật cường, nhưng dù gì tuổi cũng còn nhỏ, thấy một đám người đen nghịt áp tới mình, hoảng sợ khóc òa lên.

Nhưng khi những nắm đấm sắp chạm đến đầu cô bé, thì mắt mọi người hoa lên, tiểu nữ hài không còn trong vòng vậy nữa.

"Bao nhiêu người như vậy mà đi hiếp đáp một cô bé à?"

Bọn thiếu niên kinh ngạc quay đầu nhìn, chợt thấy một bạch y thanh niên đang ôm cô bé đứng cách đó ba trượng, lạnh lùng nhìn bọn chúng.

Bao nhiêu ấy người thế mà vừa rồi y từ đâu tới cũng không nhìn thấy rõ!

Nụ cười trên khóe miệng của Nhậm Phi Dương biến mất, chỉ có mình hắn vừa rồi mới nhìn rõ thân thủ quỷ mị của Bạch y nhân. Đó chính là cao thủ duy nhất mà hắn gặp trong tiểu thành này tính từ nhỏ tới giờ.

Bạch y thanh niên đặt cô bé xuống đất, từ tốn nói chuyện với mọi người, nhưng ánh mắt vẫn nhất mực không nhìn về phía này. Y bất quá hai mươi bảy hai tám tuổi, nhưng sắc mặt trắng xanh, lông mày khá dày, ánh mắt rất sáng, ngũ quan phân bố đều đặn và đĩnh bạt, nhìn phảng phất giống như một hòn đá to, tuy ưu tú nhưng thiếu mất vẻ ôn hòa.

Tiểu nữ hài chạm chân xuống đất thì lập tức chạy vào trong một góc đường: "Cô cô, cô cô! Con sợ!"

Mọi người cùng thuận theo thanh âm mà nhìn, lúc này mới phát hiện ở góc đường ấy đã xuất hiện một nữ tử đứng đó không biết từ lúc nào.

Nữ tử vận đồ tơ trắng cầm tay Tiểu kỳ, đi xuyên qua bọn ác thiếu (thiếu niên độc ác), bình tĩnh đến trước mặt bạch y thanh niên, vén tay áo cúi người: "Diệp Phong Sa đây xin đa tạ ân tương trợ của đại hiệp."

"Chuyện nhỏ ấy mà." Khẩu khí của Bạch y nhân vô cùng lạnh nhạt, không thèm nhìn nàng.

Nữ tử tự xưng là Diệp Phong sa vẫn không chịu thôi, truy vấn: "Xin hỏi hiệp sĩ có quý tính đại danh là gì?"

Bạch y thanh niên đắn đo một chút, cuối cùng cũng lạnh lùng đáp: "Tính danh không nói lên điều gì... Cô có thể gọi ta là Cao Hoan." Sau đó, y không muốn lưu lại lâu, hợi gật đầu chào nàng: "Cáo từ."

Tuy nhiên trước khi bỏ đi, ánh mắt không biết vô tình hay cố ý quét nhìn bọn Nhậm Phi Dương, khiến chúng chợt lạnh hẳn người.

Sau đó, y lạnh lùng bỏ đi.

Diệp Phong Sa cũng vừa định nhấc cô bé bỏ đi, nhưng chợt thấy nhãn quang của hắn, trong lòng thầm kinh hãi:

Mục quang ấy sao mà... sao mà lạnh lùng tàn khốc như băng tuyết vậy!

Nếu như đó quả là một hiệp sĩ gặp chuyện bất bình giữa đường ra tay tương trợ, thì làm sao lại lóe lên mục quang đáng sợ ấy?

"Đầu lĩnh! Tên đó muốn đi kìa!" Trong lúc Nhậm Phi Dương cũng đang nghĩ đến xuất thần, đồng bạn xung quanh đã lên tiếng thôi thúc hắn.

Bị vị khách không mời tên Cao Hoan đó tiêu diệt uy phong, mọi người đều không phục. Cho dù chúng biết đối phương có thân thủ rất giỏi, nhưng vẫn quen thói mọi ngày nên cùng khích đầu lĩnh bước ra khiêu chiến. Dù sao thì từ trước tới giờ mỗi khi lão đại xuất thủ đều có thể cứu vãn mọi chuyện.

Cao Hoan vừa định chuyển thân bỏ đi, đột nhiên thấy một ánh hồng nhoáng lên trước mặt, một thiếu niên cao lớn đã đứng trước mặt y.

Nhậm Phi Dương tủm tỉm miệng nhìn y, mang theo biểu tình gây hấn, hai tay chấp vào nhau ngăn phía trước.

Cao Hoan đánh giá người mặc áo choàng màu hồng phía trước, tóc đen dài tôn lên vẻ mặt anh tuấn, các ngón tay vô thức nắm chặt cán kiếm, ánh mắt có chút kỳ quái, từ từ hỏi: "Các hạ là..."

Nhậm Phi Dương chìa cằm ra, kiêu ngạo đáp: "Tại hạ Nhậm Phi Dương. Vị Cao đại hiệp này có thân thủ thiệt làm cho người ta bội phục."

Khi nói đến ba chữ "Cao đại hiệp", ngữ khí của hắn có kèm chút trào phúng không nói thành lời.

Không biết vì sao, nhưng ánh mắt của Cao Hoan lại có chút kỳ quái, điềm đạm nói: "Không dám nhận."

Nhậm Phi Dương phất tay, phi phong màu đỏ hồng tung lên, dưới ánh dương quang vô cùng đẹp mát: "Tại hạ có phúc gì mà được gặp cao thủ như thế! Canh ba đêm nay, nguyện cùng Cao đại hiệp mài giũa võ nghệ nơi này, được không?"

Cao Hoan nhìn hắn rất lâu, tựa hồ đang suy nghĩ điều gì, nhưng cuối cùng cũng chầm chậm đáp: "Nhất định phụng bồi!"

Tiếng nói vừa dứt, y cất người bay lên, giống như một con chim ưng bay về hướng trời xa, thân hình quỷ dị không thể miêu tả được.