Thăng Long Nổi Giận

CHƯƠNG 12

"Phú quốc Cường binh sách" của Trần Hưng Đạo dâng hai vua đã được biến thành quốc sách. Tuy một số nhà quyền quý, một số công hầu khanh tướng tỏ ra không hài lòng. Vì họ phải thả bớt nông nô, phải xẻn bớt đất ruộng ra bán chịu cho nông phu. Nhưng đứng trước sự mất còn của non sông đất nước, buộc họ phải chọn lựa. Hoặc là phải bớt đi một phần không đáng kể của cải, tài sản, nhưng quyền uy vẫn không hề giảm sút. Hoặc mất tất cả, và ngay đến bản thân họ cũng phải làm kiếp ngựa trâu cho quân Mông - Thát. Tình thế đất nước, buộc họ phải chấp thuận. Và nữa, triều đình cũng xẻn bớt một phần quốc điền chia cho những người có cha già, mẹ yếu, con thơ phải đi làm việc binh. Lại giành cả phần ruộng đất cho cha mẹ, vợ con những người lính phải bỏ mình ngoài chiến trận trong cuộc chống giặc ngoại xâm. Chính sách ấy ban hành mới được một vụ cấy gặt, xem ra hết thảy trong dân gian đều hồ hởi. Các cụ già đến tám chín mươi tuổi đều nói: "Từ thượng cổ chưa có lệ này. Chưa bao giờ vua lại lo cho dân nhiều đến thê". Nhà nhà có ruộng. Người người chăm lo cấy cày, vun bón. Lúa tốt chưa từng thấy. Các lộ thượng hạ Hồng, Bắc Giang thượng hạ, Thiên Trường, Nghệ An... đều có sớ về triều tâu nhiều sự lạ. Như kỳ lân, rùa vàng, chim trĩ trắng xuất hiện. Lại lúa trổ một dò hai bông, hạt sai trĩu trịt. Được mùa to. Đúng như Trần Hưng Đạo đã dự liệu: “Nhà nhà bồ lẫm đầy ắp, thóc không còn đủ chỗ chứa".  Kho đụn của nhà nước cũng phải cơi nới hoặc làm thêm. Sẵn thóc, lệnh  vua lại ban, mỗi nhà phải nhận năm phương lúa kho về xay giã  rồi đồ chín, phơi khô cất giữ cẩn thận làm lương khô, phòng  bị khi nước có giặc, tiện quân qua cấp tốc có thức ăn ngay.

Lệnh vua ban khắp nước tiến cử người tài bất kể văn, võ đều  được tuyển dụng, sung vào việc quân. Cả nước mở hội thi võ.

Khắp bốn phương, trai tráng đều ra sức luyện rèn, võ, gậy kiếm, cung, đao, trượng, quyền, cước, bơi, lội... Thôi thì không thiếu một môn gì trong thập bát ban võ nghệ, mà đinh tráng không tham gia tập tành, thi tuyển. Rồi nườm nượp các đại hoàng nam, các tiểu hoàng nam, kéo đến cửa các vương, hầu xin được tuyển vào đội tinh binh.

Chỉ trong vòng sáu tháng, lượng quân đã tăng gấp đôi. Thế nước bắt đầu nổi. Trần Nhân tôn xin với vua cha hội các chư tướng, vương hầu cùng bá quan để bàn kế sách đánh giặc giữ nước. Suy đi tính lại, Trần Thánh tôn nói:

- Đúng là thế nước đã nổi. Dân chúng hồ hởi. Binh nhiều, lương sẵn. Nhưng binh cần phải tinh luyện nhiều hơn nữa, phải có đủ tướng tài và kế sách thâm sâu. Lại mới đây, Hốt- tất-liệt hối thúc việc mượn đường, cấp lương, đòi quân... Hạn kỳ sắp mãn, các việc ấy bàn ở Thăng Long e không tiện. Vì tai mắt nhà Nguyên đầy rẫy kinh kỳ, quan gia thử xem nên họp mặt nghị bàn ở đâu thì tiện?

