Người du kích đang gác đánh thức bọn ta dậy trước giữa trưa, lao rầm vào qua cửa lều, cố giữ thấp giọng mặc dù đang hoảng sợ.
“Chúng đang đến đấy,” anh ta nói. Bọn ta đứng bật dậy trước khi anh ta kịp thốt xong câu thứ hai, vơ lấy đồ đạc của mình, tỉnh ngủ ngay lập tức trước thông tin về mối nguy hiểm thực sự. Bọn ta đã để nguyên giày ủng đi ngủ nên sẵn sàng để lên đường. “Nhìn như thể nguyên cả đại đội. Với cả tù binh.”
Korsakov quàng dây súng trường qua vai. “Bộ binh à?”
“Không thấy xe bọc thép nào.”
Ba mươi giây sau bọn ta lách qua cánh cửa xập xệ ra ngoài ánh mặt trời gay gắt. Lúc ở trong căn lều không cửa sổ tối như một hầm mộ nên giờ ta chỉ có thể he hé mắt trong cái nắng gắt buổi trưa. Bọn ta đi theo Korsakov và mệnh lệnh không nói thành lời thật đơn giản: chạy.
Bọn ta không có chút cơ may nào. Người cuối cùng còn chưa kịp ra khỏi lều ta đã nghe thấy những giọng Đức quát tháo. Ta trở nên giống như một con thú, chẳng có suy nghĩ gì trong đầu, không gì hết ngoài nỗi sợ hãi thôi thúc ta. Không khí đã trở nên ấm hơn thành ra tuyết thì nặng nề và ướt nhoét, túm giữ lấy ủng của ta, hút ta xuống.
Năm ta chín tuổi, một phái đoàn Pháp nổi tiếng đến thăm Piter nên đường phố được trang hoàng. Những người công nhân môi phì phèo điếu thuốc đổ nhựa đường mới lên mặt phố Voinova và là phẳng nó bằng những chiếc bàn xoa cán dài, làm con phố của ta trông giống như một đại lộ bằng sô cô la nóng chảy. Ta đã xem suốt cả buổi sáng cùng cặp sinh đôi nhà Antokolsky, ngay trước những cánh cổng của Kirov. Ta không nhớ được điều gì đã làm nảy nở quyết định tập thể của bọn ta. Không nói năng gì, thậm chí còn không liếc nhìn nhau lấy một cái, bọn ta tháo giày, lẳng chúng vào trong sân, rồi chạy băng qua phố. Bọn ta có thể đã bị bỏng rụng hết gan bàn chân, nhưng bọn ta không quan tâm; bọn ta để lại dấu chân của mình trên mặt đường mềm và chạy một mạch cho đến khi sang được bên kia đường, trong lúc những người công nhân nguyền rủa và vung bàn xoa về phía bọn ta, chẳng bận tâm đuổi theo bọn ta, vì biết sẽ không thể nào bắt được.
Tối hôm đó mẹ ta mất cả tiếng đồng hồ để cọ sạch hai bàn chân của ta, giận dữ kỳ chúng bằng xà phòng và đá bọt. Cha ta đứng bên cửa sổ, hai tay chắp sau lưng, cố nín cười khi ông nhìn xuống phố Voinova. Dưới ánh đèn mặt đường bóng loáng và hoàn hảo, ngoại trừ ba cặp dấu chân nhỏ cày trên bề mặt như những dấu chân mòng biển trên cát ướt.
Chạy băng qua nhựa đường đang khô không hề giống chạy qua tuyết đang tan; ta không biết tại sao những ký ức đó lại song hành bên nhau, nhưng chúng cứ như thế.
Những tiếng súng vang vọng qua rừng cây linh sam. Một phát rít qua, đanh và gần đến nỗi ta sờ bên đầu để xem mình có bị trúng đạn không. Ta thấy người đàn ông trước mặt mình đổ gục xuống đất và qua cách ngã ta có thể thấy rằng anh ta sẽ không bao giờ đứng dậy nữa. Ta không thể nào chạy nhanh hơn được và ta cũng không thể nào sợ hãi hơn được nữa; nhìn cảnh người đàn ông đó ngã xuống cũng chẳng thay đổi điều gì trong ta. Tại khoảnh khắc đó ta không còn là Lev Abramovich Beniov nữa. Ta không có một người mẹ còn sống ở Vyazma hay một người cha đã mất trong một nấm đất vô danh nào đó. Ta không còn là hậu duệ của những học giả Torah mũ đen bên đằng nội hoặc những nhà tiểu tư sản Moscow bên đằng ngoại nữa. Nếu một tên Đức mà túm cổ được ta lúc đó, lay người ta và tra hỏi tên ta bằng tiếng Nga rất sõi đi nữa thì ta cũng chẳng thể nào trả lời được hắn, chẳng thể nào lắp bắp được nổi một câu xin tha mạng.
