Thế giới của Sophie

Chương 8: Socrates

… người uyên bác nhất là người biết rằng mình không biết…

Sophie mặc một chiếc váy mùa hè rồi vội vã xuống bếp. Mẹ cô đang đứng cạnh bàn bếp. Sophie quyết định không đã động gì đến chiếc khăn lụa.

“Mẹ đã mang báo vào chưa ạ?” Cô hỏi.

Mẹ cô quay lại.

“Con lấy cho mẹ nhé!”

Sophie chạy ào ra cửa, chạy đến chỗ hộp thư.

Chỉ toàn báo. Có lẽ còn quá sớm để nhận được thư trả lời. Trên trang nhất, cô đọc thấy tin về quân đội Na Uy trong lực lượng của Liên hợp quốc ở Lebanon.

Lực lượng của Liên hợp quốc… có phải đó là dấu bưu điện trên tấm bưu thiếp của bố Hilde? Nhưng tem lại là tem Na Uy. Có lẽ quân đội Na Uy đã đem theo cả bưu điện của mình.

“Bây giờ con lại quan tâm đến báo chí cơ đấy!” mẹ cô nói một cách tỉnh bơ khi cô quay vào bếp.

May mà trong bữa sáng và suốt ngày hôm đó, mẹ cô không nói gì thêm về chuyện thư từ nữa. Khi mẹ đi chợ, Sophie chui vào hốc, mang theo lá thư về Số mệnh. Cô ngạc nhiên nhìn thấy một chiếc phong bì nhỏ màu trắng bên cạnh cái hộp thiếc đựng các lá thư khác của nhà triết học. Sophie dám chắc mình không đặt nó ở đó.

Chiếc phong bì cũng bị ẩm quanh mép. Và nó có mấy lỗ nhỏ như cái cô nhận được hôm trước.

Nhà triết học đã đến đây chăng? Ông ta biết về chỗ trốn bí mật của cô sao? Tại sao chiếc phong bì bị ẩm?

Tất cả những câu hỏi đó làm cô chóng mặt. Cô bóc thư và đọc.

Sophie thân mến, tôi đã rất thích thú khi đọc lá thư của em. Rất tiếc là tôi phải làm em thất vọng vì tôi không thể nhận lời mời. một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp mặt, nhưng có lẽ sẽ còn lâu trước khi tôi có thể thân hành đến Khúc ngoặt của Thuyền trưởng.

Tôi phải nói thêm rằng từ nay tôi sẽ không thể trực tiếp mang thư đến. Về lâu dài sẽ rất rủi ro. Những lá thư sau sẽ được liên lạc viên bé nhỏ của tôi đem đến. Ngoài ra, chúng sẽ được mang thẳng đến nơi bí mật trong vườn.

Em có thể tiếp tục liên hệ với tôi khi cần. Khi đó, em đặt một chiếc phong bì hồng tại đó với một chiếc bánh quy hay một mẩu đường bên trong. Nếu liên lạc viên bé nhỏ tìm thấy, lá thư sẽ được mang thẳng đến cho tôi.

TB. Thật không hay khi từ chối lời mời uống cà phê của một cô gái trẻ. Nhưng đôi khi cần phải làm như vậy.

TTB. Nếu em tình cờ tìm thấy một cái khăn lụa đỏ ở đâu đó, nhờ em giữ gìn cẩn thận. Đôi khi đồ đạc cá nhân bị lẫn lộn, đặc biệt trong trường học và những nơi tương tự. Và đây là một trường triết học.

Thân mến, Alberto Knox.

Sophie đã sống gần trọn 15 năm và đã nhận được khá nhiều thư, ít ra là vào kỳ Giáng sinh hay trong dịp sinh nhật. Nhưng đây là lá thư kỳ cục nhất mà cô từng nhận được.

Nó không có tem bưu điện, không được đặt vào hộp thư mà được đem thẳng đến nơi tối mật của Sophie trong bờ giậu cũ. Chuyện nó bị ẩm giữa thời tiết mùa xuân khô ráo cũng bí ẩn chẳng kém.

Điều kỳ lạ nhất tất nhiên là chiếc khăn lụa. Chắc hẳn nhà triết học còn có một học trò khác. Học trò đó đã đánh mất một chiếc khăn lụa đỏ. Đúng. Nhưng làm thế nào mà cô ta lại để mất nó dưới gầm giường của Sophie?

Còn Alberto Knox… tên gì nghe kỳ cục!

Có một điều đã được khẳng định: mối liên hệ giữa nhà triết học và Hilde Møller Knag. Nhưng còn chuyện chính bố của Hilde mà lại nhầm lẫn địa chỉ hai người thì hoàn toàn không thể hiểu được.

