Gọi Thiết Mộc Chân về vì Bật Tê cảm thấy một đại họa sắp xảy ra. Sau lúc thảm bại, Trác Mộc Hợp chạy đến nương nhờ thế lực của Tang Côn con của Tô Ha Rin. Họ hoạt động chung và đang chuẩn bị một trò gì đây…
Từ trước đến giờ Tang Côn luôn luôn phản đối cuộc liên minh giữa cha mình với Thiết Mộc Chân. Hắn cho rằng vị chúa Mông Cổ trèo quá cao… Rồi qui tụ tất cả những kẻ thù của Thiết Mộc Chân lại, mở rộng cửa đón tiếp tất cả các nhà quí tộc bất mãn như An Tăng, Cút Sa, Đa Di Đài. Bọn này kéo hết vi cánh đến Khắc Liệt, được đãi trọng hậu như bọn thân cận của Tô Ha Rin. Bật Tê nói:
- Đó chẳng phải là một điềm bất thường hay sao?
Thiết Mộc Chân vẫn còn nghi hoặc:
- Vương hãn với ta giao hảo từ bao nhiêu năm rồi, lúc nào ta cũng giữ một niềm trung thành chưa làm điều gì lỗi lầm. Vả lại hai bên cam kết tin tưởng nhau, giải quyết mọi việc trong tình hữu nghị, có lẽ nào…
Bật Tê mới nhắc lại tất cả những chuyện cũ. Cuộc liên minh giữa Mông Cổ và Khắc Liệt thật ra có lợi cho Khắc Liệt nhiều hơn. Chỉ có lần đầu là Thiết Mộc Chân phải mượn thế lực của Vương hãn đánh quân Miệt nhi để giải thoát Bật Tê, còn về sau chính Thiết Mộc Chân đã giúp cho Vương hãn rất nhiều. Khoảng mùa xuân năm 1196, Vương hãn bị người bào đệ là Át Kê Ka Ra mượn lực lượng của Nãi man về cướp ngôi. Ông ta phải trốn qua Tây liêu nhờ chúa nước này giúp cho phục ngôi, nhưng bị Tây liêu xua đuổi phải lưu vong khổ sở trong sa mạc Gobi, mới xin Thiết Mộc Chân về nương náu trong đất Mông Cổ. Thiết Mộc Chân chẳng những giúp cho chỉnh đốn lại đám tàn quân, còn phái quân Mông Cổ đưa ông ta về khắc phục lại ngôi cũ. Một người bào đệ khác của Vương hãn là Gia Gam Bu vì cuộc chính biến phải trốn qua nước Kim, Thiết Mộc Chân cũng phái quân hộ tống ông ta đi ngang qua bộ lạc Miệt Nhi để trở về xứ. Vậy mà sau đó, có một lần Vương hãn đơn phương đem quân đi đánh Miệt Nhi không cho Thiết Mộc Chân hay. Trận ấy ông ta đuổi được tù trưởng Miệt Nhi là Tốc Tô A chạy đến tận đông nam hồ Baikal, bắt rất nhiều tù binh và cướp vô số gia súc nhưng không chia một phần nào cho Thiết Mộc Chân. Chúa Mông Cổ không hề phàn nàn, đòi hỏi gì hết mà một lần khác vẫn nghe theo lời kêu gọi của Vương hãn hội binh đi đánh Nãi man. Lúc bây giờ Y Năng Sơ đã chết, hai người con là Đài Bu Ga và Bu Di Rúc dành nhau một cung phi của cha. Lợi dụng cơ hội đó, Vương hãn và Thiết Mộc Chân tấn công Bu Di Rúc, đuổi đến hồ Oulingour và giết y ở đó. Nhưng qua mùa đông tướng Nãi man là Cốc Xê Gu bất ngờ phản công trở lại dữ dội, áp đảo mãnh liệt quân liên Mông Cổ - Khắc liệt – Liệu thế không xong, nửa đêm khuya Vương hãn rút quân đi êm không cho Thiết Mộc Chân biết, khiến cho binh Mông Cổ triệt thoái trong cảnh hết sức khốn đốn. Đến vụ này lẽ ra cuộc liên minh phải tan vỡ nhưng Thiết Mộc Chân vẫn chưa lấy làm phiền nghĩa phụ của mình. Bây giờ quân Nãi man khí thế đang hăng kéo tới Khắc Liệt cướp phá. Gia Gam Bu và Tang Côn đánh không lại, rốt cuộc cũng chạy đến cầu viện Thiết Mộc Chân. Ông liền phái bốn viên dũng tướng Bác Nhĩ Hốt, Mộc Hoa Lê, Xích Lão Ôn, Bác Nhĩ Truật điều động bốn quân đoàn tới giúp Tang Côn đuổi quân Nãi man…
Giờ đây Khắc Liệt đã rảnh tay cho nên Bật Tê lấy làm lo sợ.
