…từ cách làm kim khâu cho đến cách đúc đại bác…
Hilde vừa bắt đầu chương về thời Phục Hưng khi cô nghe thấy tiếng mẹ ở cửa chính. Cô nhìn đồng hồ. Bốn giờ chiều.
Mẹ chạy lên gác và mở cửa phòng Hilde.
“Con không đến nhà thờ à?”
“Có chứ ạ.”
“Thế … con đã mặc cái gì?”
“Như con đang mặc bây giờ ấy ạ.”
“Váy ngủ á?”
“Đó là một cái nhà thờ cổ bằng đá từ thời Trung Cổ.”
“Hilde!”
Cô thả cặp giấy vào lòng rồi ngước nhìn mẹ.
“Con đã quên mất thời gian, mẹ ạ. Con xin lỗi, nhưng con đang đọc một truyện hay kinh khủng.”
Mẹ cô không thể nhịn được cười.
“Đó là một quyển sách kỳ diệu,” Hilde nói thêm.
“Thôi được, chúc mừng sinh nhật con lần nữa, Hilde à!”
“Ôi, hôm nay con được nghe câu đó nhiều hết chịu nổi rồi…”
“Nhưng mẹ chưa… thôi mẹ đi nghỉ một lát đây, rồi mẹ sẽ nấu một bữa tối thật ngon. Mẹ đã kiếm được một ít dâu tây.”
“Vâng, con đọc tiếp đây.”
Mẹ đi khỏi và Hilde tiếp tục đọc.
Sophie đang theo Hermes đi xuyên qua thành phố. Tại sảnh nhà Alberto, cô tìm thấy một bưu ảnh nữa từ Lebanon. Cái này cũng đề ngày 15 tháng Sáu.
Hilde bắt đầu hiểu hệ thống ngày tháng. Những tấm thiệp đề ngày trước 15 tháng Sáu là bản sao của những bưu ảnh bố đã gửi cho Hilde. Còn những tấm đề ngày hôm nay, cô được đọc lần đầu tiên là từ trong tập giấy.
Hilde yêu quí. Bây giờ Sophie đang đến chỗ nhà triết học. Cô ấy sắp được 15 tuổi, nhưng con đã 15 tuổi từ hôm qua. Hay là hôm nay, Hilde? Nếu là hôm nay thì chắc đã muộn rồi. Đồng hồ của bố con mình không phải lúc nào cũng chạy giống nhau…
Hilde đọc đoạn Alberto nói về thời Phục Hưng và những ngành khoa học mới, về các nhà duy lý thế kỷ XVII và chủ nghĩa kinh nghiệm Anh.
Cô nhảy dựng lên mỗi lần đọc đến một tấm thiệp mới hay một lời chúc mà bố cô đã đính vào câu truyện. Ông làm cho chúng rơi ra từ một quyển vở bài tập, xuất hiện trong vỏ chuối và ẩn trong một chương trình máy tính. Chẳng tốn chút công sức, ông có thể làm Alberto buột miệng gọi Sophie là Hilde. Kỳ nhất là ông làm cho Hermes nói “Chúc mừng sinh nhật, Hilde!”
Hilde cũng đồng ý với Alberto là bố cô đã hơi quá đà, ông dám so sánh mình với Chúa Toàn năng. Nhưng thực ra cô đang đồng ý với ai vậy? Chẳng phải chính bố đã đưa những lời lẽ tự phê phán hay chỉ trích này vào miệng Alberto hay sao? Cô kết luận là rốt cục thì so sánh với Chúa Trời cũng không đến nỗi điên rồ lắm. Trong thế giới của Sophie, bố cô quả thực giống một vị Chúa Toàn năng.
Khi Alberto nói đến Berkeley, Hilde cũng bị mê hoặc chẳng kém Sophie. Chuyện gì sẽ xảy ra? Đã có đủ lời bóng gió rằng một cái gì đó rất đặc biệt sẽ xảy ra khi họ đến với nhà triết học này - người đã phủ nhận sự tồn tại của một thế giới vật chất bên ngoài tâm thức của con người.
Chương đó bắt đầu khi Alberto và Sophie đang đứng bên kia cửa sổ, ngắm nhìn chiếc máy bay bé xíu kéo theo dải băng Chúc Mừng Sinh Nhật bay phần phật phía sau. Cùng lúc đó, mây đen bắt đầu trùm lên thành phố.
“Vậy, ‘tồn tại hay không tồn tại’ không phải là toàn bộ câu hỏi. Câu hỏi còn là ta là ai. Có thật ta là con người bằng xương bằng thịt hay không? Thế giới của ta có bao gồm những vật có thật hay không? - hay bao quanh ta là tâm thức?”
Chẳng có gì ngạc nhiên khi Sophie bắt đầu gậm móng tay. Hilde chưa bao giờ có thói cắn móng tay, nhưng lúc này cô không cảm thấy hài lòng với bản thân cho lắm. Và cuối cùng thì chuyện cũng được nói toạc ra: “Với chúng ta - với tôi và em - cái ‘ý chí hay tinh thần’ mà nó là ‘nguyên nhân của mọi thứ trong mỗi thứ’ có thể là cha của Hilde.”
“Có phải thầy đang nói rằng ông ta là một kiểu Chúa Trời đối với chúng ta?”
“Nói một cách hoàn toàn thẳng thắn, đúng vậy. Ông ta nên lấy làm hổ thẹn mới phải!”
“Thế còn Hilde?”
“Cô ấy là một thiên thần, Sophie ạ.”
“Một thiên thần?”
“Hilde là người mà cái ‘tinh thần’ này hướng tới.”
Đến đây, Sophie vùng chạy khỏi Alberto và lao vào cơn bão. Có phải chính là cơn bão đã gầm rú khắp Bjerkely đêm qua - một vài tiếng sau khi Sophie chạy xuyên qua thành phố?
