... châu Âu đang trên đường phá sản...
Hilde nhìn đồng hồ. Đã quá bốn giờ. Cô đặt tờ giấy lên bàn rồi chạy xuống bếp. Cô phải xuống nhà thuyền trước khi mẹ phát chán vì phải đợi lâu. Cô liếc nhìn tấm gương đồng hồ khi đi ngang qua nó.
Cô nhanh chóng đặt ấm pha trà và sửa soạn mấy chiếc bánh kẹp. Cô quyết định sẽ chơi xỏ bố. Hilde bắt đầu cảm thấy mình ngày càng chuyển sang đồng phe với Sophie và Alberto. Kế hoạch của cô sẽ bắt đầu khi ông về tới Copenhagen.
Cô đi xuống nhà thuyền, mang theo một cái khay lớn.
"Bữa giữa buổi của mẹ con mình đây." cô nói.
Mẹ cô đang cầm giấy ráp. Bà đưa gạt tóc trên trán. Trên tóc bà cũng có cát.
"Thế thì bỏ qua bữa tối vậy."
Họ ra ngồi trên cầu tàu và bắt đầu ăn.
"Bao giờ bố về ạ?" một lát sau Hilde hỏi.
"Thứ Bảy. Mẹ tưởng con đã biết rồi?"
"Nhưng mấy giờ ạ? Có phải bố sẽ chuyển máy bay ở Copenhagen không ạ?"
"Ừ..."
Mẹ cô cắn miếng bánh mì kẹp.
Khoảng năm giờ, bố sẽ đến Copenhagen. Chuyến bay đến Kristiansand bay lúc tám giờ kém mười lăm. Chắc bố sẽ xuống Kjevik lúc chín rưỡi."
"Vậy bố sẽ ở Kastrup mấy tiếng liền..."
"Ừ, nhưng sao cơ?"
"Không có gì, con chỉ tò mò thôi."
Khi Hilde thấy chuyện đã dừng được một lúc đủ dài, cô làm vẻ tình cờ hỏi mẹ, "Dạo này mẹ có nghe tin tức gì của Anne và Ole không ạ?"
"Thỉnh thoảng hai đứa cũng gọi điện. Khoảng tháng Bảy hai đứa sẽ về nhà nghỉ hè."
"Đến tận tháng Bảy ạ?"
"Ừ."
"Vậy là tuần này hai anh chị ấy vẫn còn ở Copenhagen..."
"Sao tự dưng con lại hỏi những chuyện này, Hilde?"
"Có gì đâu ạ. Con chỉ nói chuyện linh tinh thôi mà."
"Con nhắc đến Copenhagen những hai lần."
"Thế ạ?"
"Mình đã nói về chuyện bố sẽ xuống sân bay ở..."
"Chắc vì thế nên con nghĩ tới Anne và Ole."
Hai mẹ con vừa ăn xong, Hilde dọn ca và đĩa vào khay.
"Con phải lên đọc tiếp đây, mẹ ạ."
"Rõ rồi."
Có một chút trách cứ trong giọng của mẹ thì phải. Hai mẹ con đã từng bàn chuyện cùng sửa thuyền trước khi bố về.
"Bố gần như bắt con hứa sẽ đọc xong cuốn sách trước khi bố về."
"Chẳng ra sao. Khi ở xa, bố con đâu cần chỉ huy mẹ con mình ở nhà."
"Giá mà mẹ biết bố chỉ huy người khác như thế nào," Hilde nói với một giọng bí ẩn, "và mẹ không thể tưởng tượng được bố khoái chí chuyện đó như thế nào đâu."
Cô quay về phòng và đọc tiếp.
Bỗng Sophie nghe thấy một tiếng gõ cửa. Alberto nhìn cô một cách nghiêm nghị.
"Chúng ta không muốn bị quấy rầy."
Tiếng gõ cửa mạnh hơn.
"Tôi sẽ kể cho em nghe về một nhà triết học Đan Mạch, người đã rất tức tối vì triết học của Hegel," Alberto nói.
Tiếng gõ cửa mạnh đến nỗi cả cánh cửa rung lên.
"Tất nhiên, đó là ông thiếu tá đang gửi một cái ảo ảnh nào đó đến để chúng ta có mắc mồi câu hay không." Alberto nói. "Ông ta đâu có tốn chút công sức nào."
"Nhưng nếu ta không mở cửa và xem đó là ai thì ông ta có thể phá sập cả ngôi nhà mà cũng chẳng tốn tí sức nào."
