Chu sư của quốc công về tới cửa sông Cái vào khoảng canh ba, ngày mười bảy tháng tám, thì giong thẳng buồm vào hồ Dâm Đàm. Quốc công sai hạ buồm và ẩn giấu binh thuyền quanh các đảo trong hồ. Căn dặn viên đô đốc xong đâu đó, Hưng Đạo cho lâu thuyền vào hồ Thủy quân rồi lên kiệu về thẳng tướng phủ.
Sáng sớm, quốc công lên ngựa vào cung Thánh từ vừa lúc thượng hoàng Trần Thánh tông đang dùng trà. Hưng Đạo sụp lạy, Thánh tông vội vàng nâng dậy và nói:
- Anh em trong nhà gặp nhau, sao vương huynh phải thủ lễ làm vậy.
- Tâu thượng hoàng, lễ là khởi đầu của mọi mối rường, bệ hạ có yêu mà miễn thứ, thần cũng không dám vâng theo.
Thánh tông vừa dẫn Hưng Đạo vào kỷ vừa nói:
- Vương huynh cứ bầy vẽ, lễ là ở chốn triều chính, chớ trong nhà, phải theo đạo nhà. Vương huynh là bề trên.
- Ấy chết, sao bệ hạ dạy thế! Hưng Đạo vẫn điềm đạm nối lời.
Uống chưa xong một tuần trà, Hưng Đạo và Thánh tông mới thăm hỏi nhau được đôi điều thì Trần Nhân tông đã vào chầu.
Nhân tông tuy ở ngôi cao, nhưng lòng vẫn khôn nguôi đạo hiếu. Tuy đã ra ở cung Quan triều coi sóc việc nước, song thường nhật vào lúc sáng sớm, nhà vua vẫn tản bộ sang cung Thánh từ để vấn an vua cha.
Vừa gặp thân phụ, vừa gặp nhạc phụ, Nhân tông bèn sụp lạy. Đúng lúc Hưng Đạo cũng toan quỳ lạy cho phải đạo vua tôi nhưng Thánh tông đã kịp ngăn lại.
Vừa xong lễ tương kiến, Nhân tông liền tỏ lòng ái mộ bản "Dụ chư tì tướng hịch văn" của quốc công tiết chế. Nhà vua nói:
- Bẩm quốc phụ, làm thế nào mà Người viết ra được những lời tâm huyết thiêng liêng dường ấy! Đọc xong, con cứ cảm nghĩ như hồn thiêng sông núi của Đại Việt, đã kết tụ từ ngàn năm vọng lại qua bổn tâm đại hùng đại lực của quốc phụ.
- Bệ hạ quá khen - Quốc Tuấn đáp - ông hơi ngượng với lời khen đó, sắc mặt ông bỗng ửng đỏ, ông đưa tay lên vuốt chòm râu.
Nhân tông dường như không nghe Quốc Tuấn nói gì, và nhà vua cũng không để ý tới nét thay đổi trên gương mặt vị tướng già. Rõ ràng là hoàng thượng chỉ chú tâm bộc bạch điều mà người đã đau đáu suy tư về bức "Hịch văn" của quốc công tiết chế. Ngài lại nói:
- Thượng hoàng muôn phần đẹp ý về bản "Hịch văn" của quốc phụ. Tiều tử đã đưa cho sử quan Lê Văn Hưu chép vào quốc sử. Lại định tới ngày đại duyệt này, sẽ đưa ra bố cáo trước toàn quân, để khích lệ lòng ái quốc của tướng sĩ. Và rồi giao cho xuất nạp quang phổ lời "Hịch" xuống tận muôn dân. Chẳng hay ý quốc phụ thế nào?
( Xuất nạp quan: Một chức quan trọng yếu đời Trần, có nhiệm vụ đem mệnh lệnh của vua tuyên cáo cho dân chúng trong nước biết, rồi đem các ý nguyện của dân tâu lên triều đình. Nhờ chính sách này mà triều đình luôn gần dân.)
Hưng Đạo vương nghe thấu từng lời của nhà vua, quốc công có phần hơi xúc động, ông lại đưa tay lên ve vuốt chòm râu và đáp:
- Đội ơn bệ hạ, từ độ nhận tin Đỗ Vỹ báo về: Hốt-tất-liệt đã phong cho Thoát-hoan con trai y làm Trấn Nam vương. Và tên này đã khởi binh sang đánh Đại Việt từ hành tỉnh Kinh Hồ, lòng thần xiết bao căm giận. Lòng căm giận lũ chó lợn này dồn nén gần ba chục năm nay, bỗng bật trỗi dậy. Thần nghĩ, phải có cách nào thổi vào lòng tự tôn dân tộc bùng lên thành một bể lửa, thời mới có cơ may diệt được đội quân xâm lăng hùng hổ kia. Đào bới đến quặn lòng cũng chưa tìm ra được kế gì. Chợt lời "Lộ bố" của quan thái úy Lý Thường Kiệt phát ra khi đánh Tống, cứ vang bên tai thần. Quả nhiên như có hồn thiêng tiên tổ gọi về, thần thấy không có gì diệu lý hơn là: VIẾT HỊCH. Thế là thần ngồi vào viết một mạch từ giờ tuất đến giờ dần. Thần cảm thấy như có một đấng chí tôn nào đấy đang ngự ở trong đầu, và đọc cho thần chép. Thần có thể dâng bệ hạ bản chính với bản sao, không khác một lời. Kỳ thật!
( Tể tướng nhà Tống là Vương An Thạch chủ trương đánh An Nam. Năm Ất mão (1075) ngầm tập trung 10 vạn quân tại các châu Khâm, Liêm, Ung thuộc tỉnh Quảng Tây Trung Quốc. Quân ta dò biết được việc này, Lý Nhân tôn bèn sai Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem hơn 10 vạn binh sang đánh dẹp. Khi sang đất Tống, Lý Thường Kiệt cho phát lời "Lộ bố". Tức bản cáo trạng kể tội Vương An Thạch dùng phép "Thanh miêu” (các kế hoạch cải cách) làm khổ dân Trung Quốc; lại có âm mưu xâm lược Đại Việt. Quân Việt sang chỉ có mục đích giúp dân Trung Quốc phá kế "Thanh miêu” chứ không có ý đồ xâm lược. Vì vậy rất được lòng dân Trung Quốc. )
- Kỳ thật! Vua Nhân tông nhắc lại. Nếu quả như quốc phụ nói: đây là lời tổ phụ tâm truyền, thời cả nước chỉ có một mình quốc phụ là người độc nhất xứng đáng được tin cậy, ủy thác. Thật là đại hồng phúc cho nước nhà. Vậy lời "Hịch" này phải được truyền thấu từ trăm quan đến thứ dân trong cả nước. Sức mạnh của lời "Hịch" sẽ nhân sức quân, sức dân ta thành sức mạnh thần thánh, kẻ thù không thể nào hiểu được.
