Trấn Nam vương nói:
- Quân thám từ các nơi về báo: - Hưng Đạo đã chia quân thủ hiểm tại Trường Yên, Thiên Trường, Long Hưng, lại điều hơn một ngàn thuyền chiến về Vạn Kiếp, khiến quân thiên triều ở vào tình thế lơ lửng. Lại dân Man ở các sách, động từ Lạng Châu đến Đà Giang, Lạng Giang... đều nổi dậy đốt phá kho lương, đầu độc lừa ngựa, quấy phá các trạm quân ta mới lập từ biên ải về tới đây. Vậy theo các ông, ta nên làm gì?
Thoát-hoan buông câu hỏi lửng rồi nhìn khắp mặt các tướng thăm dò.
Các tướng chưa ai nhúc nhích, nhưng trong lòng đã hơi núng. Vì quân thiên triều, tiếng rằng đánh đâu thắng đó; quân An Nam bị dồn đuổi, vua tôi bỏ cả kinh thành mà chạy. Vậy sao lực nó vẫn còn mạnh? Chủ tướng lại nói: "Quân thiên triều ở vào vị thế lơ lửng", cũng như là bảo: quân ta đang bị bao vây. Hóa ra họ càng thua càng mạnh lên sao?
Giây lâu Lý Hằng nói:
- Bẩm Trấn Nam vương, lại vừa có mật báo: "Hưng Đạo tiếp cử thượng tướng Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, đem thêm hai vạn quân nữa vào hợp trấn Diễn Châu cùng với Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang, và thượng tướng Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, tiểu tướng quân Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản... Số quân đó, nếu kể cả ở Hoan Châu gộp lại có trên mười lăm vạn.
- Mà, Toa-dô hiện thời vẫn chưa thấy tăm hơi gì? – Thoát- hoan bực bội cắt ngang lời nói của Lý Hằng. Rồi chiếu thẳng cặp mắt híp vào A-lí Hải-nha, Thoát-hoan hất hàm hỏi: - Thế nào ông bình chương, có phải tên học trò của ông án binh bất động, chờ khi nào ta mở phủ xong y mới ra để xin một chức quan văn?
Giọng thấp xuống, dằn từng tiếng, Thoát-hoan vừa nói vừa đưa mắt nhìn khắp một lượt:
- Ta định nội trong ba ngày nữa sẽ tiến đánh Thiên Trường. Ta đích thân đánh vào đó, bắt cha con Nhật Huyên. Phiền ông. - Thoát-hoan chỉ tay vào A-lí Hải-nha - ông trở lại Vạn Kiếp bắt cha con Hưng Đạo. Còn ông - Thoát-hoan chỉ vào Lý Hằng - ông quây chặt Trường Yên để chúng không ứng cứu được Thiên Trường.
A-lí Hải-nha tỏ ra bực bội về lời trách Toa-đô của Thoát-hoan, y nghĩ: 'Phải chăng Trấn Nam vương định đổ lỗi cho ta. Vì Toa-đô vôn là đệ tử dưới trướng ta". Y thầm chê Thoát-hoan thiển cận. Bởi tình thế đang rơi vào cảnh bị bao vây. Tuy vòng vây chưa khép, nhưng thế trận đã hình thành. Lại đúng lúc lương đang thiếu, mà đám thổ hào cùng dân binh khắp các châu, quận nổi lên đánh phá quan quân. Muốn giữ được các miền đất đã chiếm, phải lập các trạm quân dầy gấp đôi, quân tăng gấp ba. Tình thế lúc này mới là lúc cần xin thêm viện binh, thì ông ta lại không nói đến.
A-lí Hải-nha nhìn khắp các tên học trò của y hiện có mặt dưới trướng Thoát-hoan như: Ô-mã-nhi, Triệu Tu Kỷ, Lưu Quốc Kiệt, Trình Bằng Phi, Bột-la-cáp-đáp-nhĩ... là những danh tướng - những con hổ đang vùng vẫy ngang dọc.
Thấy thầy đưa mắt khiến, Ô-mã-nhi bèn nói:
- Tâu Trấn Nam vương, quân ta hiện đang lâm vào thế bất lợi, chưa thể tiến binh. Bởi lương thảo đang thiếu, lại luôn luôn bị giặc đốt. Đã cho quân đi lùng sục ráo riết trong thôn ấp, tịnh không kiếm được hạt gạo nào. Phần chúng cất giấu, phần chúng đốt đi.
- Sao không đi thật sâu vào các vùng miền nghi là chúng cất giấu mà tìm? - Thoát-hoan ngắt lời Ô-mã-nhi đột ngột.
- Bẩm Trấn Nam vương, quân không thể đi xa hơn doanh, trạm mười dặm quanh vùng. Vì nếu đi xa hơn sẽ bị dân binh họ đánh lén. Thực, đại quân đã bị đánh nhiều lần như thế.
Thoát-hoan bực bội:
- Vậy chớ khoanh tay thúc thủ sao?
- Bẩm không, sao lại khoanh tay thúc thủ - A-lí Hải-nha đáp. Rồi y phân giải ngọn ngành tình thế mà quân Nguyên đang vấp phải. Kết thúc, A-lí Hải-nha nói:
- Bây giờ mới là lúc chủ tướng nên tâu với thiên tử cho thêm viện binh. Y thầm nhủ: "May mà sau trận Vạn Kiếp, ta đã gàn ông ấy không xin thêm viện binh" - Dạ, chí ít cũng phải xin thêm hai mươi vạn quân nữa, thời mới giữ nổi các vùng đất đã chiếm được. Đúng như Ô-mã-nhi nói, hiện thời ta chưa nên tiến quân. Hãy giữ vững thế trận, chờ thời cơ. Nếu như Toa-đô đánh thông được mặt nam, tình thế ắt đảo ngược, quân Trần lại bị rơi vào thế lơ lửng chớ không phải quân ta nữa. Xin chủ tướng cứ kiên tâm chờ đợi. Thuật dùng binh, có khi hưu chiến lại có lợi hơn là giao chiến.
Tại Thiên Trường, Trường Yên, Long Hưng, Vạn Kiếp quân ta đang gấp rút chuẩn bị cho thế trận phản công. Quan hàn lâm học sĩ quốc sử viện Lê Văn Hưu cũng bận mải vô cùng. Ông mong muốn không bỏ sót một sự kiiện trọng đại nào đã diễn ra mà không được chép. Thế nhưng ông lại không thể rời quốc vương nửa bước. Vì rằng các sự kiện to lớn thường diễn ra trước hoàng thượng, cho nên quan chép sử muốn tự mình chứng kiến và ghi lại. Song le, có quá nhiều sự kiện quan trọng cùng một lúc xảy ra mà ông thì không thể có mặt ở khắp nơi. Bởi thế, ông đã dạy cho đám thư nhi theo quân đi các ngả mà ghi lấy. Tuy nhiên, tìm cho ra một sự thật để chép vào quốc sử cũng không phải chuyện dễ. Như trận Nội Bàng, ông đã xin với Hưng Đạo vương cho ba gã thư nhi đi theo. Lúc về, ông xem lại thời thấy mỗi gã ghi một cách. Trận hỏa công khi quân ta đã rút, gã thứ nhất ghi:
- Khi lui, hậu quân của ta đốt các thôn ấp cùng những vật có thể cháy để cản giặc đuổi theo"..
Gã thứ hai ghi:
- Giặc giận vì quân nó bị chết quá nhiều, nên khi binh ta đi khỏi, chúng nổi lửa đốt hết thôn ấp cùng các vật có thể cháy để trả thù.
Gã thứ ba ghi:
- Quân triều đình lui khỏi chỗ nào, thời dân binh chỗ ấy lập tức nổi lửa đốt hết nhà cửa trong thôn ấp cùng các vật có thể cháy. Thôn ấp trở thành biến lửa ngăn giặc".
Cùng một lúc sự việc diễn ra trước mắt ba người, mỗi người ghi một khác, thậm chí trái ngược nhau nữa. Lê Văn Hưu phải thốt lên:
- Khó thay nghề chép sử!
Cũng từ đấy nơi nào ông không tới được, thời ông bắt ít nhất phải có hai người theo quân để chép. Họ được phép ghi theo ý mình rồi đem về nộp để tự ông cân nhắc, kiểm chứng rồi mới chép vào quốc sử.
Có khá nhiều việc sau này xảy ra dồn dập, sự ghi chép của đám thư nhi không đầy đủ, lại không thể kiểm chứng được, ông đành bỏ. Lê Văn Hưu thường nói với mọi người: "Thà tôi chịu tiếng chép sót chứ không mang tội chép sai quốc sử”.
Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đang dự liệu cho một thế trận to lớn nhằm đuổi giặc ra khỏi Thăng Long, thì tin đưa về như sét đánh: Toa-đô đã phá vỡ ải Nghệ An. Thế giặc như nước vỡ bờ đang tràn ra Thanh Hóa. Lập tức quốc công cho rút quân từ Vạn Kiếp về tăng viện cho Thiên Trường và Trường Yên để cản giặc từ Thanh Hóa đánh ra, Thăng Long đánh vào.
Tại Thăng Long, Thoát-hoan gọi A-lí Hải-nha vào trướng hổ, tự tay rót một chén rượu bồ đào ban cho, và nói:
- Tướng quân mưu việc như thần, người thường không hiểu nổi. Nay thời cơ đã đến. Theo ta, nên cấp tốc đánh thông vào Hoan Châu để đón quân của Toa-đô, ý ông thế nào?
A-lí Hải-nha nâng chén rượu lên ngang mày nói:
- Xin cầu chúc cho ngày mở phủ của thái tử không còn xa nữa. Y uống một hơi cạn chén. Và lại chìa ra xin thêm chén nữa. A-lí Hải-nha là một người thâm trầm, mức độ. Hành vi của ông ta chỉ có thể cắt nghĩa là ông ta rất bằng lòng với nguyên súy Toa-đô, đứa học trò yêu đã làm một việc đúng như ông ta dự cảm. Chiến công của y làm chuyển hẳn thế cờ và đang tạo thời cơ chuyển hẳn cuộc cờ. Vì vậy chén rượu bồ đào ông ta xin thêm Thoát-hoan, lại chính là điều ông ta đòi phải ghi nhận công lao vĩ đại của cả hai thầy trò.
Thoát-hoan không phải không biết thâm ý của viên tỳ tướng bậc thầy này. Trấn Nam vương cảm thấy khó chịu về thái độ cao ngạo của ông ta, nhưng lại không thể không kính trọng tài năng lỗi lạc của ông ta. Thoát-hoan vui vẻ hỏi lại:
- Ta định tiến binh gấp, ý ông thế nào?
- Đại vương cứ làm theo ý mình. Đó là ý định thần thánh. Xin đại vương cho hội quân thật nhanh, tiến binh như vũ bão, tạo ra một cơn lốc kinh hoàng khiến vua tôi Đại Việt không kịp chống đỡ. Khác với thế trận trước đây, lúc này đại vương cứ kéo quân qua đâu là ở đấy giặc tự tan vỡ, vua tôi tự trói mình đến lạy trước trướng đại vương.
Đúng như A-lí Hải-nha dự liệu, quân Thoát-hoan đánh rất gấp, và sự chống đỡ của quan quân nhà Trần xem ra có phần núng hơn, yếu thế hơn.
Lại nói Trần Quang Khải, ngày hai mươi tám tháng giêng nhận mệnh vào tăng viện cho Diễn Châu, ông điểm quân mã lên đường đi ngay; vào tới Châu Hoan, ông gặp Chương Hiến hầu Trần Kiện. Kiện mời vào dinh. Quang Khải nói:
- Ta đem binh vào tăng viện cho thân phụ cháu. Nhưng nghe đâu cửa quan Nghệ An đã vỡ, quân Toa-đô đã tràn sâu vào cõi.
- Lạy thúc phụ - Trần Kiện nói - Tình thế bi đát lắm, thúc phụ tính sao?
- Ta định đem quân luồn vào những nơi quân giặc đã đi qua. Cháu nên hợp quân cùng ta đi theo đường biên ải giáp giới Lão qua(Lào) để trở vào Nghệ An. Ta chắc thân phụ cháu với Chiêu Văn vương cùng Hoài Văn hầu vẫn bảo toàn được lực lượng.
Trần Kiện đang băn khoăn, không biết trả lời chú như thế nào cho tiện, chợt có viên hỏa đầu vào bẩm.
- Tiệc đã bày xong.
Trần Kiện liền chắp tay mời Quang Khải:
- Mời thúc phụ thương tình xơi với cháu chén rượu nhạt, rồi nghỉ qua đêm tại đây cho lại sức, sớm mai hãy lên đường.
Quang Khải tròn xoe mắt nhìn Trần Kiện đáp:
- Việc binh như việc lửa, ta chỉ ghé thăm cháu, rồi phải vào gấp cứu thân phụ cháu, chớ làm sao có thể ở lại đây mà tiệc tùng, rồi lại còn ngủ qua đêm nữa, để mất đầu à?
Quang Khải bực mình vì ông không xin với quan gia đem theo binh phù, để kéo cổ thằng ranh con này cùng đi. Ông biết, nếu ông làm căng, nó sẽ kêu là nó vâng mệnh quốc công tiết chế sai khiến. Nó đã được lưu trấn ở đây, chưa có mệnh của quốc công, nó không dám rời nhiệm sở. Cứ nhìn đôi mắt nó lấm lét, gương mặt nó luôn cúi xuống như muốn che giấu điều gì khiến ông sinh nghi. Nhưng tình thế cấp bách, ông không thể ở lại, nên chỉ dặn:
- Thế giặc tuy có mạnh lên, nhưng đấy chỉ là chỗ mạnh nhất thời. Ta nên đồng lòng gắng sức, sớm muộn rồi cũng dẹp xong. Cháu nên hiệp sức với Văn Túc vương. Chiêu Hiếu vương và Tá Thiên vương hãm giặc tại Hoan Châu. Ta sẽ đưa quân vào Diễn Châu cùng các vương trong đó đánh sau lưng giặc. Thế là giặc tuy có phá được cửa quan Nghệ An mà vào nhưng vẫn không thoát khỏi vòng vây. Thoát-hoan không vào được, Toa-đô không ra được, tức là chúng đầu đuôi không ứng cứu cho nhau được. Ta cứ khóa chúng lại mà diệt dần, chắc chỉ có một hai tháng là xong.
Nói rồi Quang Khải lên ngựa đi liền, Trần Kiện mặt đỏ phừng phừng như vừa chợt nhận ra một điều gì. Kiện đang bực mình thì Lê Trắc đi thám thính về hỏi:
- Tướng quân vừa tiếp thúc phụ, chẳng hay có chuyện gì khiến phải bực giận?
Như người gãi đúng chỗ ngứa. Trần Kiện nói như hét:
- Ông ấy lại bảo ta phải hiệp quân với Tá Thiên vương? Ta còn căm ghét nó hơn cả lũ giặc. Thử hỏi, nó hơn gì mà nó được ở trên ta?
Lê Trắc thủng thẳng thêm vào:
- Hơn chứ sao lại không hơn? Vương cứ nghĩ lại mà xem.
- Vậy chớ ông bảo nó hơn ta cái gì? Nó có tài cán gì, ông nói thử ta nghe? - Trần Kiện bực tức gắt lên - Mà ông cũng đừng gọi ta là "vương" nữa làm ta càng thêm bực.
- Được rồi, tôi không gọi "hầu" là "vương" nữa. Nhưng trước sau thì hoàng thượng cũng sẽ nghĩ lại mà phong vương cho hầu. Còn hầu hỏi tôi hoàng tử Đức Việp hơn gì hầu mà được phong Tá Thiên vương. Hơn ở chỗ Đức Việp là hoàng tử. Thế là đủ lắm rồi. Con vua thì lại làm vua.
- Ta không thèm nghe ông nói nữa đâu. Chính là anh em nó cướp ngôi của ta. Nhẽ ra ngôi thượng hoàng bây giờ là của cha ta. Lê Trắc vội chạy lại bịt miệng Trần Kiện mà rằng:
- Đừng nói nữa. Đừng nói nữa lại mang vạ vào thân. Ngôi thứ đã an bài rồi, không thay đổi được đâu, chớ có dại mồm dại miệng mà chết.
- Ta cũng đang muốn chết đây. Toa-đô đánh ra, Thoát- hoan đánh vào. Quân triều đình chạy như một lũ chuột. Đến như bá phụ Hưng Đạo vương còn chẳng xoay chuyển nổi tình thế, thử hỏi bọn ta làm được cái gì. Chợt nhớ, Kiện hất hàm hỏi Lê Trắc:
- Vậy chớ việc thám sát của ông ra sao?
Lê Trắc lắc đầu bước lại gần Kiện, nói nhỏ:
- Tôi có điều tâm huyết bày tỏ, không biết vương có chịu nghe?
