Thế giới 5000 năm

“Người Béo”, “Người Gầy” Và “ Kẻ Lam Lũ”

 “NGƯỜI BÉO”, “NGƯỜI GẦY” VÀ “ KẺ LAM LŨ”

Cuối thập kỷ 70 thế kỷ l4, ở nước Cộng hòa Phlôrăngxơ bắc Italia nổ ra một cuộc khởi nghĩa của thợ thuyền. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị thất bại, nhưng trong lịch sử thế giới đó là hành động vĩ đại đầu tiên của người vô sản thành thị giành giật chính quyền với chủ xí nghiệp lớn.

Thời đó, nghề chế biến lông cừu ở Phlôrăngxơ rất phát đạt, toàn thành phố có hơn 200 công trường thủ công. Việc quản lý thành phố cũng rất độc đáo: Cơ quan quyền lực cao nhất là Hội đồng trưởng lão, các thành viên chấp chính do các phường hội ngành nghề bầu ra; thủ lĩnh được gọi là “Người cầm cờ chính nghĩa” kiêm nhiệm chức chỉ huy quân tự vệ của thành phố. Nhưng quyền lợi giữa các phường hội ngành nghề rất không bình đẳng. Trong 21 phường hội ngành nghề có 7 phường hội là lông cừu, tiền, thầy cãi v.v. mà người ta thường gọi là “người béo”, mỗi phường hội được cử một chấp chính viên. 14 phường hội nhỏ khác như rèn, đế giầy, nề v.v. mà người ta thường gọi là “người gầy” thì tất cả chỉ được cử 2 người. Còn số thợ chải lông đông đảo mà người ta gọi là “bọn lam lũ” thì không có phường hội riêng của mình mà phụ thuộc vào phường hội ngành lông cừu, nên chẳng có quyền lợi gì về chính trị và kinh tế, luôn bị bọn chủ đè nén bóc lột tàn bạo. Tình trạng này kéo dài không tránh khỏi việc họ phải đứng lên chống lại. Cuối cùng, tháng 7 năm 1378, họ đã liên kết với “người gầy” và những thợ thủ công không vào phường hội đứng lên chống bọn “người béo”.

Vào một buổi tối nọ, họ bí mật tụ họp nhau lại bàn cách làm thế nào thay đổi tình cảnh hiện nay. Một thợ chải lông nói rất hùng hồn:

- Biện pháp tốt nhất hiện nay là dùng bạo lực, giành lấy chính quyền trong toàn thành phố. Cơ hội trước mắt rất tốt, các vị trưởng lão không tính đến chuyện chúng ta có thể làm như vậy. Trước khi họ chưa kịp chuẩn bị gì, chúng ta rất dễ dàng chiến thắng.

Nghe anh ta nói vậy, có người phấn chấn, có người do dự, có người khẽ lắc đầu. Anh ta nói tiếp:

- Tôi thừa nhận đó là con đường vừa táo bạo vừa nguy hiểm. Nhưng khi cần kíp thì cũng phải làm. Muốn thoát khỏi nghèo khổ không thể không mạo hiểm.

Cứ nhìn những nhà tù và giá treo cổ mà “người béo” đã chuẩn bị sẵn, các vị đủ thấy nếu khoanh tay không làm gì để bảo vệ mình thì càng nguy hiểm hơn!

Được anh ta cổ vũ, mọi người cuối cùng quyết định liên kết với nhau, tổ chức đội ngũ, chọn ngày giờ võ trang khởi nghĩa.

Không ngờ tin đó lộ ra ngoài. Chập tối ngày 20 tháng 7, các vị trưởng lão bắt được một người tên là Ximông, qua anh ta biết rõ tình hình khởi sự cụ thể, cuộc bạo động sẽ bắt đầu vào hôm sau. Họ lập tức ra lệnh cho các lực lượng vũ trang toàn thành phố tập trung ngay tối hôm đó để sáng sớm hôm sau đến quảng trường đợi lệnh. Cũng trong đêm hôm đó, họ còn bí mật bắt một số người.

Đúng vào lúc bọn “người béo” tra hỏi Ximông, tình cờ có người nhân đến phòng đó chỉnh lại đồng hồ đã biết được chuyện khẩn cấp này. Về đến nhà, anh ta loan báo cho mọi người. Ngay tối hôm đó, quảng trường đã bị hơn một ngàn nghĩa quân chiếm. Các nơi quan trọng khác cũng đứng đầy nghĩa quân lăm lăm khí giới trong tay.

Ngày 21 tháng 7, trời vừa sáng, lính vũ trang của bọn “người béo” kéo đến quảng trường, nhưng quân số quá ít chỉ vẻn vẹn 80 người. Nguyên do là họ nghe nói quảng trường đã bị “bọn lam lũ” và bọn “người gầy” chiếm, nên phần lớn trốn ở nhà không dám ra. Những người chót đến quảng trường thấy vậy sợ quá cũng bỏ về nhà ngay.

Ngày hôm đó, nghĩa quân trong thành phố đã đoạt được “Ngọn cờ chính nghĩa” giành cho thủ lĩnh Hội đồng trưởng lão, đốt phá một số nhà cửa của những kẻ họ thù hận nhất, thiêu hủy các sổ sách giấy tờ của ngành chế biến lông cừu.

Ngày hôm sau, họ còn chiếm cả tòa án.

Bọn “người béo” trong Hội đồng Trưởng lão sợ quá trốn biệt trong Phủ chấp chính. Khi biết trong tay không còn lực lượng vũ trang, họ bèn mời đại diện của nghĩa quân tới để đàm phán.

Đại diện của nghĩa quân đưa ra rất nhiều điều kiện. Họ đòi không được dùng thẩm phán người nước ngoài trong ngành lông cừu, lập 3 phường hội mới cho nghề chải lông, cắt tóc và được cử ra hai vị chấp chính. 14 phường hội nhỏ, ngoài hai vị chấp chính có sẵn, được cử thêm một người nữa; ngoài ra còn nêu nhiều yêu sách khác về kinh tế. Những người chấp chính sợ họ tiếp tục gây chuyện buộc phải chấp thuận, nhưng bảo phải được Hội đồng Trưởng lão bàn bạc phê chuẩn. Sáng sớm hôm sau, khi họ đang thảo luận thì nghĩa quân kéo đến Phủ chấp chính, đòi những người chấp chính phải rời khỏi nơi đó. Thế là Phủ chấp chính rơi vào tay nghĩa quân.

Đi đầu đoàn người là một viên chức của phường hội ngành lông cừu, tên là Mikenlanđô. Anh ta cầm trong tay “Lá cờ chính nghĩa” tiến vào lễ sảnh của Phủ chấp chính trước tiên. Đứng giữa lễ sảnh, Mikenlanđô nói với mọi người xung quanh.