Vừa chạy, tâm trí cô vừa quanh quẩn mãi một ý nghĩ: “Mai là sinh nhật của mình! Thấy rằng cuộc đời chỉ là giấc mơ đã là một điều cay đắng. Nhận ra điều đó vào đúng hôm trước sinh nhật lần thứ 15 thì còn cay đắng hơn nữa. Giống như nằm mơ thấy mình trúng xổ số được một triệu và ngay khi sắp nhận được tiền thì tỉnh dậy.”
Sophie chạy qua sân vận động lép nhép nước là nước. Vài phút sau, cô nhìn thấy ai đó đang chạy về phía mình. Đó là mẹ cô. Những rạch chớp giận dữ nối tiếp nhau chọc thủng bầu trời.
Chạy tới nơi, mẹ cô choàng tay ôm Sophie.
“Chuyện gì đang xảy ra với mình vậy, con gái bé bỏng?”
“Con không biết,” Sophie nức nở. “Như một cơn ác mộng.”
Hilde cảm thấy nước mắt sắp ứa ra. “Tồn tại hay không tồn tại - đó chính là câu hỏi.” Cô liệng cái cặp giấy xuống cuối giường và đứng dậy. Cô đi đi lại lại trong phòng. Cuối cùng, cô dừng lại truớc tấm gương đồng nơi cô đứng đó cho đến khi mẹ lên gọi xuống ăn tối. Khi nghe tiếng gõ cửa, Hilde không biết mình đã đứng đó bao lâu rồi.
Nhưng cô chắc chắn rằng, hoàn toàn chắc chắn, rằng cái bóng trong gương đã nháy mắt với cô bằng cả hai mắt.
Suốt buổi tối, cô cố gắng làm ra vẻ vui tươi và thoải mái. Nhưng tâm trí cô lúc nào cũng quanh quẩn với Sophie và Alberto.
Họ sẽ ra sao khi biết rằng chính bố của Hilde là người quyết định mọi chuyện? Tuy vậy, có lẽ “biết” là một sự cường điệu. Thật vô nghĩa khi nghĩ rằng họ biết bất cứ cái gì. Chẳng phải chính bố cô là người cho họ biết đấy thôi?
Tuy nhiên, nhìn theo kiểu gì thì vấn đề cũng vẫn như thế. Một khi Sophie và Alberto biết được mọi chuyện có quan hệ như thế nào với nhau, thì theo một nghĩa nào đó, họ đã đến cuối đường.
Cô suýt nghẹn với một mồm đầy thức ăn khi cô bỗng nhận ra rằng chính vấn đề đó cũng có thể áp dụng ngay cho thế giới của cô. Người ta đã tiến bộ liên tục trong hiểu biết về các quy luật của thiên nhiên. Một khi mảnh cuối cùng của trò chơi xếp hình triết học và khoa học đã được đặt vào đúng chỗ, liệu lịch sử còn có thể tiếp tục đến vô cùng hay không? Chẳng phải có một mối liên hệ giữa một bên là sự phát triển của tư tưởng và khoa học với bên kia là hiệu ứng nhà kính và sự phá rừng? Có lẽ chẳng điên rồ cho lắm khi gọi niềm khao khát tri thức loài người là sự Sa Ngã.
Câu hỏi này thật đồ sộ và đáng sợ, đến nỗi Hilde lại cố quên nó đi. Có lẽ cô sẽ hiểu thêm khi cô đọc được nhiều hơn từ cuốn sách quà sinh nhật của bố.
“Happy birthday to you…”, mẹ hát khi hai mẹ con ăn xong món kem dâu tây Ý. “Bây giờ mình sẽ làm gì tùy con.”
“Con biết là có vẻ hơi điên rồ, nhưng con chỉ muốn đọc cuốn sách bố tặng thôi.”
“Cũng được, miễn là bố không làm con phát điên.”
“Làm gì có chuyện.”
“Mình có thể ăn bánh pizza khi xem phim trinh thám trên tivi tối nay.”
“Vâng, tuỳ mẹ.”
Hilde chợt nghĩ về cách Sophie nói với mẹ. Hy vọng là bố đã quyết định không đưa mẹ vào nhân vật mẹ của Sophie. Để chắc ăn, cô quyết định không đả động gì đến con thỏ trắng được kéo ra từ trong chiếc mũ cao vành. Ít nhất không phải hôm nay.
“À,” cô nói khi rời bàn.
“Sao cơ?”
“Con không tìm thấy sợi dây chuyền vàng gắn thánh giá của con ở đâu cả.”
Mẹ cô nhìn lên với vẻ mặt bí ẩn.
“Mẹ tìm thấy nó ở dưới cầu tàu từ mấy tuần trước cơ. Chắc con đã đánh rơi, con quỉ luộm thuộm ạ.”
“Mẹ có kể với bố không?”
“Để xem nào… có. Chắc là mẹ đã kể.”
Mẹ cô đứng dậy đi lấy hộp nữ trang. Hilde nghe thấy một tiếng kêu ngạc nhiên từ trong phòng mẹ. Bà nhanh chóng quay lại phòng khách.
“Giờ thì mẹ không tìm thấy.”
“Con cũng đoán vậy.”
Cô ôm choàng lấy mẹ rồi chạy lên phòng mình. Cuối cùng thì cô đã có thể tiếp tục đọc sách về Sophie và Alberto. Cô lại trèo lên giường như trước, đặt cặp giấy lên đầu gối, và bắt đầu chương tiếp theo.
Sáng hôm sau, Sophie tỉnh giấc khi mẹ vào phòng mang theo một khay đầy quà sinh nhật. Mẹ cắm một lá cờ trong một chai sô đa rỗng.
“Chúc mừng sinh nhật, Sophie!”
