Thanh Cung Mười Ba Triều

Hồi 122

Trong cung Thanh thời Hàm Phong hoàng đế có bốn cái Xuân: Xuân Hạnh Hoa là một ta đã kể ở hồi trước. Nay đến Xuân thứ chót tức đến cái Xuân Đà La. Lúc mới vào cung, Đà La Xuân có một hoàn cảnh thật là bi đát.

Hàm Phong hoàng đế sau khi ôm được ba người đẹp trong tay Hạnh Hoa Xuân, Mẫu Đơn Xuân, Hải Đường Xuân, còn muốn thêm một cái Xuân nữa để cho đủ bộ tứ Xuân.

Một hôm, hoàng đế cải trang thành một khách thương vi hành ra ngoài cửa Tuyên Võ đạo chơi. Khi bước lên cầu Kim Toả ngài nhìn thấy một cô gái ôm giỏ quần áo vừa giặt từ chân cầu đi lên một ngôi nhà cao và tối om như mực. Ngài ngồi đợi bên ngoài, mong người đẹp trở ra, nhưng không thấy.

Ngài đành về hôm đó và dặn bảo Thôi tổng quản đem vài tên thị vệ đến nhà cô gái điều tra, Thôi tổng quản vâng chỉ chuẩn bị sẵn sàng.

Qua ngày hôm sau, bọn Tổng quản tới cầu Kim Toả, trước hết cho bọn thị vệ đi dò la các nhà chung quanh, mới biết gia đình nhà này họ Lý, chỉ có hai mẹ con. Người mẹ goá, cô con gái mới mười bảy tuổi.

Dò biết được như vậy. Thôi tổng quản cho rằng nhà chỉ có đàn bà thì dễ bắt nạt bèn vào tiệm vàng mua một ngàn lạng bạc đựng trong bốn cái quả sơn son thiếp vàng, bảo bốn tên thị vệ bưng theo.

Thôi tổng quản đi trước, đấy cửa bước vào, cho đặt bốn cái quả vàng giữa nhà trên, nói rõ ý mình. Bà quả phụ họ Lý nghe đoạn, tức thì nói:

- Con gái tôi đã gả chồng rồi! Mà nếu chưa gả chồng đi nữa, nó cũng chẳng muốn chết già trong thâm cung đó đâu. Ông đem tiền của ông đi đi. Dù có phải là nhà vua đi chăng nữa thì cũng phải có lý, có lẽ mới được, chứ không thể cương bức con gái nhà lương gia làm những việc hạ tiện như thế này. Thôi ông đi đi! Nếu không, tôi sẽ tới tố cáo ngay tại nha môn quan đề đốc bây giờ!

Thôi tổng quản nghe xong, bất giác cả giận, nói:

- Mụ chỉ là một người đàn bà, liệu con gái mụ có thể thoát khỏi được tay vạn tuế gia được không? Được! Ta sẽ đi ngay. Nhưng ta hẹn cho mụ mười giờ nữa, mụ sẽ thấy gia đình nhà mụ nhà tan người mất cho xem.

Bà goá phụ họ Lý tính còn nói nữa, nhưng cô gái chạy vội ra kéo bà vào trong.

Đợi khi Thổi tổng quản đã đi rồi, lúc đó cô gái mới bảo mẹ:

- Con nghe nói đương kim hoàng đế thuộc loại quỷ đói sắc, bọn cường đồ này tạm thời vào cung, nhất định sẽ trở lại. Nếu con không trốn ngay thì thế nào cũng bị độc thủ của chúng. Chi bằng con hãy tạm lánh trong nhà bà dì con lúc này đã.

Thế là bà goá phụ họ Lý vội đưa con đi giấu tại nhà bà dì.

Trời gần tối, Thôi tổng quản đem theo hơn chục tên thị vệ, hùng hổ xông vào cửa trước, tính để cướp cô gái.

Nhưng xông vào lục lọi một lúc chẳng thấy cô gái đâu, bọn chúng nắm lấy bà goá phụ, kéo xềnh xệch lôi ra ngoài phố.