"Có lẽ em đúng. Chúng ta ra mở cửa vậy."
Họ ra cửa. Sophie tưởng sẽ nhìn thấy một người rất to lớn vì tiếng gõ cửa mạnh đến vậy. Nhưng đứng trên bậc thềm là một cô bé mặc váy xanh với màu tóc dài màu sáng. Mỗi tay cô bé cầm một cái chai nhỏ. Một chai màu đỏ, chai kia màu xanh.
"Xin chào," Sophie nói. "Bạn là ai?"
"Tôi tên là Alice," cô bé nói, rồi rụt rè nhún mình chào.
"Tôi cũng đoán vậy,"Alberto gật đầu. "Đây là Alice ở xứ sở Kỳ diệu."
"Làm thế nào mà cô ấy đến được đây?"
Alice giải thích: "Xứ sở Kỳ diệu là một đất nước hòan tòan không có ranh giới. Nghĩa là ở đâu cũng là xứ sở Kỳ diệu - khá là giống với Liên hợp quốc. Xứ sở Kỳ diệu nên là thành viên danh dự của Liên hợp quốc. Chúng tôi nên có đại diện trong mọi ủy ban vì Liên hợp quốc cũng đã sinh ra từ kỳ công của con người."
"Hừm... tay thiếu tá này!" Alberto lầm bầm.
"Thế bạn đến đây làm gì?" Sophie hỏi.
"Tôi phải mang cho Sophie hai cái chai triết học nhỏ này."
Cô bé đưa hai cái chai cho Sophie. Một chai đựng chất lỏng màu đỏ, còn chai kia đựng chất lỏng màu xanh. Chai đỏ dán nhãn HÃY UỐNG TÔI, nhãn chai xanh cũng ghi dòng chữ HÃY UỐNG TÔI.
Chợt một con thỏ trắng chạy ngang qua ngôi nhà nhỏ, dáng điệu vội vã. Nó chạy trên hai chân sau, mặc gi-lê ở trong, áo vét ở ngoài. Đến trước nhà, con thỏ rút ra một cái đồng hồ quả quýt từ túi áo gi-lê và kêu lên:
"Ôi trời! Ôi trời! Tôi sẽ muộn mất!"
Rồi nó chạy tiếp. Alice bắt đầu chạy theo. Trước khi chạy vào rừng, cô nhún mình chào và nói, "Giờ thì nó lại bắt đầu rồi."
"Gửi lời chào đến Dinah và Hoàng Hậu nhé!" Sophie gọi với theo.
Alberto và Sophie vẫn đứng trên bậc cửa xem xét những cái chai.
"HÃY UỐNG TÔI và HÃY UỐNG TÔI nữa," Sophie đọc. "Em không biết em có dám không. Biết đâu mấy thứ này có thuốc độc."
Alberto chỉ nhún vai.
"Chúng được ông thiếu tá gửi đến, mà mọi thứ xuất phát từ ông ta đều chỉ thuần túy trong tâm thức thôi. Nên chúng chỉ là thứ nước uống giả vờ."
Sophie mở nút chai đỏ và thận trọng đưa lên miệng. Thứ chất lỏng có một vị ngọt là lạ, nhưng chưa hết. Khi cô uống, có cái gì đó bắt đầu xảy ra xung quanh cô.
Có vẻ như hồ nước, khu rừng và căn nhà cùng hoà vào làm một. Chẳng mấy chốc, có vẻ như tất cả những gì cô nhìn thấy là một con người và người đó chính là Sophie. Cô ngước lên nhìn Alberto, nhưng cả ông nữa cũng như thể một phần của tâm hồn Sophie.
“ Kỳ quá là kỳ ” Cô nói. “ Mọi vật điều trông giống như trước, nhưng giờ tất cả chỉ là một ý nghĩ ”.
Alberto gật đầu - nhưng Sophie thấy như chính cô đang gật đầu với mình.
“ Đó là thuyết phiếm thần hay chủ nghĩa duy tâm.” Ông nói. “ Đó là tinh thần thế giới của những người Lãng mạn. Họ coi mọi thứ là một ‘cái tôi’ lớn. Đó cũng chính là Hegel, người phê phán nhân tố cá nhân và xem mọi vật đều là thể hiện của một và chỉ một lý tính thế giới. ”
“ Em nên uống cái chai kia nữa ạ ? ”.