Bàn bạc, suy tính xong, Thiết Mộc Chân liền gởi một đoàn sứ giả qua Khắc liệt hỏi cưới công chúa Sa Ua Ba Ki con của Vương hãn cho Truật Xích. Và đổi lại Thiết Mộc Chân sẽ gả Hoa Trang, con gái của mình cho một đứa cháu nội của Vương Hãn.
Ngờ đâu chuyện này giúp cho Tang Côn có một chứng minh cụ thể để thuyết phục cha mình: “Mưu toan của hắn quá rõ ràng, hắn muốn chiếm ngôi Khả hãn Khắc liệt. Đến khi phụ vương mất, hắn sẽ đòi hỏi cho Truật Xích kế vị. Cho nên hắn không tiếc những tặng phẩm quí giá cũng như thường chia chiến lợi phẩm cho người Khắc liệt nhiều hơn. Chẳng qua là một thủ đoạn để kéo người theo hắn. Thằng Mông cổ đó quả có tham vọng điên rồ. Hắn học đòi làm sang nên mới dám đến hỏi công chúa cho cái thằng Truật Xích chẳng biết con của ngợm nào? Ta phải trừ nó sớm đi kẻo sau này tai hoạ không biết đâu mà lường!”
Tô Ha Rin ban đầu bác bỏ luận điệu của con: “Ta thấy Thiết Mộc Chân có thiện chí chớ không như thế đâu! Hắn rộng lượng và lúc nào cũng tôn kính ta. Nay ta già rồi, tóc đã bạc, mầy nên để ta chết trong cảnh thái bình.”
Nhưng Trác Mộc Hợp vẫn cứ xúi giục Tang Côn lôi cuốn người cha. Họ giở những lý do khác: đã đành Thiết Mộc Chân lúc nào cũng tôn kính phụ vương, bởi hắn cần nương thế lực của ta, nếu không thế hắn đâu được mạnh như ngày nay. Nhưng phụ vương hãy xét coi hắn đối với kẻ khác như thế nào. Trác Mộc Hợp cũng đã giúp hắn đánh bọn Miệt Nhi đem Bật Tê về, giúp hắn chống bọn Diệt Xích Ngột. Vậy mà hắn trở mặt đánh Trác Mộc Hợp chỉ vì hắn muốn tranh ngôi Đại hãn. Và đối với những nhà quí tộc Mông cổ đã nhường ngôi Khả hãn cho hắn, hắn cũng lần lượt tìm cách sát hại, cả những bà con thân thích như Tạc Gô Đài, Xát Sa. Còn An Tăng, Cát Sa, Đa Di Đài nếu không trốn đi ắt cũng chung số phận. Cái thứ rộng rãi của hắn chỉ là một thủ đoạn quỷ quyệt, nhờ đó mà lôi kéo được một số người Khắc Liệt ta. Ngày phụ vương băng hà rồi, chắc chắn Thiết Mộc Chân sẽ trổ hết lòng tham không đáy của hắn ra, hắn sẽ lợi dụng những mâu thuẫn giữa các bộ lạc Khắc Liệt, gây điêu tàn trên xứ ta. Xin phụ vương khoan nghĩ tới cuộc sống an nhàn trong tuổi già mà hãy nghĩ tới sự tồn vong của dân ta.
