Một tiếng đồng hồ sau khi trời sáng, hai người lính gác khác đến mở cửa xà lim, lôi bọn ta ra khỏi giường, và bập còng vào cổ tay bọn ta. Họ phớt lờ những câu hỏi của ta nhưng có vẻ thấy buồn cười khi Kolya yêu cầu một tách trà và một phần trứng ốp lết. Những câu đùa chắc hẳn là phải rất hiếm hoi trong khu Chữ Thập, vì nó chẳng phải là câu đùa hay ho gì, ấy vậy mà những người lính gác vẫn vừa cười nhăn nhở vừa thúc bọn ta đi dọc hành lang. Đâu đó có người đang rên rỉ, một tiếng rên khe khẽ và dai dẳng, một tiếng còi tàu thủy văng vẳng từ rất xa.
Ta không biết bọn ta đang trên đường đến giá treo cổ hay buồng thẩm vấn. Qua cả đêm không ngủ nghê gì; trừ có một ngụm từ cái chai của tên Đức, còn ngoài ra chẳng được hớp đồ uống nào từ lúc ở trên sân thượng của Kirov; một cục u bằng nắm tay trẻ con đã sưng lên ở chỗ trán ta đập vào trần nhà - đó là một buổi sáng tồi tệ, thực sự; trong số những ngày tồi tệ nhất của ta - nhưng ta muốn sống. Ta muốn sống và ta biết mình không thể đường hoàng đối mặt án hành quyết. Ta sẽ quỳ mọp trước người treo cổ hoặc đội xử bắn và viện dẫn tuổi trẻ của mình, kể lể về cơ man nào những giờ ta đã phục vụ trên sân thượng chờ đợi bom rơi, tất cả nhưng chiến lũy ta đã góp công xây dựng, những chiến hào ta đã đào. Tất cả bọn ta đều làm hết, tất cả bọn ta đều phục vụ sự nghiệp, nhưng ta là một trong những đứa con chân chính của Piter và ta không đáng phải chết. Có hại gì đâu chú? Bọn tôi uống rượu cognac của một tên Đức đã chết - vì thế mà đồng chí muốn kết liễu tôi sao? Đồng chí muốn thắt dây thừng quanh cái cổ gầy nhẳng của tôi và đóng sập não tôi lại mãi mãi chỉ vì tôi đã ăn cắp một con dao sao? Đừng làm thế, thưa đồng chí. Tôi không nghĩ mình có gì vĩ đại, nhưng còn có điều gì đó tốt đẹp hơn thế này.
Những người lính gác dẫn bọn ta đi xuống một cầu thang đá, những bậc thang mòn bóng bởi hàng trăm nghìn gót ủng. Một người đàn ông lớn tuổi với cái khăn xám nặng trịch quấn hai vòng quanh cổ ngồi ở phía bên kia những song sắt ngăn dưới chân cầu thang. Lão ta ném cho bọn ta một nụ cười nhăn nhở móm mém và mở khóa cổng. Một lát sau bọn ta bước qua một cánh cửa gỗ nặng nề ra ngoài nắng, thoát ra khỏi Chữ Thập lành lặn và còn sống.
Kolya, không xúc động gì với việc có vẻ như vừa được phóng thích, vốc tuyết sạch đầy hai bàn tay đeo còng và liếm. Vẻ lì lợm của hành động đó làm ta ghen tị, giống như ý nghĩ về vị nước lạnh trên lưỡi ta. Nhưng ta không muốn làm bất kỳ điều gì chọc giận những người lính gác. Cú đào thoát của bọn ta khỏi Chữ Thập có vẻ như là một sai lầm quái lạ và ta chắc mẩm sẽ lại bị tống vào trong nếu làm điều gì đó không phải.
Những người lính gác giải bọn ta đến một chiếc GAZ đang chờ sẵn, tiếng động cơ lớn chạy rì rì, những ống xả phun khói xăng bẩn thỉu, hai người lính ngồi trên hàng ghế trước nhìn bọn ta với vẻ hờ hững, những chiếc mũ lót lông của họ kéo sụp xuống trán.
Kolya nhảy tót vào ghế sau mà không thèm chờ lệnh.
“Các quý ngài, tới nhà hát opera nào!”
Những người lính gác, chuẩn mực vốn đã xuống cấp sau nhiều năm làm việc tại Chữ Thập, lại hô hố cười với Kolya. Hai người lính kia thì không. Một người quay lại và chằm chằm nhìn Kolya.