“ Nó ghi như thế trên nhãn mà. ”
Sophie mở nút chiếc chai xanh và uống một ngụm lớn. Chất lỏng này có vị mát và sắt hơn. Một lần nữa mọi vật quanh cô bỗng biến đổi.
Ngay lập tức, hiệu ứng của cái chai đỏ biến mất, mọi vật quay lại như cũ. Alberto lại là Alberto, cây trở về rừng, và nước quay lại làm hồ.
Nhưng trạng thái đó chỉ kéo dài một giây vì mọi thứ tiếp tục trượt ra xa nhau. Khu rừng không còn là khu rừng, mỗi cái cây bây giờ có vẻ như một thế giới riêng. Một nhánh cây nhỏ xíu cũng giống như một thế giới cổ tích với hàng ngàn câu chuyện thần tiên.
Cái hồ nhỏ bổng trở thành đại dương vô tận - không phải về bề rộng hay chiều sâu, mà về những nét lấp lánh rực rỡ và những gợn sóng muôn hình vạn trạng. Sophie cảm thấy mình có thể cả đời đứng ngắm mặt nước này, và đến ngày cô qua đời nó vẫn sẽ là một điều bí hiểm không thể giải thích.
Sophie ngước nhìn lên một ngọn cây. Ba chú chim sẻ nhỏ xíu đang mãi mê với một trò chơi kỳ lạ. Có phải đó là trò chơi trốn tìm ? Chừng mực nào đó, cô đã biết từ trước rằng trên cái cây đó có chim, kể cả sau khi uống nước từ chai đỏ. Nhưng cô chưa từng nhìn chúng một cách rõ ràng như thế. Thứ nước đỏ đã xóa mọi sự tương phản và sự khác biệt giữa các cá thể.
Từ trên bậc thềm đá nơi hai thầy trò đang đứng, Sophie nhảy xuống sân để nhìn đám cỏ. Ở đó cô phát hiện ra một thế giới mới nữa - giống như một thợ lặn biển sâu lần mở mắt dưới đáy biển. Giữa những cọng cỏ, riêu li ti ken dầy. Sophie theo dõi một con nhện đang lách qua đám rêu với dáng điệu bệ vệ và đầy quả quyết, một con rận cây màu đỏ chạy lên chạy xuống một cọng cỏ và cả một đội quân kiến đang hợp sức lao động chăm chỉ trong đám cỏ. Nhưng mỗi con kiến nhỏ xíu lại vung chân theo một cách của riêng mình.
Kỳ lạ hơn hết là những gì đập vào mắt khi cô đứng lên và ngước nhìn Alberto. Ở Alberto, cô thấy một con người lạ lùng - ông như một sinh vật từ hành tinh khác hay một nhân vật bị phù phép từ trong truyện cổ tích. Cũng lúc đó cô cảm nhận về bản thân theo một cách hoàn toàn mới, cô là một cá thể độc nhất vô nhị.
“Em thấy thế nào ? ” Alberto hỏi.
“Em thấy thầy là một con chim lạ.”
“Em nghĩ thế à?”
“Em không cho là khi nào đó em có thể hiểu được làm một người khác như thế nào. Trên thế giới không có hai người nào giống nhau. ”
“Thế còn khu rừng thì sao ? ”
“Những cái cây không còn giống nhau nữa. Chúng như cả một vũ trụ của những câu chuyện kỳ lạ .”
“Đúng như tôi đoán. Cái chai xanh là chũ nghĩa cá nhân. Đó là phản ứng của Soren Kierkegarrd đối với chủ nghĩa duy tâm của người lãng mạn. Nhưng nó còn bao chứa một người Đan Mạch khác sống cùng thời với Kierkegarrd, đó là nhà văn viết chuyện cổ tích nỗi tiếng Hans Christian Andersen. Ông cũng có con mắt sắc sảo trước sự phong phú đến khó tin về chi tiết của thiên nhiên. Hơn một thế kỷ trước, có một nhà triết học cũng nhìn thấy điều đó. Đó là nhà triết học Leibniz người Đức. Ông đã phản đối chủ nghĩa duy tâm của Spinoza, cũng như Kierkegaard đã chống lại Hegel. ”
“Em nghe thấy thầy nói nhưng giọng thầy buồn cười quá . ”
“Điều đó có thể hiểu được. Em chỉ cần nhấp thêm một ngụm từ cái chai đỏ là được. Nào hãy ngồi xuống bậc thềm. Ta hãy nói chút ít về Kierkegaard trước khi kết thúc bài ngày hôm nay. ”
Sophie ngồi xuống bậc thềm bên cạnh Alberto, cô uống một chút từ cái chai đỏ và mọi thứ lại bắt đầu hoà vào nhau. Thực ra chúng hoà vào nhau hơi quá ; cô lại có cảm giác rằng không có sự khác biệt nào là đáng kể cả. Nhưng cô chỉ cần chạm môi vào miệng chai màu xanh và thế giới quanh cô ít nhiều lại trông giống như Alice mới mang hai chai nước đến.
