Thiên quân vạn mã vào ra,
Trước là cứu chúa, sau là cứu thân.
Cuộc đời như giấc mộng lành,
Hôm nay khất cái mai thành đại vương.
°
° °
Sở Vương mắt tinh tay lẹ, roi ngựa vung ra gạt mũi tên. Thuật dùng
roi gạt tên vốn dĩ là bản lãnh của Sở Vương, nhưng có ngờ đâu người
bắn tên không những sức cánh tay đã mạnh, lại thêm nội kình đưa vào
đầu tên, roi ngựa tuy đánh trúng đuôi nhưng chỉ làm cho đầu tên lệch đi
một chút, nghe soẹt một tiếng đã cắm ngay vào vai y. Sở Vương kêu lên
“Chao ôi!” một tiếng, đau đến gục xuống yên ngựa.
Vũ tiễn của Tiêu Phong lại tiếp theo, lần này khoảng cách thật gần,
mũi tên trúng vào hông, xuyên thẳng qua ngực. Sở Vương chỉ dãy được
một cái, từ trên ngựa ngã xuống ngay.
Tiêu Phong vừa ra tay đã thành công, nghĩ thầm: “Sao mình không
thừa cơ bắn chết luôn Hoàng thái thúc”.
Sở Vương trúng tên ngã ngựa, quân địch ai nấy kêu la, mấy trăm
mũi tên nhắm ngay Tiêu Phong mà bắn, chỉ nháy mắt con ngựa đã trúng
đầy tên thật chẳng khác gì một con nhím. Tiêu Phong lăn dưới đất mấy
vòng, lòn ngay dưới bụng ngựa một tên quân, thi triển công phu tiểu xảo,
cứ lăn một vòng lại luồn từ bụng con ngựa này sang bụng con ngựa khác.
Quan binh không sao bắn tên được, lập tức dùng trường mâu mà chọc.
Tiêu Phong lẻn qua trái, lách qua phải, toàn là ẩn dưới bụng ngựa. Quân
địch loạn cả lên, mấy nghìn quân người nọ xô người kia tưởng chừng như
dẫm phải nhau nhưng không làm sao đâm trúng ông được.
Tiêu Phong sử dụng chẳng qua chỉ là địa đường công phu thật tầm
thường của võ lâm Trung Nguyên. Dù là địa đường quyền, địa đường
đao, hay địa đường kiếm cũng đều là lăn lộn dưới đất, tấn công vào hạ
bàn bên địch. Bây giờ ông dùng vào trong chiến trận, mắt sáng tay
nhanh, tránh khỏi không bị ngựa giày. Ông nhắm kỹ nơi Hoàng thái thúc
đang đứng, lăn về hướng đó, nhắm thẳng vào y vút vút vút bắn ra ba mũi
tên.
Vệ sĩ của Hoàng thái thúc đã nhìn thấy Sở Vương bị trúng tên rồi
nên đã phòng bị, hơn ba chục người cùng giơ mộc lên chặn trước Hoàng
thái thúc kín mít, nghe keng keng keng ba mũi tên đều đụng phải thuẫn
bài rơi xuống đất. Mười mũi tên Tiêu Phong đem theo đã bắn hết bảy
mũi rồi, chỉ còn lại ba, thấy ba chục tên quân dùng thuẫn bảo vệ chủ, ba
mũi tên bắn chết ba tên vệ sĩ đã khó, huống hồ lại bắn được Hoàng thái
thúc.
Lúc này Tiêu Phong đã vào sâu trong trận của địch, phía sau mấy
nghìn người cầm mâu đuổi tới, trước mặt là thiên quân vạn mã quả đúng
là rơi vào tuyệt cảnh. Hôm xưa ông một mình chống lại quần hùng Trung
Nguyên đối phương chẳng qua chỉ vài trăm người, cũng đã cực kỳ hung
hiểm, may có người khác cứu còn hôm nay bi mấy vạn người vây khốn
làm sao chạy thoát được đây?
Trong tình hình nguy ngập đó, ông hú lên thật to, tung mình nhảy
lên, nghe vù một tiếng đã nhảy vọt qua ba chục người cầm thuẫn, rơi
xuống ngay trước đầu ngựa Hoàng thái thúc. Hoàng thái thúc hoảng hốt,
giơ roi ngựa lên đánh luôn vào mặt ông. Tiêu Phong nghiêng người rơi
xuống đúng ngay yên ngựa Hoàng thái thúc đang cưỡi, giơ tay chộp luôn
sau lưng y, giơ lên cao kêu lớn:
- Ngươi muốn sống hay muốn chết? Mau mau bảo mọi người bỏ
binh khí xuống.
Hoàng thái thúc sợ đến cứng đơ người, những gì ông nói y không
nghe thấy gì cả. Lúc đó tiếng xôn xao của loạn quân inh ỏi điếc cả tai,
hàng nghìn vạn người ai cũng lắp tên giương cung nhắm ngay Tiêu
Phong nhưng Hoàng thái thúc bị ông bắt giữ rồi ai mà dám vọng động
khinh suất?
Tiêu Phong vận khí vào đan điền kêu lớn:
- Hoàng thái thúc có lệnh, ba quân mau bỏ binh khí xuống để nghe
tuyên đọc thánh chỉ. Hoàng đế khoan hồng đại lượng, xá tội cho tất cả
quan binh, không truy cứu bất cứ ai.
Mấy câu đó át hết tất cả tiếng người đang ồn ào, qua đến mấy dặm
còn nghe thấy, đến quá nửa trong số mấy chục vạn người trước núi sau
núi nghe được rõ ràng. Tiêu Phong đã trải qua kinh nghiệm người trong
Cái Bang nổi loạn chống lại mình, biết rõ tâm tư loạn quân, sau khi thoát
khỏi nghịch cảnh rồi, việc đáng quan tâm nhất là làm sao được miễn tội,
nếu như được bảo đảm không truy cứu lỗi lầm thì ý chí chiến đấu lập tức
tiêu tan. Hiện giờ phản quân thế mạnh, bên cạnh Gia Luật Hồng Cơ
chẳng qua chỉ bảy tám vạn người, bên ít bên nhiều làm sao địch lại,
trong lúc cục diện khẩn cấp không kịp thỉnh thị ý kiến Hồng Cơ nên nói
liều mấy câu cho bên phản loạn yên tâm.
Mấy câu đó vang vang truyền ra, bao nhiêu tiếng huyên náo của
quân phản loạn liền lắng xuống, người nọ nhìn người kia, không ai định
được chủ ý ra thế nào. Tiêu Phong biết rằng tình thế hiện nay cực kỳ
nguy hiểm, trong đám quân địch chỉ cần một người kêu lên không phục,
mấy chục vạn quân như rắn mất đầu kia sẽ đại biến, thành thử không thể
diên trì một giờ khắc nào, lại lớn tiếng nói:
- Hoàng thượng có chỉ dụ, trong đám phản quân bất luận quan chức
lớn bé thế nào chăng nữa, tất cả đều vô tội, hoàng đế khai ân quyết
không truy cứu. Quan quân binh lính ai giữ nguyên chức ấy, tất cả hãy
mau mau bỏ binh khí xuống.
Tất cả lặng như tờ, đột nhiên loảng xoảng, loảng xoảng, có mấy
người liệng bỏ trường mâu. Tiếng vứt bỏ binh khí kia dường như lây qua
người khác, chỉ trong giây lát, loảng xoảng vang dậy, có đến một nửa số
người vứt binh khí, phần còn lại trù trừ chưa quyết định.
Tiêu Phong tay trái cầm Hoàng thái thúc giơ lên cao, giục ngựa
chạy lên núi, quân phản loạn nào ai dám ngăn trở, ngựa ông đến đâu lập
tức tránh ra nhường đường đến đó. Tiêu Phong cưỡi ngựa đến lưng chừng
núi rồi, hai toán ngự doanh quân liền chạy xuống nghinh tiếp, trên núi
trống chiêng đồng thời nổi lên. Tiêu Phong nói:
- Hoàng thái thúc, ông mau mau ra lệnh, bảo bộ thuộc bỏ binh khí
xuống đầu hàng thì sẽ được tha mạng.
Hoàng thái thúc run run hỏi lại:
- Ngươi đảm bảo tha mạng cho ta chứ?