Sophie ngồi suy nghĩ hồi lâu về chuyện Hilder có thể liên quan đến cô như thế nào. Cuối cùng, cô bỏ cuộc. Nhà triết học đã viết rằng một ngày nào đó cô sẽ gặp ông. Có thể cô cũng sẽ gặp cả Hilde.

Cô lật lá thư và thấy mặt sau cũng có chữ:

Có sự thẹn thùng tự nhiên hay không?

Người uyên bác nhất là người biết rằng mình không biết.

Sự thấu hiểu đến từ bên trong.

Người hiểu lẽ phải sẽ hành động đúng.

Sophie hiểu những câu ngắn trong chiếc phong bì trắng có dụng ý để cô chuẩn bị cho chiếc phong bì to sẽ đến sau đó. Cô bỗng này ra một ý tưởng. Nếu “liên lạc viên” đến cái hốc để giao bức thư màu nâu, Sophie chỉ cần ngồi đợi anh ta. Hay đó là con gái? Cô nhất định sẽ giữ lấy người đó cho đến khi cậu ta chịu kể cho cô nghe về nhà triết học! Lá thư viết: “liên lạc viên nhỏ bé”. Đó là một đứa bé chăng?

“Có sự thẹn thùng tự nhiên không?”

Sophie hiểu “thẹn thùng” có nghĩa là sự xấu hổ, chẳng hạn vì bị người khác nhìn thấy trong tình trạng không quần áo. Nhưng xấu hổ về chuyện đó có phải là cảm giác tự nhiên không? Nếu cái gì đó là tự nhiên thì nó phải giống nhau đối với tất cả mọi người, Sophie nghĩ. Ở nhiều vùng trên thế giới, khỏa thân là một điều hoàn toàn tự nhiên. Do vậy, chắc hẳn xã hội là cái quyết định ta có thể làm gì và không thể làm gì. Khi bà còn trẻ, chắn chắn người ta không thể để ngực trần tắm nắng. Nhưng ngày nay, đo số mọi người cho rằng như thế là “tự nhiên”, tuy điều đó vẫn bị cấm ngặt ở nhiều nước. đây có phải là triết học không nhỉ? Sophie tự hỏi.

Câu tiếp theo là: “Người uyên bác nhất là người biết rằng mình không biết”.

Uyên bác hơn ai? Nếu nhà triết học muốn nói rằng người hiểu rằng mình không biết tất cả mọi thứ trên đời uyên bác hơn người nào chỉ biết chút ít nhưng lại tưởng rằng mình biết rất nhiều - à thì chẳng khó gì mà không đồng ý. Trước kia, Sophie chưa bao giờ suy nghĩ đến điều này. Nhưng càng nghĩ, cô càng thấy rõ ràng rằng biết rằng mình không biết cũng chỉ là một loại kiến thức. điều ngu ngốc nhất mà cô từng biết đó là khi người ta làm như thể mình biết tất cả về những điều mà họ hoàn toàn chẳng biết tí gì.

Câu tiếp theo nói rằng sự thấu hiểu đến từ bên trong. Nhưng chẳng phải mọi kiến thức đều đi vào đầu ta từ bên ngoài sao? Mặt khác, Sophie có thể nhớ những khi mẹ cô hoặc các thầy cô giáo ở trường cố gắng dạy cô điều gì đó mà cô không thấm được. Và mỗi khi cô thực sự học được điều gì khi chính cô đã tham gia vào nó theo một nghĩa nào đó. Thậm chí, thỉnh thoảng cô bất chợt hiểu ra một điều mà trước đó cô hoàn toàn mờ tịt. có thể đó là cái mà người ta gọi là “sự thấu hiểu” từ bên trong.

Từ đầu đến giờ đều ổn cả. Sophie cho rằng cô đã hoàn thành khá tốt ba câu hỏi đầu tiên. Nhưng câu còn lại thì kỳ cục đến mức cô không nhịn được cười: “người hiểu lẽ phải sẽ hành động đúng.”

Có phải như thế có nghĩa rằng khi một tên cướp vào cướp nhà băng thì đó là do hiểu biết của hắn chỉ được đến thế? Sophie không cho là vậy.

Ngược lại, cô nghĩ rằng cả trẻ con lẫn người lớn đều làm những việc ngu ngốc mà sau đó họ có thể sẽ hối hận chính là vì họ đã làm dù biết như vậy là không đúng.

Trong khi ngồi suy nghĩ, cô nghe thấy tiếng sột soạt trong bụi cây khô ở phía bờ giậu gần rừng. Đó là người đưa tin chăng? Tim cô bắt đầu đập rộn lên. Nghe như có một con thú đang đến gần, nó đang thở hổn hển.

Lát sau, một con chó to nòi Labrador sục vào hốc. nó thả chiếc phong bì to màu nâu đang ngậm trong mõm xuống chân Sophie. Tất cả xảy ra nhanh đến nỗi Sophie không kịp phản ứng. Một giây sau, cô ngồi với chiếc phong bì trên tay, còn con Labrador màu vàng đã phong về phía khu rừng.