Khuôn mặt nhà vua hân hoan bừng sáng như gương mặt trẻ thơ. Đức vua lạy từ hai đấng bề trên, rồi lui về cung Quan triều.
Vua Nhân tông đi rồi, Hưng Đạo vương tâu trình các việc cần kíp phải làm, trước khi quân giặc xâm phạm cõi bờ với thượng hoàng Trần Thánh tông. Hai đại nhân nói cười cởi mở ra vẻ tâm đắc lắm.
Giây lâu Hưng Đạo cáo từ thượng hoàng để còn liệu lo công việc. Hưng Đạo ra khỏi cung lâu rồi mà Trần Thánh tông vẫn chưa vợi nguôi xúc động. Thánh tông tự xét, từ các ý nghĩ đến việc làm như "Phú quốc cường binh sách" trước khi tâu về triều, ấp An Sinh đã tự làm, và thu được thành tựu đáng khích lệ. Dân tình hồ hởi. Cha, con, anh em có khi một nhà bốn năm người cùng xin tình nguyện xung quân. Quốc công có được một đội quân luyện tập dạn dầy và đông đúc, dũng mãnh nhất trong các vương hầu. Nay lại lao tâm khổ tứ viết được lời "hịch", như moi móc từ tâm can óc não ra, hễ ai đã nghe một lần, dù là gỗ đá cũng phải nghiến răng, trợn mắt cầm lấy võ khí xông ra giết giặc, bảo vệ giang san nòi giống. Nếu không phải là người tận tâm báo quốc, thời không thể có được hành vi ấy. Tự đáy lòng mình, Thánh tông giũ bỏ mối hiềm nghi giữa hai ngành trưởng, thứ. Song có một điều làm nhà vua hơi áy náy, ấy là việc Hưng Đạo lúc nào cũng giữ gìn cặn kẽ quá, thủ lễ quá, khiến anh em cỏ vẻ kém chan hòa. Và nữa về tư chất, từ con người này toát ra vẻ uy nghi cùng tài đức của một bậc đế vương. Chỉ lo sau này... Thánh tông không dám đi đến cùng ý nghĩ. Bởi trong lúc này anh em trong nhà ngờ vực lẫn nhau, cũng tức là nuôi mầm tai họa. Thật tình, Thánh tông đã dứt tuyệt các phương sách đối phó, và ngăn chặn ngành trưởng bạo nghịch từ lâu. Vì rằng không tìm đâu ra, không nghe đâu được những hành vi, hoặc những lời nói có ẩn chứa mưu mô. Trần Hưng Đạo, tâm tưởng trong suốt như một khối băng. Ai đó hoài nghi vương, tức là người ấy mờ ám, Thánh tông nghĩ vậy. Nhưng khổ nỗi: đôi khi có một vài vẩn đục trong suy tư của ta, cũng có phần lỗi ở Hưng Đạo nữa. Vì rằng ân, uy, đức độ của vương, không chỉ giới hạn trong An Sinh ấp, mà nó tỏa khắp vương triều, tỏa khắp dân gian. Ngay như việc hạn điền, hạn nô trong hàng vương hầu, trong giới quí tộc do phủ Hưng Đạo khởi xướng, đã được quan gia ban thành quốc sách, khiến đám nông nô tri ân vô hạn. Song việc thi hành thật không dễ. Biết bao nhiêu các bậc cựu thần, cố lão, kể cả các bậc tôn trưởng, đều nhao nhao bài xích, nhà vua phải rắn tay lắm thời "Phú quốc cường binh sách" mới được thành tựu.
Mấy người trong hoàng tộc ỷ thế không chịu thả nô, sẻn điền liền bị kê biên gia sản, bị lưu đầy viễn châu, rồi mới nghiêm lệnh được. Nhờ quốc sách ấy mà chỉ trong vài năm nay, trong dân gian nhà nhà đã no đủ dồi dào, quốc khố dư dật. Thế dân, thế binh nổi lên như sóng cồn. Trong dân, trong quân người người đều sẵn lòng xả thân vì nước. Thế mới biết quốc công là người có nhãn quan xa rộng. Chính vương đã âm thầm trù liệu cho công cuộc chống trả quân Mông – Thát sắp diễn ra nay mai từ sau cuộc chiến năm Đinh ty. Có nghĩa là hai mươi bảy năm ròng rã, vương làm một việc mà chỉ người có cái chí của bậc thánh nhân mới làm nổi.
Trong khi vua Thánh tông cứ mải suy ngẫm về bản “ Hịch văn", về "Phú quốc cường binh sách" thì Hưng Đạo vương tức tốc trở lại quân doanh, kiểm xét lại một lần nữa các công việc cho ngày đại duyệt, Quốc công không chỉ bàn bạc, huấn hỗ cho các viên thượng tướng, đại tướng, đô đốc, mà còn thân xuống tận các quân, các đô vừa thị sát vừa úy lạo sĩ tốt. Công việc xong xuôi thì đã quá giờ mùi. Quan hỏa đầu dâng bữa. Vương chỉ dùng qua loa, rồi lên ngựa phi tới thẳng phủ thái sư thượng tướng Trần Quang Khải.
Đúng lúc đám gia tướng của thái sư cũng dắt ngựa ra khỏi tàu. Anh em thi lễ xong, Quốc Tuấn bèn cáo thoái:
- Nếu ta không nhầm thì thượng tướng có việc sắp phải đi đâu đó? Để khi khác ta lại thăm vương tiện hơn.
Quang Khải cười lớn, giọng cười sảng khoái như người bộc bạch hết cả gan ruột.
- Quốc công quả có con mắt tinh đời. Đúng là em đang định đi kiểm xét lại quân doanh rồi ghé qua chỗ huynh trưởng, thỉnh huynh vòng lại hồ Thủy quân, xem thủy trại của các vương, hầu đồn đóng ra sao.
- Nếu vậy mời thượng tướng lên yên - Quốc Tuấn nói - Ta cũng có việc cần bàn riêng với thượng tướng.
