hìn thoáng qua, người ta có thể thấy rằng việc liên kết Thiền – bất cứ độc giả hiểu chữ này như thế nào – với một hành động thế tục của môn bắn cung là làm giảm giá trị của Thiền một cách không thể tha thứ được. Dù nếu độc giả sẵn lòng nhân nhượng và coi môn bắn cung như là một “nghệ thuật” chăng nữa, họ cũng chẳng muốn tìm kiếm điều gì khác hơn là một hình thức thể thao, từ phía sau cái nghệ thuật này.
Vì thế, độc giả có thể sẽ kỳ vọng quyển sách này mách cho họ biết về tuyệt kỹ thần bí của giới xạ thủ Nhật Bổn. Những xạ thủ này đều là giới cung thủ được thừa hưởng một truyền thống lâu đời và bất tuyệt của môn bắn cung. Bởi vì ở Viễn Đông các loại phương pháp tác chiến xưa cũ chỉ bị vũ khí hiện đại thay thế trong thời gian vài thế hệ mà thôi. Thân chủ của giới xạ thủ vẫn còn thành thạo, môn bắn cung không những chưa bị phế bỏ mà còn ngày càng phát triển hơn trong mọi giới của người Nhật. Tại Nhật Bổn ngày nay, nghệ thuật bắn cung được đẩy mạnh và xem là môn thể thao toàn quốc. Vì vậy, có lẽ độc giả trông đợi quyển sách này tường thuật các phương pháp đặc biệt của nó.
Kỳ vọng đó thật là quá đỗi sai lầm. Vì trên ý nghĩa truyền thống đối với xạ nghệ, người Nhật tôn nó thành nghệ thuật, coi như di sản quốc gia, nhưng lại không coi nó là môn thể thao. Thoạt nghe tuy có vẻ khác thường, nhưng người Nhật xem xạ nghệ như nghi thức tôn giáo. Do đó “nghệ” của xạ nghệ chẳng phải nói về thể thao gia tập luyện thân thể mà nói về năng lực phát huy từ việc rèn luyện tâm linh, với mục đích bắn trúng mục tiêu tâm linh. Cho nên, trên căn bản, xạ thủ nhắm vào chính mình và thậm chí có thể thành công trong việc bắn trúng chính mình.
Điều này có lẽ khiến cho độc giả cảm thấy khó hiểu và hỏi: “Cái gì? Ông muốn chúng tôi tin rằng môn bắn cung từng có thời dùng để quyết chiến sanh tử, nhưng bây giờ đã thoái hóa đến nỗi không còn là một môn thể thao mà đã trở thành một phương thức để tập luyện tâm linh? Vậy thì cung, tên, bia còn hữu dụng gì nữa? Có phải như vậy là chối bỏ môn nghệ thuật hùng dũng thời xưa và ý nghĩa đơn thuần của môn bắn cung, để thay thế bằng điều gì mơ hồ, nếu không muốn nói là kỳ quặc?”
Tuy nhiên, cần nên nhớ rằng cái tinh thần đặc thù của môn bắn cung chẳng phải đợi đến thời nay mới liệt vào Đạo Cung Tiễn, mà từ thời xa xưa đã kết chặt không lìa với đạo này. Ngày nay, khi người ta không còn dùng cung tên trong những cuộc cạnh tranh đẫm máu để chứng minh giá trị của nó thì môn bắn cung càng tỏ ra có mãnh lực hơn. Nếu nói rằng vì kỹ thuật bắn cung truyền thống trong chiến đấu đã mất đi tính trọng yếu nên nó đã biến thành một thú tiêu khiển vô hại thì cũng không đúng. “Đại Đạo” của xạ nghệ cho chúng ta thấy điều gì khác hẳn. Căn cứ vào “đạo” này, môn bắn cung vẫn còn là một động tác có tính cách sanh tử mà cung thủ phải chiến đấu với chính mình; và cách thức tranh đua này không phải là sự thay thế tầm thường mà là căn bản của tất cả những cuộc tranh thắng hướng ngoại – chẳng hạn như đọ sức với một địch thủ bằng xương bằng thịt. Trong sự tranh thắng của xạ thủ đối với chính mình, hiện ra cái bản chất bí ẩn của xạ nghệ. Tuy nhiên, khi truyền thụ xạ nghệ này, người ta không đè nén bất cứ điều gì cốt yếu khi từ bỏ những cứu cánh thực dụng mà xưa kia giới võ sĩ đã thực hành.