Khi tất cả đã qua, cô òa khóc.

Cô ngồi như vậy một lúc lâu, mất hết khái niệm về thời gian.

Rồi cô chợt ngẩng lên.

Vậy ra đó là liên lạc viên quý hóa của ông ta! Sophie thở phào nhẹ nhõm. Tất nhiên, vì vậy mà phong bì bị ẩm quanh mép và có những cái lỗ nhỏ. Tại sao cô lại không nghĩ ra nhỉ? Bây giờ, thật dễ hiểu về chuyện bỏ một chiếc bánh quy hay một mẩu đường vào phong bì khi cô muốn gửi thư cho nhà triết học.

Không phải lúc nào cô cũng có thể thông minh được như cô muốn, nhưng ai mà đoán được liên lạc viên lại là một chú chó cơ chứ! Nói một cách nhẹ nhàng thì chuyện này hơi khác thường. Cô từ bỏ ý định ép liên lạc viên tiết lộ thông tin về chỗ ở của Alberto.

Sophie bóc chiếc phong bì to và bắt đầu đọc.

Triết học thành Athens

Sophie thân mến! Khi đọc bức thư này, có lẽ em đã gặp Hermes. Nếu chưa, tôi xin nói thêm rằng đó là một chú chó. Đừng lo, nó rất hiền và hơn nữa còn thông minh hơn khá nhiều người. Trong bất cứ trường hợp nào, nó không bao giờ ra vẻ khôn ngoan hơn là nó vốn có.

Có lẽ em cũng thấy rằng tên của nó không phải không có ý nghĩa.

Trong thần thoại Hy Lạp, Hermes là người đưa tin của các vị thần. Đây còn là vị thần của những người đi biển, nhưng ta không quan tâm đến chuyện đó, ít nhất là bây giờ. Điều quan trọng hơn là tên của Hermes được dùng trong từ "hermetic", nghĩa là bị che giấu hay không tới được. Không phải là không thích hợp với cách Hermes giữ cho chúng ta giấu mặt đối với nhau.

Vậy là liên lạc viên đã được giới thiệu. Tất nhiên, chú ta hiểu khi nghe gọi tên và tóm lại là rất ngoan.

Nào, ta quay lại với triết học. Chúng ta đã hoàn thành phần đầu của khóa học. Ý tôi muốn nói đến các nhà triết học tự nhiên và sự đoạn tuyệt có tính chất quyết định của họ đối với bức tranh thần thoại về thế giới. Bây giờ ta sẽ gặp ba nhà triết học cổ điển vĩ đại: Socrates, Plato và Aristotle. Các triết gia này, mỗi người đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền văn minh châu Âu theo cách của mình.

Các nhà triết học tự nhiên còn được gọi là các triết gia tiền Socrates, vì họ sống trước thời của Socrates. Mặc dù Democritus chết sau Socrates vài năm, nhưng tất cả các tư tưởng của ông vẫn thuộc về triết học tự nhiên tiền Socrates. Socrates đại diện cho một thời kỳ mới về cả địa lý lẫn thời gian. Ông là người đầu tiên trong các nhà triết học vĩ đại sinh ra ở Athens, cả ông và hai người kế tục đều sống và làm việc ở đây. Em có lẽ còn nhớ là Anaxagonas cũng sống ở Athens một thời gian nhưng đã bị đuổi đi vì ông cho rằng Mặt Trời là một khối đá nóng đỏ. (Socrates cũng phải chịu số phận không hơn gì).

Từ thời của Socrates, Athens là trung tâm của văn hóa Hy Lạp. Cần lưu ý sự thay đổi về đặc điểm của chính các nghiên cứu triết học khi nó tiến triển từ triết học tự nhiên đến Socrates. Nhưng trước khi gặp Socrates, ta hãy nghe một chút về các Học giả - những người ngự trị trên sân khấu Athens thời Socrates.

Kéo màn, Sophie! Lịch sử của các tư tưởng cũng giống như một vở kịch nhiều màn.

Con người ở vị trí Trung tâm

Sau những năm 450 trước Công nguyên, Athens trở thành trung tâm văn hóa của thế giới Hy Lạp. Từ thời kỳ này, triết học đi theo một hướng mới.

Các nhà triết học tự nhiên đã quan tâm chủ yếu đến bản chất của thế giới vật chất. Điều đó đem lại cho họ một vị trí trung tâm trong lịch sử của khoa học. Ở Athens, các mối quan tâm lúc bấy giờ tập trung vào cá nhân và vị thế của cá nhân trong xã hội. Dần dần, một nền dân chủ đã ra đời với các hội đồng nhân dân và tòa án.

