Thiên Long bát bộ (bản mới)

Hồi 21(b)

Ruổi rong muôn dặm đường xa,

Cứ đi mà chẳng biết là đi đâu.

Kẻ thù như thể bóng câu,

Chạy theo chỉ thấy một màu khói sương.

*

Đi được độ mươi dặm, Tiêu Phong mới nói:

- A Châu, ta thật hoàn toàn không có ý làm hại Trí Quang đại sư, sao ông ta... ông ta... lại phải khổ đến vậy?

A Châu đáp:

- Vị cao tăng đó đã nhìn thấu mọi việc trên đời, đại triệt đại ngộ đâu có còn phân biệt đâu là sống đâu là chết.

Tiêu Phong nói:

- Nàng thử nghĩ xem làm sao ông ta lại biết chúng mình tìm đường lên chùa Chỉ Quán?

A Châu đáp:

- Thiếp cho rằng... thiếp cho rằng đây cũng là một việc chính "tên đại ác" kia làm.

Tiêu Phong nói:

- Ta cũng đoán thế, "tên đại ác" kia đã đến cho Trí Quang đại sư hay, bảo là ta đi tìm ông báo thù. Trí Quang đại sư nghĩ là không sao thoát khỏi độc thủ của ta nên sau khi nói chuyện xong liền uống thuốc độc tự tận.

Hai người nhìn nhau một hồi không ai nói thêm câu nào. A Châu bỗng nói:

- Tiêu đại gia, thiếp không biết trước sau, có mấy câu muốn nói, xin đại gia đừng trách cứ.

Tiêu Phong đáp:

- Sao tự nhiên nàng lại khách sáo đến vậy? Ta đương nhiên không trách gì nàng đâu.

A Châu nói:

- Thiếp nghĩ Trí Quang đại sư viết mấy câu trên đất, quả thực hết sức hữu lý. Đúng vậy:

Dẫu Hán hay Hồ Lỗ,

Như thật mà như không.

Ân oán và vinh nhục,

Với cát bụi một dòng.

Đại gia là người Hán thì cũng tốt, mà là người Khất Đan thì cũng vậy, có gì khác đâu? Sống chết nơi đầu đao mũi kiếm ở chốn giang hồ, thiếp nghĩ chắc đại gia cũng chán rồi, chi bằng ra ngoài Nhạn Môn Quan săn bắn, chăn nuôi, bao nhiêu ân oán vinh nhục của Trung Nguyên từ nay không còn ngó ngàng tới nữa.

Tiêu Phong thở dài một tiếng nói:

- Quả thật cái nghề sinh nhai bằng đầu đao mũi kiếm ta chán lắm rồi. Ra nơi thảo nguyên ngoài biên tái cưỡi ngựa, thả ưng, xua chó đuổi thỏ, từ nay không còn băn khoăn gì nữa thì quả là thoải mái biết bao. A Châu, ta ra ngoài biên tái rồi nàng có còn đến thăm ta nữa không?

A Châu thẹn thùng, cúi đầu nói nhỏ:

- Thì thiếp đã chẳng nói đến “chăn nuôi” đấy ư? Đại gia cưỡi ngựa đi săn, thiếp cũng thả bò chăn cừu.

Nàng nói đến đây bèn cúi gầm mặt xuống. Tiêu Phong tuy là một hán tử thô hào nhưng cái ẩn ý trong mấy câu nói của cô gái cũng đã minh bạch, nàng rõ ràng muốn cùng mình suốt đời sống với nhau ngoài biên tái, không quay về Trung Nguyên nữa.

Tiêu Phong lúc đầu cứu nàng chẳng qua chỉ vì khí khái nhất thời, đến khi nàng tìm đường theo mình ra ngoài Nhạn Môn Quan, rồi qua Vệ Huy, Thái An, Thiên Thai bao nhiêu sóng gió, đường sá xa xôi, ngày đêm kề cận thấy nàng thật là ôn nhu thân thiết, lúc này nghe nàng nói thẳng tấm lòng mình, không khỏi bồi hồi, giơ hai bàn tay thô kệch nắm chặt bàn tay nhỏ nhắn của nàng nói:

- A Châu, em đối với ta thật tốt, chẳng vì ta là giống giòng đê tiện Khất Đan mà bỏ rơi ư?

A Châu đáp:

- Người Hán cũng là người mà Khất Đan cũng là người, làm gì còn có chuyện quí tiện? Thiếp... thiếp thích người Khất Đan, đó là chân tâm thành ý, không có gì ép uổng cả.

Nàng nói đến những câu sau cùng tiếng chỉ thoảng nhẹ như muỗi kêu dường như không nghe thấy. Tiêu Phong mừng quá, đột nhiên giơ tay chộp ngay lưng nàng, tung nàng lên trên không, đợi khi nàng rơi xuống mới nhẹ nhàng đỡ lấy, để xuống đất, cười tủm tỉm nhìn nàng, lớn tiếng nói:

- A Châu, nàng từ nay theo ta cưỡi ngựa săn bắn, thả cừu chăn bò, sẽ không hối hận chứ?

A Châu nghiêm mặt nói:

- Dẫu có theo đại gia giết người cướp của, đốt nhà ăn trộm thiếp cũng không bao giờ hối hận. Dù phải chịu bao nhiêu khổ sở, trăm cay nghìn đắng, thiếp vẫn vui vẻ theo cùng.

Tiêu Phong dõng dạc nói:

- Tiêu mỗ được như thế này, chẳng nói gì trở lại làm bang chủ Cái Bang, dẫu có bảo ta làm hoàng đế nhà Đại Tống ta cũng chẳng thèm. A Châu, thôi mình đi Tín Dương tìm Mã phu nhân, bà ta chịu nói cũng được, mà không chịu nói cũng đành, đây là người sau cùng mình đi kiếm. Ta chỉ hỏi một câu sau đó hai đứa mình ra ngoài ải bắc săn bắn chăn nuôi.

A Châu nói:

- Tiêu đại gia...

Tiêu Phong ngắt ngang:

- Từ nay trở đi, nàng không được gọi ta là đại gia, nhị gia gì nữa. Nàng gọi ta là đại ca.

A Châu mặt đỏ bừng nói nhỏ:

- Thiếp đâu có xứng?

Tiêu Phong nói:

- Nàng có chịu gọi không thì bảo?

A Châu mỉm cười:

- Nghìn lần vạn lần chịu, đâu có dám cãi lời.

Tiêu Phong cười nói:

- Vậy nàng gọi thử ta xem nào!

A Châu nói thật nhỏ:

- Đại... đại ca!

Tiêu Phong cười ha hả nói:

- Thế mới được! Từ nay về sau Tiêu mỗ không còn một thân một mình, bị người ta khinh bỉ là giống Hồ Lỗ hèn hạ, trên đời này ít ra cũng có một người... cũng có một người...

Ông không biết phải nói sao. A Châu tiếp lời:

- ... cũng có một người kính trọng chàng, bội phục chàng, thương yêu chàng, nguyện ý mãi mãi, đời đời kiếp kiếp, ở bên cạnh chàng chia xẻ đắng cay gian khổ, ấm lạnh đói no.

Nàng nói những câu đó cực kỳ thành khẩn. Tiêu Phong cất tiếng cười vang động cả bốn bề sơn cốc, nghĩ đến A Châu nói sẽ cùng mình “chia xẻ đắng cay gian khổ, ấm lạnh đói no” đủ biết nàng hiểu rằng rồi đây sẽ có rất nhiều chông gai nhưng thản nhiên cam chịu không hề hối hận. Ông trong lòng cảm kích tuy mặt ngoài cười cợt nhưng hai dòng lệ chẩy ròng ròng trên má.

Tiền nhiệm phó bang chủ Cái Bang Mã Đại Nguyên ở tại Tín Dương, tỉnh Hà Nam. Tiêu Phong cùng A Châu từ núi Thiên Thai ở Giang Nam đi đến Tín Dương, đường xa nghìn dặm không phải chỉ một ngày là đến được. Hai người từ khi ở núi Thiên Thai ướm lòng với nhau, tình ý dạt dào, nên thả lỏng dây cương để vừa đi vừa thưởng ngoạn những cảnh đẹp làm say sưa lòng người. A Châu vốn dĩ không thích uống rượu nhưng để trợ hứng cho Tiêu Phong nên cũng cố uống hầu tiếp một vài chung khiến má đỏ hồng lại càng thêm xinh đẹp.