Vì thế, ngày nay ai theo học nghệ thuật này đều có thể thu lượm những lợi ích không thể phủ nhận, từ sự phát triển lịch sử của nó. Đó chính là nhờ cung thủ không màng tới chuyện hiểu được “Đại Đạo” qua những mục đích thực dụng, dù có thể cung thủ che dấu những mục đích này đối với chính hắn; nếu không có thái độ này thì hắn không thể nào thấu hiểu được đạo. Các bậc đại sư của môn bắn cung ở thời đại nào cũng đều đồng ý: Chỉ những người có cái tâm “thanh khiết” không cần biết đến những mục tiêu thứ yếu mới có thể đạt tới mức thâm áo của xạ nghệ.
Nếu có người từ quan điểm này hỏi các đại sư Nhật Bổn: Làm sao họ hiểu được sự tranh đấu của cung thủ với chính hắn, và họ diễn tả sự tranh đấu này như thế nào? Câu trả lời của họ sẽ là một câu đố khó giải. Đối với họ, trong cuộc tranh đấu này xạ thủ nhắm vào chính mình, lại cũng không phải chính mình bắn trúng chính mình, và do đó hắn vừa là người nhắm bắn vừa là mục tiêu, vừa là người bắn và người bị bắn trúng. Hoặc là, chúng ta hãy dùng câu mà các đại sư thích nói “Cung thủ cần phải trở thành một trung tâm bất động.” Tới lúc đó, cái kỳ tích chí cao vô thượng, xuất hiện: Nghệ thuật thành “vô nghệ,” xạ thành “vô xạ” – một loại xạ không cung không tên; thầy lại trở thành học trò, bậc đại sư thành người bắt đầu học, kết cuộc thành mở đầu, và mở đầu thành viên mãn.
Đối với người Đông phương, những công thức huyền diệu này là chân lý mười phần rõ ràng, tai nghe quen thuộc. Nhưng đối với người Tây phương, thì chúng hết sức mơ hồ, khó hiểu. Vì thế, đối với vấn đề này người Tây phương cần nên nghiên cứu sâu hơn.
Các loại nghệ thuật Nhật Bổn đều lấy Phật giáo làm căn nguyên; điểm này từ lâu đối với người Âu Châu đã không còn bí mật nữa. Dù là nghệ thuật bắn cung, vẽ tranh thủy mặc, kịch nghệ, trà đạo, nghệ thuật cắm hoa, hoặc võ sĩ đạo, đều như vậy.
Những môn này đều lấy trạng thái tâm linh làm điều kiện tiên quyết, sau đó theo phương thức cá biệt bồi bổ thêm. Hình thức tối cao của trạng thái tâm linh này là đặc sắc của Phật giáo, cũng quyết định bản chất của giới tăng lữ. Phật giáo hiểu theo nghĩa thông thường, cũng không phải Phật giáo thuộc loại nặng về lý luận mà phần đông người Âu Châu được biết tới.
Những điều tôi nói thuộc về Phật giáo Thiền tông, mà người Nhật gọi giản dị là “Zen” trong đó không có sự suy đoán mà chỉ có những kinh nghiệm trực tiếp để thể nghiệm đến căn cơ sâu xa nhất của cuộc sinh tồn sâu thẳm. Căn cơ này không cách nào lấy phương pháp tư duy để nhận biết, dù đã trải qua những kinh nghiệm minh xác nhất: Người ta biết nó bằng cách không cần biết tới nó... Chính vì những kinh nghiệm trọng yếu này mà Thiền tông đã mở ra lối đi mới, áp dụng phương pháp đắm chìm trong chính bản thân để cho mình cảm nhận được chỗ căn cơ sâu nhất của tâm hồn, của cái Vô Căn Cơ Tánh và Vô Phẩm Chất Tánh không thể gọi tên – và hơn thế nữa, trở thành đồng nhất với cái đó.