“Thế đằng nào là thật ạ ? ” giờ thì Sophie hỏi. “ Chai màu xanh hay chai màu đỏ cho ta bức tranh đúng đắn ? ”.
“Cả xanh lẫn đỏ Sophie à. Ta không thể nói rằng các nhà Lãng mạn chủ nghĩa đã sai lầm khi khẳng định có một thực tại. Nhưng có lẽ góc nhìn của họ hơi hẹp. ”
“Thế còn cái chai màu xanh ? ”
“Tôi không cho rằng Kierkegaard đã uống khá nhiều từ cái chai đó. Chắc chắn ông có một con mắt rất tinh tường đối với ý nghĩa của cá thể. Chúng ta không chỉ là ‘con của thời đại mình’. Hơn thế mỗi người trong chúng ta là một cá thể độc nhất vô nhị chỉ sống một lần trên thế giới này. ”
“Còn Hegel thì không quan tâm đến điều đó mấy ? ”
“Không, ông ta quan tâm đến phạm vi rộng lớn của lịch sử nhiều hơn. Đó chính là điều đã làm Kierkegaard rất bất bình. Ông cho rằng cả chủ nghĩa duy tâm của những người Lãng mạn và ‘chủ nghĩa lịch sử’ của Hegel đều làm mời đi trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cuộc đời của chính mình. Do vậy, theo Kierkegaard, Hel và những người Lãng mạn đều cùng một duộc . ”
“Em có thể hiểu vì sao ông ấy lại tức đến thế. ”
“Soren Kierkegaard sinh năm 1983 và được cha nuôi dạy một cách rất hà khắc. Nỗi u sầu tôn giáo của ông chính là một tài sản kế thừa từ người cha này. ”
“Nghe thật đáng ngại. ”
“Cũng vì nỗi u sầu này mà ông cảm thấy bắt buộc phải phá bỏ hôn ước, một việc mà tầng lớp tư sản Copenhagen nhìn với con mắt không dễ chịu. Do đó, ông đã sớm trở thành người bị xã hội ruồng bỏ và một đối tượng của sự khinh miệt. Tuy nhiên, ông đã dần dần học được cách ăn miếng trả miếng, và ông ngày càng trở nên cái mà sau này Ibsen miêu tả là ‘một kẻ thù của nhân dân’. ”
“Tất cả chỉ vì chuyện hôn ước bị phá vỡ ? ”
“Không, không chỉ có thế. Đặc biệt là đến cuối đời, ông có một thái độ phê phán quyết liệt đối với xã hội. Ông đã nói : ‘Cả châu Âu đang trên đường tới phá sản.’ Ông tin rằng mình đang sống trong một thời đại hoàn toàn vắng bóng niềm say mê và sự cam kết. Ông đặt biệt bất bình với sự tẻ nhạt của giáo hội chính thức của giáo hội phái Luther Đan Mạch. Ông phê phán không thương tiếc cái mà em có thể gọi là ‘Kitô giáo Chúa Nhật’ . ”
“Ngày nay người ta nói về ‘Đạo Ki tô của lễ kiên tín23’. Đa số trẻ con chịu lễ kiên tín chỉ vì những quà tặng mà chúng sẽ được nhận. ”