Để nền dân chủ có hiệu lực, dân chúng phải có đủ học thức để tham gia quá trình dân chủ. Ta đã thấy trong thời đại của chúng ta, một nền dân chủ non trẻ cần đến sự khai sáng cho quảng đại quần chúng như thế nào . Đối với những người Athens , điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải thành thạo nghệ thuật diễn thuyết : nghĩa là nói sao cho thật thuyết phục.

Một làn sóng giáo sư và triết gia từ các thuộc địa của Hy Lạp đổ về Athens. Họ tự xưng là Học giả [5] (Sophist). Từ “sophist” thời đó có nghĩa một người học vấn và uyên bác. Ở Athens, các Học giả kiếm sống bằng nghề dạy học cho dân chúng.

Các Học giả có chung một đặc điểm với các nhà triết học tự nhiên: họ cũng chỉ trích các huyền thoại truyền thống. Nhưng đồng thời, các Học giả bác bỏ những gì mà họ coi là các suy đoán triết học vô ích. Quan điểm của họ là: mặc dù các câu hỏi triết học có thể có lời giải đáp, nhưng con người không thề hiểu được sự thực về các câu đố của thiên nhiên và vũ trụ. Trong triết học, quan điểm kiểu này được coi là thuộc Chủ nghĩa hoài nghi.

Nhưng ngay cả khi ta không thể giải đáp mọi câu đố của thiên nhiên, ta biết rằng con người vẫn phải học cách sống với nhau. Các Học giả chọn con đường quan tâm đến con người và vị trí của con người trong xã hội.

“Con người là thước đo của vạn vật”, Học giả Protagoras (485-410 t.Cn) đã nói. Qua đó, ông ta muốn nói rằng các câu hỏi về đúng sai, xấu tốt đều phải được xét trong mối liên quan với nhu cầu của một con người. Khi được hỏi ông có tin vào các vị thần Hy Lạp không, ông chỉ đáp “Đó là một câu hỏi phức tạp, mà đời người thì ngắn ngủi”. Một người mà không thể dám chắc về sự tồn tại hay không tồn tại của thần linh hay Chúa Trời được gọi là một người theo thuyết bất khả tri.

Các Học giả đã chu du nhiều nơi, nhìn thấy nhiều kiểu chính quyền khác nhau. Cả các tập quán và luật lệ địa phương ở các thành bang khác nhau cũng có thể rất khác nhau. Điều đó dẫn các Học giả đến với câu hỏi: cái gì là tự nhiên và cái gì do xã hội tạo ra. Khi đó, họ đã mở đường cho các cuộc tranh luận về xã hội trong thành Athens.

Thí dụ, họ có thể chỉ ra rằng cụm từ “sự thẹn thùng tự nhiên” không phải lúc nào cũng biện minh được, vì nếu thẹn thùng là “tự nhiên” thì nó phải do bẩm sinh. Nhưng Sophie à, nó là bẩm sinh hay do xã hội tạo ra? Đối với người đã đi du lịch nhiều nơi trên thế giới, câu trả lời hẳn đơn giản: Sự thẹn thùng khi khoả thân không phải tự nhiên hay bẩm sinh. Thẹn thùng hay không chính là một vấn đề về tập quán xã hội.

Như em có thể hình dung, các Học giả lang thang đã tạo ra sự tranh luận gay gắt ở Athens, khi họ chỉ rõ rằng không có tiêu chuẩn tuyệt đối về sự đúng sai.

Trong khi đó, Socrates cố gắng chứng tỏ rằng, thực ra, có một số tiêu chuẩn là tuyệt đối và áp dụng cho tất cả mọi người.

Socrates là ai?

Có lẽ Socrates (470 - 399 t.Cn) là nhân vật kỳ bí nhất trong toàn bộ lịch sử triết học. Ông không bao giờ viết dù chỉ một dòng. Nhưng ông lại là một trong những nhà triết học có ảnh hưởng lớn nhất đối với tư tưởng của Châu Âu, một phần không nhỏ là do cái chết bi thảm của ông.

Ông sinh ra ở Athens, ông sống phần lớn cuộc đời mình trên các quảng trường thành phố và các khu chợ, nói chuyện với những người ông gặp . “Cây cối ở nông thôn chẳng thể dạy tôi điều gì”, ông đã nói vậy. Ông cũng có thể đứng hàng giờ đắm chìm trong suy tư.

Ngay cả lúc sinh thời ông đã được xem là người kỳ bí, và chẳng bao lâu sau khi chết, ông được coi là người đặt nền móng cho nhiều trường phái triết học khác nhau. Chính sự bí ẩn và mơ hồ của ông làm cho các trường phái rất khác nhau có thể nhận ông làm người sáng lập của mình.