- Các vị trông, tòa lầu của Phủ chấp chính bây giờ đã thuộc về các vị, cả thành phố này cũng dưới quyền các vị. Chúng ta bây giờ phải làm gì?

Mọi người ngay tức khắc không thể nói rõ được nên làm những gì, mỗi người góp một ý. Chàng Mikenlanđô tinh nhanh tháo vát, khéo ăn khéo nói, chỉ trong giây lát đã tóm tắt đầy đủ, mạch lạc ý kiến của mọi người. Thế là mọi người cử anh ta làm “Lá cờ chính nghĩa”.

- Vâng, tôi chấp nhận việc đề cử của các vị, nhận trách nhiệm quản lý thành phố này. Bây giờ tôi quyết định: ngừng ngay hỗn chiến, lập lại hòa bình! Không được đốt phá! Không được cướp bóc! Chúng ta sẽ dựng một giá treo cổ ở trước cửa Phủ chấp chính, ai vi phạm mệnh lệnh sẽ được nếm mùi!

Mọi người làm theo lệnh của Mikenlanđô, dựng ngay một giá treo cổ, và tóm về một tên quan chấp pháp mà thường ngày họ căm hận nhất đem treo ngược một chân hắn lên. Vừa mới treo lên thì mọi người đã ùa đến, người thì lấy dao xẻo, người thì cắn. Chỉ một loáng tên quan chấp pháp đã bị mọi người xé nát, chỉ còn sót lại mỗi cái chân treo trên giá.

Tiếp đó, Mikenlanđô triệu tập chấp sự của các ngành nghề họp, cuối cùng quyết định trong đám bình dân lớp dưới chọn ra 4 người, trong các phường hội lớn chọn ra hai người, trong các phường hội nhỏ chọn ra hai người để lập ra một Ban chấp chính.

Quyết định đó đưa ra lại dấy lên một cơn sóng gió dữ dội. Những người khởi nghĩa cảm thấy cuộc cải cách này quá lợi cho bọn “người béo”, do đó tháng 8 công nhân chải lông lại cầm vũ khí đòi Mikenlanđô và các chấp chính mới từ chức để họ tổ chức lại chính phủ. Bị Mikenlanđô cự tuyệt, họ tự động chọn ra 8 viên chấp chính mới. Vậy là trong thành phố lúc đó song song tồn tại hai chính phủ.

Mikenlanđô lúc này đã lộ rõ bộ mặt thật của kẻ phản bội. Hắn quay lại bắt tay bọn “người béo”, dùng quân đội của chúng đàn áp công nhân chải lông. Sau khi thất bại, để tránh bị giết hại, rất nhiều công nhân chải lông phải trốn chạy khỏi Phlôrăngxơ. Kết quả bọn “người béo” quay trở lại nắm chính quyền, ba phường hội nhỏ mới thành lập cũng bị giải tán.

SCĂNGĐÉC BÉC

Chàng trai quí tộc 18 tuổi Gióocgiơ Caxtriôta phải xa Tổ quốc đến một nơi chàng chưa tới bao giờ để làm con tin. Là con trai một đại vương công hiển hách của công quốc Anbani mà phải đến một nước khác chấp nhận thân phận bị sỉ nhục, đương nhiên là chàng rất uất hận.

Thời trung thế kỷ, để buộc nước yếu chấp nhận sự nô dịch của mình, nước mạnh thường bắt người ruột thịt của kẻ thống trị nước yếu sang ở nước mình để làm tin. Người bị giữ để làm tin đó gọi là “con tin”.

Gióocgiơ bị đế quốc Ôttôman buộc làm con tin.

Cuối thế kỷ 14, đế quốc Ôttôman hùng mạnh chiếm phần lớn bản đảo Bancăng trong đó có Anbani. Để thoát khỏi ách nô dịch của bọn xâm lược Thổ Nhĩ Kỳ, nhân dân Anbani đã đấu tranh kiên cường bất khuất với kẻ thù.

Khi đó, những quí tộc yêu nước cũng tham gia vào cuộc đấu tranh đó. Cha của Gióocgiơ không cam chịu quì gối dưới chân Xuntan kẻ thống trị tối cao của Thổ Nhĩ Kỳ, có ý muốn giành độc lập, không ngờ bị kẻ thù phát giác. Thế là Xuntan Thổ Nhĩ Kỳ buộc ông phải cho ba người con trai sang làm con tin ở kinh đô Thổ Nhĩ Kỳ. Gióocgiơ là một trong ba người con đó.

Năm 1423, Gióocgiơ bị buộc phải tới Ađrianốp, kinh đô của đế quốc Ôttôman. Xuntan Thổ Nhĩ Kỳ thấy chàng cao lớn vạm vỡ, thông minh nhanh nhẹn, quyết định đào tạo chàng thành tên đầy tớ trung thành của ông ta, bèn đưa đến học ở trường quân sự, lại còn đặt cho chàng một cái tên Thổ Nhĩ Kỳ là Scăngđéc.

Scăngđéc tuy có dịp được học cao nhưng chàng không khi nào quên Tổ quốc mình đang bị bọn xâm lược nước ngoài giày xéo. Chàng quyết tâm sẽ dùng những kiến thức quân sự học được phục vụ cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc. Vì thế chàng miệt mài học tập với một nghị lực phi thường, kết quả rất xuất sắc. Xuntan rất quí chàng, sau khi tốt nghiệp ban cho chàng danh hiệu “béc” (một loại quân hàm phong kiến). Sau này mọi người quen gọi chàng là “Scăngđécbéc”.

Năm 1438, Scăngđécbéc 33 tuổi, được Xuntan giao cho làm Xubasen (sĩ quan phụ trách hành chính quân sự) thành Krujiô ở Anbani.

Đây quả là một cơ hội tốt. Sau khi nhậm chức, Scăngđécbéc lợi dụng chức vụ bí mật cử người liên lạc với các nơi, tập hợp lực lượng để khi thời cơ đến sẽ đánh đuổi bọn xâm lược Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi đất nước.

Bốn năm sau, Xuntan lệnh cho Scăngđécbéc dẫn một đội kỵ binh cùng với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đi đàn áp quân Hunggari. Mùa thu năm sau, quân Hunggari tấn công dữ dội một cứ điểm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ. Quân Thổ Nhĩ Kỳ bại trận bỏ chạy, Scăngđécbéc nhân cơ hội đó khởi nghĩa, dẫn đội kỵ binh trở về Anbani.

Thành phố đầu tiên mà Scăngđécbéc muốn chiếm là Krujiô, nơi trước đây ông đã nhậm chức ở đó. Thành phố này nằm ở miền trung Anbani, có vị trí chiến lược quan trọng. Thành dựa vào núi, trước mặt lại có sông, dễ phòng thủ khó tấn công, nếu tấn công bừa tất sẽ thiệt hại nên ông dùng mưu để chiếm thành.