“Mày nói một tiếng nữa là tao bẻ gãy cái cánh tay chó chết của mày ngay đấy. Vào tay tao thì máy đã ăn một viên đạn vào đầu rồi. Đồ đào ngũ khốn kiếp. Mày” - và câu này là dành cho ta - “lên xe.”
Miệng Kolya đã mở sẵn và ta biết sắp to chuyện rồi đây; tay lính kia trông không có vẻ gì là chỉ dọa suông còn Kolya, rõ mồn một, không có khả năng lưu tâm đến một lời hăm dọa vớ vẩn.
“Tôi không đào ngũ,” anh ta nói. Dù hai bàn tay bị còng anh ta cũng xoay xở đẩy ống tay áo khoác bên trái lên, cả ống tay trái của cái áo len quân đội, ống tay trái của hai chiếc áo sơ mi bên dưới, và chìa cánh tay cho người lính ngồi ghế trước. “Anh muốn bẻ gãy tay, cứ bẻ đi, nhưng tôi không phải là kẻ đào ngũ.”
Cả một hồi lâu không ai nói gì - Kolya trừng trừng nhìn người lính. người lính trừng trừng nhìn lại, còn cả đám bọn ta nhìn và chờ đợi, thấy ấn tượng trước màn đọ ý chí này và tò mò xem ai sẽ thắng. Cuối cùng, tay lính chấp nhận thất bại và ngoảnh mặt khỏi Kolya rồi nạt ta.
“Vào xe, thằng chó kia.”
Cánh lính gác nhăn nhở cười. Đây là màn giải trí buổi sáng của họ. Họ không có màn tra tấn nào trong lịch, không có hàm răng nào mà bẻ, không có móng tay nào để rút khỏi những đầu ngón tay của một người đang gào thét, vậy là họ tiêu khiển bằng cách nhìn ta, thằng chó, hối hả chui vào băng ghế sau cạnh Kolya.
Tay lính lái xe rất nhanh, hoàn toàn không đếm xỉa gì đến những vệt băng trên đường. Bọn ta lao phăm phăm dọc bờ sông Neva đóng băng. Ta đã bẻ dựng cổ áo khoác lên để che mặt trước cơn gió táp vào dưới lớp vải bạt. Kolya chẳng có vẻ gì là khó chịu vì cái rét. Anh ta chăm chú nhìn cái chóp của Nhà thờ Thánh John Rửa tội bên kia sông và không nói năng gì.
Bọn ta rẽ vào cầu Kamennoostrovsky, những cái khung vòm bằng thép cũ của nó phủ một lớp sương giá, những cột đèn tua tủa trụ băng. Lên đến đảo Kamenny, chỉ hơi chậm lại tí ti để đi vòng quanh một hố bom cày nát giữa lòng đường, rẽ vào một lối đi dài hai bên là những gốc chanh, và đỗ lại trước một tòa dinh thự bằng gỗ hoành tráng với mái cổng đỡ bằng cột trắng. Kolya ngắm nghía ngôi nhà.
“Gia tộc Dolgorukov từng sống ở đây,” anh ta nói trong lúc bọn ta bước ra khỏi xe. “Tôi đoán không ai trong các anh từng nghe nói đến gia tộc Dolgorukov.”
“Một lũ quý tộc đã bị vặn cổ,” một người lính vừa nói vừa ra hiệu bằng nòng súng trường cho bọn ta bước về phía cửa trước.
“Một vài người,” Kolya thừa nhận. “Và một số người bọn họ đã ngủ với vua chúa.”
Giữa ban ngày trông Kolya như thể vừa mới bước ra từ một trong những tấm áp phích cổ động dán trên các bức tường trên khắp thành phố; những đường nét trên khuôn mặt anh ta thật hào sảng - cái cằm mạnh mẽ, mũi thẳng tắp, mái tóc vàng lòa xòa trước trán. Anh ta là một kẻ đào ngũ bảnh trai.
Cánh lính áp giải bọn ta bước lên hiên, nơi những bao cát đã chất đống cao thành một ổ súng máy. Hai người lính ngồi gần khẩu súng của mình, hút chung một điếu thuốc. Kolya đánh hơi không khí và thèm thuồng nhìn điếu thuốc vấn bằng tay.
“Thuốc lá thật,” anh ta nói, trước khi những người dẫn đường nai nịt súng ống của bọn ta đẩy mở cửa trước và lùa bọn ta vào bên trong.
