ột bầy nữ gia nhân tíu tít xung quanh ba chiếc kiệu công đang trực sẵn trên sân chính khu dinh thự, đứa thì phủ gấm lên đệm, đứa chất các ấm nước trà và các hộp bánh nướng vào trong kiệu. Bực mình vì cái vui phù phiếm của đám gia nhân, quan án sát đi thẳng đến chỗ viên giám quận đang đứng tranh luận với người đội trưởng phu kiệu. Họ tất cả là mười hai người ngồi xổm ở chân tường, mặc đồng phục áo cộc nâu, thắt lưng to màu đỏ, trông cũng bảnh choẹ ra phết. Viên giám quận cho quan án sát biết cuộc họp thơ ở thư viện đã kết thúc. Các khách được mời ai nấy đã trở về buồng của mình thay xống áo, quan tri huyện cũng thế.
Quan án sát trở về phòng riêng. Ông kéo chiếc ghế bành ra sát cửa sổ, mệt mỏi ngồi xuống. Khuỷu tay đặt vào bàn tay trái, cằm tỳ lên nắm tay phải, ông ủ rũ nhìn ra mảnh vườn lổn nhổn đất đá, im lìm trong nắng chiều nhợt nhạt.
Những tiếng kêu ngắn dài trên cao làm ông ngửa mặt nhìn lên. Một đàn ngỗng trời đang lặng lẽ sải cánh giữa không trung xanh biếc bao la. Mùa thu đã thực sự đến rồi!
Cuối cùng ông đứng dậy, vào phòng mặc chiếc áo dài màu tím thẫm hôm trước ông vẫn mặc vừa mặc áo vừa mải miết suy nghĩ. Trong lúc đội chiếc mũ trùm cao bằng vải thẫm hồ bột cứng, ông nghe ngoài sân trước có tiếng giày đinh. Đoàn lính hộ tống đã đến. Như vậy có nghĩa là đã đến lúc phải lên đường. Đi qua sân chính quan án sát gặp Lỗ Huynh. Người Đào Huyệt mặc chiếc áo dài xanh đã phai màu, ngang lưng buộc sợi dây gai, chân đi dép rơm, tay cầm gậy, đầu gậy lủng lẳng một bọc quần áo. Hai người cùng đi với nhau đến bậc thềm đá hoa cương trước ngôi biệt thự chính. Quan tri huyện, ông viện sĩ và thi sĩ triều đình đã tề tựu ở đây, áo gấm xênh xang. Người Đào Huyệt lên tiếng báo cho mọi người biết bằng cái giọng cộc lốc của ông:
- Đừng ai để ý đến cách ăn mặc của tôi! Khi nào đến ngôi đền trên bờ vực tôi sẽ thay bộ khác. Tôi sẽ mặc một chiếc áo đẹp nhất ở trong cái bọc này.
- Dù áo quần của ông thế nào, trông ông vẫn cứ đồ sộ, Lỗ Huynh ạ! – Viện sĩ vui vẻ nhận xét. – Tôi với ông Trương sẽ đi với nhau. Chúng tôi còn phải thanh toán nốt những chỗ bất đồng quan điểm về văn học.
- Các ông cứ việc đi trước, – Người Đào Huyệt nói, – tôi sẽ đi bộ đến sau.
- Không được đâu, Lỗ Huynh ạ! – Quan tri huyện phản đối. – Đường khó đi lắm và…
- Tôi biết. Nhưng tôi leo trèo đã quen rồi. Tôi đã từng đi những con đường còn tồi tệ hơn thế nữa kia, – Người Đào Huyệt bác ý kiến của quan tri huyện. – Tôi thích cảnh núi non, thích sự rèn luyện. Tôi chỉ nói qua thế thôi, ông đừng lo cho tôi ở dọc đường…
Dứt lời, nhà sư cứ thế bước đi, gậy vác trên vai.
- Nào, bây giờ ông sẽ ngồi cùng kiệu với tôi chứ, ông Địch? – Quan tri huyện nói với quan án sát. – Cô Dược Lan sẽ ngồi chiếc kiệu thứ ba cùng với bà hầu phòng của đệ nhất phu nhân của tôi, bà ấy đi theo để chăm sóc cô. Thưa ngài, tôi xin thân chinh rước ngài lên chiếc kiệu đi đầu – quan tri huyện nói với viện sĩ.