Tiêu Phong nhìn xuống chân núi, thấy vô số phản quân vẫn còn
cung tên trường mâu trong tay, lòng quân chưa định, nguy hiểm chưa hết
nghĩ thầm: “Bây giờ an lòng quân là việc quan trọng nhất. Hoàng thái
thúc một người sống chết có đáng gì đâu, chỉ cần cho người canh gác kỹ
càng, để từ rày y không còn làm điều càn rỡ được nữa”. Ông liền nói:
- Đây là cơ hội duy nhất để ông đái tội lập công. Bệ hạ biết rằng
chỉ tại con ông tệ hại, nhất định sẽ tha chết cho ông.
Hoàng thái thúc vốn không có lòng tranh đoạt ngôi vua, chỉ vì con
ông ta Sở Vương có dã tâm mà gây họa, lúc này rơi vào tay người ta rồi,
chỉ mong sao khỏi chết bèn đáp:
- Được, ta sẽ làm theo lời ngươi.
Tiêu Phong để ông ta an tọa trên yên ngựa rồi mới sang sảng nói:
- Ba quân nghe đây, Hoàng thái thúc có lời nhắn nhủ.
Hoàng thái thúc lớn tiếng nói:
- Sở Vương gây nên họa loạn hiện đã đền tội rồi. Hoàng thượng
khoan hồng đại lượng tha cho tất cả mọi người. Các ngươi mau mau bỏ
binh khí xuống, quay về phía hoàng thượng mà cầu xin.
Hoàng thái thúc đã nói như thế, đám loạn quân trở thành như rắn
mất đầu, tuy cũng có kẻ hung hăng ngoan cố nhưng không người nào
dám chống lại, lập tức nghe thấy loảng xoảng liên hồi, bao nhiêu loạn
quân đều vứt binh khí xuống đất.
Tiêu Phong áp giải Hoàng thái thúc lên tới khu núi trống trải, Gia
Luật Hồng Cơ mừng không để đâu cho hết, chẳng khác gì đang nằm mơ,
tiến đến bên cạnh Tiêu Phong cầm hai tay ông nói:
- Huynh đệ, huynh đệ, giang sơn này của ca ca từ nay cùng ngươi
chung hưởng.
Ông nói đến đây tâm thần khích động, tự nhiên nước mắt ròng ròng.
Hoàng thái thúc quì gục dưới đất nói:
- Kẻ loạn thần này cầu xin bệ hạ thứ tội, xin bề trên nhủ lòng
thương xót.
Gia Luật Hồng Cơ trong lòng hết sức vui sướng quay sang hỏi Tiêu
Phong:
- Huynh đệ nghĩ mình phải làm sao đây?
Tiêu Phong đáp:
- Phản quân người nhiều thế mạnh đang cần an định quân tâm, cầu
xin bệ hạ tha tội chết cho Hoàng thái thúc để cho mọi người yên lòng.
Gia Luật Hồng Cơ cười nói:
- Hay lắm! Hay lắm! Ngươi nói sao thì làm vậy!
Ông quay lại nói với Bắc Viện Đại Vương:
- Ngươi truyền thánh chỉ, phong Tiêu Phong làm Sở Vương, giữ
chức Nam Viện Đại Vương đốc suất phản quân trở về Thượng Kinh.5
Tiêu Phong hoảng hốt, ông giết Sở Vương, bắt Hoàng thái thúc
chẳng qua chỉ mong cứu mạng nghĩa huynh đâu phải có lòng ham muốn
tước lộc, Gia Luật Hồng Cơ phong cho chức quan lớn như thế khiến cho
chân tay luống cuống, sững sờ không biết phải nói sao. Bắc Viện Đại
Vương quay sang chắp tay chào Tiêu Phong:
- Chúc mừng! Chúc mừng! Tước vị Sở Vương xưa nay không phong
cho người ngoài hoàng tộc, Tiêu đại vương mau mau tạ ơn hoàng thượng
đi.
Tiêu Phong nói với Gia Luật Hồng Cơ:
- Mọi việc hôm nay toàn nhờ hồng phúc của ca ca, lòng quân hướng
về bệ hạ nên bình định được quân phản loạn, tiểu đệ chỉ bỏ chút hơi sức
nhỏ nhoi, đâu có gì gọi là công lao. Huống chi tiểu đệ không biết làm
quan, lại cũng chẳng muốn làm quan, xin ca ca thu hồi thành mệnh.
Gia Luật Hồng Cơ cười vang, giơ tay nắm vai Tiêu Phong nói:
- Chức Sở Vương, Nam Viện Đại Vương ở nước Liêu ta là tước lộc
cao quí nhất rồi, nếu như huynh đệ hiềm là chưa đủ không chịu thần
phục thì người anh này ngoài việc nhường ngôi cho ngươi không còn
cách nào khác nữa.
Tiêu Phong lại càng kinh hãi, nghĩ thầm: “Ca ca vui quá, nói năng
chẳng giữ gìn gì nữa, xem ra có chiều lung tung, mọi việc lúc này cần
quả quyết gấp rút, không thể chần chờ gì nữa để khỏi sinh họa”. Ông
đành quì xuống nói:
- Thần Tiêu Phong lãnh chỉ, đa tạ ân điển vạn tuế.
Gia Luật Hồng Cơ vui vẻ đưa tay đỡ dậy. Tiêu Phong nói:
- Thần không dám vi chỉ nên phải lãnh nhận quan tước. Có điều là
kẻ thô bỉ thảo dã, không hiểu pháp độ triều đình, nếu có điều gì sai sẩy
xin bệ hạ rộng lòng tha thứ.
Gia Luật Hồng Cơ giơ tay vỗ lên vai ông mấy cái cười nói:
- Quyết không sao cả.
Ông quay sang nói với Tả quân tướng quân Gia Luật Mạc Ca:
- Gia Luật Mạc Ca, ta phong ngươi làm Nam Viện Khu Mật Sứ, phò
tá Tiêu đại vương trông coi quân quốc trọng sự.
Gia Luật Mạc Ca mừng rỡ vội vàng quì xuống tạ ơn, sau đó quay
sang Tiêu Phong tham bái nói:
- Tham kiến đại vương!
Hồng Cơ nói:
- Mạc Ca, ngươi theo lệnh Tiêu đại vương, đốc suất quân phản loạn
quay trở về Thượng Kinh. Chúng ta đi thăm Hoàng thái hậu nào.
Trên núi liền chiêng trống nổi lên, Gia Luật Hồng Cơ cùng đoàn
người đi xuống. Lãnh binh tướng quân phe phản loạn lập tức mời Hoàng
thái hậu, Hoàng hậu các người ra, cung kính an trí trong doanh. Gia Luật
Hồng Cơ vào trong trướng rồi, mẹ con vợ chồng gặp nhau, quả là chết đi
sống lại, tưởng chừng như từ một kiếp khác quay về, ai nấy tấm tắc khen
ngợi công lao vĩ đại của Tiêu Phong.
Gia Luật Mạc Ca lại đưa Tiêu Phong đi gặp tất cả các bộ thuộc
Nam Viện. Mới đây Tiêu Phong trong chốn thiên quân vạn mã vào ra,
thần dũng không ai địch nổi, ai nấy đã thấy cả rồi. Các quan quân Nam
Viện tuy đều là cựu bộ thuộc của Sở Vương nhưng một là Tiêu Phong
thần uy lẫm lẫm, mọi người sợ ông là kẻ anh hùng không dám không
phục, thứ nữa Sở Vương bình thời tính tình nóng nảy, không có ân huệ gì
với kẻ dưới, thứ ba mình là kẻ làm loạn phạm thượng, trong bụng đang
nơm nớp lo lắng thành thử Tiêu Phong vừa đến ai ai cũng nhất tề nghe
lệnh của ông.
Tiêu Phong nói:
- Hoàng thượng đã tha tội theo kẻ nghịch mưu phản cho các ngươi,
từ nay tất cả phải ăn năn sám hối, không người nào được có dạ phản
trắc.
Một viên tướng đầu râu tóc bạc tiến lên bẩm:
- Bẩm cáo đại vương, Hoàng thái thúc và thế tử bắt giữ gia quyến
chúng tôi, ép chúng tôi phải theo, nếu như chống lại, thế tử sẽ chém đầu
tất cả, thành thử không biết làm sao, xin đại vương tâu cho vạn tuế rõ.
Tiêu Phong gật đầu:
- Nếu thế, những chuyện đã qua từ nay không nhắc đến nữa.
Ông quay lại nói với Gia Luật Mạc Ca:
- Cho ba quân ai đâu ở đó, nghỉ ngơi ăn uống xong thì nhổ trại hồi
kinh.
