Thăng Long đã từng tiếp nhận nhiều tên Đa-gu-ra-tri (Đạt lỗ-hoa-xích) người Mông Cổ, nhưng chưa có tên nào tàn bạo, vênh vang tự phụ như tên Hán gian mạt hạng này. Nhiều người toan hạ độc thủ hắn. Nhưng đích thân nhà vua, đã hạ chiếu cho quan đại an phủ sứ của kinh sư, phải phủ dụ cho dân chúng kinh kỳ hãy nén tâm chịu đựng, chớ có vì tức giận nhất thời mà làm hỏng đại cuộc. Kẻ kia hung hãn như vậy, là bởi đằng sau nó có cả một đạo quân lớn đang hừng hực khí thế giao tranh, chỉ cần có một cớ nhỏ là chúng ào qua biên ải.
Thật ra các hành vi của Sài Thung không phải chỉ là sự ỷ thế nước lớn, làm càn. Mà còn là hành vi đã được sắp đặt từ Yên Kinh. Cho nên triều đình quyết né tránh, để tên võ sĩ mù này đấm vào gió. Chưa giáng được đòn nào vào đối thủ, kể từ khi y đem mấy ngàn tên quân và bọn bù nhìn vào cõi ta tới nay, y càng lồng lộn. Thượng hoàng Trần Thánh tông đã nhắc bảo quan gia và cả triều đình rất kỹ, rằng võ sĩ thượng thừa là võ sĩ tránh đòn giỏi, chứ không phải loại võ biền cứ tới tấp ra đòn múa may quay cuồng như một con bọ gậy, vừa phí sức vừa gây cười cho đối phương.
Sang Đại Việt lần này, Sài Thung ngỡ mọi việc sẽ trôi chảy như Hốt-tất-liệt đã sắp đặt ở Yên Kinh. Và chính y cũng hăm hở muốn nắm giữ cái thực quyền của chức An Nam phó đô nguyên súy. Y cũng đã có kế sách để đẩy đi, hoặc trừ khử tên tướng Mông Cổ Bột-nhan-thiết-mộc-nhi ngu ngốc, đã được cử làm An Nam tuyên úy sứ đô nguyên súy. Y thừa biết, Giao Chỉ là đất giàu có, nhưng xa xôi. Địa bàn hiểm trở, khí hậu thì lam chướng, không hợp với người phương bắc. Cho nên, bàn tay của thiên tử từ Đại đô với tới là hụt hẫng. Nếu y được làm sứ đô nguyên súy, tức là làm vua ở một phương. Sự giàu có, thú hưởng nhàn ở đây có kém gì ở Yên Kinh. Các chúa Giao Chỉ từ xưa đến nay, dám chống lại các hoàng đế Trung Nguyên, cũng chỉ dựa vào trùng dương cách trở, rừng núi âm u, ma thiêng nước độc, nóng ẩm quanh năm. Nhiều lần cầm.đầu sứ đoàn nhà Nguyên qua lại giao thiệp với Thăng Long, Sài Thung đã ngắm kỹ địa thế xứ này.
Quả là "An Nam tú khí". Đây là một vùng địa linh nhân kiệt. Khen cho quốc sư Vạn Hạnh, đã giúp Lý Công Uẩn dựng nghiệp tại đây. Quả là Vạn Hạnh có con mắt nhìn suốt tám cõi. Và Sài Thung còn nghiệm thấy một điều, dường như lòng trời tựa đám quân Nam, cho nên xưa, Cao Biền đã từng yểm đảo triệt linh, nhưng đất vẫn cứ kết phát. Vả ta xem tinh tượng, Sài Thung tự nhủ - anh hùng hào kiệt còn quy tụ tại đây nhiều lắm. Chính vì vậy Sài Thung ao ước, nếu như y là chủ đất này, y cũng xưng đế. Tiến lên phía bắc, có thể cự được Nguyên triều. Lui về phương nam, mở rộng đất đai bờ cõi không giới hạn. Nhưng Sài Thung đang đứng trước một tình thế khó xử. Y không biết ăn nói như thế nào với Hốt-tất- liệt, một con người tính nóng như lửa. Và trong cuộc đời, ông ta không chấp nhận bất cứ một kẻ thuộc hạ nào dám nói với ông ta: "Việc này việc nọ không làm được. Thành này thành kia không hạ được". Ông ta chỉ chịu thua có trời. Ấy là lần đại đội binh thuyền của ông vượt biển đông, nhằm đất nước Phù tang trực chỉ, bị bão lốc nhấn chìm. Việc chinh đông tạm dừng. Song không vì thế đất ấy lại được phép nằm ngoài vòng cương tỏa của ông...
