Tuyến đường sắt Moscow vừa mới bị cắt đứt chỉ bốn tháng trước, nhưng những thanh ray đã bắt đầu han gỉ. Phần lớn các thanh tà vẹt đã bị bới dưới đất lên và mang ra chẻ làm củi, mặc dù chúng đã tẩm đầy dầu creosote và rất nguy hiểm khi mang đốt. Kolya bước trên một thanh ray, một vận động viên thể dục dụng cụ trên cầu thăng bằng, hai tay dang ngang. Ta lê bước theo sau anh ta, ở giữa đường sắt, không muốn tham gia trò chơi của anh ta, một phần vì ta tức giận anh ta, một phần vì ta biết mình sẽ thua. Những đường ray chạy về phía Đông qua những khối nhà chung cư bằng gạch đỏ và những cửa hàng bách hóa tổng hợp ba tầng, qua các bãi đỗ xe điện Kotlyarov, qua cả các nhà máy bỏ hoang từng sản xuất những thứ mà không ai có khả năng hoặc điều kiện mà dùng đến trong thời chiến tranh. Một tốp phụ nữ trẻ mặc áo bảo hộ bên dưới áo khoác mùa đông, dưới sự giám sát của một sĩ quan công binh, lao động để biến một tòa nhà bưu điện thành công trình phòng thủ. Góc của tòa nhà cổ vững chãi đã bị phá bỏ để lấy chỗ cho một ụ súng máy. “Em kia người ngon nhể,” Kolya vừa nói vừa chỉ một phụ nữ đội khăn trùm đầu xanh đang lôi những bao cát trên xe tải xuống.
“Làm sao mà anh biết?”
Đó thật là một tuyên bố lố bịch. Người phụ nữ ở cách xa ít nhất cả năm mươi mét; áo khoác của cô ta nhồi chật căng và bên dưới cô ta còn mặc thêm vài lớp áo nữa.
“Tôi biết chứ. Cô ta có dáng người của một vũ công.”
“À”
“Đừng có giở cái à của cậu ra với tôi. Tôi biết các vũ công ba lê chứ. Tin tôi đi. Thế nào cũng có đêm tôi đưa cậu đến Nhà hát Mariinsky, đưa cậu ra hậu trường. Phải nói là tôi có tên tuổi đấy.”
“Không lúc nào anh ngậm được mồm về cái tên tuổi của anh là sao.”
“Có rất ít thứ trên đời này làm tôi sung sướng hơn là cặp đùi của một vũ công ba lê. Galina Ulanova…”
“Ôi, thôi đi.”
“Gì chứ? Cô ấy là một báu vật quốc gia. Cặp chân của cô ấy lẽ ra phải được tạc tượng đồng.”
“Anh chưa bao giờ ngủ với Galina Ulanova hết.”
Anh ta nở với ta một nụ cười khẽ, ra điều bí mật, nụ cười nói lên rằng anh ta biết nhiều chuyện nhưng không thể nào chia sẻ tất cả cùng một lúc.
“Tôi tàn nhẫn thật,” anh ta thừa nhận. “Đi nói với cậu những chuyện kiểu này… đúng là tàn bạo vô cùng. Giống như nói về họa sĩ Velazquez với một người mù vậy. Chúng ta hãy đổi chủ đề đi.”
“Anh không muốn nói về những vũ công ba lê mà anh không được ngủ cùng suốt ba mươi chín cây số tới à?”
“Ba thằng nhóc mò vào một nông trại ăn trộm gà,” anh ta bắt đầu cái giọng kể chuyện cười của mình. Anh ta dùng một giọng khác để kể chuyện cười, mặc dù ta không thể phân biệt nổi đó phải là giọng gì hoặc tại sao anh ta nghĩ nó làm câu chuyện trở nên buồn cười hơn. “Người nông dân nghe thấy tiếng chúng và chạy tới căn nhà chính. Thế là mấy thằng nhóc nhảy vào ba bao khoai tây để trốn.”
“Chuyện có dài không vậy?”
“Người nông dân đá cái bao thứ nhất và thằng nhóc bên trong kêu, ‘Meo!’ giả vờ là một con mèo.”
“Ồ, vậy ra nó giả vờ là một con mèo à?”
“Tôi vừa mới nói còn gì,” Kolya vừa nói vừa ngoảnh lại nhìn xem ta có định gây chuyện không.
“Tôi biết nó giả vờ là một con mèo rồi. Một khi nó đã kêu ‘Meo’ thì hiển nhiên là nó đang giả vờ là một con mèo còn gì.”
“Cậu lại đang sưng sỉa vì tôi ngủ với Sonya đấy à? Cậu yêu cô ấy phải không? Thế chẳng phải cậu đã vui vẻ với thằng cha tên gì ấy nhỉ? Tay bác sĩ ấy? Nhìn các cậu quặp lấy nhau cạnh lò sưởi trông ngộ ra phết.”