Sophie dụi mắt ngái ngủ. Cô cố nhớ xem chuyện gì đã xảy ra vào đêm hôm trước. Nhưng tất cả như một đống lộn xộn các mảnh xếp hình. Mảnh này là Alberto, mảnh kia là Hilde và ông thiếu tá. Mảnh thứ ba là Berkeley, Bjerkely là mảnh thứ tư. Mảnh đen tối nhất là cơn bão. Cô gần như bị sốc. Mẹ cô đã dùng khăn tắm để lau khô cho cô và đưa cô vào giường với một cốc sữa nóng pha mật ong. Cô đã ngủ thiếp đi ngay lập tức.
“Chắc là con vẫn còn sống,” Sophie yếu ớt nói.
“Tất nhiên là con vẫn sống! Và hôm nay con tròn mười lăm tuổi!”
“Chắc không mẹ?”
“Sao lại không chắc? Chẳng lẽ một bà mẹ lại không biết đứa con duy nhất của mình sinh ngày nào? Ngày 15 tháng Sáu, năm 1975…lúc một giờ rưỡi, Sophie à. Đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời mẹ.”
“Mẹ có chắc tất cả không phải chỉ là một giấc mơ chứ ạ?”
“Chắc chắn phải là một giấc mơ đẹp để tỉnh dậy với bánh ngọt, sô-đa, và quà sinh nhật.”
Bà đặt khay quà xuống một chiếc ghế, thoắt rời khỏi phòng trong giây lát. Khi quay lại, bà bưng trên tay một khay khác đựng sô-đa và bánh ngọt. Bà đặt khay xuống cuối giường.
Đó là tín hiệu cho nghi lễ buổi sáng ngày sinh nhật với việc mở quà và chuyến du hành đa cảm của mẹ cô về với những cơn chuyển dạ đầu tiên của mười lăm năm trước. Quà của mẹ cô là một cây vợt tennis. Sophie chưa bao giờ chơi tennis, nhưng có mấy sân tennis ngoài trời chỉ cách nhà mấy phút đi bộ. Bố đã gửi cho cô một chiếc tivi nhỏ xíu bắt được sóng FM. Màn hình nó chỉ to bằng một tấm ảnh bình thường. Còn có quà của các cô dì và bạn bè của gia đình.
Mẹ cô nói:
“Con có muốn mẹ nghỉ việc để ở nhà hôm nay không?”
“Không, tại sao mẹ phải làm thế?”
“Hôm qua con đã bị chấn động mạnh. Nếu chuyện này tiếp tục, mẹ nghĩ là mình sẽ cần đến gặp bác sĩ tâm lý.”
“Không cần đâu ạ.”
“Đó là vì cơn bão hay vì Alberto?”
“Thế còn mẹ? Mẹ đã bảo: chuyện gì đang xảy ra với mình vậy, con gái bé bỏng?”
“Lúc đó mẹ đang nghĩ về chuyện con chạy quanh thành phố để gặp một người bí ẩn - có lẽ đó là lỗi của mẹ.”
“Chẳng ai có lỗi đâu, mẹ ạ. Con chỉ theo một khoá Triết học trong thời gian rãnh rỗi. Mẹ cứ đi làm đi. Đến mười giờ con mới phải đến trường và bọn con cũng chỉ đến nhận điểm rồi ngồi chơi thôi.”
“Con có đoán được điểm tốt hay xấu không?”
“Chắc chắn là tốt hơn kỳ trước rồi.”
Chẳng bao lâu sau khi mẹ cô đi làm thì chuông điện thoại reo.
“Sophie Amundsen đây ạ.”
“Tôi là Alberto.”
“A!”
“Đêm qua ông thiếu tã đã không tiếc đạn dược.”
“Nghĩa là sao ạ?”
“Cơn bão đấy, Sophie.”
“Em chẳng biết nên nghĩ gì nữa.”
“Đó là đức tính tốt nhất của một nhà triết học giỏi. Tôi rất tự hào về tất cả những gì em đã học được trong một thời gian ngắn như vậy.”
“Em sợ là chẳng có gì có thực cả.”
“Đó chính là mối lo sợ hiện sinh, và theo quy luật, nó chỉ là một giai đoạn trên con đường tới một ý thức mới.”
“Em nghĩ là em cần nghỉ giải lao một thời gian.”
“Bây giờ đã có nhiều ếch nhái trong vườn rồi à?”
Sophie bật cười. Alberto nói tiếp: “Tôi nghĩ chúng ta nên kiên trì. À nhân tiện, chúc mừng sinh nhật. Ta phải hoàn thành khoá học trước đêm Hội Mùa Hè. Đó là cơ hội cuối cùng của ta.”
“Cơ hội cuối cùng cho việc gì?”
“Em có đang ngồi thoải mái không? Chúng ta sẽ nói chuyện lâu đấy.”
“Em đang ngồi rồi.”
“Em còn nhớ Descartes chứ?”
“Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại?”
“Theo sự nghi ngờ có phương pháp của chúng ta, ta hiện đang bắt đầu từ đầu. Ta thậm chí không biết liệu mình có suy nghĩ hay không. Có thể chúng ta chỉ là những ý nghĩ, và điều đó khác hẳn với việc suy nghĩ. Ta có đủ lý do để tin rằng ta chỉ là cái mà cha của Hilde nghĩ ra để làm món quà sinh nhật cho cô con gái ở Lillesand. Em hiểu không?”
“Vâng…”
“Nhưng trong đó còn gắn liền với một mâu thuẫn. Nếu chúng ta chỉ là hư cấu, ta không có quyền ‘tin’ bất cứ điều gì. Trong trường hợp đó, cả cuộc nói chuyện qua điện thoại này chỉ là tưởng tượng.”
“Và chúng ta không có được một mẩu ý chí tự do dù là nhỏ nhất, vì chính ông thiếu tá là người lập kế hoạch cho tất cả những gì ta nói và làm. Như thế thì ta có thể cúp máy luôn cho rồi.”
“Ồ không, em đang đơn giản hoá mọi thứ quá mức rồi.”
“Thầy giải thích đi vậy.”