23 Nghi lễ chính thức công nhận một người là tín đồ của Ki-tô giáo - ND.
“Đúng, em đã hiểu rồi đấy. Đối với Kierkegaard, Ki Tô giáo vừa phi thường vừa phi lý đến mức nó nhất định phải hoặc thế này hoặc thế khác. Người ta không thể có lòng tin ‘đôi chút’ hay ‘tới chừng mực nào đó’ được. Bởi vì hoặc Jesus đã hồi sinh vào ngày Phục Sinh, hoặc không phải như vậy. Và nếu quả thực ông ta đã hồi sinh, nếu ông ta quả thực đã chết vì chúng ta - thì điều đó phi thường đấn mức nó phải có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả cuộc đời ta. ”
“Vâng, em hiểu. ”
“Nhưng Kierkegaard lại thấy cả nhà thờ và quần chúng nói chung đều tiếp cận các câu hỏi tôn giáo một cách vô thưởng vô phạt. Chỉ tin rằng các tín điều Ki tô giáo là ‘đúng’ thì chưa đủ. Có đức tin Ki Tô nghĩa là phải tuân theo cách sống Ki tô giáo. ”
“Chuyện đó thì có liên quan gì tới Hegel ạ ? ”
“Em đúng đấy. Có lẽ chúng ta đã mở đầu sai chỗ. ”
“Thế thì thầy quay lui và bắt đầu lại vậy. ”
“Kierkegaard bắt đầu nghiên cứu thần học năm 17 tuổi, nhưng ông lại trở nên ngày càng say mê các câu hỏi triết học. Năm 27 tuổi ông đạt được bằng thạc sỹ với luận văn đầ tài ‘Luận về khái niệm châm biếm’. Trong công trình này, ông đã chiến đấu với thái độ châm biếm Lãng mạn và trò chơi ảo ảnh thiếu trách nhiệm. Ông so sánh với ‘châm biếm kiểu Socrates’. Tuy Socrates đã sử dụng sự châm biếm với hiệu quả cao, mục đích của nó là để khơi ra những chân lý cơ bản về cuộc sống. Không như các nhà Lãng mạn chủ nghĩa, Socrates là người mà Kierkegaard gọi là một nhà tư tưởng ‘hiện sinh’. Nghĩa là một nhà tư tưởng người đã kéo toàn bộ sự sinh tồn của bản thân vào các suy tưởng triết học của mình. ”
“ Rồi sao nữa ạ ? ”
“ Năm 1841, sau khi phá bỏ hôn ước, Kierkegaard đến Berlin, nơi ông theo học Schelling. ”
“ Ông ấy có gặp Hegel không ạ ? ”
“ Không, Hegel đã qua đời từ hai năm trước, nhưng tư tưởng của ông vẫn chiếm ưu thế ở Berlin và nhiều vùng châu Âu. ‘Hệ thống’ của ông được sử dụng như một kiểu lời giải thích đa năng cho mọi loại câu hỏi. Kierkegaard cho rằng kiểu ‘chân lý khách quan’ mà học thuyết Hegel nói tới hoàn toàn không liên quan đến cuộc sống riêng tư của cá nhân. ”
“ Thế kiểu chân lý nào thì có liên quan ạ ? ”
“ Theo Kierkegaard, thay vì đi tìm chân lý với chữ C viết hoa, tìm kiếm những chân lý có ý nghĩa đối với cuộc sống cá nhân là việc quan trọng hơn. Tìm thấy ‘chân lý cho tôi’ là việc rất cần thiết. Như vậy ông đã đặt cá nhân đối lập với ‘hệ thống’. Kierkegaard cho rằng Hegel đã quên rằng chính ông cũng là một con người. Đây là những gì ông đã viết về vị giáo sư theo thuyết Hegel : “ Trong khi ngài giáo sư buồn tẻ giải thích toàn bộ bí mật về cuộc sống, ông đã đãng trí quên mất tên của chính mình, quên rằng mình là một con người không hơn không kém chứ không phải ba phần tám tuyệt hay của một đoạn văn. ”
“ Vậy theo Kierkegaard thế nào là một con người ? ”
“ Không thể diễn đạt một cách khái quát đuợc. Kierkegaard hoàn toàn không quan tâm đến một miêu tả rộng về bản chất con người hay về loài người. Điều quan trọng duy nhất là sự tồn tại riêng của mỗi con người. Và em không trải nghiệm sự tồn tại của riêng em sau một cái bàn giấy. Chỉ khi ta hành động - nhất là khi ta thực hiện các lựa chọn quan trọng - thì ta mới gắn với sự tồn tại của chính mình. Có thể minh hoạ cho những gì Kierkegaard muốn nói bằng một câu chuyện về Phật ”.