Rõ ràng là Sài Thung đang ở vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan. Y có thể đi bất cứ nơi nào trong đất Đại Việt và kinh thành Thăng Long, không ai động đến một sợi tóc của y. Nhưng y vẫn cứ như một kẻ mù lòa. Những tên tay sai, phái sang từ mấy chục năm nay đều bị triệt hạ. Những tên mới sang thì như một lũ ngớ ngẩn. Tin tức nội tình của triều Trần không thâu tóm được điều gì đáng giá. Quân lương của họ ra sao, bố trí binh lực thế nào đều không biết rõ. Các tướng súy của họ, nắm trong tay bao nhiêu binh sĩ cũng không biết. Họ sở trường về đánh bộ, đánh thủy thế nào cũng chưa tường. Nếu các việc này chưa nắm được rõ ràng, lúc đại quân kéo sang thì khai triển thế nào. Vì vậy, Sài Thung đang tính một nước cờ liều. Tức là phải tìm nội ứng trong số các quan lại, tướng súy triều Trần. Dạo trước, y đã ý tứ ướm gạn với viên tướng quốc thái úy Trần Quang Khải, nhưng việc không thành. Nay lại dấn thêm một bước nữa. Đó là một việc làm táo bạo. Được ăn cả, ngã cũng không mất gì, Sài Thung nghĩ vậy Chính vì thế y mới mạnh dạn gửi tới Chiêu Quốc vương Trần ích Tắc một cánh thiếp và một chút quà mọn: bức tranh lụa. Y thừa biết, một con người phú quí, vinh hoa tột đỉnh, tài năng siêu quần như Trần ích Tắc, dễ gì mua chuộc và lung lạc được. Song y vẫn cứ muốn thử xem. Vì mỗi con người, dù là vĩ nhân, vẫn có điểm yếu. Cái chính là tìm cho ra điểm yếu ấy nó ẩn tàng ở đâu, như Gia Cát tiên sinh tìm thấy nơi sau gáy Ngụy Diên một cái vảy.
Nhận được thiếp phúc đáp của Chiêu Quốc vương, Sài Thung mừng lắm. Y gọi mấy tên thuộc hạ sẽ cho theo hầu, dặn dò cẩn thận. Lại sai soạn sửa lễ biếu, quà cáp rồi lên kiệu qua cửa Quảng Phúc đi ra phía tây kinh thành. Thăng Long đã vào hạ. Các chùa chiền đêm ngày rộn rã tiếng chuông, mõ, kinh kệ. Các chùa lớn như Diên Hựu, Sùng Khánh, Báo Ân đều mở hạ. Tăng ni nhiều chùa xung quanh vùng tấp nập về ngồi hạ. Khóa hạ năm nay đông vui hơn các năm trước nhiều.
Tháng năm, trời nóng như đổ lửa, ngồi trong kiệu lại có lọng che nắng hai bên, mà mồ hôi cứ chảy ròng ròng xuống cổ, xuống lưng áo. Tuy nóng nực, nhưng trong lòng Sài Thung rất vui. Thỉnh thoảng lại được một làn gió mát từ mặt hồ Dâm Đàm thổi hắt qua kiệu, Sài Thung cảm thấy khoan khoái. Kiệu Sài Thung đi được chừng non một dặm đường, thì gặp kiệu của Chiêu Quốc vương ra đón. Hai kiệu vừa gặp nhau, quân hầu đốt pháo, cử nhạc thật là long trọng. Cả Sài Thung và Trần ích Tắc đều xuống kiệu. Đôi bên thi lễ hỏi thăm sức khỏe của nhau, rồi Chiêu Quốc vương mời Sài thượng thư lên chiếc kiệu riêng, ông đem đi đón. Đó là một chiếc kiệu bốn đòn khiêng sơn then bóng đẹp, lại chạm phượng ở cả ba mặt và rèm the mát rượi. Kiệu vừa xuống ở đầu dinh, đã có một đội tinh binh nai nịt gọn gàng, kiếm tuốt trần, chào đón sứ giả. Lại có cả nhã nhạc nổi lên, nhịp với bước đi của chủ khách từ cổng tới nhà tiếp tân.
