Thế giới 5000 năm

Nền Văn Minh Dưới Đáy Đại Tây Dương

NỀN VĂN MINH DƯỚI ĐÁY ĐẠI TÂY DƯƠNG

Nền văn minh sớm nhất của loài người bắt đầu từ Lúc nào và nảy sinh ở đâu? 2400 năm trước, nhà triết học lỗi lạc Platôn người Hy Lạp trong những buổi nói chuyện và trong trước tác của mình đã từng nói, trước ông 9000 năm, cư dân Đại Tây Châu (Atlantic) đã có một nền văn minh rất cao. Ông còn miêu tả sinh động các kiểu dáng kiến trúc và phương thức sinh hoạt của cư dân Đại Tây Châu, nói rằng ở đó có nhiều công trình kiến trúc hùng vĩ, tráng lệ, chung quanh còn trồng nhiều cây cối cành lá xúm xuê. Nhưng không biết vào một năm nào. Đại Tây Châu này bỗng nhiên trong một đêm chìm xuống mất hút dưới Đại Tây Dương.

Nếu đúng như lời Platôn nói thì sớm từ 12000 năm trước, loài người đã sáng tạo ra một nền văn minh. Nhưng rút cục Đại Tây Châu ở chỗ nào, hàng nghìn năm nay vẫn là một điều bí ẩn chưa sao giải nổi.

Tới những năm 70 của Thế kỷ XX, một số nhà khoa học đã đến gần quần đảo Transun để nghiên cứu. Từ độ sâu 800 mét dưới biển họ lấy lên được những nham thạch, qua giám định khoa học thì nơi này 12000 năm trước quả thật là một mảng lục địa. Dùng kỹ thuật khoa học hiện đại khảo sát thấy đúng như lời miêu tả của Platôn năm gần đây, các nhà khoa học đi khảo sát dưới đáy Đại Tây Dương đã từng nhiều lần phát hiện thấy quần thể kiến trúc cổ to lớn, ở đấy có những con đường dài, có những cây cột đá chạm khắc tinh xảo đẹp đẽ và nhiều văn vật khác. Năm 1979, ở khu vực biển tam giác Becmut lại có một phát hiện thật đáng kinh ngạc. Qua việc khảo sát tỉ mỉ của đội điều tra hai nước Mỹ - Pháp, đã chứng minh được rằng dưới đáy vùng biển này có một tòa Kim tự tháp rất lớn. Thời gian xây dựng còn sớm hơn rất nhiều so với các Kim tự tháp ở cổ Ai Cập. Qua đo đạc khoa học, Kim tự tháp dưới đáy biển này mỗi chiều dài 300m, cao 200m, đỉnh tháp cách mặt biển 100m. Tháp có hai khoang lớn, nước biển chảy qua các khoang với lưu tốc rất nhanh tạo thành những lớp sóng vọt cao hung dữ trên mặt biển.

Vậy thì cư dân của Đại Tây Châu cổ xưa sớm đã chìm xuống Đại Tây Dương rút cục là những người như thế nào? Họ đã dựng nên nền văn minh ra sao? Họ còn sáng tạo ra những kỳ tích gì cho nhân loại? Thật đáng tiếc là hiện nay chưa người nào có thể đưa ra lời giải đáp xác đáng. Hơn nữa, thời gian đã cách xa hơn 12000 năm, vì vậy vấn đề hết sức thú vị này, xem ra chỉ có thể để cho các nhà khoa học tiếp tục khảo sát và khám phá.

Từ loài vượn cổ bước xuống mặt đất sinh sống lại biết chế tác đá làm công cụ lao động cho tới hiện nay đã có lịch sử ba bốn triệu năm. Trong những năm tháng dài dặc đó, trong môi trường khó khăn khốn khổ, tổ tiên loài người đã giãi nắng dầm mưa, vạch lá chặt cành, cải tạo thế giới khách quan, cũng là tự cải tạo chính mình. Con người có bộ óc phát triển và đôi tay linh hoạt, cũng có tiếng nói phong phú và tư duy chặt chẽ. Chính đưa vào những cái đó mà trải qua những năm tháng lịch sử lâu dài đã sáng tạo ra những nền văn minh rực rỡ huy hoàng nhiều hình nhiều vẻ.

Mặc dù bí ẩn về nền văn minh dước đáy Đại Tây Dương hãy còn phải chờ các nhà khoa học khám phá thêm, nhưng những di tích lịch sử phong phú, hàng loạt hiện vật đào được từ lòng đất và những ghi chép bằng chữ viết còn lại trên thế giới có thể nói rõ ràng với chúng ta về cổ Ai Cập ở đôi bờ sông Nin, về Sume và Babilon trong lưu vực sông Tigrơ và Ơphrát(nay là giải Irắc), về cổ Ấn Độ ở lưu vực sông Hằng và sông Inđus cùng Trung Quốc bên bờ sông Hoàng Hà và Trường Giang. Đó là những cái nôi của nền văn minh nhân loại. Năm sáu ngàn năm nay, những nơi đó đã nuôi dưỡng, bồi đắp trí tuệ và sức sáng tạo cho hàng triệu con người, mở ra ngọn nguồn sâu xa dài lâu cho khoa học và nghệ thuật, cống hiến xuất sắc cho nền văn minh nhân loại. Rất nhiều sự việc nảy sinh trong quảng thời gian này đều là những câu chuyện thú vị hấp dẫn cho mọi người. Bây giờ mời các bạn, chúng ta hãy kể lại những câu chuyện lịch sử của các nước trên thế giới 5000 năm nay, bắt đầu từ cổ Ai Cập ở đôi bờ sông Nin!