“ Phật ấy ạ ? ”
“ Đúng vậy vì triết học của Phật cũng lấy sự tồn tại của con người làm xuất phát điểm. Có một nhà sư đề nghị Phật trả lời rõ hơn cho những câu hỏi căn bản về thế giới là gì và con người là gì. Phật trả lời bằng cách so sánh nhà sư với một người bị trúng tên độc. Người bị thương chắc chắn sẽ không quan tâm đến vấn đề lý thuyết về chuyện mũi tên làm bằng gì, nó được tẩm loại thuốc độc nào. ”
“ Chắc điều anh ta muốn nhất là có ai đó rút mũi tên ra và chữa trị vết thương. ”
“ Đúng như vậy. Điều đó có tầm quan trọng sống còn của anh ta. Cả Phật và Kierkegaard đều có ý thức sâu sắc về sự tồn tại chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Và khi đó thì, như tôi đã nói, người ta không ngồi sau bàn giấy và triết lý về bản chất tinh thần thế giới. ”
“ Dĩ nhiên là không rồi. ”
“ Kierkegaard còn cho rằng chân lý có tính chất chủ quan. Ông không có ý nói rằng bất cứ những gì ta nghĩ hoặc tin tưởng đều là chân lý. Ông muốn nói rằng những chân lý thật sự quan trọng đều mang tính cá nhân. Chỉ có những chân lý này là ‘đúng cho tôi ”.
“ Thầy cho ví dụ về một chân lý chủ quan đi ạ ? ”
“ Chẳng hạn có một câu hỏi quan trọng : các tín đồ Kitô giáo có đúng hay không. Đây không phải câu hỏi mà người ta có thể hiểu một cách lý thuyết hay hàn lâm. Đối với một người hiểu được vị trí của bản thân mình trong cuộc sinh tồn, đây là vấn đề sống hay chết. Nó không phải là cái để ta ngồi bàn luận cho vui mà là cái để ta tiếp cận với niềm đam mê và sự chân thành lớn lao nhất. ”
“ Em hiểu. ”
“ Nếu em rơi xuống nước em sẽ không quan tâm về mặt lý thuyết xem em có thể chết chìm hay không. Chuyện dưới nước có cá sấu hay không cũng chẳng quan trọng lắm. Đây là vấn đề sinh tử. ”
“ Cảm ơn thầy em đã hiểu rồi. ”
“ Do vậy ta phải phân biệt giữa câu hỏi triết học về chuyện có Chúa trời hay không và mối liên quan cá nhân với chính câu hỏi đó, một tình huống mà trong đó một người một khác. Những câu hỏi như vậy có thể tiếp cận qua đức tin. Còn những gì ta có thể biết rằng lý tính, hay nói cách khác là tri thức, là hoàn toàn không quan trọng theo quan điểm của Kierkegaard. ”
“ Em nghĩ là thầy cần giải thích thêm. ”
“ Tám cộng bốn bằng mười hai. Ta có thể hoàn toàn chắc chắn về điều đó. Đó là một loại ví dụ về ‘chân lý lý tính’ mà tất cả các triết gia kể từ Descartes vẫn nói đến. Nhưng trong lời cầu nguyện của chúng ta hàng ngày có những thứ dạng đó hay không ? Không hề. Những chân lý thuộc dạng đó có thể vừa khách quan vừa tổng quát nhưng dù thế nào thì chúng cũng chẳng có ý nghĩa lý gì đối với sự sinh tồn của mỗi người. ”
“ Thế đức tin thì sao ạ?”
“Nếu em xử sự không tốt với một người, em không bao giờ có thể biết được họ có tha thứ hay không. Do vậy điều đó là quan trọng đối với em. Đó là một vấn đề mà em quan tâm sâu sắc. Em cũng không thể biết được một người có yêu em hay không. Đó là điều mà em hãy tin và hi vọng. Đối với em những điều này quan trọng hơn thực tế rằng tổng ba góc trong một tam giác là 180 độ. Em không nghĩ tới luật nhân quả hay các dạng thức của tri thức khi em đang hôn nụ hôn đầu đời.”
“Có mà điên thì mới làm vậy.”
“Đức tin là yếu tố quan trọng nhất đối với các câu hỏi tôn giáo. Kierkegaard đã viết: ‘Nếu tôi có khả năng thấu hiểu Chúa Trời một cách khách quan, tôi sẽ không tin. Nhưng vì chính tôi không thể có khả năng đó, nên tôi phải tin. Nếu tôi muốn bảo toàn đức tin của mình, tôi phải thường xuyên chú ý níu giữ tình trạng không rõ ràng khách quan để có thể mải ở sâu bảy vạn dặm dưới đáy nước mà giữ gìn đức tin.”
“Nghe trầm trọng thật.”