Trước nay ta chưa bao giờ ở bên trong một tòa dinh thự, mới chỉ đọc về chúng trong các cuốn tiểu thuyết: những màn khiêu vũ trên sàn ốp bóng loáng, đám gia nhân múc xúp từ những chiếc liễn bằng bạc, quý ngài gia trưởng nghiêm nghị trong thư phòng chất đầy sách của mình đang cảnh cáo cô con gái khóc lóc hãy tránh xa thằng ranh xuất thân hèn kém đó ra. Nhưng mặc dù nhìn từ bên ngoài ngôi nhà cũ của gia tộc Dolgorukov vẫn còn tráng lệ, cách mạng đã vào tới bên trong. Sân nhà lát đá cẩm thạch nhem nhuốc cả nghìn dấu ủng bùn đất, mấy tháng trời không lau chùi. Giấy dán tường ám khói bong tróc khỏi phào chân tường. Không có đồ đạc nguyên bản nào còn sót lại, không một bức tranh sơn dầu và những chiếc bình Trung Hoa lúc trước hẳn đã treo dọc tường và ngự trên các giá gỗ gụ.
Hàng chục sĩ quan mặc quân phục hối hả đi lại từ phòng này sang phòng khác, chen chúc trên một dải cầu thang đôi uốn cong không còn hàng chấn song tay vịn và con tiện nào, có lẽ đã bị lôi xuống làm củi đốt từ nhiều tuần trước. Những bộ quân phục không phải của Hồng quân. Kolya để ý thấy ta đang chăm chú nhìn.
“NKVD[7]. Chắc họ tưởng bọn ta là gián điệp.”
Ta chẳng cần đến Kolya nói cho ta biết những người này là của NKVD. Từ nhỏ ta đã biết quân phục của họ trông như thế nào, với những chiếc mũ kê pi vểnh nhọn hai màu xanh và nâu đỏ cùng những khẩu Tokarev gài bao. Ta đã biết sợ hãi cảnh những chiếc Packard của họ đỗ rì rì ngoài cổng Kirov, những chiếc Quạ đen, chờ mang một công dân xấu số nào đó đi khỏi gia đình họ. NKVD đã bắt ít nhất mười lăm người trong tòa nhà nơi ta sống. Thỉnh thoảng những người bị bắt quay trở về nhà sau vài tuần, đầu họ cạo trọc còn mặt họ tái nhợt không chút sức sống nào, lảng tránh ánh mắt của ta trên cầu thang khi họ lê lên nhà mình. Những con người suy sụp được trở về nhà đó hẳn là phải biết họ hiếm hoi và may mắn đến mức nào, ấy thế mà họ chẳng có vẻ gì là sung sướng vì mình còn sống sót. Họ biết chuyện gì đã xảy ra với cha ta nên họ không dám nhìn thẳng vào mắt ta.
Những người lính vẫn thúc bọn ta đi tới trước cho đến khi bọn ta bước vào một phòng nắng ở phía sau cùng ngôi nhà, những cửa sổ kiểu Pháp cao trưng ra một khung cảnh đẹp mắt của sông Neva và những tòa chung cư thâm trầm, lặng lẽ của khu Vyborg trên mạn bên kia sông. Một người đàn ông lớn tuổi ngồi một mình bên chiếc bàn gỗ đơn sơ kế giữa phòng nắng. Ông ta kẹp ống nghe điện thoại giữa mặt và vai để có thể vừa nguệch ngoạc bút chì trên một tập giấy vừa lắng nghe.
Ông ta liếc nhìn bọn ta trong lúc bọn ta chờ đợi ở ngưỡng cửa. Nhìn ông ta như một cựu võ sĩ đấm bốc với cái cổ dày và cái mũi bẹt gí, méo xệch. Những quầng thâm dưới đôi mắt sùm sụp của ông ta sâu hoắm, cũng như những nếp nhăn chạy ngang trán ông ta. Mái tóc màu xám của ông ta được húi sát rạt da đầu. Có lẽ ông ta tầm khoảng năm mươi tuổi, nhưng nhìn ông ta như thể ông ta vẫn có thể đứng lên khỏi ghế và hạ gục tất cả bọn ta mà không làm xộc xệch bộ quân phục của mình. Ba ngôi sao kim loại lấp lánh trên ve cổ áo khoác của ông ta. Ta không biết chính xác ba ngôi sao biểu thị cái gì, nhưng là số ngôi sao nhiều hơn bất kỳ ai khác trong tòa dinh thự.
Ông ta lẳng tập giấy lên bàn và ta có thể thấy rằng không phải ông ta đã ghi chép gì, như ta tưởng, mà đơn giản chỉ vẽ những chữ X, hết lần này đến lần khác, cho đến khi cả trang giấy kín đặc chúng. Chẳng hiểu sao điều này lại khiến ta thấy sợ hơn cả bộ quân phục hoặc cái mặt hầm hố của ông ta. Một người vẽ tranh vú vê hoặc chó có vẻ còn giống như một con người ta có thể hiểu. Nhưng còn kẻ chẳng vẻ gì hết ngoài những chữ X thì sao?