VƯƠNG QUỐC CỔ AI CẬP RA ĐỜI

Ôi sông Nin, tôi ca ngợi Người,

Người từ vùng đất lớn tuôn trào, nuôi sống Ai Cập…

Một ngày nào đó dòng nước của Người khô cạn.

Thì chúng dân cũng ngừng thở.

Đây là bài thơ nổi tiếng của nhân dân Ai Cập cổ đại ca ngợi sông Nin. Sông Nin dài hơn 6000 km bắt nguồn từ vùng cao nguyên trung bộ châu Phi. Hàng năm vào đầu tháng Bảy, mưa lớn ở đầu nguồn và thác lũ ào ào đổ xuống dòng sông băng qua những khe hẹp rồi xuôi chảy từ nam xuống bắc, lòng sông mở rộng dần. Tháng Chín nước lên to nhất tràn ngập cả hai bờ, trở thành một hồ lớn mênh mông. Tới cuối tháng Mười, mùa mưa qua đi, nước sông mới xuống thấp chảy theo lòng sông, nhưng để lại một lớp phù sa lắng đọng lại vô cùng mầu mỡ cho các loại cây trồng.

Ở trung hạ lưu sông Nin có một giải đất hẹp mà dài, rộng từ 3 đến 16 km bắt đầu từ biên giới phía nam Ai Cập hiện nay chạy thẳng tới vùng phụ cận Thủ đô Ai Cập Cairô thì dần dần mở rộng ra. Đó chính là Tam giác châu sông Nin nổi tiếng.

Dòng sông lớn nổi tiếng thế giới này đã mang lại nguồn nước phong phú và đất đai mầu mỡ cũng mang lại cuộc sống và sự phồn vinh cho Ai Cập. Khoảng năm sáu nghìn năm trước Công nguyên, người cổ Ai Cập đã dần dần định cư ở đây Lúc đầu họ sống cuộc sống nguyên thủy, dùng công cụ thô sơ để trừ bỏ cỏ rậm và gai góc ở hai bờ sông, đào mương đắp bờ, trồng trọt các loại cây nông nghiệp trên những mảnh đất được tưới nước. Cuối cùng đã biến vùng đất khí hậu khô khan này thành kho lương thực nổi tiếng thời cổ đại.

Cùng với sự phát triển kinh tế, cổ Ai Cập bắt đầu từ xã hội nguyên thủy dần dần bước sang xã hội nô lệ. Tuy vậy khoảng năm 4000 trước Công nguyên, Ai Cập chưa hình thành một quốc gia thống nhất. Khi đó Ai Cập có khoảng hơn 40 châu (gọi là ""nôm""), mỗi châu đều có vị thần tôn thờ của mình, sau này lại có quân đội và lá cờ dùng để tượng trưng cho bộ lạc, trên thực tế đó đều là những tiểu vương quốc độc lập. Giữa các châu đã trải qua chiến tranh, thôn tính dài lâu, cuối cùng đã phải chia vùng đồng bằng sông Nin dài và hẹp thành hai vương quốc độc lập lớn ở Bắc bộ và Nam bộ. Bắc bộ gọi là Vương quốc Hạ Ai Cập, Quốc vương đội mũ đỏ, lấy Rắn thần làm thần hộ mệnh, lấy con ong làm quốc huy. Nam bộ gọi là Vương quốc Thượng Ai Cập, Quốc vương đội mũ trắng lấy chim ưng làm thần hộ mệnh, lấy hoa bách hợp trắng làm quốc huy.

Thượng, Hạ Ai Cập luôn luôn nổ ra chiến tranh. Vào khoảng trước sau năm 3000 trước Công nguyên, Thượng Ai Cập dần dần cường thịnh, Quốc vương Mênét đã thân dẫn đại quân đi đánh Hạ Ai Cập.

Quân hai bên đã có trận quyết chiến ở vùng Tam giác châu sông Nin: Mênét đầu đội mũ trắng, trên mũ trang trí mặt chim ưng thần, tự mình ra trước trận tiền đốc chiến. Trong tiếng gào thét âm vang, gươm giáo sáng lòa, những lá cờ vẽ hoa bách hợp trắng và những lá cờ có hình con ong vung lên, quấn vào nhau, quân hai bên xông vào đánh giáp lá cà không sao phân giải được. Qua ba ngày ba đêm kịch chiến, cuối cùng quân Hạ Ai Cập bị đánh tan. Quốc vương Hạ Ai Cập đứng trước đám tù binh, tháo chiếc mũ đỏ rồi quỳ xuống đất, hai tay nâng mũ dâng cho Mênét.

