Thiên Tống

Chương 169-2: Lại lên kinh (2)

Đến Đông Kinh, vào cửa cung giao nộp thánh chỉ. Cấm vệ quân bước vào thông báo, hai khắc sau liền có một nội thị vệ bước ra và nói:

"Hoàng Thượng có chỉ, tri huyện Dương Bình Âu Dương tạm thời đến nghỉ ngơi ở thiền điện."

Âu Dương bị dẫn đến thiền điện, đây vốn dĩ là cung của phi tử, mặc dù đã lâu không có người ở, nhưng vẫn có các cung nhân đang dọn dẹp. Dù sao cũng phải tìm một chút chuyện để cho bọn họ làm chứ. Triệu Ngọc chưa lập gia đình, cung nhân ở đây không có ai quản lý, bây giờ do một phi tử mà Tống Huy Tông không dẫn đi tạm quản cả lục cung.

Sau khi Âu Dương đến, đám cung nhân mang trái cây và chút điểm tâm lên rồi lui ra ngoài điện. Năm trước có một liệt nữ. Triệu Ngọc bảo tân khoa Trạng Nguyên nghỉ ngơi trong thiền điện, kết quả là có cung nữ dụ dỗ. Sau khi mọi chuyện vỡ lở, cung nữ bị đánh chết, còn Trạng Nguyên thì vẫn là Trạng Nguyên. Nay nữ giới lên làm Hoàng Đế, lục cung quá mức bần hàn, nhưng tốt xấu gì vẫn có cơ hội hết khổ, nhưng Triệu Ngọc tuổi còn trẻ, sức khỏe lại tốt, nên cung nữ của triều đại này căn bản không còn hi vọng làm nương nương gì nữa rồi.

"Hoàng Thượng giá đáo."

Buổi chiều, khi Âu Dương đang muốn đánh một giấc thì Triệu Ngọc lại tới.

Trừ Cửu Công Công ra, tất cả mọi người đều lui ra ngoài cả. Âu Dương cười khổ một lúc rồi nói:

"Bệ hạ, vi thần có cảm giác như mình đang là một phi tử vậy."

Triệu Ngọc ngoài cười nhưng trong không cười nói:

"Hả? Khanh có chí hướng này sao?"

"Không biết Bệ hạ triệu vi thần vào cung là có điều gì muốn chỉ bảo."

Âu Dương lau mồ hôi và hỏi. Triệu Ngọc này làm Hoàng Đế càng lâu thì càng khẩu phật tâm xà.

Triệu Ngọc khẽ gật đầu:

"Trẫm triệu khanh đến là có mấy chuyện sau. Chuyện thứ nhất, khanh làm tri huyện Dương Bình cũng lâu rồi, thành tích nổi trội, dân gian tán dương có thừa. Trẫm luôn nghĩ, người có tài như vậy mà lại để ở Dương Bình thì có phải là không biết trọng nhân tài rồi không. Vả lại, từ thời khai quốc đến nay cũng đã hơn trăm năm, chưa hề có một vị Trạng Nguyên nào mà mãi vẫn là một quan bát phẩm, cũng nên điều chỉnh một chút. Lễ Bộ Thượng Thư dẫn theo mấy vị cổ giả đến Liêu quốc, bàn lâu như vậy rồi mà đến chút tiến triển cũng không có, Trẫm muốn bãi nhiệm hắn."

"........"

Âu Dương không nói lời nào."

"Thăng quan tiến chức là chuyện tốt, sao ái khanh lại không nói gì thế kia?"

Tốt cái rắm, giờ ở Dương Bình thoải mái biết bao. Có tiền để kiếm, lại còn không cần phải quản chuyện gì cả. Mỗi ngày đều đi bộ, lúc buồn chán có thể giúp người ta thiết kế mấy bộ y phục hay giày dép. Giờ mà làm quan ở kinh thành thì chẳng còn được thoải mái như vậy nữa rồi.

Kinh đô Ngự Sử kết bè kết phái, mắng lời thô tục liền có khả năng bị hạch tội. Âu Dương nghiêm mặt nói:

"Bẩm Bệ hạ, Bệ hạ bảo thần cả đời hãy ở lại Dương Bình là tri huyện, vi thần không dám không tuân."

"Có cần phải chưng ra dáng vẻ như vậy không?"

Triệu Ngọc nói:

"Trẫm biết khanh quen làm chúa một phương rồi. Tục ngữ nói thà làm bột khiếm thảo chứ nhất định không làm đuôi phượng. Ở Dương Bình khanh là lớn nhất, ở kinh thành, quan tứ phẩm có cả nắm. Nhưng mà, lần đàm phán này..."

"Bệ hạ, không biết khi cử sứ giả đi người có chuẩn bị tiền hoa hồng cho các sứ giả không?"

"Tiền hoa hồng?"

Triệu Ngọc nhìn Cửu Công Công.

Cửu Công Công nói:

"Bệ hạ, cái này giống như bán vào trong cung một cân củ cải trắng với giá mười đồng, nhưng nếu hắn muôn bán với giá này thì phải cho các quản sự một cân hai đồng tiền trà nước vậy."

