Lúc xuất hành, ngài giao phó triều chính cho Duệ Thân vương rồi đích thân chỉ huy tả, hữu dực tám vạn người ngựa ra đi.
Quân tả dực theo đường Giới Sơn đánh tới. Còn quân hữu dực theo lối Nhạn Môn quan và Hoàng Nhai khẩu đánh sang. Hai lộ quân sẽ họp làm một ở Kế Châu rồi tiến thẳng vào địa phận Sung Châu.
Dọc đường, quân Mãn đánh tan ba toà phủ thành, mười tám toà châu thành, sáu mươi bảy toà huyện thành, bắt được Lỗ Vương của Minh triều đem chém đầu trước hàng quân, cướp được bách tính nam nữ của Minh triều tới ba mươi sáu vạn người cùng trâu bò dê lợn tới năm mươi lăm vạn con. Tiên phong A Ba Thái theo Nam lộ tiến đánh, đại binh đồn trú tại Sơn Đông, Lữ Châu. Ròng rã hơn một tháng mà chẳng thấy một tên quân của nhà Minh, Thái bèn cho cột chiến lợi phẩm như vải vóc tơ lụa, vàng bạc ngọc ngà lên xe lừa, xe lạc đà rồi kéo vào Thiên Tân, Đồn Lộc. Quân đi dài tới hơn ba chục dặm đường, tiếng xe lăn rầm rầm rộ rộ không lúc nào dứt, vượt Lư Câu Kiều đến hơn mười ngày mà vẫn chưa qua hết…
Vua Minh là Sùng Trinh hoàng đế hạ chiếu mộ quân ở các tỉnh. Quân mộ được vừa tới địa phận Thông Châu, được tin quân Thanh vô cùng kiêu dũng, kẻ nào cũng kinh hồn bạt vía, chẳng dám chặn đánh, chỉ lo trốn tránh.
Thái Tông hoàng đế thấy chẳng tốn một tên quân nào mà thu được không biết bao nhiêu vàng bạc châu ngọc, lấy làm sung sướng vô cùng, bèn hạ lệnh lui binh, bày tiệc khao thưởng ba quân và chọn ngày ban sư.
Giữa lúc Thái Tông vui vẻ như vậy, không ngờ trong cung điện của ngài xảy ra một cơn giông tố hãi hùng. Tính mạng ngài rồi đây cũng vì đó mà tiêu vong.
Số là Duệ thân vương được Thái Tông phó thác quốc sự, bèn nằm bẹp trong cung cấm với Văn hậu như vợ chồng, chẳng cần kiêng cữ chút nào. Mọi người trong cung, từ trên xuống dưới đều là người tâm phúc của vương, chẳng kẻ nào dám tiết lộ tăm hơi. Tuy nhiên trong số cũng có hai người tuy không nói ra nhưng căm hận họ đến xương tuỷ: một người là Hào Cách con trai Thái Tông, còn một người là Tiểu Ngọc Nhi, vợ của Duệ thân vương.
Hào Cách tuy được lệnh lo việc cưới hỏi cho Cố Luân công chúa, nhưng đâu có được tự do, bất cứ việc gì cũng đều phải hỏi chú là Duệ thân vương. Thế mà lúc đó ông chú Duệ lại đang mê mệt bà hậu, suốt ngày đêm nằm trong cung cấm. Cách đốc thúc thợ thuyền xây cất phủ phò mã đã xong, nên cần hỏi chú mình xem bày biện trang hoàng bên trong ra sao vội lóc tóc chạy vào cung xin gặp. Ngày thường, Duệ thân vương Đa Nhĩ Cổn hay ở thư phòng mé tây cung Vĩnh Phúc nghỉ ngơi. Bởi vậy Cách chạy thẳng tới đây. Nhưng Cách chẳng thấy chú, mà chỉ thấy có ba, bốn tên thái giám giữ cửa đang đứng xớ rớ ở đó. Cách hỏi thì bọn này đều nói không biết. Cách quay ra khỏi cung, chạy tới phủ Duệ thân vương để hỏi tin, được biết vương đã không về phủ đến bốn, năm ngày rồi.