Để kỷ niệm chiến thắng này, Mênét đã gọi tên vùng đất quyết chiến này là “Bạch Thành” (Thành trắng). Sau này nơi đây trở thành Thủ đô của Vương quốc Cổ Ai Cập - Memphit (Memphis).

Ngày thứ hai sau lễ nhận đầu hàng, Mênét bày tiệc lớn ở Bạch Thành khoản đãi công thần, thăng quan phong tước cho người có công. Từ đó Mênét tự xưng là ""Vua của Thượng Hạ Ai Cập"", có lúc đội mũ trắng, có lúc đội mũ đỏ, có lúc đội hai thứ mũ gộp lại tượng trưng cho sự thống nhất Thượng Hạ Ai Cập.

Sau khi Ai Cập thống nhất, đã dần dần lập nên bộ máy cai trị chuyên chế. Người cai trị tối cao cả nước là Quốc vương, được Quốc vương đặt ra các thứ quan lại. Hàng năm đều cho người đi kiểm tra nhân khẩu, ruộng đất, súc vật và mọi thứ tài sản trong cả nước để định ra mức tô thuế.

Quốc vương được coi như thần thánh bất khả xâm phạm. Trên các bức chạm đá hoặc bích họa, Quốc vương đều được vẽ thành một vị thần khổng lồ hoặc vẽ thành hình dáng rắn thần, chim ưng thần. Sau này, mọi người không còn được gọi tên Quốc vương mà tôn xưng là Pharaôn (vốn có nghĩa là ""cung điện"" sau chuyển sang ý ""chủ cung điện"" tương tự như Trung Quốc, Việt Nam xưa tôn xưng vua là ""Bệ hạ"").

""Pharaôn tôn kính, Người được Trời cho thông tuệ sáng suốt thấu hiểu muôn vật, liệu định công việc như thần. . ."". Các quan to khi triều kiến Quốc vương đều nói những lời ca tụng đại loại như vậy, lại phải phủ phục trước ngai vua, cúi rạp mình xuống đất hôn lên mặt đất trước chân Quốc vương, không được tùy ý ngẩn đầu. Bắt đầu từ khi Mênét thống nhất Ai Cập vào thế kỷ XXX trước Công nguyên, Ai Cập bước vào thời kỳ tiền Vương quốc, cho đến thế kỷ XI trước Công nguyên lần lượt trải qua các thời kỳ Cổ Vương quốc, Trung Vương quốc, Tân Vương quốc. Từ đó về sau Ai Cập dần dần suy yếu, lần lượt bị Libi, Atxua xâm nhập. Giữa thế kỷ VII trước Công nguyên, giành lại độc lập. Sau đó lại bị đế quốc Ba Tư, Hy Lạp Maxêđônia chinh phục. Năm 30 trước Công nguyên lại bị sáp nhập vào bản đồ đế quốc Rôma.

Cổ Ai Cập là một trong những ngọn nguồn của văn minh thế giới. Nhân dân cổ Ai Cập đã đạt được những thành tựu to lớn về các mặt chữ viết, lịch pháp, nghệ thuật, tri thức khoa học v.v. . . đã từng có ảnh hưởng lớn tới Tây bộ châu Á và châu Âu, đã có cống hiến lớn lao không thể phai mờ đối với lịch sử loài người.

LAI LỊCH KIM TỰ THÁP

Ai Cập thời cổ đại từng lưu truyền một câu chuyện thần thoại xúc động lòng người.

Trước đây rất lâu rồi, có một vị Pharaôn tài giỏi hơn người tên là Ôsirit. Ông dạy dân trồng trọt làm bánh, nấu rượu, khai mỏ, nên mọi người đều rất kính trọng ông. Nhưng em trai ông là Setơ lòng đã bất lương âm mưu giết anh trai để cướp ngôi vua. Một hôm Setơ mời anh đến ăn cơm tối, lại còn mời nhiều người cùng dự. Ăn xong, Setơ cho mang ra một chiếc rương lớn rất đẹp rồi nói với mọi người:

-Ai có thể nằm gọn trong chiếc rương này thì tặng rương cho người đó!

Ôsirit được mọi người cổ vũ thúc giục làm thử xem sao. Ông liền nằm vào trong rương, Setơ lập tức đậy nắp rương khóa lại rồi đem ném ông xuống dòng sông Nin.

Sau khi Ôsirit bị hại, vợ ông đi khắp nơi tìm kiếm, cuối cùng đã tìm được thi thể. Việc này bị Setơ biết được, y liền lúc nửa đêm đến lấy cắp thi thể, chặt ra thành mười bốn khúc đem vất đi các nơi. Vợ Ôsirit lại đi các nơi tìm được các mảnh thi thể chồng, đem chôn dưới đất.