Kiện đáp:
- Ông ăn ở với ta bấy nhiêu năm, còn không biết bụng ta sao? Ta với ông tuy không phải tình máu mủ ruột rà, nhưng có khác chi huynh đệ. Làm việc gì, ta chẳng hỏi ông. Ông cần điều gì ở ta mà không được. Ông cứ nói, kể cả việc bất trung như hàng giặc cũng chẳng sao.
Lê Trắc làm ra vẻ hốt hoảng ngăn lại:
- Chết chết, sao tướng quân lại có ý nghĩ phản loạn như vậy. Việc này mà hở ra thì cả tôi và tướng quân đều mất đầu.
- Ngươi nhiều lời quá! Trần Kiện gắt - Ta đã nói thế mà ngươi cứ còn rào đón mãi.
- Tôi không sợ sao được. Tướng quân coi tôi là thân, nhưng quân pháp vô thân. Vả lại tôi xuất thân nho học, được tướng quân tin dùng dưới trướng, chứ thực ra tôi có chân trong hoàng thân quốc thích đâu mà được bao dong. Dạ, tôi nói quân.pháp vô thân, là vô thân với người ngoại tộc thôi, còn như trong hoàng tộc vẫn cứ là thân, dù kẻ đó có tội.
- Ta vẫn thấy ông loanh quanh mãi mà vẫn chưa nói ra được điều cần nói - Trần Kiện ngắt lời.
- Dạ, tôi xin nói. Chẳng là thế này, tướng quân cho tôi mang theo một kỵ đội đi viễn thám.
- Đúng! Thế kỵ đội đâu? Trần Kiện sốt ruột hỏi.
- Dạ, bị giặc bắt hết cả rồi.
Trần Kiện hoảng hốt giục:
- Sự thể thế nào, ông kể ta nghe. Vậy là giặc đã tới gần ta lắm rồi sao?
- Dạ, bẩm tướng quân, ta đang bị bao vây. Ba mặt đều bị quân thiên triều phong tỏa.
- Thế thì thúc phụ ta nguy mất.
- Không. Không có gì đe dọa được tính mệnh thái sư.
- Ông ấy đầu hàng à?
- Dạ không. Tôi nghe thượng tướng nói lúc chia tay với chủ tướng, rằng ông ấy đem quân đi theo đường núi phía tây Hoan Châu mà vào Châu Diễn. ấy là sự tính toán thiên tài. Hiện chỉ còn mặt ấy quân thiên triều bỏ trống.
- Ông nói ta nghe việc kỵ đội bị bắt?
- Dạ, khi được tin nguyên soái Toa-đô đã đem binh ra Thanh Hóa, tướng quân sai bọn tôi đi thăm dò hư thực. Kỵ đội chúng tôi cứ đi sâu vào mãi, ở đâu dân chúng cũng bảo không nên vào vì giặc sắp tới. Chúng tôi muốn được nhìn thấy bóng giặc rồi mới quay về. Ai ngờ đi quá ba mươi dặm thì gặp tiền quân của nguyên soái Toa-đô. Thấy kỵ đội của ta, là kỵ binh của chúng phóng ngựa ào tới quây lại thành vòng tròn. Cứ một cánh quân chạy xuôi, lại một cánh quân chạy ngược như quân đèn cù. Cho tới lúc vòng vây nhỏ lại, thắt kỵ đội của ta vón như tổ kiến gặp bão, họ bèn quăng dây lôi cổ kỵ sĩ của ta xuống, bắt sống cho bằng hết.
- Bắt sống bằng hết mà ông lại về được đây? Nói láo! Kiện quát.
- Bẩm tôi đâu dám nói láo. Rồi Trắc móc túi lôi ra một phong thư, nói như khóc: "Bẩm, đây là thư nguyên soái gửi tướng quân".
Trần Kiện đọc xong, mồ hôi toát ra như tắm. Lát sau, Kiện lẩm bẩm: "Sao nguyên soái biết hoàn cảnh của ta, biết cả nỗi uất ức của ta?" Đoạn Kiện quay lại bảo Lê Trắc:
- Đấy là thư của nguyên soái Toa-đô mời ta ra hàng.Thế ông đã nói gì với nguyên soái chưa?
- Dạ chưa. Lê Trắc làm ra bộ ngơ ngác - Tôi biết ý chủ tướng ra sao mà dám nói.
- Chết cha, ông ta ước: nội trong hai ngày không trả lời thời tiến đánh. Làm thế nào bây giờ, ông chỉ giùm ta? Ông biết đấy, một vạn quân ngớ ngẩn của ta, sao địch nổi với cả chục vạn quân thiên triều thiện chiến. Chống lại họ, khác nào đem trứng mà thách chọi với đá. Thấy Trần Kiện luống cuống lo sợ, Lê Trắc nói:
- Tôi đã vì chủ tướng mà nhận lời với nguyên soái rồi. Nhưng nếu thấy quân ta có thể thủ thắng, xin tướng quân cứ bầy trận nghênh địch. Và lời hứa của tôi coi như một kế trá hàng.
- Không được. Không được - Trần Kiện vội xua tay. Ông đã vì ta mà hứa với nguyên soái, cũng chính như ta đã hứa. Quân tử nhất ngôn, không thể thay đổi được, họ khinh.
- Họ khinh! Lê Trắc nhắc lại.
Hai người thu xếp cho một vạn binh trong một ngày phải về hội dưới trướng, để cho quân Toa-đô thít chặt vòng vây. Toa-đô cho gọi Trần Kiện vào hầu trong trướng an ủi:
- Trong cuộc đại nam chinh này của thái tử, người lập công đầu là ông. Ta sẽ tâu về Trấn Nam vương kíp khen.
Toa-đô đòi Trần Kiện phải chia quân dẫn đường cho quân thiên triều, đi bắt sống các tướng còn lại của triều đình.
Trần Kiện cắt cử binh tướng dẫn đường cho quân Nguyên đi đánh các nơi phòng giữ của triều đình trong đất Hoan Châu. Riêng Kiện xin tự mình làm tướng tiên phong để đi bắt sống Tá Thiên vương Trần Đức Việp, nhưng Toa-đô không nghe. Y nói:
- Ta sẽ cử tướng khác đi bắt Đức Việp cho ông. Phần ông, ta muốn dùng vào việc lớn.
Kiện thưa:
- Nguyên súy quá khen, tôi thân một hàng tướng, còn làm được việc gì lớn.
Toa-đô cười ngất:
- Ông thực khiêm nhường. Đúng là trời đem ông đến cho ta, việc lớn ta phải nhờ, nhưng cao kiến như ông chắc đã đoán biết tới tám chín phần rồi. Nói xong, Toa-đô rót rượu quí mời Trần Kiện.
Kiện đỡ lấy rượu, cúi đầu cảm tạ:
- Tiểu tướng chưa lập được chút công nào mà nguyên soái đã ban cho đặc ân, tự lấy làm thẹn.
- Chỉ riêng việc tướng quân đem lòng yêu mến về với ta, lại tặng cho ta thêm một vạn quân nữa, ơn ấy ta biết lấy chi báo đáp. Tuy vậy, còn một việc, phi tướng quân không ai làm nổi.
Toa-đô cứ nói nửa úp nửa mở khiến Trần Kiện thêm khó xử. Thực ra Kiện cũng đoán biết Toa-đô muốn dùng y vào việc gì. Nếu quả đúng như vậy, thì tên tướng Thát-đát này ác độc quá. Không thể chịu được nữa, Kiện bèn hỏi:
- Bẩm, có phải nguyên súy muốn sai tôi đi bắt Chiêu Minh vương Trần Quang Khải?
Toa-đô vỗ đùi đánh đét một cái rồi cười ha hả:
- Quả là tướng quân biết hết gan ruột ta. Đúng là trời đem đến cho ta một người bạn tri kỷ, một viên đại tướng.
- Nguyên súy bắt tôi làm một việc quá sức. Chắc nguyên. súy đã biết tài cẩm quân của thúc phụ tôi. Làm sao mà tôi có thể địch nổi Chiêu Minh vương. Vả lại, việc đó không hợp với đạo lý nước chúng tôi.