Còn Tiểu Ngọc Nhi thấy chồng đi luôn bốn, năm ngày không về bèn nổi ghen, nhiều đêm không ngủ được. Bà ta thấy Cách tới bèn gọi vào. Cách hỏi thím mình xem chú hiện ở đâu Tiểu Ngọc Nhi nghe hỏi máu ghen bỗng nổi lên như men giấm trong huyết quản, nhất thời không kìm hãm nổi, bèn cười nhạt nói:
- Chú ngươi ấy à? Y không trong cung thì ở đâu. Bọn họ lúc này tha hồ mà sướng. Y làm gì mà nghĩ tới chuyện về?
Chuyện ngoại tình của Cổn và Văn hậu, Cách đã biết từ lâu nhưng chưa có dịp cho nổ bung ra đó thôi. Không ngờ hôm nay bà thím lại nói toạc ra khiến Cách không khỏi đôi má ửng hồng, cố dằn lòng thong thả hỏi thím:
- Chú đã không về nhà, sao thím không vào cung mà tìm?
Bà phi Tiểu Ngọc bảo Cách:
- Thím có vào tìm đôi ba lần. Nhưng bọn cung nhân vốn là tay chân của chú nên đều bảo không có. Thím tính xông bừa vào nhưng bị chúng cản lại và nói: "Đấng vạn tuế đã truyền chỉ: nếu không có lệnh của hoàng hậu, cấm không ai được tự đo vào cung". Mấy hôm nay, thím loanh quanh mãi chẳng biết tìm cách gì! Này cháu của thím! Đã tới đây cháu thử tìm cách cho chúng một mẻ sợ, nếu không thím cháu mình còn mặt mũi nào mà chường ra với thiên hạ nữa?
Lời nói của phi tử Tiểu Ngọc Nhi quả đã khêu được lòng tức giận của Túc quận vương. Cách liền đập tay vào ngực, hậm hực nói:
- Thím hãy yên tâm. Chuyến này phụ hoàng trở về, cháu sẽ diện tấu cho phụ hoàng nghe, để ngài hạ chỉ cấm chú vào cung. Thím nên nhẫn nại ít hôm, chớ có nói ra, sợ chú biết thì thím cháu ta nguy cả đấy.
Nói đoạn, Túc quận vương Hào Cách cáo biệt ra về. Ngày lành tháng tốt cho việc nghinh hôn đã tới. Bỗng một đội người ngựa chạy như bay về cung báo hoàng đế hồi loan, văn võ triều thần được tin này vội mũ áo chỉnh tề đi tiếp giá.
Đi đầu bọn triều thần, tất nhiên là Duệ thân vương Đa Nhĩ Cổn trên lưng con tuấn mã lông hồng. Đoàn người ra khỏi thành chín dặm thì gặp đại quân của Thái Tông hoàng đế. Văn võ bá quan vội bò rạp xuống đất, tung hô vạn tuế.
Nhà vua thấy Cổn cũng nằm rạp bên đường, vội nhảy xuống ngựa, giơ tay nâng dậy. Hai anh em đồng lên ngựa, song song sát cánh tiến vào thành, tới Sùng Chính điện.
Thái Tông hoàng đế lên điện an vị ngai vàng. Trăm quan y thứ triều hạ. Nhà vua truyền chỉ, thiết yến ngay tại Tây Thiên điện. Thế rồi vua tôi chén tạc chén thù, mãi tới chiều tối ai nấy mới tan tiệc ra về.
Đêm đó, quá khuya, nhà vua không về cung nên nghi ngơi ngay tại Đông Thiên điện, có bọn cung nga hầu hạ.