Chỉ trong nháy mắt, khắp kinh thành đồn rầm lên. Cô gái nghe tin, định xông ra để cứu mẹ, nhưng bà dì ngăn cản bảo:

- Cháu xông ra lúc này, chính là tự nhảy vào lưới đó Chúng bắt mẹ cháu, chi là để doạ mà thôi. Theo ý dì, nhân cơ hội này, cháu nên tìm thằng chồng sắp cưới mà lấy tắp ngay đi. Cưới xong, hai vợ chồng cháu đưa nhau tới cầu khẩn tại nha quan thống lĩnh. Lão gia thấy đũa đã có đôi, gái đã có chồng rồi thì thôi chứ còn gì. Đương kim hoàng đế hẳn cũng chẳng nỡ chia uyên rẽ thuý vợ chồng cháu đâu mà ngại.

Đến lúc quá khẩn bách này, cô gái không còn tự chủ được nữa, vội nhờ bà dì tìm mụ mối tới nhà bà gia nói chuyện.

Nhưng không may cho nàng là anh chàng rể đã đi miền nam từ hai năm trước chưa về, còn đang sống trong vùng giặc giã chẳng biết sống chết ra sao.

Cô con gái được tin này oà lên khóc nức nở, vừa khóc cho số phận mình vừa khóc cho số kiếp của người yêu. Khóc một lúc lâu, vào lúc đêm khuya, tứ bề vắng lặng, nàng cởi sợi dây lưng treo cổ lên xà nhà tự vẫn.

Bà dì biết được, vội chạy vào phòng đỡ nàng xuống, cứu sống lại. Bà chỉ lo cho án mạng lại xảy ra, bọn người trong cung đến đòi người, chắc sẽ gây ra nhiều lôi thôi nguy hiểm nên bà khuyên nàng tới am sư nữ cắt tóc đi tu là hơn. Cô gái nghe lời, sửa soạn ra đi. Thân mẫu Lý tiểu thư vốn có một bà ni cô quen biết tên gọi Nguyệt Chân. Ni cô này trụ trì am Bạch Y trên núi Tây Sơn. Bởi thế, Lý tiểu thư lẻn trốn tới am này đầu phật.

Ni cô Nguyệt Chân hỏi ra mới ì biết bà Lý đã bị bọn cường đạo trong cung bắt và hoàng đế còn định bắt nàng vào cung. Bà nghe xong vừa thương vừa sợ, vội khuyên Lý tiểu thư thôi khóc, kẻo lộ hành tung ra ngoài:

- Theo ý của Lý tiểu thư thì nàng muôn xuống tóc làm ni cô ngay.

Nhưng Nguyệt Chân khuyên can, bảo:

- Cháu đã vào chùa thì bọn quan binh kia chẳng dám vào đây tra xét đâu. Hơn nữa thằng chồng sắp cưới của cháu hiện nay chưa biết sống chết ra sao. Nếu cháu xuống tóc quy y mà nay mai chồng cháu trở về liệu ni này ăn nói thế nào. Nay cháu tới nương cửa phật để tránh khỏi tai nạn, cháu có thể tu hành mà vẫn để tóc được. Đợi khi nào mẹ cháu được thả ra, chồng cháu được trở về, lúc đó ta sẽ cùng nhau bàn tính. Nếu mọi người khuyên cháu xuống tóc thì xuống, nếu không thì thôi, chứ lão ni này quả không muốn nhúng tay vào việc đó.

Lý tiểu thư đành nghe lời khuyên của ni cô tạm thời để tóc tu hành, sớm đánh chuông chiều đánh trống, lúc mõ lúc chiêng, dưa muối qua ngày nơi am thanh cảnh vắng của nhà thiền.

Bọn quan nha đi tìm kiếm Lý tiểu thư khắp kinh thành, đâu có chịu ngừng tay. Đánh hơi được tin nàng trốn tránh ở tại nhà bà dì, thế là chúng xông tới lục soát. Không thấy bóng Lý tiểu thư đâu, chúng bắt luôn bà dì đưa vào ngục giam lại, ngày ngày tra khảo.

Đáng thương cho bà Lý, tuổi đã già lại bị đói khát uất ức, đánh đập, tra tấn trong nhà lao, nên chẳng được bao ngày, bà chết luôn.