Hai ngựa sóng đôi. Quốc Tuấn vẫn cưỡi con tía mật - một con ngựa Hồ to cao, sắc lông cháy lên như màu lửa. Đại vương thân hình lẫm liệt, đầu không đội mũ trụ mà quấn khăn vành dây, mình khoác áo thụng tía, ngang lưng thắt một dây lưng bằng da bện, thanh trường kiếm dắt cạnh sườn. Chân giận đôi hia đen, thêu chim phượng múa. Thượng tướng Trần Quang Khải người mảnh mai như một thư sinh. Vương cưỡi con hắc long màu đen tuyền. Sắc lông bóng mượt như nhung. Con ngựa Hồ này cũng cao to không kém con tía mật của Quốc Tuấn. Khu biệt giữa loài ngựa Hồ với ngựa ta không chỉ ở chỗ chúng có thân hình to, cao mà chúng còn có đôi mắt rất tinh tường. Ban đêm nhìn vào đôi mắt chúng như nhìn vào hai cục lửa rực sáng. Chính vì vậy mà chúng đi suốt đêm trong rừng sâu, cũng không khác đi giữa ban ngày trên những nẻo đường quang đãng. Chúng có thể đi suốt ngày đêm hàng trăm dặm, vừa đi vừa ăn cỏ hoặc thóc treo ở trước mõm; và liếm những giọt sương đọng trên các cành lá ven đường, thay cho nước uống. Thế nhưng chúng lại có thể tham chiến bất kể lúc nào. Khi lâm trận gặp núi cao, sông sâu ngay cả lửa cháy ngút ngàn, khí hăng bốc lên, chúng cũng lao vào không do dự. Cái khó đối với loài ngựa này là vừa kén ăn, lại vừa kén chủ. Nhất là đối với những con có quí tướng, mà rơi vào tay những kỵ sĩ nhút nhát, hoặc những vị ngu tướng, thì chúng không quật ngã trên bộ cũng dìm chết dưới sông.
Khác với Quốc Tuấn, Quang Khải vận áo bào thượng tướng. Hình hổ phù thêu trước ngực gắn đôi mắt ngọc lấp lánh hào quang như mắt thật, và những chiếc móng sắc dữ dằn. Thượng tướng đội mũ trụ dát vàng, lưng dắt thanh bảo kiếm chuôi ngọc nạm vàng, chân đạp đôi hia màu tím sẫm thêu chim phượng trắng. Thấy Quốc Tuấn trong sắc phục giản dị, Quang Khải có ý hơi ngượng. Nhưng tính Quang Khải vốn nghiêm cẩn; mỗi khi bước vào quân doanh, ông đều thay hết mũ áo thái sư bằng mũ áo thượng tướng.
Hai người, hai ngựa thong dong vào quân doanh của thượng tướng Trần Quang Khải. Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn liếc nhìn qua một lượt các trại quân, thấy hàng lối ra vào thuận tiện. Quân đi lại thưa thớt, mau lẹ có cảm nghĩ đây là các lều trại bỏ trống. Thế nhưng nó lại đang chứa đựng trên một vạn quân bộ, quân kỵ và lừa ngựa, lương thảo dã chiến. Phía sau các lều trại là các bãi tập láng dầy cát. Ở đây quân đang tập theo từng đô một. Chỉ nghe thấy tiếng kim khí va chạm, tiếng đấm, đá, tiếng chạy huỳnh huỵch, tiếng cung tên rít gió, và tiếng vó ngựa quần trên cát bịch bịch như tiếng chầy đập vải nơi hồ Giặt lụa.( Địa phận hồ Trúc Bạch ngày nay, xưa mang tên hồ Giặt lụa, vì các làng quanh hồ này làm nghề ươm tơ, dệt lụa và thường bắc cầu rửa ven hồ để giặt, đập tơ lụa ươm, ngâm.)
Trong khi Quang Khải hỏi han và cắt đặt công việc cho các tướng dưới quyền, thì Quốc Tuấn vẫn đi lại xem xét khu lều trại của sĩ tốt tập luyện. Ông rất hài lòng vì sĩ tốt đều khỏe mạnh, tập tành theo khuôn phép, kỷ cương, thuần thục, say mê. Quốc Tuấn thầm khen: "Quang Khải quả là một tướng văn, tướng võ kiêm thông, kiệt xuất". Ông ước ao có vài chục viên thượng tướng, đại tướng như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão... thời công cuộc kình chống lũ giặc Mông - Thát kia bớt được bao nhiêu trắc trở, máu xương.
Công việc vừa xong, Quang Khải liền quay ra mời Quốc Tuấn về đình Tỵ Huyên ngay cạnh hồ Tịnh Tâm trước cửa cung Ngoạn Thiềm. Ở đó đã có sẵn một bình trà ủ nóng với đủ khay chén. Còn có cả một bàn cờ với quân ngà bày sẵn, như chỉ chờ hai vương tới đàm đạo và giải trí. Hai vương thả ngựa cho chúng tha thẩn trên các trảng cỏ quanh hồ, rồi cùng vào Tỵ Huyên đình. Quang Khải rót trà mời Quốc Tuấn. Xong hai tuần trà, Quốc Tuấn vào chuyện:
- Ta gặp thượng tướng không phải để bàn việc đại duyệt vào ngày kia.
- Dạ bẩm huynh trưởng, em cũng nghĩ thế - Quang Khải đáp và ông hỏi thêm - Bẩm huynh, chẳng hay kỳ này Thoát- hoan đánh ta bằng ngón đòn gì, huynh đã định liệu cách chống đỡ đến đâu rồi?
Quốc Tuấn trầm ngâm một lúc rồi ve vuốt chòm râu, đoạn ông đáp:
- Trong thế cờ cuồng vọng này, Thoát-hoan không chỉ có đấm tốt biên. Mà y dùng tất cả những gì hiện có hoặc có thể có trong tay: xe lệch, pháo lồng, tốt kẹp nách chờ nhập cung…
Vừa nói, Hưng Đạo vừa chọn trong đám quân ngà bầy ra ra một thế cờ như ông miêu tả. Đối mặt với thế lực hùng hậu này, phía bên kia chỉ có một xe một mã. Nhưng có lợi thế được đi trước. Đẩy bàn cờ nhích thêm một chút về phía Quang Khải, với vẻ thận trọng, ông nói:
- Mời thượng tướng! Giả tỉ như đây là thế trận, là thực lực giữa quân xâm lăng Mông - Thát với Đại Việt ta. Tôi xin chọn phía quân ít - Nói rồi Quốc Tuấn nhấc luôn quân xe chiếu vỗ mặt tướng bên kia.
Quang Khải xuất tướng, Quốc Tuấn lại chiếu bồi thêm nước mã quì. Hai vương bắt đầu vào cuộc tỉ thí từ khoảng nửa cuối giờ thân, đánh tới gần trót giờ dậu, cho tới khi trời tối đặc không còn trông thấy gì nữa, các vương vẫn cứ đánh tiếp. Lúc này không nhắc quân nữa mà đánh bằng lời. Khởi đầu, Quang Khải cho đây là cách Quốc Tuấn khai mào câu chuyện, ông đánh cầm chừng. Sau thấy Quốc Tuấn có vẻ toan tính nghiêm trọng lắm, khiến thượng tướng cũng phải dè chừng. Và ông nhập cuộc lúc nào không biết. Quốc Tuấn tuy có thay đổi nước chiếu, cách chiếu để lừa Quang Khải, nhưng không ngơi chiếu. Quang Khải phát bực lên vì quân đông, thế vững nhưng không tài nào giành nổi một nước để tiến công. Chỉ cần một nước thôi, là ông thắng. Cứ giằng dai như vậy sang giờ tuất, nhân lúc Quang Khải sơ hở, Quốc Tuấn đi nước chém tốt chiếu tướng.