Sài Thung để ý thấy ngôi nhà được xây trên một doi đất cao ráo. Phải leo chín bậc thềm mới tới nền nhà. Qua hai lần cửa bức bàn tới lần cửa võng mới vào đại sảnh. Vừa đặt chân vào nhà, Sài Thung thấy mát lạnh ớn cả sống lưng, và một mùi hương sạ ùa ra thơm phức.
Sài Thung được mời ngồi vào một trong hai chiếc thái sư ỷ. Những người theo hầu Sài Thung ngồi vào những chiếc ghế hoặc đôn kê xen kẽ. Giữa đại sảnh đặt một chiếc đỉnh đồng hun đen nhánh, cao hơn đầu người, trên nóc đỉnh đúc hình một con sư tử, to gần bằng con sư tử thật, đang vờn quả cầu Hai bên đỉnh là một cặp lộc bình sứ cao ngang ngực người đứng, có hoa văn vẽ các loại cây cỏ, tiêu biểu cho bốn mùa trong năm. Đây là cặp lộc bình khá đẹp, do một nhà buôn người Ba-tư biếu ông, nhân dịp khánh thành nhà tân khách. Vì nó mới được sản xuất từ đầu đời nam Tống, tính ra độ hơn một trăm năm.
Phân ngôi chủ, khách xong, Sài Thung sai bày đồ biếu tặng cho chủ nhân. Ấy là một tập thơ Lý Bạch có bút tích của họ Lý, được đặt trong một chiếc hộp bằng vàng ròng. Và một bức tranh lụa của họa sư Triệu Mạnh Phủ. Cùng một số thuộc văn phòng tứ bảo như nghiên mực, mực thỏi, son, lụa Tô Châu để vẽ tranh. Bút viết, bút vẽ đủ cỡ, đủ kiểu. Quí hơn cả là một chiếc đỉnh bằng trân ngọc, có vân như vân khoai sọ, to bằng quả bưởi. Đây là vật báu của nước Tề từ thời Chiến quốc lưu lạc trong dân gian, có một nhà phú hào mua được đem biếu Sài Thung. Sài Thung hai tay nâng vật báu trao cho Trần ích Tắc. Y nói: "Quý vật tầm quý nhân. Ngài là dòng dõi vương giả và có đại phước, nên vật báu mới tìm về. Xin ngài lưu giữ, và chứng cho tấm lòng thành của kẻ quê hèn này".
Trần ích Tắc xiết bao cảm động. Từ trước, Chiêu Quốc vương vẫn quen nghĩ rằng, người nước ngoài tới thăm ông là lẽ đương nhiên. Vì trong nước này, còn ai sang quý hơn ông, còn ai tài ba trác việt hơn ông? Họ tới thăm ông thường cốt để tỏ lòng sùng kính, và thỏa óc chiêm ngưỡng tò mò. Lần này quả thật ông không ngờ, một vị sứ giả tài ba, một quan thượng thư của thiên triều thật lòng quí mến, trao cho ông những báu vật, thế gian hy hữu. Về phần mình, ông cảm như những báu vật hiện ông đang được nắm giữ trong tay, là ngoài tầm mong ước của ông. Sợ rằng ông chưa đủ tài đức để thừa hưởng. Ví như một tập ba trăm bài thơ của thánh thơ họ Lý đây, lại có cả đôi dòng bút tích của ông nữa. Thật là một vật báu không thể liệt vào hạng thứ hai trong thế gian được. Rồi báu vật nước Tề...