Tiêu Phong vốn dĩ bụng đầy phẫn khích nhưng được A Châu nói cười ríu rít, chuyện trò thật duyên dáng nên bao nhiêu phiền não cũng giảm đến quá nửa. Chuyến đi từ Giang Nam ngược lên trung châu, so với lần đi từ Nhạn Môn Quan hối hả chạy qua Sơn Đông tâm tình thật khác hẳn. Tiêu Phong cũng có khi hồi tưởng, chặng đường mấy nghìn dặm này thật quả mơ mơ hồ hồ, lúc đầu là những cơn ác mộng nhưng đến sau lại là một cơn mộng đẹp đến nỗi nếu không có nàng A Châu kiều diễm ở bên mình thì ắt đã nghi rằng chỉ là một giấc mơ.

Hôm đó đi đến Quang Châu, chỉ còn chừng hai ngày đường là đến Tín Dương. A Châu nói:

- Đại ca thử nghĩ xem mình đến hỏi Mã phu nhân thế nào cho tiện?

Hôm đó ở trong khu rừng hạnh và nơi Tụ Hiền Trang, Mã phu nhân thần thái ngôn ngữ thù hằn Tiêu Phong ra mặt, Tiêu Phong tuy không lấy gì làm vui nhưng sau nghĩ lại bà ta chồng chết, lại cho rằng mình giết hại, có oán hận mình thì cũng là chuyện bình thường, nếu không thù hận ấy mới là không hợp lý.

Ông lại nghĩ bà ta là một người đàn bà góa không biết võ công, nếu như uy hiếp bức bách thì quả là mất cái thân phận hào hiệp của mình nên không nghĩ tới việc dùng bạo lực tra hỏi, nay nghe A Châu hỏi thế nên trù trừ không trả lời, ngẩn người ra một hồi rồi đáp:

- Ta nghĩ mình chỉ nên thẳng thắn cầu xin, mong bà ta hiểu rõ sự tình khỏi đổ tiếng oan cho ta giết chồng. A Châu, hay là nàng đến hỏi bà ta đi, được chăng? Nàng mồm miệng lanh lợi, vả lại chỗ đàn bà với nhau. Chỉ sợ một khi Mã phu nhân thấy mặt ta, bụng đầy oán hận là sẽ giở trò ngay.

A Châu tủm tỉm cười:

- Thiếp đã có kế đây nhưng sợ đại ca cho là không hay thôi.

Tiêu Phong vội hỏi:

- Kế gì thế?

A Châu nói:

- Đại ca là đại anh hùng, đại trượng phu không thể bức cung bà ta được, chi bằng để thiếp đến đánh lừa bà ta, được chăng?

Tiêu Phong vui mừng nói:

- Nếu như dụ được bà ta thổ lộ chân tướng thì còn gì hơn. A Châu, chắc nàng cũng biết ta ngày đêm canh cánh, mơ tưởng chuyện được chính tay đâm chết kẻ đại cừu để trả mối thù giết cha. Ta là người Khất Đan, "tên đại ác" kia giúp Kiều mỗ lộ được cái bản lai diện mục của mình, khiến cho ta biết được tổ tông mình là ai, ta phải cảm ơn mới phải. Thế nhưng tại sao y lại giết dưỡng phụ dưỡng mẫu của ta? Giết ân sư của ta? Ép ta phải giết hại bằng hữu, mang cái tiếng ác, biến thành kẻ thù của anh hùng thiên hạ? Nếu ta không băm vằm y ra, thì làm sao yên tâm để cùng nàng ở ngoài biên tái cưỡi ngựa săn thú, chăn bò thả cừu?

Ông càng nói càng lên giọng. Mấy hôm nay tuy thần thái ông không còn u uất như trước, nhưng tấm lòng thù hận "tên đại ác" không vì thế mà giảm được chút nào. A Châu nói:

- "Tên đại ác" kia hại đại ca âm độc như thế, thiếp chỉ mong được chém y mấy nhát cho đại ca hả dạ. Mình bắt được y rồi sẽ tổ chức một anh hùng đại yến, mời tất cả anh hùng hào kiệt trong thiên hạ, trước tất cả mọi người nói rõ nỗi oan khuất để thanh danh của đại ca được hồi phục.

Tiêu Phong thở dài:

- Cũng chẳng cần phải thế. Ta ở Tụ Hiền Trang giết quá nhiều người, kết oán thù với anh hùng thiên hạ cực sâu xa, cũng chẳng phải cầu ai tha thứ cho mình. Tiêu Phong chỉ mong kết liễu được chuyện này để trong tâm hồn được bình an, sau đó được cùng nàng rong ruổi bên ngoài biên tái, hai đứa mình suốt đời làm bạn với hổ lang bò cừu, không bao giờ gặp lại anh hùng hảo hán Trung Nguyên nữa.

A Châu vui mừng nói:

- Nếu được thế thì quả là tạ trời tạ đất, cầu còn chưa xong.

Nàng mỉm cười nói:

- Đại ca, thiếp định giả làm một người đến đánh lừa để cho Mã phu nhân nói tính danh của "tên đại ác" ra.

Tiêu Phong vỗ đùi kêu lên:

- Đúng đó, đúng đó! Ta không nghĩ ra cách này, thuật cải trang của nàng dùng vào việc này thì trên đời có một không hai. Thế nàng định giả làm ai?

A Châu đáp:

- Cái đó phải hỏi đại ca. Khi Mã phó bang chủ còn tại thế, trong Cái Bang giao thiệp với ai thân thiết nhất thiếp sẽ giả làm người đó, Mã phu nhân tưởng là bạn thân của trượng phu, chắc sẽ không dấu đâu.

Kiều Phong nói:

- Ồ, những người trong Cái Bang thân thiết với Mã Đại Nguyên huynh đệ thì có Vương đà chủ, Toàn Quan Thanh, Trần trưởng lão. Ngoài ra Chấp Pháp trưởng lão Bạch Thế Kính cũng có giao tình rất hậu.

A Châu hừm một tiếng, nghiêng đầu hồi tưởng lại hình mạo thần thái những người đó. Tiêu Phong lại tiếp:

- Mã huynh đệ là người điềm đạm nghiêm cẩn, không phải như ta thích rượu ham vui, ồn ào náo nhiệt. Thành thử bình thời y ít khi cùng ta uống rượu cười đùa. Toàn Quan Thanh, Bạch Thế Kính là những người giống tính y nên thường gặp nhau nghiên cứu võ công.

A Châu nói:

- Vương đà chủ là ai, thiếp không được biết. Trần trưởng lão thì trong cái túi gai chứa toàn rắn rết, thiếp mới thấy đã nổi da gà muốn ói, có giả trang cũng không giống được. Toàn Quan Thanh người cao quá giả làm y phải mất rất nhiều thì giờ, nếu như ở trong nhà Mã phu nhân một hồi lâu để thủng thẳng hỏi cho ra e rằng sẽ bị lộ chân tướng. Chi bằng để thiếp giả là Bạch trưởng lão. Ông ta có nói chuyện với thiếp mấy lần ở Tụ Hiền Trang, học làm ông ta dễ hơn cả.

Kiều Phong mỉm cười:

- Bạch trưởng lão đối với nàng thật tốt, hết lời cầu khẩn Tiết Thần Y trị thương. Nếu như cô lại giả làm ông ta để đi đánh lừa người khác có phải là sai quấy hay không?

A Châu cười nói:

- Thiếp giả Bạch trưởng lão để làm chuyện tốt chứ nào có làm chuyện xấu hại đến thanh danh của ông ta, như thế có sao đâu?

A Châu liền ở trong khách điếm hóa trang ngay. Kiều Phong được A Châu cải trang thành một tên đệ tử Cái Bang năm túi tùy tòng của Bạch Thế Kính, lại dặn ông ta nói càng ít càng tốt, phòng Mã phu nhân là người tinh tế nhìn ra chỗ sơ hở. Tiêu Phong thấy A Châu hóa trang thành Bạch trưởng lão rồi, mặt lạnh như băng, không giận dữ nhưng vẫn có uy, đúng là một vị Chấp Pháp trưởng lão mà mấy vạn đệ tử Cái Bang Nam Bắc ai ai cũng vừa sợ hãi vừa kính trọng, không chỉ hình dáng bên ngoài mà cả lời ăn tiếng nói, thần thái cử chỉ giống hệt Bạch Thế Kính khiến Tiêu Phong giao thiệp thân cận với ông ta cả chục năm mà cũng không nhìn ra chỗ nào không phải. Hai người đến Tín Dương rồi, trên đường mỗi khi gặp anh em trong Cái Bang đều dùng ám ngữ nói chuyện tra hỏi tình hình các nhân vật đầu não trong bang, sau đó thông tri là Bạch trưởng lão đã đến Tín Dương để Mã phu nhân biết tin để bà ta có sẵn ấn tượng trong lòng ngõ hầu A Châu cải trang có gì sai sẩy bà ta cũng không hay biết.