Ông bước xuống các bậc đá hoa cương, theo sau là viện sĩ và thi sĩ triều đình. Ba mươi lính hộ tống nhất loạt giơ vũ khí chào khi họ đi qua.
Lúc quan tri huyện và quan án sát sắp bước lên kiệu thì thấy nữ thi sĩ xuất hiện trên bậc thềm trong bộ áo dài bằng lụa trắng mềm mại mỏng tang, vạt áo vờn gót chân sau mỗi bước đi, ngoài khoác áo cánh gấm màu xanh biếc điểm hoa trắng lấp lánh như ánh bạc tạo cho người đàn bà ấy những đường nét lộng lẫy duyên dáng. Mái tóc tết thành búi cao trên đỉnh đầu một cách rất điêu luyện, gài trâm bạc, đỉnh búi tóc lấp lánh những sợi dây kim tuyến bằng vàng dát đính kim cương. Một bà gia nhân có tuổi mặc áo dài thường màu xanh đi theo nữ thi sĩ.
- Ông có trông thấy tà áo dài màu xanh và những chiếc trâm cài đầu kia không, ông Địch? – Quan tri huyện bực bội hỏi quan án sát sau khi đã ngồi yên vị vào chiếc ghế trong kiệu. – Toàn là những thứ bà đệ nhất phu nhân của tôi cho cô ta đấy, ông ạ! Cuộc họp thơ vừa rồi kết thúc mau quá. Ông viện sĩ và ông Trương có vẻ hơi ngập ngừng không muốn nói thẳng quan điểm của họ đối với những bài thơ của tôi. Cả Người Đào Huyệt cũng chả cần che giấu thái độ chán ngán của ông ta. Người đâu đến là khó tính! Phải công nhận Dược Lan đã nêu ra một hoặc hai ý kiến gì đó nhận xét rất xác đáng. Sao mà người đàn bà ấy có cái lưỡi sắc sảo thế! Còn việc tìm hiểu, theo ý kiến của ông, xem các vị ấy ở đâu trong thời gian xảy ra vụ án đại tướng Mạc, tôi đã làm không có gì khó khăn lắm. Khi tôi bóng gió gợi vấn đề ra, xem chừng chỉ có ông viện sĩ là sốt sắng hơn cả. Ông ấy nói thời gian đó quan ngự sử có mời ông ấy đến để hỏi ý kiến về toàn bộ tình hình của địa phương, ông thử hình dung xem. Ông Trương Lan Bài lúc đó cũng về địa phương để điều đình với các nông dân đang bất bình với gia đình ông ấy. Gia đình ông ấy chiếm một nửa đất đai trồng trọt của toàn huyện. Trương có dự các phiên toà xử đại tướng Mạc nhưng chỉ là quan sát tấn trò đời về những dục vọng của con người. Dù sao thì đó cũng là điều do chính ông tự nói ra và khẳng định. Lỗ Huynh thì nói toàn chuyện về đề tài Phật giáo ở một ngôi chùa cổ trong tỉnh. Tôi đã không thành công việc khêu gợi xem họ có mặt ở vùng hồ trong thời gian Dược Lan bị bắt giữ không. Việc cô gái giữ miếu Cáo Đen ông đã giải quyết đến đâu rồi ông Địch?
- Cô gái chết vì bệnh dại rồi. Chắc là bị cáo dại truyền bệnh vì lúc nào cô ta cũng vuốt ve chúng, để chúng liếm cả vào mặt. Nên…
- Thế thì đáng buồn quá, ông Địch ạ!
- Rất đáng buồn, bởi vì hiện giờ chúng ta chẳng còn ai để…
Câu nói của quan án sát bị cắt ngang bởi những tiếng cồng huyên náo.