Sau một lúc đắn đo suy nghĩ. Dường như đã có sự tính toán chỉn chu. Vua Nhân tôn nhỏ nhẹ nói:

- Trình phụ hoàng, theo con nên hội ở Bình Than. Vì đây là một vùng sông nước mênh mông, lại có nhiều rừng núi rậm rạp, thủy binh ta ken dầy bốn mặt, quân gian khó mà lọt dược vào do thám. Vả lại, bá phụ con vẫn thường nhắc đây sẽ là vùng chiến trường ác liệt. Nên cho các tướng ra đấy để biết thêm địa hình, và bàn cả kế sách bố trí binh lực luôn thể.

Một sớm mùa đông. Đã qua giờ dần, mặt trời lẽ ra phải lên cao quá ngọn tre. Nhưng sương mù vẫn giăng trắng xóa. Bốn bề mịt mù sương khói. Cách mươi mười lăm bước, chỉ nghe thấy tiếng nói chứ không nhìn thấy mặt nhau. Được nhà vua triệu, các vương, hầu, các đại thần, các tướng đi thủy, đi ngựa nườm nượp kéo về Bình Than từ chiều hôm trước. Cuộc nghị bàn của triều đình trên đất An Sinh thuộc thái ấp của Trần Hưng Đạo, nên vương vừa có phận sự cảnh giới quân gian, bảo vệ xa giá, vừa chu cấp phục dịch cho quan quân. Mãi tới cuối giờ mão mây mù mới tan hết, lộ ra một vùng nước rộng mênh mang. Xa kia, nơi sáu con sông qui đầu hội tụ. Quanh vùng sông nước bao la là rừng. Rừng bạt ngàn từ mép sông, giăng mắc khắp từ thung lũng tới các đỉnh núi diệp trùng. Bầu trời xanh, cao vòi vọi. Một vùng rộng lớn chỉ có trời, nước và rừng xanh. Thiên nhiên vừa vén lên chiếc màn sương khổng lồ, đã thấy thuyền đậu san sát quanh bến Bình Than.

Khắp sáu ngả sông dồn về, liên tiếp các trạm quân thủy, các binh thuyền tuần cảnh oai nghiêm. Các tay cung thủ, dao, kiếm tuốt trần, mắt dõi nhìn cảnh giới từ xa. Trên bộ lại càng nghiêm ngặt. Các ngả đường dồn về Bình Than, trại quân đóng ken dầy. Từng tốp, từng tốp, hết bộ binh lại đến kỵ binh thay nhau từng khắc một, tuần hành rậm rịch, bụi cuốn mù đường. Cả mặt thủy, mặt bộ tưởng đến một cánh chim cũng khó lọt vào Bình Than.

Đây là cuộc hội sư cao cấp, chỉ những người đứng đầu các thái ấp với các tước từ vương, hầu, công, khanh và các quan từ hạng nhất, nhị, tam phẩm cùng các tướng đứng đầu quân ở các lộ, phủ; đứng đầu các quân hổ bôn, cấm vệ, thánh dực... mới được về dự.

Mặt sông cách bờ chừng trăm trượng là bãi đỗ thuyền đông nghịt. Giữa là thuyền ngự. Đó là chiếc thuyền mang hình con rồng khổng lồ, sơn son thếp vàng. Trong các khoang thuyền đều có hàng con tiện chạy quanh, làm cho thông thoáng, có rèm buông với các tua ngữ sắc lấp lánh. Trên thuyền ngự la liệt các tàn, lọng màu vàng, thêu các hình long, ly, qui, phượng. Mắt các con vật thường được đính bằng những viên mã não, đá ngọc phát sáng nhiều màu. Các đồ nghi trượng, đàn bầy oai vệ. Trên đỉnh cột buồm là ngọn cờ lớn thêu hai chữ "Đại Việt" bằng kim tuyến chói vàng. Xung quanh thuyền ngự là thuyền của các vương hầu, tướng lĩnh sơn màu anh vũ hoặc sơn then, có chạm khắc hoặc vẽ các hình phượng múa. Những thuyền áp sát thuyền ngư, là thuyền của các đại vương. Trên mỗi thuyền đều có cắm một lá cờ: Tá Thánh đại vương, Hưng Đạo vương, Chiêu Minh vương, Chiêu Quốc vương, Chiêu Văn vương, Chiêu Đạo vương, Trung Thành Vương, Chiêu Thành vương... Kế tiếp là đến các bậc dưới như Nhân Túc vương, Hưng Vũ vương, Hưng Trí vương, Vũ Đạo hầu, Văn Nghĩa hầu, Nghĩa Quốc hầu, Chương Hiên hầu... Tiếp đến là công bộ thượng  thư, trạng nguyên Nguyễn Hiền; hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu, bảng nhỡn Lê Văn Hưu... Và nữa là các tướng như Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái...