Nhà Mã Đại Nguyên ở ngoại ô phía tây, cách thành Tín Dương chừng ba mươi dặm. Tiêu Phong hỏi thăm đường đi từ các anh em Cái Bang tại địa phương rồi cùng A Châu đến nhà họ Mã. Hai người cố ý đi thong thả để diên trì thời khắc mãi xế chiều mới tới nơi vì e trời sáng mọi việc rõ ràng khiến cải trang dễ bị bại lộ, khi trời tối mọi thứ đều mờ mờ ảo ảo đễ dàng mập mờ đánh lận con đen.

Hai người đến trước nhà họ Mã, chỉ thấy một con rạch nhỏ lượn quanh ba gian nhà ngói, bên cạnh là hai cây thùy dương còn đằng trước là một mảnh đất trống, giống như sân phơi thóc của nhà nông nhưng bốn bên đều có hào sâu. Tiêu Phong biết rõ võ công gia số của Mã Đại Nguyên, biết rằng những hào sâu này là để y luyện công, nhưng nay hai bên âm dương đôi ngả, trong lòng không khỏi se lại. Ông đang toan tiến lên gọi cửa, đột nhiên nghe kẹt một tiếng cửa đã mở toang, một người đàn bà mặc áo sô trắng bước ra, chính là Mã phu nhân.

Mã phu nhân liếc Tiêu Phong một cái, khom lưng hành lễ với A Châu nói:

- Bạch trưởng lão quang lâm hàn xá, quả thực không sao ngờ nổi, xin mời vào dùng trà.

A Châu nói:

- Tại hạ có một việc quan trọng cần thương lượng với đệ muội nên chưa được mời đã đến quấy quả, xin được thứ tội.

Mã phu nhân toàn thân một màu sô gai trắng toát vẻ mặt như cười mà không phải cười, khóe miệng dường như có điều u uẩn. Khi đó mặt trời đã ngả về phía sau núi, phủ lên khuôn mặt nàng một màu vàng vọt. Tiêu Phong lần này gặp lại tâm thần không khích động như hai lần trước thấy nàng độ chừng ba mươi lăm ba mươi sáu, tuy khóe mắt đầu mày đã mờ mờ vết nhăn, mặt không nhồi phấn nhưng nước da trắng nõn không kém A Châu chút nào.

Hai người theo Mã phu nhân vào trong nhà, thấy sảnh đường xem chừng hơi nhỏ, giữa để một cái bàn, chung quanh là bốn chiếc ghế nên chẳng còn trống bao nhiêu. Một bà vú già đem trà lên, Mã phu nhân hỏi đến Tiêu Phong, A Châu thuận mồm bịa ra một cái tên. Mã phu nhân hỏi:

- Bạch trưởng lão đại giá quang lâm, không biết có điều chi dạy bảo?

A Châu đáp:

- Từ trưởng lão qua đời ở Vệ Huy, chắc đệ muội cũng đã nghe rồi.

Mã phu nhân đột nhiên ngẩng đầu lên, ánh mắt lộ vẻ khác lạ nói:

- Dĩ nhiên là tiện thiếp đã biết.

A Châu lại tiếp:

- Bọn ta ai cũng nghi là Kiều Phong hạ độc thủ, sau đó Đàm công, Đàm bà và Triệu Tiền Tôn ba vị tiền bối cũng bị người ta giết bên ngoài thành Vệ Huy, rồi đến Thiết Diện Phán Quan Đơn gia ở Thái An, Sơn Đông bị cháy rụi. Mới đây không lâu, ta đi Giang Nam tra xét một tên đệ tử bảy túi trong bang vi phạm bang qui, trên đường nghe tin Trí Quang lão hòa thượng của chùa Chỉ Quán núi Thiên Thai cũng đột ngột viên tịch.

Mã phu nhân run lẩy bẩy, mặt biến sắc nói:

- Chuyện... chuyện đó cũng do Kiều Phong làm hay sao?

A Châu nói:

- Ta đích thân lên chùa Chỉ Quán tìm hiểu tuy không có kết quả gì, nhưng mười phần thì đến tám chín là do Kiều Phong làm, xem ra bước kế tiếp y sẽ đến gây chuyện với đệ muội nên vội vàng đến đây, khuyên đệ muội lánh đi nơi khác một năm sáu tháng để khỏi bị gã họ Kiều làm hại.

Mã phu nhân rưng rưng nước mắt, buồn bã nói:

- Từ khi Mã đại gia bất hạnh bị nạn tới nay, tiện thiếp sống nơi trần thế cũng là kiếp sống thừa, họ Kiều kia muốn hại thì thực cầu còn chưa được, việc gì phải đi đâu tị họa làm chi?

A Châu nói:

- Sao đệ muội lại nói thế? Đại cừu của Mã huynh đệ chưa rửa được, hung thủ còn chưa bắt được thì đệ muội còn phải gánh vác trọng trách trên vai. À, linh vị của Mã huynh đệ ở đâu để ta đến vái lạy một cái.

Mã phu nhân đáp:

- Không dám.

Thế nhưng nàng vẫn dẫn hai người đi vào hậu đường. A Châu lạy trước, Tiêu Phong cũng cung kính đứng trước linh vị khấu đầu, trong bụng khấn thầm: “Mã đại ca chết đi có linh thiêng thì hôm nay cảm ứng vào phu nhân nói ra tính danh chân hung thủ, để ta thay thế đại ca báo thù rửa oan”.

Mã phu nhân quì ờ bên cạnh linh vị hoàn lễ, nước mắt ròng ròng trên má. Tiêu Phong lạy xong rồi, đứng lên thấy trong linh đường có treo mấy bức đối trướng, trong đó có cả của Từ trưởng lão, Bạch trưởng lão nhưng đôi câu đối của mình gửi tới không thấy đâu. Những vuông vải trắng trong linh đường đã tích bụi bặm lại càng làm tăng thêm vẻ thê lương, Tiêu Phong nghĩ thầm: “Mã phu nhân không con không cái, suốt ngày chỉ có một mụ vú già làm bạn, ngày tháng cô khổ tịch mịch thật không biết nói sao cho hết”.

Lại nghe A Châu buông lời khuyên nhủ nào là “Đệ muội bảo trọng thân thể, mối thù của Mã huynh đệ là oán thù của chung mọi người. Nếu như nàng có điều gì khó khăn, cứ nói thẳng cho ta nghe, ta sẽ sẵn lòng lo liệu tất cả” nghe thật ra vẻ đàn anh kẻ cả. Tiêu Phong trong bụng khen thầm: “Cô ả này thật là đâu ra đấy, bang chủ Cái Bang đã bị trục xuất, phó bang chủ đã qua đời, Từ trưởng lão bị người ta sát hại, Truyền Công trưởng lão bị ta giết rồi, bây giờ Bạch trưởng lão là người địa vị tối cao. Cô nàng nói rặt giọng điệu bang chủ quả thật xứng với thân phận vai trò”.

Mã phu nhân cảm ơn nhưng giọng lưỡi cực kỳ lạnh nhạt. Tiêu Phong hơi lo, thấy nàng ta không còn tha thiết, thần tình như kẻ mất hồn, chắc là từ khi trượng phu qua đời sống không còn lạc thú chi nữa, e rằng sẽ tự tận tuẫn phu, người đàn bà này tính khí cương cường chuyện gì cũng có thể làm được.

Mã phu nhân đưa hai người trở lại phòng khách, chẳng bao lâu bà vú đã dọn cơm ra, trên bàn có bốn món đồ chay gồm cải xanh, cải củ, đậu phụ, dưa leo và ba bát cơm khói bốc nghi ngút nhưng không có rượu. A Châu liếc nhìn Tiêu Phong nghĩ thầm: “Hôm nay không có rượu cho chàng uống”. Tiêu Phong thản nhiên như không, bưng bát cơm lên ăn.

Mã phu nhân nói:

- Từ khi tiên phu qua đời, kẻ vị vong này ăn toàn đồ chay, chỗ hẻo lánh không có rượu thịt, khoản đãi hai vị đạm bạc quá.

A Châu thở dài:

- Mã huynh đệ chết rồi không thể sống lại được, đệ muội cũng đừng quá làm khổ mình như thế.