Scăngđécbéc dấu quân trong rừng ở ngoại thành, chỉ dẫn một số đến chân thành. Ông dùng quân lệnh giả, nói Xuntan lại giao cho ông làm Xubasen ở Krujiô, bây giờ đến nhậm chức. Mấy năm trước Scăngđécbéc quả có giữ chức vụ này ở đây nên người giữ thành không nghi ngờ gì, đã để ông và tùy tùng của ông vào thành.

Theo ước hẹn từ trước, đêm khuya hôm đó, được sự giúp đỡ của dân chúng trong thành, Scăngđécbéc mở cửa thành dẫn quân vào đánh doanh trại của quân Thổ. Quân địch không phòng bị, toàn bộ đã bị tiêu diệt.

Sáng sớm hôm sau, ngày 28 tháng 11 năm 1443, Scăngđécbéc trịnh trọng tuyên cáo: Công quốc Anbani tự do đã được tái lập!

Tiếp đó, dựa vào sự ủng hộ giúp đỡ của quần chúng nhân dân, Scăngđécbéc giải phóng được miền trung Anbani.

Khi đó, Xuntan Thổ Nhĩ Kỳ là Murat II. Được tin Anbani khởi nghĩa, ông ta phái 25.000 quân đi đàn áp. Scăngđécbéc không trực diện nghênh chiến mà giả vờ rút lui, nhử quân xâm lược vào khu vực phục kích, sau đó tiêu diệt toàn bộ.

Murat II thấy phái quân đi đàn áp bị thất bại, tháng 5 năm 1450 thân chinh dẫn 100.000 quân sát khí đằng đằng, tiến sang Anbani.

Thế địch rất mạnh, song Scăngđécbéc không hề run sợ. Ít lâu sau khi dùng mưu lấy được Krujiô, Scăngđécbéc đã triệu tập hội nghị các lãnh chúa phong kiến các nơi trong toàn quốc thành lập một liên minh do ông đứng đầu, chính thức thành lập quân đội do ông làm Thống soái tối cao. Ông hiểu sâu sắc rằng, nhân dân bị áp bức khát vọng tự do và giải phóng, do đó đã đích thân đến từng thôn xóm động viên nông dân gia nhập quân đội. Có một quân đội như vậy, ông hoàn toàn tin tưởng sẽ đánh bại cuộc tấn công lần thứ hai của quân xâm lược Thổ Nhĩ Kỳ.

Murat II ỷ thế quân đông, thường chỉ đánh một trận sẽ hạ được Krujiô, thành phố trung tâm của Anbani.

Nghĩa quân của Scăngđécbéc chỉ có 18.000 người, chưa bằng 1/5 quân xâm lược Thổ. Nhưng ông đã áp dụng một chiến thuật rất đúng đắn, phân bố hợp lý binh lực, đánh cho địch những đòn đau.

Trong thành, Scăngđécbéc chỉ để lại 1.500 người cố thủ. Ông đích thân chỉ huy 8.000 quân chủ lực đóng trên núi phía bắc thành phố. Số còn lại biên chế thành nhiều phân đội nhỏ, phối hợp với nhân dân địa phương quấy rối địch.

Được đại bác bắn yểm hộ dữ dội, quân Thổ liên tục tổ chức xung phong, Nghĩa quân dùng chiến thuật du kích cơ động đánh địch. Đúng lúc quân xâm lược bị nghĩa quân quần cho mệt mỏi rã rời, thì Scăngđécbéc dẫn 8.000 quân chủ lực xuất kích tấn công quyết liệt, nông dân phối hợp với các phân đội nhỏ tập kích Đội vận chuyển lương thảo của địch, phá hoại việc tiếp tế hậu cần của quân xâm lược.

Murat II vây đánh Krujiô hơn 4 tháng, thiệt hại mất hơn 20.000 quân vẫn không hạ được thành. Cuối cùng Murat II đành phải rút quân về Ađrianốp. Năm sau ông ta chết.

Lên kế vị Mua II làm Xuntan là con trai ông ta Môhamét II. Là kẻ ham mê chinh phục, sau khi lên kế vị. Môhamét II lập tức lao vào mở rộng bờ cõi. Nghĩa quân của Scăngđécbéc đương nhiên trở thành trở ngại lớn cho việc chinh phục Anbani của ông ta. Rút được những bài học thất bại của cha, Môhamét II tìm kiếm tay chân của mình trong hàng ngũ nghĩa quân. Bằng nhiều thủ đoạn, Môhamét II đã mua chuộc được Hamusa - cháu họ của Scăngđécbéc, một tướng lĩnh quan trọng của nghĩa quân. Hamusa đã phản bội đầu hàng địch.

Môhamét II như vớ được của báu, lập tức hứa phong cho Hamusa chức Xubasen ở Krujiô, lệnh cho Hamusa và các bộ tướng của mình mùa xuân năm 1457 sẽ đem 80.000 quân xâm nhập Anbani vây đánh Krujiô.

Đối mặt với binh lực hùng mạnh của kẻ địch, lại thêm mưu kế của kẻ phản bội rất rõ nội tình của nghĩa quân, Scăngđécbéc bèn thay đổi chiến thuật. Ông chủ trương không tử thủ ở thành phố, không giao chiến chính diện với địch, mà trường kỳ dùng chiến thuật đánh vu hồi, khéo léo dấu quân đợi thời cơ tiêu diệt địch.

Quân xâm lược Thổ tìm không được nghĩa quân, tưởng là họ sợ đã chạy trốn, bèn tụ tập ở cánh đồng gần Krujiô ăn mừng thắng lợi. Đúng lúc đó, quân của Scăngđécbéc xuất hiện. Quân địch trở tay không kịp, bị giết bị thương nhiều vô kể, tên phản bội Hamusa cũng bị bắt sống và bị trừng trị nghiêm khắc.

Suốt 10 năm sau đó, nghĩa quân của Scăngđécbéc tung hoành trên đất đai của Tổ quốc, đánh cho quân xâm lược Thổ sứt đầu mẻ trán, khiến Môhamét II phải điên đầu.

Điều bất hạnh đã xảy ra. Scăngđécbéc, người anh hùng hơn 20 năm xông pha chiến trận năm 1468 bị bệnh qua đời, chưa hoàn thành được sự nghiệp giải phóng giành độc lập cho Tổ quốc. Scăngđécbéc đã lãnh đạo nhân dân Anbani tiến hành cuộc đấu tranh cứu nước lâu dài, đã kiềm chế được binh lực của quân xâm lược, đã ngăn chặn đế quốc thổ mở rộng xâm lược ở miền Trung Âu, vì thế ông chẳng những trở thành anh hùng dân tộc của Anbani mà còn được nhân dân các nước Trung Âu ca ngợi.