Toa-đô nhăn mặt lại, y lườm Trần Kiện có vẻ khinh bỉ:
- Ông thua trận là phải. Vì ông biết một mà không biết hai. Nhìn thẳng vào mặt Trần Kiện, Toa-đô nói như quát - Ai sai ông đi bắt thượng tướng Trần Quang Khải? Chẳng qua là ta thương tình chú cháu các ông, muốn cho các ông sớm đoàn tụ, nên ta cử ông đi đón thượng tướng. Còn nếu như ta phái tướng của thiên triều đi đón, e rằng tính mệnh ông ta khó toàn. Nói xong, y ném cho Trần Kiện một phong thư và giục.
- Cứ đọc đi ông khắc biết.
Trần Kiện mở thư đọc. Lúc đầu Kiện có vẻ bàng hoàng mặt tái đi. Nhưng càng đọc, mặt y càng tươi dần lại. Đoạn Kiện ngẩng nhìn Toa-đô:
- Vậy là Chiêu Quốc vương cũng có bụng về với nguyên súy?
- Điều đó ông ta đã nói rõ trong thư. Không những thế, Trần ích Tắc còn gửi công tử Nghĩa Quốc hầu sang chỗ ta trước, để làm con tin. Còn ông ta với gia thuộc sẽ về thẳng Thăng Long với Trấn Nam vương. Nhiều vị đại thần khác của An Nam cũng đã gửi thư đến ta, hẹn xin được vào chầu Trấn Nam vương. Cho nên việc ta cử ông đi là muốn tạo cho ông một cơ hội làm điều nghĩa. Việc ấy chắc hợp đạo lý nước ông. Toa-đô chợt đổi giọng êm ru - Chương Hiến hầu, chẳng hay ông có nhận ra lòng tốt của ta?
- Đa tạ nguyên súy, Trần Kiện ấp úng đáp, và tiếp - xin lĩnh mệnh nguyên súy giao cho.
Toa-đô cười sằng sặc:
- Ta biết? Ta biết! Thế nào ông cũng nhận mệnh, bởi ông là người sáng suốt. Vậy thời ta cho ông đem theo năm ngàn quân bản bộ. Ta lại cấp thêm cho năm ngàn quân thiên triều, cùng với đại tướng Giảo Kỳ đuổi theo Quang Khải. Nhân đây, ta cũng báo để ông vui. Bộ tướng Lê Trắc của ông vừa lập công lớn. Y dẫn đại quân theo đường tắt qua kênh Vệ Bố lấy thành, và diệt gọn hai tướng Đinh Xa và Nguyễn Tất Thông. Các tướng khác cũng đang dẫn lộ cho quân thiên triều đi lùng bắt Văn Túc vương, Tá Thiên vương, Chiêu Hiếu vương...
Tình thế cấp bách. Giặc đánh rất gấp vào Trường Yên, Thiên Trường. Phía Nam, Toa-đô cũng đánh ra dữ dội, kẹp quân ta giữa hai giọng kìm khốc liệt.
Quang Khải sau khi chia tay Chương Hiến hầu Trần Kiện, không như lời ông nói, là sẽ đem binh đi theo đường núi phía tây Thanh Hóa mà vào Nghệ An để luồn sau lưng giặc. Trái lại, ông cho quân quay về Thiên Trường để hộ giá hai vua. Nhân tông đã mời vua cha cùng các tướng về bàn việc nước. Hưng Đạo, bố cáo tình thực quân ta bị thiệt hại ở vùng đất hai châu Hoan, Diễn. Trong đó việc phản bội của Chương Hiến hầu Trần Kiện, Lê Trắc đã gây thiệt hại lớn cho quân và làm nản lòng binh sĩ. Rồi ông tiếp:
- Toa-đô đánh vỡ mặt nam. Tình thế chuyển xoay thất lợi cho ta nhiều lắm. Giặc đang siết chặt hai gọng kìm, mưu toan tiêu diệt quân ta. Muốn thoát khỏi cuộc bao vây khủng khiếp này mà vẫn bảo tồn được lực lượng, chỉ có cách luồn lại phía sau Toa-đô, thời hai gọng kìm kia chúng tự kẹp vào nhau.
Quang Khải hỏi luôn:
- Nếu lừa được hai gọng kìm chúng tự kẹp vào nhau là thượng sách. Nhưng trước sau giặc đều án ngữ dày đặc. Xin hỏi, bằng cách nào huynh trưởng có thể rút êm được mấy chục vạn quân mà không xảy ra ác chiến?
- Phải tạo! Phải tạo ra tình thế đó.
Trần Nhân tông:
- Xin quốc công kiến giải cho mọi người cùng bàn. Hưng Đạo nhìn hai vua, nhìn Quang Khải và các tướng để dò tìm xem mọi người còn vững dạ hay đã lung lay. Đoạn, với giọng trầm, ấm ông nói:
- Toa-đô sau ba năm bị cầm chân tại miền Ô, Lý thiếu lương, thiếu thuốc, lòng quân đã nản. Y đánh mãi không qua được cửa quan Nghệ An. Chợt có tăng viện, y cho quân liều chết phá được ải. Thế là Thoát-hoan từ thế bị bao vây chuyển sang thế bao vây. Nhưng xét cách tiến binh của Toa-đô, thời chủ đích chỉ là việc siết cho nhanh hai gọng kìm để kẹp quân ta. Bởi thế, y tiến quân rất nhanh, ào qua như một cơn lốc, chứ không dừng lại lập trạm, trại giữ đất như Thoát-hoan ở ngoài này. Điều ấy tỏ rõ Toa-đô thiếu quân. Hiện binh giặc đã ra gần hết Hoan Châu. Vậy chỉ có cách nhử sao cho Toa-đô tiến nhanh ra mạn bắc, tạo thành khoảng trống phía sau. Trong khi đó, quân ta sẽ hành binh bằng đường thủy, và đường xuyên rừng núi vào chiếm lấy đất Hoan, Diễn. Được vậy, thời quân ta chỉ phải chống giặc có một mặt bắc. Mặt nam, ta sẽ liên kết với Chiêm Thành.
- Nhưng làm thế nào nhử Toa-đô ra nhanh được? - Trần Thánh tông hỏi.
Hưng Đạo đáp:
- Tâu, việc đó khó mà dễ. Khó ở chỗ phải biết dụ địch, không ham chiến và phải biết cách thua cho thật khéo, để giặc không ngờ đó là mẹo của ta. Khi giặc đã tin rằng thế quân ta yếu không chống nổi, thời chúng đuổi theo tới quên ăn. Phi tướng giỏi, không thực hiện được mẹo này tới ba ngày liền, mà không bị giặc phát lộ. Hưng Đạo mỉm cười nhìn khắp một lượt, rồi dừng cặp mắt nơi Quang Khải, ông nói tiếp: Nếu mưu ta giữ được kín nhẹm, lừa được giặc, thời việc bắt Toa-đô dồn nhanh quân ra mạn bắc, để trả lại đất Hoan, Diễn cho quân ta, là việc trở nên cực dễ.
Trần Nhân tông khẽ nhíu mày như là một sự cân nhắc, nhà vua nói:
- Xin thượng tướng Chiêu Minh đi cho một chuyến, triều đình trông đợi ở vương.
Quang Khải cúi lạy:
- Thần xin lĩnh mệnh:
Trần Nhân tông:
- Thượng tướng nhận mệnh với quốc công.
Hưng Đạo lại nói:
- Trong khi ta nhử Toa-đô ở mặt nam ra, thời ta cũng lui dần mặt bắc để dồn quân về Long Hưng, dồn về các lộ ven biển phía đông để tiện cho cuộc đại lui binh vào phía sau lưng giặc - Dạ tâu, thần cũng đã chia binh, cử tướng lên các sách, động vùng Lạng Châu, Đà Giang, Tam Đái... hợp lực với các thổ hào, tù trưởng người thiểu số để đánh vào các trạm, trại quân và các kho lương, hoặc các đội vận chuyển quân lương của giặc. Dạ, trước mắt ta còn gặp vô vàn khó khăn, song chẳng bao lâu nữa giặc sẽ khốn đốn.
Việc bàn chưa dứt thì có quân viễn thám từ Hoan Châu ra báo: "Các ải vỡ gần hết, Trần Kiện thân dẫn giặc đi các đường hẻm đánh úp quân ta. Đại liêu Hộ và Chiêu Hiếu
vương đã cự giặc tới cùng. Hai vị đã thọ tử... ".
Không khí triều hội căng thẳng vô cùng. Không ai dám nói ra lời, nhưng nhiều người hẳn cùng một ý nghĩ:
"Khó mà thoát khỏi nạn nước thập phần nghiêng ngả này".