Đoàn kiệu đi từ khu dinh thự đã đến cổng chính của toà án. Đi đầu là một tốp mười hai cảnh sát trong đó có bốn người cầm dùi gõ vào những cái cồng bằng đồng. Những người khác cầm sáo và biển sơn son viết chữ thếp vàng: “TOÀ ÁN TẦN HOÀI”. “DẸP ĐƯỜNG”. Một vài tấm biển có cắm nến để khi quay về trời tối thắp lên cho sáng. Cánh cổng sắt nặng nề mở ra. Đoàn kiệu tiến ra ngoài phố, cảnh sát đi đầu, theo sau là ba chiếc kiệu thong dong, mỗi bên mười lính hộ tống. Sau cùng là một chục lính cảnh vệ trang bị võ khí đến tận răng. Đám đông dân chúng mặc quần áo ngày hội nhốn nháo dạt ra thành một lối cho đoàn kiệu đi qua. Nhiều lần họ hô to: “Quan tri huyện vạn tuế!” Quan án sát hài lòng ghi nhận một bằng chứng mới về sự được lòng dân của vị quan đồng nghiệp. Ra khỏi dãy phố buôn bán, bầu không khí đã yên tĩnh trở lại, quan án sát mới nói tiếp câu chuyện đang nói dở với quan tri huyện:
- Đệ định dùng Hoàng Liên để nhận dạng người chúng ta định tìm. Nhưng cái chết của cô gái là một đòn trời giáng vào chúng ta, bác Lã ạ, bởi vì trong tay đệ không còn một mảy may chứng cứ nào nữa. Nhưng đệ vẫn tin thủ phạm là một trong ba vị khách quý của quan bác. Một trong ba vị đó phải là bố của Hoàng Liên và chính lão đã giết người anh cùng mẹ khác cha của cô, đúng như đệ đã nói với quan bác sau khi đến nhà bà bác ruột của Hoàng Liên trở về. Bây giờ đệ có thể nói thêm rằng cũng chính ông ta đã giết Tiểu Phượng, cô bé vũ nữ.
- Trời ơi! – Tri huyện Lã kêu lên. – Nói cách khác, tôi…
Quan án sát giơ tay ra hiệu cho quan tri huyện đừng nói nữa.
- Khốn nỗi sự phát hiện của tôi chẳng giúp được gì cho quan bác cả nếu như chúng ta không chứng minh được người đó cụ thể là ai. Quan bác hãy nghe đệ thử tóm lược lại toàn bộ tình hình xem sao. Tất nhiên là bắt đầu từ cái chết của Tiểu Phượng vừa xảy ra ngày hôm qua. Sau đó, đến vụ giết hại phó bảng Tống xảy ra ngày hôm kia, rồi cũng phải tính đến vụ án đại tướng Mạc xảy ra cách đây mười tám năm. Sau hết, cần đề cập đến vụ đứa hầu gái bị giết ở đền Bạch Hạc. Cứ như thế ta lần lượt giải quyết tất cả các bài toán trong bối cảnh và thời gian chính xác của nó.
Được rồi, chúng ta bắt đầu từ vụ án cô vũ nữ. Vấn đề chính là Tiểu Phượng đã chạm trán với bố Hoàng Liên trên đường cô ta đến miếu hoang. Cuộc chạm trán lúc đó không có gì đặc biệt khiến cô vũ nữ phải quan tâm vì cô chưa hề biết ông ta là ai. Cho đến chiều hôm qua, Dược Lan cùng với Tiểu Phượng đến xem phòng tiệc, nơi mình sắp biểu diễn thì tình cờ lại gặp ông ta và lần gặp gỡ này dĩ nhiên làm cô vũ nữ để ý. Trước đó cô đã cho nữ thi sĩ biết cô sẽ múa điệu “Phượng hoàng bay lượn giữa các đám mây đỏ tía”, điệu vũ hay nhất của cô. Nhưng cuộc gặp gỡ chớp nhoáng với ba vị khách của quan bác trong đó có bố Hoàng Liên đã làm cô vũ nữ đột ngột thay đổi dự kiến. Cô quyết định thay điệu vũ rất nhuần nhuyễn và là một thành đạt nghệ thuật thực sự của cô bằng điệu vũ “Đoản khúc cáo đen”, một điệu vũ cô chưa bao giờ múa ra mắt trước công chúng, vì thế không có cả bản nhạc đệm chính xác, phải mượn quyển sách chép nhạc của Tống mà đệ đang giữ.
- Trời ơi! – Quan tri huyện thốt lên. – Cô vũ nữ lại gặp ở đây cái tên lạ mặt mà cô ta đã gặp lần đầu khi đi đến miếu hoang ư?