Con trai của Ôsirit từ nhỏ đã rất dũng cảm. Lớn lên, chàng đánh bại Setơ trả thù cho cha. Chàng cho đào các mảnh thi thể của cha chôn ở khắp nơi đem về chắp lại thành xác khô ""mômi"" (còn gọi là xác ướp). Sau này được thần linh giúp đỡ, cha chàng sống lại. Nhưng không phải sống lại chốn nhân gian mà sống lại nơi âm phủ, làm Pharaôn ở cõi âm, chuyên xét xử người chết, bảo vệ Pharaôn ở dương gian.

Thần thoại này đã sớm lưu truyền trong dân gian. Sau này các Pharaôn Ai Cập nghe kể liền lợi dụng câu chuyện để lừa dối nhân dân, nói rằng pharaôn có thần giúp đỡ, vì thế sống là người thống trị, chết vẫn là người thống trị. Ai chống lại Pharaôn, người đó chẳng những lúc sống bị trừng phạt mà khi chết rồi cũng phải chịu khổ ải.

Từ đó mỗi một Pharaôn Ai Cập sau khi chết đều muốn diễn lại lần nữa câu chuyện thần thoại về Ôsirit. Đầu tiên là cử hành lễ tìm thi thể. Bước thứ hai là làm lễ rửa thân tức giải phẫu thi thể, lấy phần nội tạng và óc bỏ ra ngoài, biến thi thể thành xác ướp ""mômi"". Cách làm là ướp thi thể trong một dung dịch chống thối rửa, rút hết mỡ, bóc hết da. 70 ngày sau đem thi thể phơi khô, nhét hương liệu vào khoang bụng, quét một lớp dầu ở ngoài để tránh cho thi thể tiếp xúc với không khí, rồi dùng vải bó chặt lấy thi thể. Như vậy là xác ướp ""mômi"" bất hủ đã làm xong. Bước thứ ba là tụng niệm cầu đảo, mở mắt, thông tai, thông mũi, mở mồm cho ‘‘mômi’’, đưa thức ăn vào trong mồm ‘‘mômi’’. Truyền rằng làm như vậy thì sẽ hít thở, nói chuyện, ăn uống như người đang sống. Cuối cùng là nghi lễ an táng, đặt ‘‘mômi’’ vào trong quan tài đá, đưa đến phần mộ - ""nơi ở vĩnh cửu"" của Pharaôn.

Ở Ai Cập, hình thức mộ táng sớm nhất là đào huyệt ở dưới đất, bên trên đắp thành gò đất bằng cát. Về sau huyệt mộ đào càng ngày càng sâu thành một gian phòng dưới lòng đất, chung quanh gò đống cát bên trên xây thành một bức tường đá Kiểu phần mộ như vậy gọi là ""mastaba"" (có nghĩa là chiếc ghế đá).

Tới thế kỷ XXVII trước Công nguyên, Pharaôn Vương triều thứ III Ai Cập là Jexe cho rằng loại ""mastaba"" này không thể làm nơi ở vĩnh cửu cho Pharaôn. Thế là ông tìm kiến trúc sư xây dựng một tòa ""mastaba"" cực lớn bằng đá xẻ. Nhưng Pharaôn vẫn thấy nó chưa thật hùng vĩ, liền cho xây chồng lên năm tầng ""mastaba"" mỗi tầng nhỏ dân đi, làm cho độ cao của ""mastaba"" đạt tới 61m. Bên dưới có một đường hầm kiên cố rất sâu có thể đi thông tới các hành lang và các gian phòng dưới lòng đất. Chung quanh còn xây một lớp tường bao mô phỏng theo hoàng thành, trong tường xây dựng đền đài dùng cho việc cúng tế. Đây chính là lăng mộ hình tháp đầu tiên của Ai Cập, sau được gọi là ""pyramiđơ"", theo tiếng cổ Ai Cập có nghĩa là cao vút; người Trung Quốc thấy hình dáng của tháp giống như chữ ""kim"" trong chữ Hán nên gọi là Kim tự tháp. Do tòa Kim tự tháp này có từng bậc từng bậc từ dưới lên cho nên mọi người gọi là ""Kim tự tháp hình bậc thang"".

Sau này, các Pharaôn như bị quỷ ám, đều muốn xây Kim tự tháp cho riêng mình, càng ngày càng xây dựng hùng vĩ hơn. Pharaôn Vương triều thứ IV là Khêôp sau khi lên ngôi, quyết tâm xây dựng một Kim tự tháp lớn nhất cho mình. Ông cưỡng bức mọi người dân Ai Cập phải làm lao dịch phục vụ cho công trình này, cứ 10 vạn người lập thành một kíp, mỗi kíp làm việc trong ba tháng luân phiên nhau thay đổi.