Trần Thánh tông xua tay, dường như người không muốn nghe, thấy những cảnh thương tâm, những điều đau đớn. Đoạn nhà vua nói:
- Bữa trước, ta cử Đỗ Khắc Chung vào trại giặc dò tìm tin tức. Chung đi sứ đã làm rạng tỏ khí tiết Đại Việt, khiến Ô- mã-nhi cũng phải nể trọng. Các điều ta bầy tỏ với Thoát- hoan đều bị khước từ, nhưng Khắc Chung đã thâu được những điều bổ ích. Nay ta lại muốn thăm thú binh tình bên trại giặc, chẳng biết có ai vì trẫm, vì nước mà đưa quốc thư tới Thoát-hoan?
Thánh tông vừa dứt lời thì tông nhân Trung Hiến hầu Trần Đương bước ra cúi lạy:
- Thần xin được lĩnh mệnh.
Lại thấy Thiện Trung đại phu Nguyễn Nhuệ bước ra lạy:
- Xin bệ hạ trao việc ấy cho thần. Lỡ giặc có trở mặt giết đi, thân già được hy sinh cho nước không có gì phải ân hận. Bệ hạ nên giữ lại các đồng liêu còn sung sức của thần, để làm vốn dùng cho nước được lâu dài.
Trần Đương không chịu nhường, hai người cứ tranh cãi nhau xin đi. Đến nỗi Nguyễn Nhuệ phải khóc mà phân trần:
- Việc vào trại giặc để chết, thời kẻ thất phu có lòng trung với nước cũng làm được. Tôi tuy không thuộc dòng dõi thất phu nhưng đã già, dẫu giặc có giết, sự thiệt hại cũng không nhiều lắm. Tôi không có ý bảo trọng tấm thân cho riêng quan Trung Hiến hầu, mà tôi muốn lưu giữ một tài sản cho nước. Việc thắng giặc lúc này là muôn khó. Song việc trị bình sau thời loạn để nước không rơi vào thảm hoạ đói nghèo, tưởng còn khó gấp bội. Nếu không có những người sức lực sung mãn, tài đức vẹn toàn, thử hỏi lấy gì mà vực thế nước đi lên sau cơn binh lửa.
Nghe quan Thiện Trung đại phu phân giải, Trần Hưng Đạo lấy làm cảm kích tấm lòng trung với nước của ông, và kính nể hơn là sự nghĩ hiểu xa rộng của ông về một nước Đại Việt phú cường, ngay cả khi ông phải chết, thời cái chết ấy cũng không gây thiệt thòi cho nước nhiều lắm. Hưng Đạo tự nhủ: "Ông ta chỉ là một chức quan văn không có tiếng tăm trong triều, mà sao nhân cách ông ta chói ngời như một bậc thánh ".
Vua đã nói tới cạn nhẽ, hai vị vẫn không chịu nhường nhau. Thánh tông đành phải cử cả hai người cùng đi sứ.
Đang đà thắng lớn, Thoát-hoan huyênh hoang như một tên mãi võ, và tiếp sứ thật là kiêu mạn. Y bắt hai vị sứ giả phải quỳ để dâng thư. Trung Hiến hầu Trần Đương tính cương nghị đã toan nổi xung, chợt thấy Thiện Trung đại phu Nguyễn Nhuệ đưa mắt nhìn như thầm nói: 'Hãy nhẫn nhục. Việc vua giao chưa làm xong, chưa được chết".
Nuốt hận vào lòng, hai người cùng quỳ dâng thư. Đọc xong, Thoát-hoan ném thư vào mặt sứ. Rồi thét:
- Quân trưởng các ngươi phải vào chầu ta. Nếu cha con Nhật Huyên không tới lạy trước trướng, nước ngươi sẽ thành bình địa, cung thất, tông miếu sẽ thành gò hoang.
Trước khi đuổi hai sứ ra ngoài, Thoát-hoan còn thét:
- Giam chúng nó lại.
Bữa nọ, Ô-mã-nhi gọi hai sứ giả lên trước trướng cho uống nước, rồi hỏi chuyện thế sự. Cả hai người đều đòi Trấn Nam vương phải có hồi âm và phải cho sứ về. Ô-mã-nhi ừ hữ cho qua chuyện. Rồi y mở ống quyển lấy ra một bức tranh lụa treo ngay ngắn trên tường. Y hỏi:
- Các ông có biết người này là ai không?
Hai sứ giả nhìn nhau kinh ngạc. Thiện Trung đại phu Nguyễn Nhuệ bèn hỏi:
- Tại sao các ông có được bức họa chân dung quốc muội chúng tôi?
- Vậy các ông cũng nhận ra nàng là An Tư công chúa?
Trung Hiến hầu nói thẳng:
- Có phải các ông đem binh tới nước tôi cũng vì người này không?
Ô-mã-nhi cười ngất:
- Đâu phải chỉ vì má đào mới có can qua. Nhưng trong can qua lại cần có má đào, Trấn Nam vương vì lòng thương người con gái này, ngài muốn được che chở. Vậy một trong hai các ông được mang theo dụ của Trấn Nam vương trở về. Và bảo phải đưa công chúa đến hầu Trấn Nam vương.
- Việc ấy có nới trong thư không? Nguyễn Nhuệ hỏi.
- Không. Nhưng các ông phải biết điều. Nếu nàng tới hầu, chắc Trấn Nam vương sẽ nới tay. Các ông bàn bạc với nhau đi, ai về, ai ở?
Nguyễn Nhuệ nói luôn:
- Có gì phải bàn bạc. Trấn Nam vương đang nóng lòng chờ quốc muội, thời phải người có sức khỏe như quan Trung Hiến hầu đây mới đi nhanh được. Tôi sức yếu, xin ở lại làm con tin.
Trung Hiến hầu hiểu ý quan Thiện Trung đại phu muốn cử mình về trước, nên không tranh cãi.
Hai ngày sau vẫn chưa thấy vua Trần đưa công chúa An Tư tới cống. Thoát-hoan đòi Nguyễn Nhuệ quỳ trước trướng để hỏi. Lần này, ông nhất định không chịu quỳ. Và bảo:
- Không có một luật lệ nào bắt sứ quỳ để tiếp chuyện.
Thoát-hoan giận quát:
- Ta khinh ngươi nên không cho ngồi. Sứ giả gì ngươi. Ta sắp bắt gọn cả triều đình nhà ngươi nấu trong vạc - Ta khinh ngươi? Thoát-hoan thét vào mặt Nguyễn Nhuệ - Chó! Người là đồ chó! Sứ chó!
Thiện trung đại phu Nguyễn Nhuệ bưng miệng cười. Rồi không ghìm được ông cười to thành tiếng.
Thoát-hoan lại quát: - Ngươi cười cái gì?
- Ta cười vì ông bảo ta là "Sứ chó". Vậy phải có nước chó, thời mới có sứ chó. Hóa ra ta phải đi sứ tới nước chó! A ha... ha...!
Thoát-hoan giận tím mặt, thét đao phủ lôi Nguyễn Nhuệ ra chém. Trước khi bước ra khỏi trướng, Nhuệ còn quay lại nhổ vào mặt Trấn Nam vương Thoát-hoan.
Triều đình bàn đến nát nước về ý định ngang ngược của Thoát-hoan, đòi bằng được An Tư.
Hưng Đạo không để ý nhiều tới thói ngạo mạn của Thoát- hoan, mà ông quan tâm đến kẻ nào đã vẽ chân dung công chúa? Kiểm đủ mặt các tài nhân danh sĩ ở Thăng Long không thấy có mặt nào đủ tư cách bắt được An Tư ngồi trước khung lụa, ngoại trừ Chiêu Quốc vương Trần ích Tắc. Sau hỏi, quả An Tư có nhớ lại chuyện đó.
Nhưng làm sao bức vẽ ấy lại đến được tay Thoát-hoan? Nó đến bằng con đường nào? Có phải Ích Tắc gửi tặng để cầu thân, hay có kẻ nào lấy cắp đem đi?
Về chuyện An Tư, các đại thần không dám quyết. Thượng hoàng Trần Thánh tông nói: "Thân làm vua mà không bảo trọng được cho em gái thì nhục lắm". Với Nhân tông cũng rất khó xử, nhà vua nói: "Tiên đế mất đi, để lại hoàng cô bé bỏng, nay đem dâng cho giặc, hỏi còn mặt mũi nào nhìn thấy Người ở dưới suối vàng”.
Sau Nhân tông hỏi riêng Hưng Đạo, nhà vua nói:
- Thưa quốc phụ, việc Thoát-hoan đòi dâng hoàng cô, Quốc phụ dạy nên như thế nào?