- Đúng thế! Cô vũ nữ gặp lại ông ta là nhớ ngay. Còn ông ta thì giả câm giả điếc làm như chưa hề gặp cô bao giờ. Nhưng kìa, cô vũ nữ sắp làm cho ông ta nhớ lại bằng điệu vũ “Đoản khúc cáo đen”. Sau tiết mục múa đầu tiên, lúc các cô vũ nữ uống chung một cốc rượu vang với các vị khách theo tục lễ cổ truyền, Tiểu Phượng đã ghé vào tai ông ta nói nhỏ rằng cô biết ông ta là bố người con gái thân tàn ma dại Hoàng Liên! Và nhân cơ hội này, cô vũ nữ đã đưa ra những yêu sách của cô. Vốn là một cô gái có nhiều tham vọng, lại rất chuyên tâm đến nghệ thuật, đệ giả thiết là cô ta ngỏ ý với Triệu hoặc Trương dìu dắt để dần dà đưa cô ta vào chốn cao sang ở kinh đô, ngoài ra có thể cô ta còn đòi hỏi một khoản tiền trợ cấp hàng tháng kha khá là đằng khác. Nếu thuộc trường hợp Người Đào Huyệt thì cô ta sẽ yêu cầu ông này nhận cô làm bố đỡ đầu để sự nghiệp nghệ thuật của cô ta có được những nhân vật tai to mặt lớn có thế lực nâng đỡ! Đây là một vụ doạ phát giác thuần tuý và đơn giản!
Quan án sát ngừng một lát, vuốt râu, rồi thở dài nói tiếp:
- Cô vũ nữ là một cô gái rất thông minh nhưng vẫn không đánh giá hết được những hậu quả sẽ đến với mình. Ngay sau khi gặp lại Tiểu Phượng, con người ấy đã rắp tâm tìm lối thoát bằng cách giết cô ta vào bất cứ lúc nào điều kiện khách quan cho phép. Lúc bắn pháo hoa là lúc thích hợp nhất để ông ta thực hiện ý định, như đệ đã phân tích với quan bác tối hôm qua. Chính trên cơ sở những lý lẽ đó mà đệ vẫn giữ nguyên ý kiến rằng thủ phạm là một trong ba vị khách của quan bác, bác Lã ạ.
- Tôi yên tâm nhận thấy Dược Lan là người đứng ngoài cuộc, – quan tri huyện thốt lên. – Đúng, chúng ta còn mù tịt chưa biết ai là thủ phạm trong số ba vị khách đó, nhưng như thế ông cũng đã cứu vãn được sự nghiệp của tôi rồi, tiên sinh ạ, vì rằng bây giờ tôi có thể thảo tờ trình với tất cả những nhận xét thực tâm của mình về cái chết của cô vũ nữ như một việc không dính líu gì đến cô nữ thi sĩ! Việc đó dẫn tôi có cảm ơn ông đến bao nhiêu cũng không đủ, tôi…
Câu nói của quan tri huyện đứt đoạn vì tiếng hô hiệu lệnh và những tiếng vũ khí va chạm nhau. Đoàn kiệu đang rời khỏi thành phố qua Cửa Tây.
Quan án sát tranh thủ nói nốt những ý kiến phân tích của ông:
- Thứ hai là vụ phó bảng Tống. Khi xảy ra sự việc của ông bố, anh ta mới lên năm tuổi và ngay sau đó lại được đưa về kinh đô sống với ông cậu. Chúng ta không thể phán đoán chính xác được từ bao giờ và bằng cách nào anh ta lại phong thanh biết bố mình bị xử oan. Đệ giả thiết là anh ta đã biết điều đó thông qua câu chuyện ngoại tình của mẹ mình hoặc cũng có thể khi anh ta lớn lên, người cậu ruột hay một người bà con nào đó đã nói cho anh ta biết. Theo bà bác ruột Tống thì anh ta không về Tần Hoài thăm bà một lần nào. Bằng cách này hay cách khác Tống đã biết Hoàng Liên là kết quả cuộc dan díu giữa mẹ anh và một người nào đó. Chính vì vậy vừa đặt chân đến đây Tống đã tìm cách liên lạc với cô em gái cùng mẹ khác cha. Cũng thời gian ấy, Tống đã tìm trong các hồ sơ lưu trữ những kết luận về vụ án bố anh. Hoàng Liên chưa nói gì với Tống về người bố thỉnh thoảng vẫn đến thăm cô. Ngược lại, cô gái đã nói hết chuyện chàng phó bảng với ông bố, chuyện Ái Viên đến Tần Hoài để tìm cách đưa vụ tố giác bố mình ra ánh sáng công lý, chuyện Ái Viên thuê nhà của ông Minh và… thế là người bố đó đã tìm đến nhà ông Minh giết Tống!
