Viên nữ tỳ ở chính điện thấy nàng phi tử đưa tới, liền treo một bức màn gấm ở giữa điện, rồi mời Chánh phi ra ngồi phía ngoài bức màn, phía tả đứng một đội yêu nữ tay cầm ống nhỏ, lư hương và khăn bàn, gọi là Văn ban, còn phía hữu đứng một đội thị vệ, mình mặc giáp trụ, tay cầm cung kiếm, gọi là Võ ban.
Cả hai ban Văn, Võ này nếu không có lệnh của Chánh phi, thì không được hành động. Một ban thiếu niên con trai đứng đối diện một ban thiếu nữ trẻ măng, tai nghe những tiếng tình tự, đùa cợt, hay là tiếng ma quái lạ kỳ nào đó phía bên trong màn, thảy đều phải nghiêm nét mặt, có muốn cười cũng không dám cười.
Nói đến Tứ phi, ai cung chịu nàng là đệ nhất mỹ nhân trong Thiên vương cung hồi đó. Hồng Tú Toàn tuy hiếu sắc nhưng không cần bọn gái nhỏ như vua Thanh. Toàn chọn gái cũng không cần chọn mặt nữa, mà chỉ chọn thân hình. Cô nào có tấm thân óng chuốt, nõn nà, đồ sộ như bức tượng ngọc là được Toàn chọn. Toàn thường nói với tả hữu:
- Gái mà được là mỹ nhân, quyết phải có cái bụng thẳng, đôi vai thon, ngực bằng, người cao.
Trong cung của Hồng Tú Toàn có một cái thước đo người đẹp (lượng mỹ xích). Phàm khi tuyển gái vào cung, trước hết phải dùng thước này đo xem kích thước bao nhiêu đã rồi mới xét tới mặt mũi da thịt. Cô nào mặt mũi tuy đẹp nhưng thân hình nhỏ bé Toàn cũng chẳng thích. Đến khi xem tới chân gái thì Toàn chỉ chọn những cặp chân thiên nhiên nhỏ nhắn xinh đẹp trong vòng năm tấc trở lại (dưới triều nhà Thanh có tục gái bó chân cho chân nhỏ). Khi chọn gái làm phi tử, bốn năm ngày mà cũng không tìm ra được một nàng chánh phi, Thiên hoàng lấy làm buồn bực quá, về sau có một tên thủ hạ chuyên tìm gái, tìm được Tứ phi ở Chiếu châu, người cũng như chân, kích thước đều trúng cách.
Hôm Tứ phi vào cung, Hồng Thiên vương đang ngồi xem hoa tại Diêu đài. Bốn đứa trạch nữ đưa Toàn lên Diêu đài, thấy Từ phi thân hình yểu điệu, tay chân thon đẹp như ngọc, chẳng khác một nàng tiên, tà áo phất phơ đầu gió. Thiên hoàng bèn triệu hạnh tại Diêu đài, sau đô, phong nàng làm Diêu đài đệ nhất phi, về sau phong làm hoàng hậu.
Đông vương Dương Tú Thanh vốn là một tay háo sắc có tiếng, nghe nói Từ hoàng hậu đẹp lắm, bèn tung tin nói hoàng hậu là con gái của Thượng đế.
Trong Thái Bình hoàng cung vốn có một toà Thừa Thiên đường. Đây là nơi thánh đường đến để giảng đạo. Cứ bảy ngày một lần, trong cung Thái Bình lại mời Thanh tới ngôi nhà thờ này giảng đạo Thiên Chúa. Thanh bảo với con chiên bổn đạo rằng mình chính ở trên trời, thay thế Thượng đế giáng sinh xuống trần để truyền đạo, Từ hoàng hậu vốn là con gái của Thượng đế, vậy thì hậu cũng là con gái của Đông Vương.
Tuyên bố vậy rồi, Thanh liền truyền Từ hoàng hậu vào bái kiến. Hồng Thiên vương không biết làm cách nào, đành phải bảo hoàng hậu tô son điểm phấn, sửa soạn vào bái kiến Đông vương.
Đông vương Dương Tú Thanh vừa mới thấy bóng người đẹp đã hồn phách lên mây. Thế là từ đó Thanh cứ lấy danh nghĩa Thượng đế gọi Từ hoàng hậu tới phủ Đông vương. Thượng đế giáo là quốc giáo của Thái Bình Thiên quốc, nên Hồng Thiên hoàng cũng không dám phản đối. Đông vương Dương Tú Thanh lại nắm giữ giáo quyền thế lực rất lớn, ngay cả Thiên hoàng cũng chẳng đám làm gì Thanh.
Về sau Từ hoàng hậu bàn tính với Toàn một kế sách, cho Toàn biết bên cạnh Thanh có một cô nữ thư ký tên gọi Phó Thiện Tường sắc nước hương trời mà Thanh hết sức cưng chiều, rồi xúi Toàn:
- Bệ hạ nói thác ra rằng trong cung cấm sao nhiều văn thư mật cần tuyên triệu Phó Thiện Tường vào cung giúp việc.