Bắt đầu xây dựng công trình, hàng ngàn hàng vạn người được đưa đến vùng núi để vận chuyển đá. Theo tính toán, mỗi tảng đá nặng khoảng 2 tấn rưỡi, tổng cộng cần tới 230 vạn tảng đá. Đá nhiều như vậy nếu ngày nay dùng xe lửa để chuyên chở thì phải cần tới 60 vạn toa xe. Nhưng ở thời đó không có phương tiện vận chuyển cơ giới, vậy phải làm thế nào? Truyền rằng, người dân Ai Cập cần cù thông minh đã nghĩ ra phương pháp rất khoa học: họ dùng các con lăn bằng gỗ để chuyển đá, dùng sức người hay súc vật kèo đi. Nhưng xe con lăn gỗ chở đá nặng không kéo qua được nơi mặt đất gồ ghề. Thế là lại phải làm một con đường trải đá để chuyên chở đá. Chỉ riêng việc làm con đường này đã tốn mất 10 năm trời. Cùng thời gian đó, một đoàn người khác hối hả trên công trường đào những đường hầm dưới mặt đất và huyệt mộ. Trong những đường hầm nóng nực và ngột ngạt, các dân công dùng những cuốc xẻng bằng đồng đào bới đất đá mở đường. Công việc này lại tốn mất đúng 10 năm trời.

Bắt đầu việc lắp đặt Kim tự tháp. Lúc đó không có cần trục, thậm chí một thanh sắt cũng không có, làm sao đưa được những tảng đá nặng như vậy xếp chồng lên nhau? Những người dân công đã xếp gọn tầng thứ nhất trên mặt đất, sau đó họ đắp đất cao ngang tầng thứ nhất, có dốc nghiêng, theo chiều dốc đó mà kéo đá lên tầng hai. Cứ như vậy mà lắp đặt các tầng cao hơn. Kim tự tháp cao đến đâu thì đất đắp cao đến đó. Tháp làm xong đống đất đó biến thành một trái núi lớn, mọi người lại chuyển đất đem đi nơi khác để Kim tự tháp lộ ra. Công trình này xây lắp vô cùng gian khổ, luôn luôn có tới 10 vạn người lao động dưới roi vọt của bọn đốc công và trong ánh nắng mặt trời thiêu đốt. Lại mất 10 năm trời nữa. Toàn bộ công trình đã tốn thời gian tới 30 năm!

Kim tự tháp Khêôp là tòa tháp to lớn nhất trong các Kim tự tháp ở Ai Cập, Kim tự tháp này nguyên cao đến 146,59 mét, trải qua mấy nghìn năm mưa gió bào mòn, đỉnh tháp đã bị bóc thấp xuống gần 10 mét, đây là công trình xây dựng cao nhất thế giới cho tới trước năm 1888, khi Pari xây dựng tháp sắt Epfen. Mặt đáy của Kim tự tháp này hình vuông, mỗi chiều dài 230 mét, đi vòng quanh Kim tự tháp mất một quãng đường dài gần 1 km. Giữa các lớp đá ở thân tháp không dùng bất cứ chất liệu kết dính nào kiểu như xi măng hiện nay mà chỉ là tảng đá này xếp chồng khít lên tảng đá kia. Các tảng đá được mài nhẵn bóng, cho tới nay đã trải qua mấy nghìn năm, người ta vẫn không thể nhét được một lưỡi dao mỏng vào giữa khe hai tảng đá.

Trong Kim tự tháp có ba nhà mồ. Tiến vào cửa tại mặt Bắc ở độ cao 13 mét là một đường hầm cao chưa tới đầu người. Men đường hầm đi xuống phía dưới, đi qua khoảng 100 mét thì tới một gian nhà đá hình chữ nhật- Do Khêốp không vừa lòng với gian nhà mồ này nên từ chỗ giữa đốc đi xuống lại mở một đường hầm khác đi lên phía trên thông tới gian nhà mồ của Hoàng hậu. Ở đoạn đầu đường dốc đi lên lại mở ra một hành lang lớn. Đi theo hành lang lớn tới một gian nhà mồ nữa, đây chính là nơi đặt quan tài đá của Khêốp, mọi người gọi là ""mộ thất của Pharaôn"".

Sau khi Khêốp qua đời không lâu, tại một địa điểm không xa với Kim tự tháp lớn Khêốp, người ta lại dựng lên một tòa Kim tự tháp khác. Đó là Kim tự tháp của vua Kêphơren, con của Khêốp, cạnh đáy dài 215m, chiều cao 143 mét chỉ thấp hơn Kim tự tháp Khêốp 3 mét, nhưng có công trình kiến trúc phù trợ hoàn chỉnh, tráng lệ. Bên cạnh tháp, xây dựng hai đền thần. Phía tây bắc đền thần có một bức tượng khổng lồ, đầu người mình sư tử, gọi là tượng Xphinxơ hay Nhân Sư Tượng cao 20 mét dài 57 mét, mỗi cái tai ở đầu tượng dài tới 2 mét. Tượng này muốn tạo hình Pharaôn Khêphơren và muốn nói lên rằng nhà vua có sức mạnh của sư tử và trí tuệ của loài người. Ngoài móng vuốt sư tử xếp bằng đá xẻ ra còn toàn bộ tượng Nhân Sư là một khối đá khổng lồ nguyên vẹn do các nhà điêu khắc tạc thành. Tới nay pho tượng đã có hơn 4500 năm lịch sử.