Ta biết chắc chắn rằng ông có bề ngoài cực kỳ xấu xí. Ông có cái bụng phệ, đôi mắt lồi và chiếc mũi hếch. Nhưng người ta nói rằng ông cực kỳ đáng mến. Người ta còn nói về ông rằng “Bạn có thể tìm ông trong hiện tại, trong quá khứ, nhưng sẽ không bao giờ tìm được ai bằng ông.” Tuy vậy, ông đã bị kết án tử hình vì các hoạt động triết học của mình.

Chúng ta biết về cuộc đời của Socrates chủ yếu qua Plato, một học trò của ông, người đã trở thành một trong những nhà triết học vĩ đại nhất của mọi thời đại. Plato đã viết nhiều Hội thoại, hay là các tác phẩm kịch hoá các cuộc tranh luận triết học mà trong đó Socrates là nhân vật chính và là người phát ngôn của Plato.

Do Plato đã truyền thụ triết học của ông qua lời của Socrates, ta không thể dám chắc những lời ông nói trong các Hội thoại có phải thực sự do chính ông đã nói ra hay không. Do vậy, khó có thể phân biệt giữa các học thuyết của Socrates và triết học của Plato. Chính rắc rối này cũng xảy ra đối với nhiều nhân vật lịch sử khác, những người không để lại bút tích. Jesus là một ví dụ điển hình.

Ta không thể dám chắc rằng Jesus “trong lịch sử” quả thực đã nói những lời mà Mathew và Luke đã gán cho ông. Tương tự, những gì mà Socrates “trong lịch sử” quả thực đã nói luôn luôn bị che phủ trong màn bí mật.

Những chuyện Socrates là ai thật ra không quan trọng lắm. Điều chủ yếu là chân dung Socrates mà Plato dựng nên đã khơi nguồn cho các nhà tư tưởng phương Tây trong suốt gần 2.500 năm.

Nghệ thuật đối thoại

Bí quyết trong nghệ thuật đối thoại của Socrates là ở chỗ ông không bao giờ tỏ ra có ý hướng dẫn mọi người. Ngược lại, ông tạo ra ấn tượng về một người muốn học hỏi những người ông bắt chuyện. Như vậy, thay vì thuyết giảng như một ông giáo sư truyền thống, ông thảo luận.

Hiển nhiên, nếu ông chỉ giới hạn trong việc nghe người khác nói, thì ông đã không thể trở thành một nhà triết học nổi tiếng, và cũng đã chẳng bị kết án tử hình. Thực ra, ông chỉ đưa ra các câu hỏi, nhất là để bắt đầu cuộc đối thoại, như thể ông là người không biết gì. Trong quá trình đối thoại, ông sẽ để người kia nhận ra những điểm yếu trong luận cứ của họ, và khi bị dồn vào chân tường, cuối cùng họ sẽ phải nhận ra cái gì đúng, cái gì sai.

Mẹ Socrates là một người đỡ đẻ. Ông từng nói nghệ thuật của ông cũng giống như nghệ thuật của một bà đỡ. Chính bà không sinh ra đứa trẻ, nhưng bà giúp đỡ để nó được sinh ra. Tương tự, Socrates coi nhiệm vụ của mình là giúp đỡ mọi người “sinh hạ” sự thấu hiểu đúng đắn, do sự thấu hiểu một cách thực sự phải đến từ bên trong. Nó không thể được cấy bởi một người nào khác, và chỉ có sự hiểu biết đến từ bên trong mới có thể dẫn tới sự thấu hiểu thực sự.

Tôi sẽ diễn đạt lại một cách chính xác hơn: Khả năng sinh nở là một đặc điểm tự nhiên. Cũng như vậy, ai cũng có thể nắm được chân lý triết học nếu họ sử dụng lý tính bẩm sinh. Dùng lý tính bẩm sinh có nghĩa là lần tìm vào sâu trong bản thân và sử dụng những gì nằm ở đó.

Đóng vai kẻ không biết gì, Socrates đã buộc tất cả những người ông gặp phải sử dụng nhận thức thông thường. Ông biết cách giả vờ dốt nát. Ta gọi đó là “sự châm biếm của Socrates”. Nó giúp ông liên tục làm điểm yếu trong tư duy của mọi người bộc lộ ra. Ông cũng không ngại làm điều đó giữa quảng trường thành phố. Nếu gặp Socrates, rất có thể ta sẽ bị công khai biến thành một tên ngốc.

Do vậy, không phải chuyện lạ khi thời gian trôi qua, người ta ngày càng cảm thấy khó chịu về ông, đặc biệt là những người có vai vế trong cộng đồng. Tục truyền rằng ông đã nói, “Athens giống như một con ngựa lừa biếng, còn tôi là một con ruồi trâu đang cố chích cho nó tỉnh ra”.

(Người ta thường làm gì với những con ruồi trâu, hả Sophie?)