Qua ngày hôm sau, ngày hôn lễ của Cố Luân công chúa, kinh thành nhộn nhịp, xe ngựa dập dìu. Đường con phố lớn, chỗ nào cũng treo đèn kết hoa, trăm họ ai cũng đều vui vẻ hân hoan.
Phò mã Sách Nhĩ Cáp, mũ áo chỉnh tề, tiến vào cung để đón dâu. Cố Luân công chúa vào lạy nhà Thái miếu, xong rồi từ biệt phụ hoàng và mẫu hậu, theo chân chồng ra khỏi cung về phủ phò mã. Các thân vương, quân vương, bối lặc, bối tử, phụng quốc tướng quân, Hoà thạc thân vương, phúc tấn, cách cách, tất cả bọn quốc thích hoàng thân lũ lượt kéo nhau thành từng tốp vào cung chúc mừng.
Theo ý của Hào Cách thì tính, tâu ngay việc ngoại tình của Đa Nhĩ Cổn cho Thái Tông hoàng đế nghe, nhưng bà phúc tấn vợ y cố khuyên can. Bà bảo chồng:
- Phụ hoàng suốt ngày vất vả, lại thêm nào yến tiệc khao mừng, nào đám cưới đưa dâu, lòng ngài lúc này cũng có đôi phần vui sướng. Chi bằng đợi khi mọi việc xong xuôi rồi ta hãy tâu cho ngài biết.
Hào Cách nghe lời vợ đành nén lòng chờ đợi. Rồi mọi việc xong xuôi, Thái Tông hoàng đế hạ dụ đêm đó về cung. Rồi suốt ngày hôm đó, ngài lại mở tiệc linh đình để khánh công đủ mặt các đại tiểu quần thần. Tất cả triều thần hội họp tại Sùng Chính điện chuẩn bị đưa nhà vua về cung. Chẳng ngờ đợi mãi tới khuya, bọn đình thần đứng chờ mãi, chân đã mỏi lưng sắp gẫy mà vẫn không động tĩnh gì cả! Lui không dám lui vì không có lệnh, hỏi cũng chẳng dám hỏi, vì biết đâu mà hỏi, cả bọn ngơ ngác chỉ biết còn nhìn nhau tự vấn. Mãi sau, chỉ dụ mới ban ra cho biết thì ra đêm đó hoàng đế lại không tiến cung nữa mà đổi lệnh qua sáng mai. Trăm quan được lệnh, lúc đó mới dám rút lui. Đa Nhĩ Cổn đưa trăm quan ra về; khi qua cửa triều môn, bỗng thấy một tên thái giám chạy như bay đuổi theo ông rồi ghé tai thì thầm mấy câu khiến mặt ông thất sắc vội xua tay ra lệnh cho trăm quan ai về nhà nấy. Thấy mọi người đi khuất hết, ông mới phóng ngựa chạy như bay vào cung Vĩnh Phúc, xuống ngựa, rồi lẻn vào. Cổn gặp Văn hậu, mặt ngơ ngác như mất hồn. Hậu thấy lạ vội hỏi. Cổn thở hắt ra một hơi dài như để vợi bớt phần nào nỗi lo sợ chứa chất trong lòng, lúc lâu mới lên tiếng khẽ bảo Văn hậu:
- Thằng chó con Hào Cách đem việc tụi mình ra tâu hết cho hoàng thượng nghe rồi. Hoàng thượng hiện giận lắm. Đại hoạ thế nào cũng xảy ra, tụi mình phải tính kế mau mới mong thoát hiểm được!
Thế rồi sau đó, người ta chỉ nghe tiếng cặp tình nhân chị dâu em chồng này thì thào với nhau. Cổn đưa ra một kế, dặn hậu phải lo liệu gấp. Lúc đầu bà không chịu, nhưng về sau nghĩ mãi bà thấy không còn cách gì hơn. Bóng đêm tràn ngập cung cấm. Người ta lại nghe những trận cười, những tiếng thì thầm cưng nựng. Mãi vào khuya, mới thấy Cổn ra khỏi cung.
