Sử Trung-Hoa thuật rằng một cận quan của Thành-Cát Tư-Hãn có phận sự phải nhắc nhở ông nhớ hàng ngày vào buổi trưa và buổi chiều việc "đế quốc Tây-Hạ vẫn còn tồn tại bên cạnh đế quốc Mông-cổ". Ông quyết thực hiện cho kỳ được lời phát thệ trước khi đi đánh đế quốc Kharesm, phải đáp lại sự phản bội của chúa Tây-hạ bằng bất cứ giá nào.
Nhưng chúa Tây-hạ đã chết cùng một năm với Mộc-Hoa-Lê và hoàng đế Kim. Thái tử lên kế vị liền thu dụng tất cả người Trung-quốc chống Mông-cổ cùng tất cả bọn tàn quân Kim, Khiết-đan, lập thành một đạo binh hùng hậu tới 500.000 người.
Trong lúc Tây-hạ đang chiêu binh mãi mã, ở nước Kim những hoạt động chống Mông-cổ cũng sôi động trở lại. Cậy vào sông Hoàng-hà ở mặt Nam và những thành luỹ kiên cố trong các vùng núi hiểm ở mặt Tây, vua Kim lại tập hợp lực lượng quyết một trận sống chết.
Cũng theo sử Trung-hoa, trong 15 năm chống ngoại xâm và nội chiến, 18 triệu người đã chết ở đế quốc Kim và đế quốc Tây-hạ, tính ra gần một phần ba dân số. Vậy mà đế quốc Kim còn tiềm lực phát động một cuộc kháng chiến, hoặc hơn nữa, tấn công trở lại. Quân đội của họ tiến vào các tỉnh đã mất, đánh bại nhiều cánh quân Mông-cổ đóng lẻ tẻ rồi tổ chức lại quân trú phòng ở những thành do Mộc-Hoa-Lê chiếm.
Thành-Cát-Tư-Hãn liền rời Mông-cổ mở cuộc chinh phạt ở mạn Nam và mạn Tây. Ông dẫn hết đám con đám cháu cùng với 180 ngàn quân tiến phát. Nhân dịp này ông đưa ra một nguyên tắc cho mọi hoạt động trong tương lai: "Khi bắt tay vào một việc gì, dù gặp hoàn cảnh trắc trở như thế nào đi nữa, các ngươi phải cố gắng làm cho tới cùng. Đừng bao giờ chấm dứt cuộc chiến tranh khi kẻ thù chưa hoàn toàn bị tiêu diệt."
Hình như linh tính báo trước rằng chiến cuộc này là chiến cuộc cuối cùng của đời ông, có lẽ không còn sống để trở về đất tổ nên trước lúc khởi hành ông đã cho lập lại trật tự trong đế quốc, phân chia đoàn trại và quân đội, ban phát hãn địa cho các người con. Bát-Đô, con của Truật-Xích, lãnh hãn địa ở phía Bắc và phía Tây rặng núi Altal “tới nơi nào mà vó ngựa Mông-cổ còn tới được”. Sát-Hợp-Đài lãnh xứ Thổ-phồn và những miền ở phía Nam, phía Tây của xứ ấy; Tây-liêu, Kharesm. Oa-Khoát-Đài lãnh xứ Tây - hạ, đế quốc Kim và những xứ ở Đông – á. Đà Lôi lãnh phần đất tổ: xứ Mông-cổ và đại quân Mông-cổ.