Mãi rồi Tô Ha Rin cũng đâm ra băn khoăn “nghĩa tử của ta chẳng làm điều gì lỗi, nhưng biết đâu ta chết rồi hắn chẳng trở giáo? Chi bằng sớm trừ hậu hoạ là tốt hơn.” Ông đi đến một quyết định:
- Nầy Tang Côn, mày muốn làm gì thì làm, nhưng ta không thích nhúng tay vào vụ này.
Tang Côn chẳng đòi hỏi gì hơn. Tức thì hắn gởi một đoàn sứ giả qua Mông Cổ, mời Thiết Mộc Chân hãy đích thân đến bàn về các chi tiết của cuộc hôn nhân. Đồng thời hắn tập hợp các bộ lạc Khắc Liệt lại. Họ định đầu độc Thiết Mộc Chân trong bữa tiệc đón tiếp và liền theo đó xua quân qua tiêu diệt lực lượng Mông Cổ, phòng ngừa bọn tướng lãnh của Thiết Mộc Chân khởi binh phục thù cho chúa của họ.
Thiết Mộc Chân nhận lời mời rồi qua thăm mẹ và Muôn Lịch trước khi lên đường. Hai người này hết sức cản ngăn ông, quả quyết rằng chuyến đi này rất nguy hiểm: có lý nào Tang Côn và bọn cửu địch lại sốt sắng trong việc hôn nhân của em cháu mình thế? Bà U Luân đã biết quá nhiều về những vụ phản trắc, những vụ đầu độc, những cách thanh toán kẻ thù ở miền đồng cỏ này. Bà có cái linh cảm đây là một thứ bẫy…. Thiết Mộc Chân mới bỏ ý định qua Khắc Liệt, mà chỉ phái một sứ giả đi, giả vờ đặt lại vấn đề hôn nhân của hai đứa con để dò hư thực.
Tang Côn liền giục phụ vương: trong trường hợp này chỉ có một cách là phải hành động gấp rút cho Thiết Mộc Chân không trở tay kịp. Lúc bấy giờ hắn đã tập hợp được một lực lượng đáng kể. Tô Ha Rin liền dẫn đám thuộc hạ và đại quân Khắc liệt tiến thẳng về phía đông.
Gần đến biên giới, tướng Khắc liệt là Dê Kê ra lịnh dừng quân chuẩn bị hàng ngũ. Lúc đó có hai đứa chăn chiên tên Ka Si Lích và Ba Đài trông thấy liền phi báo cho quân Mông Cổ hay.
Thiết Mộc Chân chỉ còn 4600 quân thường trực ở lại đoàn trại; bây giờ muốn tránh cũng quá trễ rồi, quân Khắc liệt sẽ tới khoảng giữa đêm mai. Tức khắc Thiết Mộc Chân cho đoàn mã khoái “Tên bay” phi ra khắp các ngã truyền cho các bộ lạc Mông Cổ phải tức tốc kéo về ứng chiến. Một mặt cho lùa hết súc vật đi ra các vùng đồng hoang vắng; đàn bà trẻ con phải thu nhặt hết của cải, đồ đạc chất lên xe cho lạc đà kéo đi nơi khác. Thiết Mộc Chân rút quân đi cách đó nửa ngày ngựa, dàn quân ở một vùng núi chờ địch. Tất cả lều trại đều để y nguyên; Gia Luật Mễ ở lại với một toán quân nhỏ, cứ đêm tới thì đốt lửa lên như thường lệ, lúc nào giặc tới mới được rút về nhập vào đại quân.