Xây dựng xong hai Kim tự tháp lớn này, Ai Cập đã làm kiệt quệ của cải và sức dân. Về sau này, các Pharaôn của Vương triều V và VI đều có xây dựng Kim tự tháp nhưng quy mô và chất lượng đều nhỏ bé hơn nhiều không thể sánh được với các Kim tự tháp nói trên. Sau Vương triều VI, thế kỷ XXIII trước Công nguyên, Cổ Vương quốc bắt đầu suy yếu, quyền lực của các Pharaôn xuống thấp, đất nước Ai Cập bị chia cắt thành nhiều vùng độc lập, việc xây dựng Kim tự tháp cũng suy tàn. Từ phát triển đến suy tàn, thời gian kéo dài trên 1000 năm, tổng cộng xây dựng được hơn 70 Kim tự tháp phân bố tại vùng Gidet ở hai bờ hạ lưu sông Nin và ở vùng đất rộng lớn phía Nam. Sau này do nhân dân Ai Cập chống đối, thêm vào đó có những kẻ đào mộ trộm, thường đem các xác ướp của Pharaôn trong Kim tự tháp đưa ra ngoài, vì vậy các Pharaôn không còn xây dựng Kim tự tháp nữa mà đào đục trong núi sâu làm thành các lăng mộ bí mật.

Những toà Kim tự tháp hùng vĩ đến nay vẫn đứng sừng sững giữa những lớp cồn cát nhấp nhô gần ngoại ô Cairô. Nó đã chứng kiến lịch sử lâu dài của cổ Ai Cập, cũng là kết tinh sức lao động và trí tuệ của ngàn vạn nô lệ Ai Cập thời cổ đại.

NÉT VẼ KỲ DIỆU

2000 năm trước, một tốp người Rôma đến Ai Cập. Khi họ đến tham quan đền đài và cung điện cổ xưa bỗng nhiên phát hiện thấy trên nhiều bức tường và trên rất nhiều trang giấy papyrút (chế tạo từ một loại cây sậy) có không ít những nét vẽ kỳ lạ. Những nét vẽ này hình như đều có liên quan đến lịch sử Ai Cập, nhưng người Rôma chẳng có hứng thú gì với những thứ đó nên cũng chẳng tìm hiểu nguồn gốc làm gì.

Từ năm 525 trước Công nguyên, Ai Cập bị người Ba Tư chinh phục, hoàn toàn mất quyền tự chủ, trở thành một tỉnh của đế quốc Ba Tư. Bắt đầu từ lúc đó phải dùng chữ Ba Tư để ghi chép lịch sử: Còn những nét vẽ ghi lại lịch sử Cổ Ai Cập kể từ sau khi vị thầy tu cuối cùng biết được cách tạo ra những hình vẽ này qua đời thì không còn ai có thể giải thích được bí ẩn này.

Năm 1799, Napôlêông từ nước Pháp thống lĩnh quân đội viễn chinh đến Đông bộ Châu Phi, tiến đánh Ai Cập. Trong lần viễn chinh này của Napôlêông, tình cờ đã khám phá ra bí ẩn về những nét vẽ kỳ lạ này.

Một hôm, có một sĩ quan Pháp trẻ tuổi đi tuần tra ở thị trấn Rôdét gần cửa biển sông Nin. Thời gian dài dặc, ông thấy buồn chán bèn đi thăm những di chỉ ở đây. Tình cờ ông tìm thấy một tấm bia đá kỳ lạ. Nhìn kỹ, tấm bia đá này làm bằng đá huyền vũ đen giống như ở nhiều di chỉ khác tại Ai Cập nhưng trên mặt lại khắc đầy nhiều loại hình vẽ. Điều đáng chú ý là còn khắc ba loại chữ viết, trong đó có một loại là chữ Hy Lạp. Khi đó chữ Hy Lạp có nhiều người biết. Ông nghĩ: chỉ cần đối chiếu kiểu chữ hình vẽ Ai Cập với chữ Hy Lạp, nhất định sẽ dễ dàng hiểu được ý nghĩa của nó. Thế là ông vui sướng mang tấm bia trở về.

Nhưng viên sĩ quan trẻ tuổi này đã hỏi nhiều người, vẫn không ai hiểu được ý nghĩa của những hình vẽ nhỏ trên bia. Lại qua mấy chục năm, tới năm 1822 mới có một học giả người Pháp là Sămpôliông vén được tấm màn bí mật này. Vị học giả này đã bỏ ra 20 năm trời để hiểu rõ được ý nghĩa của 14 hình vẽ nhỏ trên đó. Ít lâu sau, ông qua đời vì làm việc quá sức, nhưng những nguyên tắc chủ yếu của chữ tượng hình Ai Cập đã được làm sáng tỏ. Sau này lại được người khác nghiên cứu thêm, cuối cùng đã hiểu rõ những hình vẽ kỳ diệu trên tấm bia đá đó là lời ca tụng chiến công của Quốc vương do viên tư tế Ai Cập viết và khắc vào năm 195 trước Công nguyên. Ba loại chữ trên đó, ngoài chữ Hy Lạp ra còn hai loại chữ kia đều là chữ Ai Cập, một loại là kiểu chữ thảo một loại là kiểu chữ tượng hình. Từ khi khám phá được bí mật của những hình vẽ này cũng có nghĩa là mở toang được cánh cửa lớn vào kho tàng quý giá của lịch sử Cổ Ai Cập, giúp chúng ta biết nhiều thêm về nền văn minh Cổ Ai Cập năm sáu ngàn năm trước đây.