Ta nhìn thấy Korsakov quay người để bắn vào những kẻ đang truy đuổi bọn ta. Trước khi anh ta kịp nổ súng, một viên đạn đã tiện phăng cằm dưới của anh ta ra khỏi hộp sọ. Anh ta hấp háy, đôi mắt vẫn còn tỉnh táo cho dù một nửa khuôn mặt đã biến mất. Ta chạy qua anh ta, phi lên một hẻm núi dốc đứng và lao bổ xuống phía bên kia, nơi một con suối đã thành hình trong một khe hẹp, nước tuyết tan chảy róc rách luồn lách qua những hòn đá lông chông và cành cây gãy rụng.
Đi theo một bản năng mơ hồ nào đó, ta ngoặt khỏi hướng chạy của mình để lần theo dòng suối, chạy xuống dưới đồi dọc theo những tảng đá trơn trượt, lúc này thì nhanh hơn vì ta đã thoát khỏi mặt tuyết. Cơ thể ta chờ đợi viên đạn không thể nào tránh khỏi, chờ cái đinh chốt đường ray cắm ngập giữa hai xương bả vai, giáng ta ngã dập mặt vào làn nước lạnh. Bất chấp tất cả, ta nhanh nhẹn một cách lạ thường, hai bàn chân ta lựa chọn bước chạy tiếp theo mà không cần tham vấn bộ não, ủng ta đạp tung tóe mặt nước buốt giá, không hề loạng choạng.
Ta không biết mình đã chạy được bao lâu hoặc bao xa, nhưng cuối cùng ta phải dừng lại. Ta chúi xuống sau thân một cây thông rụng lá cổ thụ, cành của nó rủ xuống trĩu nặng vì tuyết đang tan, và ngồi trong bóng khuất cố thở cho ra hơi. Chân ta cứ run lên bần bật ngay cả sau khi ta đã ấn hai bàn tay đi găng lên đùi để chúng bình tĩnh lại. Khi phổi đã hết đau, ta nhòm quanh thân cây và ngước lên đỉnh đồi.
Ba người đang đi về hướng của ta, súng trường trên tay, bước khoan thai có chủ ý. Không ai trong số họ mặc quân phục Đức. Người đàn ông gần nhất mặc bộ đồ màu trắng mùa đông của lính trượt tuyết, và ta nhận ra đó chính là người du kích mà ta đã nhìn thấy khi anh ta mút cái nhẫn cưới ra khỏi ngón tay của một người chết. Markov, những người khác gọi anh ta thế. Ta yêu anh ta tại khoảnh khắc ấy, yêu cái mặt đỏ bè bè của anh ta, cặp mắt sâu hoắm mới đêm trước đó còn đằng đằng sát khí.
Sau anh ta là Kolya và ta cười phá lên khi nhìn thấy anh ta. Ta đã gặp anh ta vào tối thứ Sáu và mãi đến thứ Hai vẫn còn không ưa anh ta, vậy mà giờ đây, chiều thứ Ba, thấy anh ta còn sống, ta muốn khóc òa vì sung sướng. Anh ta đã đánh rơi mất cái mũ Astrakhan trong lúc chạy và mái tóc vàng của anh ta phủ lòa xòa trước trán cho đến khi anh ta vuốt nó ra sau. Anh ta ngoảnh lại để nói gì đó với người đàn ông bên cạnh, vừa nói vừa nhăn nhở cười, và ta biết anh ta tưởng mình đang pha trò hay ho lắm.
Người đàn ông bên cạnh anh ta hóa ra lại chính là Vika. Không giống như Kolya, cô vẫn giữ được cái mũ lông của mình; nó được kéo sụp xuống lông mày cô và thậm chí từ xa ta vẫn có thể thấy đôi mắt xanh chó sói của cô đang đảo ngay dưới viền mũ lông thỏ. Điều Kolya nói không làm cô thấy buồn cười. Cô thậm chí còn chẳng có vẻ gì là lắng nghe. Cứ vài bước cô lại ngoảnh đầu kiểm tra xem có kẻ đuổi theo không.