Quân Khắc liệt đã từng chiến đấu chung với quân thiện chiến của Mông Cổ, thừa biết sức nhau, nên không dám khinh địch. Họ chỉ hy vọng thắng quân Mông Cổ ở cái đòn công kỳ vô bị. Thấy lửa trại còn ánh lên rừng rực họ cũng chưa dám khinh động, cứ lặng lẽ tiến tới bao vây khắp các ngã. Một tiếng tù và rú lên nghe rợn mình giữa đêm tối âm u. Tiếp theo là muôn ngàn tiếng thét man dã, tiếng vó ngựa dập dồn tiến vào giữa các lều. Họ quyết dẫm nát, giết sạch bọn Mông Cổ đang say ngủ. Nào ngờ chỉ là một cái đoàn trại trống rỗng không có một bóng người. Quan sát kỹ họ mới thấy địch vừa rút đi hấp tấp, còn bỏ lại những món ăn đang ăn dở, những vật dụng nhà bếp rải rác trên mặt đất. Đoán biết kẻ địch mang theo đàn bà trẻ con và súc vật tất kềnh càng khó chiến đấu và không thể đi nhanh được, họ liền lao mình vào bóng tối đuổi theo.
Trong lúc đó Thiết Mộc Chân bình tĩnh chuẩn bị cuộc xáp chiến, cắt đặt phận sự cho các tướng.
Đại quân của Tô Ha Rin chưa kịp tới mặt trận thì cánh tiền quân của họ đã bị tiêu diệt trọn. Địa thế ở vùng núi Khingan thật bất lợi cho phe tấn công, họ không thể dàn quân ra được. Nhưng quân Mông Cổ quá ít nên dù hết sức can đảm và kiên trì cũng đành phải lui dần trước cái biển người Khắc liệt.
Thiết Mộc Chân có dự liệu sẵn chiến thuật đánh tập hậu gây rối hàng ngũ địch để gỡ nguy phần nào; vào phút chót bỗng một lá hiệu kỳ phất phới ở chân đồi phía hậu quân Khắc liệt, nhìn lại thì ra tướng Mông cổ Quy Dinh Đa. Tô Ha Rin phải chia quân ra đánh hai mặt. Toán Mông cổ ở chân đồi chống cự cực kỳ anh dũng, đánh bật hàng chục đợt tấn công của địch. Tang Côn bị lão tướng Dược Sơ Đài bắn một phát tên trúng mặt rơi xuống ngựa.
Tô Ha Rin thấy không thể giải quyết trận đánh trong một ngày được liền thu quân và đóng trại nghỉ ngơi. Họ không sợ bị phản công vì quân Mông cổ đã kiệt lực. Một số lớn quân thiện chiến đều tử trận, nhiều tướng tài bị thương nặng. Bác Nhĩ Truật, Bác Khô La, Oa Khoát Đài – con thứ ba của Thiết Mộc Chân – đều mất tích.
Nghe các tướng báo cáo những tổn thất, mặt Thiết Mộc Chân vẫn thản nhiên, ông chỉ nói vắn tắt: “Hai viên tướng đó đều là bạn trung thành của chúng ta. Họ cùng chết một lượt vì họ không bao giờ muốn xa nhau.”
Nhưng một lát sau Bác Nhĩ Truật trở về, kế đó Bác Khô La trên lưng ngựa đèo thêm Oa Khoát Đài nằm sóng sượt như một cái xác, Bác Khô La mặt bê bết máu vì ông ta vừa nút vết thương của Oa Khoát Đài. Trước cảnh này Thiết Mộc Chân không sao cầm được giọt lệ, nhưng vẫn không chịu bỏ cuộc, cho dời thương binh đi và tìm cách săn sóc họ.
Trong tình trạng này ngày mai làm sao có thể tái chiến? Ai nấy đều cảm thấy chỉ còn một cách là rút chạy gấp nếu không chắc chắn sẽ bị tiêu diệt. Các tướng đều đồng thanh xin Thiết Mộc Chân cho lịnh rút quân, nhưng ông lắc đầu: nếu đại quân rút trước thì cánh quân ở bên đồi sẽ bị thảm sát. Theo ông thà tử chiến với quân địch để cùng chết chớ không thể bỏ những chiến sĩ trung kiên. Cho đến lúc người lính cuối cùng ở bên đồi về tới, ông mới cho cấp tốc nhổ trại, thúc quân mã đem hết tàn lực ra tẩu thoát.