“Em có cho rằng người ta lập kế hoạch cho tất cả những gì mình mơ thấy không? Có thể cha của Hilde biết mọi hành động của chúng ta. Có thể việc trốn thoát tầm kiểm soát của ông cũng khó chẳng kém việc chạy khỏi cái bong của chính mình. Tuy nhiên, không chắc là ông thiếu tá đã xác định được xong về tất cả những chuyện sẽ xảy ra hay chưa - và đây chính là khởi điểm của một kế hoạch mà tôi bắt đầu soạn. Ông ta có thể để đến phút cuối cùng - nghĩa là khoảnh khắc sáng tạo. Chính những lúc đó là khi chúng ta có thể có được sự chủ động về những gì ta nói và làm. Sự chủ động đó tất nhiên sẽ chỉ tạo ra được những xung động rất yếu so với trọng pháo của ông thiếu tá. Rất có thể chúng ta không biết tự vệ trước các lực lượng quấy rối từ bên ngoài như chó biết nói, thông điệp trong quả chuối hay những cơn bão được đặt trước. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận sự ngoan cường của mình, cho dù nó có thể yếu đến đâu đi nữa.”
“Làm sao có thể thế được ạ?”
Dĩ nhiên ông thiếu ta biết mọi điều về thế giới bé nhỏ của chúng ta. Nhưng điều đó không có nghĩa ông ta có quyền lực tuyệt đối. Dù sao, ta cũng phải sống như thể ông ta không có.”
“Chắc là em hiểu ý thầy rồi.”
“Khéo léo là ở chỗ nếu ta có thể làm được điều gì đó chỉ giữa hai chúng ta mà thôi, ông thiếu tá sẽ không thể phát hiện ra.”
“Làm sao có thể làm được trong khi chúng ta thậm chí không tồn tại?”
"Ai bảo chúng ta không tồn tại? Câu hỏi không phải là ta có tồn tại hay không, mà là ta là cái gì và ta là ai. Ngay cả nếu quả thực ta chỉ là những xung động yếu ớt trong nhân cách đôi của ông thiếu tá, thì điều đó cũng không nhất thiết lấy mất sự tồn tại bé nhỏ của chúng ta."
“Thế còn ý chí tự do của ta?”
“Tôi đang tính toán chuyện đó, Sophie à.”
“Nhưng bố Hilde chắc chắn biết rằng thầy đang tính chuyện đó.”
“Dĩ nhiên là thế. Nhưng ông ta không biết kế hoạch đó như thế nào. Tôi đang cố tìm một điểm tựa Archimedes.”
“Một điểm tựa Archimedes?”
“Archimedes là một nhà bác học người Hy Lạp, người đã nói rằng ‘Cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng cả Trái Đất.’ Đó chính là loại điểm tựa mà ta phải tìm để nâng chúng ta ra khỏi cái vũ trụ bên trong ông thiếu tá.”
“Đó sẽ là một kỳ công!”
“Nhưng ta sẽ không thể chuồn trước khi hoàn thành khoá Triết học. Nó còn chưa kết thúc thì ông ta còn nắm chắc chúng ta. Rõ ràng ông ta đã quyết định rằng tôi phải đưa em qua các thế kỷ cho đến thời đại của chúng ta. Nhưng chúng ta chỉ còn vài ngày trước khi ông lên máy bay từ đâu đó ở vùng Trung Đông. Nếu không thoát được ra khỏi trí tưởng tượng dính như keo của ông thiếu tá trước khi ông ta về đến Bjerkely thì chúng ta xong đời.”
“Thầy làm em phát sợ!”
Trước hết, tôi sẽ kể cho em về các sự kiện quan trọng của thời kỳ Khai Sáng Pháp. Sau đó, ta sẽ điểm qua những nét chính của triết học Kant để ta có thể đi đến chủ nghĩa Lãng mạn. Hegel cũng sẽ là một phần quan trọng trong bức tranh của chúng ta. Và khi nói về ông, ta sẽ phải nhắc đến bất đồng sâu sắc của Kierkegaard đối với triết học Hegle. Ta sẽ nói qua về Marx, Darwin, và Freud. Và nếu ta có thể kết thúc bằng đôi câu nhận xét về Sartre và chủ nghĩa hiện sinh thì kế hoạch của ta có thể được đem ra triển khai.”
“Cả một đống việc cho một tuần!”
“Thế nên chúng ta phải bắt đầu ngay lập tức. Em có thể đến đây ngay bây giờ không?”
“Em phải đến trường. Bọn em họp lớp và nhận điểm.”
“Bỏ đi. Nếu chúng ta chỉ là hư cấu thì mùi vị của kẹo và nước ngọt chỉ là tưởng tượng thôi.”
“Nhưng điểm của em…”
“Sophie à, hoặc là em đang sống trong một vũ trị kỳ diệu trên một hành tinh nhỏ xíu trong một trong số nhiều trăm tỷ thiên hà hoặc em chỉ là kết quả của mấy xung động điện từ trong trí óc ông thiếu tá. Thế mà em lại nói về điểm số! Thật đáng xấu hổ!”
“Em xin lỗi.”
“Nhưng em cũng nên đến trường trước khi ta gặp nhau. Có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến Hilde nếu em bỏ học ngày bế giảng. Có lẽ cô ấy cũng đến trường trong ngày sinh của mình. Cô ấy là một thiên thần, em biết đấy.”
“Thế thì em sẽ đến trường luôn.”
“Ta sẽ gặp nhau ở nhà ông thiếu tá.”
“Căn nhà ông thiếu tá ấy ạ?”
…Điện thoại kêu ‘Cách!’.
Hilde thả cặp giấy vào lòng. Bố cô đã làm cô áy náy - cô đã trốn học ngày bế giảng. Ông thật là quỉ quái!
Cô ngồi tự hỏi không biết kế hoạch Alberto đang mưu tính như thế nào. Cô có nên xem trộm trang cuối không nhỉ? Không, như thế là gian lận. Cô nên đọc nhanh đến cuối thì hơn.