Màn bỏ chạy của ta chắc không thể nào kéo dài lâu la gì cho lắm (hai mươi phút? hay mười?), nhưng thời gian ở trong căn lều bẫy thú dường như giống với ký ức ăn trộm từ một người xa lạ. Nỗi kinh hoàng thực thụ - niềm tin chắc chắn rằng cuộc đời mình sắp chấm dứt một cách tàn bạo đã xóa sạch mọi thứ trừ chính nó khỏi bộ não. Vì thế ngay cả khi nhìn thấy Kolya cùng Vika và Markov, cho dù đối với ta thì dường như thể ba khuôn mặt của họ là những khuôn mặt đẹp nhất trên khắp nước Nga, ta không thể gọi tên họ hoặc vẫy tay. Bóng tối bên dưới những cánh tay lòa xòa của cây thông rụng lá này là chốn an toàn của ta. Từ khi ta tới được đó chưa có gì tai họa xảy ra với ta. Bọn Đức chưa tìm được ta. Ta chưa hề nhìn thấy xương hàm của ai bị thổi bay khỏi mặt anh ta, chẳng để lại gì ngoài đôi mắt ngơ ngác trên đống bầy nhầy như từ sàn một hàng thịt. Ta không thể ra hiệu với Kolya, cho dù trong bốn ngày qua anh ta đã trở thành bạn thân nhất của ta.
Có lẽ ta đã khẽ chuyển tư thế hoặc run lẩy bẩy - chắc hẳn ta đã tạo ra tiếng động nhẹ nào đó vì Vika quay ngoắt về phía ta, báng khẩu súng trường của cô tì sát vào vai, mũi súng chĩa thẳng vào đầu ta. Ngay cả khi đó ta cũng không kịp thốt nên lời để cứu lấy mạng mình. Lẽ ra ta có thể gọi to tên cô ấy. Bất kỳ câu tiếng Nga nào cũng được.
Nhưng không hiểu sao, mặc dù ta ngồi sâu trong bóng tối, khuất khỏi tầm nhìn nhờ những cành cây phủ tuyết, Vika vẫn nhận ra mặt ta và để yên ngón tay trên cò.
“Đó là anh bạn nhỏ của anh,” cô bảo Kolya. “Có lẽ cậu ta bị thương.”
Kolya chạy lại chỗ ta, gạt những cành thông sang một bên, túm lấy ve áo choàng của ta và nghiêng cả người ta hết qua trái lại sang phải, lục tìm vết đạn bắn.
“Cậu có bị thương không?”
Ta lắc đầu.
“Vậy thì đi tiếp thôi.” Anh ta đỡ ta đứng lên. “Chúng ở ngay sau thôi.”
“Quá muộn rồi,” Vika nói. Cô và Markov đã đứng cùng bọn ta trong bóng khuất được che chắn và cô lấy nòng súng ra hiệu về phía đỉnh đồi.
Những tên Đức mặc áo choàng trắng đã hiện ra trên đỉnh đồi, cách chưa đầy hai trăm mét, súng lăm lăm sẵn sàng, vừa thận trọng tiến vừa lùng sục địa hình đề phòng mai phục. Mới đầu chỉ một vài tên, dò dẫm đường qua tuyết, nhưng mỗi lúc càng có nhiều tên hơn hiện ra trên đỉnh, cho đến khi triền đồi phía trên đông kín những kẻ muốn giết bọn ta.
Markov lấy ra một cặp ống nhòm dã chiến từ túi áo choàng. Anh ta quan sát bọn tiền trạm đang xuống đồi.
“Sư đoàn Gebirgsjäger Số Một,” anh ta thì thầm, chìa cái ống nhòm cho Vika. “Cô thấy phù hiệu hoa nhung tuyết chứ?”
Cô vừa gật đầu vừa huơ cặp ống nhòm.
Đi giữa những hàng lính mặc quân phục là một đám tù binh, đầu cúi xuống. Lính Hồng quân, quân phục bẩn thỉu, lê bước cạnh những dân thường ngây dại, đám này thì mặc bất kỳ thứ gì họ chụp được khi quân Đức càn vào làng mình. Một số kẻ khốn khổ ăn mặc phong phanh, chẳng có áo khoác hay găng tay mũ mão gì. Họ ì ạch bước qua tuyết, không lúc nào ngẩng nhìn lên hay nói năng gì, hướng thẳng về phía bọn ta.