Về sau khi trở thành vị Chúa của toàn thể dân du mục, Thiết Mộc Chân nâng mối tình thuỷ chung ấy lên thành một thứ luật sắt. Đơn vị nhỏ nhất của quân đội gồm có chín người với một Thập phu trưởng phải cùng sống chết với nhau; thà bị địch giết sạch còn hơn là bỏ một người bạn bị thương. Kẻ nào bỏ bạn đồng đội sẽ bị tử hình không có trường hợp giảm khinh.
Cuộc bại binh này gây ra những hậu quả tai hại không nhỏ. Các bộ lạc được Thiết Mộc Chân gọi đến trợ chiến đều tìm cớ thối thác. Đa số tù trưởng cho rằng Thiết Mộc Chân đã vượt quá quyền hạn Khả hãn của mình: việc quan hệ như chiến hay hoà phải do họ quyết định chớ không thể bắt họ phải cúi đầu vâng theo. Mà giờ đây tại sao họ còn phải đi đánh giặc? Bao nhiêu năm nay họ đã dự hằng trăm trận, có nhiều của cải, có thừa đàn bà, nhiều nô lệ và súc vật rồi; họ đang ở trên những đồng cỏ xanh tươi thế này tại sao phải bỏ cái đời sống sung túc lao mình vào chỗ mệt nhọc nguy hiểm? Cứ thủ phận thì chẳng việc gì xảy ra, ngược lại họ sẽ bị vạ lây nếu theo Thiết Mộc Chân. Chắc chắn Tô Ha Rin sẽ tàn sát vợ con họ và cướp hết súc vật. Cuộc chiến đấu này là việc riêng của Thiết Mộc Chân, nếu ông ta bại càng tốt, họ sẽ được tự do hành động hơn.
Riêng Thiết Mộc Chân và bọn thuộc hạ tình cảnh thật bi thảm, họ không biết trông cậy vào sự cứu giúp của ai nữa. Phải trốn lánh những đồng cỏ có đông người ở, những con đường có kẻ qua người lại. Họ ẩn núp trong những vùng cằn cỗi tiêu sơ; cả người và thú phải uống nước bẩn ở vũng sình lầy; rồi thêm một số người bỏ ra đi vì hết chịu đựng nổi. Dù vậy, những người còn ở lại đồng thề giữ dạ trung thành, quyết không bỏ nhau, cùng nhau san sẻ niềm vui nỗi khổ. Nhưng không nơi nào họ ở lâu được, phải chạy, chạy mãi về hướng đông vì lúc nào cũng có quân Khắc Liệt đuổi theo.
Trong cuộc bại tẩu này, mái tóc của Thiết Mộc Chân bắt đầu có những mảng bạc trắng. Bọn tuỳ tướng ngạc nhiên, một hôm hỏi ông, tại sao ông chưa bước qua tuổi già mà lại như thế, ông liền đáp chẳng cần một giây suy nghĩ: “Vì Trời muốn trao ngôi cao cả cho ta nên mới ban cho những nét tôn nghiêm như vậy”.
Ông không bàn bạc với ai, không than thở cảnh mạt lộ và tự tìm một con đường thoát: gởi sứ giả đến Tô Ha Rin, nhắc với vị quốc vương những công lao của mình trước kia và những lời cam kết giữa hai người. Ông bắt sứ giả phải học thuộc lòng những lời sau đây để chuyển lại Tô Ha Rin:
“Hỡi nghĩa phụ! Vì sao nghĩa phụ lại phẫn nộ đến mức đó? Nếu Thiết Mộc Chân nầy có điều lỗi lầm xin nghĩa phụ cứ quở trách thẳng thắn cần chi đến phải xua binh qua dày xéo dân Mông Cổ? Nghĩa phụ nên an hưởng tuổi già, bày chi cảnh chiến tranh tàn khốc. Nghĩa phụ và các bạn Tang Côn, Trác Mộc Hợp cùng tất cả các bạn khác hãy phái đại biểu mở hội nghị, chúng ta có thể giải quyết mọi thắc mắc, hiềm khích, tái lập lại hoà bình…”
Đồng thời gởi sứ giả tới An Tăng, Cút Sa, Đa Di Đài đề nghị với họ y như thế.