Hưng Đạo bẩn thần giây lâu rồi đáp:
- Các đại thần xin không lạm bàn trong chuyện này. Thượng hoàng không quyết, bệ hạ cũng không quyết. Đây là đối sách bang giao, thần là tướng võ, xin bệ hạ miễn cho phải bàn. Nhưng vì bệ hạ đã gặng hỏi, thời thần chỉ nói theo ý riêng mình. Cứ như chỗ thần được biết, bệ hạ có đem dâng cả mảnh giang sơn gấm vóc do tiền nhân để lại cho giặc, vẫn chưa là đủ, nói chi thân một quốc muội.
Những chuyện đó rồi cũng bay từ Thiên Trường về tới Long Hưng, và đến tai An Tư. Nàng đau lòng trước cảnh nước mất nhà tan. Đêm nằm nhức nhối không sao ngủ được. Phần thương anh, thương cháu, thương nước, thương dân. Phần xót xa mối tình trong sáng giữa nàng với Chiêu Thành vương. Nhẽ ra không có nạn nước, thì mùa xuân này ta đã làm lễ kết tóc với chàng.
Giá như Thánh tông, cứ lấy quyền huynh thế phụ ra mà quyết lại đi một nhẽ. Hoặc giả Nhân tông, lấy quyền là một bậc quân trưởng ra mà quyết, lại đi một nhẽ khác. Và ta sẽ dễ xử hơn. Hoặc thuận theo, hoặc cưỡng lại. Đằng này thì mọi người ngấm ngầm im lặng. Vì thương ta cũng có. Vì ngại ta cũng có.
Giặc đánh mỗi ngày một dữ dằn thêm. Triều đình không ngày nào không phải chuyển dời địa điểm. Các đại thần, rồi hoàng thân, quốc thích ra hàng giặc ngày một nhiều thêm. Thế nước chung chiêng như con thuyền đang đi trong giông bão. Đêm trước buồn quá, An Tư ghé coi bọn giáo phường về Long Hưng trình diễn tích "Lý Thường Kiệt phá Tống". Về, thâu đêm không ngủ được. Nàng tự hỏi: 'Lịch sử đất nước đã viết được những trang hào hùng thế. Chẳng nhẽ cháu con lại để ông cha phải ngậm tủi nuốt sầu dưới tuyền đài chăng?".
Phải làm gì đây? - An Tư tự hỏi. Lời hát: "Quốc gia hữu sự,thất phu hữu trách" của đám giáo phường, như còn vẳng bên tai. Chẳng lẽ không ai nói gì đến ta, ta lại coi như không biết sao? Ôi đau đớn! An Tư thốt lên rồi úp mặt xuống gối nức nở. Nỗi giằng xé trong nàng là bổn phận đối với tình yêu,.và nghĩa vụ đối với đất nước. Nàng tự hỏi, sao người xưa nói "Gác tình riêng đền nợ nước", nó nhẹ nhàng và mau chóng làm vậy. Chỉ có ba chữ thôi mà dứt bỏ được tình sâu nghĩa nặng ư? "Gác tình riêng", nàng nhắc lại ba chữ thiêng liêng mà đau buốt đến tận tủy xương, óc não. An Tư lại nghĩ: Tình riêng gác được hay không là quyền ở mỗi người. Nhưng nợ nước mà không báo đền được, thời thân sống coi như đã thác! Nàng luống cuống không biết tìm ai, hỏi ai trong lúc cô đơn giữa khuya vắng này. An Tư bèn dựng nàng hầu yêu dậy hỏi chuyện:
- Kim Liên? Kim Liên! Dậy mau, ta có chuyện cần bàn với em.
Đang ngủ say bị dựng dậy bất ngờ, Kim Liên tưởng giặc đến, bèn hốt hoảng hỏi:
- Bẩm công chúa, chạy đi đâu bây giờ?
- Chưa, chưa phải chạy. Ta có chuyện muốn nói với em.
Kim Liên tưởng nghe nhầm, bởi nàng cho đây là một sự lạ bèn hỏi lại:
- Bẩm, công chúa có chuyện gì muốn nói với con?
- Phải. Không những nói mà ta còn bàn với em, còn phải hỏi em nữa.
- Ôi con đâu dám phạm thượng thế ạ. Xin công chúa tha cho, kẻo con lại mang tội bất kính.
- Không. Kim Liên, ta cần em. Em không nên thủ lễ quá, tủi thân ta. Ta nói thật, ta rất cần em.
- Dạ thế thì con xin nghe công chúa nói đây, con không dám thủ lễ nữa ạ.
An Tư bèn kể hết khúc nhôi, kể hết cả nỗi lòng mình trước tình yêu tha thiết với Chiêu Thành vương, và trước nạn nước mà Thoát-hoan đang đòi nàng phải đem thân tới nạp.
Nghe xong, Kim Liên thở dài đáp:
- Dạ, bẩm thế thì công chúa khó xử thật.
- Nhưng nếu em ở vào địa vị ta thì em xử như thế nào?
Kim Liên giẫy nẩy lên:
- Bẩm công nương sao lại ví thế được ạ. Con đâu dám ở vào địa vị công nương. Nhưng nói dại, giá như vị thế con mà gặp cảnh ngộ như vầy, kể cũng khó xử thật. Thôi, con chịu, làm sao mà công chúa lắm nỗi éo le phức tạp?
- Nhưng ít ra trong hai con đường ấy, em phải chọn một chứ? Vậy em chọn đường nào?
- Ôi, khó xử quá. Giả như con phải xô đẩy vào cảnh ngộ của công chúa, nhất định con phải hỏi ý chàng.
Gương mặt An Tư bừng sáng, nàng reo lên:
- Ôi Kim Liên, em giỏi quá! Việc giản dị dường ấy mà sao ta không nghĩ tới? Tuy vậy, gặp Chiêu Thành vương lúc này đâu phải chuyện dễ. Chàng là người của bốn phương. Như là một cánh chim bằng nay đây mai đó, biết đâu mà tìm. Chợt nàng quay hỏi Kim Liên:
- Ta định mai đi tìm chàng, liệu em có đi cùng ta?
- Dạ, bẩm công chúa, lên ngàn xuống biển, đi đâu con cũng xin được theo hầu.
- Em có biết cưỡi ngựa không?
- Dạ có, nhưng không được thạo như công chúa.
- Em có nghĩ rằng chàng trả lời ta sao không?
- Bẩm công nương, làm sao con biết được các điều đang ủ kín trong đầu vương.
- Nhưng nếu em là chàng?
- Bẩm công chúa tha tội cho con. Ban nãy công chúa bảo con là công chúa, bây giờ công chúa lại bảo con là vương. Cả hai điều đó đều xem như là nghịch lý.
Sớm tinh sương các nàng hầu đã gói gồm xong hành trang và đồ ăn cho công chúa cùng Kim Liên. Một thầy, một tớ thong dong hai ngựa lên đường. Mới sang đò được chừng non mười dặm thì thấy một người đang phóng ngựa như bay về phía mình. An Tư thầm ước: "Nếu như người kia lại đúng là chàng". Nàng phỉ phui ngay ý nghĩ đó. Bởi chàng đang bận việc quân. Số phận đất nước như chuông treo chỉ mảnh, mong sao chàng đừng vương vấn đến ta. Nhưng kỳ lạ làm sao. Người ấy đang thả lỏng dây cương cho ngựa đi nước kiệu. Và đúng là chàng. Nàng vút ngựa lao lên rồi hét:
- Vương! Ném cương, nàng nhảy bổ sang ngựa chàng.
Chiêu Thành vương giơ hai tay đón nàng. Chàng đặt gọn nàng ngồi vào phía trước yên cương. Nàng ghì chặt cổ chàng, nước mắt đầm đìa, giọng run run:
- Vương! Vương ơi, em khổ lắm!
Chiêu Thành vương cúi xuống hôn nhẹ vào má nàng hỏi:
- Vậy chớ nàng định đi đâu bây giờ?
- Em định sang Thiên Trường tìm vương.
- Ta mới ở Hoan Châu ra đêm qua. Hoàng thượng cho nghỉ một ngày. Đêm nay phải tâu bầy mọi việc. Ta ghé thăm nàng, khoảng giờ mùi lại phải chia tay, nàng tính sao?
- Chàng nhất thiết phải có mặt đêm nay ở Thiên Trường - Hay ta vào vãng cảnh chùa rồi chơi ở đó, để chiều vương còn kịp phiên chầu.