Quân mới dâng được hai tuần trầu, nước, các vương hầu còn đang thăm hỏi nhau và đàm đạo ngoài lề, chờ xong tuần trà nữa thì nhà vua khai diễn nghị hội. Bỗng Nhân tôn trông thấy một chiếc thuyền lớn chở than, gỗ, đúng lúc nước rặc, gió thổi ngược chiều, làm vén cả vạt áo ngắn của người lái thuyền, phơi ra tấm lưng trần trắng mốc, và chiếc nón lá đội đầu cũng xô cụp xuống mặt. Khi người ấy hất chiếc nón lên, nhà vua ngờ ngợ bèn hỏi đám quan thị thần: "Người kia có phải Nhân Huệ vương không?". Lập tức sai người chèo thuyền nhỏ đuổi theo đến cửa Đại Than thì kịp. Đám lính bèn đồng thanh hô to: "Ông lái kia, vua sai đòi nhà ngươi".

Người lái thuyền vẫn đủng đỉnh chèo và đáp lại: "Ta chỉ là người nghèo buôn bán nuôi thân, có việc gì mà gọi đến ". Quân về tâu lại. Nhà vua nói: "Thế thì đúng là Nhân Huệ vương rồi. Người thường tất phải đến ngay". Nhân tôn lại sai nội thị đi gọi. Không cưỡng được mệnh, Khánh Dư mặt mũi lem luốc màu than, củi, vận áo vải ngắn, đội nón lá ra mắt hai vua.

Thánh tôn mủi lòng bảo: "Nam nhi cực khổ đến thế là cùng". Bèn lập tức xuống chiếu tha tội. Lại cho dự bàn việc nước, việc quân. Trông mặt mũi Trần Khánh Dư lúc này, thật đúng là một ông lão bán than chất phác. Nhưng quả thực là một tướng mưu lược. Khánh Dư vốn là con riêng của thượng tướng Trần Phó Duyệt, thực ấp được phong ở vùng Chí Linh. Khi quân Nguyên xâm lược năm Đinh tị (1257), Khánh Dư nhân chỗ sơ hở của giặc, đem quân đánh úp, giặc khiếp đảm. Thượng hoàng (Trần Thánh tôn) khen là người có trí lược, lập làm thiên tử nghĩa nam( Con trai nuôi của vua). Sau đó theo vua đi dẹp loạn người miền núi, thắng to. Thượng hoàng tiếp phong phiêu kỵ đại tướng quân. Đây là tấm lòng ưu ái Thái tôn ban cho, chứ đúng phép nước, chức phiêu kỵ tướng quân, chỉ dành phong cho các hoàng tử có tài cầm quân. Nhưng vì Trần Khánh Dư đã được thiên tử nhận làm nghĩa nam, xét ra không trái luật, nên có mệnh ấy. Rồi từ tước hầu được phong dần mãi lên tử phục thượng vị hầu, quyền chức phán thủ. Lại nhân trong một bữa tiệc mo nang ( Tiệc hóa trang. Uống rượu say, đeo mo nang có vẽ hình các con giống lên mặt nhảy múa, có khi tắt đèn hỗn dâm trong phút chốc. )  Khánh Dư đã tìm cách thông dâm với công chúa Thiên Thụy là vợ của Hưng Vũ vương, con trai cả của Hưng Đạo vương. Việc này gây tai tiếng khắp kinh thành. Lại bấy giờ Hưng Đạo vương binh quyền chất ngất, vua sợ phật ý nên sai trị tội Khánh Dư. Tức là đem Khánh Dư ra đánh chết ở hồ Dâm Đàm. Nhưng lại ngầm dặn đám quân hiệu nới tay, chớ có đánh đau quá để không đến nỗi chết. Khánh Dư tuy không phải tội chết, nhưng bị lột hết quan chức, sản nghiệp bị tịch thu, rồi đuổi về quê quán. Bởi thế, Khánh Dư phải lam lũ, sống bằng nghề đốt than và buôn bán than củi.