Sau đó các quan chức Nam Viện từ lớn xuống nhỏ tiến lên tham
kiến. Tiêu Phong tuy chưa làm quan bao giờ nhưng đã từng là bang chủ
Cái Bang lâu năm, thống lãnh quần hào nên cũng có uy. Thống lãnh hào
kiệt Cái Bang với chỉ huy quân Khất Đan không khác nhau nhiều lắm,
nhưng Liêu binh có qui củ riêng mà Tiêu Phong phải để ý còn ngoài ra
mọi sự do Gia Luật Mạc Ca điều động giải quyết cho nên cũng đâu vào
đấy.
Tiêu Phong dẫn đại quân xuất phát chưa bao lâu thì Hoàng thái hậu
và Hoàng hậu đã sai sứ tới trung quân ban tặng áo đai vàng bạc. Tiêu
Phong tạ ơn xong, Thất Lý cũng đưa A Tử đến. Nàng mặc áo gấm ngồi
trên tuấn mã, nói là những thứ đó đều do Hoàng thái hậu ban cho. Tiêu
Phong thấy thân hình mảnh mai của nàng lọt thỏm vào trong cẩm bào
rộng thùng thình, khuôn mặt thon thon dường như bị cổ áo che khuất đến
một nửa không khỏi tức cười.
A Tử không chính mắt trông thấy Tiêu Phong bắn chết Sở Vương,
bắt sống Hoàng thái thúc chỉ nghe Thất Lý kể lại mà thôi. Hễ ai kể lại
chuyện gì, không khỏi thêm mắm thêm muối nên công lao của Tiêu
Phong lại càng tăng thêm vài phần thần bí.
A Tử vừa gặp ông đã cằn nhằn:
- Tỉ phu lập đại công như thế, sao không nói trước để tiểu muội
đứng ở sườn núi xem đại ca xông ra rồi lại trở về có phải vui không?
Làm em lo ơi là lo.
Tiêu Phong đáp:
- Cái đó là nhờ may mà lập được chút công lao chứ ta nào có định
trước đâu? Cô nói nghe thật trẻ con quá.
A Tử nói:
- Tỉ phu qua đây.
Tiêu Phong đi đến bên cạnh nàng, thấy khuôn mặt xanh xao của
nàng hơi ửng hồng ra chiều phấn khởi, súng sính trong bộ áo váy hoa
gấm kia, trông thật chẳng khác gì một con rối nhỏ, vừa kháu khỉnh lại
vừa dễ thương, khiến ông bật cười ha hả.
A Tử vẻ mặt phụng phịu nói dỗi:
- Em nói chuyện đứng đắn sao anh lại cười, có gì khôi hài đâu?
Tiêu Phong đáp:
- Ta thấy cô mặc y phục này, trông thật chẳng khác gì một hình
nhân, thú vị quá.
A Tử bực bội đáp:
- Anh lúc nào cũng chỉ coi em là một đứa trẻ con, cứ trêu em hoài.
Tiêu Phong vẫn cười:
- Đâu có phải vậy! A Tử ơi, lần này ta tưởng hai anh em mình chắc
chết mười mươi, ai ngờ chết đi sống lại nên mới vui đùa một chút đấy
thôi. Chứ còn cái gì Nam Viện Đại Vương, Sở Vương những tước vị đó ta
nào có ham gì, được khỏi chết là mừng lắm rồi.
A Tử nói:
- Tỉ phu cũng sợ chết sao?
Tiêu Phong chưng hửng rồi gật đầu:
- Gặp lúc hiểm nguy ai mà chẳng sợ chết.
A Tử nói:
- Em lại tưởng anh là anh hùng hảo hán, không sợ chết chứ. Nếu
quả là anh sợ chết, sao trong đám phản quân hàng nghìn hàng vạn lại
dám xông vào?
Tiêu Phong đáp:
- Cái đó gọi là vào chỗ chết để tìm đường sống. Nếu ta không xông
vào thì cầm chắc cái chết, thành thử chẳng có gì là dũng cảm hay không
dũng cảm mà là vào nước đường cùng. Nếu mình vây một con gấu hay
một con cọp, nó chạy không được thể nào cũng liều mạng quay đầu lại
cắn thôi.
A Tử bật cười:
- Anh so sánh mình với loài súc vật.
Lúc đó hai người đang ngồi trên lưng ngựa đi song hàng, đưa mắt
nhìn ra thấy cả một vùng thảo nguyên cờ sí rợp trời, những đội ngũ dài
như rắn bò tới tận cuối trời không biết đâu mới hết, trước sau trái phải
chỗ nào cũng là vệ sĩ bộ thuộc.
A Tử hết sức vui lòng nói:
- Hôm trước anh giúp em đoạt được chức truyền nhân của phái Tinh
Tú, em nghĩ bũng trong phái Tinh Tú từ nhị đại đệ tử, tam đại đệ tử tất
cả mấy trăm người, ngoài sư phụ ra thì em là lớn nhất, đã hết sức đắc ý.
Thế nhưng so với anh chỉ huy thiên quân vạn mã thật chẳng thấm gì. Tỉ
phu ơi, bọn Cái Bang không chịu để anh làm bang chủ, hứ, một cái bang
hội nhỏ xíu, có làm cái quái gì đâu? Anh đem binh mã tới giết sạch bọn
chúng cho được việc.
Tiêu Phong liên tiếp lắc đầu nói:
- Chỉ trẻ con thôi! Ta là người Khất Đan, Cái Bang không chịu cho
ta làm bang chủ là phải rồi. Trong Cái Bang toàn là cựu bộ thuộc, bạn
bè ta, sao lại giết họ?
A Tử đáp:
- Bọn chúng trục xuất anh ra khỏi bang rồi, đối xử tệ bạc nên giết
chúng đi là phải. Tỉ phu, không lẽ giờ này mà họ còn là bằng hữu của
anh nữa hay sao?
Tiêu Phong không biết trả lời thế nào, chỉ lắc đầu, nghĩ đến việc
mình đoạn nghĩa tuyệt giao với bạn bè cũ nơi Tụ Hiền Trang, bao nhiêu
hào khí đều tiêu ma. A Tử lại hỏi tiếp:
- Nếu như bọn chúng nghe tin anh làm Nam Viện Đại Vương nước
Liêu đâm ra hối hận, lại mời anh về làm bang chủ Cái Bang, anh về hay
không về?
Tiêu Phong mủm mỉm cười:
- Trên đời này làm gì có chuyện đó bao giờ? Anh hùng hảo hán
nước Đại Tống coi người Khất Đan là gian đồ chuyện ác gì cũng chẳng
từ, ta ở nước Liêu làm quan càng lớn thì họ lại càng hận ta.
A Tử nói:
- Hứ, thế thì đã sao? Bọn chúng ghét mình thì mình cũng ghét lại.
Tiêu Phong đưa mắt nhìn về hướng nam thấy nơi đất trời giao tiếp ở
xa xa núi non trùng điệp nghĩ bụng: “Qua khỏi dãy núi kia là Trung
Nguyên”. Ông tuy là người Khất Đan nhưng từ nhỏ lớn lên tại phương
nam, trong lòng quả là yêu Đại Tống rất nhiều mà yêu Đại Liêu chẳng
bao nhiêu, nếu như Cái Bang cho ông làm một bang chúng vô danh
không chức phận, không túi nào, e rằng còn sung sướng hơn là chức Nam
Viện Đại Vương.
A Tử nói tiếp:
- Tỉ phu, em thấy hoàng thượng thật là thông minh nên mới phong
anh làm Nam Viện Đại Vương. Từ nay về sau mỗi khi nước Liêu đánh
với nước nào, anh đem quân xuất chinh thì thể nào cũng bách chiến bách
thắng. Chỉ cần anh xông vào quân địch, đánh chết nguyên soái bên kia,
đại đa số quân địch sẽ vứt đao thương, quì xuống đầu hàng, thế là mình
chẳng thắng thì là gì?
Tiêu Phong mỉm cười nói:
- Bộ hạ của Hoàng thái thúc đều là quan binh người Liêu, xưa nay
quen nghe lệnh hoàng thượng rồi thành thử một khi Sở Vương chết đi,
Hoàng thái thúc bị bắt tất cả mới đầu hàng. Còn như hai nước giao tranh
thì chuyện lại khác hẳn. Giết được nguyên soái thì có phó nguyên soái,
giết được tướng này thì còn tướng kia, ai nấy hết sức tử chiến. Ta đơn
thương độc mã xông vào chẳng đi đến đâu.
