Chém xong Thanh, bọn Huy xông vào tận hậu thất chém cho bằng hết nào con trai, con gái, nào thị thiếp, cơ hầu, chỉ còn để lại có mỗi một thiên muội Hồng Tuyên Kiều.
Vy Xương Huy vừa kéo vừa bế Hồng Tuyên Kiều đem về Bắc vương phủ, việc trước hết là phải thoả mãn với Tuyên Kiều rồi sau đó mới báo cho Thiên vương biết.
Huy tưởng giết Thanh xong là yên chuyện, nào ngờ dư đảng của Thanh đâu đã chịu bó tay đang tập hợp lại tấn công phủ Bắc vương.
Huy mở cửa thành, cho bọn bộ hạ của Thanh vào để giáp chiến.
Giữa lúc hai bên giao đấu còn vô cùng quyết liệt, thì Dực vương Thạch Đạt Khai từ Giang Tây đem quân về. Yên vương Tần Nhật Cương cũng từ An Huy tới. Hai vị này cũng đã vâng mật chiếu của Thiên vương quay về để diệt nội loạn. Khi vào thành họ nghe Tú Thanh đã bị Xương Huy giết chết, hai cánh quân đang hỗn chiến ghê hồn, bèn đứng ra điều đình.
Nhưng Vy Xương Huy không chịu, quyết giết cho bằng hết dư đảng của Đông vương. Dực vương Thạch Đạt Khai thấy Huy không nghe mình, liền nổi máu hoả quát lớn:
- Ngươi đã giết chết Đông vương rồi thì nên thôi đi, chứ sao lại diệt cả gia tộc của y? Diệt cả gia tộc của y chưa đủ, lại còn muốn diệt hết cả bạn bè y nữa. Thiên quốc của bọn ta chẳng vì Đông vương mà mất, nhưng e rằng sẽ mất vì chính ngươi đấy.
Vy Xương Huy không đáp. Thạch Đạt Khai hầm hầm tức giận đi ra.
Đêm đó, cả hai phủ Yên vương, Dực vương đều bị thủ hạ của Vy Xương Huy vây kín. Tần Nhật Cương chạy ra hỏi, liền bị giết ngay. Toàn gia của Dực vương bị giết sạch. Duy chỉ có mình Thạch Đạt Khai không rõ nhờ đâu mà biết được nên leo thành trốn chạy được ra ngoài.
Khi thoát mạng rồi, Khai liền tập hợp đồng đảng từ ngoài đánh vào. Huy chạy tới báo với Hồng Tú Toàn. Toàn bất giác thất thanh bảo:
- Người không nghe lời Đạt Khai, bây giờ thì hỏng cả rồi! Người còn giết sạch cả toàn gia của hắn thì bảo sao hắn chịu nổi chứ?
Huy lặng thinh chạy ra ngoài, quay ngay giáo lại, hô thủ hạ, vây luôn cung điện của Thiên vương. Bọn anh em của Hồng Thiên vương bị vây liền bắt tay giảng hoà với dư đảng của Đông vương, nhất tề quay giáo, cùng đánh bọn Vy Xương Huy.
Bọn Vy Xương Huy cô thế không địch nổi hai mặt, bèn bỏ chạy. Dư đảng của Đông vương thừa thế xông vào Bắc vương phủ, thấy một người chém một người, thấy hai người chém hai người, chém sạch giết sạch, không sót mống nào. Thế là vợ con, quyến thuộc của Xương Huy đều làm quỷ không đầu dưới lưỡi dao oan nghiệt, ngay cả đến Thiên muội Hồng Tuyên Kiều, cốt ngọc đa ngà cũng bị bọn chúng xẻ thịt róc xương ra, rồi băm nát như cám.
Vy Xương Huy hối hả chạy ra ngoài thành, chỉ còn lại độ vài chục tên thủ hạ, lấy thuyền vượt sông, đến Thanh Giang không may lại gặp phải bọn Tiền Sứ của đảng Đông vương ở bên ngoài. Bọn này hè nhau xông tới, bắt trói bọn Huy như trói heo rồi áp giải về Giang Ninh.
Thiên vương Hồng Tú Toàn giận lắm, liền truyền lệnh đem Huy ra xé nát thành từng mảnh, còn đầu lâu thì gởi cho Thạch Đạt Khai, dùng lời nói ngon ngọt dụ Khai trở về.
Thạch Đạt Khai tạm nguôi cơn giận, trở về Giang Ninh.
Mọi người đưa Khai lên làm phụ chính, giống như Dương Tú Thanh thuở nọ. Nhưng Thiên vương Hồng Tú Toàn bị cái gương tầy liếp của Dương Tú Thanh nên không thể không do dự, nghi kỵ. Toàn lo rồi đây Khai lại cũng diễn lại cái trò của Thanh.