Quang Khải ngừng đánh và hỏi:
- Bẩm huynh, nếu đánh tiếp thì huynh thắng hay đệ thắng?
Quốc Tuấn nói với giọng trầm trầm:
- Còn tùy theo cách đánh của vương đệ, nếu vương kiên nhẫn không mắc vào sơ hở nữa thì không thua, nhưng ta cũng khó thắng. Vì rằng ta mới chỉ tạo được thế, song lực của vương đệ còn vững lắm.
Một cái gì đấy vụt lóe ở trong đầu khiến Quang Khải rùng mình và bật thành câu hỏi:
- Bẩm huynh trưởng, có phải đây chính là chước thuật của huynh trưởng đem ra kình chống Thoát-hoan?
- Phải? - Quốc Tuấn đáp gọn lỏn.
Một chiến lược thoáng hiện ra rất mau trong óc não thượng tướng Trần Quang Khải nhờ thông qua một thế cờ mà vị quốc công tiết chế vừa trình bày với ông rất mực tế vi. Điều đó có nghĩa là thế quân của Thoát-hoan vô cùng hùng hậu. Khi tràn vào cõi ta, chúng chỉ mong tìm ra lực lượng chính yếu của quân ta để giao tranh, tiêu diệt, kết thúc thắng lợi chiến cuộc cho thật nhanh. Nói cho cùng thì không một đội quân xâm lược nào không có mong muốn đó. Còn về phía ta, binh lực so với quân Nguyên, yếu hơn nhiều. Cho nên phải tránh va chạm lớn. Phải nghi binh, phải che tai, bịt mắt quân thù, khiến chúng có muốn tiến binh cũng không thể tiến được, muốn đánh không biết đánh vào đâu. Quân xâm lược đi xa, biết bao khó khăn, càng ở lâu trên đất địch, lòng quân càng sinh biến. Với quốc công, bên ta chủ yếu là phải bảo toàn được lực lượng; nhằm sơ hở của địch mà đánh. Kẻ địch muốn đánh nhanh, ta đánh nhẩn nha; kẻ kia muốn đánh lớn ta đánh nhỏ. Khi đã buộc địch phải theo ý ta, thời trước sau chúng cũng thất bại. Thật là cao kiến. Đây chính là phương thuật lấy nhỏ đánh lớn, lấy quân ít thắng quân nhiều. Khi hiểu rõ Quốc Tuấn muốn tâm truyền bí thuật binh pháp của ông, Quang Khải thấy lòng mình se thắt lại. Đúng là bấy lâu ông chưa hiểu hết tấm lòng cao khiết của người anh thúc bá. Niềm xúc động chân thành dâng lên, khóe mắt ông tự nhiên ứa lệ. Trong đêm tối, Quốc Tuấn không nhận ra điều đó. Chợt Trần Quang Khải nói, giọng run run:
- Em xin bái phục huynh trưởng. Và ông sụp lạy - Quang Khải, một con người thông tuệ, dũng lược, chỉn chu chưa tỏ lộ một điều gì sơ xuất trong thuật trị nước, thuật bang giao và cả thuật cầm quân nữa. Hành vi này của ông đối với Quốc Tuấn, không phải là hành vi do lý trí chi phối, mà đó chính là tấm lòng của ông. Ông đã tâm phục.
Quốc Tuấn vội đỡ Quang Khải dậy, bằng giọng điềm đạm, ông nói:
- Vậy là vương đệ hiểu lòng ta, hiểu kế của ta. Đa tạ! Đa tạ! - Từ nay, ta có thể coi em là người tri ngộ. Trước khi vào đại cuộc, vương đệ có điều gì quan ngại nữa không?
- Bẩm huynh trưởng, điều lo nhất của em được huynh trưởng gỡ bỏ qua một thế cờ.
Giây lâu Hưng Đạo lại nói:
- Chúng ta thân làm tướng nên có thể mẫn cảm được với thế trận, chớ như thượng hoàng, ta lo ngài vẫn còn e ngại cha con Hốt-tất-liệt lắm. Ngại là đúng. Chỉ có những kẻ mù lòa, mới không thấy hết sức mạnh đảo hải di sơn của đạo quân hùm sói, sắp tràn vào cõi ta nay mai. Song chúng không hoàn hảo tới mức khiến ta phải khoanh tay thúc thủ. Bởi thế, vương đệ nếu có cơ hội nên thưa lại với thượng hoàng cho cạn nhẽ. Chỉ khi nào ngài cùng quan gia đều vững dạ, thời chúng ta mới yên tâm vào trận được.
Điều Hưng Đạo băn khoăn, đã có lần ông nói với vua Nhân tông, để trong tình cha con thân cận, nhà vua bàn bạc với thượng hoàng tiện hơn. Nay, lại một lần nữa, ông bày tỏ với thượng tướng. Hóa ra một trong những điều Hưng Đạo quan hoài nhất, là làm sao cho những người giữ thế nhân chủ phải có lòng tự tin. Tin vào mình. Tin vào kẻ thuộc hạ dưới quyền. Tin vào thần dân. Nếu không, đất nước tới lúc gặp phải những khúc quanh nguy họa, sao họ đủ dũng lược lèo lái con thuyền quốc gia cập bến bờ đắc thắng.
Nghe Quốc Tuấn nói điều ông quan ngại, Quang Khải lấy làm hợp ý. Vì ông thường được nghe Thánh tông bày tỏ lòng thương dám dân vô tội, sẽ là mồi ngon cho lũ diều quạ Thoát- hoan, nếu như quân triều đình không cản được giặc từ ngoài biên ải. Thánh tông cũng thường kể về tính hung dữ hơn loài ác thú của cha con Thành-cát-tư-hãn, của quân Thát-đát cuồng khấu. Rằng khi Thành-cát-tư-hãn đánh chiếm các công quốc của người Nga-la-tư, bị họ chống cự mãnh liệt. Tiếp đến khi quân Thát-đát phá vỡ được thành trì, tiến thẳng vào kinh đô của họ. Chúng bắt gọn được cả triều đình từ vua đến các đại thần, các vương tôn, công tử khoảng hơn năm trăm người. Thành-cát-tư-hãn ra lệnh chôn họ vào lòng đất như chôn các hàng cột gỗ để nâng một bục sàn cực lớn. Trên đó, quân chiến thắng bày yến tiệc, ăn uống thỏa thuê, nhảy múa điên cuồng. Rồi chúng hất tung các tấm ván sàn đi, và chém rụng hết năm trăm chiếc đầu người ấy như phạt củ chuối... Kể lại những chuyện này hẳn trong lòng Thánh tông chưa yên lắm trong quyết sách đối với lũ giặc Mông - Thát...