“Nhìn như cả một đại đội đang tiến về phía này,” Markov nói, nhét ống nhòm vào túi và sửa soạn súng trường. “Thế quái nào lại xảy ra bây giờ nhỉ, đúng lúc tôi có đầy một túi vàng.”
Vika đặt một bàn tay lên cánh tay Markov. “Anh hăng hái làm liệt sĩ thế cơ à?”
Anh ta liếc nhìn cô, đầu ruồi thép khẩu súng trường của anh ta đã ngắm vào thằng Quốc xã gần nhất.
“Bắn bọn bộ binh,” cô nói, “chẳng để làm gì cả. Chúng ta săn bọn Einsatz cơ mà.”
Anh ta quắc mắt và đẩy tay cô ra như thể cô là một mụ đàn bà điên trên phố vừa tiến lại xin tiền.
“Chúng ta làm gì có cơ hội lựa chọn. Tôi thấy toàn là bọn đặc nhiệm sơn cước.”
“Bọn Einsatzgruppen A đi cùng Sư đoàn Gebirgsjäger số một. Anh biết thế mà. Abendroth chắc chắn phải ở quanh đây.”
Kolya và ta liếc nhìn nhau. Đêm qua bọn ta đã nghe thấy cái tên Abendroth lần đầu tiên; những âm tiết đó đã hàm chứa nỗi kinh hoàng. Ta không thể nào xua khỏi đầu hình ảnh Zoya đang quằn quại trên sàn nhà bên cạnh hai bàn chân bị cưa rời của cô. Bản thân hắn thì ta không thể hình dung ra, những cô gái không hề miêu tả hắn, nhưng ta tưởng tượng ra bàn tay hắn - vấy đầy máu, những móng tay tỉa giũa không chê vào đâu được khi hắn đặt lưỡi cưa lên mặt sàn gỗ của ngôi nhà nông trang.
“Kết thúc rồi,” Markov nói. “Không chạy đâu được nữa.”
“Tôi có nói tí gì đến chuyện chạy đâu. Chúng có hơn một trăm tù binh. Ta trà trộn vào với họ…”
“Cô trở nên mềm yếu rồi đấy à, đồ đĩ ngu ngốc? Cô tưởng cô bước ra đó giơ súng lên trời và bọn Đức sẽ để cô đầu hàng chắc?”
“Chúng ta không đầu hàng.” Cô bám một bàn tay đi găng quanh một cành cây rủ thấp, đu người lên, và chèn khẩu súng trường của mình vào khoảng trống giữa thân cây và cành. Nhảy xuống mặt đất, cô vỗ tuyết khỏi găng tay và ra hiệu cho Markov cũng giấu khẩu súng trường của anh ta đi.
“Chúng ta sẽ trà trộn vào cùng đám tù binh và chờ đến lúc. Chúng đã lục soát đám con chiên kia tìm vũ khí rồi. Anh có một khẩu súng ngắn giấu trong người đúng không? Đi nào, nhanh lên. Bỏ khẩu súng trường đi.”
“Có thể chúng sẽ lục soát họ lần nữa.”
“Không đâu.”
Những tên Đức gần nhất còn cách chưa đầy trăm mét, mũ trùm của chúng nịt chặt trên mũ lưỡi trai dã chiến. Markov chằm chằm nhìn chúng, những bộ mặt hồng hào của chúng là mục tiêu ngon ăn cho một xạ thủ lão luyện.
“Từ giờ đến lúc trời tối thế nào chúng chẳng giết hết nửa đám tù binh.”
“Vậy chúng ta sẽ ở trong nửa kia.”
Kolya mỉm cười gật đầu, hưởng ứng ý tưởng đó. Đó là kiểu ý đồ rồ dại mà chính anh ta cũng có thể đã nghĩ ra và ta không hề ngạc nhiên khi thấy anh ta hài lòng với nó.
“Đáng thử đấy,” anh ta thì thầm. “Nếu chúng ta trà trộn với cả đám kia thì vẫn có cơ hội. Còn nếu chúng phát hiện ra chúng ta thì được thôi, khi đó chúng ta tha hồ mà bắn giết. Kế hoạch hay đấy.”
“Có mà kế hoạch cứt ngựa,” Markov nói. “Làm sao chúng ta trà trộn được vào trong đó mà chúng không nhìn thấy?”
“Anh vẫn còn mấy quả lựu đạn, đúng không?” Vika hỏi.