Niềm tin và sức mạnh của Scăngđécbéc khởi nguồn từ nhân dân mà ông yêu thương khởi nguồn từ khát vọng tự do, độc lập, giải phóng của nhân dân mà ông từng chứng kiến. Đúng như những gì ông viết trong thơ của mình:

“Tự do không phải ta mang lại cho các người.

Mà ta tìm thấy trong bản thân các người.

Không phải ta vũ trang cho các người,

Mà trong trái tim các người rực cháy ngọn lửa tự do”.

CÔNSTANTINÔPÔLIT THẤT THỦ

Cônstantinêpôlit, kinh đô của đế quốc Đông Rôma nằm ở đầu phía nam đại lục châu Âu. Kinh thành hình tam giác, bắc giáp vịnh Sừng vàng, nam giáp biển Macmara, đông đối diện với bán đảo Tiểu Á bên kia bờ biển, chỉ có phía tây (tức đáy của tam giác) nối liền với lục địa. Địa thế rất hiểm yếu.

Ngày mồng 6 tháng 1 năm 1453, đột nhiên tiếng đại bác nổ ầm ầm, trời Cônstantinôpôlit mù mịt, khói thuốc súng, lửa chiến tranh bao trùm cả thành phố. Thì ra Xuntan Môhamet II của đế quốc Ôttôman thân chinh dẫn 20 vạn đại quân và 300 thuyền chiến vây đánh thành phố cổ kính này. Ông ta quyết tâm chiếm tòa thành nổi tiếng trong lịch sử này, biến nó thành trung tâm của đạo Islam.

Trước khi thành phố bị bao vây, Hoàng đế của đế quốc Đông Rôma Cônstantin đã xin với Xuntan rằng ông tự nguyện giao nộp cho Thổ Nhĩ Kỳ toàn bộ đất đai nằm ngoài kinh đô và hàng năm chịu cống nạp. Nhưng Xuntan không chịu, kiên quyết đòi Hoàng đế Đông Rôma phải dâng thành Cônstantinôpôlit. Cầu hòa không xong, Hoàng đế đành phải chuẩn bị chiến tranh, sẵn sàng một phen tử chiến.

Quân Thổ trước tiên từ phía tây tấn công bằng đường bộ. Quân Đông Rôma xây dựng ở đây hai lớp tường thành, trên tường thành cứ hơn 100m lại xây một pháo đài, ngoài thành đào một con hào rất sâu và rất rộng. Quân Thổ thoạt đầu dùng đại bác bắn phá tường thành. Mỗi quả đạn đại bác bằng đá nặng 500kg. Sau một trận pháo kích, hàng vạn lính khiêng những cây gỗ lớn, lăn những thùng gỗ cực to về phía hào định lấp hào. Trên pháo đài và tường thành, quân Đông Rôma dùng súng trường và đại bác bắn xuống. Quân Thổ chết rất nhiều, máu chảy đầy đất, chưa đến được gần hào đã bị đánh lui.

Dùng sức đánh không được, Xuntan hạ lệnh suốt ngày đêm đào địa đạo, chuẩn bị đào xuyên qua được hào và hai lớp tường thành để vào thành. Nhưng dân chúng địa phương phát hiện ra, dùng thuốc nổ phá tan.

Kế này không thành Xuntan bày kế khác. Một buổi sáng, quân Đông Rôma giữ thành phát hiện thấy trên mặt hào xuất hiện mấy pháo đài lưu động đang tiến nhanh về phía tường thành. Nhìn kỹ thấy phía ngoài pháo đài bọc da bò, đạn lửa bắn trúng không bốc cháy. Quân Thổ nấp sau các pháo đài lưu động đó, tập trung hỏa lực công kích dự dội. Khi áp sát tường thành, chúng dựng thang áp vào tường thành. Sĩ quan chỉ huy quân giữ thành bình tĩnh ứng chiến, khi pháo đài lưu động áp sát tường thành, bèn cho ném đuốc tẩm dầu thông xuống, dùng sào gỗ đẩy thang ra. Quân Thổ lại bị đánh lui.

Lục chiến thất lợi, hải chiến cũng bị thiệt hại nặng nề. Một hôm, 4 chiến thuyền của Giênôva đến chi viện cho Cônstantinôpôlit đã phá vỡ vòng vây của hải quân Thổ, vào được biển Macmara. Được tin, Xuntan lập tức cho 140 chiến thuyền ra chặn đánh, kết quả bị thuỷ quân Giênôva bắn chìm rất nhiều, 4 chiến thuyền của Giênôva cuối cùng đã an toàn tiến vào vịnh Sừng Vàng đậu ở cảng Cônstantinôpôlit.

Quân dân toàn thành phố Cônstantinôpôlit thấy viện binh tiếp tế tới đều phấn khởi hoan hô vang trời. Trên tường thành, họ hò reo mắng chửi hải quân Thổ bất tài. Một số tướng lĩnh cao cấp của quân Thổ thấy đánh mãi không được, bèn xin Xuntan chấp nhận lời thỉnh cầu của Hoàng đế Rôma trước đây mà bãi bỏ cuộc bao vây.

Xuntan vốn không muốn nghị hòa, liền nổi giận đùng đùng cho gọi viên Tư lệnh chiến thuyền tới, sai nọc ông ta ra đất đánh cho một trận rất đau.

- Xin Xuntan đừng đánh, đừng đánh nữa. . . Thần. . . thần nhất định sẽ lấy công chuộc tội! - Viên tư lệnh ra sức van xin.

Ngươi lấy công chuộc tội thế nào? - Xuntan giận dữ hỏi.

- Cônstantinôpôlit ba mặt đều có tường thành, chỉ có thể ra tay từ phía vịnh Sừng Vàng. Viện tư lệnh hạm đội bí quá hóa khôn nói vậy.

Vịnh Sừng Vàng? Nhà ngươi hão huyền gì vậy? Lối vào đó xích sắt chăng kín, một chiếc thuyền con cũng không chui lọt, ngươi vào bằng cách nào?

- Không. . . không phải vào từ đó. . . thần. . . thần có một cách. . .

Viên tư lệnh lắp ba lắp bắp nói kế hoạch của mình. Xuntan nghe thấy có lý bèn ra lệnh ngừng roi, cùng ông ta nghiên cứu kế hoạch tấn công mới.

Hai hôm sau, Tư lệnh chỉ huy chiến thuyền tiếp một thương nhân lớn Giênôva. Sau khi uống một trận thỏa thích, hai người đi đến thỏa thuận: Thương nhân Gìênôva cho phép thuyền của Thổ đi qua Galatai bên bờ biển đối diện Cônstantlnôpôlit do họ kiểm soát để vào vịnh Sừng Vàng với điều kiện sau khi quân Thổ hạ được thành sẽ bảo hộ mọi đặc quyền của thương nhân Giênôva ở đó.