Chợt nhớ điều Quốc Tuấn căn dặn, Quang Khải vội đáp:
- Bẩm huynh trưởng, chính em cũng nghĩ như huynh. Để em lựa lời - Rồi vương gạn hỏi:
- Bẩm huynh, từ nay tới khi Thoát-hoan vào tới cõi bờ ta, chắc còn nhiều việc quan yếu phải cấp kỳ khai triển. Em chỉ muốn hỏi, ngoài điều huynh vừa bày tỏ, còn có điều gì vương vấn khiến huynh phải bận tâm nữa không? Thật tình, Quang phải chỉ muốn Quốc Tuấn chuyên tâm lo việc lớn.
Đo đắn giây lâu, Hưng Đạo nói:
- Chẳng giấu gì vương đệ. Em hiểu ruột gan ta rồi đó. Nói rằng ta lo cũng được. Nhưng nói ta thiết tha mong muốn thì đúng hơn. Ta mong sao trong công cuộc kình chống giặc dữ cam go này mà vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục thời mới tạo dựng được cơ may thủ thắng.
Quang Khải không đáp. Ông nắm lấy bàn tay Quốc Tuấn. Người ông run lên vì xúc động. Đúng lúc một đội kỵ binh lướt tới, trong tay mỗi viên kỵ binh là một ống hồng sáng rực cả bờ hồ.
Hai vương đều biết họ đi tìm mình. Và hai con ngựa đang đứng chầu vào đình Tỵ Huyên tự lúc nào, các vương đều không để ý. Chia tay lên ngựa, Quang Khải còn nói theo:
- Mai sớm, em sẽ lại thăm chu sư của huynh trưởng.
Đêm ấy Quốc Tuấn ngủ ngon lắm. Bởi ông đã làm được một việc bấy lâu ông hằng canh cánh. Rằng các người trong ngành thứ, từ Thánh tông đến Quang Khải đều ngờ rằng ông sẽ thoán đoạt ngôi cao. Suốt mấy chục năm, ông giữ mình như giữ một đống rơm khô bên cạnh một lò lửa, sao cho lửa không bén vào rơm.
Bằng các việc làm nghiêm chính của mình với dân, với nước, biết liệu trước, lo sau, nhìn xa thấy rộng. Tới nay cha con, anh em Thánh tông đã hiểu rõ được lòng ông. Sở dĩ có sự hiểm nghi ấy, là bởi cha ông - Yên Sinh vương Trần Liễu, vì u uất trong các việc mà xưa kia Trần Thủ Độ bức bách. Tới khi hấp hối, ông cho gọi Quốc Tuấn vào cạnh giường, nắm lấy tay con mà trối trăng rằng: “Mày mà không vì cha lấy được thiên hạ thì cha chết không nhắm mắt".
Việc trối trăng ấy sau vỡ lở, nên anh em trong hai ngành trưởng, thứ đâm hầm hè nghi kỵ, và trăm quan trong ngoài đều có ý nghe ngóng cả. Đứng đầu hai thế lực của hai ngành cả nước đều biết, chỉ có hai người: Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải.
Mấy năm gần đây triều đình nhà Nguyên rộng hành khinh thị Đại Việt quá đáng, họa xâm lăng xảy ra chỉ trong sớm tối. Quốc Tuấn một mặt lo cho binh mạnh, dân giàu, một mặt lo cho nội tình đất nước, nhất là trong gia tộc phải hòa thuận, bỏ hết mọi điều tị hiềm, dốc lòng vì nước. Ông đã làm mọi cách để gỡ bỏ mối lo đó. Nay tới Quang Khải nữa, là nút thắt buộc chính yếu cuối cùng, ông cũng vừa gỡ bỏ được. Vì thế mà lòng ông thư thái, tâm hồn trong lặng, và ông đã ngủ một giấc ngủ yên bình như một đứa trẻ ngủ trong nôi ấm.
Lúc tỉnh dậy thì trời đã mờ sáng, lâu lắm Hưng Đạo mới lại có được một giấc ngủ muộn như thế. Lòng sảng khoái, chân tay nhẹ bỗng, ông cảm thấy sức lực tràn trề, bèn sai đám thư nhi đem cho ông thanh đại đao ra phía sau nhà đại bái. Tấm thân to lớn với đôi tay rắn chắc, ông sử cây đại đao lanh lợi như người ta dùng chiếc que cời bếp mà múa may vậy. Các đường đao của ông khi tiến công thì như vũ bão; khi thủ thế thì uyển chuyển như hoa rơi tuyết rụng, bao kín toàn thân, tới mức có vốc cả một vốc sỏi ném vào ông, cũng bị thanh đại đao kia gạt ra hết. Hưng Đạo chưa so đao với ai nhưng ai cũng suy tôn ông là một tay đao, thương, quyền trượng vào bậc nhất Thăng Long.
Khi trở về nhà đại bái dùng trà xong, ông đi thẳng ra nơi đồn trú của chu sư.
Mặt trời lên cao chừng ba trượng, thượng tướng quân Trần Quang Khải thân dẫn một đội khinh thuyền, chiếc đi đầu cắm lá cờ hiệu có đề ba chữ "Chiêu Minh vương" thẳng tiến tới chu sư của Trần Hưng Đạo.
Hai vương làm lễ tương kiến xong thì trà nô của Hưng Đạo dâng trà. Đã vào tiết trung thu, nên Hưng Đạo sai pha trà kim cúc.
Sau đó, hai vương cùng đi xem xét nơi đồn trú các chiến thuyền trong đội thủy binh của Trần Hưng Đạo. Trước đông đảo tướng lĩnh và sĩ tốt, hai vương đứng áp sát vào nhau trò chuyện tươi cười, khiến ba quân cùng vui lây niềm vui của chủ tướng. Vòng hết một lượt, hai vương lại trở về nơi chu sư đồn đóng, mặt trời đã lên tới đỉnh đầu, lúc này quân sĩ đang tập luyện.
Cứ từng đô quân một cởi trần, đóng khố, người nào cũng to khỏe, da đỏ săn pha màu chàm như một khối sắt nguội, bởi bụng, hai bắp đùi và sau lưng đều săm hình các loài thủy quái như thuồng luồng, giao long. Họ bơi trong nước, khiến ta có cảm giác đây là một loài thủy tộc hùng mạnh, kiểu như lính ngự lâm của hải long vương vậy.
Sinh ra và lớn lên trong các vùng sông, biển, lại luyện tập kỹ càng trên các địa bàn sông nước, đầm lầy, nên đám thủy quân này vượt sông với đủ thứ binh khí, lương thảo mà không cần cầu phao, không cần thuyền vẫn có thể tạo ra nhiều tình huống bất ngờ, khiến kẻ địch phải kinh hồn khiếp đảm. Nhìn họ tập, hai vương mỉm cười hài lòng.
