Phê ngả ngửa người trên chiếc bàn gỗ lớn đặt trước bàn thờ. Thầy Hai Tưng thở hổn hển, trải cơn thỏa mãn của mình trên cơ thể trần truồng của Phê. Bất thình lình, Phê chộp hai cánh tay đang bấu chặt vào thành bàn của mình vào lưng thầy Hai Tưng khiến thầy Hai Tưng khẽ giật mình.
- Nói tui nghe, Thiên Linh cái là gì?
Thầy Hai Tưng khẽ cựa người. Phê không thể nhìn thấy cái cau mày của thầy, càng không nhận ra hơi thở thầy đứt quãng lấy vài giây. Phê cứ thế, lặng yên đợi chờ, cánh tay vẫn siết chặt thầy Hai Tưng vào mình.
- Tại sao Phê lại muốn hỏi về Thiên Linh cái? - Thầy Hai Tưng trải câu nói của mình trôi qua tai Phê.
Phê bất giác muốn cười, cười vì thầy Hai Tưng nay đã thôi không còn gọi Phê là cô Tư theo cái vị trí ai cũng phải thừa nhận Phê là vợ của Tư Càng. Cái cảm giác nửa muốn cười nửa phải nhịn vì biết đây không phải là lúc để cười khiến Phê trở nên khựng lại trước thầy Hai Tưng. Thấy Phê không nói không rằng, thầy Hai Tưng khẽ ngóc đầu dậy, hỏi:
- Mà, tại sao lần trước không hỏi, giờ lại hỏi?
- Vì lần trước chưa muốn biết, giờ thì muốn biết! - Phê khẽ đẩy thầy Hai Tưng ra, nghiêng người qua tìm quần áo.
Thầy Hai Tưng cũng đứng dậy, chỉnh tề lại quần áo của mình, nói trong lúc Phê đang mặc lại áo:
- Tui nghĩ Phê đã biết về Thiên Linh cái!
Phê thoáng dừng tay, cười nhạt:
- Biết, chắc gì đã đúng!
- Một loại thuật dùng để kiểm soát tính chung thủy của con người.
Phê cười lớn:
- Sự thủy chung cũng kiểm soát được, sao?
- Phê tin hay không thì tùy.
- Nghĩa là…
- Nghĩa là sẽ khiến người ta chỉ chung thủy với một người, không tơ tưởng đến người khác nữa!
- Làm như thế nào?
- Chuyện đó Phê không cần phải hỏi.
- Ủa, tui cũng phải biết nó như thế nào chứ! Nói không không sao được, thầy? - Tiếng thầy cuối cùng, Phê kéo dài ra, theo cái kiểu cứa vào lòng thầy Hai Tưng.
Thầy Hai Tưng khẽ thở ra, cố không để thành tiếng, cố không để Phê nhận ra hơi thở của mình dài hơn bất thường:
- Phê muốn ai thì tui làm. Ngoài Phê ra, người ta sẽ không bao giờ nghĩ tới người khác nữa?
Phê thẫn người. Phê hoang mang. Có thật linh nghiệm đến thế không? Có thật khi người ta can thiệp mọi thứ bằng tà thuật thì người ta có thể giữ người mình yêu cho mình mãi mãi? Thấy Phê không trả lời, thầy Hai Tưng lom lom nhìn qua, gặng hỏi:
- Phê muốn tui làm để chú Tư Càng không đi Sài Gòn bia ôm nữa hả?
Phê quay lại, nhìn thầy Hai Tưng - nhìn sâu vào trong mắt thầy - nhìn lâu đến độ có thể khẳng định rằng, thầy Hai Tưng rồi cũng như tất cả những đàn ông khác - không thể chống cự lại cái uy quyền toát ra từ sắc đẹp của Phê. Thầy Hai Tưng càng không! Như Tư Càng vậy! Khi đã ân ái với Phê, khi đã nghiện cái tiếng ư ử rên, khi đã nghiện từng thớ thịt ướp mùi da thịt đàn bà nhiều nhu cầu và đầy kinh nghiệm, sẽ không thể nào thoát khỏi sự khuất phục vô hình ấy.
Khi biết chính xác những gì mình cần hỏi từ cái nhìn toát ra hết sự phụ thuộc từ người đàn ông đẹp và bí ẩn ấy, Phê thản nhiên mỉm cười:
- Không phải Tư Càng!