A Tử gật đầu nói:
- Ồ, thì ra là thế! Tỉ phu ơi, anh bảo là xông vào bên địch, bắn chết
Sở Vương, bắt sống Hoàng thái thúc cũng chưa phải là dũng cảm, thế thì
trong đời anh việc gì mới gọi là dũng cảm thực sự? Nói cho em nghe có
được không?
Tiêu Phong xưa nay không thích kể lại cho người ta nghe những sự
tích võ dũng của mình. Khi xưa còn ở trong Cái Bang ra tay tiêu diệt đại
gian đại ác, dù cho kịch chiến ác đấu cỡ nào, quay trở về bang cũng chỉ
nói gọn một câu: “Đã giết được những ai những ai...” còn như bao nhiêu
gian hiểm từng trải qua, dù cho người khác vặn hỏi thế nào chăng nữa
ông cũng không chịu nói. Lúc này nghe A Tử hỏi thế, nghĩ mình trong
đởi trải qua hàng trăm trận, khi lâm địch chẳng lúc nào tính chuyện tháo
lui, chuyện dũng cảm quả là chẳng cần nhắc nữa, bèn nói:
- Ta phải đấu với người phần lớn là bị người ta ép, không đấu không
được chứ chẳng có gì gọi là dũng cảm.
A Tử nói:
- Thôi em biết rồi, trong đời anh dũng cảm nhất là trận ác đấu tại
Tụ Hiền Trang.
Tiêu Phong ngạc nhiên hỏi lại:
- Làm sao cô biết?
A Tử đáp:
- Hôm trước nơi bờ hồ Tiểu Kính, anh đi một lúc rồi, cha em, mẹ
em cùng các thủ hạ của cha em nói chuyện về anh, ai cũng bội phục võ
công ghê gớm, một thân một mình dám đến đại hội ở Tụ Hiền Trang độc
đấu quần hùng, chỉ cốt để trị thương cho một thiếu nữ. Thiếu nữ đó dĩ
nhiên là chị em rồi. Lúc đó mọi người chưa biết A Châu chính là con
ruột của cha mẹ em, nói anh đối với nghĩa phụ, nghĩa mẫu và thụ nghiệp
ân sư cực kỳ tàn độc nhưng với đàn bà lại một mối tình trường; vong ân
phụ nghĩa, tàn nhẫn hiếu sắc quả là một kẻ tệ hại xấu xa bất cận nhân
tình.
Nói tới đây cô gái bật cười khanh khách. Tiêu Phong lẩm bẩm nhắc
lại:
- Ôi, “vong ân phụ nghĩa, tàn nhẫn hiếu sắc”, anh hùng hảo hán
Trung Nguyên đã bình phẩm Tiêu Phong này tám chữ đó sao?
A Tử an ủi ông:
- Tỉ phu đừng tức tối làm chi. Riêng mẹ em hết lời ca tụng anh, nói
là đàn ông miễn sao si tình đã đủ tốt rồi, còn ngoài ra không có gì quan
trọng cả. Mẹ em bảo cha em cũng là loại “vong ân phụ nghĩa, tàn nhẫn
hiếu sắc”, nhưng đối với tình nhân thì lại cũng “phụ nghĩa hiếu sắc”, đối
với con cái thì “tàn nhẫn vô tình” chẳng sao bì kịp với đại ca. Tiểu muội
đứng một bên vỗ tay tán thành.
Tiêu Phong gượng gạo cười lắc đầu.
Đại quân đi mấy ngày thì đến Thượng Kinh. Bách quan và dân
chúng đã nghe tin rồi, đi ra tận xa nghinh tiếp. Lá cờ soái của Tiêu
Phong đến đâu, bách tính thắp hương lạy phục xuống, ca tụng không
ngớt lời. Ông ra tay bình được đại biến loạn khiến cho vô số quân sĩ
nước Liêu bảo toàn tính mạng, tại Thượng Kinh gần nửa dân số là gia
quyến của ngự doanh quân nên đối với ông xiết bao cảm kích. Ngựa
Tiêu Phong đến đâu dân chúng tung hô đến đấy:
- Đa tạ Nam Viện Đại Vương cứu mạng.
- Cầu trời phù hộ cho Nam Viện Đại Vương sống lâu trăm tuổi, đại
phú đại quí!
Tiêu Phong nghe những lời chúc tụng đó thấy dân chúng người nào
người nấy mắt rưng rưng, quả thực thành tâm thành ý nghĩ thầm: “Kẻ ở
trên ngôi cao, nhất cử nhất động đều liên quan đến họa phúc của muôn
vạn người. Khi ta bắn chết Sở Vương, chẳng qua chỉ là sính cái dũng
nhất thời, trước là cứu nghĩa huynh, sau là cứu mình, có ngờ đâu đối với
bách tính lại tốt lành đến thế. Ôi, ở Trung Nguyên ta hết sức làm điều
tốt, vậy mà người ta lại thù oán sàm báng biết bao nhiêu, thành kẻ đệ
nhất đại gian đại ác trên giang hồ. Qua đến Bắc quốc, vô ý lại thành cứu
tinh của muôn dân. Thị phi thiện ác quả là khó nói”.
Ông lại nghĩ: “Nơi đây là đất nước cha mẹ ta, năm xưa cha mẹ chắc
thường qua lại con đường này. Ôi, ta nào có biết hình dáng tướng mạo
cha mẹ ta ra sao, hai ông bà cưỡi ngựa cùng nhau rong ruổi thế nào lại
càng khó tưởng ra nổi”.
Thượng Kinh là kinh đô của nước Liêu. Khi đó Liêu quốc là nước
lớn nhất trong thiên hạ, so với Đại Tống cường thịnh hơn nhiều. Thế
nhưng người Khất Đan du mục là chính, sống rày đây mai đó, tại Thượng
Kinh dân cư, quán xá thật giản lậu thô sơ, so với Trung Nguyên còn kém
xa.
Quan chức thuộc Nam Viện liền ra nghinh đón Tiêu Phong vào Sở
Vương phủ, phủ đệ to lớn, bên trong trần thiết cực kỳ hoa lệ giàu sang.
Tiêu Phong một đời nghèo khổ đã từng ở nơi sang trọng như thế bao giờ?
Ông vào đi rảo một hồi bỗng thấy không quen liền sai quân sĩ thiết lập
hai tòa doanh trướng ở ngay trong quân, ông và A Tử mỗi người ở một
cái, sống thật giản phác chẳng khác gì khi trước.
Đến ngày thứ ba, Gia Luật Hồng Cơ và Hoàng thái hậu, Hoàng hậu,
tần phi, công chúa mọi người mới về đến Thượng Kinh, Tiêu Phong tất
lãnh bách quan tiếp giá. Trong triều liên tiếp bận rộn luôn mấy ngày.
Đầu tiên là lễ mừng bình được đại nạn, luận công thăng thưởng, phủ tuất
các gia đình Bắc Viện Khu Mật Sứ và quan binh mới tử trận. Hoàng thái
thúc tự thấy mình không còn mặt mũi nào nên trên đường về tự tử chết
rồi.
Hồng Cơ tuy vậy vẫn giữ lời, đối với quan binh phản nghịch không
hề truy cứu, chỉ tru sát hai mươi tên thuộc hạ của Sở Vương đầu sỏ mưu
việc phản loạn. Trong hoàng cung mở tiệc khao thưởng công lao binh sĩ,
đại yến liên tiếp ba ngày. Tiêu Phong trở nên anh hùng đệ nhất nơi bàn
tiệc. Các món thưởng của Gia Luật Hồng Cơ, Hoàng thái hậu, hoàng
hậu, các phi tần, công chúa kể cả tặng phẩm của văn võ bách quan, quả
thật chất cao như núi.