“Trước đó, nhiều người đã cố gắng chứng minh sự tồn tại của Chúa Trời - hoặc bằng mọi cách đưa Chúa vào trong phạm vi của tính hợp lý. Nhưng nếu em tự bằng lòng với một luận cứ logíc hoặc môt bằng chứng dạng đó, em sẽ không còn đức tin, và cùng với nó, em đánh mất cảm xúc mạnh mẽ về tôn giáo. Bởi vì vấn đề không phải tín điều Kitô giáo có đúng hay không mà là nó đúng với em hay không. Tư tưởng đó đã được thể hiện từ thời Trung Cổ trong câu châm ngôn: credo quia absurdum.”
“Lại tiếng Latin.”
“Có nghĩa tôi tin vì nó bất hợp lý. Nếu Kitô giáo lôi cuốn lý tính của ta thay vì các mặt khác, thì nó đã không phải là một vấn đề về đức tin.”
“Vậy là ta đã tìm hiểu về các khái niệm ‘sinh tồn’, ‘chân lý chủ quan’ của Kierkegaard và quan niệm của ông về ‘đức tin’. Ba khái niệm này được xây dựng để phê phán truyền thống triết học nói chung và triết học Hegel nó riêng. Nhưng chúng còn là biểu hiện của một sự ‘phê phán xã hội’ một cách mạnh mẽ. Ông đã nói, cá nhân trong xã hội thành thị hiện đại đã trở thành công chúng và đặc điểm nổi bật của đám đông hay quần chúng là tất cả những cuộc thảo luận vô thưởng vô phạt của họ. Ngày nay ta có thể dùng từ ‘a dua’, nghĩa là mọi người suy nghĩ giống nhau, tin vào những điều giống nhau mà chẳng có chút tình cảm sâu sắc về điều đó.”
“Không biết Kierkegaard sẽ bình luận gì về bố mẹ của Joanna nhỉ.”
“Không phải lúc nào ông ấy cũng nhận xét một cách hiền lành đâu. Ông ta có một ngòi bút sắc bén và một giọng châm biếm cay độc. Chẳng hạn ông có thể nói những câu như ‘đám đông là phản chân lý’, hay ‘chân lý luôn đứng về phe thiểu số’ và rằng hầu hết mọi người đều sống hời hợt.”
“Sưu tập búp bê Barbie là một chuyện, nhưng sống như một con Barbie là chuyện tệ hại hơn nhiều.”
“Điều đó đưa ta đến với học thuyết Kierkegaard về ba cấp độ trên đường đời.”
“Cái gì cơ ạ?”
“Kierkegaard cho rằng có ba hình thức khác nhau của cuộc sống. Ông gọi đó là cấp độ mỹ học, cấp độ luân lý và cấp độ tôn giáo. Ông dùng từ cấp độ để nhấ mạnh rằng người ta có thể sống tại một trong hai cấp độ thấp hơn và bất chợt vọt lên một cấp độ cao hơn. Nhiều người sống cả đời tại duy nhất một cấp độ.”
“Chắc thầy sắp giải thích thêm. Em rất nóng lòng muốn biết mình đang ở cấp độ nào.”
“Người sống tại cấp độ mỹ học sống cho hiện tại và nắm bắt mọi cơ hội hưởng thụ. Bất cứ gì đẹp đẽ, vừa ý hay dễ chịu đều là tốt. Những người này sống hoàn toàn trong thế giới của giác quan và là một nô lệ của ước muốn và tâm trạng của bản thân. Mọi thứ buồn tẻ đều xấu.”
“Vâng em cảm ơn thầy, em nghĩ là em biết cái thái độ đó.”
“Do đó người Lãng mạn điển hình cũng là người duy mỹ điển hình, vì nó không chỉ là hưởng thụ giác quan thuần tuý. Một người có cách tiếp cận phê phán đối với thực tại hoặc lĩnh vực nghệ thuật hay triết học mà anh ta theo đuổi cũng đang sống tại cấp độ mỹ học. Thậm chí còn có thể có thái độ duy mỹ, hay ‘phê phán’, trước nỗi buồn và sự đau khổ. Nhân vật Peer Gynt của Ibsen là chân dung của một người duy mỹ điển hình.”
“Em hiểu ý thầy rồi”.
“Em có biết ai kiểu như vậy không?”
“Không hoàn toàn. Nhưng em nghe có vẽ giống ông thiếu tá.”
“Có thể, có thể, Sophie à… Mặc dù đấy lại là một ví dụ trò châm biếm Lãng mạn nghe phát buồn nôn của ông ta. Em nên chùi miệng đi thì hơn.”