Yên vị xong đâu đó, Trần Nhân tôn bèn nói:

- Từ ngày triều đình dụng sách "Phú quốc cường binh" thấy rằng việc binh có nhiều thuận tiện. Dân binh đông đúc mà tinh binh cũng tăng. Số tinh binh hiện có dã tăng gấp đôi so với các năm trước. Theo đó việc lương lại càng sung mãn. Khắp nước, không còn nạn thiếu đói nữa. Bồ lẫm nhà dân,  kho đụn nhà nước đều ăm ắp thóc. Đất ruộng từ một vụ, nhiều nơi đã cấy được hai. Lại chăm bón đầy đủ: lúa, ngô, khoai đều tốt bời bời. Bây giờ còn mấy việc lớn, có quan hệ đến sự mất còn của đất nước, cần phải bàn bạc thấu đáo.

Trần Nhân tôn tạm ngừng lời, đưa mắt nhìn khắp xem các vương hầu, các quan, tướng có biểu lộ điều gì khác biệt trên gương mặt không. Một lát, nhà vua tiếp:

- Hốt-tất-liệt liền năm yêu sách Đại Việt ta làm đủ sáu việc như các khanh đã biết. Chúng ta đều khôn khéo chối từ. Trước đây, các việc đó không thỏa mãn, bên Đại đô có đưa thư trách. Lời qua tiếng lại, mọi việc rồi cũng qua đi. Nhưng từ năm Kỷ mão (1279), sau khi đã diệt xong nhà Tống, đặt được nền thống trị ở Trung Nguyên, thì sự việc ngày một thêm gay gắt. Thực tình, Hốt-tất-liệt muốn dùng sức ép bang giao, buộc ta phải nội phụ. Tức là người nước ta phải trở thành quận, huyện của nhà Nguyên.

Các việc gần đây mà Sài Thung và sứ đoàn của y nghênh ngang giữa đất Thăng Long, giữa chốn triều đình của ta một cách ngang ngược, thô bỉ cũng là biểu thị lòng khinh mạn của Hốt-tất-hệt cùng ý đồ thôn tính Đại Việt của y. Chúng ta đã hạ mình, đã nín nhịn hết mức. Không phải vì vua tôi ta không biết đến quốc sỉ, quốc thù. Mà hận vì lực ta còn yếu. Dân ta gần ba chục năm sống trong hòa bình. Nay nghe đến chuyện binh hỏa, nhiều người đâm hãi sợ. Vậy, ta cần có thời gian để khơi gợi lòng dân, khích lệ lòng quân. Nếu chẳng may kẻ kia đem đại binh tràn vào, như cách đây một năm, chắc là lực ta không đủ kình chống với vài chục vạn tinh binh của Hốt-tất-liệt. Nhưng nay, thế nước đã nổi, liệu ta có thể một lần nữa cự tuyệt yêu sách của nhà Nguyên, đòi ta phải:

- Một là, cho mượn đường bộ để quân Nguyên qua đánh Chiêm Thành.

- Hai là, ta phải góp thêm binh cùng với quân Nguyên thôn tính Chiêm Thành.

- Ba là, khi quân Nguyên qua đất Đại Việt, ta phải lo lương, thảo cho người, ngựa của họ. Rồi sau đó lại phải cung đốn thêm quân lương cho họ chở qua Chiêm Thành.

Vậy các khanh hãy nghị bàn cho cạn nhẽ.

Tiếng nhà vua âm vang như tiếng chuông trong trẻo, ngân dài trên mặt sông rộng. Nước sông xanh, sóng vỗ nhẹ, không khí yên ả, thanh bình, khiến ai nấy đều có cảm giác như đang sống trong thời thái cổ, khi mà loài người còn chưa biết đến chiến tranh.

Giữa lúc triều thần đang im phăng phắc nghe nhà vua bố cáo các việc quân quốc trọng sự, thì có hai chàng thiếu niên phóng ngựa như bay về phía bến Bình Than. Hai con ngựa một xám, một tía, bọt xùi trắng mép, bốn vó sải dài như bay vào không gian. Tới chân cầu phao, nơi dẫn ra đoàn thuyền cờ xí rợp trời, vàng son lóa mắt thì họ dừng ngựa, rồi nhảy phắt xuống nhẹ nhàng như những kỵ sĩ dạn dầy chinh chiến. Lập tức họ bị quân canh ngáng lại. Chàng thiếu niên đi đầu, mặt đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại, vừa nói vừa ghìm hơi thở mạnh:

- Ta, chàng chỉ vào mũ, áo, đai bối mang tước hầu của chàng và nói - Hoài văn hầu Trần Quốc Toản. Chàng ngước cặp mắt trong sáng với vẻ ngạc nhiên nhìn người quân hiệu.