Không còn cách nào tiện hơn, vương cho ngựa rẽ theo lối mòn vào chùa. Kim Liên vẫn leo đẽo theo sau, một mình một ngựa, giữ một khoảng cách vừa đủ để hai người được tự nhiên. Thấy vương rẽ ngựa, Kim Liên biết ngay công chúa sẽ dừng lại trong chùa. Tới cổng, nàng lấy cớ phải coi cả ba con ngựa nên không vào được chùa trong.
Trụ trì tại ngôi chùa này là một sư bà, tuổi ngoại bảy mươi. Thấy khách lạ tới thăm chùa, bà sai đệ tử ra rước vào nhà thư trai.
Sư bà dáng người phúc hậu, ăn vận nâu sồng, đầu đội mũ ni, cổ đeo tràng hạt, tay chống cây thiền trượng, chân giận giầy cỏ lật đật bước ra thềm đón khách. Nhác thấy hai cô cậu đáng bậc vương tôn, sư bà niềm nở đón chào:
- A-di-đà Phật, chẳng hay quý khách từ đâu tới thăm chùa?
Chiêu Thành vương và An Tư công chúa chắp hai tay vái dài:
- A-di-đà Phật! Chúng con từ Thăng Long tới.
Nghe khách nói từ kinh kỳ đến, sư bà rất mực cảm kích, liền hỏi thăm song thân và gia cảnh.
Lại hỏi cả việc giặc chiếm Thăng Long có tàn sát sinh linh, tàn phá kinh thành và các nơi tế tự, chùa, quán không. Rồi mặc khách thăm viếng cảnh chùa.
Chiêu Thành vương dẫn An Tư vào lễ Phật rồi ra chơi phía vườn chùa. Mãi góc phía tây, nơi gốc bồ đề có bãi cỏ non xanh mướt, hai người dừng lại giãi bầy tâm sự. An Tư kể hết nỗi niềm. Nào Thoát-hoan đòi triều đình phải nộp nàng cho nó. Nào triều đình đã bàn mà không quyết. Nào Thánh tông băn khoăn, Nhân tông day dứt. Cuối cùng chẳng đi tới quyết sách gì.
Nghe An Tư kể, Chiêu Thành vương thấy ớn lạnh cả sống lưng, phần thương nàng, phần căm giặc. Kể xong, nàng hỏi:
- Vương dậy em nên xử thế nào? Em yêu vương hơn cả yêu mình. Không gì có thể ngăn được tình em yêu chàng. Dù trời long đất sập, lòng em chẳng thể chuyển lay. Nhưng vương ơi, trước nạn nước, đặt em vào một tình thế khó xử. Đem thân làm mồi cho giặc dữ thời em phải phụ tình chàng! Vẹn nghĩa cùng chàng lại bất trung với nước! Nói xong, An Tư gục vào lòng chàng khóc như mưa như gió.
Nghe nàng nức nở, vương đâm bối rối, tới mức chàng cứ ngồi vuốt vuốt mái tóc nàng mà không tìm ra được lời yên ủi.
Chàng nghĩ: nước mắt đôi khi cũng làm cho vơi vợi nỗi niềm. Tự đáy lòng mình, chàng không muốn xa nàng, còn nói chi ưng thuận cho nàng đem thân vào trại giặc. Chàng ao ước được lĩnh một đội binh mạnh, liều xông vào cùng sống chết với Thoát-hoan. Ôi việc ấy đặt ra trong lúc này là không hợp. Quốc công tiết chế đã dậy: “Muốn thắng giặc phải biết thua giặc”. Và bây giờ là lúc phải biết thua. Chàng cũng oán triều đình không có quốc sách rõ ràng, khiến nàng lâm vào tình thế khó xử. Lại thầm trách nàng khéo vơ lấy sự việc không đâu cho rắc rối. Phận nữ nhi, ai dám trách nàng. Nếu triều đình không hỏi, sao nàng lại coi như không biết đến có hơn không. Nhưng bình tĩnh lại, chàng tự đặt vào vị thế của từng người. Như Thánh tông, Nhân tông cư xử thế cũng là phải. Chính An Tư vương vấn thế cũng là phải. Nàng có thể vờ như không biết, nhưng cả nước biết, và nhất là không thể vờ vịt được với lương tâm. Vậy bây giờ đến lượt chàng phải xử sự thế nào cho phải đạo. Chàng phải có một chọn lựa. Hoặc quyết giữ nàng lại cho riêng mình. Hoặc vì nước mà phải quên hạnh phúc của riêng mình. Chàng đau đớn kêu lên ở trong lòng - ôi ta có thể nghìn lần xông vào chốn muôn chết không nề hà. Nhưng không một chút nào, dù một chút xíu thôi để nàng dấn thân vào nơi nguy họa. Và cho dù vạn nhất nàng phải xông vào nơi nguy họa, khả dĩ còn có thể chấp nhận. Đằng này lại phải đem thân cho giặc dày vò. Ôi cái chuyện nhơ nhớp ấy chàng đã cố không nghĩ đến. Nhưng sao nó vẫn cứ lóe lên, cứ chập chờn bộ mặt xấc xược đầy thô bỉ của tên tướng giặc Thoát-hoan, như là một sự chọc giận, một thách thức không những với chàng, mà với cả dân tộc chàng. Chàng thề sẽ moi gan móc mắt tên giặc này mới nghe.
Chiêu Thành vương chợt nhớ lời An Tư hỏi: "Vương dạy em nên xử thế nào?" Chí trượng phu trỗi dậy trong hồn chàng. Vỗ nhẹ vào bờ vai An Tư, chàng nói:
- Ta yêu em hết lòng. Ta cũng biết tình yêu em dành cho ta là tất cả. Nhưng trong tình thế đất nước lâm nguy, phải gác tình riêng đền nợ nước. Ta đau đớn nói với em điều này - Cả ta và em đều phải chấp nhận. Nếu không, sẽ rất hổ thẹn không những với hiện tại, mà còn cả với muôn đời con cháu. Chúng ta không còn một chọn lựa nào khác. Nhưng hứa với em, ta sẽ chiến đấu để đánh bại Thoát-hoan. Sẽ đón em về trong tiếng ca khải hoàn của đất nước. Với ta, mãi mãi em vẫn là An Tư trong trắng. Em là vợ yêu của ta từ phút này. Thoát-hoan sẽ phải đền tội ác. Nói xong, Chiêu Thành vương lại đặt nhẹ lên môi nàng một nụ hôn đằm thắm. Và hỏi:
- Vậy ý em thế nào?
An Tư ngước khuôn mặt trong sáng vừa được rửa bằng nước mắt, nhìn chàng với vẻ biết ơn. Từ đôi mắt nàng tỏa ánh hào quang khiến khuôn mặt nàng rực rỡ như một thiên thần, An Tư dịu dàng đáp:
- Những lời cao thượng của chàng khiến em vững tâm hiến mình cho nước. Em dẫu vào trại giặc, nhưng lòng luôn ở bên chàng. Em mỏi mắt trông chàng đánh tan giặc dữ, cứu giang san, cứu em.
Chiêu Thành vương nắm lấy hai tay nàng nhẹ nhàng dìu đứng dậy, chàng nói: - Sắp đến giờ ta phải lên đường. Em liệu trở về thu xếp xong thì sang ra mắt hoàng thượng, để triều đình còn có quyết sách.
- Không, em không còn gì phải thu xếp nữa. Em sẽ đi cùng chàng để đêm nay vĩnh biệt. Dường như An Tư cứng cỏi hẳn lên, bởi nàng vừa có một chọn lựa đúng đắn. Nàng rất bằng lòng quyết định nơi chàng. Hành vi của chàng chỉ có bậc đại trượng phu mới làm nổi.
Sư bà đã sắp sẵn một bữa cơm chay mời khách. Nhà sư không biết họ nói với nhau điều gì. Nhưng cứ xem ý tứ thì đây là một cuộc chia tay không có ngày tái ngộ.Llòng nhà sư buồn rượi, bà lần tràng hạt thầm cầu xin đức Như Lai che chở cho họ.
Giã biệt sư già với bao mối cảm kích. Trước phút lên ngưạ, An Tư gọi Kim Liên đến bảo:
- Em ngồi xuống đây cho ta nói đôi lời. Ta vô cùng biết ơn về lời chỉ dẫn của em trong đêm qua. Đúng là ta đã hỏi chàng và con đường chàng chỉ cho ta là cao thượng, như tâm hồn chàng cao thượng.