Nhân có vài món đồ quí Sài Thung mới tặng, Chiêu Quốc vương mời khách cùng ghé thăm Thi-thư-họa viện của ông. Đó là một ngôi nhà cao ráo nằm sau nhà tân khách độ dăm chục bước chân. Hai nhà cách nhau bằng một vườn hoa và chậu cảnh. Bước qua khu vườn cây cảnh, nhìn ngắm những đôn, chậu và các loài cây, thế cây, Sài Thung ngầm đoán về tính tình và khát vọng của chủ nhân. Y gật gù tự nhủ: "Con người này quả là ghê gớm. Quả là thâm trầm".
Thi-thư-họa viện là một ngôi nhà bảy gian thoáng rộng. Năm gian dùng để chứa sách. Cũng gọi là tàng thư. Sách được xếp ngay ngắn trong các kệ. Gáy sách đều nhất loạt quay ra ngoài, có đề tắt tên sách và ký hiệu các thư mục. Thông thường, sách ở đây được đóng bằng một loại bìa có phết sơn ta, đen hoặc đỏ. Với những bộ sách quí, còn được đóng gáy bằng đồng lá. Toàn bộ số sách trong Thi-thư-họa- viện này có độ trên chục ngàn bản. Ghé vào khu vực tàng thư, là để Chiêu Quốc vương Trần ích Tắc, đặt cuốn thơ Lý Bạch mà viên chánh sứ nhà Nguyên vừa đưa tặng lên vị trí trang trọng nhất.
Trần ích Tắc khẽ đẩy vào tấm cửa ngách ngỏ then, chủ khách bước vào khu vực trưng bày tranh, tượng.
Sài Thung giật mình trước hết là bức chân dung thiếu nữ. Bức tranh to bằng một phần tư chiếc chiếu trải giường vẽ một thiếu nữ với vẻ mặt đài các, nhưng trong sáng như một thiên thần. Nàng vận toàn đồ trắng, tóc mây đen nhức buông phủ trên bờ vai. Một chiếc đai đỏ thêu kim tuyến đôi chim phượng đang múa. Mắt phượng đính ngọc sáng lấp lánh cùng với vẻ sáng từ đôi mắt thiếu nữ tỏa ra. Thiếu nữ ngồi vững vàng trên mình con ngựa sắc tía. Một tay thả lỏng dây cương, tay kia cầm ngọn roi xuôi chiều với đuôi ngựa. Ngang lưng nàng, trễ một thanh trường kiếm. Con ngựa đi nước kiệu. Từ thiếu nữ và cả con ngựa, toát lên một sức mạnh bí ẩn nội tâm, và một vẻ yên bình thần thánh. Gương mặt thiếu nữ vừa toát ra vẻ thông minh hóm hỉnh, như đang thầm chế giễu ai điều gì, lại vừa tinh nghịch, như là nàng bất chợt ra roi phi nước đại, khiến cho cả con vật lẫn ai chiêm ngưỡng nàng đều bất ngờ. Và đằng sau đám bụi cuốn lên từ vó ngựa, là chuỗi cười giòn khanh khách. Bức tranh như có một ma lực hút chặt cặp mắt Sài Thung vào đó, khiến y không còn nhìn thấy bức "Sơn thủy họa" của Tống Huy tông treo bên cạnh, mà y mới đưa tặng cho Trần ích Tắc được ít ngày.
( Tống Huy tông (1101-1126) với các niên hiệu: Kiến trung, Tĩnh quốc, Đại quan, Tuyên hóa. Bản thân ông là một ông vua nghệ thuật - một họa sĩ lớn. Từ khi lên ngôi vua, ông đã khai nguyên một thời đại mỹ thuật huy hoàng chưa từng thấy tại Trung Quốc và cả châu Á.)
Sau vài giây định thần, Sài Thung như có ý ngượng. Bèn khen: "Đẹp quá! Bức tranh đẹp quá! Thần họa". Y lại nói tiếp trước khi ngồi vào ghế: "Chẳng hay đại nhân tìm ở đâu được bức họa tuyệt tác dường này".
