Ông tôi, dùng dao, đã đoạt mạng hai tên Đức khi ông còn chưa đủ mười tám tuổi. Tôi không nhớ có ai kể cho tôi nghe cả, đó là điều dường như tôi vẫn luôn biết, giống như tôi biết đội Yankee mặc áo kẻ sọc khi đấu các trận ở sân nhà và áo xám khi đấu sân khách. Nhưng không phải tôi sinh ra đã biết chuyện đó. Ai đã kể cho tôi nhỉ? Bố tôi thì không rồi, ông không bao giờ chia sẻ những bí mật, mẹ tôi cũng không, bà tránh đề cập những chuyện không vui, tất cả những chuyện máu me, ung nhọt, hoặc quái dị. Không phải bà tôi, bà biết tất cả những chuyện dân gian của cố quốc - hầu hết đều kinh dị, trẻ con bị chó sói xơi tái và bị những mụ phù thủy chặt đầu nhưng chẳng bao giờ nói về cuộc chiến khi có tôi nghe. Và tất nhiên lại càng không phải là ông tôi, người tươi cười canh giữ những ký ức đầu đời của tôi, người đàn ông mắt đen mảnh dẻ, trầm lặng vẫn dắt tay tôi khi băng qua đường, ngồi trên băng ghế công viên đọc tờ báo tiếng Nga trong khi tôi đuổi theo lũ chim bồ câu và lấy cành que gãy chọc phá bọn kiến thợ.
Tôi lớn lên cách nhà ông bà hai khối nhà nên hầu như ngày nào cũng gặp họ. Ông bà có riêng một công ty bảo hiểm nho nhỏ, hoạt động ngoài căn hộ bên đường sắt của họ ở Bay Ridge, chủ yếu phục vụ những người Nga nhập cư khác. Bà tôi lúc nào cũng nói chuyện điện thoại, bán hàng. Không ai cưỡng lại được bà. Bà hớp hồn họ hoặc bà làm họ hoảng, và dù là cách nào đi nữa thì họ cũng đều mua. Ông tôi phụ trách bàn làm việc, giải quyết tất cả giấy tờ. Hồi còn nhỏ, tôi thường ngồi trong lòng ông, tròn mắt nhìn cái đốt cụt ngón trỏ bàn tay trái của ông, tròn trịa và nhẵn thín, hai đốt trên cùng bị tiện ngọt như thể đẻ ra ông đã không có chúng rồi. Nếu là mùa hè và đội Yankee đang thi đấu, một chiếc radio (sau sinh nhật bảy mươi tuổi của ông thì thành một chiếc ti vi màu, bố tôi mua cho ông) tường thuật trận đấu. Ông không bao giờ đánh mất cái giọng lơ lớ của mình, ông chẳng bao giờ đi bầu cử hoặc nghe nhạc Mỹ, nhưng ông lại trở thành một người hâm mộ cuồng nhiệt của đội Yankee.
Cuối thập niên chín mươi, một tập đoàn bảo hiểm đề nghị mua lại công ty của ông bà tôi. Đó là, theo lời tất cả mọi người, một đề nghị khá tốt, vậy là bà tôi yêu cầu họ tăng gấp đôi giá lên. Chắc chắn là họ đã cò kè mặc cả rất nhiều, nhưng ngay cả tôi cũng có thể bảo với tập đoàn đó rằng cò kè với bà tôi chỉ tổ tốn thời gian. Cuối cùng họ trả cho bà những gì bà muốn và ông bà tôi - theo truyền thống, bán căn hộ của họ và chuyển đến Florida.
Họ mua một ngôi nhà nhỏ trên bờ Vịnh, một kiệt tác mái bằng xây năm 1949 bởi một kiến trúc sư - lẽ ra đã trở nên nổi tiếng nếu ông ta không chết đuối đúng vào năm ấy. Trần trụi và uy nghi với chất liệu thép và bê tông đúc, tọa lạc trên một triền dốc trơ trọi trông thẳng ra Vịnh, nó không phải ngôi nhà ta vẫn hình dung cho một cặp vợ chồng nghỉ hưu, nhưng họ đâu có chuyển xuống miền Nam để héo tàn dưới ánh mặt trời rồi chết. Hầu như ngày nào ông tôi cũng ngồi trước máy tính, chơi cờ vua online với mấy ông bạn già. Bà tôi, buồn chán vì ăn không ngồi rồi trong mấy tuần sau khi chuyển về, tự tạo ra việc làm cho mình tại một trường đại học ngoại trú ở Sarasota, dạy văn học Nga cho những sinh viên rám nắng, có vẻ như cánh này (theo như một lần tôi ghé thăm lớp học) liên tục phát hoảng vì sự báng bổ của bà, kiểu châm biếm nặng nề của bà, và khả năng bà thuộc làu làu những vần thơ Pushkin.