Mặt trời càng lên cao, cái nắng mỗi lúc một thêm chói chang hơn. Hai vương vẫn đứng phơi người trước mũi thuyền, mồ hôi chảy ròng ròng trên trán và trên cả hai bên thái dương.
- Vương đệ có tắm không?
Quang Khải lắc đầu:
- Chẳng giấu gì huynh trưởng, em thuở nhỏ hay quặt quẹo. Nhũ mẫu cứ tắm nước nóng mãi đâm quen, mất nết, nay không tắm được nước lạnh.
Quốc Tuấn ghé tai tên lính trạo nhi nói nhỏ: "Ngươi vào trong khoang nấu nước lá thơm để ta tắm cho thượng tướng”. Rồi ông quay lại nói với Quang Khải:
- Thượng tướng tắm sau, xin cáo lỗi, ta phải xuống hụp lặn với đám binh sĩ này.
Nói rồi ông cởi bỏ võ phục, và cũng chỉ một manh khố. Thân hình Trần Quốc Tuấn nở nang cân đối, các bắp thịt tay chân ông nổi cuộn lên thành múi, như đô vật lúc gồng người giữ thế. Thân thể ông không săm đặc như đám sĩ tốt, mà chỉ có mỗi hình hổ phù săm kín vùng ngực. Cái đầu hổ phù săm trên lồng ngực y hệt đầu hổ phù thêu trên áo. Chỉ khác là đằng này săm sâu vào da thịt với màu chàm sẫm, còn hình trên áo thì thêu nhiều màu sặc sỡ. Quốc Tuấn bơi nhanh, lướt đi nhẹ như một chú cá kình, đôi lúc hụp lặn lâu như một con giải.
Ngoi từ mặt nước lên, Quốc Tuấn leo phắt vào thuyền. Cũng vừa lúc tên lính trạo nhi ra bẩm: "Nước thơm đã nấu xong". Ông liền vẫy tay cho đám lính khiêng thùng nước tắm vào khoang giữa. Rồi ông chạy lại kéo tay Quang Khải:
- Mời thượng tướng đi tắm.
Quang Khải không nề hà, ông trút bỏ bộ võ phục thượng tướng, rồi đi thẳng ra nơi có thùng nước thơm đang bốc khói. Mùi lá sả, lá hương nhu, lá bưởi lại pha thêm chút dầu hồi quen thuộc, khiến Quang Khải nhớ đến chậu nước mà nhũ mẫu thường tắm gội cho ông hồi nhỏ. Không cưỡng lại lời mời của Quốc Tuấn, bởi trong thâm tâm ông cũng tự thấy: đây không phải là cuộc tắm gội thông thường, mà chính là cuộc hóa giải mối hận cừu giữa hai dòng trưởng - thứ, do các bậc cha ông để lại. Quang Khải nói to giữa đám đông tướng sĩ tò mò nhìn anh em ông tắm táp cho nhau:
- Xin Quốc công tắm giùm thân cáu bẩn.
- Chẳng mấy khi được tắm cho thượng tướng - Hưng Đạo đáp lời Và ông kỳ cọ cho Quang Khải thật tỉ mỉ, từ đường sống lưng, hai cánh tay, bắp đùi và cả những chỗ kín của cơ thể thượng tướng. Cử chỉ ông vừa chăm bẵm, vừa thân tình, khiến đám tướng sĩ của hai phủ Quốc công và phủ Thái sư đều hết sức kinh ngạc.
Đúng lúc thuyền ngự đi thăm các thủy trại cũng vừa tới. Trần Nhân tôn khẽ kéo tay sử quan Lê Văn Hưu hỏi:
- Có phải mắt ta bị lóa nắng chăng, Lê sử quan nhìn kỹ giúp ta xem có đúng là Quốc công đang tắm cho Thượng tướng không?
Lê Văn Hưu căng mắt nhìn vào chiếc thuyền phía trước chỉ còn cách vài trượng, thấy không phải nhà vua lóa mắt, mà đó chính là sự thực. Ông đáp:
- Tâu thượng hoàng, đó là cảnh thực. Rồi ông mở luôn tráp lấy giấy bút, chép sự việc đúng như nó diễn ra mà ông được thấy vào quốc sử. Và ông nghĩ: Đây không chỉ là việc quốc công tắm cho thượng tướng hoặc Quốc Tuấn tắm cho Quang Khải, mà là sự tẩy rửa mối cừu hận, khôi phục tình thân nội tộc. Vượt lên tất cả là sự hóa giải cho những tướng lĩnh dưới quyền của hai phủ, và các vương hầu trong cả nước, thường quan hoài đến sự mắc mớ âm ỷ giữa hai phủ và hai ngành trong hoàng tộc, từ mấy chục năm nay. Đây không phải là cuộc tắm gội bình thường, mà là một nghĩa cử cao cả và đúng lúc, đúng thời của các bậc đại trí. Nghĩ vậy, nhưng Lê Văn Hưu không chép lời ông vào quốc sử. Bình sinh, ông không bao giờ chen lời bàn của riêng mình vào sử sách, bởi ông cho việc làm đó sẽ gây cho sự cảm thụ của đời sau, về các biến cố đương thời có thể rơi vào sự nhầm lẫn, khó bề minh định. Việc xuất hiện bất ngờ của nhà vua khiến hai vương hơi lúng túng. Nhưng Nhân tôn chỉ kính cẩn đáp lễ hai bậc bề trên, rồi sai ngư lâm quân chèo lâu thuyền đi thẳng.
Chứng kiến một sự việc mà trong lòng Nhân tôn bấy lâu mong đợi, khiến nhà vua tràn ngập niềm vui. Tự nhiên lồng ngực ngài ngự đập lên rộn rã, và trong huyết quản thấy râm ran, mặt nong nóng, làm nước da nhà vua hồng lên, đôi mắt rực sáng. Không ghìm được mềm xúc cảm, Nhân tôn nhìn thẳng vào gương mặt trầm tư của Lê Văn Hưu nói:
- Ta nói điều này không phải để ông chép vào quốc sử. Song thực quả, cử chỉ thân tình của quốc công và thượng tướng vừa rồi, khiến ta cảm nhận như chính mình được tắm gội từ trong đầu óc. Hành vi đó của hai vương làm ta thật sự tin tưởng vào công cuộc kình chống giặc Thát nay mai, ta thủ thắng.
- Tâu bệ hạ - Lê Văn Hưu đáp, cuộc đại duyệt ngày mai trong quân sẽ đồn ầm lên sự việc mà bệ hạ cùng hạ thần được chứng kiến hôm nay. Và điều đó, họ không thể lường hết được.