Nhưng cô tin rằng Alberto đã đúng ở một điểm quan trọng. Đúng là bố cô đã bao quát những gì sẽ xảy ra với Sophie và Alberto. Nhưng trong khi viết, ông có thể không biết tất cả những gì sẽ xảy ra. Ông có thể phóng tay viết cái gì đó rất vội vàng, cái mà có lẽ ông sẽ chỉ nhận ra sau khi viết xong đã lâu. Trong một tình huống như vậy, Sophie và Alberto sẽ có một chút tự do nhất định.
Một lần nữa, Hilde có một niềm tin gần như chắc chắn rằng Sophie và Alberto thật sự tồn tại. Nước lặng đáy sâu, cô tự nhủ.
Tại sao ý tưởng đó lại đến với cô?
Chắc chắn dó không phải là một suy nghĩ làm gợn sóng bề mặt.
Ở trường, Sophie được quan tâm nhiều vì hôm nay là sinh nhật của cô. Các bạn cùng lớp lòng tràn ngập những ý nghĩ về kỳ nghỉ hè, điểm số và nước ngọt ngày bế giảng.
Cô giáo vừa cho lớp tan với lời chúc tốt đẹp nhất cho kỳ nghỉ thì Sophie chạy về nhà, Joanna cố gọi cô lại nhưng Sophie trả lời rằng cô có việc bận.
Cô tìm thấy trong hộp thư hai tấm bưu ảnh từ Lebanon. Cả hai đều là thiệp mừng sinh nhật: CHÚC MỪNG SINH NHẬT - 15 TUỔI. Một tấm gửi “Hilde Moller Knag, c/o Sophie Amundsen…” Nhưng tấm thiếp kia dành cho chính Sophie. Cả hai đều đóng dấu “Tiểu đoàn Liên hợp quốc -15/6”
Sophie đọc tấm thiệp của cô trước:
Sophie Amundsen thân mến. Hôm nay cháu cũng nhận được một tấm thiệp. Chúc mừng sinh nhật, Sophie, và cảm ơn cháu rất nhiều vì tất cả những gì cháu đã làm cho Hilde. Thân mến, Thiếu tá Albert Knag.
Sophie không biết phải phản ứng thế nào, khi cuối cùng thì bố của Hilde cũng viết cả cho cô.
Tấm thiệp cho Hilde viết:
Hilde yêu quí, Bố không biết bây giờ là ngày nào, mấy giờ ở Lillesand. Nhưng, như bố đã nói, điều đó chẳng quan trọng. Bố đoán là bây giờ chưa quá muộn để bố gửi lời chào cuối cùng, hoặc gần cuối cùng. Nhưng con đừng thức khuya nhé! Alberto sắp kể cho con nghe về thời kỳ Khai Sáng tại Pháp. Ông sẽ tập trung vào bảy điểm sau đây:
1. Phản đối chính quyền
2. Chủ nghĩa duy lý
3. Phong trào Khai Sáng
4. Chủ nghĩa lạc quan văn hoá
5. Sự quay về với thiên nhiên
6. Tôn giáo tự nhiên
7. Quyền con người
Rõ ràng ông thiếu tá vẫn đang để mắt đến họ.
Sophie vào nhà và đặt bảng điểm toàn A lên bàn bếp. Rồi cô luồn qua bờ giậu và chạy vào rừng.
Chẳng mấy chốc, cô lại đang chèo thuyền qua cái hồ nhỏ.
Alberto đang ngồi trên bậc cửa khi cô đến nơi. Ông chỉ cô ngồi xuống bên cạnh. Thời tiết khá đẹp, tuy có một chút sương mờ mờ đang bốc lên từ mặt hồ. Có vẻ như nó chưa hoàn toàn bình phục sau cơn bão.
“Ta hãy bắt đầu luôn,” Alberto nói.
“Sau Hume, nhà triết học lớn tiếp theo là Immanuel Kant, người Đức. Nhưng Pháp cũng có nhiều nhà tư tưởng lỗi lạc trong thế kỷ XVIII. Ta có thể nói rằng trong thế kỷ XVIII, trọng tâm triết học của Châu Âu ở Anh vào nửa đầu, ở Pháp vào giữa thế kỷ và ở Đức vào phần cuối.”
“Nói cách khác là một sự chuyển dịch từ Tây sang Đông.”
Chính xác. Ta hãy phác qua một số tư tưởng mà nhiều triết gia của thời kỳ Khai Sáng Pháp cùng chia xẻ. Những tên tuổi quan trọng là Montesquieu, Voltaire và Rousseau, nhưng còn có nhiều, nhiều người khác. Tôi sẽ tập trung vào bảy điểm.”
“Cảm ơn thầy, đáng buồn là em đã biết thế rồi.”
Sophie đưa ông tấm thiếp của bố Hilde. Alberto thở dài. “Ông ta đâu cần phải tốn nhiều công như thế… thôi được, từ khoá thứ nhất là Phản đối chính quyền. Nhiều triết gia Khai Sáng Pháp đã sang thăm Anh, nơi tự do hơn đất nước họ về nhiều mặt. Họ đã bị lôi cuốn bởi các ngành khoa học tự nhiên của Anh, đặc biệt là Newton và ngành vật lý phổ quát của ông. Nhưng họ còn nhận được cảm hứng từ triết học Anh, cụ thể là Locke và triết học chính trị của ông. Trở về Pháp, họ ngày càng trở nên bất đồng với quyền lực cố cựu. Họ cho rằng điều quan trọng là phải giữ thái độ hoài nghi đối với mọi chân lý được thừa kế, mỗi cá nhân phải tìm câu trả lời của chính mình cho từng câu hỏi. Ở đây, truyền thống của Descartes đã gây được rất nhiều cảm hứng.”
“Bởi vì ông ấy là người đã xây dựng mọi thứ từ nền móng?”
“Đúng vậy. Sự phản đối chính quyền chủ yếu trực tiếp chống lại quyền lực của tăng lữ, nhà vua và giới quý tộc. Trong thế kỷ XVIII, ở Pháp, các tổ chức này có nhiều quyền lực hơn ở Anh.”