Markov trừng trừng nhìn cô. Nhìn anh ta giống như một người đã ăn đấm vào mặt nhiều lần, mũi anh ta bẹt gí như mũi một võ sĩ quyền Anh, mất nguyên cả nửa hàm răng dưới. Cuối cùng, anh ta lắc đầu, quấn khẩu súng trường của mình vào gốc một cành cây gãy, rồi nhòm ra đội hình đang tiến đến.
“Cô đúng là một con rận mu, cô biết chứ?”
“Cởi bộ quần áo trắng của anh ra,” cô trả lời. “Nhìn anh như một tên lính trượt tuyết. Chúng sẽ nhận ra anh.”
Markov nhanh chóng cởi cúc bộ quần áo choàng, ngồi xuống tuyết, và tụt nó xuống qua ủng. Bên dưới bộ quần áo trắng anh ta mặc một cái áo gi lê thợ săn chần chỉ may bằng vải bố, mấy lớp áo len, và một cái quần bảo hộ loang lổ vết sơn. Anh ta rút ra quả lựu đạn chày từ trong một cái túi bạt, bóc một cái kíp nổ bằng điếu thuốc và cắm nó vào đầu quả lựu đạn.
“Chúng ta sẽ phải căn giờ cho thật chuẩn vào,” anh ta nói.
Bọn ta tụm quanh gốc thông đồ sộ, núp thấp người và nằm yên, cố nín thở khi những tên lính Đức đầu tiên đi qua cách chưa đầy hai mươi mét.
Không ai thèm bận tâm hỏi han ý kiến gì ta, cũng dễ hiểu thôi vì ta chưa hề mở miệng để đưa ra đề xuất gì hết. Ta chưa hề nói một tiếng nào kể từ lúc chạy ra khỏi cửa căn lều bẫy thú và giờ thì quá muộn rồi.
Ta chẳng thích bất kỳ kịch bản nào. Một vụ bắn giết cuối cùng có lẽ là ổn đối với một chiến sĩ du kích dạn dày như Markov, nhưng ta chưa sẵn sàng cho một nhiệm vụ tự sát. Đóng giả làm tù binh thì có vẻ như là một toan tính sai lầm quái đản - thời buổi này tù binh sống sót được bao lâu nào? Nếu có người hỏi, hẳn là ta đã thúc giục hoặc chạy tiếp, mặc dù ta không chắc liệu mình có thể chạy thêm được bao xa nữa, hoặc thử trèo lên cây và chờ đợi trong khi bọn Đức đi qua bên dưới bọn ta. Ẩn nấp giữa những cành cây có vẻ mỗi lúc lại càng là một ý tưởng tốt hơn khi chốt đuôi của đại đội Gebirgsjäger đi qua mà không phát hiện ra bọn ta.
Khi những hàng tù binh Nga đầu tiên lê bước qua cây của bọn ta, Vika gật đầu với Markov. Anh ta hít một hơi thật sâu, bước về phía rìa bóng râm của cây thông, và ném thật lực quả lựu đạn ra xa.
Từ vị trí chiến lược của mình ta không thể nói được là có tên Đức nào nhìn thấy quả lựu đạn bay trên đầu hay không nữa. Ta không nghe thấy tiếng la hét báo động nào. Quả lựu đạn rơi xuống đánh bịch một cái vào trong tuyết cách đó ba mươi mét. Trong vài giây ta đã chắc mẩm rằng hẳn đó là một quả lựu đạn xịt, cho tới khi nó nổ với lực mạnh đến nỗi tuyết đổ rào rào xuống bọn ta từ những cành thông bần bật.
Tất cả những người đang hành quân cùng đại đội, từ lính sơn cước cho đến tù binh, đều vừa thụp vội xuống vì choáng váng, vừa nhìn về phía bên trái chỗ có một cột tuyết khổng lồ vừa bắn tung lên không trung. Bọn ta lẻn ra khỏi bóng khuất của cây thông và bước không bị ai nhìn thấy về phía đoàn người Nga rách rưới trong lúc bọn sĩ quan Đức bắt đầu vừa quát tháo ra lệnh, vừa nhòm sâu vào trong khu rừng xa bằng những chiếc ống nhòm dã chiến của chúng, tìm kiếm xạ thủ bắn tỉa trên cây. Bọn ta ở rất gần những người đồng bào tù binh của mình: cách mười lăm mét, mười bốn, mười ba, vừa bước nhẹ, vừa cưỡng lại thôi thúc chạy vù nốt khoảng ngắn cuối cùng. Bọn Đức nghĩ chúng nhìn thấy chuyển động trong những bụi rậm phía xa; om sòm ầm ĩ la hét và ra lệnh, chỉ trỏ, bọn lính nằm thụp xuống, sẵn sàng nổ súng từ tư thế bò lăn.