Khao thưởng xong rồi, Tiêu Phong mới đến Nam Viện xem xét
công việc. Mấy chục tộc trưởng trong các bộ tộc nước Liêu đều đến
tham kiến, nào là Ô Ngỗi, Bá Đức, Bắc Khắc, Nam Khắc, Thất Vi, Mai
Cổ Tất, Ngũ Quốc, Ô Cổ Lạp... nhất thời không nhớ hết được. Sau đó là
quan quân bì thất đại trướng của hoàng đế, san quân thuộc hoàng hậu,
rồi các cấp Hoằng Ninh Cung, Trường Ninh Cung, Vĩnh Hưng Cung, Tích
Khánh Cung, Diên Xương Cung lần lượt đến chào. Thuộc quốc của nước
Liêu tổng cộng năm mươi chín nước, bao gồm Thổ Cốc Hỗn, Đột Quyết,
Đảng Hạng, Sa Đà, Ba Tư, Đại Lương, Hồi Cốt, Thổ Phồn, Cao Xương,
Cao Ly, Vu Khuých, Đôn Hoàng... Những nước đó đều có sứ thần tại
Thượng Kinh, nghe tin Tiêu Phong nắm giữ quân quốc trọng quyền, đều
đến tặng những món quí giá lạ lùng để lấy lòng làm quen.
Tiêu Phong ngày ngày khi thì tiếp khách, khi gặp bộ thuộc, mắt
thấy toàn là vàng bạc châu báu, tai nghe những điều xưng tụng tán
dương, không khỏi chán chường. Cứ như thế đến hơn một tháng Gia Luật
Hồng Cơ mới vời vào điện, bảo:
- Huynh đệ, chức phận ngươi là Nam Viện Đại Vương nên tọa trấn
Nam Kinh6, chờ thời tiến đánh Trung Nguyên. Người anh này tuy không
muốn xa cách ngươi, nhưng để lập kỳ công thiên thu vạn thế, ngươi mau
sớm đem binh xuống phía nam.
Tiêu Phong nghe hoàng thượng sai mình đem quân nam chinh, trong
bụng kinh hoảng nói:
- Tâu bệ hạ, nam chinh là chuyện đại sự, cực kỳ quan trọng, thần
Tiêu Phong chỉ là một võ dũng thất phu, quân lược quả không phải là sở
trường.
Gia Luật Hồng Cơ cười nói:
- Nước ta vừa trải qua một cơn họa loạn, cần cho sĩ tốt nghỉ ngơi. Ở
Đại Tống hiện nay Thái hậu đang nắm quyền, trọng dụng Tư Mã Quang,
cải cách triều chính không có sơ hở nào để khai thác, chúng ta chưa thể
tính chuyện nam chinh được. Này huynh đệ, ngươi đến Nam Kinh, trong
đầu lúc nào cũng phải nghĩ đến việc thôn tính Nam triều. Chúng ta cần
phải lựa gió phất cờ, hễ Nam triều có nội biến là lập tức đưa binh xuống
phương nam. Còn như nội bộ họ tốt lành không có gì, nước Liêu đem
binh đến đánh có phải là dùng sức nhiều mà thành công ít hay sao?
Tiêu Phong đáp:
- Vâng! Quả là như thế!
Hồng Cơ nói:
- Thế nhưng sao ta lại biết được Nam triều nội chính khéo léo, trăm
họ nhân tâm qui phục?
Tiêu Phong đáp:
- Thần mong được bệ hạ chỉ điểm.
Hồng Cơ cười sằng sặc nói:
- Từ xưa đến nay cũng đều thế cả, cốt sao đem nhiều tiền bạc tài
bạch mua kẻ gian tế gián điệp. Người nam tham tiền, bọn hèn hạ xấu xa
đông lắm, ngươi hãy ra lệnh cho Nam Bộ Khu Mật Sứ đừng tiếc tài bảo,
cố mua được càng nhiều càng tốt.
Tiêu Phong vâng lệnh từ biệt ra về, trong lòng buồn bã. Ông xưa
nay chỉ kết giao anh hùng hào kiệt, tuy những chuyện lén hãm hại nhau,
mai phục hạ độc chứng kiến đã nhiều, nhưng toàn là những việc giết
người đốt nhà một cách sảng khoái chứ chưa từng đem tiền bạc đi mua
chuộc người ngoài bao giờ. Hơn nữa tuy ông là người Liêu nhưng từ nhỏ
lớn lên ở Nam triều, hoàng đế sai ông tính toán tiêu diệt nhà Đại Tống,
trong lòng quả hết sức miễn cưỡng nghĩ thầm: “Ca ca có lòng tốt phong
ta làm Nam Viện Đại Vương, nếu ta chỉ vì chuyện này từ quan, không
khỏi phụ thịnh tình của anh ta, thương tổn nghĩa khí huynh đệ. Đợi ta
xuống Nam Kinh, làm quan sáu tháng một năm, hãy xin từ chức cũng
kịp. Khi đó nếu nghĩa huynh không chịu thì ta mới treo áo, buộc ấn bỏ đi
anh ta không trách gì được”. Nghĩ thế ông tất lãnh bộ thuộc, dắt A Tử
xuống Nam Kinh.
Nam Kinh thời nhà Liêu tức là Bắc Kinh ngày nay, khi đó gọi là
Yên Kinh, còn gọi là U Đô, là kinh đô của U Châu. Thạch Kính Đường
nhà Hậu Tấn tự lập xưng đế được nước Liêu hết sức phù trì nên cắt Yên
Vân mười sáu châu để đền ơn. Yên Vân mười sáu châu bao gồm U, Kế,
Trác, Thuận, Đàn, Doanh, Mạc, Tân, Quy, Nho, Võ, Úy, Vân, Ứng,
Hoàn, Sóc đều là những nơi quan trọng ở Ký Bắc, Tấn Bắc.
Từ khi cắt đất cho nước Liêu rồi, các đời Hậu Tấn, Hậu Chu, Đại
Tống ba triều đại nhiều năm tranh đoạt nhưng vẫn không sao lấy lại
được. Mười sáu châu Yên Vân địa thế hiểm yếu, nước Liêu trú đóng
trọng binh, mỗi lần đem binh xuống đánh phương nam chạy thẳng một
mạch, toàn là bình nguyên khiến Đại Tống không có cách gì thủ ngự.
Tống Liêu giao binh hơn trăm năm qua, nhà Tống không thắng trận nào,
dĩ nhiên chủ yếu là vì binh giáp không bằng nhưng người Liêu từ cao
đánh xuống khống chế được chiến trường quả là đã chiếm được tiện nghi
thật lớn.
Tiêu Phong vào thành rồi, thấy đường sá ở Nam Kinh rộng rãi, thị tứ
phồn hoa hơn xa Thượng Kinh, người qua kẻ lại đều là dân chúng Nam
triều, nghe toàn là tiếng nói Trung Nguyên, thật chẳng khác gì đã quay
về Trung Thổ. Tiêu Phong và A Tử đều rất vui mừng, hôm sau liền ăn
mặc giản dị, đi du ngoạn khắp các nơi.
Thành Yên Kinh vuông vức ba mươi sáu dặm, bao gồm tám cửa.
Phía đông là cửa An Đông, cửa Nghinh Xuân; phía nam là cửa Khai
Dương, cửa Đan Phượng; phía tây là cửa Hiển Tây, cửa Thanh Tấn; còn
phía bắc là cửa Thông Thiên, cửa Củng Thần. Hai cửa phía bắc sở dĩ gọi
là Thông Thiên, Củng Thần7 ý nói thần phục, tuân theo thánh chỉ của
hoàng đế. Vương phủ của Nam Viện Đại Vương ở phía tây nam. Tiêu
Phong và A Tử du ngoạn hồi lâu, thấy phố chợ, công thự, chùa chiền,
đạo quan san sát khắp nơi đi xem một lúc không hết được.
Khi đó Tiêu Phong giữ chức Nam Viện Đại Vương, Yên Vân mười
sáu châu đều dưới quyền ông cai quản, cả phủ Đại Đồng ở Tây Kinh,
phủ Đại Định ở Trung Kinh cũng đều phải nghe hiệu lệnh. Uy vọng lớn
như thế không thể nào ở một chỗ doanh trướng bé nhỏ nên đành phải
dọn vào vương phủ.
Ông coi việc mấy ngày đầu váng mắt hoa, thật là khổ sở thấy Nam
Viện Khu Mật Sứ Gia Luật Mạc Ca tinh minh mẫn cán, quen thuộc chính
vụ nên bao nhiêu việc giao cho y cả.
Thế nhưng làm quan to cũng có chỗ hay, trong vương phủ những
dược phẩm quí giá nhiều không biết bao nhiêu mà kể, A Tử dùng làm
thức ăn hàng ngày. Nhờ bổ dưỡng như thế, nội thương của nàng mỗi
ngày một đỡ, đến đầu mùa đông đã có thể đi lại một mình. Nàng du
ngoạn trong thành Yên Kinh đã nhiều, về sau lại bảo Thất Lý theo hầu,
đưa đi chơi khắp các nơi chung quanh thành mười dặm.