Bọn quan nha biết bà Lý không còn ai là thân nhân, cấp cho một cỗ quan tài gỗ tạp, khâm liệm qua quýt rồi đem chôn dưới một nấm mồ ngoài đồng hoang vắng. Còn bà dì nọ, nhờ được ông chồng bỏ ra ít tiền chạy chọt đút lót, mãi chúng mới thả ra.

Lý tiểu thư trốn trong chùa tuyệt nhiên không biết một tí gì xảy ra ở bên ngoài. Mãi đến khi bà dì nọ được thả ra đến cho hay tin, nàng mới oà lên khóc, đến chết đi sống lại nhiều phen. Miệng nàng kêu gào đòi cùng chết để theo mẹ.

Suốt ngày đêm nàng khóc, chỉ thiếp đi khi đã kiệt sức. Vì thấy nàng đã đến lúc liều, các sư sãi trong chùa phải ngày đêm đề phòng.

Lý tiểu thư thấy khó tìm được cái chết nơi đây nên bèn nghi ra một cách. Nàng nói với Ni Nguyệt Chân rằng mình đã đau khổ đến cùng cực rồi ni cô nên cho nàng xuống tóc quy y.

Ni Nguyệt Chân thấy lòng nàng đã thành, liền bằng lòng chọn ngày tốt thế phát cho nàng.

Đến ngày hôm đó, trên Phật đài hương hoa đèn nến sáng choang, Lý tiểu thư quy y trước toà sen, có hai vị sư ni niên trưởng hai bên, thả tóc nàng xoã xuống thành hai lọn buông thõng xuống hai bên vai, dài mãi tận mặt đất. Ni Nguyệt Chân bước tới trước Phật đài đọc một quyển kinh xong, thì hai sư ni đứng hai bên cầm kéo hót lẹ, tóc rơi rụng xuống đất. Đến lúc này, Lý tiểu thư lệ tuôn rơi tầm tã, mình khoác lên tấm áo cà sa, tay cầm một chuỗi hột mầu ni, chân đạp đất.

Thật đáng thương một đoá hoa nghiêng nước mà phải chịu cái cảnh nâu sồng dưa muối nơi am thanh cảnh vắng, sớm hôm sầu tủi lặng lẽ bên cạnh đám sư nữ.

Đứng trước cảnh tình ấy, ai chẳng động lòng thương xót. Nào ngờ số kiếp nàng còn nặng nợ, vận hạn vẫn chưa lui.

Thế là một hôm nọ, mười mấy tên thái giám bỗng xông vào chùa, quát bọn nữ ni phải ra hết để đón giá.

Ni Nguyệt Chân vội đem cả bọn sư nữ ra lom khom quỳ trên mặt đất. Đột nhiên một đoàn xe tứ mã cao mui rầm rập đi vào, quả nhiên Hàm Phong hoàng đế tới chùa thật.

Bọn nữ ni đồng thanh hô: "Phật gia vạn tuế, vạn vạn tuế!"

Hoàng đế đi thẳng vào nội điện, lễ Phật xong ngồi trên sập, cho gọi khắp lượt bọn ni cô ra bái yết. Một tên thái giám truyền chỉ vào phía trong, bảo phải tới đủ, không được thiêu một ai, nếu dối trá thì chỉ trong chốc lát am Bạch Y này lập tức sẽ ra tro. Ni Nguyệt Chân không biết làm sao đành quỳ xuống tâu lên:

- Trong thuở bần ni còn có một tên đồ đệ mới tới, tuổi tre e lệ, chưa rành lễ phép, sợ rằng xúc phạm đến thánh giá.

Hoàng đế truyền chỉ xuống bảo phải gọi người đồ đệ đó ra ngay, sẽ tha thứ cho tội thất lễ. Lý tiểu thư lúc đó trốn ở sau điện, nghe rõ cả mọi chuyện, nghĩ bụng mạng mình nguy rồi, chi bằng nhân lúc này tự tận cho xong nghĩ vậy, nàng nhác thấy một con dao bầu để trên bàn, liền cầm lấy đâm vào cổ. Nhưng nàng không ngờ trong lúc nguy cấp đó, ba bốn tên thái giám từ phía sau phóng tới chụp lấy con dao nọ, rồi chẳng cần hỏi tra gì, hai đứa xốc nách nàng, hai đứa đẩy đằng sau, vừa kéo vừa xô ra phía trước điện.