Quốc Toản vừa dứt lời, thiếu niên thứ hai cũng nói luôn:

- Còn ta, Hoài Nhân vương Kiện.

Mặc dù hai người đã xưng đủ phẩm tước, lại nói với vẻ thành thật, nhưng người quân hiệu vẫn đứng chắn lối đi, và lễ phép thưa:

- Bẩm, tôi không dám nghi ngờ gì các vương, hầu. Nhưng đây là đức vua nghị bàn việc nước, chỉ có những đức ông đã lớn tuổi mới được vào. Ai vào đây cũng phải có tín bài xuất trình.

- Bậy nào, Quốc Toản quắc mắt nạt. Việc nước là việc của mọi người, mọi nhà. Lại chợt nghe lõm bõm tiếng được tiếng mất, cái gì như là "Cho mượn đường để quân Nguyên đánh qua Chiêm Thành" lúc vừa đặt chân tới bến. Thế là chàng gạt người quân hiệu ra, chạy băng lên. Vương Kiện không dám chạy theo chàng mà đi ngược lại bến.

Quốc Toản vừa chạy vừa la: "Xin quan gia đừng cho giặc mượn đường! Mưu đồ Ngu diệt Quắc đấy!". Người quân hiệu không đuổi, chỉ rút chiếc tù và ở lưng ra thổi ba tiếng. Lập tức có cả chục người đứng canh ở phía đầu cầu phao, tiếp giáp với các mạn thuyền, thuần những tay to lớn như các đô vật nhô ra cản chàng.

Tiếng la làm kinh động, khiến một số người ở những cánh thuyền vòng ngoài nhao nhao nói:

- Trói chúng lại!

- Quân phạm thượng?

- Tội khi quân?

- Chém để giữ nguyên quân pháp!

Nghe tiếng ồn ào, Trần Thánh tôn, Trần Nhân tôn cả hai vua đều ló ra hỏi:

- Có chuyện gì vậy?

Thị vệ liền cho đòi mấy người quân hiệu lại. Họ thuật các việc như đã xảy ra. Hai vương cùng cười xòa.

Các đại vương nhiều người xin vua cho tiếp tục nghị bàn. Lại có người đòi phải nghiêm trị.

Vũ Đạo hầu nói:

- Quân pháp vô thân! Không trị tội, khó mà giữ nghiêm được phép nước.

Trần Bình Trọng nói:

- Quốc gia hữu sự, thất phu hữu trách. Nay Hoài Văn hầu người nhỏ mà chí lớn. Muốn đem tuổi trẻ hiến dâng cho Tổ quốc, họ chẳng đáng nêu gương sáng cho thiên hạ chung soi? Cớ sao lại bắt bẻ tội tình gì?

Hoài Văn hầu không những không được dự bàn, còn nghe họ đòi trị tội, chàng giận đến tràn hông. Nỗi uất ức bốc lên như chẹn cứng nơi cổ họng, không bật ra thành tiếng nói được. Chàng không thể hiểu, tên tuổi một số vương xưa nay chàng từng đem lòng kính ái, mà lại tối tăm thiển cận đến như vậy. Chàng cười thầm:

- Họ độc quyền cả lòng yêu nước! Nghĩa là chỉ có họ - người có quyền cao chức trọng mới được dự bàn việc nước? Còn dân chúng thì sao? - Dân chúng chỉ là một thứ bèo bọt trong tay họ sai khiến, áp đặt?