Kim Liên ngơ ngác về những lời nói của An Tư mà từ trước cô chưa hề thấy.
Công chúa lại nói:
- Ta lạy em hai lạy này, là để đền ơn những năm tháng em đã hầu hạ ta. Vừa nói nàng vừa sụp lạy.
Kim Liên hoảng sợ, không biết phải làm gì. Giây lâu nàng ôm lấy công chúa khóc nức nở.
- Được ra vào nơi cung cấm, hầu hạ công chúa là hạnh phúc của đời con, sao người lại dạy thế.
An Tư tháo chiếc vòng ngọc và đôi xuyến vàng, gói trong chiếc khăn lụa màu cẩm thạch, đặt vào tay Kim Liên:
- Đây là chút tình ta gửi lại, mong được lưu dấu trong em. Em đừng từ chối mà phụ lòng ta. Nay mai ta vào trại giặc, không còn cần những thứ đó.
Kim Liên khẽ đẩy tay An Tư ra vật mình lăn khóc thảm thiết. Chiêu Thành vương cũng không biết nói gì trước cảnh tớ thầy ly biệt, chàng đi lại nơi dựng tấm bia trước tam quan vờ chăm chú đọc.
Khi tiếng khóc chỉ còn là tiếng nấc, An Tư mới tìm lời vỗ về Kim Liên. Nghe xong, Kim Liên phân tỏ:
- Con được hầu hạ công chúa lâu ngày quen hơi bén nết. Ngoài là tình chủ tớ, nhưng trong thì công chúa coi chẳng khác chị em. Ơn nghĩa ấy con xin khắc cốt ghi tâm, nửa bước con cũng không rời công chúa. Những đồ trang sức quý giá kia, công chúa cho, con chẳng biết làm gì, nếu như nước mất mà công chúa cũng không còn.
Cảm kích trước tấm lòng nghĩa cả của Kim Liên, công chúa lựa lời an ủi:
- Cực chẳng đã, ta phải đem thân vào nơi ô nhục, cũng là vì nước, em không nên theo ta mà bị nhục lây. Có khi còn bị họa không chừng. Em cứ nên cầm lấy vài kỷ vật này của ta trở về gia hương mà phụng dưỡng song thân. Nếu nhớ đến ta, cứ ngày này hằng năm em thắp cho ta một nén nhang, và hễ thấy ngọn trúc trước nhà bay phơ phất, ấy là hồn ta lay động mừng em.
Kim Liên quyết liệt:
- Nếu thấy chủ nguy mà bỏ chạy thời con không bằng giống vật. Vả lại công chúa ra đi vì nước, cũng vì nước mà con theo hầu công chúa. Nếu công chúa không nghe, con xin chết trước mặt người. Nói xong nàng bỏ chạy về phía tấm bia, toan đập đầu vào đó tự tử. Công chúa vội chạy theo kêu khóc. May mà có Chiêu Thành vương ở trong tam quan bước ra kịp ngăn lại.
Không dài vắn gì thêm nữa, cả ba người cùng lên ngựa sang Thiên Trường.
Tình thế mỗi ngày một bức bách, lại nữa An Tư công chúa tự nguyện hiến mình cho nước, Trần Thánh tông phải gạt nước mắt để An Tư sang trại giặc. Viên quan cận thị Đào Kiên, vốn là người hầu cận trong cung, được Thánh tông ủy thác đưa công chúa tới trại Thoát-hoan.
Cảm thông với nỗi đau lẻ bạn của Chiêu Thành vương, và cũng để tránh cho chàng phải làm một cuộc tiễn đưa đau đớn, Nhân tông đặc cử chàng đi thăm thú trước con đường tới cảng Vân Đồn, Ngọc Sơn và tới tận nguồn Tam Trĩ (đất Ba Chẽ, Quảng Ninh ngày nay)để nay mai phải cần đến. Chiêu Thành vương thầm biết ơn đấng quân vương sáng suốt. Chàng ra đi như một người trốn chạy, và có đủ lý do để không tới biệt nàng.
Một chiếc thuyền rồng sơn màu anh vũ thả rèm the bốn mặt, hai lá buồm trắng như hai lá cờ tang để đưa An Tư công chúa ngược Thăng Long. Khó khăn nhất vẫn là chọn được hai mươi tay chèo khỏe mà không có vết săm "SÁT THÁT" trên người. Sắp tới giờ xuất phát mà việc trang điểm mãi không xong. Bởi cứ mỗi lần xoa phấn tô son vừa dứt, chỉ cần An Tư nấc lên một tiếng là suối lệ lại ào tuôn, và phấn son lại ố hoen gương mặt đẹp. Cuối cùng người ta phải chấp nhận, nàng vẫn ra đi mà không cần trát tô son phấn. Thật ra son phấn chỉ cần cho những người có nước da tối, và gương mặt có các đường nét không dịu hiền. Cho nên bỏ son phấn đi, An Tư bộc lộ được tất cả những gì gọi là mỹ lệ mà thiên nhiên ưu ái bù đắp cho số phận nàng cay đắng. Vẻ đượm buồn vẫn không làm giảm đi nét trong sáng thiên thần của gương mặt An Tư kiều diễm. Mỗi bước nàng đi, như hào quang tỏa sáng. Nàng lả lướt như một thân cò bợ, tưởng như có thể gục ngã trên mỗi bước đi, nếu như không có hai người xốc nách.
Tiễn nàng trên bến sông có nhiều các quan văn võ, cùng gia quyến họ, nhưng không có hai vua. Cũng không có Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải. Dường như đây là mối quốc hận chích vào đáy sâu lòng tự trọng mà các bậc chính nhân quân tử, các đấng trượng phu không chịu nổi.
Tiễn nàng còn có các vương tôn công tử, các nhà tu hành và dân chúng Thiên Trường. Lại nữa một chiếc xe tam mã muộn mằn đang hối hả lao theo ra bến. Từ trên xe bước xuống, người ta nhận ra ngay Khâm từ hoàng hậu, và một thị nữ bước theo sau, tay ẵm một hài nhi.
Hài nhi đó chính là Huyền Trân công chúa, mới sinh vào ngày lễ thượng nguyên, trên đường hoàng hậu đi lánh giặc.( Khâm từ hoàng hậu là vợ vua Trần Nhân tông. Bà là con gái của Trần Hưng Đạo. Về thứ bậc, An Tư là cô ruột của Trần Nhân tông, và cũng là cô họ của Khâm từ hoàng hậu. An Tư là con gái út của Trần Thái tông. Huyền Trân công chúa phải gọi An Tư bằng bà cô.)
Đám đông rẽ ra cho hoàng hậu đi về phía An Tư. Hoàng hậu vái lạy hoàng cô. An Tư hơi nghiêng mình đáp lễ.
Giọng đẫm đầy nước mắt, Khâm từ nói:
- Hoàng cô đi, để làm thư quốc nạn. Ấy là mong muốn của triều đình. Cháu cứ nghĩ, hàng mấy chục vạn binh cản chúng còn chưa nổi, huống chi một thân liễu yếu?
An Tư thấy lòng trong lặng, tựa như mặt biển sau trận cuồng phong. Nàng không đáp lời Khâm từ mà đón bế Huyền Trân đang khóc giẫy giụa trong tay thị nữ.
Lạ thay, khi An Tư vừa đỡ tay vào thì Huyền Trân nín bặt. miệng nhoẻn cười. An Tư mở vuông lót gấm xem thân hình cháu. Hai chân đạp chơi vơi, Huyền Trân nhìn đăm đắm hoàng cô và cười nheo cả mắt.
Chợt trông thấy nốt ruồi son nơi gót sen bên tả Huyền Trân, An Tư tối sầm mặt lại, vội vàng quay đi giấu giọt lệ. Nàng đau đớn thốt lên:
- Bất hạnh thay con gái họ Trần!
Trống tiễn đưa gõ nhịp biệt hành. An Tư đi ngược xuống thuyền, lòng lưu luyến khôn cùng, tự nhiên lệ lại ướt nhòe đôi mắt. Công chúa thơm nhẹ Huyền Trân, và trao cháu lại cho Khâm từ hoàng hậu, rồi chắp hai tay lạy bơn phía, lạy cả đất, trời.
Tất cả những người đưa tiễn không ai cầm nổi lòng mình, không một gương mặt nào không nhoen lệ. Cả Thiên Trường đẫm lệ.
Nửa giờ sau, hai cánh buồm chỉ còn lại một chấm trắng, như một cánh cò phiêu bạt trên nền trời tím sẫm.