Lý tiểu thư tuy tóc đã cắt, nhưng làm sao che được cái mặt tươi như hoa, cặp mày ngài cong vút, cái cổ trắng nõn, tấm thân tròn trịa mịn màng như ngọc như ngà, thật chẳng giảm hơn lúc ngồi giặt tại đầu cầu Kim Toả bao nhiêu:

Hàm Phong hoàng đế nhìn kỹ người nàng, không khỏi lòng mừng như mở cờ, miệng cười toe ra như ống loa, tha thiết nói:

- Người đẹp, người đẹp! Thật là mòn gót mới tìm ra, vất vả cũng bõ công phu! Thôi, nàng hãy về cung với trẫm hưởng phú quý

Lý tiểu thư quỳ phía trước, chỉ khóc, nước mắt chảy đầm đìa trên mả, không nói ra được lời nào. Hoàng đế thấy nàng quả đáng thương, lại bị xúc động bơi cái sắc mê hồn; thế là ngài bước xuống, lấy ống tay áo mình lau lệ cho nàng. Ngài đem lời an ủi:

- Trẫm và nàng kiếp trước có duyên nợ cùng nhau. Từ hôm gặp nàng ở cầu Kim Toả, lòng trẫm nhớ nhung chẳng khuây, mộng mị đã nhiều ngày. Nay trẫm tới đây đón nàng, thực không phải để ép buộc nàng phải hiến thân cho trẫm, mà thực chỉ cầu mong nàng thương trẫm với một tấm tình si mê chiều quý. Thôi nàng hãy về cùng trẫm đi, để cho trẫm ngày ngày chỉ cần nhìn nhan sắc của nàng cũng đã đủ thoả nguyện rồi. Nếu nàng quyết chí tu hành, trẫm sẽ không dám cưỡng. Nhưng chốn am thanh cảnh vắng này quá chật hẹp, quá tầm thường, đâu có phải là chỗ nàng ở được. Trong vườn Viên Minh của trẫm, Phật điện có thiếu gì. Nàng cứ vào vườn và muốn tu tại nơi đâu thì tu. Trẫm còn cho mấy con cung nữ tới hầu hạ là đằng khác. Trẫm xin thề rằng tuyệt không cưỡng bức nàng điều gì.

Lời nói của Hàm Phong hoàng đế vừa ngọt ngào lại vừa ôn tồn. Bọn thái giám chưa từng được nghe những lời lẽ êm dịu như vậy bao giờ. Bởi thế chúng lấy làm lạ vô cùng.

Sau đó, hoàng đế quay hỏi vọng ra ngoài:

- Xe rước mỹ nhân đã sửa soạn xong chưa?

Phía ngoài có tiếng đồng thanh đáp:

- Dạ! Đã xong!

Thế là hoàng đế hạ lệnh cho đỡ người đẹp của ngài ra xe, Lý tiểu thư thấy bọn thái giám đến đỡ nàng vội chạy tới trước mặt ni cô Nguyệt Chân rồi lăn vào lòng bà. Nhưng đến lúc này thử hỏi Nguyệt Chân còn có cách gì để che chở cho nàng được nữa? Bà chỉ còn thiết tha căn dặn mọi điều rồi ghé tai thì thầm bảo rằng:

- Vào cung, tiểu thư không nên quật cường ngang ngạnh làm chi, mà có cũng chẳng được đâu. Lỡ hoàng thượng nổi giận thì mất mạng đó. Nay hoàng thượng đã vui lòng cho nhập cung, ta xem ra ông cũng biết thương số phận người con gái lắm đấy. Miễn làm sao tiểu thư đừng có thất chí, thì ngài cũng chẳng nỡ bắt ép gì đâu.

Lý tiểu thư nghe lời Nguyệt Chân, quyết định một chủ ý tức là chết mà thôi. Thế rồi nàng để mặc cho bọn thái giám đưa đi…