Cuối giờ dần ngày hai mươi tháng tám, các quân được lần lượt gọi vào diễu hành tại bãi sông bến Đông Bộ Đầu. Một đài cao dựng giữa khu đất rộng mênh mông, trên đó treo lá đại kỳ màu đỏ rực, có hai chữ Đại Việt màu vàng sẫm. Thấp hơn là lá cờ đuôi nheo có thêu hàng chữ "Quốc công tiết chế”. Trên đài cao, nơi hàng ghế đầu, có thượng hoàng Trần Thánh tông mặc áo hoàng bào, đầu đội mũ bình đính, tay cầm gậy trúc có khắc hình đầu hổ, và chạm hai con rồng leo quấn quýt quanh thân gậy vàng óng. Hàng ghế thứ hai, Trần Nhân tông mặc áo long cổn màu vàng, trước ngực thêu hình lưỡng long triều nhật, đầu đội mũ hoàng đế, tay cầm ngang thanh bảo kiếm vỏ bằng đồng đen nạm vàng, chuôi kiếm bằng gỗ mun cẩn ngọc minh châu là báu vật truyền quốc.
Đứng chầu ở hàng thứ ba có quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn uy nghi trong bộ võ phục màu tía, đai vàng thêu chim phượng; ngực áo thêu hình hổ phù. Bữa nay Hưng Đạo đeo giáp hộ tâm, nên ngực ông càng đẫy đà; đầu đội kim khôi, ngang sườn dắt thanh trường kiếm, nom ông uy nghi lẫm liệt như một vị thiên tướng. Cạnh Quốc Tuấn là quan tướng quốc thái úy Trần Quang Khải, ông đội mũ thái sư, mặc áo thụng tía thắt đai ngọc, tay cầm chiếc hốt vàng.
Tới giờ đại duyệt, ba phát pháo hiệu nổ vang, quốc thiều tấu lên hùng tráng. Dứt âm nhạc là tiếng loa gọi quân tiến vào trong bãi. Loa thét:
- Thân quân! ( Quân bảo vệ kinh thành do viên điện tiền chỉ huy sứ cai quản)
Lập tức viên điện tiền chỉ huy sứ dẫn các đạo Thiên thuộc, Thiên cương, Chương thánh, Củng thần, Thần sách rồi đến Thánh dực đô, Thần dực đô, Long dực đô, Hổ dực đô... vào quân trường.
Đạo thân quân diễu qua kỳ đài nơi có hai vua, quốc công và thái sư rồi vòng về xếp thành hàng tề chỉnh theo nơi chốn qui định trước.
Loa lại thét:
- Du quân! ( Quân của triều đình đi đóng ở các lộ).
Viên tướng thân dẫn quân vào. Đi đầu là Thiết lâm đô rồi đến Thiết hạm đô, Vũ ân đô, Hùng hồ đô...
Quân triều đình đã vào hết, loa lại thét:
- Vương hầu quân!( Quân của các vương hầu trong điền trang thái ấp).
Đây là đạo quân đông đảo nhất của các vương hầu đều lần lượt tiến vào. Mở đầu là quân của phủ Tá Thánh vương Trần Đức Việp, rồi đến quân của phủ Chiêu Minh vương Thượng tướng Trần Quang Khải.
Tiếp đến là quân của phủ Chiêu Quốc vương Trần ích Tắc; Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Lại đến quân của phủ Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang; Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn; Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn; Hưng Trí vương Trần Quốc Hiến; Hưng Hiếu vương Trần Quốc Uất; Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Tiếp đến Tuệ Trung thượng sĩ Trần Quốc Tung; phó đô tướng quân Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư; Chương Hiến hầu Trần Kiện; Văn Chiêu hầu Trần Lộng; Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản; Vũ Đạo hầu; Văn Nghĩa hầu; Minh Thành hầu; Minh Trí hầu; Nghĩa Quốc hầu... Tất cả đều lần lượt đưa quân vào đại duyệt. Quân của các vương hầu, gia đồng ở các thôn ấp, thường được phiên chế thành ba đạo: Dược đồng đô, Toàn hầu đô, Sơn lão đô.
Các tướng như Trần ích Tắc, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão, Trần Đạo Tái, Nguyễn Khoái... đều đứng lẫn vào trong quân của mình.
Cuối cùng là các đoàn đội trạo nhi (Gồm quân sĩ khiêng kiệu, chèo thuyền, chạy trạm thông báo tin tức, gánh cung tên)lần lượt đi vào trong quân của mình ở quân trường.
Khi đại quân đã tề tựu đông đủ rồi, vua Nhân tôn tiến chếch về bên tả bảy bước, Trần Quốc Tuấn tiến sang bên hữu năm bước, đứng chếch và thấp hơn nhà vua.
Vua truyền:
- “Quốc gia đang cơn nguy biến, giặc Mông - Thát dọa nạt xâm lăng. Nạn binh hỏa chỉ là trong sớm tối. Xét tài thao lược của Hưng Đạo vương tướng quân, năm ngoái trẫm đã phong chức:”Quốc công tiết chê thống lĩnh chư quân sự". Nay trẫm ban thêm cho quốc công lá cờ tiết và thanh bảo kiếm truyền quốc này, để quốc công thay trẫm điều hành việc quân cơ chống giặc trong cả nước. Ai trái lệnh, quốc công được quyền chém trước tâu sau”..
Vừa dứt lời, vua Nhân tôn bèn trao lá cờ đuôi nheo màu đỏ, tua vàng, góc trên cùng thêu ráng mây năm sắc và quốc ấn màu vàng.
Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn bèn quỳ xuống giơ hai tay đỡ lấy cờ, kiếm vua ban.
Vua Nhân tôn vội đỡ quốc công tiết chế đứng dậy, và nói vài lời úy lạo trước toàn quân về bản “Dụ chư tì tướng hịch văn". Đoạn nhà vua sai quan hàn lâm thị độc tuyên đọc.
Quan hàn lâm hấp tấp leo lên đài cao và đọc. Cũng như lúc nhà vua tuyên dụ, có một hạ quan nhắc lại lời đọc thông qua chiếc loa đồng do hai lính thị vệ nâng vừa tầm miệng. Lại có tám chiếc loa đồng nữa đặt ở bốn phương chính đông, chính tây, chính nam, chính bắc và ở bốn góc; chọn tám người có giọng đọc tốt và có sức truyền cảm đồng thời nhắc lại từng lời quan hàn lâm vừa xướng.
Tiếng hịch phát vang như tiếng chuông đồng dóng dả. Lời hịch như lời sấm truyền, thức tỉnh tận sâu thẳm lương tri từng người, khích lệ họ phải biết tôn quý và giữ gìn mảnh giang sơn gấm vóc do tổ tiên tạo dựng, và truyền lại cho đời đời con cháu. Hàng chục vạn quân, muôn người như một, đều yên lặng lắng nghe. Sau mỗi giây, tiếng loa dừng, không khí im phăng phắc, mãi cuối hàng quân người ta còn nghe được cả tiếng lật giấy của quan hàn lâm thị độc, và tiếng ậm è lấy giọng của ông.