Thầy Hai Tưng thoáng bất ngờ! Thầy Hai Tưng thoáng hy vọng! Hình như vậy! Rồi, nhanh như cắt, mọi thứ lại chìm vào lặng im nặng nề. Chắc chắn câu trả lời không phải như thầy đang mong. Vẫn phải hỏi tới:
- Không phải chú Tư, vậy là ai?
- Thầy sẽ giúp tui chứ? - Phê nói rất chậm, rất nhẹ và đầy vẻ thị uy.
- Ừ! Ai?
- Tuần!...
° ° °
Bà hàng xóm sồn sồn nhìn Tho đang ngập ngừng nhìn lên chòi thầy Hai Tưng. Bà tiến đến, nhẹ nhàng hỏi:
- Con Tho đó hả bây? Đi đâu lâu nay biệt tăm vậy con?
Tho khẽ giật mình, quay lại, nhìn bà hàng xóm giờ đã thành nửa lạ, nửa quen với Tho. Nhìn thẳng vào gương mặt điểm trang son phấn kỹ càng của Tho, bà thốt lên:
- Chèng đéc ơi! Bây đi mấy tháng đẹp dữ à! Con Phê giờ xách dép chạy theo bây không kịp.
- Dì! - Tho mỉm cười, nhẹ nhàng chào theo cái kiểu lễ phép vẫn còn giữ lại được cho mình.
- Mà, bây tính lên trên đó chi vậy? - Bà hàng xóm hướng mắt lên chòi thầy Hai Tưng đang hắt ánh đỏ phía trên triền đồi.
Tho không trả lời, cúi đầu lặng im. Bà hàng xóm tỏ ra như hiểu chuyện:
- Thằng Tuần mà vậy á hả? Tưởng bây với nó thương nhau lâu thì nó sẽ…
Tho cúi gằm mặt, nhoẻn miệng cười nụ cười khó hiểu - nụ cười tuyệt không thể người đàn bà kia thấy - rồi từ tốn ngẩng lên, mắt ngấn nước:
- Có nhiều chuyện cũng khó nói, hả dì?
Người đàn bà gật lia lịa. Trong sâu xa trong lòng bà, bà thật thấy xốn xang. Tho đẹp vầy, ai tưởng Tho rồi cũng phải đi xin bùa Thiên Linh về mà giữ chồng. Đời, kiểu thấy con người ta khổ như mình, đau hơn mình là kiểu dễ nhất để người ta thấy hạnh phúc mà! Bà nhanh nhảu trả lời, theo cái kiểu làm ơn không cần nhận lại:
- Đi đi, bây cứ lên thẳng đó. Bên hông có cái lỗ dưới hàng rào, bây chui qua…
- Cái gì? Chui lỗ chó hả dì? - Tho ngơ ngác.
Người đàn bà khẽ cúi xuống, nhớ tới cái cảm giác ngượng ngùng khi thay áo bà ba đỏ trước mặt thầy Hai Tưng đêm nọ, bà thấy còn chút ngượng ngùng. Ngượng, cả vì cảm giác rằng thầy Hai Tưng đang nhìn mình. Ngượng với cái suy nghĩ, không biết thầy Hai Tưng sắp làm gì. Mà, cũng có thật, nhưng chỉ là… nghĩ tới đó, bà ta rùng mình cái, ngước lên nhìn Tho:
- Quy định chỗ thầy là vậy!
Tho lặng im, ái ngại nhìn trở lại phía đồi nơi có căn lều của thầy Hai Tưng. Người đàn bà nói thêm câu nữa rồi bỏ đi:
- Mấy bữa có bà câm chỉ đường, dạo này không thấy, bây cứ lên thẳng đó, chui qua rồi gõ cửa là vô thôi! Đi đi, hiệu nghiệm lắm!...
Nhìn theo bóng người hàng xóm lớn tuổi của mình khuất dần giữa cái u tịch của đêm, Tho thở hắt ra, dấn bước chân về phía triền đồi. Tiếng nói quen thuộc trôi qua gáy Tho như mọi khi nó vẫn trôi:
- Đừng Tho! Đừng!