Để cho đế quốc không vì thế mà chia xẻ làm nhiều mảnh, Thành-Cát-Tư-Hãn qui định trong Yassa như sau: "Con cháu của đại hãn dù đang ở nơi nào, hễ sau khi đại hãn băng hà, phải tụ họp về Mông-cổ mở Hội-đồng Quí tộc bầu cử một người có đầy đủ khả năng và uy tín lên thay thế. Tất cả đều phải ở dưới quyền lãnh đạo của đại hãn, ai lập người khác ngoài quyết định của Hội-đồng Quí tộc sẽ bị tử hình. ”
***
Quân Mông-cổ tràn vào đất Tây-hạ thế như nước vỡ bờ; họ chiếm hết những ngọn đồi bao quanh một cái hồ bên sông Hoàng-hà. Đại hãn sai một toán quân xạ tiễn ưu tú nhất bỏ ngựa đi trên mặt băng khiêu khích quân địch. Kị binh Tây-hạ liền cho ngựa phi như gió cuốn vào trận địa, không ngờ ngựa của họ trượt băng ngã nhoài ra hết, binh sĩ kẻ té sấp, người nhào ngửa mặc tình cho quân Mông-cổ bắn tên, phóng lao và dùng mã tấu chặt như chặt thịt trên thớt. Rồi đạo binh xạ tiễn này nhảy lên ngựa cùng với một đạo kị binh khác phi vòng theo bờ hồ tấn công một đoàn pháo binh tới tiếp viện. Gươm vung loang loáng một buổi, quân Tây-hạ bị giết sạch không sót một người nào.
Sau trận này quân Mông-cổ dựng lên ba cây trụ, ở mỗi trụ họ treo một cái xác địch thòng đầu xuống đất; như thế có nghĩa là họ đã giết 300.000 địch quân.
Bây giờ không còn lực lượng nào bảo vệ thành thị và nhân dân trên đất Tây-hạ nữa. Thành nào cũng bị quân Mông-cổ cướp sạch rồi đốt ra tro bụi. Một số ít dân chúng trốn vào các hang động, vào rừng sâu, trong một trăm người hoạ may sống sót được vài người. Đồng ruộng hoa màu đều bị ngựa dẫm hoặc bị đốt, nhà cửa gần như không còn cái nào nguyên vẹn. Vua Tây-hạ trốn về một cái thành kiên cố trong vùng núi hiểm mà cũng không khỏi bị hạ sát. Nhưng đệ tam vương tử vẫn kiên trì chống lại quân Mông - cổ; ông rút vào thành Ninh-hạ, đóng kín cửa chịu đựng,
Quân Mông - cổ vây hãm nhưng vô hiệu quả vì hào thành quá sâu rộng, không tài nào lấp được. Tất cả các loại máy của pháo binh đều hết hiệu nghiệm trước những bức tường sừng sững như vách núi. Thấy việc hạ thành còn lâu dài, Thành-Cát-Tư-Hãn để lại một đạo quân giữ chặt bốn cửa, giao cho Oa-Khoát-Đài một đạo quân tiến đánh nước Kim, đạo thứ ba tiến vào các nước phiên thuộc của Tây-hạ. Phần ông dẫn một đạo đi càn quét suốt đế quốc Kim đến tận chỗ ba ranh giới giao nhau (Tây-hạ, Kim và Nam-tống). Đường liên lạc giữa hai nước Trung-quốc và Tây-hạ bị cắt đứt khiến cho dân Tây-hạ tuyệt vọng, hết can đảm chiến đấu nữa. Hoàng đế Kim liền gửi sứ giả đến xin nghị hoà, dâng cho Thành-Cát-Tư-Hãn một cái bình đựng toàn là những loại ngọc vô giá của hoàng cung.
Đại hãn đã quá chán cái lối đem tặng phẩm tới xin nghị hoà hôm trước để hôm sau phản bội, liền sai quân đem ngọc vãi tung toé ở mặt trước viên môn cho quân túc vệ ai muốn nhặt tha hồ đến nhặt.
Nối theo sứ giả Kim là sứ giả của vương tử Tây-hạ đến xin dâng thành Ninh-hạ, tâu rằng:
- Nếu đại hãn xá tội, vương tử sẽ đích thân đến bái kiến.
Thành-Cát-Tư-Hãn lặng yên suy nghĩ một lúc lâu rồi mới đáp:
- Ta hứa bỏ qua chuyện cũ.