Tiêu Phong thấy Mã phu nhân đối với người chồng quá cố quả thật có tình có nghĩa, trong lòng nổi lên một nỗi niềm kính trọng. Ăn cơm tối xong, Mã phu nhân nói:

- Bạch trưởng lão từ xa đến, tiểu nữ đáng lý phải giữ khách lại, có điều phận đàn bà góa không tiện chút nào, không biết trưởng lão muốn dặn dò điều gì?

Trong lời ăn tiếng nói có chiều muốn đuổi khách đi. A Châu nói:

- Ta chuyến này đi Tín Dương cốt là để khuyên phu nhân rời nhà đi tránh họa chỗ khác, không biết đệ muội có điều gì phải tính toán hay không?

Mã phu nhân thở dài một tiếng nói:

- Gã Kiều Phong kia giết Mã đại gia, y có đến đây làm hại tiện thiếp thì cũng là đi theo chồng xuống suối vàng. Tiểu nữ tuy chân yếu tay mềm, chẳng dấu Bạch trưởng lão làm chi, chết thiếp đã không sợ thì còn sợ cái gì nữa.

A Châu nói:

- Nếu đã nói thế, đệ muội không bằng lòng rời nhà đi tị nạn nơi khác hay sao?

Mã phu nhân đáp:

- Đa tạ hậu ý của Bạch trưởng lão. Tiểu nữ thật không đành rời nơi cố cư của Mã đại gia.

A Châu nói:

- Ta vốn dĩ muốn ở gần đây ít ngày để bảo hộ cho đệ muội. Vẫn biết là Bạch mỗ không phải là địch thủ của Kiều Phong nhưng trong lúc gấp gáp cũng đỡ được một tay. Ngờ đâu trên đường đi ta lại nghe được một tin tức cơ mật thật là trọng đại.

Mã phu nhân đáp:

- Ồ, thế thì việc phải lớn lao lắm.

Đàn bà vốn dĩ hiếu kỳ, nghe nói đến một việc cơ mật trọng đại, dù cho việc chẳng liên quan gì đến mình, miệng không hỏi nhưng vẻ mặt vẫn có ý thích nghe. Ngờ đâu Mã phu nhân vẫn thản nhiên như không, tưởng chừng có nói ra cũng thế mà không nói thì cũng chẳng hề chi, chồng đã chết rồi thì trên đời này không còn điều gì khiến nàng động tâm được nữa. Tiêu Phong nghĩ thầm: “Người đời vẫn bảo rằng đàn bà góa gan ruột héo hon, lạnh như tro bếp, nếu nói về Mã phu nhân thì thật là thích đáng”.

A Châu quay sang vẫy tay cho Tiêu Phong nói:

- Ngươi ra ngoài chờ, ta có mấy lời cơ mật nói với Mã phu nhân.

Tiêu Phong gật đầu, đi ra ngoài nhà, thầm khen A Châu thông minh, biết là nếu muốn người khác thổ lộ chuyện cơ mật cho mình thì phải nói chuyện bí mật của mình trước. Thành thử A Châu giả vờ nói chuyện cơ mật chính là làm cho Mã phu nhân tin tưởng, ngay cả kẻ tâm phúc của mình cũng không được nghe hẳn là chuyện này phải thật kín đáo.

Ông đi ra ngoài cửa, bên ngoài trời tối vắng lặng không một tiếng động, chỉ văng vẳng tiếng loảng xoảng từ dưới bếp vọng lên, chính là bà vú đang rửa bát, bèn đi vòng qua góc tường, nép vào ngoài cửa sổ phòng khách, nín thở lắng tai nghe. Dù cho Mã phu nhân không nói tên tuổi của người đó chỉ cần thổ lộ một chút đầu mối thì ông cũng có thể lần ra còn hơn hiện nay mù mờ không biết đâu mà mò. Huống chi vị Bạch trưởng lão này từ nghìn dặm xa xôi đến đây cảnh cáo đã là làm ơn cho bà ta rồi, khi sắp ra đi lại cho biết một chuyện đại sự cơ mật, một thủ lãnh của bản bang không lẽ Mã phu nhân lại dám dấu diếm hay sao?

Một lúc lâu sau mới nghe thấy Mã phu nhân thở dàn một tiếng, u uẩn nói:

- Ông... ông còn đến làm gì nữa đây?

Tiêu Phong sợ việc vỡ lở làm hỏng đại sự thành thử không dám thò đầu ra nhìn xem trong phòng khách tình hình thế nào, trong bụng hơi lạ lùng: “Câu hỏi này của bà ta có dụng ý gì?’. Chỉ nghe A Châu nói:

- Ta quả có nghe tin đó, Kiều Phong có bụng muốn hại phu nhân nên tới báo tin.

Mã phu nhân nói:

- Hừ, đa tạ hảo ý của Bạch trưởng lão.

A Châu hạ giọng nói:

- Đệ muội, từ khi Mã huynh đệ bất hạnh qua đời, có mấy trưởng lão trong bang nhớ đến công lao của y nên muốn mời phu nhân xuất sơn, đảm nhiệm vai trò trưởng lão.

Tiêu Phong nghe nàng nói cực kỳ trịnh trọng không khỏi tức cười, nhưng trong bụng cũng phải khen thầm nàng tính kế thật cao, Mã phu nhân nếu bằng lòng, Bạch trưởng lão lập tức sẽ thành cấp trên của bà ta, có điều muốn hỏi thì không thể nào cự tuyệt được. Ví thử không bằng lòng làm trưởng lão trong bang nhưng thấy Cái Bang coi trọng mình như thế, Mã phu nhân ắt thể nào cũng hả lòng hả dạ.

Chỉ nghe Mã phu nhân đáp:

- Tiện thiếp có tài cán đức độ gì mà có thể đảm nhiệm chức trưởng lão trong Cái Bang? Đến đệ tử Cái Bang thiếp còn chưa đáng, huống chi địa vị trưởng lão cực cao, thật cách xa hàng muôn ngàn dặm.

A Châu đáp:

- Ta và bọn Ngô trưởng lão hết lòng tiến cử, ai nấy đều bảo rằng nếu có Mã phu nhân cùng đứng ra lo liệu thì việc bắt giữ hạ sát Kiều Phong thật dễ hơn nhiều. Ta lại còn có một tin tức thật trọng đại liên quan đến việc Mã huynh đệ bị giết.

Mã phu nhân hỏi lại:

- Thật vậy ư?

Giọng nói bà ta xem ra có vẻ thờ ơ. A Châu nói:

- Hôm đó nơi thành Vệ Huy điếu tang Từ trưởng lão, ta gặp Triệu Tiền Tôn, y có tiết lộ cho ta hay, nói y biết ai là chân hung thủ sát hại Mã huynh đệ.

Đột nhiên nghe choang một tiếng, một chiếc chén trà rơi xuống vỡ tan. Mã phu nhân hoảng hốt kêu lên một tiếng rồi lắp bắp nói:

- Ông... ông đùa rỡn cái gì thế?

Thanh âm nghe cực kỳ phẫn nộ, nhưng cũng có mấy phần kinh hoàng. A Châu đáp:

- Chuyện đó là chuyện đàng hoàng, ta làm sao đám nói đùa? Gã Triệu Tiền Tôn kia chính miệng nói cho ta nghe, y biết rõ hung thủ giết Mã Đại Nguyên huynh đệ. Y bảo nhất định không phải Kiều Phong, cũng chẳng phải Cô Tô Mộ Dung, y biết chắc chắn người đó là ai rồi.

Mã phu nhân run run hỏi:

- Làm sao y biết được? Làm sao y biết được? Ông chỉ nói nhăng nói cuội, có khác gì ban ngày ban mặt thấy ma?

A Châu đáp:

- Đúng vậy mà, phu nhân khỏi phải nóng ruột ta sẽ từ từ cho bà hay. Gã Triệu Tiền Tôn kia nói: “Năm ngoái vào tháng tám...”.

Nàng ta nói chưa hết câu, Mã phu nhân đã kêu lên một tiếng ngất xỉu ngay tại chỗ. A Châu vội gọi:

- Đệ muội, đệ muội!

Nàng lấy tay day day nơi nhân trung ở môi trên, Mã phu nhân từ từ tỉnh lại, u oán nói:

- Sao ông... sao ông lại dọa tôi?

A Châu đáp:

- Ta nào có dọa đệ muội làm gì. Gã Triệu Tiền Tôn kia quả có nói với ta, tiếc thay y chết mất rồi, nếu không ta đã gọi y tới đây đối chất. Y nói năm ngoái ngày Trung Thu giữa tháng tám, Đàm công, Đàm bà cùng hung thủ làm hại Mã huynh đệ, cùng ở nhà "đàn anh đứng đầu"...