“Tiếp đến là cách mạng Pháp.”
“Đúng, năm 1789. Nhưng các tư tưởng cách mạng đã nảy sinh từ trước đó khá lâu. Từ khoá tiếp theo là chủ nghĩa duy lý.”
“Em tưởng chủ nghĩa duy lý đã tàn cùng Hume.”
“Chính Hume đến tận năm 1776 mới qua đời. Đó là khoảng 20 năm sau Montesquieu và chỉ hai năm trước Voltaire và Rousseau, hai vị này mất năm 1778. Nhưng cả ba đều đã đến Anh và quen thuộc với triết học của Locke. Chắc em còn nhớ rằng Locke không được nhất quán cho lắm trong chuỷ nghĩa kinh nghiệm của ông. Ví dụ, ông tin rằng đức tin vào Chúa Trời và một số nguyên tắc đạo đức nhất định là cố hữu trong lý tính của con người. Tư tưởng này cũng là cốt lõi của thời kỳ Khai Sáng Pháp.”
“Thầy còn nói rằng người Pháp luôn duy lý hơn người Anh.”
“Đúng vậy, đó là một sự khác biệt đã có từ thời Trung Cổ. Trong khi người Anh nói về ‘common sense’ (nhận thức thông thường) thì người Pháp thường nói về ‘évident’ (hiển nhiên). Cụm từ tiếng Anh có nghĩa ‘điều mà ai cũng biết’, từ tiếng Pháp có nghĩa ‘điều hiển nhiên đối với lý tính của con người’, như vậy đó.”
“Em hiểu rồi.”
“Cũng như những người theo chủ nghĩa nhân văn thời Cổ đại, chẳng hạn Socrates và các triết gia Khắc kỷ, hầu hết các nhà triết học Khai Sáng đều có niềm tin vững chãi vào lý tính con người. Điều đó đặc trưng đến mức thời kỳ Khai Sáng Pháp thường được gọi là Thời đại của Lý tính. Nhiều ngành khoa học tự nhiên đã cho thấy thiên nhiên là đối tượng của lý tính. Giờ đây, các triết gia Khai Sáng thấy rằng họ có nhiệm vụ đặt nền móng cho tinh thần, tôn giáo, và luân lý học theo lý tính bất biến của con người. Điều đó dẫn đến phong trào Khai Sáng.”
“Điểm thứ ba.”
“Bây giờ đã đến lúc bắt đầu ‘khai sáng’ cho dân chúng. Đó sẽ là cơ sở cho một xã hội tốt hơn. Người ta đã nghĩ rằng nghèo khổ và áp bức là lỗi của ngu dốt và mê tín dị đoan. Do đó, mối quan tâm hàng đầu tập trung vào việc giáo dục trẻ em và nhân dân. Không phải ngẫu nhiên mà ngành sư phạm đã được thành lập vào thời kỳ Khai Sáng.”
“Vậy là trường học có từ thời Trung Cổ và ngành sư phạm từ thời Khai Sáng.”
“Em có thể nói như vậy. Công trình kỷ niệm vĩ đại nhất của phong trào Khai Sáng rất mang tính đặc trưng, đó là một cuốn từ điển bách khoa đồ sộ. Tôi đang nói đến cuốn Từ điển Bách khoa gồm 28 tập, xuất bản trong những năm từ 1751 đến 1772. Tất cả các triết gia và học giả đã đóng góp vào cuốn sách. Người ta nói rằng có thể tìm thấy mọi thứ ở đó, ‘từ cách làm kim khâu cho đến cách đúc đại bác.’”
“Điểm tiếp theo là chủ nghĩa lạc quan văn hoá,” Sophie nói.
“Em làm ơn cất cái bưu ảnh đó đi trong khi tôi đang nói có được không?”
“Em xin lỗi thầy.”
“Các triết gia thời kỳ Khai Sáng cho rằng một khi lý tính và tri thức được truyền bá rộng rãi, nhân loại sẽ có được những bước tiến xa. Có thể chỉ là vấn đề thời gian trước khi sự phi lý và ngu dốt sẽ nhường bước cho một nhân loại đã được ‘khai sáng’. Tư tưởng này đã thống trị Châu Âu cho đến vài thập kỷ cuối cùng. Ngày nay, chúng ta không còn tin tưởng rằng mọi sự ‘phát triển’ đều dẫn đến điều tốt đẹp.
“Nhưng chính các triết gia thời kỳ Khai Sáng đã nêu ra những phê phán đó đối với sự ‘khai hoá văn minh’”.
Có lẽ chúng ta đáng lẽ nên nghe theo họ.”
“Đối với một số người, khẩu hiệu mới là quay về với thiên nhiên. Nhưng ‘thiên nhiên’ đối với các triết gia Khai Sáng cũng có nghĩa gần giống với ‘lý tính’, vì lý tính của con người là quà tặng của thiên nhiên chứ không phải của một tôn giáo hay của sự ‘khai hoá văn minh’. Người ta đã quan sát thấy rằng những người được coi là người nguyên thuỷ vừa khoẻ mạnh hơn lại vừa hạnh phúc hơn người dân Châu Âu, và nguời ta nói rằng đó là vì họ chưa được ‘khai hoá văn minh’. Rousseau đã đưa ra câu nói ‘ta nên quay về với thiên nhiên’, vì thiên nhiên tốt đẹp và con người về bản chất là thiện; chính nền văn minh đã phá hỏng anh ta. Rousseau còn tin rằng nên để một đứa trẻ ở giai đoạn ngây thơ ‘tự nhiên’ của nó càng lâu càng tốt. Cũng có thể nói rằng quan niệm về giá trị thực chất của tuổi thơ ấu bắt đầu có từ thời kỳ Khai Sáng. Trước đó, tuổi thơ ấu chỉ được coi là một sự chuẩn bị cho cuộc sống trưởng thành. Nhưng tất cả chúng ta đều là con người, ta sống cuộc sống của ta trên trái đất này ngay cả khi chúng ta là trẻ con.”