“ Cái gì ? ”
“ Thôi được đó không phải là lỗi của em. ”
“ Thầy nói tiếp đi vậy. ”
“ Một người sống ở cấp độ mỹ học dễ gặp trạng thái angst, nghĩa là nỗi lo sợ và cảm giác trống rỗng. Nếu điều này xảy ra thì còn có hi vọng. Theo Kierkegaard, angst gần như là một trạng thái tích cực. Đó là một biểu hiện rằng cá thể đó đang trong trạng thái sinh tồn, và khi đó có thể thực hiện một bước nhảy vọt để lên cấp độ cao hơn. Nhưng điều này có thể xảy ra hay không xảy ra. Ở trạng thái sắp nhảy vọt cũng không ích gì nếu ta không làm tới cùng. Đây là vấn đề thế này hoặc thế khác. Không ai có thể làm thay cho ta. Đó là chọn lựa của bản thân ta. ”
“ Có vẻ giống như khi quyết định cai rượu hoặc cai ma tuý. ”
“ Đúng có thể nói như vậy. Miêu tả của Kierkegaard về ‘phạm trù quyết định’ này có phần giống với quan điểm của Socrates rằng mọi sự thấu hiểu đúng đắn đều đi đến từ bên trong. Lựa chọn đưa một người tiến từ cách sống duy mỹ tới cách sống luân lý hay tôn giáo phải đến từ bên trong. Ibsen đã miêu tả điều này trong Peer Gynt. Có thể tìm thấy một miêu tả bậc thầy khác về chuyện lựa chọn sinh tồn nảy sinh từ sự tuyệt vọng và nhu cầu nội tâm trong cuốn tiểu thuyết ‘Tội ác và trừng phạt của Dostoevsky ”.
“ Điều tốt nhất ta có thể làm là lựa chọn một hình thức khác của cuộc sống. ”
“ Và có lẽ khi đó, ta sẽ bắt đầu sống tại cấp độ luân lý. Cấp độ này đặc trưng bởi tính nghiêm túc và nhất quán trong các lựa chọn đạo đức. Cách sống này không phải không giống với luân lý trách nhiệm của Kant. Ta phải cố gắng sống theo các quy tắc đạo đức. Cũng như Kant, Kierkegaard đã thu hút sự quan tâm trước hết tới tính khí con người. Cái mà ta có thể cho là đúng hay sai không quan trọng. Điều đáng kể là ta chọn một quan niệm về cái gì đúng cái gì sai. Mối quan tâm duy nhất của những người duy mỹ về một cái gì đó là nó thú vị hay buồn tẻ. ”
“ Sống như thế có sợ sẽ trở nên quá nghiêm túc không ạ ? ”
“ Chắc chắn rồi ! Kierkegaard chưa bao giờ cho rằng cấp độ luân lý đem lại sự thoả mãn. Ngay cả một người có ý thức trách nhiệm cao cuối cùng cũng sẽ thấy mệt mỏi vì lúc nào cũng tận tuỵ và tỉ mỉ. Nhiều người về cuối đời đã trải nghiệm phản ứng mệt mỏi đó. Một số rơi trở lại với cuộc sống phê phán tại cấp độ mỹ học của mình.
“ Nhưng những người khác tạo một bước tiến mới tới cấp độ tôn giáo. Họ nhảy xuống vực sâu bảy vạn dặm của đức tin. Họ chọn đức tin thay cho niềm vui duy mỹ và lời kêu gọi trách nhiệm của lý tính. Và mặc dù có thể rất kinh khủng khi nhảy vào vòng tay mở rộng của Chúa Trời hằng sống, như Kierkegaard đã mô tả, nhưng đó là con đường duy nhất đến với sự chuộc tội. ”
“ Thầy đang nói về KiTô gíao ạ ? ”
“ Đúng vậy. Vì theo Kierkegaard, Kitô giáo chính là cấp độ tôn giáo. Nhưng ôngcũng có ý nghĩa sâu sắc đối với các nhà tư tưởng không theo Kitô giáo. Với cảm hứng từ nhà triết học Đan Mạch, chủ nghĩa hiện sinh đã nở rộ trong thế kỷ XX. ”
Sophie liếc nhìn đồng hồ.
“ Gần bảy giờ rồi ! Em phải chạy thôi. Mẹ sẽ lo cuống lên mất. ”
Cô vẫy tay chào nhà triết học rồi chạy xuống phía chiếc thuyền.