Ông ta chăm chú nhìn bọn ta, Kolya và ta, và ta biết là ông ta đang đánh giá bọn ta, lên án tội ác của bọn ta và tuyên bọn ta án tử, trong lúc vẫn nghe một giọng nói truyền đi qua đường dây.
“Tốt lắm,” cuối cùng ông ta nói. “Tôi muốn xong việc trước buổi trưa. Không ngoại lệ.”
Ông ta gác máy và mỉm cười với bọn ta, và cái nụ cười đó chẳng ăn nhập gì với mặt ông ta giống như chính ông ta và cái bàn gỗ tuềnh toàng của mình chẳng ăn nhập gì với phòng nắng lung linh của ngôi nhà quý tộc lâu đời. Tay đại tá (vì đến lúc đó ta cho rằng đây chính là tay đại tá mà cánh lính đã nói đến đêm hôm trước) có một nụ cười đẹp đẽ, hàm răng trắng một cách đáng ngạc nhiên, cái mặt tàn bạo của ông ta trong khoảnh khắc chuyển từ đe dọa sang chào đón.
“Kẻ đào ngũ và tên hôi của! Lại đây, lại gần đây nữa nào, chúng ta không cần còng làm gì. Ta không nghĩ các anh chàng này sẽ gây rắc rối gì.” Ông ta ra hiệu với mấy người lính, đám này miễn cưỡng rút chìa khóa ra và mở còng cho bọn ta.
“Tôi không phải là kẻ đào ngũ,” Kolya nói.
“Không à? Đi đi,” ông ta ra lệnh cho những người lính, không thèm nhìn đến họ. Những người lính tuân lệnh, bỏ bọn ta lại với tay đại tá. Ông ta đứng lên và bước lại phía bọn ta, khẩu súng ngắn trên bao thắt lưng của ông ta đập bành bạch vào hông. Kolya thẳng tắp người, đứng nghiêm cho viên đại tá săm soi, còn ta, không biết phải làm gì, đành làm theo anh ta. Viên đại tá cứ thế tiến cho đến khi cái mặt bầm dập của ông ta gần như chạm vào mặt Kolya.
“Cậu không phải là kẻ đào ngũ, vậy mà đơn vị của cậu lại báo cáo là cậu mất tích và người ta tìm thấy cậu ở cách nơi mà lẽ ra cậu phải có mặt cả bốn mươi cây số.”
“Ừm, có một lời giải thích đơn giản…”
“Còn cậu,” ông ta tiếp tục, quay sang ta. “Một tên lính dù Đức rơi xuống khu phố của cậu mà cậu không hề báo cáo cho chính quyền. Cậu quyết định làm giàu cho bản thân còn kệ thành phố. Chuyện đó cũng có một lời giải thích đơn giản?”.
Ta cần nước. Miệng ta khô khốc đến mức cảm giác như có vảy, giống như da của một con thằn lằn, và ta đã bắt đầu thấy những đốm sáng nhỏ chơi vơi trước mắt.
“Thế nào?”
“Cháu xin lỗi,” ta nói.
“Cậu xin lỗi?” Ông ta nhìn ta lâu hơn một chút và bật cười. “À, ừm, cậu xin lỗi, thế thì được rồi, tốt lắm. Chừng nào cậu còn biết lỗi thì đó là điều quan trọng nhất. Nghe này, chàng trai, cậu có biết ta đã hành quyết bao nhiêu người rồi không? Ta không muốn nói là theo lệnh ta, ý ta là tự mình ra tay ấy, với khẩu Tokarev này…” Đến đây ông ta vỗ vào khẩu súng trong bao. “Cậu có muốn đoán không? Không à? Tốt, Vì ta không biết. Ta không đếm xuể. Mà ta là loại người luôn muốn biết. Ta theo dõi mọi thứ. Ta biết chính xác bao nhiêu phụ nữ mà ta đã chén, mà nhiều ra phết đấy, tin ta đi. Cậu là một anh chàng đẹp trai,” ông ta nói với Kolya, “nhưng hãy tin lời ta, cậu không đuổi kịp ta đâu, ngay cả nếu cậu có sống đến cả trăm tuổi, mà điều đó thì có vẻ đáng ngờ lắm.”