Chiêu Quốc vương sung sướng tới mức như ông có thể bay lên trời dược. Cái cảm giác siêu thoát tế vi màu nhiệm của Như Lai Phật tổ, chưa bao giờ ông cảm nhận một cách đầy đủ như lúc này. Khuôn mặt Trần ích Tắc vốn đã rực sáng như lúc nào cũng phát hào quang, bỗng ửng đỏ. Trên bàn đã dọn sẵn một be rượu Bồ đào của nước Thổ Phồn, do lão khách thương Hồi-hột biếu ông từ hơn chục năm trước. Lại cặp chén "phí thúy” làm bằng một thứ đá ngọc, luôn phát ra màu cầu vồng bảy sắc, được đặt trên chiếc đĩa sứ mầu da cam, nom như một chiếc đĩa lửa. Tự tay Trần ích Tắc rót rượu mời Sài Thung. Khách trân trọng nâng lấy chén rượu mà rằng:
- Chừng nào đại quan chưa cho bỉ nhân được biết nguồn gốc bức họa kia, thì kẻ quê hèn này chưa dám động đến rượu quí của ngài.
Lời nói vừa cao nhã, vừa tò mò khích lệ, khiến Chiêu Quốc vương có phần hơi lúng túng. Hết nhìn vào bức họa, lại nhìn vào khách, Trần ích Tắc nói:
- Bẩm đại nhân. Đại nhân cứ gạn hỏi làm cho kẻ quê mùa này thêm ngượng. Điều bất hạnh là bức họa kia lại do chính tay kẻ bất tài này vẽ. Và bỗng nhiên Chiêu Quốc vương nhớ lại cách đây mấy hôm, khi ông ra cổng đón Trần Hưng Đạo chợt nhìn thấy An Tư trong dáng điệu như thế này. Không hiểu sao, chỉ một thoáng thôi, mà hình ảnh em gái út của ông ăn sâu vào trí não đến kỳ lạ vậy. Đúng là lúc ấy, ông cũng có ý định vẽ một khuôn tranh. Cho nên khi tiễn Quốc Tuấn ra về, ông giữ An Tư lại và căng lụa lên, rồi hai anh em ra vườn vẽ. Ông vẽ tới hai ba bức, nhưng không một bức nào hài lòng. Bữa ấy, An Tư suýt khóc, bởi vì ông bắt công chúa phải diễn đi diễn lại mãi ở một tư thế. Lúc An Tư ra về lòng buồn rười rượi, vì cả ba bức, theo công chúa đều đẹp. Nhưng ông cứ khăng khăng rằng hỏng. Theo ông: "Nó không ánh lên được cái thần của em, như lúc ta vừa chợt trông thấy em bước vào sân cùng vương huynh".
Mãi ba ngày sau, trong một giấc ngủ trưa chập chờn, Chiêu Quốc vương lại thấy lóe lên ở trong đầu cái thần thái của An Tư công chúa. Thế là ông nhổm dậy lấy bút lông, giá vẽ, mực tầu. Và ông vẽ một mạch theo trí nhớ bức chân dung này. Ông đã cho người gọi An Tư công chúa sang xem và định bụng, nếu em ông thích, ông sẽ tặng. "Tội nghiệp, hôm ấy con bé chỉ thích mấy cái tranh vô hồn". Thế nhưng em ông, đã theo vương huynh ra vùng An Bang.
Lại đến lượt Sài Thung sửng sốt, chén rượu Bồ đào trên tay y run run, sánh ra ngoài mấy giọt. Giọng y xúc động:
- Núi Thái sơn trước mặt mà ta không được biết. Xin đại vương tha lỗi cho sự thất lễ của kẻ có mắt như đui này. Cạn chén mừng vương, mừng một họa sư - một thi bá đời nay. Nói rồi, Sài Thung nâng chén rượu lên nhấp. Y nuốt từng giọt, như để cho thứ rượu quí vô ngần kia thấm dần vào từng thớ thịt, thấm cả vào mọi nơi vi tế nhất của cảm giác con người. Một lát, y lại nói:
- Đọc thơ, biết được cái tâm của ngài. Ở Đại Đô, người ta ví ngài như Lý - Đỗ đời Đường. Xem cây cảnh, biết được cái chí của ngài. Đúng là "An Nam tú khí" mới sinh ra được bậc kỳ tài như vương. Tự ngắt lời, hết ngắm bức tranh vẽ lại nhìn Trần ích Tắc, Sài Thung tiếp - Người như ngài, ngay cả đến bên Đại Nguyên cũng không dễ gì có được.
