Nhà văn Umberto Eco là một trong số ít những học giả thông thái và sâu sắc. Ông sở hữu một thư viện cá nhân khá lớn (chứa ba nghìn cuốn sách) và phân chia độc giả của thư viện thành hai nhóm: nhóm những người có phản ứng “Ồ! Thưa tiến sĩ Eco, thư viện của ông thật tuyệt vời! Ông đọc bao nhiêu cuốn trong này rồi?” và nhóm khác, với số lượng rất ít, những người xem thư viện riêng là công cụ phục vụ nghiên cứu chứ không nhằm phô trương bản ngã cá nhân. Những cuốn sách chưa đọc có giá trị cao gấp nhiều lần so với những cuốn đã đọc. Một thư viện nên chứa đựng càng nhiều kiến thức bạn chưa biết càng tốt, miễn là khả năng tài chính, lãi suất cho vay thế chấp và thị trường bất động sản hà khắc cho phép bạn làm điều đó. Theo thời gian, bạn sẽ tích lũy thêm nhiều sách và kiến thức, đồng thời, số lượng sách chưa đọc ngày càng tăng trên các kệ sẽ trở nên khiêu khích bạn. Thật vậy, bạn biết càng nhiều thì số lượng dãy sách chưa đọc lại càng tăng. Chúng tôi xin gọi việc thu thập những cuốn sách chưa đọc này là phản thư viện.
Chúng ta có khuynh hướng xem kiến thức của mình như tài sản riêng cần được che chắn, bảo vệ. Nó là vật trang sức giúp ta vươn lên trong hệ thống thứ bậc xã hội. Chính vì vậy, khuynh hướng xúc phạm đến cảm giác về thư viện của Eco thông qua việc tập trung vào những gì đã biết này chính là thiên hướng của con người và nó ảnh hưởng đến các hoạt động thần kinh của chúng ta. Con người không lòng vòng với các bản phản sơ yếu lý lịch (anti-résumés) - thứ nói cho bạn biết những gì họ chưa được học hay trải nghiệm (đây mới là điều mà đối thủ của họ cần làm), nhưng nếu họ làm được như vậy thì đó là một điều tốt. Chỉ cần sắp xếp thư viện theo một thứ tự đề mục lôgic, khi đó, chúng ta cũng sẽ có một kiến thức đa ngành được sắp xếp một cách hợp lý. Lưu ý rằng, Thiên Nga Đen bắt nguồn từ hiểu biết sai lầm của chúng ta về khả năng có thể xảy ra của các yếu tố bất ngờ, những cuốn sách chưa đọc, bởi vì chúng ta có phần chú ý quá nhiều đến những gì mình biết.
Chúng tôi xin gọi một phản học giả (antischolar) - người chú ý đến những cuốn sách chưa đọc và cố không xem kiến thức của mình là một kho báu, một tài sản, hay ít ra là một công cụ nâng cao lòng tự trọng - là người theo chủ nghĩa hoài nghi thực nghiệm (skeptical empiricist).
Mục đích của các chương trong phần này là làm rõ vấn đề về cách xử trí kiến thức của con người - và sự ưa thích của chúng ta đối với những gì thuộc giai thoại hơn những gì thuộc về trải nghiệm. Chương 1 mô tả Thiên Nga Đen như một cơ sở vững chắc trong câu chuyện về nỗi ám ảnh của tôi. Tôi sẽ đưa ra nét khác biệt trọng tâm giữa hai biến thể ngẫu nhiên trong Chương 3. Chương 4 sẽ quay lại bài toán sơ khai về Thiên Nga Đen một cách vắn tắt: chúng ta có xu hướng khái quát hóa cách nhìn nhận vấn đề của mình. Tiếp theo, tôi sẽ trình bày ba khía cạnh khác nhau của cùng một hiện tượng Thiên Nga Đen: a) Lỗi chứng thực (The error of confirmation), hay cách chúng ta coi rẻ phần nguyên mẫu của thư viện này (hay xu hướng chỉ xem những gì làm nổi bật vốn kiến thức chứ không phải sự ngu dốt của mình), trong Chương 5; b) Liên tưởng ngụy biện (Narrative fallacy), (một lỗi lôgic có nguồn gốc sinh học), hay cách chúng ta đã tự lừa dối bản thân bằng những câu chuyện và các chi tiết vụn vặt (Chương 6); c) mức độ can thiệp của cảm xúc vào quá trình suy luận của chúng ta (Chương 7) và d) vấn đề của những bằng chứng thầm lặng, hay những mánh lới mà lịch sử đã dùng để che giấu các Thiên Nga Đen (Chương 8). Chương 9 sẽ thảo luận về sự ngụy biện chết người của ý tưởng xây dựng kiến thức thông qua thế giới trò chơi.