Hôm đó tuyết đổ vừa ráo hạt, A Tử mặc điêu cừu, đến Tuyên Giáo
Điện nơi Tiêu Phong cư ngụ nói:
- Tỉ phu ơi, em ở trong thành này chán muốn chết, anh đưa em đi
săn nhé.
Tiêu Phong ở trong cung điện đã lâu, cũng thấy phiền muộn, nghe
nàng nói thế, trong bụng cũng mừng bèn sai thuộc hạ chuẩn bị ngựa để
ra ngoài săn bắn. Ông không muốn rềnh rang, chỉ đem theo vài tùy tòng
phục thị A Tử, lại ngại bách tính dòm ngó nên thay áo lông cừu quân sĩ
thường mặc, đem theo một cánh cung, một túi tên, nhảy lên ngựa cùng A
Tử đi ra cửa Thanh Tấn ở phía tây.
Đoàn người ra khỏi thành hơn chục dặm, chỉ săn được vài con thỏ.
Tiêu Phong nói:
- Bọn mình đến biên giới phía nam xem thế nào.
Ông chuyển đầu ngựa, quay sang hướng nam, lại đi hơn hai chục
dặm, thấy một con cheo8 từ trong bụi chạy ra. A Tử cầm mũi tên trên tay
để vào dây, ngờ đâu cánh tay hoàn toàn không có chút hơi sức nào, cánh
cung không giương lên được. Tiêu Phong đưa cánh tay trái từ phía sau
nàng thò qua nắm thân cung, tay phải cầm tay nàng kéo dây, buông tay
nghe vút một tiếng, vũ tiễn phóng ra, con cheo liền ngã ngay xuống.
Những người đi theo reo ầm cả lên.
Tiêu Phong bỏ tay ra nhìn A Tử mỉm cười, thấy nàng mắt rưng rưng,
lạ lùng hỏi:
- Sao thế? Không thích ta giúp em bắn dã thú ư?
A Tử nước mắt chảy dài xuống má thổn thức:
- Em... em thành phế nhân rồi, đến giương cung... mà cũng chẳng
xong.
Tiêu Phong dỗ dành:
- Đừng có nóng ruột, từ từ rồi sẽ hồi phục lực khí. Nếu như quả là
tương lai không khỏi, ta sẽ truyền cho cô cách tập nội công, thể nào cũng
tăng gia sức khỏe.
A Tử đang khóc bật cười nói:
- Tỉ phu đã nói thế thì phải giữ lời, thể nào cũng dạy em nội công
đấy nhé.
Tiêu Phong đáp:
- Được mà! Thể nào ta cũng dạy cho cô.
Trong khi đang nói chuyện, bỗng nghe từ phương nam có tiếng chân
ngựa rầm rập, một đại đội nhân mã từ trên mặt tuyết chạy tới. Tiêu
Phong đưa mắt nhìn về phía đó thấy đội này toàn là quan binh người
Liêu nhưng không giương cờ. Bọn quan quân vừa đi vừa nói chuyện xôn
xao, ca hát cực kỳ khoái trá, sau ngựa buộc khá nhiều tù binh, tưởng
chừng như vừa thắng trận trở về. Tiêu Phong nghĩ thầm: “Mình làm gì có
giao chiến với ai, những người này đánh trận ở đâu trở về thế này?”.
Ông thấy đoàn quan binh chuyển qua phía đông trở về thành liền quay
sang nói với kẻ tùy tòng:
- Ngươi ra hỏi xem đội lính kia làm gì về thế?
Gã tùy tòng liền đáp: “Vâng” rồi hỏi:
- Có phải các anh em “đi gặt” về đấy chăng?
Y giục ngựa chạy thẳng đến chỗ bọn kia. Khi tới gần y nói mấy câu,
bọn quan binh nghe thấy có Nam Viện Đại Vương đang ở tại đây liền
lớn tiếng reo hò, lập tức nhảy xuống ngựa, dây cương cầm tay rảo bước
đi tới trước Tiêu Phong, khom lưng hành lễ cùng nói:
- Đại vương thiên tuế!
Tiêu Phong giơ tay chào lại đáp:
- Miễn lễ!
Ông thấy đội binh này chừng hơn tám trăm người, trên lưng ngựa
chất đầy quần áo khí vật, số người bị bắt cũng phải đếm bảy tám trăm,
phần lớn là đàn bà còn trẻ nhưng cũng có một số thanh niên, ăn mặc đều
theo lối người Tống, người nào người nấy khóc khóc mếu mếu.
Gã đội trưởng nói:
- Hôm nay đến lượt đội Hắc Lạp Đốc chúng tôi “đi gặt”, nhờ phúc
đại vương nên thu được cũng kha khá.
Y quay lại quát:
- Các ngươi đem những thiếu nữ xinh đẹp nhất, vàng bạc châu báu
quí giá nhất tất cả dâng lên, xin đại vương thiên tuế thu dụng.
Các quan binh cùng reo lên:
- Tuân lệnh!
Đem ra hơn hai chục cô gái đẩy đến trước đầu ngựa Tiêu Phong, lại
lấy ra rất nhiều kim ngân trang sức bỏ đầy một tấm chăn da. Các quan
binh chăm chú nhìn Tiêu Phong, ánh mắt đầy vẻ sùng kính trọng vọng,
hiển nhiên nếu được Nam Viện Đại Vương thu dụng đám con gái và
những món ngọc ngà này thì quả là vinh hạnh.
Hôm xưa Tiêu Phong ở ngoài Nhạn Môn Quan đã thấy quan binh
nhà Đại Tống bắt người Khất Đan, lần này lại thấy người Khất Đan đi
bắt người Đại Tống, những người bị giải đi ai nấy thê thảm khốn khổ
chẳng khác gì nhau. Ông ở nước Liêu đã lâu, hiểu biết quân tình Liêu
quốc. Triều đình nước Liêu không cấp lương cho lính, cũng chẳng trả
tiền, quan binh cần gì đều phải sang đoạt của bên địch, mỗi ngày sai lính
qua cướp của dân bên Đại Tống, Tây Hạ, Nữ Chân, Cao Ly các nước lân
cận, gọi là “gặt hái”, thực ra so với cường đạo cũng chẳng khác gì. Quan
binh Tống triều cũng lại đi qua “gặt hái” của người Liêu để trả thù.
Thành thử dân chúng ở vùng biên giới khốn khổ vô cùng, ngày nào cũng
nơm nớp, sáng lo chiều lo. Tiêu Phong thấy phương thức đó tàn nhẫn vô
đạo, có điều mình không tính chuyện lâu dài nên định bụng sẽ chỉ vờ vịt
làm việc một thời gian rồi xin từ quan ẩn cư, thành thử các việc quân
quốc đại sự không đưa ra chủ trương gì, bây giờ chính mắt thấy thảm
trạng những người bị bắt, không khỏi chạnh lòng thương hại bèn hỏi gã
đội trưởng:
- Các ngươi ở đâu... “gặt hái” ở đâu về thế?
Gã đội trưởng cung kính đáp:
- Bẩm cáo đại vương, chúng tôi “đi gặt” tại bên ngoài cảnh giới
Trác Châu, phía bên Đại Tống. Từ khi đại vương tới đây, thuộc hạ không
dám đi kiếm lương thực gần quanh bản châu nữa.
Tiêu Phong nghĩ thầm: “Nghe y nói, trước đây bọn họ đi cướp của
người Tống ngay tại bản châu”. Ông dùng tiếng Hán hỏi một thiếu nữ
đang đứng trước đầu ngựa:
- Cô là người ở đâu?
Người con gái kia lập tức quì xuống, khóc nói:
- Tiểu nữ là người ở Trương gia thôn, cầu đại vương khai ân, thả cho
tiểu nữ trở về đoàn tụ với cha mẹ.
Tiêu Phong quay đầu nhìn những người kia. Tất cả mấy trăm người
bị bắt đều quì xuống nhưng trong đám người có một thanh niên đứng
sừng sững không chịu quì.
Thanh niên đó trạc độ mười sáu, mười bảy, mặt dài mà gầy, cằm
nhọn, đôi mắt láo liên bất định. Tiêu Phong liền hỏi:
- Cậu bé kia, nhà ngươi ở đâu?