Nói như vậy, xạ nghệ là những bài học luyện tập tâm linh nhờ vào đó mà kỹ xảo của môn bắn cung trở thành một nghệ thuật – và nếu mọi điều tiến triển tốt đẹp, nó sẽ đạt tới cảnh giới “vô nghệ chi nghệ.” Xạ nghệ là phương pháp tu tập huyền bí, người thực hành không thể thành tựu được điều gì ở bên ngoài bằng cung tên, mà chỉ có thể thành tựu trong nội tâm, với chính bản thân. Cung tên chỉ là phương tiện cho những gì có thể xảy ra mà không cần tới chúng, chúng chỉ là con đường dẫn tới mục tiêu, chứ chẳng phải là chính mục tiêu, chỉ là những hổ trợ cho bước nhảy vọt tối hậu.
Vì thế, nếu người ta được các Phật tử Thiền tông giảng giải để tăng tiến hiểu biết về Thiền thì thật là tốt đẹp không gì bằng. Sự thật, những tư liệu loại này chẳng thiếu thốn. Trong cuốn “Những Tiểu Luận Về Thiền Tông” 1, Đại Sư D. T. Suzuki từng thuyết minh rằng văn hóa Nhật Bổn và Thiền có liên hệ mật thiết với nhau; nghệ thuật Nhật Bổn, tinh thần võ sĩ đạo, lối sống, đạo đức, mỹ thuật, thậm chí cả đời sống trí thức của người Nhật, đều chịu những ảnh hưởng đặc thù từ Thiền tông; vì vậy người ta không thể hiểu văn hóa Nhật một cách chính xác nếu không biết gì về Thiền tông.
Những tác phẩm rất trọng yếu của Đại Sư Suzuki, và những nghiên cứu của các học giả Nhật Bổn khác, đã gây chú ý rộng rãi đến các giới đối với Thiền. Phát xuất từ Ấn Độ, sau khi trải qua những biến đổi thâm sâu, Thiền tông đạt tới phát triển cao độ ở Trung Quốc, rồi được người Nhật tiếp nạp, và họ đã vun bồi thành một truyền thống cho đến ngày nay. Người ta thường công nhận rằng Thiền tông đã khai mở những con đường nhân sinh bất ngờ mà chúng ta rất cần phải hiểu biết.
Nhưng, tuy các chuyên gia Thiền học đã cố gắng mọi cách, sự thấu hiểu về tinh nghĩa của Thiền vẫn còn quá ít đối với người Tây phương. Tựa hồ như Thiền chống lại sự xâm nhập xa hơn của người Tây phương, sau khi mò mẫm tiến được vài bước thì họ gặp phải những chướng ngại không thể vượt qua. Gói ghém trong bóng tối thâm sâu, Thiền giống như câu đố kỳ dị nhất trong sinh hoạt tinh thần của người Đông phương: Không thể giải nghĩa nhưng có sức hấp dẫn không chống cự nổi.