Ta liếc sang Kolya, tưởng anh ta sẽ nói câu gì đó ngu xuẩn và làm cả hai bọn ta bị giết, nhưng Kolya, riêng lần này, không nói năng gì.
“Xin lỗi là thứ cậu nói với thầy hiệu trưởng khi cậu làm gãy một viên phấn,” viên đại tá nói tiếp. “Xin lỗi chẳng ăn thua gì với tội hôi của và đào ngũ.”
“Bọn cháu nghĩ biết đâu hắn có mang theo chút thức ăn.”
Viên đại tá chằm chằm nhìn ta một hồi lâu.
“Có không?”
“Chỉ có chút cognac. Hoặc brandy… có lẽ là schnapps.”
“Chúng ta bắn cả tá người mỗi ngày vì tội làm giả thẻ khẩu phần. Cậu có biết họ nói gì với chúng ta, trước khi chúng ta nhét đạn vào não họ không? Họ bị đói. Tất nhiên là họ bị đói! Tất cả mọi người đều đói. Điều đó không ngăn được chúng ta bắn lũ ăn cắp.”
“Cháu không ăn cắp của người Nga…”
“Cậu đã ăn cắp tài sản của nhà nước. Cậu có lấy thứ gì từ cái xác không?”
Ta lưỡng lự đến lúc không dám nữa.
“Một con dao.”
“A. Kẻ cắp trung thực.”
Ta quỳ xuống, gỡ cái bao nơi mắt cá chân ra, nộp cho viên đại tá. Ông ta chăm chú nhìn thứ da Đức.
“Cậu mang thứ này trên người cả đêm à? Không ai lục soát cậu sao?” Ông ta buột ra một tiếng rủa khẽ, mệt mỏi vì lỗi kém cỏi đó. “Thảo nào bọn ta đang thua cuộc chiến.” Ông ta rút lưỡi dao ra và săm soi dòng chữ. “MÁU VÀ DANH DỰ. Ha. Cầu Chúa thông vào đít lũ con hoang này. Cậu biết sử dụng nó chứ?”
“Gì ạ?”
“Con dao. Rạch,” ông ta vừa nói vừa rạch không khí bằng lưỡi thép, “thì tốt hơn là đâm. Khó chặn hơn. Nhắm vào cổ họng ấy, và nếu cách đó không ăn thua, hãy nhằm vào mắt hoặc vào bụng. Đùi cũng tốt, ở đùi có những tĩnh mạch lớn.” Tất cả lời chỉ dẫn này đi kèm với hành động thị phạm hùng hồn. “Và đừng bao giờ dừng lại,” ông ta vừa nói vừa nhảy sát lại gần hơn, lưỡi thép loang loáng, “đừng bao giờ nương tay; giữ cho lưỡi dao chuyển động không ngừng, giữ đối phương ở thế thủ.”
Ông ta đút lưỡi dao vào bao và lẳng nó cho ta.
“Giữ đi. Cậu sẽ cần nó đấy.”
Ta đưa mắt nhìn Kolya, anh ta nhún vai. Toàn bộ chuyện này quá đỗi lạ lùng khó hiểu nên chẳng hơi đâu căng thẳng đầu óc, cố xác định xem bọn ta đang đứng ở đâu. Ta quỳ xuống một bên gối và gài lại con dao vào mắt cá chân.
Viên đại tá đã đi ra chỗ những cánh cửa sổ kiểu Pháp, ngắm nhìn những bông tuyết của ngày hôm trước đang thổi qua dòng Neva đóng băng.
“Bố cậu là một nhà thơ.”
“Vâng ạ,” ta thừa nhận, đứng thẳng người và nhìn vào sau đầu viên đại tá. Suốt bốn năm rồi không một ai ngoài gia đình ta nhắc đến cha ta. Ta muốn nói là theo đúng nghĩa đen. Không lời nào.
“Ông ấy viết được đấy. Chuyện xảy ra thật… không may.”
Ta có thể nói gì được chứ? Ta chằm chằm nhìn ủng mình và biết rằng Kolya đang nheo mắt nhìn ta, cố xác định nhà thơ không may nào đã đẻ ra ta.
“Hôm nay cả hai cậu đều chưa ăn gì,” viên đại tá nói, không hỏi han một câu. “Trà đen và bánh mì nướng, nghe thế nào? Biết đâu chúng ta tìm được chút xúp cá ở đâu đó. Borya!”
Một tay sĩ quan hầu cận bước vào phòng nắng, cây bút chì gài sau vành tai.
“Lấy cho những anh chàng này chút đồ ăn sáng.”
Borya gật đầu và biến đi nhanh y như lúc xuất hiện.