Quan tri huyện lúc này có vẻ tin một cách tuyệt đối. Ông nói:
- Tiếp đó, ông Địch ạ, hắn đã lục lọi chỗ ở của Tống để tìm các giấy tờ tài liệu liên quan đến tội trạng của hắn. Chàng phó bảng có thể đã tìm được những lá thư của đại tướng Mạc hoặc mẹ anh ta viết để lại. Các cơ quan có thẩm quyền đã tịch thu toàn bộ gia sản của đại tướng nhưng biết đâu trong gia đình ông ta chẳng có người còn giữ được những thư từ trong túi áo họ đang mặc, biết đâu đấy!
- Những cái đó, bác Lã ạ, chúng ta chỉ có thể biết chắc khi tên giết người đã lộ rõ tung tích và chúng ta đã thu thập được khá nhiều chứng cớ để thẩm vấn hắn. Hiện giờ đệ chưa biết làm cách nào để đạt tới đó. Trước khi đề cập vấn đề này, đệ muốn trao đổi ý kiến với quan bác một điểm thứ ba: lá thư tố giác nữ thi sĩ tội đánh chết đứa hầu gái. Quan bác có thấy gì ở hai lá thư nặc danh đệ đưa cho quan bác xem không?
- Tôi chẳng thấy có gì quan trọng ở đó cả ông Địch ạ. Xem nội dung của cả hai lá thư đều do người có học vấn uyên thâm thảo ra. Chính ông cũng biết những tiêu chuẩn có thể hình dung được hay mỗi sự kiện có thực trong đời sống tư duy và hành động mà mọi nhà học giả đều coi đó như những mẫu mực cần phải dùng cho đúng chỗ. Nếu cũng nội dung ấy mà một người kém học thức viết thì ý tứ câu cú văn phạm ta sẽ thấy nó khác hẳn, nhất định là như vậy. Ta có thể nhận ra dễ dàng những thiếu sót trong ngôn ngữ. Nhưng trong trường hợp này, tôi chỉ có thể nêu lên chỗ giống nhau giữa hai lá thư là việc sử dụng một vài giới từ. Đó là điều duy nhất tôi cho phép tôi nghĩ rằng hai lá thư do một người viết! Tôi lấy làm tiếc, chỉ có thế thôi, ông Địch ạ!
- Bây giờ làm thế nào có được những lá thư gốc là hay nhất! – Quan án sát thốt lên. – Đệ dần đã được học khoa chiết tự. Phân tích nét chữ của những lá thư chẳng có gì là khó! Có lẽ đệ phải bỏ ra một ngày lên kinh đô. Đệ tin rằng toà án chính quốc sẽ cho chúng ta mượn hai lá thư gốc!