Người ta có cảm giác nhức nhối vì không thể đạt tới sự thấu hiểu, nguyên do hầu như là vì cung cách diễn đạt mà Thiền đã áp dụng từ xưa tới nay. Chúng ta không thể trông mong Thiền gia cho biết những gì nhiều hơn là hé lộ một cách gián tiếp về những kinh nghiệm đã giải thoát và thay đổi con người họ; hoặc là họ chỉ có thể cố gắng mô tả cái “Chân Lý” bất khả tưởng tượng và bất khả diễn đạt mà họ đang sống. Trên phương diện này, Thiền gần giống như chủ nghĩa thần bí nội suy thuần túy. Trừ phi chúng ta đi vào những kinh nghiệm huyền bí bằng cách tham dự trực tiếp, nếu không thì chúng ta chỉ đứng bên ngoài, với tâm trạng bứt rức bồn chồn vì thấy khó hiểu. Đây là pháp tắc mà mọi chủ nghĩa huyền bí chân chính đều phải tuân thủ, không có những trường hợp ngoại lệ. Tuy rằng Thiền môn có biết bao nhiêu kinh sách được coi là thiêng liêng, nhưng không có điểm nào mâu thuẫn với pháp tắc này. Những kinh sách này có đặc điểm là chúng chỉ tiết lộ những ý nghĩa vô cùng thâm sâu cho những ai đã chứng tỏ rằng họ xứng đáng đối với những kinh nghiệm trọng đại đó; và do đó, từ những kinh sách này họ có thể suy ra được sự xác nhận về những điều mà họ đã liễu ngộ từ trước mà không cần phải nhờ vào chúng. Mặt khác, đối với những người không có kinh nghiệm, những kinh sách này chẳng những có tính cách ngớ ngẩn – người không có kinh nghiệm làm sao có thể đọc được những ý nghĩa nằm giữa hai giòng chữ – mà còn khiến cho họ sa vào tình cảnh bối rối tinh thần một cách vô vọng, dù cho họ có thái độ thật cẩn trọng và vô tư mà kiên trì nghiên cứu những kinh sách này chăng nữa. Giống như mọi giáo nghĩa huyền bí, người ta chỉ có thể hiểu được Thiền khi chính mình là một nhà huyền bí, và do đó không dùng những phương pháp bất chính để đạt tới những gì mà kinh nghiệm huyền bí còn che dấu họ. Người đã được Thiền biến cải – và đã từng vượt qua “ngọn lửa chân lý” – thường sống một cuộc đời biểu lộ sự liễu ngộ của họ, khiến cho người xung quanh khó có thể không nhận ra.
Vì thế, chúng ta bị lôi cuốn về tinh thần, mong tìm thấy con đường dẫn tới cái sức mạnh vô danh có thể tạo nên những mầu nhiệm thì chúng ta có lý do để trông mong bậc Thiền gia mô tả con đường dẫn tới mục tiêu. Một người thuộc môn phái huyền bí hoặc người sơ học Thiền tông, nếu không trải qua một phen lịch luyện sẽ không có cách nào thành tựu được ngay ở bước đầu tiên. Trước khi cuối cùng soi sáng được chân lý, họ vẫn còn đầy dẫy bao khó khăn cần phải khắc phục, bao tật xấu phải diệt bỏ. Biết bao nhiêu lần họ bị dằn vặt bởi cái cảm giác thê lương khi thấy dường như mình đang cố gắng đạt tới cái bất khả đạt! Tuy nhiên, tới một ngày nào đó, cái bất khả đạt này sẽ trở thành khả đạt, và thậm chí trở thành hiển nhiên. Vậy thì chúng ta có nên hy vọng rằng sự mô tả thận trọng về con đường dài đầy cam go này ít nhất cũng sẽ dẫn chúng ta tới một điểm: Đặt câu hỏi rằng chúng ta có muốn đi trên con đường đó hay không?
Trong kinh sách của Thiền tông hầu như không hề có những mô tả về con đường đó và những trạm nghỉ chân của nó. Điều này một phần là vì Thiền gia không chấp nhận phương pháp dùng sách vở để truyền dạy bất cứ loại đời sống hạnh phúc nào. Qua kinh nghiệm bản thân, Thiền gia biết rằng người tu tập cần phải có minh sư tận tâm hướng dẫn hoặc sự hỗ trợ của một bậc thầy. Một điều quan trọng khác là khi những kinh nghiệm, những biến đổi tâm linh của hành giả, và những điều mà người đó đã khắc phục, vẫn còn là “của ta” thì chúng sẽ cần phải tiếp tục bị khắc phục và biến đổi nhiều lần nữa, cho tới khi nào mọi cái “của ta” đã hoàn toàn bị tận diệt. Chỉ bằng cách đó, Thiền gia mới có thể đạt tới một căn bản cho những kinh nghiệm của họ những kinh nghiệm này là “Chân Lý toàn diện” nâng cao họ lên một đời sống thường nhật của riêng họ. Thiền gia vẫn sống, nhưng cái thực thể sống đó không còn là chính bản thân họ nữa.