Xúp cá. Ta đã không được ăn xúp cá kể từ mùa hè. Ý nghĩ về nó thật hoang dại và đầy chất ngoại lai, giống như một cô nàng khỏa thân trên một hòn đảo ở Thái Bình Dương.
“Lại đằng này,” viên đại tá nói. Ông ta mở một cánh cửa kiểu Pháp và bước ra ngoài trời lạnh. Kolya và ta đi theo ông ta dọc một lối đi rải sỏi dẫn qua khu vườn xác xơ vì sương giá, xuống tới bờ sông.
Một cô gái mặc áo khoác lông cáo đang trượt băng trên sông Neva. Trong một mùa đông bình thường thì cháu sẽ thấy hàng trăm cô gái trượt băng vào một buổi chiều cuối tuần, nhưng đây không phải là một mùa đông bình thường. Băng rất cứng và đã như thế mấy tuần rồi, nhưng còn hơi sức đâu cho những vòng số tám? Đứng trên lớp bùn đóng băng ở mép sông, Kolya và ta chăm chú nhìn cô ta theo cách mà cháu vẫn nhìn con khỉ đi xe đạp một bánh trên đường phố. Cô ta xinh đẹp đến quái đản, mái tóc sẫm màu của cô ta rẽ ngôi ở giữa và buộc lại thành một búi lỏng, đôi gò mà bị gió táp ửng hồng lên đầy đặn và khỏe khoắn. Ta phải mất mấy giây mới nhận ra tại sao nhìn cô ta lại lạ lùng như thế, và rồi thì điều đó thật hiển nhiên - ngay từ xa người ta cũng có thể thấy là cô gái được ăn uống rất tử tế. Mặt cô ta không có gì tê tái tuyệt vọng. Cô ta có cái vẻ uyển chuyển tự nhiên của một vận động viên; các động tác xoay tròn của cô ta rất nhanh gọn; cô ta không lúc nào bị hụt hơi. Cặp đùi của cô ta ắt hẳn phải tuyệt lắm - dài, trắng và khỏe khoắn - và ta cảm thấy thằng nhỏ của mình cứng ngắc lên lần đầu tiên sau nhiều ngày.
“Thứ Sáu tới con bé sẽ lấy chồng,” viên đại tá nói. “Nó lấy một cái đồ bị thịt, ta phải nói thế, nhưng tốt thôi. Thằng đó có thể chu cấp được cho con bé.”
“Đó là con gái ông à?” Kolya hỏi.
Viên đại tá nhăn nhở cười, hàm răng trắng của ông ta chẻ cái mặt hầm hố ra làm đôi.
“Các cậu không nghĩ là con bé trông giống ta sao? Không, không, điểm này thì may cho nó thật. Nó có khuôn mặt của mẹ và khí chất của cha con bé này sẽ chinh phục thế giới.”
Chỉ đến lúc đó ta mới nhận ra hàm răng của viên đại tá là giả, có vẻ như có một cái cầu trùm lấy toàn bộ hàm trên. Và ta biết, đột nhiên nhưng chắc chắn, là người đàn ông này từng bị tra tấn cho đến khi chảy máu mắt, cho đến khi ông ta tiểu tiện ra máu và đại tiện ra máu.
Nhưng dù sao viên đại tá cũng sống sót, và nhìn ông ta thì ta chợt băn khoăn không hiểu ông ta có thấy lạ lùng không khi mà ông ta đã ở gần hàm cá mập đến thế mà vẫn bằng cách nào đó vùng vẫy tìm được đường vào bờ, rằng ông ta, kẻ đã từng chờ đợi lòng nhân từ của một người khác, lúc này lại có thể tự mình quyết định có ban phát điều đó hay không. Ngay lúc này ông ta chẳng có vẻ gì là trăn trở; ông ta nhìn cô con gái trượt băng, ông ta vỗ hai bàn tay giập đốt khi cô ta xoay tròn.
“Thế đấy, thứ Sáu này là đám cưới. Ngay cả giữa lúc này, ngay cả giữa tất cả chuyện này,” viên đại tá vừa nói vừa ra hiệu bằng hai bàn tay ý nói Leningrad, nạn đói, cuộc chiến, “nó vẫn muốn một đám cưới thực sự, một đám cưới đâu ra đấy. Cũng tốt thôi, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, chúng ta đang chiến đấu với lũ dã man nhưng chúng ta vẫn phải là con người, người Nga. Vậy nên chúng ta sẽ có nhạc, khiêu vũ… một ổ bánh.”