Đêm khuya hôm thực thi kế hoạch, 80 chiếc thuyền của Thổ đi vòng qua chỗ có chăng dây xích ở cửa vịnh Sừng Vàng, cập vào bờ Galatai. Rồi sau đó cùng sức người khiêng thuyền lên bờ, họ lấy những tấm ván dày lát thành một con đường, trên bôi mỡ bò và mỡ cừu để giảm lực ma sát khi kéo thuyền. Qua một đêm cật lực, những chiếc thuyền đó đã được đưa đến đầu cùng của vịnh Sừng Vàng. Đợi đến lúc trời sắp sáng, thuyền được đưa xuống nước ghép lại thành một chiếc cầu phao, trên dựng pháo đài. Quân Thổ đã vượt cầu phao mở cuộc tấn công mới vào Cônstantinôpôlit.

- Vịnh Sừng Vàng có địch!

Quân Đông Rôma không ngờ phía vịnh Sừng Vàng lại có địch, vội vàng rút số quân phòng thủ Ađrianốp gần đó đi chặn đánh, giao việc phòng thủ ở đây cho lính Giênôva vừa đến chi viện. Như vậy, binh lực của quân Đông Rôma bị phân tán, lính Giênôva phòng thủ Ađrianốp lại không thông thuộc địa hình địa thế, càng đánh càng yếu.

Bị quân Thổ liên tục pháo kích, tường thành của Ađrianốp bị thủng một lỗ hổng lớn.

- Hỡi các binh sĩ anh dũng! Hỡi các muslin ngoan đạo! - Xuntan đích thân đi duyệt trước hàng quân và tuyên bố với họ - Chúng ta đã mở được lối vào! Ta sẽ cho các ngươi một thành phố với những công trình kiến trúc hùng vĩ, đông đúc dân cư. Đó là kinh đô của Rôma cổ, trung tâm của thế giới. Ta sẽ cho các ngươi tha hồ cướp phá, các ngươi sẽ trở thành những người giầu có trên thế giới! Bây giờ, hãy lập tức buộc đuốc lên đầu súng của các ngươi, dũng cảm xông vào thành đó.

Được Môhamet II cổ vũ, quân Thổ từ cả hai phía trên biển và đất liền mở cuộc công kích dữ dội. Lính Giênôva phòng thủ Ađrianốp chống cự không nổi, nhảy lên thuyền tháo chạy. Quân Thổ ào ào tràn vào thành qua chỗ tường vỡ.

Lúc đó, Hoàng đế Cônstantinôpôlit đang chỉ huy chiến đấu ở nội cung đầu phía bắc Ađrianốp. Nhìn thấy cờ Thổ phấp phới trên thành phố, ông ta mất hết cả dũng khí, vội cởi bỏ trang phục hoàng đế lẻn ra cửa bỏ chạy. Dọc đường, nhìn thấy mấy tên lính Thổ ôm của cướp được chạy phía trước, ông bèn đuổi theo dùng kiếm chém hết đứa nọ đến đưa kia. Khi ông đang định thoát thân thì gặp một tên lính Thổ bị thương nằm trên đường. Tên lính này nhận ra ông, đột nhiên hắn vùng dậy gạt ngã ông rồi chém một nhát chết tươi. Tất cả những người đi theo Hoàng đế đều bỏ chạy tứ tung. Thế là, trải qua 51 ngày đêm kịch chiến, Cônstantinôpôlit cuối cùng đã rơi vào tay quân Thổ.

Quân Thổ tha hồ cướp phá, giết chóc liên tục suốt ba ngày đêm. Rất nhiều cư dân bị bắt làm nô lệ. Các cung điện nguy nga tráng lệ đều bị làm mồi cho lửa. Bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật quí giá truyền qua nhiều đời hóa thành đống tro tàn. Tất cả các tượng chúa của đạo Kitô bị quẳng ra ngoài giáo đường, thay vào đó là những ban thờ của đạo Islam. Giáo đường Thánh Sôphia lớn nhất thành phố cải tạo lại thành Nhà thờ đạo Islam. Ít lâu sau, Đế quốc Ôttôman Thổ Nhĩ Kỳ dời đô đến Cônstantinôpôlit. Về sau, thành phố này đổi tên thành Istambun. Tên này được dùng cho đến hiện nay.

Cônstantinôpôlit thất thủ đánh dấu sự sụp đổ của Đế quốc Đông Rôma đã tồn tại hơn 1000 năm.

HỒI CHUÔNG CÁO CHUNG ĐÊM TRƯỜNG TRUNG CỔ

Trung thế kỷ là tượng trưng của sự bảo thủ.

Nhắc đến nó, người ta có thể nghĩ ngay tới những thành quách âm u với những bức tường vừa cao vừa dày, những kỵ sĩ toàn thân bọc trong áo giáp bảo vệ cho bọn quí tộc sống xa hoa dâm đãng. Bọn chúng chỉ muốn giữ mãi lề thói cũ, không chấp nhận bất cứ một sự cải cách xã hội nào dù là rất nhỏ nhoi. Cái mà chúng muốn giữ lại, ấy là đặc quyền thế tập.

“Oàng, oàng, oàng!” Tiếng đại bác nổ vang. Thành quách bị tan tành hết tòa này đến tòa khác, tường đá cao dày cũng không chặn được các cuộc tấn công của dân chúng.

“Pằng, pằng” Những viên đạn đã xuyên thủng được áo giáp của ky sĩ. Các kỵ sĩ, hiệp khách trước đây diễu võ giương oai hoành hành khắp nơi, giờ đây trở thành đối tượng châm biếm của dân chúng.

Nhắc đến nó, người ta có thể nghĩ ngay tới tiếng chuông nhà thờ ngân nga, những tăng lữ bận áo chùng tay cầm “Kinh Thánh” miệng lẩm nhẩm. Cuốn sách chép tay trên da cừu này nghe nói là một “tổng kho” của văn hóa tư tưởng. Nếu ai đó có tí chút hoài nghi hoặc chỉ hơi xì xào về nó sẽ bị tòa án tôn giáo xử tội với hình phạt tàn khốc nhất - thiêu sống.

“Lạch xạch! Lạch xạch!” Máy in đang chạy. Chỉ một loáng hàng vạn trang giấy đã in đầy những dòng chữ. Sách vở không còn bị một số ít giáo sĩ độc quyền, mà trở thành thứ rất phổ cập: Khoa học và văn hóa được truyền bá rộng rãi, làm cho những tăng lữ chỉ biết “Kinh Thánh” kia không còn kiềm chế được tư tưởng của mọi người nữa.