Chủ khách cứ tâng bốc nhau hết lời.
Bức tranh quả có đẹp thật, người vẽ như lột tả được cả thần thái của nhân vật; nhưng có đẹp tới mức như Sài Thung suýt xoa khen ví, thì chính Trần ích Tắc cũng nghi ngờ.
Nhìn ngắm mãi hết xa lại đến gần. Lúc này Sài Thung mới chú ý đến dòng lạc khoản. Y giật mình:
- Hóa ra đại nhân mới hoàn thành bức họa này được ba hôm nay.
- Dạ bẩm đại quan, đúng như vậy.
- Dám xin đại nhân tha lỗi, ngài vẽ nó trong bao lâu?
- Dạ, tôi vẽ mười lăm năm, không hơn không kém.
Lại đến lượt Sài Thung kinh ngạc, y nhắc lại - Mười lăm năm trời để vẽ một bức tranh.
- Bẩm đại nhân, đấy là em gái út tôi - công chúa An Tư. Ở công chúa, tôi có một tình thương và một nỗi cảm thông đặc biệt. Em tôi vào đời không một tiếng khóc chào, dù người bảo mẫu có phát vào mông tới ba lần. Lớn lên, công chúa quả là một đứa trẻ có nghị lực. Thật tình tôi thương, có nhẽ vì sự lận đận trong cuộc đời mai hậu của An Tư. Vì tôi cảm mến em tôi từ lúc mới sinh. Tới nay An Tư đã tròn mười lăm tuổi, tôi mới bắt nổi cái thần của nó, thế chẳng là tôi làm việc suốt mười lăm năm sao?
Sài Thung gật gù. Một điều lạ với Chiêu Quốc vương, là vị sứ giả này cứ nhìn như muốn nuốt lấy bức tranh. Ông linh cảm như có sự chẳng lành, bèn đứng dậy nói:
- Đại quan quá bộ giáng gót tới tệ phủ. Tôi vốn không tự lượng sức, dám khua khoắng cả ngọn bút lông. Tưởng treo chơi vài ba bữa, rồi tặng công chúa, để làm chút quà lưu niệm. Ai dè lại làm nghịch mắt đại quan. Tôi thật đáng trách. Nhân đại quan mới cho bức tranh của một đại sư, mà tôi chỉ được nghe danh, chứ chưa được coi họa phẩm. Vừa nói, ông vừa đứng dậy cuộn bức chân dung An Tư lại, và mở bức "Sơn thủy họa" của Triệu Mạnh Phủ treo thế vào đó. Điều ấy không làm Sài Thung phật lòng. Trái lại, y còn xăm xăm đứng dậy, cùng ngắm nghía với Chiêu Quốc vương.
Bức tranh có một sắp xếp rất lạ. Lớp lớp từng dãy viễn sơn hùng vĩ, như cắm sâu vào lòng đất, và chọc thẳng lên trời. Lô xô những ngọn nhọn với không biết bao nhiêu là kẽ nứt nơi sườn đá. Tưởng như đó là những dòng thác đang gieo nước xuống các vực sâu, và ta nghe rõ cả tiếng gầm gào. Bảng lảng trên các chỏm cao một màu trắng mờ ảo như mây, như tuyết. Và cận cảnh là một ngã ba mênh mông nước. Hai nhánh sông chảy về phía núi xa, lấp lánh sau những cây cỏ phất phơ bên bờ nước, là bóng mấy chiếc lâu thuyền đang lãng đãng đi ra phía cửa sông. Và một bầy hạc sải cánh bay tạt ngang sườn núi.
Sau một phút trầm ngâm, Chiêu Quốc vương lên tiếng. Ông nói như nói với chính mình:
- Mọi vật đều như hiện ra trong mộng vậy. Vừa huyền bí vừa quyến rũ xiết bao. Tôi thích những khoảng không bao la, nơi không có ngọn bút lông nào đặt tới. Dường như đó là những biểu hiện tư tưởng trác việt của họa sư về triết lý, nhân sinh và vũ trụ.