Canh năm sáng hôm sau, trăm quan lớn nhỏ lại tề tập ở Sùng Chính điện để đón rước hoàng đế.
Trời vừa rạng đông. Thái Tông hoàng đế xuất điện, mặt hầm hầm, có vẻ giận dữ lắm. Quần thần vội bò sát xuống đất đập đầu lạy tạ.
Túc quận vương Hào Cách đi theo sát Thái Tông hoàng đế ở phía sau. Nhà vua lên chiếc noãn kiệu có ba mươi hai tên kiệu phu khiêng đi. Bọn thân vương hộ tống hai bên, chỉ giải tán khi tới cung Vĩnh Phúc rồi lần lượt rút êm ra khỏi cửa Đại Thanh.
Bỗng một tên thái giám, chạy lại đón đường, nắm vạt áo các quan, miệng thở hồng hộc, mãi mới lắp bắp được mấy tiếng:
- Hoàng… Hoàng… Hoàng thượng qui… qui… tiên rồi!
Câu nói động trời đó khiến trăm quan hoảng hồn bạt vía, mắt mở tròn xoe, miệng há hốc đến không ngậm lại được!
Một lát sau, Duệ thân vương mới lên tiếng bảo mọi người:
- Đứng đây mãi cũng vô ích. Bọn ta nên quay vào triều đợi chỉ thì hơn! °
Cả bọn hối hả vào triều, chưa kịp ngồi thì ý chỉ đã thấy ban ra. Chỉ ý truyền bảo Duệ thân vương vào cung tức khắc để thương nghị đại sự, Đa Nhĩ Cổn được chỉ vội vã tuân theo.
Lúc đó, thi hài của Thái Tông hoàng đế đã quàn tại chính điện trong Vĩnh Phúc cung. Cổn tiến tới trước hành lễ xong có bọn cung nữ đưa vào tẩm cung, Cổn thấy Văn hậu đang ngồi trên giường cúi đầu suy nghĩ, bèn vội tới thỉnh an. Nhưng Văn hậu như bộ không nhìn thấy, lẳng lặng làm thinh. Bọn cung nữ đều máy nhau rút ra khỏi cung, chỉ để lại một cô canh chừng hậu có sai khiến gì không. Ấy cũng nhờ người cung nữ này nên cuộc hội kiến bí mật hôm đó giữa Văn hậu và Đa Nhĩ Cổn về sau mới được tiết lộ ra ngoài. Duệ thân vương thấy Văn hậu chẳng nói chẳng rằng, bèn ghé ngồi trên an lạc ỷ. Lúc sau, Văn hậu mới đứng dậy, thong thả bước tới trước, cầm lấy tay Cổn, thì thầm nói những gì không biết. Người cung nữ để ý qua cửa sổ, chỉ thấy Duệ thân vương lắc đầu lia lịa.
Văn hậu buồn bã âu sầu, đưa cánh tay trắng như ngọc đặt lên đầu Cổn lay lay lắc lắc. Nhưng Cổn vẫn mặc, chẳng trả lời, Văn hậu như có vẻ băn khoăn, lo sợ rồi bỗng thấy bà ném phịch người xuống đất, vừa quỳ vừa cầu xin một cách khẩn thiết. Cổn vội quay mình sang phía khác, mắt ngước nhìn lơ đễnh, như chẳng thèm để ý tới bà. Văn hậu lại ghé sát tai Cổn nói, không biết những gì, Lúc đó, Cổn mới dần dần thay đổi thái độ, từ chỗ lạnh nhạt đến chỗ tươi cười và gật đầu lia lịa tỏ vẻ ưng thuận. Cuối cùng Cổn đỡ Văn hậu ngồi dậy, rồi từ biệt, xuất cung.