Tối nào ông bà tôi cũng dùng bữa trên sân thượng, trông thẳng qua những vũng nước tối om về phía Mexico. Họ ngủ để mở mọi cửa sổ, lũ bướm đêm đập cánh vào tấm lưới chắn. Không giống những người nghỉ hưu khác tôi gặp ở Florida, họ không lo lắng gì về tội phạm. Cửa trước thường xuyên không khóa và không có hệ thống báo động nào. Họ không thắt dây an toàn khi ở trong xe, họ không dùng kem bảo vệ khi ra ngoài nắng. Họ quả quyết rằng chẳng gì có thể giết được mình ngoại trừ chính Chúa, mà họ thậm chí còn chẳng hề tin vào ông ta.
Tôi sống ở Los Angeles và viết kịch bản về những siêu anh hùng đột biến gien. Hai năm trước tôi được đề nghị viết một bài chân dung tự thuật cho một tạp chí về kịch bản, và được giữa chừng thì tôi nhận ra mình đã sống một cuộc đời thật nhàm chán. Chẳng phải tôi kêu ca gì. Ngay cả đọc bản tóm tắt sự tồn tại của tôi cũng chán - phổ thông, đại học, làm lặt vặt, học sau đại học, làm linh tinh, lại học sau đại học, siêu anh hùng đột biến tôi đã có một quãng thời gian tồn tại thú vị. Nhưng trong lúc vật vã cho xong bài viết - tôi quyết định rằng tôi không muốn viết về cuộc đời mình, ngay cả năm trăm từ cũng không. Tôi muốn viết về Leningrad.
Ông bà đón tôi ở sân bay Sarasota, tôi cúi khom xuống hôn họ còn họ ngước lên mỉm cười với tôi, lần nào cũng hơi ngỡ ngàng trước sự hiện diện của thằng cháu nội người Mỹ khổng lồ (với chiều cao 1m90 thì tôi là một người khổng lồ bên cạnh họ). Trên đường về nhà chúng tôi mua cá sòng ở chợ cá địa phương, ông tôi nướng nó mà không cho thêm gì ngoài bơ, muối và chanh tươi. Giống như bất kỳ món gì ông nấu, nó có vẻ dễ làm đến khó tin, mất vẻn vẹn mười phút, và ngon hơn bất cứ thứ gì tôi đã ăn trong năm đó ở LA. Bà tôi không nấu ăn, bà nổi tiếng trong gia đình tôi vì không chịu sửa soạn bất kỳ thứ gì cầu kỳ hơn một bát ngũ cốc.
Sau bữa tối bà tôi châm một điếu thuốc còn ông tôi rót ra ba ly vodka lý chua đen nhà nấu. Chúng tôi lắng nghe dàn đồng ca của lũ ve và dế, phóng mắt ra ngoài Vịnh tối đen, và thỉnh thoảng lại đập tay xua muỗi.
“Cháu mang theo máy ghi âm. Cháu nghĩ biết đâu chúng ta có thể nói chuyện về cuộc chiến tranh.”
Tôi nghĩ đã thoáng thấy bà tôi nhướng mắt khi bà búng tàn thuốc xuống mặt cỏ.
“Gì cơ ạ?”
“Cháu đã bốn mươi tuổi rồi. Giờ cháu lại muốn biết à?”
“Cháu ba mươi bốn mà.” Tôi nhìn sang ông tôi và ông mỉm cười với tôi. “Có chuyện gì chứ? Ông bà là dân Quốc xã sao? Ông bà đang che giấu quá khứ Quốc xã của mình à?”