Giọng nói thần thánh

Socrates chọc tức những người xung quanh không phải để hành hạ họ. Ông bị thúc ép bởi cái gì đó bên trong. Ông luôn nói rằng ông có một giọng nói thần thánh bên trong. Thí dụ, Socrates đã phản đối bất kỳ sự liên quan nào đến việc kết án tử hình người khác. Hơn nữa, ông còn từ chối tiết lộ thông tin về các địch thủ chính trị của mình. Cuối cùng, ông đã phải trả giá cho điều đó bằng cuộc sống của mình.

Năm 399 trước Công nguyên, ông bị buộc tội “đưa ra các thần linh mới và làm tha hóa thanh niên”, cùng với tội không tin vào các vị thần chính thống. Với gần như đa số, một bồi thẩm đoàn gồm 500 người đã kết luận ông có tội.

Lẽ ra, ông đã có thể xin ân xá, hoặc ít nhất cũng có thể đồng ý rời bỏ Athens để giữ tính mạng. Nhưng nếu làm vậy, ông đã không phải là Socrates. Ông coi lương tâm và chân lý có giá trị hơn cuộc sống. Ông đã cố thuyết phục bồi thẩm đoàn rằng những gì ông đã làm chỉ nhằm phục vụ lợi ích cao nhất của thành bang. Tuy nhiên, ông vẫn bị kết án phải uống thuốc độc dược. Ít lâu sau, ông đã uống thuốc độc trước mặt bạn bè và chết.

Tại sao vậy, Sophie? Tại sao Socrates lại phải chết? Người ta đã đặt ra câu hỏi đó suốt 2.400 năm nay. Tuy nhiên, ông không phải là người duy nhất trong lịch sử đã nhìn nhận rõ mọi việc để đi đến một kết cục cay đắng, và chấp nhận chết cho niềm tin của mình.

Tôi đã nhắc đến Jesus, và thực ra có một số đặc điểm tương đồng giữa hai người.

Cả hai đều là những tính cách bí ẩn đối với những người cùng thời. Không ai để lại ghi chép về các học thuyết của mình, do vậy chúng ta buộc phải dựa vào những hình ảnh do các học trò của họ vẽ nên. Nhưng chúng ta biết rằng cả hai đều là bậc thầy về nghệ thuật đối thoại. Họ có phong cách nói đặc trưng bởi tính thuyết phục mà có thể làm cho người ta say mê hay tức giận. Một điều khá quan trọng là cả hai đều tin rằng họ đang nói với danh nghĩa của một đấng vĩ đại hơn họ. Họ thách thức quyền lực của cộng đồng bằng cách chỉ trích mọi hình thức của bất công hay tha hóa. Và cuối cùng, họ phải trả giá cho các hoạt động đó bằng mạng sống của mình.

Hai vụ xử Jesus và Socrates cũng có những điểm tương tự.

Cả hai đều đã có thể tự cứu mình bằng cách xin ân xá. Nhưng họ đều cảm thấy sứ mệnh của mình sẽ thất bại, trừ khi họ vững niềm tin đến cùng. Và khi dũng cảm đón nhận cái chết, họ đã tập hợp được vô số môn đệ, ngay cả sau khi họ đã chết.

Tôi không cố ý nói rằng Jesus và Socrates giống nhau. Tôi chỉ muốn em chú ý đến chi tiết rằng cả hai đều có một thông điệp gắn liền với lòng dũng cảm của họ.

Một con bài Joke [6] ở Athens

Chúng ta chưa kết thúc về Socrates đâu, Sophie! Ta đã nói về phương pháp của ông. Nhưng còn đề tài nghiên cứu triết học của ông là gì?

Socrates sống cùng thời với các Học giả. Cũng như họ, ông quan tâm đến con người và vị trí của con người trong xã hội hơn là các sức mạnh của thiên nhiêm. Như một triết gia La Mã tên là Cicero vài trăm năm sau đã nói về ông, Socrates “kéo triết học từ trên trời xuống, đặt vào các thành phố và đưa đến từng nhà, buộc triết học nghiên cứu cuộc sống, luân lý, thiện và ác.”

Nhưng Socrates khác các Học giả ở một điểm nổi bật: ông không tự coi mình là một “học giả”, nghĩa là một người học vấn và uyên bác. Khác với các Học giả, ông không dạy học vì tiền. Không, Socrates coi mình là một nhà triết học theo đúng nghĩa của từ đó. Một nhà triết học, một “philo-sopher”, là một “người yêu sự thông thái”.