Hồng Nhân Phát và Hồng Nhân Đạt, anh em của Toàn lại không hợp ý với Khai. Bởi thế, biết rõ nỗi khó khăn của mình, Thạch Đạt Khai liền từ biệt Thiên vương kéo binh ra khỏi thành Nam Kinh đi luôn.
Tất cả mọi chuyện xảy ra đều do Tiền quân sư dự liệu và sắp xếp Hạ mật chiếu triệu bọn Vy và Trạch trở về để diệt Thanh chính là kế sách của quân sư họ Tiền. Nhưng đến lúc Vy và Dương xung đột, chém giết nhau tơi bời rồi, thì không ai biết Tiền quân sư đi đâu. Từ đó, Hồng thiên vương mất một người tham mưu thượng thặng.
Chính sự trong cũng như ngoài lúc này đều do Hồng Nhân Phát và Hồng Nhân Đạt lo liệu giải quyết. Nhưng Đạt và Phát đâu có phải là những người đa mưu túc kế, chính trị giỏi giang.
Bởi thế, công việc trong phủ Thiên vương, cũng như Thái bình Thiên quốc càng ngày càng rối rắm, chẳng khác gì búi bòng bong, không gỡ ra được.
Lại nói Tăng Quốc Phiên đóng quân tại Giang Tây chờ đợi, được quân Thanh ở Lưỡng Hồ tới tăng viện, liền tấn công Nam Khang. Các tướng Lý Nguyên Độ, Lưu Vu Thuần cũng thu phục được các huyện Nghi Hoàng, Sùng Nhân, Tân Kim. Nhờ đó quân vụ miền Giang Tây của triều đình nhà Thanh, mới dần dần khởi sắc…
Chưa hết, Tăng Quốc Phiên thừa dịp chiến thắng, bèn hợp binh với Quan Văn đánh tan quân tóc dài ở thành Hán Dương, giết chết Chung thừa tướng, Lưu chỉ huy. Mặt khác, Hồ Lâm Dực cũng tái chiếm thành Võ Xương, bắt sống được mười bốn tến kiểm điểm của quân tóc dài là bọn Cổ Văn Tân. Như thế Võ Hán đã ba lần mất lại ba lần chiếm lại.
Quân Thanh của Tăng Quốc Phiên thừa thắng càng tiến, tái chiếm các huyện như Hoàng Châu, Hưng Quốc, Tam Châu, Tam Thung, Quảng Tế, chỉ trong vòng có mười ngày mà đã quét sạch được hết miền Hồ Bắc.
Trên bộ đã chiến thắng, mặt thuỷ cũng thu được nhiều chiến công: bọn Dương Tải Phúc thống đốc thuỷ sư với hơn bốn trăm chiến thuyền, Lý Tục Tân chỉ huy lục quân hơn tám ngàn người, cứ theo bờ sông Dương Tử đánh xuống, chạm giáo với quân tóc dài nhiều keo, keo nào cũng đại thắng. Phúc và Tân nhân đà chiến thắng kéo luôn quân vào mãi Cửu Giang.
Tăng Quốc Phiên ở Nam Dương nghe tin, đích thân tới Cửu Giang để khen thưởng binh sĩ. Trên đường đi, Phiên được ngựa lưu tính phi báo cho biết bọn Tiêu Khải Giang, Lưu Tràng Hựu đã cướp lại được Viên Châu.
Người em của Phiên là Tăng Quốc Thuyên cũng tổ chức được một đội quân do ngả Bình Hương tiến về, hội họp tại Châu Phượng Sơn rồi đánh lấy An Phúc.
Được những tín báo tiệp từ bốn phương gởi tới, Tăng Quốc Phiên cảm thấy tinh thần sảng khoái lắm. Khi đến Cửu Giang, Phiên nhìn thấy thuỷ lục, hai quân thanh thế có bề thịnh đạt, thì lấy làm hả dạ vô cùng.
Lúc đó hai viên thống lĩnh Dương, Lý cũng tới đón rước Phiên. Phiên mặt như hoa nở, cầm tay hai tướng Lý, Dương khen ngợi rồi lại truyền gọi các tướng tá tới để uỷ lạo một phen nữa, Phiên lại còn trích ra nào vàng bạc, nào lương thực trong kho để khao thưởng cho binh sĩ, cho các tay anh hùng hào kiệt đất Tương Châu.
Các chiến sĩ của Phiên thấy Phiên rộng lượng và đối đãi tử tế với quân sĩ như vậy, thảy đều vui mừng và cảm phục, có kẻ nào lại không theo lệnh của Phiên.
Khao thưởng xong, quân Thanh đều được lệnh tấn công thành Cửu Giang. Tưởng chỉ cần trong vài ngày, không ngờ đánh phá luôn một lèo hơn tháng mà chẳng ăn thua gì! Chẳng mấy chốc đã thấy qua năm thứ bảy Hàm Phong.