Quan tri huyện bứt rứt đưa tay lên kéo chòm ria:
- Ông cần gì những lá thư ấy hả ông Địch? Sáng suốt như ông thiếu gì cách để kết luận ai là kẻ sát nhân trong ba vị khách của tôi kia chứ? Trời ơi! Tên tội phạm ấy lại có thể sống một cuộc sống thò lò hai mặt như vậy ư? Chắc ông cũng phải nhận ra một vài điểm khác ý gì đó trong lúc nói chuyện với họ hay là trong…
Quan án sát lắc đầu nguây nguẩy:
- Đệ chẳng nhận ra cái gì cả, bác Lã ạ, mà chỉ nhận thấy chúng ta chẳng có chút hy vọng nào! Bài toán cơ bản của chúng ta là thủ phạm trong ba vị thượng khách. Nhưng khốn nỗi các vị ấy đều là những nhân vật xuất chúng, mà chúng ta thì không thể áp dụng những chuẩn tắc xét hỏi thông thường để xem xét hành vi và phản ứng của họ được. Quan bác cần phải thấy điều đó! Ba người đó vượt xa chúng ta cả về kiến thức, tài năng và kinh nghiệm sống, đấy là đệ chưa nói đến cương vị rất cao mà họ đang ngự trị lên đời sống xã hội! Trực tiếp thẩm vấn họ, có nghĩa là cả quan bác và đệ cùng húc đầu vào thảm hoạ! Các phương sách của chúng ta trông chờ vào những thủ đoạn tinh ranh khôn khéo trong nghề nghiệp, đã hoàn toàn trở thành vô dụng! Họ có trí thông minh đặc biệt, bác Lã thân mến ạ, họ rất tự chủ, lại lõi đời. Trong đó phải kể đến ông viện sĩ hàn lâm, một con người dày dạn kinh nghiệm hơn chúng ta nhiều về phương diện hình sự! Chúng ta sẽ chỉ mất công toi nếu cứ cố tình định loè hay định doạ để hòng làm cho ông ta nhụt chí.
- Nói thật, ông Địch ạ, – quan tri huyện nói với vẻ sầu não, – tôi vẫn không thể nào chịu nổi ý nghĩ rằng lại có một trong ba nhà đại tri thức ấy bị tình nghi là kẻ giết người! Làm sao có thể tưởng tượng được những nhân vật vĩ đại như vậy lại nhúng tay vào một việc hèn hạ và bỉ ổi đến thế!
- Chúng ta cũng chỉ mới giả thiết như vậy thôi, – quan án sát so vai đáp. – Chẳng hạn tôi giả thiết về ngài viện sĩ, một con người đã nếm trải đủ thứ mùi đời và đã chán ngấy tất cả những gì cuộc sống bình thường có thể phơi bày ra trước mắt ông ta. Bởi vậy, ông ta phải đi tìm những cảm giác mới lạ. Đệ lại giả thiết về ông thi sĩ triều đình. Ông này ngược lại, rõ ràng đang hối tiếc vì đã trót sống theo lối buông thả phó thác, cho nên cuối cùng mới nhận ra thơ của mình toàn là rỗng tuếch, chẳng có một chút giá trị nào cả! Một con người mang tâm trạng bị tước đoạt như vậy rất có thể bột phát những hành vi liều lĩnh đến mức làm cho chúng ta kinh ngạc nhất! Còn giả thiết về Lỗ Huynh thì chính quan bác đã nói với đệ rồi đấy. Trước khi ông ta đã từng áp bức dã man các tá điền của nhà chùa thuộc quyền ông ta cai quản. Hiện nay nhìn bề ngoài, ông ta đã thay đổi, đã chọn con đường xa lánh trần tục, tách mình khỏi cái thiện và cái ác. Thái độ đó thực chất là một thái độ rất nguy hiểm! Những điều đệ giả thiết trên đây là một vài suy nghĩ vừa nảy ra trong óc, bác Lã ạ. Trên thực tế, mọi việc sẽ phức tạp hơn nhiều.
Quan tri huyện gật đầu đồng ý. Ông nhón một nhúm mứt trong cái giỏ, bỏ vào miệng nhấm nháp. Quan án sát muốn rót một chén trà nhưng ấm trà để dưới gầm ghế, lại thêm vừa đúng lúc đó kiệu nghiêng hẳn đi một cách nguy hiểm. Ông kéo tấm màn che cửa sổ. Thì ra đoàn kiệu đang đi vào một đoạn đường núi gập ghềnh hiểm trở, hai bên toàn những cây thông thân nhỏ nhưng cao vút, mọc rậm rạp. Quan tri huyện cầm khăn vừa lau tay vừa nói:
- Những phương pháp thẩm tra theo lối cũ không còn hiệu nghiệm nữa, ông Địch ạ. Ít ra là đối với những người bị tình nghi như Triệu và Trương. Cả hai ông ấy đều nói với tôi tối hôm kia tức là đúng tối hôm chàng phó bảng bị giết rằng các ông ấy đi ngủ sớm. Nhưng ông cũng biết là, tửu quán của thành phố rất rộng, khách đông nghìn nghịt. Tất cả các loại quan chức ra vào như mắc cửi, liên tục suốt ngày đêm. Như vậy, thử hỏi làm sao mà kiểm soát được sự đi lại của họ. Huống hồ họ lại chủ động đề phòng người khác theo dõi thì càng khó hơn nữa! Hôm ấy, ông có biết Người Đào Huyệt ở đâu không?