“Em nhiệt liệt ủng hộ!”
“Họ cho rằng tôn giáo cũng phải được làm cho trở nên tự nhiên.”
“Nghĩa là sao ạ?”
Ý họ là tôn giáo cũng phải được đưa đến sự hài hoà với lý tính ‘tự nhiên’. Có nhiều người đấu tranh cho cái mà nguời ta có thể gọi là một tôn giáo tự nhiên, và đó là điểm thứ sáu trong danh sách. Vào thời đó, có nhiều nhà vật lý kỳ cựu không tin vào Chúa Trời và tự nhận mình theo thuyết vô thần. Nhưng hầu hết các triết gia Khai Sáng cho rằng thật phi lý khi hình dung một thế giới không có Chúa Trời. Bởi thế giới này quá hợp lý. Newton cũng có quan điểm như vậy. Người ta còn coi việc tin tưởng vào sự bất tử của linh hồn cũng là điều hợp lý. Cũng như Descartes, vấn đề con người có một linh hồn bất tử hay hông là một câu hỏi về lý tính hơn là về đức tin.”
“Em thấy điều đó thật kỳ quặc. Em nghĩ đó là một trường hợp điển hình về cái ta tin, chứ không phải cái mà ta biết.”
“Đó là vì em không sống ở thế kỷ XVIII. Theo các triết gia Khai Sáng, điều cần thiết cho tôn giáo là phải loại tất cả những tín điều và học thuyết phi lý đã được gắn vào những giáo huấn giản dị của Jesus trong suốt lịch sử giáo hội.”
“Em hiểu rồi.”
“Do đó, nhiều người đi theo một học thuyết được gọi là thuyết hữu thần.”
“Đó là gì ạ?”
“Thuyết hữu thần là đức tin rằng Chúa Trời đã tạo ra thế giới từ xưa lắm rồi, nhưng từ đó chưa lần nào hiện diện đối với thế giới. Như vậy, Chúa Trời được rút xuống thành một ‘Đấng Siêu việt’, người chỉ hiện diện trước loài nguời qua thiên nhiên và các quy luật tự nhiên, không bao giờ theo một cách ‘siêu nhiên’ nào. Ta thấy một sự đồng với ‘vị Chúa Trời triết học’ trong các tác phẩm của Aristotle. Đối với ông, Chúa là ‘nguyên nhân hình thức’ hay ‘động lực đầu tiên.’”
“Như vậy là chỉ còn lại một điểm: quyền con người.”
“Và có lẽ đây chính là điểm quan trọng nhất. Nhìn chung, em có thể nói rằng thời Khai Sáng Pháp có tính thiết thực hơn triết học Anh.”
“Ý thầy là họ đã sống theo triết học của mình?”
Đúng vậy, quả là như vậy. Các triết gia Khai Sáng không thoả mãn với các quan điểm lý thuyết về vị thế của con người trong xã hội. Họ chủ động đấu tranh cho cái mà họ gọi là các ‘quyền thiên nhiên’ của công dân. Đầu tiên là hình thức một phong trào chống kiểm duyệt - đấu tranh cho quyền tự do báo chí. Nhưng cả trong các vấn đề về tôn giáo, đạo đức, và chính trị, quyền tự do về tư tưởng và ngôn luận của cá nhân cũng phải được bảo vệ. Họ còn đấu tranh đòi bãi bỏ chế độ nô lệ và đòi sự đối nhân xử đạo hơn đối với tội phạm.”
“Em nghĩ là em đồng ý với hầu hết các điểm đó.”
“Nguyên tắc về ‘quyền bất khả xâm phạm của cá nhân’ đã lên đến đỉnh điểm trong Tuyên ngôn về quyền con người và quyền công dân được quốc hội Pháp phê chuẩn năm 1789. Bản Tuyên ngôn về quyền con người này là nền tảng cho hiến pháp Na Uy năm 1814 của chúng ta.”
“Nhưng nhiều người vẫn đang phải đấu tranh cho những quyền này.”
“Rất đáng buồn là như vậy. Nhưng các triết gia Khai Sáng đã muốn thiết lập những quyền nhất định mà mọi con người sinh ra đều được hưởng. Đó chính là những gì mà họ gọi là ‘quyền tự nhiên’.
“Ta vẫn nói về một ‘quyền tự nhiên’ có mâu thuẫn với luật pháp của quốc gia. Và ta luôn thấy những cá nhân hay cả dân tộc đòi ‘quyền tự nhiên’ này khi họ nổi dậy chống lại tình trạng vô chính phủ, nô lệ hay áp bức.”
“Thế còn quyền của phụ nữ thì sao ạ?”
“Năm 1787, cách mạng Pháp đã thiết lập một số quyền cho mọi ‘công dân’. Nhưng công dân hầu như lúc nào cũng được hiểu là nam giới. Nhưng chính cách mạng Pháp đã nhen nhóm những ý niệm đầu tiên về phong trào phụ nữ.”
“Đến lúc quá đi rồi ấy chứ!”
“Ngay từ năm 1787, nhà triết học Khai Sáng Condorcet đã xuất bản một bài luận về quyền phụ nữ. Ông cho rằng phụ nữ cũng có các ‘quyền tự nhiên’ như nam giới. Trong Cách mạng 1789, phụ nữ đã cực kỳ tích trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến cổ hủ. Ví dụ, chính phụ nữa đã dẫn đầu những cuộc biểu tình buộc nhà vua phải chạy khỏi cung điện Versailes. Các đoàn thể phụ nữ đã được thành lập ở Paris. Bên cạnh việc đòi hỏi được bình quyền về chính trị với nam giới, họ còn đòi hỏi các thay đổi đối với luật hôn nhân gia đình và điều kiện xã hội của phụ nữ.”