° ° °
Tho đứng bên trong hàng rào, phủi phủi chiếc áo đã dính đầy đất của mình, khó chịu vì mùi tanh nồng của đất xộc thẳng vào mũi. Giọng thầy Hai Tưng đều đều, trầm trầm vọng ra từ trong lều:
- Ai đó?
Tho dừng tay, không phủi áo nữa, lừng khừng bước lại chỗ cửa túp lều tối hù hù, khẽ khọt:
- Dạ con là Tho, ở dưới làng lên, thầy!
- Có gì không, cô Tho?
- Dạ, con lên lạy nhờ thầy chút chuyện.
- Cô vô trong này đi!
Tho đẩy cửa bước vào. Căn phòng tối tăm, ẩm mốc cùng ánh đỏ khiến Tho khẽ rùng mình. Thầy Hai Tưng vẫn ngồi xoay lưng ra ngoài, mắt đăm đăm nhìn lên bàn thờ, không buồn quay đầu lại:
- Cô Tho lên tìm thầy có chuyện gì?
- Con nghe người ta nói…
- Cô Tho lên vì mấy lời đồn đại à? - Thầy Hai Tưng có vẻ phật ý.
Tho luýnh xuýnh xua xua tay, dẫu Tho thừa biết, thầy Hai Tưng không quay lại để mà nhìn thấy bàn tay Tho đang lia lịa xua.
- Không phải! Dạ không phải!... Tại… tại…
- Tại gì?
- Tại con khổ quá, biết thầy giúp được, lên lạy thầy giúp giùm con.
- Cô Tho khổ gì, nói thầy nghe!
- Dạ…
Thầy Hai Tưng quay hẳn lại, đứng dậy, thong dong kéo ghế và chậm rãi ngồi xuống, xỉa tay ra chiếc ghế đối diện, nói nhanh:
- Cô Tho ngồi đi rồi nói!
Tho bước ngập ngừng tiến lại chỗ chiếc ghế thầy Hai Tưng vừa chỉ, vừa ngồi xuống, vừa ấp úng nói:
- Con lên thành phố làm việc, mà… mà…
- Mà sao, cô Tho? - Thầy Hai Tưng nhướng mày, vẻ chờ đợi.
- Mà chồng con không để con yên ổn làm, cứ… cứ lên biểu về, rồi… rồi…
- Chú ở nhà không tin cô, ghen tuông hử?
Tho sáng mắt lên, như thể vừa tìm thấy được ánh sáng thoát ra khỏi căn hầm tối bị giam giữ bấy lâu, gật lia lịa.
- Dạ đúng rồi, thầy!
- Không biết cô Tho… - thầy Hai Tưng khẽ chép miệng, ngừng một lát - có biết rõ thầy luyện gì không?
- Dạ, Thiên Linh cái!
- Vậy cô Tho biết, Thiên Linh cái để làm gì?
- Dạ… dạ… để người ta chung thủy với nhau!
- Ủa - thầy Hai Tưng nhướng nhướng mày - cô đã biết là để giữ chung thủy, tìm tới thầy để thầy giãn ra, sao thầy làm được?
Tho đứng phắt dậy, chắp tay sá lia lịa vào chỗ thầy Hai Tưng vẫn đang bình thản ngồi nhìn Tho, đắm đuối vì cái vẻ sắc sảo ánh rõ lên qua màu đèn đỏ.
- Con biết chỉ thầy giúp được con!
- Thôi được rồi, cô Tho cứ từ từ. Mà, sao cô Tho không yên ổn ở nhà với chồng?
- Cuộc sống nghèo hèn… chó lắm thầy!
Thầy Hai Tưng thoáng bất ngờ vì câu Tho vừa nói, thầy nhìn chằm chặp Tho. Biết mình lỡ lời, Tho bụm miệng, thầy Hai Tưng cười, xua tay ngang mặt một cái:
- Không sao! Thầy hiểu! Cô Tho ngồi đi chớ! Đứng hoài à?
Tho ngượng ngùng ngồi xuống trở lại chiếc ghế, nhìn thầy Hai Tưng, chờ đợi…
- Giờ là cô Tho muốn thầy giãn chú nhà ra, để cô Tho yên tâm lên Sài Gòn làm việc, hở?
- Dạ, thầy!
- Chú nhà tên gì, cô Tho? - Thầy Hai Tưng nói, tỉnh bơ như tất cả mọi thứ đều xa lạ với thầy.
- Dạ, Tuần!...