Trung thế kỷ là tượng trưng của sự lạc hậu.

Nhắc đến nó, người ta có thể nghĩ ngay đến cảnh không biết bao nhiêu nô lệ bơi chèo dưới lòng những con thuyền gỗ không chịu nổi được gió to sóng lớn đi lại trên Địa Trung Hải. Người châu Âu không đến được vùng Viễn Đông xa xôi cách trở biết bao ngày đêm, càng không đến được bên kia bờ Đại Tây Dương.

“Soạt!” một tiếng, buồm đã lên tới đỉnh cột. Thuyền trưởng nhìn la bàn, dù trong sương mù dày đặc thuyền vẫn đi đúng hướng. Cuối cùng, đoàn thuyền đã vòng qua châu Phi đến tận Viễn Đông, vượt ngang qua Đại Tây Dương, phát hiện ra “đại lục mới” chưa từng nghe nói tới.

Con đường hàng hải mới được mở ra, mang lại những khoản lợi nhuận kếch sù cho giai cấp tư sản mới lên. Từ đó, mậu dịch hải ngoại phát triển vượt bậc, các hàng hóa mới tràn ngập thị trường châu Âu; nông dân, thợ thủ công các nước Tây Âu ngày càng nghèo khổ, phá sản. Tất cả những cái đó đẩy nhanh đà suy sụp của chế độ phong kiến Tây Âu và đà phát triển của chủ nghĩa tư bản.

Thuốc súng, giấy, kỹ thuật in, la bàn đều do người Trung Quốc phát minh. Trước và sau thế kỷ 14 lần lượt được người Ảrập và người Mông Cổ truyền vào châu Âu Từ thế kỷ 15 - 16, ở châu Âu đã có mầm mống của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, giai cấp mới có tư tưởng mới khác với chúa phong kiến. Một khi họ nắm được kỹ thuật tiên tiến, xã hội sẽ có sự thay đổi mới. Sự thay đổi đó đảo lộn mạnh mẽ trật tự cũ của thời Trung thế kỷ. Trung thế kỷ cũng đã bước vào đoạn kết.

Đương nhiên, đoạn kết đó cũng là một quá trình lịch sử tương đối dài, khoảng từ cuối thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 17, nghĩa là gần 200 năm. Mở đầu cho đoạn kết này là những cuộc “phát kiến địa lý” như các nhà sử học phương Tây thường nói. Năm 1492, Côlôngbô người Italia vượt qua Đại Tây Dương đến châu Mỹ, năm 1497 Đa Gama người Bồ Đào Nha vòng qua mũi Hảo Vọng tới Ấn Độ, năm 1591 Magienlăng người Bồ Đào Nha hoàn thành chuyến đi biển vòng quanh trái đất là những mốc quan trọng của những cuộc “phát kiến địa lý” đó.

Bắt đầu từ những cuộc phát kiến địa lý, bọn thực dân châu Âu điên cuồng vơ vét cướp đoạt của cải của những vùng mới phát hiện, chuyển một khối lượng lớn vàng bạc, châu báu từ Châu Á, châu Phi, châu Mỹ về Tây Âu; để lại cho nhân dân những nơi đó là những tai họa nặng nề.

Bắt đầu từ những cuộc phát kiến địa lý, cuộc đấu tranh đòi đập tan xiềng xích phong kiến nơi lên nơi xuống, nhưng khắp thế giới đâu đâu cũng có những cuộc khởi nghĩa oanh liệt.

Bắt đầu từ những cuộc phát kiến địa lý, khoa học kỹ thuật có bước tiến nhảy vọt, các phát minh mới được áp dụng vào các lĩnh vực công nghiệp, quân sự và giao thông, đã đẩy nhanh tốc độ phát triển của sức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Bắt đầu từ những cuộc phát kiến địa lý, văn hóa khoa học phát triển hưng thịnh chưa từng có. Văn học, hội họa, kiến trúc, hí kịch v.v. trăm hoa khoe sắc, bừng bừng khí thế, thậm chí còn xuất hiện chủ nghĩa xã hội không Tưởng - Utôpia.

Toàn bộ thế giới tiến lên trong biến đổi khôn lường. Tiếng chuông cáo chung đêm trường trung cổ đã điểm!