Ông ta lần lượt nhìn từng người bọn ta như thể có gì đó trọng đại liên quan đến cái từ ổ bánh và ông ta cần cả hai bọn ta hiểu rõ.
“Truyền thống là thế rồi, vợ ta bảo, chúng ta cần một chiếc bánh. Đám cưới mà không có bánh thì sẽ là điềm gở kinh khủng. Thế này nhé, ta đã đấu tranh cả đời mình chống lại những điều mê tín nông dân ấy, đám cha cố dùng chúng để làm cho người dân ngu đần và sợ hãi thôi, nhưng bà vợ ta… bà ấy muốn có bánh. Tốt thôi, tốt thôi, thì cứ làm bánh đi. Mấy tháng rồi bà ấy tích trữ đường, mật ong, bột mì, tất tần tật.”
Ta suy nghĩ về điều này, những túi đường, những lọ mật ong, chỗ bột mì chắc hẳn phải là bột mì thực thụ chứ không phải thứ đồ mốc vớt vét từ một cái sà lan dính ngư lôi. Cả nửa khu Kirov có khi cũng sống sót được hai tuần chỉ nhờ chỗ bột nhão của bà ta.
“Bà ấy có tất cả mọi thứ mình cần rồi, tất cả - chỉ trừ có trứng.” Đến đây lại là vẻ trịnh trọng. “Trứng,” viên đại tá nói, “thì khó tìm lắm.”
Suốt mấy giây liền tất cả bọn ta đứng lặng thinh, nhìn cô con gái của viên đại tá xoay vòng.
“Có khi hạm đội có một ít đấy,” Kolya nói.
“Không. Họ không có.”
“Họ có thịt bò đóng hộp mà. Tôi đã đổi một bộ bài lấy ít thịt bò đóng hộp của một tay thủy thủ…”
“Họ không có trứng.”
Ta không nghĩ là mình ngu, nhưng phải mất một lúc thật lâu ta mới hiểu ra điều viên đại tá đang yêu cầu, và mất nhiều thời gian hơn nữa để lấy đủ can đảm hỏi ông ta.
“Bác muốn bọn cháu đi tìm trứng ạ?”
“Một tá,” ông ta nói. “Bà ấy chỉ cần mười quả, nhưng ta tính, một quả có thể bị vỡ, một đôi quả có thể bị ung.” Ông ta nhận ra vẻ bối rối của bọn ta và ông ta lại nở cái nụ cười kỳ diệu của mình, bóp vai bọn ta đủ mạnh để khiến ta đứng thẳng hơn. “Lính của ta bảo là ở Leningrad không có quả trứng nào, nhưng ta tin rằng ở Leningrad cái gì cũng có, ngay cả bây giờ, và ta chỉ cần cử đúng người đi tìm thôi. Một cặp trộm cắp.”
“Chúng tôi không phải kẻ trộm cắp,” Kolya nói, rất đoan chính, nhìn thẳng vào mắt viên đại tá. Ta muốn đấm anh ta. Đằng thằng thì lẽ ra bọn ta đã chết cứng còng queo, bị chất lên một chiếc xe trượt tuyết cùng đám xác chết còn lại của ngày hôm đó. Bọn ta đã được phóng thích. Mạng sống của bọn ta được trả lại để đổi lấy một nhiệm vụ đơn giản. Một nhiệm vụ lạ lùng, có thể là thế, nhưng cũng đơn giản không kém. Vậy mà giờ đây anh ta sắp sửa phá hỏng nó - anh ta đang nài xin viên đạn cho mình, bản thân điều đó đã tệ rồi, anh ta lại còn nài xin cả viên đạn cho ta, như thế thì càng tệ hơn.
“Các cậu không phải lũ kẻ cắp ấy à? Cậu đã rời bỏ đơn vị của mình - không, không, ngậm mồm, đừng có nói gì cả. Cậu đã bỏ đơn vị của mình và giây phút cậu làm điều đó thì cậu đã từ bỏ những quyền của mình trên cương vị một người chiến sĩ - quyền được mang súng, được mặc cái áo khoác kia, đôi ủng đó. Cậu là một tên ăn cắp. Còn cậu, Mũi To, cậu hôi đồ của một cái xác. Đó là xác một tên Đức nên cá nhân mà nói thì ta không lấy thế làm phật lòng lắm, nhưng hôi của cũng là ăn cắp. Đừng có giở trò nữa. Cả hai cậu là bọn kẻ cắp. Những tên kẻ cắp kém cỏi, đúng thế, những tên kẻ cấp bất tài, chắc chắn rồi, nhưng các cậu gặp may. Trộm mà giỏi thì đã không bị bắt.”