Nghe xong, Thiên hoàng hiểu ngay và định ngay chủ ý. Từ đó về sau, cứ mỗi khi Đông vương cho người mời Từ hoàng hậu thì Thiên hoàng cũng hạ lệnh tuyên triệu Phó Thiện Tường vào cung. Đông Vương sợ đánh mất Phó Thiện Tường nên từ đó không dám cho người đến mời Từ hoàng hậu nữa.
Phó Thiện Tường đẹp đến thế nào mà được Đông vương cưng chiều đến thế?
Phó Thiện Tường vốn con nhà tử tế đất Kim Lăng, đi học từ thuở nhỏ, chữ nghĩa tinh thông. Nàng quả có sắc chim sa cá lặn, đổ nước nghiêng thành. Khi Thái Bình Thiên quốc đặt kinh đô tại Kim Lăng, liền cho người đi khắp nơi chọn gái đẹp đưa về nữ quán ở đây, rồi nói thác là mời về làm nữ thư ký đưa vào cung. Hồi đó Phó Thiện Tường mới có mười bảy tuổi. Đông Vương vừa thấy nàng liền cho lệnh gọi về phủ, để ở trong lầu Đa bảo, coi giữ văn thư ở trong phủ.
Cái lầu Đa bảo này ở về mé sông nam Tử hà trong hoa viên của vương phủ. Phía ngoài lầu, hoa cỏ vây quanh, chim cá lượn từng bầy… Trong lầu trần thiết châu ngọc đủ loại trên bốn vách. Phó Thiện Tường lại thích các bức hoạ chữ cổ. Đông Vương bèn bảo bọn thủ hạ tới các nhà dân cư nhà nào có là cướp đoạt đem về. Những cái đỉnh ngọc cũng được tập trung tại đây. Thiện Tường suốt ngày đốt nhang đọc sách, hết sức nhàn nhã, Đông vương tuy sủng ái nàng hết sức nhưng cũng không dám tới quấy rầy nàng nhiều. Trái lại, vương suốt ngày chỉ cùng với em gái Hồng Thiên hoàng là Hồng Tuyên Kiều mua vui ở động Thiên Xuân góc tây nam hoa viên. Động Thiên Xuân xây cất toàn bằng đá hồ, óng ánh rực rỡ. Trên nền nhà, trải toàn thảm nhung; chung quanh tường treo toàn màn gấm. Ở bốn góc tường đá, đều có gắn đèn phản quang, chiếu sáng như ban ngày. Đến mùa hè, bốn phía mở hết cửa sổ, gió mát thổi lộng vào trong, mát mẻ vô cùng. Mùa đông sang, cửa động đóng kín. Dưới đất đốt bếp lửa, mười phần ấm áp. Khu thạch động kiến trúc quanh co đi vào trong chẳng khác như đi vào mê hồn động.
Còn Hồng Tuyên Kiều là người như thế nào? Nàng thật là một vưu vật cõi nhân gian. Nàng với Hồng Tú Toàn là anh em cùng cha khác mẹ. Sau khi phụ thân Toàn chết mẹ nàng liền bỏ đi lấy chồng khác. Toàn tính vốn ham kết giao bạn bè ngay từ hồi còn nhỏ và lang thang chốn giang hồ, hành tung bất định. Toàn thấy cô em gái không người nương tựa, bèn ký thác cho anh là Hồng Nhân Phát nuôi dưỡng.
Hồng Tuyên Kiều ngày từ lúc nhỏ đã có bộ mặt xinh xắn mày xanh mắt trong, trông rất đáng yêu. Tính tình lại hào sảng. Nàng thích ăn bận như kiểu con trai. Hồi mười bảy, nàng thấy người hàng xóm biết võ, liền theo học. Lâu dần, hết tháng này qua năm khác, nàng đã có một bản lĩnh cừ khôi, có thể chạy nhảy như bay, múa đao, múa kiếm nhanh thư chớp.
Đúng lúc nàng học võ đã thành tài thì nhà Hồng Nhân Phát bị cháy rụi. Nàng không còn nhà để về, thế là nàng theo người phiêu bạt giang hồ. Cũng chính lúc này, Hồng Tú Toàn đang cùng với bọn Phùng Vân Sơn, Chu Cửu Đào vào hội tin thờ Thượng đế. Cửu Đào chết, Toàn lên thay làm hội trưởng.
Toàn trở về nhà tìm em gái nhưng nàng đã ra đi, không biết về phương nào.
Hồi đó, ở miền Võ Tuyên, có một người họ Tiêu, là một đại tài chủ, giàu có lớn. Toàn ở Quế bình đang cần tiền, vì phải có tiền thì hội mới mong phát triển được. Toàn bèn nghĩ cách đưa họ Tiêu vào hội để mượn tiền. Toàn liền đưa anh em đồng đạo về ở tại núi Bằng Hoá miền Võ Tuyên rồi đích thân mình ngày ngày tới khuyên họ Tiêu vào hội tin thờ Thượng đế.