Thanh niên kia đáp:
- Tiểu nhân có một bí mật đại sự, muốn bẩm riêng lên đại vương.
Tiêu Phong đáp:
- Được, ngươi lại đây!
Thanh niên đó hai tay bị dây thừng trói chặt, nói:
- Xin đại vương đứng xa bộ thuộc, việc này không thể để người
khác nghe thấy được.
Tiêu Phong nổi bụng hiếu kỳ nghĩ thầm: “Một đứa bé thế này làm
gì mà biết được chuyện cơ mật đại sự? Phải rồi, ngươi từ biên giới phía
nam qua đây, chắc là biết chuyện gì về quân tình Đại Tống chăng?”. Y
là người Tống, đem chuyện cơ mật bẩm báo cho người Khất Đan, là loại
Hán gian vô liêm sỉ nên ông đã có bụng khinh khi, nhưng y nói là có
chuyện trọng đại, có nghe cũng không mất mát gì, bèn phóng ngựa ra
cách khoảng chục trượng, giơ tay vẫy:
- Lại đây!
Gã thanh niên kia liền đi theo, giơ hai tay lên nói:
- Xin đại vương cắt dây trói, tiểu nhân có vật để trong túi muốn
trình lên.
Tiêu Phong rút phắt yêu đao, giơ lên chém xuống, thế đao tưởng
chừng chặt y ra làm đôi, nhưng lại thật chuẩn xác, chỉ cắt đúng sợi dây
thừng trói hai tay. Gã thanh niên hoảng hốt, lùi lại hai bước, nhìn Tiêu
Phong xuất thần. Tiêu Phong mỉm cười, tra đao vào vỏ hỏi:
- Ngươi có cái gì?
Gã thanh niên đưa tay vào túi, lấy một vật gì đó ra cầm trên tay nói:
- Đại vương xem thì biết.
Nói xong y đến trước đầu ngựa Tiêu Phong, ông liền đưa tay ra đón
lấy. Đột nhiên, gã thanh niên cầm vật ở trong tay ném thẳng vào mặt
Tiêu Phong, Tiêu Phong liền vung roi lên đánh văng vật đó ra ngoài, thì
ra đó là một cái túi nhỏ. Cái túi đó rơi xuống đất, phấn trắng tung tóe
khắp nơi, là một túi bột vôi sống, nếu trúng mặt vào mắt thì sẽ mù ngay.
Đây là một vật thấp hèn mà bọn giang hồ hạng ba, trộm gà bắt chó
thường dùng.
Tiêu Phong hừ một tiếng, nghĩ thầm: “Thằng bé này lớn mật, thì ra
không phải là Hán gian”. Ông gật đầu hỏi:
- Ngươi tên chi? Cớ sao lại có bụng hại ta?
Thanh niên đó mím chặt môi, không trả lời. Tiêu Phong dịu mặt nói:
- Ngươi mau nói ta nghe, ta sẽ tha mạng cho.
Thanh niên đáp:
- Ta báo thù cho cha mẹ không xong, còn gì để nói nữa.
Tiêu Phong hỏi:
- Cha mẹ ngươi là ai? Không lẽ bị ta giết sao?
Gã thanh niên bước tới hai bước, mặt đầy vẻ bi phẫn, chỉ vào mặt
Tiêu Phong lớn tiếng nói:
- Kiều Phong, ngươi giết chết cha ta, mẹ ta, cả bác ta, ta... ta giận
không được ăn thịt, rút gân lột da, băm vằm ngươi thành vạn mảnh.
Tiêu Phong nghe y gọi cái tên cũ ngày xưa của mình, lại bảo mình
giết cha mẹ và bá phụ, ắt hẳn là kẻ thù ngày trước ở Trung Nguyên, bèn
hỏi:
- Bá phụ ngươi là ai? Phụ thân là ai?
Thanh niên đáp:
- Ta chẳng muốn sống làm gì nên cũng cần cho ngươi biết, nam nhi
họ Du ở Tụ Hiền Trang có phải là phường tham sống sợ chết đâu!
Tiêu Phong “À” lên một tiếng nói:
- Thì ra ngươi là con cháu của Du thị song hùng, lệnh tôn có phải là
Du Câu Du nhị gia không?
Ông ngừng lại một chút nói tiếp:
- Hôm đó ta bị quần hùng Trung Nguyên vây đánh ở quí trang, bắt
buộc phải ứng chiến, không thể làm cách nào khác hơn. Lệnh tôn và
lệnh bá phụ đều tự vẫn mà chết.
Ông nói tới đây lắc đầu tiếp:
- Ôi, tự vẫn hay bị giết thì cũng vậy. Hôm đó ta đoạt binh khí của
bá phụ và gia gia ngươi để đến nỗi ép họ phải tự vẫn. Tên ngươi là gì?
Gã thanh niên ưỡn ngực, lớn tiếng đáp:
- Ta tên là Du Thản Chi. Ta không cần ngươi phải giết, ta học được
cái gương sáng của bá phụ và gia gia rồi.
Nói xong y thò tay vào ống quần, lấy ra một thanh đoản đao, giơ lên
đâm luôn vào ngực. Roi ngựa của Tiêu Phong lại vung ra, cuốn lấy con
dao, đoạt luôn. Du Thản Chi giận dữ, chửi liền:
- Ta muốn tự vẫn cũng không cho hay sao? Tên Liêu cẩu đáng chết
kia, bụng dạ ngươi độc ác thật.
Lúc này A Tử đã giục ngựa chạy đến bên Tiêu Phong, quát lên:
- Thằng tiểu quỉ kia, sao dám mở miệng nhục mạ người khác?
Ngươi muốn chết ư, ha ha, đâu có dễ thế.
Du Thản Chi đột nhiên nhìn thấy một cô gái xinh đẹp thanh tú, ngơ
ngẩn nhìn, không nói ra lời. A Tử hỏi:
- Tiểu quỉ, cái cảnh mù lòa thật thích thú, rồi đây ngươi sẽ được
nếm mùi.
Nàng quay lại nói với Tiêu Phong:
- Tỉ phu, tên tiểu tử này tàn độc quá, dám dùng vôi sống để hại anh,
vậy mình lấy ngay vôi đó phế đôi mắt nó cho biết.
Tiêu Phong lắc đầu, quay sang nói với tên lãnh binh đội trưởng:
- Bọn người Tống đi gặt bắt được hôm nay, giao lại cho ta có được
chăng?
Gã đội trưởng mừng rỡ không để đâu cho hết vội đáp:
- Được đại vương để mắt tới thì còn gì hơn, xin đa tạ ân điển đại
vương.
Tiêu Phong nói:
- Những quan binh nào hiến tù binh bắt được cho ta, trở về nhớ đến
vương phủ lãnh thưởng.
Các quan binh vui vẻ đáp:
- Chúng bộ thuộc thành tâm dâng lên đại vương, không cần phải
thưởng.
Tiêu Phong nói:
- Các ngươi để những kẻ bắt được lại đây, về thành trước đi, nhớ
đến lãnh thưởng.
Bọn quan binh khom lưng tạ ơn. Gã đội trưởng hỏi:
- Nơi đây dã thú không có bao nhiêu, chắc đại vương muốn dùng
bọn Tống chư làm bia sống chứ gì? Trước đây Sở Vương vẫn thích trò
này lắm. Chỉ tiếc hôm nay chúng tôi bắt được phần lớn là đàn bà, chạy
không nhanh. Lần sau chúng tôi sẽ cố bắt những con lợn Tống khỏe
mạnh.
Nói xong hành lễ dẫn binh đi. “Muốn dùng bọn Tống chư làm bia
sống chứ gì”, câu đó lọt vào tai, Tiêu Phong không khỏi rùng mình, trước
mắt như hình dung ra cái cảnh tàn bạo của Sở Vương năm xưa: mấy trăm
người Tống chạy thục mạng trên mặt tuyết chẳng khác gì dã thú, trong
khi quí nhân người Khất Đan cười sằng sặc, giương cung lắp tên bắn chết
từng người một. Nếu như có người Tống nào chạy được xa, người Khất
Đan cưỡi ngựa rượt theo, chẳng khác gì săn nai, đuổi chồn, rồi thì ai ai
cũng chết cả. Cái thảm cảnh đó, người Khất Đan thuận mồm nói ra,
chẳng có gì là lạ, hẳn là trước đây đã quen. Ông đưa mắt nhìn qua bọn
người bị bắt, thấy ai nấy mặt tái mét, run lẩy bẩy trong gió lạnh. Những
người dân nơi biên tái này có kẻ biết tiếng Khất Đan, đã từng nghe
chuyện “bắn bia sống”, bây giờ sợ đến mất vía.