Triệu Ngọc gật đầu:

"Nói rõ ràng một chút."

"Ví dụ như Lý Xử Ôn là quyền tướng, còn người lãnh đạo trực tiếp ở trên đầu hắn thực ra lại là Tiêu Phụng Tiên. Mà quyền lợi của các vương gia ở Liêu quốc cũng rất lớn. Còn có Thiên Tộ Đế, người này cũng là quá hồ đồ và không có tài cán gì. Vi thần tin rằng chỉ cần có tiền lót đường, thì vấn đề sẽ không lớn."

Triệu Ngọc do dự:

"Cái này có chút không thích hợp cho lắm.?"

"Có gì mà không thích hợp chứ, ví dụ như mười sáu huyện Yến Vân, mỗi châu bán với giá một trăm vạn quan. Nhưng tục ngữ nói nã nhân gia thủ đoản*, hắn còn không biết xấu hổ mà bán với giá một trăm vạn sao? Có thể mới năm mươi quan thì đã bán rồi. Hơn nữa Bệ hạ lúc đầu cũng không vội lấy lại châu huyện giàu có này, mà là lấy châu huyện đang trong cảnh nghèo khó, để người ta cảm thấy béo bở ở chỗ đó không nhiều, có thể bán. Một khi chuyện này đã có tiền lệ rồi, thì sau này Liêu quốc bị chiến tranh làm cho nghèo khó, họ sẽ nghĩ ngay đến việc vẫn còn mấy châu có thể bán, không phải sao?"

*Nã nhân gia thủ đoản: nguyên câu là: cật nhân gia thủ đoản, nã nhân gia thủ đoản: ăn đồ của người khác, sau này cứ trách cứ người ta chuyện gì đó sẽ cảm thấy ngại ngùng. Cầm đồ của người khác, khi họ có chuyện nhờ thì ta không thể cự tuyệt được. Nói chung là không có thứ gì là từ trên trời rơi xuống cả, hôm nay lấy đồ, thì ngày mai phải giúp họ chuyện gì đó, bị họ chế trụ.

"Nhưng lỡ chuyện này mà truyền ra ngoài thì..."

Âu Dương hào sảng nói:

"Vi thần sẽ cho Bệ hạ mượn Lý Dật Phong mấy ngày. Da mặt của hắn rất dày, lại vô cùng láu cá, không dễ gì bị cái đẹp dụ dỗ."

"Trẫm biết, mấy năm trước hắn trả giá một trăm quan một tháng, liên tục lẻo mép, biến những người thân tín ở bên cạnh trẫm đều trở thành ký giả đặc biệt cả."

Triệu Ngọc gật đầu:

"Chuyện này có thể là... Trẫm không hiểu cho lắm, vì sao chuyện mà trẫm luôn đau đầu nghĩ không thông thì chỉ cần khanh nói một câu là có thể giải quyết suôn sẻ chứ?"

"Thuộc hạ của Bệ hạ đều là người cương trực công chính, đọc vạn cuốn sách thánh hiền cả. Thuộc hạ của vi thần lại là đủ hạng người ở khắp mọi nơi, nhưng đều là người có bản lĩnh, có thể dùng được. Mà những người này mãi mà vẫn không biết đọc. Nhưng có rất nhiều chuyện để cho những người này đi giải quyết lại trở thành chuyện dễ như trở bàn tay. Bệ hạ nghĩ mà coi, muốn Thái tướng đi mắng người, Thái tướng nhất định sẽ dùng một đống từ nho nhã lịch thiệp, người bị mắng căn bản là nghe mà chẳng hiểu gì. Chuyện này phải đi tìm người đàn bà chanh chua ở đầu phố mới xong. Dương Bình có một người đàn bà chanh chua như thế, có thể chửi đổng người ta từ sáng cho đến tối mà không lặp lại một lần nào, vi thần rất tán thưởng năng lực của người này nên đang định bụng sẽ giới thiệu người này đến Hoàng Gia báo và cho làm việc ở bộ phận quan hệ xã hội."

"........"

Triệu Ngọc trầm mặc một lúc mới nói tiếp:

"Âu Dương, không có ai nói với khanh rằng khanh đừng nói những lời không nên nói sao? Trẫm có thể không so đo với khanh, nhưng nếu những lời này mà được truyền ra bên ngoài thì khanh có biết là khanh sẽ rước vào mình bao nhiêu phiền phức không hả? Khanh nói năng tùy tiện, không nghĩ ngợi gì, nhưng người ta nghe được thì sẽ cảm thấy khanh đang phỉ báng chế độ khoa cử của bản triều, không có năng lực chọn ra người tài, nhẹ thì sẽ bị tước chức quan, nặng thì sẽ hỏi tội rồi giam vào ngục thất."

Âu Dương sợ hãi nói:

"Bệ hạ, chuyện thứ nhất vừa nói xong thì đã trừ của vi thần một cái mũ lớn như vậy, nhưng nó có liên quan với chuyện thứ hai phải không?"