Thấy lời qua tiếng lại gay go. Chiêu Thành vương bèn đứng lên vái hai vua mà rằng:

- Hoài Văn hầu chẳng may cha mất sớm. Hạ thần là chú ruột, lại không dạy bảo được cháu chu toàn. Hạ thần xin được chịu tội thay cho cháu, vì nó chưa đến tuổi thành niên. Vả lại, cảnh nhà Toản hiếm hoi một mẹ một con - Ngửng nhìn hai vua, mắt ông đỏ lên vì giận, cả vì xúc động nữa, ông lại nói- Âu cũng là chuyện hổ phụ sinh hổ tử. Cuộc dẹp giặc Mông - Thát tràn vào năm Đinh tỵ, cha nó hăng hái lập được công lớn. Thượng hoàng đã ban cho hai ba phẩm tước, lại cho hưởng thêm thực ấp. Nay con trẻ dại dột trót bộc lộ thái quá lòng trung với nước, nên phạm oai trời, kính mong bệ hạ soi xét.

Thượng hoàng Thánh tông nghe tâu xong mỉm cười - Chiêu Thành vương hãy bình tâm. Nhà vua dưa mắt nhìn Quốc Toản suốt từ đầu đến chân, lòng thầm khen: "Thằng bé khôi ngô, tư chất đàng hoàng". Đoạn Thánh tông thong thả truyền:

- Hoài Văn hầu phạm vào luật cấm, không thể nói là không có tội. Nhưng đáng trọng thay nhân cách của một con người - một thiếu niên đối với sự mất còn của đất nước. Ta cho đây là một điềm báo trước vận nước đang hưng, nên sự hùng tâm hùng lực đã biểu hiện ngay cả ở đám thiếu niên non nớt. Ta cho lời nói của tướng quân Trần Bình Trọng về gã tiểu anh hùng này là hữu lý.

Đúng lúc đám quan nội hầu dâng hoa quả lên hai vua. Đầy một mâm cam, quýt, Trần Nhân tôn nhón lấy một quả cam đặt vào tay Quốc Toản, nói lời an ủi:

- Lòng trung dũng của em, vậy là cả nước đều biết. Vận mệnh nước nhà, nhất định phải trông chờ vào lớp người sau như em. Tiếc rằng em còn nhỏ quá. Hãy về quê thờ mẹ cho trọn hiếu, chịu khó rèn luyện thân thể cho cường tráng, tập tành võ nghệ cho tinh thông, chờ ngày giết giặc lập công.

Nhà vua nhẹ nhàng đặt hai tay lên đôi vai hơi gầy của Trần Quốc Toản. Đám quan thị vệ dẫn Quốc Toản lên bến. Đi qua đoạn cầu phao, lòng chàng đầy hậm hực, hai ba lần ngoái nhìn lại nơi các vương hầu đang nghị bàn việc nước, với ánh mắt giận hờn - “Được, ta sẽ cho các người biết thế nào là gan dạ thiếu niên - Dám coi ta là con nít", chàng thầm nhủ lòng như vậy. Khi người quân hiệu đặt chiếc dây cương ngựa vào lòng tay chàng. Quốc Toản xòe ra đỡ, quả cam trong tay chàng đã bóp nát từ lúc nào, chỉ còn lại một nắm bã. Vứt xác quả cam xuống đường, chàng nhảy phốc lên mình ngựa ra roi. Đi được một quãng thì Hoài Văn hầu gặp Vương Kiện đang tha thẩn chờ chàng.

Lại nói đến việc nghị bàn. Sau khi Trần Nhân tôn nói về các yêu sách vô lý của vua nhà Nguyên, và những điều kiện láo xược mà Hốt-tất-liệt áp đặt, tiếp đến là tướng quốc thái úy Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, bố cáo các việc trong nội tình đất nước, như việc binh, việc lương. Khi nói đến công cuộc bang giao với ngoại nhân, chủ yếu là với triều đình nhà Nguyên, thái úy không nén được lòng căm uất, vì tất cả những diều quốc sỉ mà với tư cách một tướng quốc, thái úy phải cân nhắc, nhường nhún sứ giặc. Cuối cùng thái úy dằn giọng:

- Hai mươi lăm năm kể từ sau cuộc xâm lăng của giặc Mông-Thát năm Đinh tỵ, quốc triều ta đã nhún mình thờ nước lớn cho phải đạo. Nhưng ta càng nhún, kẻ kia càng lấn. Khi trước Hốt-tất-hệt chưa định xong Trung Nguyên, y còn nương gượng, khi căng khi chùng. Nhưng từ khi y đã đại định được Trung Nguyên, thì việc lấn tới ngày càng trắng trợn. Chúng ta càng không muốn có nạn binh đao, cho nên chúng ta cứ phải nhượng bộ; kẻ kia cậy mạnh, nên càng ép. Chúng ép được mà không phải động binh, tức là thượng sách của chúng. Khi chúng không ép được, lập tức chúng sẽ dùng binh. Theo thiển ý của hạ thần, công cuộc bang giao không còn mảy  may hy vọng. Nếu chúng ta không tự mài nanh giũa vuốt, binh mạnh, lương nhiều, tức là chúng ta nộp mình cho hổ đói.