PHÁT HIỆN ĐẠI LỤC MỚI

Câu nói “phát hiện đại lục mới” ngày nay đã trở thành danh từ quen dùng chỉ tất cả những phát hiện mới. Thực ra câu nói đó xa xưa được dùng để chỉ thành quả vĩ đại của Côlông trong sự nghiệp hàng hải.
Tưởng cũng nên nhắc lại câu chuyện có tầm lịch sử lớn lao đó.
Sáng sớm ngày mồng 3 tháng 8 năm 1492, cảng Palôt nằm ở cực nam Tây Ban Nha huyên náo lạ thường, chiêng trống inh ỏi. Rất đông người đến đây đưa tiễn đoàn thuyền bé nhỏ sắp đi xa.
Mọi người tuy rất phấn chấn nhưng cũng cảm thấy rất kỳ lạ: thuyền đi về phía Tây mà lại đến được phương Đông?, Cái ông Côlông này thật là hão huyền!
Ba chiếc thuyền đậu trên bến cảng, chiếc nào cũng phủ vải xanh đỏ sặc sỡ. Chiếc thuyền to nhất có tên “Xanh Maria”, trên cột buồm chính lá cờ đại tướng hải quân bay phấp phới, tầu rất khẳm, xem ra chở không ít thứ. 87 thủy thủ đã sẵn sàng ở vị trí. Người căng buồm, người kéo dây neo, người giữ bánh lái, tất cả chỉ còn đợi lệnh ra khơi!
Trên sàn chiếc “Xanh Maria” xuất hiện một người tuổi trung niên, trạc 40, mặt vuông vức, trán cao, đôi mắt tinh anh, thoạt nhìn đã biết là một con người cương nghị và tự tin. Ông chính là Crixtốp Côlông chỉ huy đoàn thuyền này. Côlông giơ tay vẫy toàn thể thủy thủ, sau đó ra lệnh:
- Nhổ neo!
Ba chiếc thuyền từ từ rời bến trong tiếng hoan hô tiếng trống tiếng nhạc rộn ràng. Trời trong veo, Đại Tây Dương sóng yên biển lặng, xanh ngắt, một màu.
Đứng trên thuyền “Xanh Maria”, Côlông ngắm cảnh sắc trời biển liền một giải, bất giác tự nhủ: “Chà! Rốt cuộc ta đã được làm một chuyến viễn dương về phía tây. Cầu mong kiếm được nhiều vàng và hương liệu!
Quả vậy, Côlông đã giành được sự tài trợ của Quốc vương Tây Ban Nha để thực hiện chuyến viễn dương về phía tây sau bao nhiêu năm ấp ủ nguyện vọng, và bỏ không biết bao sức lực cho việc đó. Ông xuất thân trong một gia đình thợ dệt ở Giênôva, từ nhỏ đã say mê với nghề hàng hải. Thời niên thiếu, ông đã qua Anh và Ghinê, trên 20 tuổi ông đã trở thành một thủy thủ từng trải. Trong một dịp tình cờ ông được đọc cuốn “những điều mắt thấy tai nghe ở phương Đông” của Máccô Pôlô. Từ đó ông ấp ủ ý muốn được sang phương Đông tìm kiếm của cải.
Năm 1484, Côlông 33 tuổi. Ông lần lượt tới các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp đề nghị tài trợ để thực hiện một chuyến viễn dương về phía tây mà điểm cuối cùng là tới Ấn Độ, nhưng đều bị từ chối. Mãi đến tháng 4 năm 1492, Nữ hoàng Tây Ban Nha mới đồng ý tài trợ cho ông thuyền bè và đại bộ phận kinh phí, phong cho ông quân hàm Đô đốc hải quân, và phong trước cho ông chức Tổng đốc trên những miền đất mới sẽ được phát hiện, cho phép ông được nhận một phần thu nhập trên miền đất đó.
Côlông nhìn đoàn thuyền nhỏ nhoi của mình. Ba chiếc thuyền đều không lớn, nay chiếc “Xanh Maria” trọng tải cũng không quá 100 tấn. Ông chau mày, nhưng nhanh chóng lấy lại vẻ bình thường, lòng tự nhủ: “Nhất thiết không được làm cho thủy thủ mất niềm tin!”.
Đoàn thuyền đi về phía tây. Các thủy thủ đứng lên mạn thuyền đón gió biển, ngắm nhìn đại dương mênh mông, những con sóng biển nhấp nhô, đàn hải âu giang cánh bay lượn, ai cũng thấy lòng nao nao xúc động. Có điều họ vẫn hoài nghi: cái ông người Italia này có thật đưa họ đến được Ấn Độ ở phương Đông xa xôi không?
Hơn một tháng trôi qua, họ chỉ thấy biển và biển. Họ tất nhiên đều là những thủy thủ dày dạn được Côlôngbô dùng một khoản tiền lớn chiêu mộ từ các hải cảng Tây Ban Nha, có kinh nghiệm đi biển, vậy mà bây giờ cũng bắt đầu thấy thất vọng, có người hoang mang sợ hãi, sợ càng đi về phía tây càng xa quê hương, không trở về được đất liền.
Chập tối hôm đó, mọi người đang uể oải nằm nghỉ trên mạn thuyền hoặc trong khoang, bỗng nghe có người sung sướng reo to:
- Kìa, đất liền!
Mọi người xô lại phía trước mũi thuyền, nheo mắt nhìn quả nhiên thấy trước mặt có bóng đen đen, đều hoan hô ầm lên.
- Không phải đất liền mà là đồng cỏ! - Có ai đó cải chính.
Côlông cũng rất xúc động. Ông lấy ống nhòm quan sát, vẫn không nhận ra đó là các gì, bèn ra lệnh cho thuyền chèo nhanh tới đó.
Té ra chỗ đó chẳng phải đất liền, cũng chẳng phải đồng cỏ, mà chỉ là một vùng biển có nhiều tảo đuôi ngựa! Mọi người vô cùng chán nản thất vọng. Bây giờ đã chẳng được “lên bờ” mà còn phải vòng qua đám tảo đó để đi về phía tây.
Các thủy thủ hết chịu được nữa, oán trách rầm rĩ. Họ vây lấy Côlông hò la:
Ông Đô đốc hải quân, ông đưa chúng tôi đi đâu đây? Sống mãi trên cái biển chết giẫm này, chúng tôi đủ lắm rồi!
- Đất liền ở đâu? Quỉ mới biết!
- Ông Đô đốc, tôi còn có vợ con, không muốn chết ở biển, ông cho tôi về nhà đi!
Côlông trong lòng cũng không vui vẻ gì, nhưng niềm tin sắt đá của ông vào chuyến đi không hề lay chuyển. Ông bình tĩnh nói với mọi người:
- Anh em kêu la như vậy chẳng giải quyết được gì. Xin mọi người tin tưởng tôi, nội trong 3 ngày nhất định sẽ tới đất liền. Khi đó tôi trả lương anh em gấp đôi.
Các thủy thủ thấy sự đã rồi, kêu la cũng vô ích, vả lại có chuyện được tăng gấp đôi lương nên cũng tạm yên.
- Tối hôm sau, Côlông phát hiện xa xa có đốm sáng lập lòe, bèn lệnh cho thủy thủ chú ý theo dõi. Ông còn tuyên bố: ai phát hiện đất liền trước tiên sẽ thưởng riêng cho người đó một chiếc áo lụa. Thời đó, phần thưởng đó có giá trị rất lớn.
Sáng sớm ngày 12 tháng 10, một thủy thủ tên là Triana đứng trên đỉnh cột buồm cao vút đầu tiên phát hiện ra đất liền. Anh ta vừa hét to “Đất liền! Đất liền” vừa đánh tín hiệu cho hai thuyền kia.
Ba chiếc thuyền khẩn trương sát lại gần nhau. Các thủy thủ hò reo nhảy nhót như điên, có người sung sướng quá dơ hai tay lên trời hát oang oang rồi chạy lại công kênh Côlông lên tỏ ý chúc mừng ông.