Mã phu nhân hừ một tiếng, hỏi lại:

- Y quả thực nói vậy ư?

A Châu đáp:

- Đúng thế. Ta lại hỏi hung thủ đó là kẻ nào, y bảo là tên người đó không tiện nói ra. Ta đi hỏi Đàm công thì y cũng hầm hầm nhìn ta không nói gì cả. Đàm bà bảo: “Quả đúng như thế, chính bà ta nói với Triệu Tiền Tôn”. Ta cũng không trách Đàm công đã nổi cáu, chắc là giận vợ mình chuyện gì cũng nói cho Triệu Tiền Tôn nghe. Thế nhưng Triệu Tiền Tôn lại không chịu nói tên kẻ hung thủ cũng chỉ vì sợ liên lụy đến người tình cũ là Đàm bà.

Mã phu nhân hỏi:

- Hừm, thế thì đã sao?

A Châu nói:

- Triệu Tiền Tôn bảo là, tất cả ai ai cũng nghi Kiều Phong và Mộ Dung Phục giết chết Mã huynh đệ, còn hung thủ đích thực thì lại nhởn nhơ ngoài vòng, tiêu dao tự tại, Mã huynh đệ ở dưới suối vàng biết được ắt sẽ muôn đời không giải được nỗi oan.

Mã phu nhân nói:

- Đúng vậy, tiếc thay gã Triệu Tiền Tôn kia lại chết rồi, thế Đàm công, Đàm bà đã nói cho trưởng lão hay chưa?

A Châu đáp:

- Chưa nói mới chết chứ! Đến nước này chỉ còn cách đi hỏi "đàn anh đứng đầu" thôi.

Mã phu nhân đáp:

- Phải lắm, thế trưởng lão đi hỏi cho ra.

A Châu nói:

- Nói ra thì cũng thật tức cười, "đàn anh đứng đầu" kia là ai, nhà ở đâu, ta nào có biết.

Mã phu nhân nói:

- Ồ, hóa ra ông nói gần nói xa, vòng vo tam quốc chẳng qua chỉ để hỏi tên người "đàn anh đứng đầu".

A Châu đáp:

- Nếu bất tiện đệ muội cũng không cần phải cho ta hay làm gì, tự mình tìm cách hỏi cho minh bạch rồi cả bọn sẽ đi tìm chân hung thủ thanh toán món nợ này.

Tiêu Phong biết A Châu cố làm ra vẻ bất cần để Mã phu nhân khỏi nghi nhưng trong bụng thật là sốt ruột. Chỉ nghe Mã phu nhân lãnh đạm nói:

- Tên của "đàn anh đứng đầu" dấu ai thì dấu để Kiều Phong khỏi đi kiếm ông ta báo thù giết cha giết mẹ, còn như Bạch trưởng lão là người phe ta, tiện thiếp dấu làm gì? Người đó chính là...

Nói đến câu “Người đó chính là...” bà ta hạ giọng không nói tiếp nữa. Tiêu Phong hết sức lắng tai dường như chính tiếng tim mình đập cũng còn nghe, nhưng vẫn không thấy Mã phu nhân nói tên của "đàn anh đứng đầu" là ai, một lát sau mới nghe bà ta thở dài:

- Trăng trên trời tròn là dường ấy, sáng là dường ấy.

Tiêu Phong biết rõ trên không lúc này mây đen che phủ, làm gì có trăng nhưng cũng ngửng đầu nhìn lên, nghĩ thầm: “Hôm nay mới mồng hai, dẫu có trăng thì cũng đâu có tròn, bà ta nói thế là ý nghĩa gì?”. Lại nghe A Châu nói:

- Đến ngày rằm thì trăng thể nào chẳng tròn, chẳng sáng vằng vặc, ôi, tiếc thay Mã huynh đệ chẳng bao giờ còn được thấy trăng tròn nữa.

Mã phu nhân hỏi thêm:

- Bánh trung thu ông thích ăn bánh mặn hay bánh ngọt?

Tiêu Phong lại càng kỳ lạ, nghĩ thầm: “Mã phu nhân từ khi chồng chết tâm thần dường như bất thường”. A Châu đáp:

- Bọn chúng ta là dân ăn mày lẽ đâu lại còn đòi bánh mặn bánh ngọt? Cốt sao tìm ra chân hung thủ để báo thù cho Mã huynh đệ, nói gì bánh trung thu mà dẫu có sơn trân hải vị, ăn vào cũng có còn mùi mẽ gì nữa.

Mã phu nhân lặng yên không nói, một lúc lâu sau mới lạnh lùng đáp:

- Bạch trưởng lão hết lòng hết sức cốt sao tìm cho ra hung thủ để báo thù rửa hận cho người anh em Đại Nguyên, khiến cho tiểu nữ cực kỳ cảm kích.

A Châu đáp:

- Đó là bổn phận của chúng ta. Mấy vạn bang chúng Cái Bang có người nào không nghĩ đến mối thù này?

Mã phu nhân nói:

- Vị "đàn anh đứng đầu" kia địa vị cao sang, thanh thế cực lớn, mở miệng ra là có thể điều động vài vạn người. Ông ta lại hay bênh vực bạn bè, ông đến hỏi hung thủ là ai, chắc không chịu nói ra đâu.

Tiêu Phong mừng rỡ nghĩ thầm: “Nói gì thì nói, chuyến này mình cũng không đến nỗi công toi. Mã phu nhân dù không nói tên tuổi y ra, chỉ dựa vào một câu “địa vị cao sang, thanh thế cực lớn, mở miệng ra là có thể điều động vài vạn người”, ta cũng có thể đoán ra được là ai rồi. Trong võ lâm liệu có mấy ai được như thế?”.

Ông còn đang cố nặn óc xem người đó là ai đã nghe A Châu nói tiếp:

- Trong võ lâm, chỉ một lời có thể điều động được hàng vạn người, trước đây thì chỉ có bang chủ Cái Bang. Ồ, đệ tử Thiếu Lâm cũng khắp thiên hạ, một lời của phương trượng chùa Thiếu Lâm cũng điều động được hàng vạn người...

Mã phu nhân ngắt lời:

- Thôi ông chớ có suy đoán sằng, để tôi cho thêm một đầu mối, người đó phải đi về phía tây nam mới kiếm thấy.

A Châu trầm ngâm nói:

- Phía tây nam ư? Phía tây nam làm gì có người nào được thế? Xem ra không có ai cả.

Mã phu nhân thò ngón tay, nghe soẹt một tiếng đã đâm thủng giấy dán trên cửa sổ, ngay sát trên đầu Tiêu Phong, lại nghe bà ta nói tiếp:

- Tiểu nữ không biết võ công nhưng Bạch trưởng lão chắc đã biết rồi, trong thiên hạ ai là người công phu này giỏi hơn cả?

A Châu đáp:

- Hừm, điểm huyệt công phu ư? Phái Thiếu Lâm có Kim Cương Chỉ, họ Trịnh ở Thương Châu tỉnh Hà Bắc có Đoạt Phách Chỉ là những ngón lợi hại hơn cả.

Tiêu Phong dường như muốn kêu lên: “Sai rồi, không phải! Công phu điểm huyệt trong thiên hạ thì họ Đoàn Đại Lý là số một, huống chi bà ta đã bảo ở phía tây nam cơ mà”. Quả nhiên nghe Mã phu nhân nói:

- Bạch trưởng lão kiến thức quảng bác, sao chuyện có thế mà không nghĩ ra? Hay là vì đường xa mỏi mệt, đầu óc mụ đi mất rồi đến nỗi môn Nhất Dương Chỉ lừng lẫy như thế mà không nhớ đến?

Trong ngôn ngữ xem ra có phần mỉa mai. A Châu đáp:

- Nhất Dương Chỉ của họ Đoàn thì ta phải biết chứ, có điều họ ở Đại Lý xưng hoàng xưng đế, đã lâu nay không lai vãng với võ lâm Trung Thổ. Nếu bảo vị "đàn anh đứng đầu" kia có liên hệ với họ Đoàn xem chừng tin tức có gì sai sót.

Mã phu nhân nói:

- Họ Đoàn tuy ở ngôi chúa tể nước Đại Lý nhưng Đoàn gia đâu phải chỉ có một người, kẻ không làm vua vẫn thường lai vãng Trung Nguyên. Vị "đàn anh đứng đầu" chính là em ruột của đương kim hoàng đế, họ Đoàn tên Chính Thuần, được phong tước Trấn Nam Vương đó.