Đến khi chúng nhận ra chẳng có kẻ thù nào bên phía trái thì bọn ta đã đột nhập xong từ bên phải. Một vài người tù binh nhận ra bọn ta trà trộn vào bọn họ. Họ không hề bộc lộ dấu hiệu gì của tình đồng chí hay chào đón cả. Họ chẳng có vẻ gì là ngạc nhiên khi thấy bốn người mới đến gia nhập vào hàng ngũ của mình; những tù binh, cả lính tráng cũng như dân thường, đều buông xuôi đến mức có thể họ nghĩ cũng là chuyện tự nhiên thôi khi những người Nga từ trong rừng hiện ra và bí mật đầu hàng quân thù.
Tất cả tù binh đều là nam giới, từ những thằng nhóc chưa mọc đủ răng và thò lò những vệt nước mũi đông cứng ở môi trên cho đến những ông già lưng còng râu bạc lởm chởm trên cằm. Vika đã kéo cái mũ lông thô của cô xuống thấp hơn nữa; trong bộ quần áo bảo hộ chẳng ra hình thù gì nhìn cô giống một thằng nhóc choai đến nỗi không một ai liếc nhìn cô đến hai lần.
Ít nhất hai trong số chiến sĩ Hồng quân không đi ủng, chỉ có những đôi tất len rách rưới để giữ ấm chân. Bọn Đức coi đôi ủng dạ lót nỉ của Liên Xô cấp phát là một chiến lợi phẩm lớn, ấm và bền hơn nhiều giày ủng của chúng. Những đôi tất len của mấy người lính chắc hẳn đã ướt sũng vì tuyết tan. Khi nhiệt độ tụt xuống và những chiếc tất đông cứng lại, hai người bọn họ sẽ phải cuốc bộ với những mảng băng trên chân. Ta tự hỏi họ còn đi được bao xa nữa, bao nhiêu cây số nữa, cảm giác tê cóng đang lan từ ngón chân lên cẳng chân rồi đến đầu gối họ. Mắt họ đờ dại và thảm hại như mắt những con ngựa thồ kéo xe trượt qua những đường phố phủ tuyết của Piter trước khi cạn thực phẩm và những con ngựa bị giết lấy thịt.
Bọn Đức trao đổi bằng thứ tiếng của chúng. Không tên nào trong số chúng bị thương nặng bởi mảnh văng, mặc dù một tên lính trẻ với một vết xước mảnh màu đỏ ngang mà đã tháo găng tay để có thể lấy ngón tay cái chấm máu và khoe nó với đồng bọn của mình, sung sướng với vết thương chiến tranh đầu tiên của hắn.
“Chúng tưởng đó là một quả mìn,” Kolya thì thào. Anh ta nheo mắt khi lắng nghe mệnh lệnh của bọn sĩ quan. “Chúng hẳn phải là người vùng Tyrol. Giọng khó nghe bỏ mẹ. Đúng rồi, chúng đang bảo đó là một quả mìn.”
Những mệnh lệnh từ đám sĩ quan được truyền đạt xuống bọn lính, lũ này ngoảnh lại đám tù binh đang nem nép chờ đợi và lấy súng trường ra hiệu tiếp tục lên đường.
“Khoan đã!” một gã người Nga gào lên, một gã dân thường mới đây khoảng ngoài bốn mươi đội một cái mũ bông chần, hai dải che tai buộc dưới cằm. “Người này là du kích!”
Hắn chỉ vào Markov. Tất cả mọi người trên triền đồi đều lặng câm.
“Hắn đến nhà tôi cách đây một tháng, ăn cấp tất cả khoai tây của tôi, tất tật thực phẩm ở đó, nói là chúng cần những thứ ấy để chiến đấu! Các ngài nghe thấy chứ? Hắn là một tên du kích! Hắn đã giết rất nhiều người Đức!”
Markov trừng trừng nhìn gã dân thường, đầu anh ta nghếch sang một bên như một con chó đang đánh nhau.
“Ngậm cái mõm mày lại,” anh ta nói, giữ thấp giọng, mặt anh ta đỏ bừng vì tức giận.