- Chẳng làm trò trống gì được. Ai cũng có thể tự do ra vào một ngôi đền bất cứ giờ nào. Thực tế đệ cũng đã làm như vậy. Hơn nữa, con đường tắt từ đó đến Cửa Đông, nơi ông buôn trà ở, rất kín đáo! Bây giờ Hoàng Liên chết rồi! Đệ sợ chúng ta đang đi vào ngõ cụt, quan bác ạ!
Cả hai vị quan đều im lặng, mặt mày ủ rũ. Quan án sát xoè các ngón tay ra chải chòm râu má. Một lúc lâu ông nói:
- Đệ vừa nghĩ đến không khí bữa ăn tối hôm qua. Theo quan bác thì bốn vị khách, kể cả nữ thi sĩ Dược Lan, họ đối với nhau có thực sự thân ái không? Đệ thấy họ đối với nhau lịch sự nhưng dè dặt, thân mật nhưng khách sáo. Thỉnh thoảng họ đưa ra những câu bông đùa gượng gạo. Một cuộc họp văn chương, thành viên toàn những trình độ đạt đến tuyệt đỉnh của sự vinh quang mà có ý kiến rất rời rạc, gò bó! Đôi khi đệ thấy họ cố ngoái nhìn lại dĩ vãng của họ một chút rồi vội vàng lẩn tránh. Ai mà biết được họ nghĩ về nhau như thế nào? Những ký ức tình yêu hay thù hận nào ràng buộc họ với nhau? Trong ba người đàn ông, không ai để lộ những cảm xúc thật của mình. Riêng nữ thi sĩ thì có hơi khác. Bà ta biểu lộ tính hồn nhiên và hăng say. Sáu tuần lễ chịu đựng thử thách trong nhà tù đã gây xúc động mạnh đối với nữ thi sĩ. Vậy mà suốt buổi tối hôm qua chỉ có hai lần bà ta để lộ tâm trạng. Một lần đệ thấy gương mặt bà ta rất căng thẳng trong một thoáng ngắn ngủi…
- Có phải cái lúc cô ta đọc bài thơ “Vui họp mặt” phải không?
- Phải rồi, đúng đấy! Đệ thấy bà ta có vẻ yêu quan bác lắm, bác Lã ạ, Đệ hoàn toàn tin rằng bà ta sẽ không bao giờ làm bài thơ ấy nếu như không ở trong một trạng thái xúc động và căng thẳng đến quên cả sự có mặt của quan bác lúc đó. Lần thứ hai là lúc chúng ta ra ban công xem pháo hoa. Bà ta đến gần quan bác để xin lỗi và thanh minh về bài thơ rằng bà ta làm bài thơ ấy là để dành cho một người trong số ba vị khách của quan bác.
- Được nghe ông nói điều đó, tôi rất lấy làm sung sướng, – quan tri huyện cay đắng đáp. – Quả thật, những lời lẽ mạnh mẽ trong bài thơ của cô ta đã làm tôi khó chịu và càng khó chịu hơn vì thấy nó rất hay. Nó thuộc dạng thơ ứng khẩu không có chuẩn bị, ông ạ.
- Quan bác bảo sao nhỉ? Xin lỗi bác Lã, đệ đang mải suy nghĩ về hai lá thư nặc danh. Nếu các lá thư ấy là do một người viết thì như thế có nghĩa là một trong ba vị khách của quan bác rất căm ghét Dược Lan, căm ghét đến mức muốn thấy bà ta chết trên giá treo cổ! Một lần nữa, chúng ta hãy quay trở lại vấn đề mấu chốt: ai trong số ba người? Được rồi, đệ hứa với quan bác sẽ trao đổi ý kiến vụ đền Bạch Hạc với nữ thi sĩ. Hy vọng tối nay sẽ có dịp nói chuyện với bà ta. Đệ sẽ dẫn dắt câu chuyện đến những lá thư nặc danh và sẽ kín đáo quan sát phản ứng của các vị khách, đặc biệt là của Dược Lan. Nhưng cũng xin thú nhận với quan bác rằng chính đệ cũng chẳng trông mong gì ở việc làm này!