Tiêu Phong nghe Mã phu nhân nói đến ba chữ “Đoàn Chính Thuần” lập tức toàn thân chấn động, mấy tháng nay muôn dặm ruổi rong, hết lòng hết dạ tìm kiếm bây giờ mới biết được cái tên này. Lại nghe A Châu nói tiếp:

- Vị Đoàn vương gia kia quyền vị cao sang, sao lại tham dự vào chuyện ân oán giang hồ làm gì?

Mã phu nhân đáp:

- Chuyện ân oán giang hồ tầm thường thì không nói gì, Đoàn vương gia dĩ nhiên không dính dáng gì đến, nhưng nếu có liên quan đến chuyện sống chết mất còn, quốc vận thịnh suy của nước Đại Lý, ông nghĩ xem họ có tham gia hay không?

A Châu đáp:

- Thì đương nhiên là họ phải nhúng tay vào.

Mã phu nhân nói:

- Thiếp nghe Từ trưởng lão nói rằng: “Đại Tống là bức tường che cho Đại Lý ở phía bắc, Khất Đan một khi diệt xong Đại Tống rồi, thể nào cũng tính tới việc thôn tính Đại Lý. Thành thử Đại Lý và Đại Tống hai bên như răng với môi, Đại Lý không thể nào để cho Đại Tống mất về tay nước Liêu”.

A Châu đáp:

- Quả đúng như thế không sai chút nào.

Mã phu nhân nói:

- Từ trưởng lão nói rằng, năm xưa vị vương gia đó đang làm khách ở tổng đà Cái Bang, uống rượu luận kiếm với Uông bang chủ, bỗng nghe tin võ sĩ Khất Đan đang dốc tới đoạt kinh của chùa Thiếu Lâm, Đoàn vương gia nghĩa bất dung từ liền thống lãnh mọi người ra ngoài Nhạn Môn Quan chặn chúng lại, việc tuy nói là vì Đại Tống nhưng thực ra cũng vì Đại Lý.

Nghe nói vị vương gia này khi đó tuổi còn trẻ lắm nhưng võ công cao cường, đối với ai cũng cực kỳ nhân nghĩa. Ông ta ở Đại Lý chỉ dưới một người, ở trên muôn người, coi tiền bạc như rơm rác, chẳng đợi bằng hữu ngỏ lời, vài nghìn vài trăm lượng liền đưa ngay. Trưởng lão thử nghĩ xem người như thế không đứng đầu quần hùng Trung Nguyên thì còn ai? Một mai khi ông ta lên ngôi hoàng đế Đại Lý, thân phận cao quí dường ấy, người khác chỉ toàn xuất thân thảo mãng làm sao ra lệnh cho ông ta được?

A Châu nói:

- Thì ra "đàn anh đứng đầu" lại là Trấn Nam Vương nước Đại Lý, hóa ra bao nhiêu người chết chỉ để bảo vệ cho ông ta.

Mã phu nhân đáp:

- Bạch trưởng lão, chuyện cơ mật đó ông chớ có nói với ai, Đoàn vương gia và bản bang giao tình chẳng phải tầm thường, nếu như tiết lộ phong thanh thì họa không sao lường được. Tuy họ Đoàn Đại Lý uy chấn một cõi, cực kỳ lợi hại nhưng gã Kiều Phong kia quyết tâm báo thù, ẩn nhẫn chờ tám năm mười năm, Đoàn Chính Thuần cũng không dễ đối phó được đâu.

A Châu đáp:

- Đệ muội nói phải lắm, ta quyết giữ kín như bưng, không tiết lộ với ai.

Mã phu nhân nói:

- Bạch trưởng lão, tốt hơn hết ông lập một lời thề để tiện thiếp được yên tâm.

A Châu nói:

- Được, việc Đoàn công tử là "đàn anh đứng đầu" nếu như Bạch Thế Kính nói ra cho ai nghe thì sẽ phải chịu thảm họa muôn vạn nhát dao, thân bại danh liệt, mọi người cười chê.

Lời thề của nàng nghe ra thật nặng nhưng lại nói trớ ra, mở miệng toàn là đổ lên đầu Bạch Thế Kính, nếu có gì thì muôn vạn nhát dao cũng là Bạch Thế Kính, thân bại danh liệt cũng là Bạch Thế Kính, còn nàng có liên quan gì đâu. Mã phu nhân nghe thề độc như thất rất lấy làm hởi lòng hởi dạ nói:

- Thế thì được lắm.

A Châu nói:

- Vậy thì ta phải đi Đại Lý bái kiến Trấn Nam Vương, dò hỏi nghe ngóng xem Tết Trung Thu năm ngoái, ở phủ của ông ta có những khách nào là sẽ tra xét ra hung thủ giết hại Mã huynh đệ. Thế nhưng lúc này thì ta vẫn cho là Kiều Phong. Triệu Tiền Tôn, Đàm công, Đàm bà ba người dở dở ương ương nói ra chắc gì đã tin được.

Mã phu nhân đáp:

- Việc tra xét cho ra hung thủ hoàn toàn trông cậy vào Bạch trưởng lão.

A Châu đáp:

- Mã huynh đệ với ta có khác gì anh em ruột, ta thể nào cũng hết lòng hết dạ.

Mã phu nhân buồn bã nói:

- Bạch trưởng lão tình nghĩa thâm trọng như thế, vong phu ở dưới suối vàng nếu biết được hẳn là cũng cảm kích tấm lòng.

A Châu đáp:

- Đệ muội cố gắng giữ gìn, tại hạ xin cáo từ.

Nói xong bèn chia tay đi ra, Mã phu nhân nói:

- Tiểu nữ phận đàn bà đang cư tang, đêm khuya không tiện tiễn xa, xin Bạch trưởng lão thứ tội.

A Châu ra đến ngoài cửa đã thấy Tiêu Phong đợi ở xa xa, hai người nhìn nhau không nói một lời thẳng đường mà đi. Vầng trăng non chiếu xiên xiên lên con đường cũ trở về Tín Dương. Hai người sóng vai nhau, đi đến hơn bốn chục dặm Tiêu Phong mới thở ra một hơi nói:

- A Châu, đa tạ nàng.

A Châu nở một nụ cười, không nói. Tuy mặt nàng bây giờ đang hóa trang thành Bạch Thế Kính nên đầy vết nhăn nhưng từ trong khóe mắt, Tiêu Phong vẫn nhận ra nàng có vẻ lo âu liền hỏi:

- Hôm nay việc lớn đã thành, sao nàng vẫn còn không vui?

A Châu đáp:

- Thiếp nghĩ đến họ Đoàn người nhiều thế mạnh, đại ca một thân một mình đến tầm cừu quả thực muôn phần hung hiểm.

Tiêu Phong đáp:

- Ồ, thì ra nàng lo lắng cho ta. Nàng cứ yên tâm, ta ở trong tối, y ở ngoài sáng, ba năm năm năm báo thù chưa được thì như Mã phu nhân nói đó, tám năm mười năm cũng phải xong. Thể nào cũng có ngày ta chặt Đoàn Chính Thuần ra thành mười bảy mười tám miếng vứt cho chó gặm.

Ông nói đến đây không khỏi nghiến răng, trên mặt lộ ra đầy vẻ oán hờn. A Châu nói:

- Đại ca phải hết sức cẩn thận mới được.

Tiêu Phong đáp:

- Cái đó dĩ nhiên rồi. Ta có mất mạng thì cũng là chuyện nhỏ nhưng mối huyết thù của cha mẹ không trả được, có chết cũng không nhắm mắt.

Ông chậm rãi đưa tay ra nắm lấy tay nàng nói:

- Nếu ta chết về tay Đoàn công tử thì ai đưa nàng ra ngoài Nhạn Môn Quan chăn cừu thả bò đây?

A Châu đáp:

- Ôi, sao thiếp vẫn sợ lắm, dường như trong chuyện này có điều gì không ổn. Con mụ Mã phu nhân kia... mụ ta... ra vẻ băng thanh ngọc khiết nhưng sao thiếp gặp thấy tự nhiên vừa kinh sợ, vừa chán ghét.

Tiêu Phong cười nói:

- Người đàn bà đó rất là tinh minh tài giỏi, nàng sợ bà ta nhìn ra chân tướng cải trang nên trong lòng khiếp sợ đấy thôi.

Hai người về đến khách điếm trong thành Tín Dương, Tiêu Phong lập tức gọi mười cân rượu, uống một phen cho thỏa dạ, trong bụng tính toán làm cách nào để báo thù, nghĩ đến họ Đoàn Đại Lý, tự nhiên nhớ lại người em mới kết nghĩa kim lan Đoàn Dự không khỏi chột dạ, cầm chén rượu mà ngơ ngẩn xuất thần, vẻ mặt liền biến đổi.