“Mày đừng hòng bảo tao phải làm gì được nữa! Mày đừng hòng bảo tao phải làm gì!” Một tên thiếu úy xông tới, theo sau là ba tên lính, chen qua đám đông tù binh đã vây lại xung quanh Markov và kẻ tố cáo anh ta.
“Chuyện gì đấy?” hắn gầm lên. Rõ ràng hắn là tên phiên dịch của đại đội, nói tiếng Nga với giọng Ukraine. Nhìn hắn như một người béo vừa mới mất sạch mỡ, cặp má phì phị của hắn xẹp lép, lớp da nặng chùng sụp ngang trên xương mặt hắn.
Tên chỉ điểm đứng đó với ngón tay đang chỉ, một đứa bé to xác với những cái dải che tai và cặp môi run rẩy, nói với tên thiếu úy nhưng không lúc nào rời mắt khỏi Markov.
“Hắn là một tên giết người, tên này này! Hắn đã giết người của các ngài!”
Kolya mở miệng định bảo vệ Markov, nhưng Vika thúc cùi chỏ nhọn vào bụng anh ta và Kolya lặng thinh. Ta có thể nhận ra tay anh ta thọc sâu vào túi áo khoác, sẵn sàng khẩu Tokarev trong trường hợp cần đến nó.
Markov lắc đầu, một nụ cười lạ lùng, xấu xí nở ra trên môi anh ta.
“Tao ỉa vào con mẹ mày.”
“Giờ thì trông mày không còn dũng cảm lắm nhỉ! Nhìn mày đâu còn rắn nữa! Phải rồi, mày chỉ rắn khi mày ăn cướp khoai tây của dân thường thôi, nhưng giờ thì mày là gì nào? Hử? Mày là gì nào?”
Markov gầm lên và rút phắt khẩu súng ngắn nhỏ từ túi gi lê săn của anh ta. Người kềnh càng như thế, nhưng anh ta rút súng với tốc độ của một tay đấu súng người Mỹ, nòng súng chĩa lên trong khi kẻ tố cáo anh ta loạng choạng lùi lại còn những người tù binh tụ tập xung quanh nhào túa ra để tránh.
Bọn Đức thậm chí còn nhanh hơn. Trước khi Markov kịp bóp cò, một tràng đạn tự động từ những khẩu MP40 của đám lính đã khoét một chùm lỗ chỗ xuyên qua vạt trước áo phao của anh ta. Anh ta lảo đảo, nhăn mặt như thể vừa quên mất một cái tên quan trọng, rồi ngã ngửa ra sau, nằm vật xuống tuyết mềm, những sợi lông vũ bắn tung lên từ lớp chần chỉ thủng hoác trên cái áo khoác của anh ta.
Tên chỉ điểm trừng trừng nhìn xuống xác Markov. Chắc hẳn hắn đã biết trước màn tố giác của mình sẽ dẫn đến điều gì, nhưng giờ đây khi đã xong thì hắn lại có vẻ choáng váng trước hậu quả. Tên thiếu úy nhìn lướt qua hắn, cố nghĩ xem nên thưởng hay trừng phạt tên này. Cuối cùng hắn nhặt lấy khẩu súng ngắn của Markov làm kỷ niệm và bước đi, bỏ lại tất cả mớ bung bét sau lưng. Những tên lính trẻ của hắn bước theo sau hắn, thoáng liếc nhìn xác của Markov, có lẽ là băn khoăn không biết ai trong số chúng mới thực là người đã bắn phát súng kết liễu anh ta.
Chẳng mấy chốc đại đội lại tiếp tục hành trình. Tuy nhiên đã có một sự thay đổi. Lúc này sáu người Nga bước đầu tiên, đi trước những tên Đức gần nhất mười mét, như những thiết bị phá mìn bằng người. Mỗi bước chân là một trải nghiệm khổ sở đối với họ, chờ đợi sợi dây gài mìn đứt tung, cái chốt lò xo bật mở. Chắc hẳn cảm giác muốn vùng bỏ chạy phải thôi thúc lắm, nhưng họ sẽ chẳng thể nào chạy nổi ba bước trước khi bọn lính găm họ xuống.
Không một ai bước gần kẻ tố giác Markov. Hắn là một kẻ nhiễm trùng, một kẻ mang mầm dịch hạch. Hắn lặng lẽ nói một mình, một cuộc cãi vã dài và không ai nghe được, mắt hắn đảo sang trái rồi sang phải như thể hắn chờ đợi sự trả thù.