Em có hiểu không, Sophie? Điều rất quan trọng đối với phần còn lại của khóa học là em phải hiểu được đầy đủ sự khác biệt giữa một nhà thông thái và một nhà triết học. Các Học giả nhận tiền cho việc giảng giải những điều nhỏ nhặt, họ đã đền rồi đi mà không để lại dấu vết trong lịch sử. Tôi đang nói đến tất cả các ông thầy và những vị biết tuốt bảo thủ - những người thỏa mãn với chút kiến thức họ có , hay những người khoe khoang về những chủ đề mà họ chẳng có một khái niệm gì dù là nhỏ nhất. Em còn nhỏ nhưng chắc đã gặp một vài vị Học giả này rồi. Sophie à, một nhà triết học thực thụ hoàn toàn ngược hẳn. Nhà triết học hiểu rằng thực ra mình biết rất ít. Đó là lý do mà ông ta luôn cố gắng đạt được sự thấu hiểu thực sự. Socrates là một trong số những người hiếm hoi đó. Ông hiểu rằng ông không biết gì về cuộc sống và thế giới. Tiếp đến là phần quan trọng: ông cảm thấy khổ sở vì mình chỉ hiểu biết ít như vậy.

Vì vậy, nhà triết học là người nhận ra rằng có rất nhiều điều mình chưa hiểu, và cảm thấy khổ sở vì chuyện đó. Theo một nghĩa nào đó, ông ta khôn ngoan hơn tất cả những kẻ khôn ngoan kiến thức về những chủ đề mà họ chẳng hiểu gì. Tôi đã nói “Người uyên bác nhất là người biết rằng mình không biết”. Còn chính Socrates đã nói “Điều duy nhất mà tôi biết, đó là tôi chẳng biết gì cả”.

Hãy nhớ kỹ câu nói đó, vì đó là lời thú nhận rất hiếm thấy, ngay cả trong các nhà triết học. Hơn nữa, việc công khai tuyên bố đó nguy hiểm đến nỗi có thể phải trả giá bằng tính mạng. Những người có tinh thần phản kháng mạnh nhất là những người đặt câu hỏi. Việc trả lời còn xa mới đáng sợ bằng. Còn một câu hỏi có thể gây bùng nổ mạnh hơn một nghìn câu trả lời.

Em còn nhớ câu chuyện về bộ quần áo mới của hoàng đế không? Hoàng đế thực ra trần như nhộng nhưng không một thần dân nào dám nói vậy. Bỗng nhiên, một đứa trẻ bật ra “Nhưng Hoàng để chẳng mặc gì cả!” Đấy là một đứa bé dũng cảm, Sophie à. Cũng như Socrates, người đã dám cho mọi người thấy con người hiểu biết ít đến thế nào. Ta đã từng nói vế mối tương đồng giữa trẻ em và các nhà triết học.

Nói một cách chính xác hơn: Loài người đối mặt với nhiều câu hỏi khó mà chúng ta không có được câu trả lời thỏa đáng. Vậy có hai khả năng: hoặc ta tự lừa mình và phần còn lại của thế giới bằng cách vờ như ta đã biết tất cả những gì cần biết, hoặc ta có thể mãi mãi nhắm mắt làm ngơ trước những vấn đề trung tâm này và bỏ mặc mọi tiến độ. Con người được chia thành hai loại theo cách đó. Mọi người nói chung thuộc hai kiểu: hoặc khăng khăng cho rằng mình biết tất cả hoặc hoàn toàn dửng dưng. (Cả hai loại đều đang bò quanh quẩn dưới sâu trong bộ lông thỏ!)

Cũng giống như khi chia bộ bài tú-lơ-khơ thành hai xấp, một xấp đen, một xấp đỏ. Một lúc nào đó, con joke xuất hiện, nó không phải cơ hay rô, cũng chẳng phải pích hay tép. Socrates đã là con joke này ở thành Athens. Ông không biết chắc cũng chẳng dửng dưng. Tất cả những gì ông biết là ông không biết gì cả, và nó làm cho ông khổ sở. Do vậy ông trở thành một triết gia - người không bỏ cuộc mà luôn luôn tìm kiếm chân lý đích thực.

Người ta kể rằng có một người Athens đã hỏi lời sấm Đền Delphi xem ai là người thông thái nhất ở Athens. Lời sấm trả lời rằng, trong tất cả chúng sinh, Socrates là người thông thái nhất. Khi Socrates nghe được điều này, ông rất kinh ngạc, nếu diễn đạt một cách nhẹ nhàng. (Ông hẳn đã phá lên cười!) Ông đến gặp người được coi là thông thái tuyệt đỉnh của thành phố. Nhưng hóa ra người này không thể trả lời các câu hỏi của Socrates một cách thỏa đáng, Socrates nhận ra rằng lời sấm truyền có lý.

Socrates cảm thấy cần phải thiết lập một nền tảng vững chắc cho tri thức của loài người. Ông tin rằng nền tảng này nằm trong lý tính của con người. Với niềm tin vững chắc vào lý tính con người, ông là người theo chủ nghĩa duy lý.

Sự thấu hiểu đúng đắn dẫn đến hành động đúng đắn

Như tôi đã nói, Socrates tin rằng ông được dẫn tới bởi một giọng nói thần thành từ bên trong. Và cái “lương tâm” đó bảo ông cái gì là đúng. Ông nói “người biết lẽ phải sẽ hành động đúng”.