Mắt Côlông đẫm lệ vì xúc động. Ông bảo mọi người bình tĩnh lại, khẩn trương chuẩn bị lên bờ.
Khi bình minh tới, đội thuyền ghé vào một hòn đảo. Côlôngbô dẫn một toán thủy thủ vác lá cờ thám hiểm thêu một cây thập tự màu xanh lục trịnh trọng bước lên mảnh đất liền mà sau một chặng đường biển 70 ngày đêm mới gặp.
Đột nhiên, một đám đông thổ dân từ bốn phía kéo đến. Họ nửa người trên ở trần, đầu đội mũ lông chim, trên người trên mặt vẽ đầy những hoa văn đủ các màu sắc, đàn bà còn đeo các mảnh kim loại ở cánh mũi. Đám thổ dân đứng yên lặng trước đoàn Côlôngbô, chăm chú nhìn một cách cảnh giác những người da trắng này: Các thủy thủ thấy tình hình như vậy không biết xử trí ra sao đều đưa mắt nhìn Côlông.
Côlông là nhà hàng hải hiểu biết rộng, ông biết dân chúng trên đảo không có ác ý gì, bèn sai thủy thủ đem những chuỗi tràng hạt thủy tinh đeo vào cổ thổ dân. Thấy những người da trắng này không làm hại họ, đám thổ dân vui vẻ nhảy múa tỏ ý hoan nghênh. Chỉ một lát, bầu không khí căng thẳng ban đầu tan biến.
Nhảy múa xong, hai bên trao đổi tặng phẩm. Phương thức trao đổi khá thú vị. Mọi người đem vật mình định tặng cho người khác đặt trên đất để cho người đó tự chọn. Thổ dân tặng chim vẹt, sợi bông, lao; đoàn Côlông tặng đồ gốm, tràng hạt và đồ thủy tinh. Hai bên đều vui vẻ nhận quà tặng của nhau.
Hòn đảo nhỏ đầu tiên Côlông phát hiện trong chuyến đi này thuộc quần đảo Bahama ở Trung Mỹ ngày nay. Côlông đặt cho đảo cột cái tên thánh: Xanh Xanvađo, có nghĩa là “Chúa cứu thế”.
Hôm sau, Côlông cho đội thuyền đi qua đảo một vòng, khảo sát địa thế thuỷ bộ, phong tục tập quán và con người của đảo. Vì ở đây không có vàng nên theo sự chỉ dẫn của thổ dân trên đảo, đội thuyền tiếp tục đi xuống phía nam.
Đi được vài này, Côlông phát hiện thêm đảo Cuba và đảo Haiti. Những đảo này người châu Âu chưa hề tới.
Côlông hào hứng tìm hiểu mọi thứ trên những hòn đảo này. Thứ ông quan tâm nhất tất nhiên là vàng. Ông ngày đêm chỉ muốn tới được nơi có vàng, trong nhật ký ông viết:
“Vàng là thứ có thể làm cho người ta phải kinh ngạc. Ai có nó, người đó muốn gì được nấy. Có vàng, nếu muốn đưa linh hồn mình lên thiên đường cũng được”.
Nhưng Côlông đã không đến được nơi có vàng, mà lại rơi vào một tai họa.
Ngày 25 tháng 10, do sơ suất của thủy thủ trực ban, tầu “Xanh Maria” bị mắc cạn trên một bãi cát ở Haiti, đáy tầu dò không đi tiếp được. Côlông đành phải quyết định quay trở về. Ông để 39 thủy thủ ở lại đảo, dựng lều trại cho họ và để lại cho họ lương thực đủ ăn một năm. Ông và các thủy thủ khác lên chiếc thuyền buồm nhỏ nhất “Nina” trở về Tây Ban Nha.
Trên Đại Tây Dương, “Nina” nhằm phía Đông mà đi. Lúc đầu trời yên biển lặng, nhưng được 4 tuần đột nhiên gặp cơn lốc lớn.
Gió lốc kèm theo mưa to ầm ầm gầm thét. Trên mặt biển, những cột nước cao lừng lửng lúc thì trùm lên “Nina”, lúc thì tung “Nina” lên không.
Buồm bị gió thổi rách tơi tả, cột buồm kêu răng rắc. Bị nước mưa làm ướt sũng cả người, các thủy thủ chỉ còn biết bám chặt lấy các chỗ chắc chắn nhất trên thuyền, mồm gào lên thảm thiết: “Lạy Chúa, xin bão hãy ngừng đi!”.
“Rầm” một tiếng, cột buồm bị gió vặn gẫy. Thuyền càng chao đảo hơn. Trông chừng “Nina” sắp sửa bị cuốn xuống đáy biển!
Côlông bước vội về khoang của mình, ông muốn trước khi chết lưu lại được những tài liệu về chuyến đi. Đồ đạc trong khoang tung tóe khắp nơi, xô bên nọ xô bên kia. Bí quá hóa khôn, Côlông trói mình vào một chiếc ghế cố định, buộc một mảnh ván vào đầu gối làm bàn viết, vội vã ghi lại trên giấy da cừu về đại lục ông mời phát hiện được và tình hình của 39 thủy thủ còn lưu lại trên đảo Haiti. Viết xong, ông cuộn tờ giấy lại lấy sáp phết bên ngoài rồi bỏ vào vỏ quả dừa, dùng nhựa đường gắn kín lại: Sau đó ông tự cởi trói, loạng choạng bước tới mạn thuyền ném vỏ quả dừa xuống biển. Làm xong, ông nhắm mắt lại phó mặc cho gió to sóng lớn.
May mắn thay, “Nina” cuối cùng cũng qua được trận gió lốc, hơn 10 ngày sau được gió đưa về bờ biển Bồ Đào Nha.
Ngày 15 tháng 3 năm 1493, Côlôngbô đưa được thuyền về cảng Palôt Tây Ban Nha, lần đầu tiên trong lịch sử hoàn thành chuyến đi biển vượt ngang qua Đại Tây Dương.
Sau lần đó, Côlông còn đi biển ba chuyến nữa. Ông đã phát hiện thêm những hòn đảo quan trọng trong biển Caribê, eo đất Trung Mỹ và đại lục Nam Mỹ.
Côlông cứ tưởng rằng vùng đất mà ông tới được là Ấn Độ, cho nên sau này những hòn đảo do ông phát hiện đó có tên là “quần đảo Tây Ấn Độ” và thổ dân ở đó gọi là “người Inđian” (Inđian là dịch âm của từ “Ấn Độ”. Những tên gọi lầm lẫn này vẫn được dùng cho đến tận ngày nay).
Sau Côlông, một nhà hàng hải Italia có tên là Amêricô cũng đi thám hiểm bờ biển Nam Mỹ. Ông phát hiện ra rằng, nơi Côlôngbô đặt chân tới hoàn toàn không phải là phương Đông như người châu Âu từ lâu đã biết, mà là một đại lục mới được tìm thấy. Sau này, đại lục mới được phát hiện ra đó được gọi theo tên của ông: châu Amêrica (tức châu Mỹ).
Thành tựu Côlông giành được trong sự nghiệp hàng hải đã đặt nền móng cho việc phát hiện ra toàn bộ châu Mỹ sau này, cũng như đã cung cấp những tài liệu không thể thiếu được cho chuyến đi vòng quanh trái đất của Magiêlăng người Bồ Đào Nha. Công lao của ông thật vĩ đại, nhưng kết cục của cá nhân ông lại thật bất hạnh. Côlông đã không mang được vàng về cho vua Tây Ban Nha nên nhà vua đã tước bỏ chức vị Tổng đốc của ông ở những vùng đất mới được tìm ra, đồng thời thủ tiêu luôn qui định trước đây là cho ông được hưởng một phần thu nhập ở những vùng đất đó. Côlông chỉ còn cách đem toàn bộ tài sản của mình ra trả nợ. Năm 1506, nhà hàng hải nổi tiếng thế giới này đã lặng lẽ vĩnh biệt cõi đời.