Lời phúc đáp thật quá phũ phàng; Tang Côn thay mặt cho tất cả trả lời như sau: “Chúng ta cần nói với hắn bằng gươm giáo!”
Thiết Mộc Chân rơi vào cái thế tuyệt vọng; bọn Tô Ha Rin cứ đuổi nà theo, ông phải chạy mãi về miền đông cho tới hồ Baldchoun chỗ giáp giới nước Kim, tới đây địch quân mất dấu không tìm được nữa.
Ngờ đâu tới bước cùng đồ này mới có lối thoát. Các bộ lạc miền đông nghe tin quân Khắc liệt hễ kéo tới đâu là cướp bóc tàn sát tới đó, họ sợ hãi quá liền kéo theo Thiết Mộc Chân để hợp sức đối phó, lại thêm nhiều cánh quân của mấy bộ lạc bị Thát đát đánh đuổi cũng chạy dồn về đây.
Và một hôm, đột nhiên Đa Di Đài đến xin gặp Thiết Mộc Chân trước nỗi ngạc nhiên của mọi người. Nhờ bọn này Thiết Mộc Chân mới hay biết những tan vỡ xảy ra trong nội bộ phe Tô Ha Rin. Vương hãn đâm ra kiêu căng hống hách, đối xử khắc nghiệt và bất công với bọn quý tộc Mông Cổ. Ông ta dành hết chiến lợi phẩm chỉ chia cho họ chút ít chiếu lệ. Bọn quý tộc Mông cổ cho rằng bận này Thiết Mộc Chân bị chặt hết móng vuốt không đáng lưu tâm tới nữa; họ âm mưu với nhau quật Tô Ha Rin xuống giết đi để được tự do xây dựng cơ đồ riêng. Rủi cho họ có kẻ phản bội làm âm mưu tiết lộ, Tô Ha Rin liền quay giáo lại tiên hạ thủ, cướp phá sạch và cho lùng bắt họ về nghiêm trị. An Tăng, Cút Sa, Trác Mộc Hợp đều trốn qua xứ Nãi Man, riêng Đa Di Đài còn nghĩ đến tình nghĩa họ hàng nên tìm theo Thiết Mộc Chân.
Dù không có bọn quí tộc Mông cổ lực lượng Khắc Liệt vẫn còn hùng hậu, Thiết Mộc Chân không thể dàn trận chiến đấu công khai được. Ông phải nán đợi Cát Xa trở về, dẫn cánh quân của chàng đến tiếp ứng; nhưng giữa đường rủi thay Cát Xa bị quân Vương hãn chận đánh tan tành, phải chống đỡ hết sức gay go mới trốn thoát được với một số tàn quân. Lúc tới trại Thiết Mộc Chân thì Cát Xa đã kiệt lực dở sống sở chết.
Mùa thu đã già nửa rồi, với tình trạng này làm sao chịu đựng nổi mùa đông khốc liệt sắp tới? Thiết Mộc Chân thấy không thể chần chờ nữa được phải hành động gấp rút ra sao thì ra. Ông liền dùng một mưu chước quỷ quyệt: sai hai kỵ binh tin cẩn của Cát Xa vừa bại trận mặt mày còn hốc hác thiểu não, ngựa thì què quặt, đi tìm Tô Ha Rin nói rằng Cát Xa phái đến xin qui hàng. Sứ giả như thế đủ chứng minh chủ của họ đang ở trong tình trạng tuyệt vọng và Tô Ha Rin có hỏi đến Thiết Mộc Chân thì cứ nói Cát Xa tìm mãi mà không ra tông tích.