Thượng hoàng Trần Thánh tông lấy làm đẹp ý, vì thế quân đã nổi. Các loại binh khí như ngài đòi hỏi quan công bộ Nguyễn Hiền tại đại hội Bình Than, như song sảo pháo, ngũ sảo pháo, nỏ liên châu... thảy đều đã thấy có trong quân. Sĩ tốt đều khỏe mạnh, binh khí sắc nhọn, đầy đủ. Các lộ, trấn, các vương hầu, thái ấp không một nơi nào chậm trễ và thiếu vắng trong cuộc hội quân này. Đủ tỏ lệnh của triều đình đã thấm nhuần cả trong quân, trong dân; đủ tỏ tài nghệ điều khiển ba quân của quốc công tiết chế là mẫn nhuệ, thao lược.
Tiếng loa vẫn vang vang, lời lời thống thiết:
“Ta từng đến bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, nước mắt giàn giụa, lòng dạ như dần, vẫn căm giận muốn ăn thịt nằm da, nhai gan uống máu quân giặc. Dẫu trăm thân ta phơi ở đồng nội, dẫu nghìn xác ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm...".
Cả rừng quân vẫn im phăng phắc như nuốt lấy từng lời hịch. Quốc Tuấn và Quang Khải đều lướt nhìn các gương mặt binh sĩ đang chăm chú hướng về kỳ đài, hướng về những chiếc loa đồng sáng bóng. Gương mặt họ vừa cháy lên niềm kiêu hãnh, vừa phảng phất nét u buồn pha phần căm giận, và chợt những giọt nước trong trẻo như nước suối Cam Lộ đang nhểu ra, và lăn trên hầu hết các gương mặt dầu dãi gió sương kia.
Các vị trụ cột của vương triều đều cảm nhận thấy binh sĩ đã biết lo cái lo của bậc tôn trưởng, và ngầm yên tâm rằng thế quân đã nổi.
Cuộc đại duyệt toàn quân này đã làm nao nức lòng dân, lòng quân từ mấy tháng nay. An Tư công chúa cũng nao nao mong đợi. Nàng băn khoăn không biết các đồ đan lát thêu thùa của cung An Tư sẽ biếu tặng cho ai. An Tư nghĩ, nếu Chiêu Thành vương của nàng không trực tiếp cầm quân, thì nàng sẽ tặng các thứ quân dụng kia cho đội tinh binh của Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản. Hoài Văn hầu vừa là cháu ruột Chiêu Thành vương, vừa là gã thiếu niên có chí khí anh hào, từng nổi tiếng từ Đại hội Bình Than, mà khắp vương triều không ai không mến mộ. May thay, giữa lúc nàng đang phân tâm thì nghe có lệnh quốc công gọi chàng về, và giao cho trọng trách đứng đầu thánh dực đô. Có nghĩa rằng chàng được quốc công tin cậy giao cho việc điều hành đạo quân bảo vệ hai vua. Cơ may đã đến, nàng đem hầu hết số giỏ đựng tên và khăn thêu tặng cho đạo quân của chàng. Hôm nay, nàng không được vào trong kỳ đài, nhưng ngồi trên kiệu ở mép quân trường, nàng nom rõ Chiêu Thành vương của nàng oai phong trong bộ võ phục, và cưỡi trên lưng con "Hắc long" đi cạnh hàng quân, sao chàng kiêu dũng thế, đáng yêu thế. Lại chiếc khăn nàng thêu tặng chàng với cả bài thơ, chàng buộc vào đốc kiếm kia, phải chăng chàng tỏ lòng kiêu hãnh với mọi người, hay ngầm báo: lòng chàng yêu quí ta. Nàng cũng đã bày tỏ và được chàng cho phép, số giỏ đựng tên còn lại với tất cả số áo ấm, chăn mền, nàng sẽ tặng cho đạo quân của Trần Quốc Toản. Chỉ sau ngày đại duyệt này, nàng sẽ thân đến thăm Hoài Văn hầu và trao biếu các tặng phẩm của cung An Tư. Ngồi trong chiếc kiệu sơn màu anh vũ có chạm những con chim phượng sơn màu trắng, buông rèm the, công chúa An Tư còn nhìn thấy cả Trần Đạo Tái và chàng trai người Man nàng đã gặp trong vùng sơn trại trên Tản Viên. Nàng cũng nhìn thấy cả mấy tên trong sứ đoàn nhà Nguyên cưỡi ngựa đi nhớn nhác quanh quân trường. Mấy đứa mặt mày có vẻ ngơ ngác, như là một sự lạ về đạo quân đông đúc và dũng mãnh này của Đại Việt. Dường như lũ này không còn tin vào mắt chúng nữa. An Tư thầm nghĩ: "Tại sao quốc công không sai người ngăn lũ chó này lại, cho nó đỡ đánh hơi tìm mồi". Nàng lại nghĩ: "Hay quốc công muốn qua miệng lũ dòi bọ này tâu về cho cha con Hốt-tất-liệt. Rằng Đại Việt đang sửa soạn binh khí, lương thảo để "đón" quân Mông - Thát, như lời Hốt-tất- liệt vẫn hỗn hào đe dọa?".
Đang mải mê theo đuổi hình bóng Chiêu Thành vương và thả hồn phiêu diêu suy tưởng, thì lời hịch tới hồi thống thiết, khiến mạch suy nghĩ của An Tư chợt dừng.
“Giặc Mông-Thát là kẻ thù không đội trời chung, bọn các ngươi cứ điềm nhiên không nghĩ rửa nhục, không lo trừ hung, mà lại không dạy quân lính, thế là trở giáo đầu hàng, tay không chờ giặc, để cho sau khi dẹp loạn, muôn đời để nhơ, còn mặt mũi nào mà đứng trong cõi trời che đất chở nữa? Cho nên ta muốn các ngươi biết rõ lòng ta, mới viết ra bài hịch này”.
Lòng nhi nữ bị lời hịch hút cuốn, nàng cảm nhận như huyết quản mình sục sôi, và muốn cầm lấy một thứ binh khí mà ùa xông vào với đoàn quân kia ra chiến trường, dù da ngựa có bọc thây cũng không hề nản.
Bỗng đâu đó trong quân có tiếng hô "Sát Thát!". Thế là đoàn quân hàng chục vạn người kia hô theo: "Sát Thát!”, “Sát Thát!". Và tất cả dân chúng kinh thành đứng vây quanh quân trường đều hòa giọng hô: "Sát Thát!".
Tiếng "Sát Thát!” thét vang trời. Dường như cả Thăng Long: Sát Thát! Sát Thát! S…át Th..át!... Dường như cả Thăng Long nổi giận!