“Mà cái giọng anh đang giở ra là thế nào vậy? Bắt chước ra vẻ giọng Ukraine đấy à?”
“Giọng nào?”
“Lần nào kể chuyện cười anh chẳng dùng một cái giọng ngu xuẩn!”
“Nghe này, Lev, chú sư tử bé của tôi, tôi xin lỗi. Tôi biết thật chẳng dễ dàng gì cho cậu, nằm đó cả đêm, tay cầm khúc thịt, lắng nghe nỗi sung sướng của cô ấy…”
“Kể nốt câu chuyện nhạt thếch của anh đi.”
“… nhưng tôi hứa với cậu, trước khi cậu tròn mười tám tuổi - Sinh nhật cậu là bao giờ ấy nhỉ?”
“Ôi, câm đi cho.”
“Tôi sẽ kiếm cho cậu một cô nàng. Phớt lờ có tính toán! Đừng quên đấy.”
Suốt quãng thời gian đó anh ta vẫn tiếp tục bước trên thanh ray thép, chân nọ nối bước chân kia, không lúc nào mất thăng bằng, không lúc nào nhìn xuống, đi còn nhanh hơn cả ta bước đi theo cách bình thường.
“Tôi kể đến đâu rồi ấy nhỉ? À, người nông dân, ông ta đá cái bao thứ nhất, ‘Meo,’ và cứ thế. Ông ta đá cái bao thứ hai, và thằng nhóc bên trong kêu, ‘Âu âu!’ Giả vờ là…”
Kolya chỉ tay để ta nói nốt câu.
“Một con bò.”
“Một con chó. Khi ông ta đá cái bao thứ ba, thằng nhóc bên trong kêu, ‘Khoai tây!’”
Bọn ta bước đi trong im lặng.
“Ừm,” cuối cùng Kolya lên tiếng, “những người khác thấy buồn cười lắm mà.”
Ở ngoại ô thành phố, các tòa chung cư không còn xếp chồng đống lên nhau nữa. Bê tông và gạch lúc này bị cắt rời bởi những dải đầm lầy đóng băng và các lô đất phủ đầy tuyết, nơi mà trước chiến tranh lẽ ra những tòa nhà tương lai sẽ mọc lên nhưng giờ thì tất cả đã ngừng xây dựng. Càng đi xa khỏi trung tâm thành phố, bọn ta càng ít gặp dân thường. Những chiếc xe quân sự quấn xích ở bánh ầm ầm chạy qua, những người lính mệt mỏi trong thùng xe nhìn bọn ta với vẻ thờ ơ khi họ tiến ra mặt trận.
“Cậu có biết tại sao nó lại được gọi là Mga không?” Kolya hỏi.
“Viết tắt tên ai à?”
“Maria Gregorevna Apraksin. Một nhân vật trong Con chó săn trong sân được xây dựng dựa theo bà ấy. Hậu duệ của một dòng họ lâu đời toàn những đại nguyên soái, lũ biển thủ, và bọn nịnh thần trong triều đình. Bà ta tin rằng người chồng đang tìm cách giết bà ta để lấy em gái bà.”
“Có đúng thế không?”
“Lúc đầu thì không. Bà ta hoàn toàn bị hoang tưởng. Nhưng không lúc nào bà ta ngậm mồm lại về chuyện đó và thế là ông ta bắt đầu phải lòng người em vợ. Và ông ta nhận ra rằng cuộc đời sẽ thật sự đẹp hơn khi bà vợ không còn lảng vảng nữa. Vì vậy ông ta đến gặp Radchenko để xin lời khuyên nhưng ông ta không hề biết rằng Radchenko đã xơi cô em gái suốt mấy năm nay.”
“Ông ta còn viết gì nữa?”
“Hử?”
“Ushakovo ấy,” ta nói. “Ông ta còn viết những cuốn sách nào nữa?”
“Con chó săn trong sân, thế thôi. Đó là một tác phẩm nổi tiếng. Khi cuốn sách được in ra, nó là một thất bại. Chỉ có đúng một bài bình luận, ấy thế mà nó còn đập tác phẩm tơi bời. Gọi nó là tục tĩu và đáng khinh bỉ. Không ai đọc cả. Ushakovo viết cuốn sách đó suốt mười một năm trời. Mười một năm, cậu có tưởng tượng được không? Vậy mà nó biến mất như bị thả tõm xuống đại dương ấy. Nhưng ông ta bắt đầu lại từ đầu, một cuốn tiểu thuyết mới, những người bạn đọc qua các đoạn của cuốn đó nói rằng nó là kiệt tác của ông ta. Chỉ có điều Ushakovo mỗi ngày một trở nên sùng đạo, dành thời gian với một tay giáo sĩ, tay này thuyết phục ông ta tin rằng sáng tác là công việc của quỷ Satan. Và thế là một đêm nọ Ushakovo tin rằng ông ta sẽ phải xuống địa ngục; ông ta vô cùng hoảng sợ; ông ta ném bản thảo vào lò sưởi. Bụp, thế là xong.”