Tiêu Phong thở dài nhìn xuống núi non trùng điệp ở phương Nam
nghĩ thầm: “Nếu như không có người tiết lộ thân thế thì đến giờ này ta
vẫn nghĩ mình là dân Đại Tống. Ta cùng bọn người này nói chung một
thứ tiếng, ăn cùng một thứ cơm, có khác gì đâu? Vì sao ai cũng là người,
lại phải gượng gạo chia ra nào là Khất Đan, Đại Tống, Nữ Chân, Cao Ly
làm chi? Ngươi sang đất ta ngươi “gặt lúa”, ta sang đất ngươi ta đốt nhà?
Ngươi chủi ta là chó Liêu, ta mắng ngươi là lợn Tống?”. Trong nhất thời,
lòng ông cảm khái dạt dào như sóng biển.
Ông nhìn lại thấy đám quan binh đi kiếm lương kia đã khuất nẻo
không còn đâu nữa bèn quay qua nói với đám nạn dân:
- Hôm nay ta thả các ngươi về, mau mau chạy đi thôi.
Bọn người bị bắt vẫn tưởng Tiêu Phong thả cho họ chạy, sau đó sẽ
bắn chết nên vẫn chần chờ không chịu đi. Tiêu Phong lại tiếp:
- Các ngươi về rồi, tốt nhất rời xa biên giới, để khỏi bị người ta đi
“gặt lúa” bắt lần nữa. Ta chỉ cứu các ngươi được một lần, không cứu
được lần thứ hai đâu.
Những nạn nhân bây giờ mới tin là thật, vui mừng reo hò, tất cả
cùng quì xuống khấu đầu nói:
- Đại vương ân đức tày non, tiểu dân về nhà khấn vái cầu cho đại
vương sống lâu giầu bền, ngôi cao mãi mãi.
Bọn họ sớm biết người dân Tống bị bọn Liêu binh “gặt lúa” bắt
được rồi, trừ người thật giàu có có tiền bạc gấm vóc đem ra chuộc mạng,
còn không đều bỏ thân xứ người đến nắm xương cũng không mang được
về nhà. Tống Liêu hai bên giao tranh lâu năm, người có tiền sớm chạy
vào sâu nội địa rồi, còn lại sống nơi biên cảnh chỉ toàn là dân nghèo
khổ, làm gì có ai giàu có mà đem tiền chuộc mạng? Ai cũng biết mình
thật không bằng con cừu con ngựa, được vị đại vương nước Liêu tha cho
về thật mừng rỡ không đâu kể xiết.
Tiêu Phong thấy những nạn dân mặt tươi rói, người nọ dìu người kia
đi về hướng nam nghĩ thầm: “Người Khất Đan ta bắt họ tới đây, rồi lại
thả cho về, trên đường đi kinh hoàng một phen, lại chịu biết bao khổ sở,
ta nào có gì gọi là ân đức đối với họ?”.
Ông thấy những người khốn khổ kia đi đã xa, còn Du Thản Chi vẫn
đứng sừng sững tại chỗ, bèn nói:
- Sao ngươi không chạy đi? Ngươi trở về Trung Nguyên có tiền bạc
gì không?
Ông vừa nói vừa thò tay vào túi, định cho y ít kim ngân, nhưng trong
mình không mang theo tiền tài, mò vào chỉ thấy một cái bao giấy dầu
nhỏ. Ông trong lòng chua xót, trong chiếc bao chỉ có một bộ Dịch Cân
Kinh viết bằng chữ Phạn mà hôm trước A Châu ăn trộm được ở chùa
Thiếu Lâm, ép mình phải cầm lấy, mà nay người mất kinh còn, làm sao
không buồn bã? Ông tiện tay bỏ chiếc bao trở lại vào túi nói:
- Ta hôm nay đi săn, không mang theo tiền, nếu ngươi không có gì
tiêu thì theo ta vào thành mà lấy.
Du Thản Chi lớn tiếng nói:
- Họ Kiều kia, ngươi muốn giết thì cứ giết, muốn lóc da xẻ thịt thì
cứ việc chứ đừng dùng ngụy kế làm nhục ta? Họ Du này dù có chết đói
cũng không thèm nhận một văn tiền của ngươi đâu!
Tiêu Phong nghĩ lại y nói không sai, mình là kẻ thù giết cha, mối
thâm cừu bất cộng đái thiên kia làm sao hóa giải, có nói thêm cũng vô
ích bèn bảo:
- Ta không giết ngươi đâu! Ngươi muốn báo thù thì lúc nào đến
kiếm ta cũng được.
A Tử vội nói:
- Tỉ phu, thả y không được. Tên tiểu tử này báo thù không dùng
cách thức đàng hoàng chân chính, chỉ dùng thủ đoạn hạ lưu hèn hạ. Chi
bằng nhổ cỏ nhổ tận rễ để khỏi di họa về sau.
Tiêu Phong lắc đầu:
- Trên giang hồ đâu đâu cũng đầy chông gai, chỗ nào cũng toàn
hung hiểm, ta đều đi qua cả rồi. Cỡ người như y không làm gì nổi ta đâu.
Hôm xưa ta khiến cho bá phụ và cha y phải tự vẫn, quả thực không phải
chủ mưu, nhưng món nợ máu đó ta thiếu đã lâu rồi, việc gì phải giết cả
con cháu Du thị song hùng nữa làm chi?
Ông nói tới đây, thấy lòng nguội lạnh bèn bảo:
- Thôi mình đi về, hôm nay chẳng có gì mà săn nữa.
A Tử bĩu môi nói:
- Em thấy nếu như được bắt gã này về hành hạ một phen cho bõ
ghét thì cũng thú vị! Anh thả y rồi, về thành còn có gì để vui đâu?
Thế nhưng nàng không dám cãi lời Tiêu Phong, đành quay đầu
ngựa, cùng Tiêu Phong sóng cương trở về, đi được mấy trượng quay đầu
nói:
- Tiểu tử kia, ngươi về luyện thêm một trăm năm nữa, lúc đó hãy
kiếm tỉ phu ta báo thù.
Nói xong nàng cười khẩy, giơ roi quất ngựa chạy đi.
Chú Thích:
1 Trướng của nhà vua (xem ở dưới)
2 Quân đi dò thám, tiền sát viên
3 Điểm này Kim Dung không biết căn cứ vào đâu. Theo sử sách, ngay trong giai
đoạn thịnh trị nhất, nước Liêu cũng chỉ độ hơn ba triệu người, trong đó người Khất
Đan chừng non một triệu, còn lại là người Hán dưới quyền cai trị của họ (do việc
đánh chiếm và nhường đất của Tống triều). Tuy dân số không đông, họ rất thiện
chiến. Trong thời kỳ này, người Nữ Chân chỉ mới là một bộ tộc, cũng dưới quyền
kiểm soát của người Khất Đan chứ chưa tách riêng thành một nước riêng biệt. Với
dân số như thế thật khó mà có được một đội quân non một triệu người. Hơn nữa, số
binh lính điều động trong một chiến dịch thường chỉ một phần nào trong toàn bộ
binh lính trong nước chứ không phải muốn đem bao nhiêu thì đem. Đi săn mà mang
theo 10 vạn quân là điều khó tin.
4 ỷ mình không kiêng nể gì cả
5 Chính sử chép như sau: Vua Khất Đan Đạo Tông Gia Luật Hồng Cơ đi săn ở
Loan Hà Thái Tử Sơn, Hoàng thái thúc Gia Luật Trọng Nguyên khởi binh tấn công
hành cung (nơi vua đang ở), Nam Viện Khu Mật Sứ Gia Luật Nhân Tiên đánh trả,
Gia Luật Trọng Nguyên thua chạy, tự sát (Bá Dương: Trung Quốc Lịch Sử niên
biểu – tập hạ [in lần thứ sáu] Tinh Quang Đài Bắc 2001 tr. 963-964)
6 tức Bắc Kinh ngày nay
7 Củng Thần là tinh tú chầu về ý nói nhà vua như sao Bắc Thần (Bắc Cực) ở giữa,
các ngôi sao đều chạy theo.
8 Tức con chương, một loại hươu nhưng nhỏ hơn (moschus chinloo)
/