Loại chữ tượng hình này xuất hiện vào khoảng năm 4000 trước Công nguyên. Nó cũng giống như chữ Sume, chữ Cổ Ấn Độ và chữ Giáp cốt của Trung Quốc, đều nẩy sinh từ những hình vẽ và hoa văn đơn giản nhất trong xã hội nguyên thủy vì vậy gọi là chữ tượng hình. Thầy tư tế hay người chép sử muốn viết một từ nào đó thì dùng hình vẽ nguyên dạng để thể hiện. Muốn viết thành một câu, biểu đạt một ý hoàn chỉnh thì kết hợp những phù hiệu hình vẽ cá biệt lại thành chuỗi hình vẽ phức tạp để thể hiện. Ví như, hơn 3000 năm trước Công nguyên, toàn Ai Cập thống nhất, thành lập Vương triều I Cổ Ai Cập với ông vua đầu tiên là Mênét. Trên một phiến đá kỷ niệm chiến thắng của Mênét có khắc hình ông dùng quyền trượng đánh một tù binh đang quỳ. Phía trên người tù binh là một con chim ưng, một chân nó quắp sợi dây thừng xuyên qua mũi người tù, một chân đạp trên lùm cây sáu gốc. Lùm cây sáu gốc như mọc lên từ một hình chữ nhật do thân hình các tù binh tạo thành. Bức họa đồ này nói lên rằng Quốc vương đã bắt được 6000 tù binh.

Dùng hệ thống chữ viết theo hình vẽ phức tạp như thế này đương nhiên là không thuận tiện. Cùng với sự phát triển của xã hội và ngôn ngữ phức tạp hóa, đã nảy sinh nhiều khái niệm trừu tượng, nhiều danh từ chuyên môn và hình thức ngữ pháp. Nếu như vẫn dùng những hình vẽ đơn giản để biểu đạt thì gặp khó khăn rất lớn. Thế là dần dần xuất hiện những phù hiệu biểu thị âm tiết, lại phát minh ra 24 chữ cái phụ âm, những từ tổ do các loại phù hiệu tạo thành cũng đã có hơn 600. Đây chưa phải là chữ ghép vần nhưng là một bước tiến rất lớn so với những hình vẽ đơn thuần.

Những thứ chữ này viết trên vật liệu gì? Chúng ta biết rằng ở hai bờ sông Nin cỏ cây rậm rạp, có một loại cây gần giống cây sậy gọi là papyrut, thân dài mà rộng, người Ai Cập cắt về bóc ra thành lớp, dát mỏng phơi khô làm thành tờ giấy gọi là giấy papyrut (giấy cỏ. Nhiều tờ giấy papyrut dán lại với nhau thành một tờ dài, cuộn lại thành cuộn giấy. Người Ai Cập viết chữ trên loại giấy này rồi cuộn thành nhiều cuộn. Mực làm bằng lá cây trộn với muội tro than, còn bút chế ra từ những ống sậy mảnh và nhỏ. Người Cổ Ai Cập đã dùng những công cụ như vậy để ghi chép, lưu lại cho đời sau một di sản văn hóa vô cùng phong phú và độc đáo.

CUỘC KHỞI NGHĨA SỚM NHẤT

            Trong hai viện bảo tàng nổi tiếng ở Châu Âu có lưu giữ hai tập tư liệu thành văn viết trên cuộn giấy papyrut từ hơn 3000 năm trước Công nguyên. Hai tập tư liệu này đã bị rách không còn toàn vẹn, nhưng ghi chép được một cuộc khởi nghĩa nô lệ quy mô lớn sớm nhất trên thế giới.

Sự kiện này xảy ra ở Ai Cập vào khoảng năm 1750 trước Công nguyên.

Ta hãy xem một đoạn ghi chép dưới đây:

“… Sự việc không bao giờ xảy ra cuối cùng đã xảy ra. Quốc vương đã bị đám người nghèo khổ đuổi đi rồi.

Những kẻ bạo động chỉ trong một thời gian ngắn đã chiếm được Kinh thành. Lúc này đã xảy ra chuyện như thế này. . . Cổng lớn, hàng cột trụ, nóc nhà trong cung điện của Quốc vương đều bị thiêu cháy thành than, chỉ còn sót lại vài bức tường nham nhở ở hoàng cung.