Ông ta quay người và bước trở lại về phía ngôi nhà. Kolya và ta nấn ná lại, ngắm nhìn cô con gái của đại tá, chiếc áo khoác lông cáo của cô ta lấp loáng trong ánh nắng. Đến lúc này chắc hẳn cô ta đã nhìn thấy bọn ta, nhưng cô ta không hề thừa nhận bọn ta, không lúc nào liếc về phía bọn ta. Bọn ta chỉ là hai trong số những kẻ ong ve của bố cô ta và vì thế nên hoàn toàn chán chết. Bọn ta cố ngắm lấy ngắm để cô ả, cố gắng khắc sâu hình ảnh đó vào tâm trí mình để dùng đến sau này, cho đến khi viên đại tá quát lên với bọn ta và bọn ta vội vàng chạy theo ông ta.
“Các cậu có sổ tem phiếu đấy chứ?” ông ta vừa hỏi vừa sải những bước dài, màn giải lao của ông ta đã chấm dứt, lại bắt đầu sẵn sàng cho một ngày dài làm việc. “Nộp lại đây.”
Ta ghim chặt sổ của mình ở túi trong áo khoác. Ta tháo ghim và thấy Kolya lấy sổ của anh ta ra từ chiếc tất gấp lại. Viên đại tá lấy chúng từ tay bọn ta.
“Mang trứng cho ta trước sáng thứ Năm, các cậu sẽ được nhận lại chúng. Còn không thì, hừm, các cậu có cả tháng Một để ăn tuyết, và cũng sẽ chẳng có tem phiếu nào chờ đợi các cậu vào tháng Hai cả. Đấy là giả sử người của ta không tìm thấy các cậu và giết các cậu trước lúc đó, mà người của ta thì rất giỏi việc đó.”
“Họ không tìm được trứng còn gì,” Kolya nói.
Viên đại tá mỉm cười. “Ta thích cậu, chàng trai. Cậu sẽ không sống thọ đâu, nhưng ta thích cậu.”
Bọn ta bước vào trong phòng nắng. Viên đại tá ngồi xuống bàn làm việc và chằm chằm nhìn chiếc điện thoại màu đen. Ông ta nhướng mày, nhớ ra điều gì đó, mở ngăn kéo bàn, và lấy ra một bức thư gấp lại. Ông ta chìa nó ra cho Kolya.
“Đây là một tờ lệnh miễn giới nghiêm cho hai cậu. Bất kỳ ai gây khó dễ gì cho các cậu, hãy cho họ xem cái đó, các cậu sẽ được đi ngay. Còn đây, cái này nữa…”
Ông ta rút trong ví ra bốn tờ 100 rúp và đưa cho Kolya, anh ta liếc nhìn bức thư cùng mấy tờ rúp rồi nhét vào túi.
“Với chỗ đó lẽ ra ta đã mua được cả nghìn quả trứng hồi tháng Sáu,” tay đại tá nói.
“Và sẽ lại như thế vào tháng Sáu tới,” Kolya nói. “Bọn Đức không qua được mùa đông đâu.”
“Với những người lính như cậu,” đại tá nói, “chẳng mấy chốc nữa chúng ta sẽ phải mua trứng bằng những đồng mark Đức cho xem.”
Kolya há miệng định biện hộ, nhưng viên đại tá đã lắc đầu.
“Các cậu hiểu đây là một món quà chứ hả? Các cậu mang cho ta một tá trứng trước thứ Năm, ta trả lại cuộc sống cho các cậu. Các cậu hiểu sự hiếm hoi của món quà này chứ?”
“Hôm nay là thứ mấy?”
“Hôm nay là thứ Bảy. Cậu đào ngũ khỏi đơn vị vào một ngày thứ Sáu. Khi mặt trời mọc sáng ngày mai thì là Chủ nhật. Từ chỗ này trở đi thì cậu xác định được ngày tháng chứ? Được à? Tốt.”
Borya quay lại mang theo bốn lát bánh mì nướng trên một chiếc đĩa xanh. Bánh mì đã được phết thứ gì đó bong bóng, có lẽ là mỡ lợn, bóng loáng và nhờn mỡ ngon lành. Một sĩ quan hầu cận khác bước vào phòng sau anh ta, bưng hai tách trà bốc khói. Ta chờ tay sĩ quan hầu cận thứ ba mang những bát xúp cá vào, nhưng chẳng bao giờ thấy anh ta.
“Ăn nhanh lên, các chàng trai,” đại tá nói. “Các cậu phải cuốc bộ nhiều ra trò đấy.”