A Châu lại tưởng ông phát giác ra chuyện gì, nhìn quanh bốn phía không thấy gì lạ, hạ giọng hỏi nhỏ:

- Đại ca, có chuyện gì thế?

Tiêu Phong giật mình nói:

- Không... không có gì cả.

Ông nâng chén lên uống một hơi cạn sạch nhưng rượu vừa đến cổ họng bỗng dưng sặc một cái ho sù sụ, bao nhiêu rượu phun ra ướt cả bâu áo. Tửu lượng của ông hiếm ai sánh kịp, nội công lại thâm hậu nay sặc rượu phải ọc ra là điều chưa từng có. A Châu kinh hãi thầm nhưng không tiện hỏi.

Nàng có biết đâu Tiêu Phong đang uống rượu bỗng chợt nhớ đến hôm trước nơi thành Vô Tích cùng Đoàn Dự uống thi, đối phương sử dụng khí công thượng thừa Lục Mạch Thần Kiếm, đem bao nhiêu rượu chảy dồn ra đầu ngón tay hết cả. Thần công nội lực như thế, Tiêu Phong biết mình không thể bì kịp. Đoàn Dự rõ ràng không biết võ công, nội công đã ghê gớm đến thế rồi, kẻ đại đối đầu kia là nhân vật thủ não của họ Đoàn Đại Lý, nếu so với Đoàn Dự chắc hẳn phải ghê gớm gấp mười, mối thù cha mẹ kia làm sao trả được?

Ông có biết đâu Đoàn Dự gặp may mà được thần công, có cái duyên ngẫu nhiên hút nội lực người khác, chỉ riêng nội lực thì chàng ta đã hơn cha không biết bao nhiêu lần, còn công phu Lục Mạch Thần Kiếm, trên đời ngoài Đoàn Dự ra không một người thứ hai nào có thể sử dụng được tất cả. A Châu và Tiêu Phong đều quen biết Đoàn Dự rất thân nhưng họ Đoàn là quốc tính nước Đại Lý, chẳng khác gì họ Triệu bên Đại Tống, họ Lý bên Tây Hạ, họ Gia Luật bên nước Liêu, trong nước có đến hàng nghìn hàng vạn, Đoàn Dự trước nay chưa đề cập mình là vương tử nước Đại Lý, A Châu và Tiêu Phong có ngờ đâu anh chàng lại là con vua cháu chúa.

A Châu tuy không rõ trong bụng Tiêu Phong nghĩ gì nhưng cũng đoán được chắc hẳn ông ta vì việc trả thù mà lo nghĩ liền nói:

- Đại ca, việc báo thù nào phải chỉ một ngày một buổi. Chúng mình tính toán rồi hãy hành động, dẫu cho địch đông mà ta ít, không thắng được bằng sức không lẽ không biết dùng trí hay sao?

Tiêu Phong trong bụng thấy vui, nghĩ đến A Châu lanh lợi khôn ngoan, quả là một tay phù trợ rất đắc lực, lập tức rót ngay một chén khác uống một hơi cạn sạch rồi nói:

- Mối thù cha mẹ, không đội trời chung. Để báo mối thù này việc gì phải để ý tới qui củ đạo nghĩa giang hồ, thủ đoạn ác độc cách mấy cũng chẳng chừa. Đúng thế, không thắng được bằng sức thì chúng mình dùng trí.

A Châu lại tiếp:

- Đại ca, ngoại trừ mối thù thân sinh phụ mẫu, lại còn món nợ máu của cha nuôi mẹ nuôi đại ca là ông bà Kiều lão, món nợ máu của sư phụ đại ca là Huyền Khổ đại sư.

Tiêu Phong vỗ lên bàn một cái, lớn tiếng nói:

- Phải đó, oán thù trùng trùng, nào chỉ có một mối đâu?

A Châu nói:

- Khi đại ca học nghệ nơi Huyền Khổ đại sư, tuổi hẳn còn nhỏ nên học chưa hết những nội công tinh diệu của phái Thiếu Lâm, nếu không thì dù Nhất Dương Chỉ của họ Đoàn Đại Lý có lợi hại thế nào chăng nữa cũng chưa chắc đã hơn được Dịch Cân Kinh của Đạt Ma lão tổ. Thiếp từng nghe Mộ Dung lão gia bàn luận võ công thiên hạ, nói là võ công lợi hại nhất của họ Đoàn Đại Lý là Nhất Dương Chỉ và cái gì đó tên là Lục Mạch Thần Kiếm.

Tiêu Phong nhíu mày đáp:

- Đúng vậy, Mộ Dung tiên sinh là một kỳ nhân trong võ lâm, đã nói gì ra hẳn phải rất có cơ sở. Ta vừa rồi lo âu, không phải vì Nhất Dương Chỉ mà là vì Lục Mạch Thần Kiếm.

A Châu nói:

- Hôm đó Mộ Dung lão gia và công tử bàn luận võ công thiên hạ, thiếp ở bên cạnh pha trà, nghe được mấy câu. Mộ Dung lão gia nói: “Bảy mươi hai môn tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm, môn nào cũng có chỗ tinh diệu, muốn khắc địch chế thắng thì một tuyệt kỹ cũng đủ đâu cần phải tới bảy mươi hai môn”.

Tiêu Phong gật đầu:

- Mộ Dung tiền bối luận thật đúng.

A Châu nói tiếp:

- Khi đó Mộ Dung công tử mới nói: “Đúng thế, mợ Vương và biểu muội cứ khoe khoang mình biết nhiều võ công thiên hạ, tuy có rộng thật nhưng không tinh thì có dùng được việc gì đâu?”. Mộ Dung lão gia nói: “Nói đến chữ tinh, đâu phải dễ dàng? Thực ra tuyệt học chân chính của phái Thiếu Lâm thì chỉ có một bộ Dịch Cân Kinh, luyện xong bộ kinh này thì dù võ công tầm thường cách mấy vào tới tay mình cũng biến được cái tồi tệ thành ra thần kỳ”.

Căn cơ vốn sẵn, nội lực lại hùng cường thì dù chiêu số tầm thường cũng có uy lực cực kỳ to lớn, điểm đó Tiêu Phong đã biết từ lâu nên hôm trước ở Tụ Hiền Trang một mình đấu với quần hùng, ông chỉ dùng một pho Thái Tổ trường quyền hội chiến với hảo hán thiên hạ khiến cho dù cao nhân hạng nhất cũng đều thúc thủ bái phục. Lúc này ông nghe A Châu nhắc lại lời Mộ Dung tiên sinh, không khỏi hứng chí uống luôn hai chén nữa nói:

- Quả là hiểu được bụng ta! Quả là hiểu được bụng ta! Tiếc thay Mộ Dung tiên sinh đã qua đời rồi, nếu không thể nào Tiêu Phong cũng sẽ tới trang để gặp vị kỳ nhân trong thiên hạ này.

A Châu tủm tỉm cười:

- Mộ Dung lão gia khi còn tại thế trước sau không tiếp khách bên ngoài, nhưng đại ca phải là một biệt lệ.

Tiêu Phong ngẩng lên mỉm cười, ông biết câu “đại ca phải là một biệt lệ” có hàm ý là: “Chàng là người yêu của thiếp, Mộ Dung tiên sinh phải coi chàng khác người thường”. A Châu bắt gặp ánh mắt của Tiêu Phong, thẹn thùng cúi đầu, tuy bẽn lẽn nhưng trong lòng ngầm sung sướng.

Tiêu Phong lại uống thêm một chén nữa hỏi:

- Khi Mộ Dung lão gia qua đời, tuổi cũng chưa già lắm, phải không?

A Châu đáp:

- Khoảng chừng trên dưới năm mươi, chưa thể gọi là già.

Tiêu Phong nói:

- Ồ, ông ta nội công thâm hậu, tuổi năm mươi chính là thời kỳ võ công tuyệt đỉnh, không hiểu tại sao đột nhiên qua đời?

A Châu lắc đầu nói:

- Lão gia bị bệnh gì đó mà mất, chúng tôi không ai biết cả. Ông ta chết rất nhanh, buổi sáng sinh bệnh, đến chiều đã thấy công tử khóc rống lên, đi ra thông tri cho mọi người là lão gia dã từ trần.

Tiêu Phong nói:

- Ồ, không biết bị cấp chứng gì, thật tiếc, thật tiếc! Tiếc thay Tiết Thần Y không ở gần bên, nếu không bằng giá nào cũng phải mời ông ta đến cứu mạng cho Mộ Dung tiên sinh.