Vùng tam giác châu khóc than vì kho lương thực của Quốc vương đã thành tài sản của mọi người.

Các quan ở trong nước đều đã bỏ chạy. . . Các quan lại ở cung đình cũng bị đuổi đi theo nhà vua.

Ngôi nhà tòa án cao to đã thành nơi mọi người tùy ý ra vào, những kẻ nghèo khổ cũng đi vào đi ra nơi cung điện uy nghi.

Ôi, nơi tòa nhà xử án đẹp đẽ kia, những bản pháp lệnh đã bị vứt bỏ ra ngoài, mọi người bước đi trên những cuộn giây papyrút ở ngã tư đường. Các quan tòa bị đuổi đi khắp nơi trong nước.

Họ cướp đi những tài sản của những người tôn quý đem giao cho người nghèo. Người có của chịu tổn thất còn người nghèo thì rất bằng lòng.

Họ chế ra những tên đồng, dùng máu để đổi lấy bánh mì.

Mọi người quay cuồng như đi trên chiếc bàn xoay làm đồ gốm. . .""

Chẳng cần giải thích ta cũng rõ đây chính là ghi chép về một cuộc khởi nghĩa lớn trời long đất lở.

Từ khoảng năm 2400 trước Công nguyên, Cổ Vương quốc Ai Cập tan rã, trải qua hơn 300 năm đến trước năm 2000 trước Công nguyên, thành lập ra Trung Vương quốc Ai Cập. Trung Vương quốc lấy thành Tebơ làm kinh đô, lập ra một nhà nước trung ương tập quyền lớn mạnh. Của cải của Pharaôn, quý tộc và các chủ nô tăng nhanh, còn những nô lệ bị áp bức và những nông dân tự canh tác trên mảnh ruộng đất của mình thì ngày một khốn khổ bần cùng hơn. Họ không còn chịu đựng được nữa, thế là một cuộc khởi nghĩa trên quy mô cả nước cuối cùng đã bùng nổ.

Cuộc khởi nghĩa nô lệ có nông dân tham gia đã giáng một đòn mạnh mẽ vào giới quý tộc chủ nô. Do còn thiếu những tư liệu lịch sử nên tới nay vẫn còn chưa rõ toàn bộ quá trình cuộc khởi nghĩa lớn này, thậm chí ngay tên tuổi người tổ chức khởi nghĩa cũng không biết. Nhưng qua những ghi chép trên hai cuộn giấy papyrút này cũng đủ để thấy được uy lực của cuộc khởi nghĩa này.

Cuộc khởi nghĩa này kéo dài 40 năm. Lúc đầu chỉ là những cuộc bạo động lẻ tẻ, phân tán, sau dần hợp lại thành cuộc khởi nghĩa lớn mang tính toàn quốc. Qua ghi chép trên cuộn giấy papyrút còn có thể thấy quân khởi nghĩa chỉ đánh vào bọn áp bức về mặt chính trị mà chưa tổ chức ra chính quyền mang tính toàn quốc; về mặt kinh tế đã tước đoạt của cải của bọn bóc lột nhưng chưa coi trọng kịp thời việc phát triển kinh tế của mình thậm chí còn làm cho sản xuất bị ảnh hưởng khá lớn. Tư liệu chữ viết trên cuộn giấy papyrút ghi:

""Sông ngòi khô cạn, mọi người có thể lội qua sông. Những bãi đất nổi trên sông còn nhiều hơn nước dưới lòng sông.

Hai bên đường, các loại cây trồng đều khô héo. Mọi người không có quần áo, không có dầu mỡ càng chẳng thể có sữa uống. . .""

Đã lật đổ được tầng lớp thống trị phản động mà không chú ý xây dựng cuộc sống mới cho mình, thắng lợi của cuộc khởi nghĩa tất không thể duy trì được lâu dài Pharaôn thời Trung Vương quốc cuối cùng đã lại tổ chức được chính quyền của họ, nông dân và nô lệ lại chịu áp bức bóc lột như cũ.

Sau cuộc khởi nghĩa này không lâu, người Hichxốt ở châu Á đã xâm nhập Ai Cập Họ dùng chiến thuật xe ngựa bao vây, những cỗ xe gió lao lên như tia chớp đột nhập vào đội ngũ quân Ai Cập, quân Đội Ai Cập chỉ còn biết nhìn hướng gió mà chạy. Khi đó người Ai Cập còn chưa biết sử dụng ngựa chiến, chỉ biết dùng bộ binh để đánh trận mà bộ binh thì không có cách nào ngăn chặn được kỵ binh và chiến xa.

Người Hichxốt đã thống trị Ai Cập khoảng 150 năm. Năm 1580 trước Công nguyên, người cầm quyền mới ở thành Tebơ là Amôxit đã dấy quân đánh lại người Hichxôt, đuổi họ ra khỏi Ai Cập, lập ra Tân Vương quốc Ai Cập. Từ đó trở đi, người Ai Cập đã học được cách nuôi ngựa và sử dụng kỵ binh cùng chiến xa.