Từ quan điểm này, chúng ta có thể hiểu tại sao Thiền gia tránh bàn về chính mình và về sự tiến triển của họ. Không phải họ nghĩ rằng tự nói về mình là thiếu khiêm tốn, mà vì họ cho rằng làm như vậy là phản lại Thiền. Dù nếu họ muốn bàn về Thiền chăng nữa, chuyện này đâu có dễ dàng mà cần phải moi móc tới tâm can. Họ nhớ tấm gương của một vị Tổ Sư: Có người hỏi vị tổ sư này “Thiền là gì?” Tổ Sư không thốt một lời, hoàn toàn không động lòng, làm như không nghe thấy. Bất cứ Thiền gia nào cũng chẳng muốn tường thuật lại những gì mà họ đã liệng bỏ và không đoái hoài tới nữa.
Trong những hoàn cảnh này, tôi trốn tránh trách nhiệm nếu tôi chỉ sử dụng một chuỗi những điều nghịch lý và ẩn náu đằng sau hàng loạt những từ ngữ nghe rất kêu. Vì chủ ý của tôi là làm sáng tỏ về đặc tánh của Thiền như nó đã tạo ảnh hưởng đối với một trong những nghệ thuật mà nó đã để lại dấu ấn sâu đậm. Đây không phải là soi sáng hiểu theo ý nghĩa cơ bản của Thiền, nhưng ít nhất nó cũng cho thấy rằng phải có cái gì sau những bức tường sương mù dày đặc, cái gì đó giống như tia chớp mùa hè báo hiệu cơn giông bão sắp đến từ đằng xa. Khi hiểu như vậy, nghệ thuật bắn cung cũng giống như một trường dự bị của Thiền, vì nó giúp cho người mới học Thiền có một nhãn quan rõ ràng hơn – qua những tác động của chính hai tay họ – về những sự việc mà họ chưa hiểu. Nói một cách khách quan, người ta có thể tiến tới Thiền từ bất cứ một trong những nghệ thuật mà tôi đã nói.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng tôi có thể đạt được mục đích của mình hiệu quả nhất bằng cách mô tả toàn bộ quá trình mà một người học nghệ thuật bắn cung phải trải qua. Nói rõ hơn, tôi sẽ cố gắng tóm lược về quá trình huấn luyện kéo dài sáu năm mà tôi đã được thụ huấn từ một trong những đại sư vĩ đại nhất của môn nghệ thuật này trong thời gian tôi ở Nhật Bổn. Vì vậy, những gì tôi viết ra ở đây đều là do kinh nghiệm bản thân. Để độc giả dễ hiểu những điều tôi viết – vì ngay cả cái trường dự bị này cũng có nhiều câu đố khó hiểu – tôi không có cách nào khác hơn là nhớ lại từng chi tiết về những kháng nội tâm mà tôi đã phải khắc phục, về những ức chế mà tôi phải chống chọi, trước khi tôi thành công để có thể thâm nhập vào tinh thần của Đại Đạo. Tôi phải nói nhiều về chính mình chỉ vì tôi không có cách nào khác để đạt được mục tiêu mà tôi đã đề ra. Cũng vì lý do đó, tôi sẽ chỉ nói về những điều chủ yếu, để khiến chúng nổi bật một cách rõ ràng. Tôi cố ý tự chế để không mô tả cái bối cảnh trong khi thụ huấn, không gợi lại những cảnh tượng đã in sâu trong ký ức tôi, và nhất là tránh vẽ ra một bức hình về vị Đại Sư – dù rằng đây là điều rất cám dỗ. Mọi điều phải dành để nói về nghệ thuật bắn cung, mà nhiều khi tôi thấy rằng nói về nó còn khó hơn là học nó; và sự miêu thuật phải được thi hành tới độ chúng ta bắt đầu nhận ra những chân trời xa xăm mà Thiền sống và thở ở đằng sau đó.
Chú thích:
1 D. T. Suzuki, Essay in Zen Buddhism, xuất bản lần đầu năm 1927