Vương Hãn quả không nghi ngờ gì nữa, Cát Xa hẳn không dám dở trò man trá vì tất cả lều trại, vợ con đều ở trong tay quân Khắc Liệt, hơn nữa tất cả bọn thám mã đều báo cáo Thiết Mộc Chân đã mất tích thật sự. Vả lại nếu được Cát Xa về thần phục thì đó là một điều hay, một đòn dằn mặt những tù trưởng còn nuôi ý trung thành với Thiết Mộc Chân.
Theo cổ lệ, Tô Ha Rin chích huyết nhỏ lên một cái sừng thề bỏ qua chuyện cũ và thu nhận Cát Xa vào hàng thân thuộc của mình. Rồi gởi sứ giả đi theo hai kỵ binh tới gặp Cát Xa buộc phải thề trung thành với Vương hãn cũng theo thể thức như vậy. Trong lúc đó quân Khắc Liệt chuẩn bị ngày lễ long trọng vừa để tiếp đón Cát Xa vừa ăn mừng ngày toàn thắng quân Mông Cổ.
Đám sứ giả của Vương hãn hết sức kinh ngạc lúc được dẫn tới trước mặt Thiết Mộc Chân. Khả hãn Mông Cổ chỉ hỏi một ít điều rồi truyền lịnh cho binh sĩ nhổ trại lên đường, ngựa phi bất kể đêm ngày.
Quân Khắc Liệt đinh ninh rằng kẻ thù đã bị tận diệt nên chẳng buồn ngó ngàng đến khí giới, họ chỉ nghĩ đến những trò vui nhộn trong ngày liên hoan.
Giữa đêm khuya – cũng giữa đêm khuya- sau một hồi tù và âm u rùng rợn, thiên binh vạn mã Mông cổ từ bốn phía ào tới trại Khắc Liệt như một trận sóng tràn bão táp. Trong phút chốc, quân Khắc Liệt bị giết thây chất ngổn ngang khắp mặt đất. Một vài cánh quân toan chống cự liền bị quân Mông Cổ trấn áp, mối hận thù dồn chứa bấy lâu nay được dịp tung ra thành một trận sát phạt kinh hồn; người Khắc Liệt nào gục xuống là bị vằm ra trăm ngàn mảnh vụn. Nhiều đại đội kéo ra quy hàng. Tô Ha Rin và Tang Côn nhờ một bọn vệ sĩ tận lực che chở, thừa lúc hỗn loạn trốn thoát được.
Chỉ một đòn chớp nhoáng ác liệt, Thiết Mộc Chân khôi phục lại trọn vẹn uy quyền cũ bù lại những ngày bi thảm ở chốn sơn cùng thủy tận. Quân Mông Cổ chẳng những lấy lại những của cải bị cướp đoạt mà còn thu được vô số chiến lợi phẩm gồm tất cả đồ đạc, binh khí, lương thực của quân địch mang theo. Thiết Mộc Chân đem phân phát tất cả cho những chiến sĩ trung kiên.
Bây giờ lãnh thổ Khắc Liệt đang bỏ ngỏ không còn một lực lượng nào bảo vệ, ông liền thúc quân sĩ lên đường truy đuổi giặc.
Tang Côn chạy về miền Tây trốn qua xứ Thổ Phồn. Còn một ít tàn quân hắn dẫn đi cướp bóc dân lành ở dọc biên cảnh để sống qua ngày; ít lâu sau hắn bị quân Thổ Phồn bắt giết. Tô Ha Rin thì chạy lên đường Tây Bắc trốn qua xứ Nãi Man, chẳng được bao lâu lại sa vào tay hai vị thân vương Nãi Man trước kia đã bị ông ta cho quân qua lãnh địa sát phạt cướp bóc. Ông chết một cách thảm thê dưới lưỡi gươm báo thù của họ.