Câu chuyện này nghe quen một cách lạ lùng.
“Nhưng đó chính xác là những gì đã xảy ra với Gogol mà.”
“Ừm, không, không hẳn. Rất khác nhau về chi tiết cụ thể. Nhưng tương đồng một cách thú vị, tôi đồng ý.”
Đường sắt rẽ ra khỏi đường cái, băng qua những cây bạch dương non còn quá nhỏ không thể làm củi đốt. Năm cái xác trắng bệch nằm úp mặt trên tuyết trắng. Một gia đình của mùa đông chết chóc, người cha đã chết vẫn còn nắm chặt tay người vợ đã chết, những đứa con đã chết của họ nằm sóng sượt cách đó một quãng ngắn. Hai cái va li da tả tơi nằm mở toang cạnh những xác chết, trống trơn chẳng còn gì ngoài mấy khung ảnh rạn vỡ.
Quần áo và ủng của cả gia đình đã bị lột mất. Mông của họ đã bị xẻo đi, phần thịt mềm nhất, dễ làm thịt băm và xúc xích nhất. Ta không thể xác định được là gia đình đó đã bị giết bằng súng, bằng dao hay vì đạn pháo nổ, do pháo của bọn Đức hay những kẻ ăn thịt người của Nga. Ta không muốn biết. Họ đã chết từ lâu, ít nhất là cả tuần, và xác của họ đã bắt đầu trở thành một phần của khung cảnh.
Kolya và ta tiếp tục bước về phía Đông dọc tuyến Vologda. Sáng hôm ấy anh ta không kể thêm chuyện cười nào nữa.
Sát gần trưa bọn ta đến được vành ngoài của tuyến phòng thủ Leningrad: những búi dây thép gai dày, hào sâu ba mét, bẫy răng rồng, ụ súng máy, khẩu đội phòng không, và xe tăng KV-1 được phủ lưới ngụy trang màu trắng. Đám lính lúc trước đã phớt lờ bọn ta, nhưng giờ thì bọn ta đã ở quá xa về phía Đông nên khó mà là dân thường, và là một cặp quá lạ lùng. Trong lúc bọn ta bước dọc đường tàu thì một nhóm lính trẻ, đang tháo bạt của một chiếc xe tải ba cầu, quay ra chằm chằm nhìn bọn ta.
Tay trung sĩ của họ bước về phía bọn ta, chính xác thì cũng không chĩa súng vào bọn ta, nhưng cũng không chĩa ra chỗ khác. Anh ta có dáng dấp của một người cả đời là quân nhân cùng gò má cao và đôi mắt hẹp của người Tartar.
“Hai cậu có giấy tờ không?”
“Có chứ,” Kolya vừa nói vừa thọc tay vào trong áo khoác. “Chúng tôi có giấy tờ đỉnh luôn.”
Anh ta chìa ra bức thư của viên đại tá và hất đầu về phía chiếc xe tải.
“Giàn Katyusha kiểu mới đấy à?”
Tấm bạt phủ đã được kéo tung xuống dưới đất, để lộ ra những giàn phóng song song chĩa thẳng lên trời, chờ được nạp đạn. Theo những gì bọn ta được nghe trên đài thì quân Đức sợ Katyusha hơn bất kỳ thứ vũ khí nào của Xô viết - chúng gọi nó là cây phong cầm của Stalin, phỏng theo tiếng rít trầm và đầy tang tóc của nó.
Tay trung sĩ liếc nhìn giàn phóng tên lửa rồi quay lại nhìn Kolya.
“Đừng để ý đến cái đó làm gì. Cậu thuộc quân đoàn nào?”
“Năm mươi tư.”
“Năm mươi tư? Lẽ ra cậu phải đang ở Kirishi cơ mà.”
“Đúng thế,” Kolya vừa nói vừa trao cho tay trung sĩ một nụ cười bí hiểm và hất hàm về phía bức thư trên tay anh ta. “Nhưng lệnh là lệnh.”
Tay trung sĩ mở bức thư ra đọc. Kolya và ta chăm chú nhìn những người lính xếp các quả tên lửa đuôi vây cá lên các giàn phóng Katyusha.