“Không,” ông nói, vẫn mỉm cười. “Ông bà không phải là Quốc xã.”
“Ông bà nghĩ cháu bốn mươi tuổi thật à?”
“Ba mươi tư, bốn mươi…” Bà kêu chẹp chẹp, bao giờ cũng đi kèm cái phẩy tay khinh khỉnh, xua đi sự ngu xuẩn. “Ai thèm quan tâm? Kết hôn đi. Kiếm lấy cô vợ.”
“Bà nói giống hệt những người bà khác ở Florida vậy.”
“Ha,” bà nói, hơi tự ái.
“Cháu muốn biết nó như thế nào. Có điều gì mà khủng khiếp vậy?”
Bà vừa hất đầu về phía ông tôi vừa trỏ đầu điếu thuốc đang cháy vào tôi.
“Nó muốn biết là như thế nào kìa.”
“Bà yêu dấu à,” ông tôi nói. Chỉ thế thôi, không gì nữa, nhưng bà tôi gật đầu và dụi tắt điếu thuốc của bà lên mặt bàn kính.
“Cháu nói đúng,” bà bảo tôi. “Cháu muốn viết về cuộc chiến tranh, cháu nên viết.”
Bà đứng dậy, hôn lên đầu tôi, hôn lên môi ông tôi và mang mấy cái đĩa vào trong nhà. Trong ít phút chúng tôi ngồi đó lặng lẽ, lắng nghe tiếng sóng vỗ bờ. Ông rót thêm vodka cho hai ông cháu, hài lòng thấy tôi đã uống hết ly của mình.
“Cháu có bạn gái chứ?”
“Ừ hứ.”
“Cô diễn viên ấy à?”
“Vâng.”
“Ta thích cô ấy.”
“Cháu biết ông thích mà.”
“Con bé có thể là người Nga,” ông nói. “Nó có đôi mắt… Nếu cháu muốn nói chuyện về Leningrad thì chúng ta nói về Leningrad vậy.”
“Cháu không muốn nói. Cháu muốn ông nói.”
“Vậy được rồi, thì ta nói. Mai nhé?”
Ông giữ lời. Suốt cả tuần sau đó ngày nào chúng tôi cũng ngồi cùng nhau trên tầng thượng bằng bê tông và tôi ghi âm lại những câu chuyện của ông. Mấy tiếng đồng hồ buổi sáng, nghỉ ăn trưa, rồi lại tiếp tục trong buổi chiều - ông tôi, một người vốn ghét nói quá hai câu liên tiếp trước mặt người khác (người khác ở đây nghĩa là ngoài vợ ông ra), đã lấp đầy hết cuốn băng này đến cuốn băng khác bằng lời của mình. Quá nhiều từ cho một cuốn sách - sự thật có thể sẽ lạ lùng hơn hư cấu, nhưng nó cần một biên tập viên xuất sắc hơn. Lần đầu tiên trong đời tôi nghe thấy ông tôi văng tục và nói cởi mở về tình dục. Ông kể về thời thơ ấu của mình, về cuộc chiến, về chuyện tới nước Mỹ. Nhưng chủ yếu ông kể về một tuần trong năm 1942, tuần đầu tiên của năm đó, cái tuần ông gặp bà tôi, có người bạn thân nhất, và giết hai tên Đức.
Khi ông kể xong những câu chuyện của mình, tôi hỏi ông về vô số các chi tiết, tên tuổi, địa danh, điều kiện thời tiết của những ngày cụ thể. Ông chịu đựng chuyện này một lúc, rồi cuối cùng ông chồm người tới trước và ấn nút DỪNG trên cái máy ghi âm.
“Chuyện đã lâu lắm rồi,” ông nói. “Ta không nhớ là lúc đó ta đang mặc gì nữa. Ta còn không nhớ là mặt trời có ló ra không nữa.”
“Cháu chỉ muốn chắc là cháu ghi lại mọi thứ thật đúng.”
“Không được đâu.”
“Đây là câu chuyện của ông mà. Cháu không muốn phá hỏng nó.”
“David…”
“Một vài chỗ cháu vẫn chưa hiểu được…”
“David,” ông nói. “Cháu là nhà văn cơ mà. Bịa bừa đi.”