Ta đi sau hắn cách hơn chục người, ì ạch lội qua nước bùn giữa Vika và Kolya. Nếu có người tù binh nào nói đủ to khiến bọn Đức nghe thấy, một tên lính sẽ nạt, “Halts Maul![23]” Chẳng ai cần đến phiên dịch để hiểu nội dung biểu cảm và người tù binh Nga bị nhắm đến sẽ vội vàng ngậm mồm lại, cúi thấp đầu xuống, và bước nhanh hơn một chút. Mặc dù vậy, ta vẫn có thể trò chuyện được nếu giữ giọng thật thấp và để mắt đến bọn lính gác.
“Tôi rất tiếc về người bạn của cô,” ta thì thào với Vika.
Cô tiếp tục bước đi mà không hề trả lời hay tỏ vẻ gì là cô đã nghe thấy ta. Ta nghĩ chắc mình vừa xúc phạm cô.
“Anh ấy có vẻ là một người tốt,” ta nói thêm. Cả hai câu đều cực kỳ sáo rỗng, cái kiểu cảm xúc lười nhác mà người ta có thể dùng ở đám tang một người bà con xa mình không thực sự quý mến gì. Ta không thể trách cô đã phớt lờ mình.
“Tốt gì,” cuối cùng cô nói. “Nhưng dù sao tôi cũng quý anh ta.”
“Tên phản bội đó đáng bị treo lên cây,” Kolya thì thầm, cúi thấp đầu xuống để giọng không vang xa. Anh ta gườm gườm nhìn vào gáy kẻ phản bội. “Tôi có thể bẻ gãy cổ hắn bằng tay không cũng được. Tôi biết phải làm như thế nào.”
“Mặc kệ đi,” Vika nói. “Hắn không đáng.”
“Hắn đáng với Markov đấy,” ta nói.
Vika liếc lên nhìn ta và mỉm cười. Đó không phải là nụ cười lạnh lùng của thú ăn thịt mà ta đã thấy lúc trước. Cô có vẻ ngỡ ngàng trước lời nhận xét của ta, như thể cô vừa mới nghe một gã da vàng mũi tẹt huýt sáo bản Für Elise không sai lấy một nốt.
“Phải, hắn đáng với Markov thật. Cậu là một kẻ kỳ lạ.”
“Tại sao?”
“Cậu ta là đồ tiểu yêu ma mãnh,” Kolya vừa nói vừa đấm một cú thân ái vào thận ta. “Nhưng cậu ta chơi cờ vua giỏi cực đấy.”
“Tại sao tôi lại là một kẻ kỳ lạ?”
“Markov không quan trọng,” cô nói. “Tôi không quan trọng. Cậu không quan trọng. Giành chiến thắng, đó mới là điều duy nhất quan trọng.”
“Không,” ta nói, “tôi không đồng ý. Markov quan trọng. Tôi và cả cô cũng vậy. Đó là lý do tại sao chúng ta phải thắng.”
Kolya nhướng mày, ấn tượng trước việc ta dám đương đầu với cô nàng cuồng tín bé nhỏ.
“Tôi mới là đặc biệt quan trọng,” anh ta tuyên bố. “Tôi đang viết cuốn tiểu thuyết vĩ đại của thế kỷ 20.”
“Hai người các anh phải lòng nhau đến nơi rồi,” cô nói. “Các anh biết chứ?”
Đám rước thê lương của những con người rệu rã đã trì lại trước mặt bọn ta, hàng chân bước đã đứng khựng lại, những người tù binh ngơ ngác cố tìm hiểu tại sao bọn ta lại không đi tiếp nữa. Một trong số những người lính Nga không đi ủng đã dừng bước. Những người khác cùng đơn vị bị bắt với anh nài nỉ anh đi tiếp, cả van xin và nguyền rủa. Anh lắc đầu, không hề nói năng một lời nào, hai chân cắm rễ vào trong tuyết. Một người bạn cố đẩy anh về phía trước, nhưng vô ích; anh đã chọn địa điểm của mình. Khi đám lính xô lại, vừa vẫy những khẩu tiểu liên vừa quát tháo bằng tiếng của chúng, những người lính Hồng quân miễn cưỡng lùi ra khỏi người đồng chí đến số của mình. Anh mỉm cười với bọn Đức và giơ một tay lên chào kiểu Quốc xã đầy chế nhạo. Ta ngoảnh mặt đi vừa đúng lúc.