Sài Thung gật gù tán thưởng:
- Tôi chưa từng thấy một người nào có óc thẩm mỹ cao như đại nhân. Quả là đại nhân có một nhãn quan thấu thị. Triệu Mạnh Phủ hiệu Tử Ngang của chúng tôi, hiện nay được liệt vào loại đệ nhất danh họa. Dạ, Triệu họa sư còn trẻ lắm. Ông sinh năm Giáp dần, năm thứ hai đời Tống Bảo hựu (1254). Năm nay mới tuổi hai tám. ông là con một gia đình quí tộc dòng dõi Triệu Khuông Dẫn.
- Đúng là cha nào con nấy? Chiêu Quốc vương nói, mắt ông vẫn dán vào khuôn tranh. Ông lại hỏi:
- Tôi nghe nói Triệu tiên sinh còn có sở trường vẽ ngựa?
- Thật đáng tiếc là đại nhân chưa được xem bức tranh tả đàn ngựa quá giang của họ Triệu. Đúng là tiên sinh đã vẽ theo bút pháp của Hàn Cán, Lý Long Miên. Song tranh của tiên sinh lại làm lu mờ hết tiếng tăm của các bậc tiền bối.
- Thế còn bức kia, thưa đại quan - Chiêu Quốc vương hỏi Và ông chỉ vào bức tranh sơn thủy họa của Tống Huy tông.
Sài Thung mỉm cười đáp:
- Đó là một hoàng đế nghệ thuật của nhà Tống. Bản thân ông ta là một họa sĩ bậc thầy. Chính ông đã khai sinh cho thời đại mỹ thuật sáng lạn chưa từng thấy trong lịch sử văn hóa Trung Hoa. Suốt hai mươi lăm năm trị vì, ông đã đưa nền hội họa Trung Quốc lên đỉnh cao chót vót.
- Bức sơn thủy họa này - Chiêu Quốc vương chỉ vào bức tranh của Tống Huy tông, nói - chứa đựng một ý tứ thâm trầm và một khát vọng bao la về cái đẹp. Chứng tỏ, ông là một nhà nghệ thuật hơn là một kẻ trị vì.
- Quả có như nhận định của đại nhân, Sài Thung đáp. Và y chợt nhận ra cuộc thăm viếng đã sa đà vào đàm đạo về hội họa. Y thầm phục sự am hiểu rộng rãi và sâu sắc về nhiều lĩnh vực văn hóa của Chiêu Quốc vương. Quả là y có ngại nói ra những điều cần phải nói. Nhưng y lại tự nhủ - ta là người của một đại quốc, ta là đại nhân. Nhẽ nào hạ mình đi kết thân và tỏ lòng thán phục đối với con cái của một Man vương. Nghĩ vậy, y tự thấy mình là một con người khác: quyền thế hơn, oai phong hơn. Sài Thung bèn lái câu chuyện sang hướng khác.
Trở về chỗ ngồi, Sài Thung tự tay rót rượu Bồ đào vào chén ngọc cho Chiêu Quốc vương. Y cũng tự rót cho mình. Rồi tay nâng chén rượu, miệng nói:
- Quả là ở An Nam ta chưa gặp một người nào để ta trọng nể như ông. Ông mới xứng đáng làm quốc vương xứ này. Giả vờ mượn rượu, Sài Thung đưa đẩy một ý thăm dò hiểm độc. Y nhìn thẳng vào mặt Trần ích Tắc, xem ông có tỏ lộ nét gì khả dĩ đáp ứng điều y đang tìm kiếm.
Trần ích Tắc bỗng tối sầm mặt lại. Ông đóng nút bình rượu và nói:
- Tôi thật có lỗi đã mời đại quan quá chén, để đại quan xúc phạm đến quốc vương tôi.
Sài Thung vờ như không biết gì hơn. Y nói thêm:
- Ồ, quốc vương là cháu ông chứ ai, tôi nói đây là nói đến tài năng, đức độ của ông xứng đáng ở ngôi quân trưởng, chớ tôi có chê gì quốc vương An Nam.