Qua đó, ông muốn nói rằng sự thấu hiểu đúng đắn dẫn đến hành động đúng đắn. Và chỉ có người hành động đúng đắn mới là “người đạo đức”. Những khi ta làm điều gì sai, đó là vì ta không biết cách nào tốt hơn. Đó là lý do tại sao việc không ngừng học tập lại quan trọng đến vậy. Socrates muốn tìm định nghĩa rõ ràng và đúng đắn một cách phổ quát cho cái đúng và cái sai . Khác với các Học giả, Socrates cho rằng khả năng phân biệt đúng sai nằm trong lý tính của con người chứ không phải trong xã hội .

Có lẽ em thấy phần này hơi khó hiểu. Để tôi diễn đạt lại: Socrates cho rằng không ai có thể hạnh phúc nếu họ làm điều mà họ tin là không nên làm. Và người nào biết cách đạt được hạnh phúc cũng sẽ làm theo cách đó. Như vậy, người biết cái gì là đúng sẽ hành động đúng. Bởi ai lại muốn tự làm khổ mình làm gì?

Em nghĩ thế nào, Sophie? Em có thể sống hạnh phúc nếu em liên tục làm những việc mà sâu trong lòng mình em biết là sai không? Có nhiều người dối trá, lừa bịp, đơm đặt về người khác. Họ có nhận thấy những việc đó là không đúng đắn hay không? Em có cho rằng những người này hạnh phúc không?

Socrates thì không.

Đọc xong bức thư, Sophie nhanh chóng cất nó vào trong chiếc hộp thiếc rồi bò ra vườn. Cô muốn vào nhà trước khi mẹ đi chợ về để tránh mọi câu hỏi về việc cô đã ở đâu. Vả lại, cô cũng đã hứa sẽ rửa bát.

Nước vừa chảy đầy bồn rửa bát thì mẹ bước vào, xiêu vẹo với hai túi đồ to đùng. Có lẽ vì thế mà mẹ nói “Dạo này con cứ mải suy nghĩ tận đâu, Sophie à”.

Sophie không hiểu sao mình lại buột miệng “Socrates cũng vậy”.

“Socrates?” Mẹ tròn mắt nhìn cô.

“Thật buồn là vì vậy mà ông ta đã phải chết.” Sophie trầm ngâm nói tiếp.

“Trời đất! Sophie! Mẹ không biết phải làm gì với con bây giờ!”

“Socrates cũng vậy. Ông chỉ biết rằng ông chẳng biết gì. Tuy vậy, ông là người thông minh nhất thành Athens.”

Mẹ cô sững sờ không nói được nên lời.

Cuối cùng bà nói, “Con đã học điều đó ở trường à?”

Sophie lắc đầu quầy quậy.

“Bọn con chẳng học được gì ở đó cả. Thầy cô và các nhà triết học khác nhau ở chỗ các thầy cô cho rằng họ biết rất nhiều điều mà họ muốn nhồi vào đầu học sinh. Các nhà triết học thì cố gắng cùng học trò suy nghĩ tìm lời giải đáp.”

“Lại chuyện con thỏ trắng! Con hiểu không? Mẹ phải biết bạn trai của con thực sự là ai? Nếu không, mẹ bắt đầu có cảm giác là thần kinh cậu ta không bình thường.”

Sophie quay lại, tay vẫn cầm mút rửa bát.

“Không phải tinh thần ông ta không ổn định! Ông ấy chỉ muốn quấy rầy người khác để lắc cho họ bung ra khỏi lối suy nghĩ cứng nhắc của mình.”

“Đủ rồi! Mẹ thấy như thế là có vẻ hơi quá chớn đấy!”

Sophie quay lưng lại bồn rửa.

“Ông ta không quá chớn mà cũng chẳng chừng mực”, Sophie cãi, “Ông ta chỉ muốn tìm chân lý. Đó là sự khác nhau giữa một quân joke thực sự và các quân khác trong bộ bài”.

“Con vừa nói joke?”

Sophie gật đầu. “Mẹ đã bao giờ nghĩ về chuyện trong một bộ bài có rất nhiều cơ, rô, pích, tép, nhưng lại chỉ có một joke không?”

“Con cãi mẹ thế hả, Sophie!”

“Chính mẹ hỏi con trước chứ!”

Mẹ cô đã cất xong các món đồ vừa mua. Giờ bà lấy tờ báo rồi đi vào phòng khách. Sophie có cảm giác mẹ đã sập cửa mạnh hơn bình thường.

Rửa bát xong, cô lên phòng. Cô lấy chiếc khăn lụa đỏ mà cô đã cất trên nóc tủ cạnh bộ Lego xuống và xem xét nó một cách chăm chú.

Hilde...