Tiêu Triều Phụng vốn là người thích làm việc thiện, nghe thấy nói hội Thượng đế cứu người thoát khổ ách, có phần tin tưởng đôi chút. Nhưng phiền là con ông ta gọi Tiêu Triều Quý, một thanh niên đẹp trai hào sảng, võ nghệ cao cường, thấy Hồng Tú Toàn có cái điệu bộ kỳ cục, quỷ quái, bèn quay đi không thèm để ý tới. Tiêu Triều Phụng chỉ có mỗi một mình Quý là trai, nên hết sức cưng chiều. Ông Phụng thấy con không tin thì cũng chẳng chịu bỏ tiền ra giúp Toàn.
Giữa lúc Hồng Tú Toàn vô kế khả thi đành khoanh tay ngồi nhìn thì Tiêu Triều Quý bỗng xảy ra một cuộc lượng duyên ngoài ý muốn. Số là Quý suốt ngày chỉ lang thang hết phố lớn đến phố nhỏ chơi bời đàng điếm với bạn bè. Bỗng một hôm Quý thấy có một đám Sơn đông mãi võ, quần chúng đứng vây quanh đông nghẹt để xem. Quý cũng vội lách vào xem.
Mọi người thấy Quý vốn công tử con nhà giàu, gia tư tỷ triệu, liền nhường chỗ cho Quý đứng hàng đầu.
Một lát sau, Quý thấy một tên đại hán đứng trước đám đông nói vài ba câu giáo đầu, rồi bắt đầu đánh chiếc thanh la phèng phèng. Một cô gái trẻ măng mặt thoa phấn môi tô thắm, thật là sắc nước hương trời, chạy ra nhìn khán gia mỉm cười.
Quý thấy người con gái đẹp quá, không chịu nổi cũng phải thốt lên::
- Đẹp quá!
Sau đó, người con gái bắt đầu múa võ dượt quyền, miếng võ nào, thứ khí giới nào, cũng đều tinh thông.
Quý thấy vậy, lại một lần nữa ca tụng:
- Trời! Quả là một trang nữ anh hùng!
Người con gái được khen, liền liếc mắt nhìn quý. Quý vốn là một cậu trai tính nóng lại đa tình, làm sao mà nhịn được, nên chỉ một cái nhìn ấy, thần hồn dã bay bỗng đi mất. Quý đợi mãi đến khi nàng thu dọn đồ nghề mới bước gần anh chàng đại hán, bảo hắn mình có ý mua người con gái nọ.
Anh chàng đại hán lâu nay sinh sống thảy đều nhờ cô gái nọ, đời nào chịu bán. Quý thấy anh chàng đại hán không chịu bán, tình cấp ý sỉnh. Hơn nữa, Quý còn ỷ mình con nhà giàu ở địa phương và thân hình khỏe mạnh, mình đồng da sắt, bèn quắc mắt, dựng ngược đôi mày quát một tiếng lớn, chỉ vào mặt đại hán:
- Thằng tù mọt gông kia! Mi cả gan dám bịp bợm đồng bào giữa ban ngày ban mặt. Mi chịu thì chịu ngay đi, còn nếu không chịu thì ta sẽ đưa mi tới ông huyện để mi biết thủ đoạn của thái gia họ Tiêu này.
Nói đoạn, Quý liền xốc lại, giơ tay nắm lấy cánh tay tên đại hán. Tên đại hán thấy Quý thanh thế oai hách quá, đâm ra hoảng vội kéo Quý vào một cái tiệm nước nhỏ điều đình, thế là Quý chỉ còn phải đưa ra hai trăm lạng bạc mua được nàng đem về.
Quý hí hửng cho là mình đã có một cuộc tình duyên tốt đẹp lắm, ai ngừ ngay đêm đầu tiên ấy Quý đã thất vọng vì nàng đã mất trinh từ lúc nào. Quý hỏi nàng mới biết nàng bị tên đại hán nọ cưỡng gian. Quý giận lắm, dắt một con dao sắc, lén đi tìm tên đại hán. Tên đại hán nọ vẫn còn ngụ tại khách sạn. Quý cầm dao, tông cửa xông vào.
Quý nhè giữa ngực tên đại hán lụi một dao lút cán. Tên đại hán ngã quay ra chết tốt. Quý chạy ra, trốn về nhà, nói chuyện cho cha mẹ nghe. Ông Tiên Triều Phụng thấy con giết người chân tay rụng rời, mặt mày xám ngoét lại, vội bảo con;
- Việc đã đến thế này thì đi ngay vào núi Bằng Hoá mà cầu cứu Hồng giáo chủ đi. Giáo chủ binh hùng tướng mạnh có thể cứu con được.
Quý nghe lời cha bèn ngay đêm đó, mang luôn cô gái nọ vào núi Bằng Hoá, Hồng Tú Toàn thoạt nhìn cô gái, nhận ngay ra được em gái mình là Hồng Tuyên Kiều. Kiều cũng nhận ra Toàn là anh mình, thế là hai anh em ôm nhau khóc ròng. Toàn hỏi Kiều nguyên do. Lúc đó Kiều mới kể hết mọi chuyện cho anh nghe.