Trần ích Tắc bỗng sẵng giọng:
- Nếu ông còn tiếp tục nói về quốc vương tôi với các lời lẽ bất kính, thời tôi xin phép được nói rằng, cuộc tiếp kiến ông tới đây là chấm dứt.
Sài Thung hiểu sự việc không thể đi xa hơn được nữa. Y cười sằng sặc:
- Tôi vẫn nghĩ đại nhân rộng lượng với người say. Lỗi tại cái rượu Bồ đào của đại nhân ngon quá.
Trần ích Tắc cũng hiểu tình thế không thể làm quá được với Sài Thung.
Trở lại chuyện trò vui vẻ, Sài Thung nói:
- Tôi vẫn có lòng mến đại nhân. Do đó, mến cả đất Giao Chỉ này. Nhưng tình thế không thể nói trước được. Tôi sợ thiên tử tôi lần này sẽ không dung thứ, nếu bên An Nam, quân trưởng không chịu vào chầu. Lại không cho con sang làm con tin, và nộp lương, giúp quân cho đại binh thiên triều đánh Chiêm Thành.
Trần ích Tắc tự thấy đây không phải là cuộc thương thuyết, và ông cũng không được triều đình giao cho thương nghị với sứ giả về việc này. Nhưng ông thấy, không nên bỏ qua cơ hội. Ông nói:
- Nếu thiên tử có thương nước chúng tôi, là trước hết, đại quan có thương nước chúng tôi không đã. Nếu đại quan thương, chỉ tâu cho một lời, ắt thiên tử sẽ thi ân cho cái nước phên dậu nghèo yếu xa xôi này.
Sài Thung cười hì hì:
- Hay thật, ở nước các ông, từ vua, quan, cho đến dân thường đều nói giống nhau.
- Ấy bởi bên thượng quốc từ xưa đến nay thiên tử cũng có nói với nước chúng tôi có mỗi một điều. Khi nào thiên tử nói khác, chúng tôi mới dám nói khác chứ.
Sài Thung không những không trách về lối ăn nói phạm thượng của Chiêu Quốc vương, mà y còn cảm thấy nét khôi hài nhưng rất mẫn tuệ trong lời đáp của Trần ích Tắc. Y nghĩ: "Quả là bên Đại Đô người ta chưa nói điều gì khác ngoài cái việc bức bách An Nam lệ thuộc. Thế thì sự trả lời của An Nam là xin cho không lệ thuộc, như miễn thuế, hoặc xin trì hoãn các việc một cách hết sức khôn ngoan". Nhìn thẳng vào mắt Chiêu Quốc vương, Sài Thung nói:
- Tôi vẫn có lòng ngưỡng mộ đại nhân. Sợ sau này hai nước có chuyện can qua, trong đám loạn quân không biết thế nào mà nói trước được, đại nhân nên giữ cái tín bài này, để dễ tìm nhau trong họa biến.- Y vừa nói vừa móc túi lấy ra một vật nhỏ gói bọc kỹ càng trao cho Chiêu Quốc vương, và dặn thêm: - Thiên tử vẫn có ý mến mộ ông lắm đấy.
Trần ích Tắc đỡ lấy với vẻ xúc động.
Sài Thung lại nói:
- Xin đại nhân gia ân cho tôi một việc.
Trần ích Tắc sửng sốt nhìn Sài Thung.
Y nói:
- Đại nhân cho tôi xin bức họa chân dung công chúa An Tư. Đó là bức chân dung đẹp nhất mà tôi được biết. Tôi chỉ muốn đem bức tranh này về Đại đô Yên Kinh, để bắt mọi người phải thay đổi quan niệm rằng: "An Nam đã có danh họa".
- Một khi đại quan đã muốn vậy, tôi còn biết nói thế nào. Ông trao bức tranh vào tay Sài Thung và nói thêm - Chỉ sợ nó không xứng với lòng mong muốn của đại quan. Và Trần ích Tắc lo cho số phận em gái ông- điều mà từ lâu ông vẫn quan hoài về An Tư công chúa.