- Ông nói thế làm tôi vững dạ quá đấy, ông Địch ạ! – Quan tri huyện hờn mát rồi ngả người trên ghế đệm, hai tay vắt chéo để trên bụng.
Một lúc sau, đường đi lại bẳng phẳng và kiệu dừng lại trong những tiếng ồn ào hỗn độn.
Mọi người bước ra khỏi kiệu và thấy mình đứng trước một bãi đất bằng phẳng, xung quanh có những cây thông rất to bao bọc. Màu xanh thẫm của lá đã tạo cho nơi đây cái tên vách đá Lục Bảo Ngọc. Xa hơn một chút, sát bờ vách đá là một mái đình cong cong. Ngôi đình để trống cả bốn phía, cột làm bằng những cây gỗ đồ sộ để mộc không quét sơn. Vách đá đổ thẳng đứng xuống một vực thẳm. Từ đáy vực, hai ngọn núi đã vươn lên sừng sững trước mặt, một cao ngang với mái đình, một cao hơn hẳn nổi bật trên nền trời có những sọc mây đỏ thẫm. Ở một góc khác của bãi đất, có một ngôi đền nhỏ lấp ló sau những cành thông cổ thụ. Trước mặt ngôi đền, những khay bán thực phẩm đều đóng kín trong dịp quan tri huyện đến thăm. Nhưng những người đầu bếp của quan tri huyện đã đặt ở đấy hai bếp lò ngoài trời. Các gia nhân ai nấy đều bận rộn xung quanh những chiếc bàn, chân bằng mẻ kê dưới các góc cây. Tốp lính cảnh sát và các viên chức toà án đang ăn uống lấy lại sức quanh những chiếc bàn đó. Phu kiệu và khu khuân vác sẽ đảm đương phần thức ăn và rượu vang còn lại của họ.
Lúc quan tri huyện đi đến chiếc kiệu thứ nhất đón viện sĩ hàn lâm và thi sĩ triều đình, thì cái bóng lôi thôi lếch thếch của Người Đào Huyệt cũng vừa tới nơi. Nhà sư vén tất cả các vạt áo lên giắt vào sợi dây gai buộc ngang lưng để hở hai cẳng chân cuồn cuộn bắp thịt và lông mọc tua tủa. Bọc quần áo vắt vẻo trên vai theo kiểu nông dân.
- Trông ông có vẻ một nhà ẩn sĩ thực thụ, Lỗ Huynh ạ! – Viện sĩ hàn lâm nói to. – Nhưng thuộc loại ẩn sĩ sống bằng những cái khác chứ không phải bằng quả thông và những giọt sương!
Nhà sư béo phệ cười gượng nhẹ cả những chiếc răng xỉn và khấp khểnh, rồi cứ thế đi về phía ngôi đền. Quan tri huyện dẫn khách theo một lối mòn phủ đầy quả thông đến bậc đá cạnh ngôi chùa.
Quan án sát đi sau cùng. Ông để ý thấy thiếu ba người lính ở chỗ bọn họ đang ăn uống. Thì ra ba người lính đó đang ngồi xổm dưới gốc cây thông lớn giữa mái đình và ngôi đền. Họ đều đội mũ cứng có chóp nhọn, lưng đeo kiếm. Quan án sát nhận ra người trung sĩ mà ông có lần trông thấy ở khu toà án. Họ là những người làm nhiệm vụ áp giải nữ thi sĩ. Uy tín và quyền hạn của quan tri huyện chỉ có tác dụng bảo lãnh cho nữ thi sĩ trong phạm vi nhà ở của ông. Còn hiện giờ bà ta đã ra khỏi nhà ông, thì những người lính áp giải lại phải đảm đương trách nhiệm canh gác tù nhân của họ. Thực tế nếu để xảy ra chuyện gì đối với người nữ tù phạm, chắc chắn đời họ sẽ đi đứt. Nghĩ đến nỗi lo lắng của họ giữa lúc đồng đội đang ăn uống no say, quan án sát lại rùng mình.