“Họ có đạt được quyền bình đẳng không ạ?”
“Không. Cũng như nhiều dịp sau đó, vấn đề quyền phụ nữ đã được tận dụng triệt để trong phong trào đấu tranh, nhưng ngay khi mọi việc bắt đầu ổn định với một chính thể mới, cái xã hội cũ thống trị bởi đàn ông lại được bắt đầu.”
“Biết ngay mà!”
Một trong những người đấu tranh mạnh mẽ nhất cho quyền phụ nữ trong cách mạng Pháp là Olympe de Gouges. Năm 1791 - hai năm sau cuộc cách mạng - bà công bố một bản tuyên ngôn về quyền phụ nữ. Bản tuyên ngôn về quyền công dân đã không có một điều khoản nào về các quyền tự nhiên của phụ nữ. Giờ đây, Olympe de Gouges đòi phụ nữ được hưởng tất cả các quyền của nam giới.”
“Chuyện gì đã xảy ra ạ?”
“Năm 1793, bà bị lên máy chém. Và mọi hoạt động chính trị cho phụ nữ đều bị cấm.”
“Thật đáng xấu hổ!”
“Đến tận thế kỷ XIX, phong trào đòi binh quyền cho phụ nữ mới thực sự bắt đầu, không chỉ ở Pháp mà còn ở phần còn lại của Châu Âu. Từng ít một, cuộc đấu tranh này bắt đầu có kết quả. Nhưng, ở Na Uy chẳng hạn, đến tận năm 1913 phụ nữ mới có quyền bầu cử. Và phụ nữ ở nhiều nơi trên thế giới vẫn còn nhiều điều phải đấu tranh.”
“Họ có em ủng hộ.”
Alberto ngồi nhìn ra hồ. Một hai phút sau, ông nói:
“Ít nhiều đó là những gì tôi muốn nói với em về thời kỳ Khai Sáng.”
“Sao lại ‘ít nhiều’ ạ?”
“Tôi có cảm giác rằng thế là đủ.”
Nhưng khi ông nói câu đó, một cái gì đó bắt đầu xảy ra ở giữa hồ. Bọt nước nổi lên từ dưới đáy hồ. Rồi một sinh vật khổng lồ và gớm ghiếc nhô lên khỏi mặt nước.
“Rắn biển!” Sophie hét lên.
Con quái vật đen ngòm uốn mình vài lần rồi biến mất xuống đáy hồ. Mặt nước lại phẳng lặng y như trước.
Alberto đã quay đi.
“Giờ ta hãy vào trong ngôi nhà,” ông nói.
Họ đi vào bên trong căn nhà nhỏ.
Sophie đứng ngắm hai bức tranh về Berkeyley và Bjerkely. Cô chỉ bức Bjerkely và nói:
“Em nghĩ là Hilde sống ở đâu đó trong bức tranh này.”
Có thêm một tấm vải thêu treo giữa hai bức trang. Trên đó có hàng chữ: TỰ DO, BÌNH ĐẲNG, BÁC ÁI.
Sophie quay về phía Alberto: “Thầy đã treo cái này lên ạ?”
Ông chỉ lắc đầu với vẻ chán nản.
Rồi Sophie tìm thấy một phong bì nhỏ nằm trên bệ lò sưởi. Trên đó ghi: “Gửi Hilde và Sophie.” Sophie biết ngay ai là người đã gửi bức thư này, nhưng ông ta đã bắt đầu trực tiếp liên lạc với Sophie, đó là một bước ngoặt mới của các sự kiện.
Cô mở thư và đọc thành tiếng:
Các con thân mến, ông thầy triết học lẽ ra đã phải nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của thời kỳ Khai Sáng Pháp đối với những lý tưởng và nguyên tắc nền tảng của Liên hợp quốc. Hai trăm năm trước, khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” đã giúp đoàn kết nhân dân Pháp. Ngày nay, chính những lời đó nên đoàn kết cả thế giới. Giờ đây, việc xây dựng một Gia Đình Lớn Của Loài Người trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Hậu duệ của chúng ta là con và các cháu của chính chúng ta. Chúng sẽ được thừa kế một thế giới như thế nào?
Mẹ đang gọi Hilde từ dưới nhà, mười phút nữa bộ phim trinh thám sẽ bắt đầu, mẹ đã đặt bánh pizza vào lò. Hilde đã khá kiệt sức vì đọc. Cô đã dậy từ sáu giờ sáng.
Cô quyết định sẽ dùng hết phần còn lại của buổi tối để ăn sinh nhật với mẹ. Nhưng trước hết, cô phải tìm cái này trong từ điển bách khoa đã.
Gouges…không có. De gouges? Cũng không. Olympe De Gouges? Vẫn thế. Cuốn từ điển này đã không viết một chữ nào về một người phụ nữ đã bị chặt đầu vì lý tưởng chính trị của mình. Thật đáng xấu hổ!
Chắc bà ấy không phải do bố cô phịa ra đấy chứ?
Hilde chạy xuống nhà tìm một cuốn từ điển bách khoa to hơn.
“Con chỉ tra cái này một tí thôi,” cô nói khi thấy mẹ tròn mắt nhìn.
Cô lấy tập FORV-GP của từ điển bách khoa toàn thư gia đình bộ lớn rồi chạy lên phòng.
Gouges…đây rồi!
Gouges, Marie Olympe (1748 - 1793), tác giả người Pháp, đóng vai trò quan trọng trong cách mạng Pháp với nhiều tài liệu tuyên truyền về các vấn đề xã hội và một số vở kịch. Trong cách mạng Pháp, là một trong số ít người đấu tranh đòi áp dụng quyền con người cho phụ nữ. Năm 1791, xuất bản “Tuyên ngôn về quyền phụ nữ”. Bị xử chém năm 1793 vì dám bảo vệ Louis XVI và chống đối Robespierre. (Trích từ L.Lacour, “Nguồn gốc của phong trào nữ quyền đương đại,” 1900)