“Đêm nay hãy trút địa ngục lên đầu chúng!” Kolya hét to. Đám lính trên xe tải liếc nhìn bọn ta nhưng không nói gì. Nhìn họ như thể đã không ngủ từ mấy ngày nay; phải tập trung lắm mới nạp được tên lửa mà không để rơi, hơi sức đâu mà tốn cho mấy thằng điên.
Không cam tâm bị phớt lờ, Kolya bắt đầu hát. Anh ta có giọng nam trung đầy khỏe khoắn và tự tin.
“Tựa bến sông thoáng bóng ai in trên màn sương mờ
Cất cao lời ca làm rung cỏ cây ven bờ
Lời hát trong vút bay đi qua ngàn phương trời
Biết không chàng ơi là Cachiusa đang chờ.”
Tay trung sĩ đọc xong bức thư và gấp lại. Thông điệp của viên đại tá rõ ràng đã gây ấn tượng đối với anh ta; giờ thì anh ta nhìn Kolya với vẻ nể nang thực sự, gật gù theo nhịp với bài hát cũ.
“Thế mới chất chứ. Tôi đã nghe chính Ruslanova hát bài đó hồi Chiến tranh Mùa đông. Phụ cô ấy một tay lúc cô ấy xuống sân khấu, tôi nghĩ chắc cô ấy hơi quá chén. Cậu có biết cô ấy nói gì với tôi không? ‘Cám ơn anh, Trung sĩ,’ cô ấy nói. ‘Trông anh có vẻ là một người khéo tay đấy nhỉ.’ Cậu nghĩ câu ấy là thế nào? Luôn là một cô nàng bất trị, Ruslanova ấy. Nhưng đó là một bài hát tuyệt vời.”
Anh ta đập lá thư vào ngực Kolya, trả lại, mỉm cười với cả hai bọn ta.
“Xin lỗi vì tôi phải chặn hai cậu lại. Các cậu biết thế nào rồi đấy… Người ta bảo có ba trăm phần tử phá hoại bên trong Leningrad và mỗi ngày lại có thêm. Nhưng giờ thì tôi biết các cậu làm gì rồi, thực hiện nhiệm vụ cho đại tá…”
Anh ta nháy mắt với Kolya.
“Tôi biết tất cả về nhiệm vụ đó, tổ chức lực lượng du kích, thế mới chất chứ. Các cậu cứ để lính chính quy bọn tôi tấn công chúng từ phía trước, còn các cậu giã chúng từ phía sau, đến hè là chúng ta sẽ rải đầy cứt nóng hổi trong Reichstag[16].”
Kolya đã đọc to bức thư của viên đại tá - cái hôm bọn ta tiếp nhận nó và trong đó không hề nhắc gì đến du kích - nó chỉ nói là không được bắt giữ hoặc gây phiền hà gì cho bọn ta vì bọn ta đang thực hiện nhiệm vụ bí mật theo lệnh của đích thân viên đại tá nhưng báo chí đầy rẫy những câu chuyện về những người nông dân bình dị đã được các chuyên gia của NKVD huấn luyện thành du kích chiến đấu đáng sợ.
“Các anh cứ việc giữ cho chúng khiêu vũ với cây phong cầm ở đây,” Kolya nói - ta không biết anh ta cố tình hay vô ý bắt chước kiểu nói của tay trung sĩ “còn chúng tôi sẽ bảo đảm chúng không còn được ăn cái bánh strudel nào từ Vaterland nữa.”
“Đúng rồi đấy, đúng rồi đấy! Hãy cắt đứt tuyến tiếp tế, hãy để chúng chết đói trong rừng, sẽ lại là năm 1812 một lần nữa.”
“Nhưng không có Elba[17] nào cho Hitler hết.”
“Không, không, hắn thì đừng hòng, không có Elba nào cho Hitler hết!”
Ta không hoàn toàn chắc chắn liệu tay trung sĩ có biết Elba là gì, nhưng anh ta quả quyết rằng Hitler sẽ không có được nó.
“Chúng ta sẽ xiên cho hắn một nhát lê vào dái, nhưng Elba thì không!”
“Bọn tôi phải lên đường thôi,” Kolya nói “Bọn tôi phải đến được Mga trước khi trời tối.”
Tay trung sĩ huýt sáo. “Đường xa phết đấy. Cứ đi ở trong rừng, các cậu hiểu chứ? Bọn Đức sở hữu các con đường, nhưng một người Nga thì cần gì phải có đường mới đi được, đúng không? Ha ha! Các cậu có đủ bánh mì không? Không à? Bọn tôi có thể san sẻ một ít. Ivan!”
Viên trung sĩ quát lên với một tay lính trẻ lôi thôi lếch thếch đang đứng bên xe tải.
“Kiếm ít bánh mì cho mấy chàng trai này. Họ sắp đi vào vùng địch hậu.”