Ông ta và Mộ Dung công tử tuy chưa từng biết nhau, chỉ nghe người khác nói về ngôn ngữ cử chỉ của hai cha con, không khỏi thầm khâm phục, nay lại có thêm A Châu có uyên nguyên nên càng cảm thấy thân thiết.

A Châu lại tiếp:

- Hôm đó Mộ Dung lão gia bàn về Dịch Cân Kinh với công tử. Ông ta nói: “Bộ Dịch Cân Kinh của Đạt Ma lão tổ ta chưa từng thấy, thế nhưng cứ như đạo lý võ học mà suy, phái Thiếu Lâm sở dĩ được nổi tiếng cũng chính từ pho Dịch Cân Kinh ấy mà ra. Bảy mươi hai tuyệt kỹ không dám nói là không lợi hại, thế nhưng bảo nhờ vào đó mà lãnh tụ quần luân, đứng đầu võ học thiên hạ thì quả là chưa xứng”. Lão gia lại răn dạy công tử là đừng ỷ vào võ học tổ truyền mà coi thường đệ tử Thiếu Lâm, trong chùa đã có quyển kinh ấy thì ắt có tăng nhân thiên tư dĩnh ngộ hiểu thông được.

Tiêu Phong gật đầu khen phải, nghĩ thầm: “Họ Cô Tô Mộ Dung danh mãn thiên hạ, vậy mà không cuồng vọng tự đại, quả là khó thay”. A Châu nói:

- Lão gia lại bảo rằng, bình sinh ông không võ học nào trong thiên hạ không ngó qua, chỉ chưa được biết Lục Mạch Thần Kiếm Phổ của họ Đoàn Đại Lý và Dịch Cân Kinh của phái Thiếu Lâm, quả là đáng tiếc lúc cuối cuộc đời. Đại ca, nếu như Mộ Dung lão gia đã đặt hai môn võ công này ngang nhau, cứ thế mà suy, muốn đối phó với Lục Mạch Thần Kiếm của họ Đoàn thì phải có Dịch Cân Kinh của chùa Thiếu Lâm trong tay. Nếu như ta ăn trộm được Dịch Cân Kinh từ Bồ Đề Viện của chùa Thiếu Lâm sau đó bỏ ra vài năm luyện tập thì dẫu có Lục Mạch Thần Kiếm hay Thất Mạch Quỉ Đao gì ta cũng chẳng coi vào đâu.

Nàng nói đến đây, trên mặt hiện ra một nụ cười kỳ bí. Tiêu Phong nhảy dựng lên, cười nói:

- Tiểu quỉ đầu, hóa ra nàng... nàng...

A Châu cười nói:

- Đại ca, thiếp ăn trộm được bộ kinh đó đem ra, vốn định trao cho công tử, để cho công tử xem rồi sẽ đốt trước mồ lão gia để cho thỏa tâm nguyện người quá cố. Hiện nay đương nhiên là đưa cho đại ca rồi.

Nói xong từ trong bọc lấy ra một chiếc bao vải dầu, để vào tay Tiêu Phong. Tối hôm đó chính Tiêu Phong thấy nàng hóa trang thành nhà sư Chỉ Thanh, ăn trộm cuốn kinh từ trong tấm gương đồng của Bồ Đề Viện, đâu có ngờ đó chính là Thiếu Lâm bí cập Dịch Cân Kinh. A Châu bị quần hào bắt được ở Tụ Hiền Trang, mọi người nghĩ nàng là phận nữ nhi nên không tra xét trên người cô ta, thành thử các cao tăng chùa Thiếu Lâm như Huyền Tịch, Huyền Nạn dù có nằm mơ cũng không biết được là cuốn kinh bản tự bị mất đang ở trong tay nàng.

Tiêu Phong lắc đầu nói:

- Nàng chịu mạo hiểm, mười phần chết chín mới lấy được cuốn kinh này từ trong chùa Thiếu Lâm ra, bản ý để cho Mộ Dung công tử, ta làm sao lại chiếm lấy làm của mình được?

A Châu đáp:

- Đại ca nói thế là không phải rồi.

Tiêu Phong lạ lùng:

- Sao nàng lại bảo là ta không đúng?

A Châu đáp:

- Bộ kinh này là do tự ý thiếp đi ăn trộm về, nào có phải phụng mệnh công tử mà làm đâu. Thiếp thích cho ai thì cho người đó. Huống chi sau khi đại ca coi rồi, mình lại đưa cho công tử cũng chưa muộn kia mà. Mối thù cha mẹ, không đội trời chung. Để trả được mối thù này dù phải dùng thủ đoạn ác độc, hèn hạ xấu xa cách mấy cũng chẳng chừa, huống chi chỉ là mượn một bộ kinh coi, có gì đâu mà phải dùng dằng dúng dắng?

Mấy câu nói đó khiến Tiêu Phong cảm thấy như được cảnh tỉnh, quay sang nàng vái một vái thật sâu nói:

- Hiền muội trách cứ thật đúng, việc đại sự đâu có nề gì tiểu tiết.

A Châu dẩu môi cười:

- Đại ca vốn dĩ là đệ tử Thiếu Lâm, dùng võ công phái Thiếu Lâm để rửa thù cho ân sư Huyền Khổ chính là hợp tình hợp lý, có gì là không phải đâu nào?

Tiêu Phong luôn mồm khen phải, trong lòng hết sức cảm kích, lại thêm vui sướng, liền cầm chiếc bao giấy dầu mở ra xem, chỉ thấy một cuốn sách mỏng giấy đã vàng, ngoài bìa viết những chữ loằng ngoằng kỳ lạ. Ông kêu thầm: “Không xong rồi!”. Mở trang đầu ra xem, thấy trong đó viết đầy những chữ, nhưng những chữ đó xiên xiên xẹo xẹo, chữ thì hình tròn, chữ thì hình móc, đến nửa chữ cũng không đọc được.

A Châu kêu lên “Ôi chao!” một tiếng nói:

- Thì ra viết bằng chữ Phạn, thật không may. Thiếp vốn dĩ định thiêu bản văn này trước mồ lão gia nên không định tâm xem trước, thành ra lấy được kinh văn, tới nay chưa hề mở ra xem. Ôi, thảo nào mấy ông thầy chùa thấy võ công bí cập bị trộm mà cũng chẳng lấy gì làm tiếc, hóa ra chẳng ông nào đọc được kinh thư...

Nói xong nàng thở dài một tiếng, cực kỳ thất vọng. Tiêu Phong an ủi:

- Việc đời đắc thất, cũng chẳng nên quá để tâm.

Ông bỏ quyển Dịch Cân Kinh trở vào trong bao, gói kỹ lại trả cho A Châu. A Châu nói:

- Đại ca cứ giữ lấy thì đã sao? Không lẽ mình còn phân biệt của ta của người nữa hay sao?

Tiêu Phong mỉm cười, bỏ chiếc bao vào trong túi. Ông lại rót một bát rượu toan uống, đột nhiên ngoài cửa có tiếng chân người, ai đó kêu rống lên. Tiêu Phong hơi cảm thấy kỳ quái, vội bước ra cửa, thấy trên đường có một đại hán người đầy những máu, hai tay cầm hai chiếc búa, chém trên chém dưới múa lung tung.

1 Đương niên lang tòng kiều thượng quá, Muội tại kiều bạn tẩy y sam...

2 Đúng nghĩa là gập đầu gối, nay có nhiều người hiểu sai là có điều cần dấu diếm

3 một tông phái Phật giáo Trung Quốc dựa trên kinh Diệu Pháp Liên Hoa và phép tu thiền Chỉ Quán bao gồm chú tâm coi mọi pháp đều là không nhưng mọi pháp đều có một dạng tồn tại tạm thời, giả tướng và có chức năng nhất định.

4 Ơn huệ để lại (dùng trong văn chương)

5 Vạn vật nhất bàn, Chúng sinh bình đẳng. Thánh hiền súc sinh, Nhất thị đồng nhân. Hán nhân Khất Đan, Diệc huyễn diệc chân. Ân oán vinh nhục, Câu tại khôi trần.

6 Vì việc nghĩa không thể ngồi yên

7 Nếu việc xảy ra ba mươi năm trước, theo chính sử thì Bảo Định Đế lúc đó chưa lên ngôi mà thời kỳ đó là đời vua Hiếu Đức Đoàn Tư Liêm (Bảo Định Đế làm vua 15 năm rồi xuất gia nhường ngôi cho Trung Tông