Trần Nhân tôn nhìn khắp lượt triều thần, rồi quay lại hỏi quan công bộ Nguyễn Hiền:

- Khanh cho biết công cuộc rèn đúc khí giới đến đâu. Có sáng chế thêm được loại nào đắc dụng không?

Được nhà vua hỏi đến, Nguyễn Hiền vội liếc nhìn lại cái hốt cầm trong tay. Đó là những việc chính cần tâu, cần bàn, ông đã ghi kín cả hai mặt hốt. Nguyễn Hiền có dáng người nhỏ nhắn, nom ông có vẻ một văn nhân hơn là một võ tướng. Từ khuôn mặt, cặp mắt cho đến đôi môi, các đường nét đều toát lên sự thanh tú, thâm trầm mà điềm đạm. Ta còn nhớ khoa thi năm Đinh mùi (1247), khi nhà vua cho tam khôi vào bệ kiến, và trao mũ áo trạng nguyên, Nguyễn Hiền ngày ấy là một chú bé mười ba tuổi, dã làm cả triều đình kinh ngạc. Đức Thái tôn đặt chiếc mũ lên đầu trạng, mũ rộng sụp gần kín cả khuôn mặt. Lại chiếc áo bào có đai ngọc, mặc trùm kín cả người như một cái chăn rộng. Nhà vua phải thốt lên: "Thời thịnh chăng? Thần đồng xuất hiện chăng?". Ba mươi lăm năm trôi qua, cuộc đời trạng xiết bao thăng trầm, từng trải.

Nhớ lại chiến trận chớp nhoáng năm Đinh tỵ, tướng giặc Ngột-lương-hợp-thai kéo quân vào cõi, tưởng ăn tươi nuốt sống Đại Việt. Ngày ấy Nguyễn Hiền mới hai mươi ba tuổi, ông chỉ làm việc quanh quẩn trong Nội thư gia( thư viện hoàng gia), Quốc tử viện( nơi con cái các đại thần hoàng thân quốc thích học tập), rồi lại Quốc sử viện. Phải nói, buổi sơ Trần chỉ có Trần Thủ Độ là người kiệt hiệt nhất. Trị nước đã giỏi, giữ nước cũng giỏi. Ông tạo dựng cũng được lắm người tài. Như Trần Quốc Tuấn chẳng hạn. Ngay khi Trần Thủ Độ còn sống thì Quốc Tuấn đã là một tướng giỏi. Trận giao tranh đầu tiên với giặc mạnh, ông cũng tìm được phép đánh, không cho giặc phát huy sở trường. Ông là một vị tướng đánh giặc không cần thắng ngay, không ham thắng nhiều, mà chỉ cần những trận thắng quyết định có cơ chuyển xoay đại cuộc. Từ ngày ấy, Quốc Tuấn đã hé lộ bản lĩnh của một bậc trí tướng. Và nay, ông là cột trụ của triều đình. Nguyễn Hiền liếc nhìn Quốc Tuấn, con người uy phong lẫm liệt như Quan Công, lúc nào cũng điềm đạm. Thắng không kiêu, bại không nản.

Trước sự uy hiếp ghê gớm của kẻ thù, ông vẫn thong dong thư thái. Nguyễn Hiền nhận thấy Hưng Đạo vẫn chăm chú nghe mọi người nói. Đôi mắt sáng thỉnh thoảng lại dọi vào người này người kia, hệt như đôi kính chiếu yêu, để tìm ra sự trong đục đang ẩn náu đằng sau những tấm áo thụng tía của các vương thần. Có lúc ông ve vuốt chòm râu rậm đã ngả màu sương khói, và mỉm cười. Nom ông thanh thoát như một đạo sĩ Lão-Trang, như một tiên ông đang trầm mặc bên bàn cờ thế sự. Ấy vậy mà Quốc Tuấn cũng chỉ hơn ông chừng bốn năm tuổi. Sực nhớ lời vua hỏi, Nguyễn Hiền cẩn trọng tâu:

- Tâu thượng hoàng, tâu quan gia. Hiện theo lệnh của triều đình, dân chúng đang mở mang nghề rèn. Mỗi làng bắt buộc phải có một bễ lò rèn để rèn đúc khí giới. Các lò mới lập thợ chưa giỏi, thường chỉ rèn các loại giáo búp đa, dao trường, mã tấu, đinh ba, câu liêm và các đồ dao rựa, cuốc cào cho dân binh, và cho cả nông phu. Còn các lò lớn, thợ giỏi sẽ rèn, đúc các loại vũ khí to, nặng như trùy, đao, búa, côn, kiếm và các mũi tên đồng cho các bậc đại tướng, các dũng sĩ và đội quân thần nỗ. Dạ tâu, nếu mua được đủ sắt, gang, đồng, các lò làm cật lực thì trong vòng một năm nữa mới đủ binh khí cho hai mươi vạn tinh binh và ba mươi vạn dân binh. Dạ, đấy là nói số binh khí trang bị đại đởn, chứ dự trữ thì chưa có. Dạ, việc khai mỏ đồng, mỏ sắt của ta vẫn tiếp tục, nhưng không đủ dùng cho việc binh quá lớn.

Trần Thánh tôn ngắt lời:

- Liệu Hốt-tất-hệt có chờ một năm nữa để cho khanh rèn xong binh khí, rồi y mới đề binh không?

- Muôn tâu thánh thượng, Nguyễn Hiền nói - Nếu Hốt-tất-liệt cấp thời đánh ta ngay, thì hiện số binh khí trong nước cũng tạm thời đủ dùng cho mười lăm vạn tinh binh, hai mươi vạn dân binh. ấy là chưa kể số võ khí do dân tự tạo như cung, nỏ, côn, đao. Vả lại nhiều thái ấp, các vương đều có lò làm binh khí cả. Bẩm hoàng thượng, lúc đó phải nhân lòng căm giận của toàn dân lên thành sức mạnh thần thánh mà đánh giặc. Hơn nữa phép làm tướng, phải biết lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh, cướp lấy binh khí của giặc mà đánh lại giặc. Lấy lương thảo của giặc mà nuôi quân mình.

Dạ, muôn tâu, hiện thời thần đang cho chế thử mấy loại súng lớn, gọi là "Cự thạch song sảo pháo", và "Cự thạch ngũ sảo pháo"( Đây là loại pháo bắn đá hai nòng, năm nòng. Đương thời quân đội Ba-tư cũng được trang bị loại pháo này do họ tự chế). Dạ, loại đơn sảo thì trong quân đã có dùng lâu rồi. Loại này có thể bắn xa vài ba ngàn thước, mỗi lần bắn khoảng gần trăm viên đạn đá. Đá ấy có thể xuyên thủng được chiến thuyền bọc đồng lá và ván gỗ dầy ba tấc. Loại này chủ về đánh tầu thuyền hoặc công phá thành trì. Một loại nữa là hỏa pháo. Loại này chủ về đốt kho lương, kho cỏ, hoặc bắn vào nơi tập trung quân bộ, quân kỵ. Dạ, còn chiến thuyền hiện có ba lò đang đóng ở Bạch Hạc, Thiên Trường và cửa Hội đủ cung cấp cho quân thủy của ta. Nỏ liên châu thì đã giao hẳn cho Trịnh Giác Mật làm từ hơn một năm nay, đủ phân phát cho các đội thần nỗ trong quân.

Dạ, muôn tâu bệ hạ, các loại binh khí, chiến cụ của quân Nguyên không hơn gì quân ta. Thậm chí, nếu ta chế thành công mấy loại pháo thì ta hơn địch.

Tuy nhiên, không thể coi thường quân kỵ của giặc Nguyên. Hàng trăm quốc gia nghiêng đổ thành trì vì kỵ binh Mông Cổ. Việc này chắc Quốc công đã có sách lược. Nguyễn Hiền nuốt một hơi thở nhẹ vào bụng, như nén đi nỗi mệt nhọc mà từ mấy năm nay ông phải gánh vác. Đoạn ông lại nói - Tâu hoàng thượng, sự thắng bại không hoàn toàn lệ thuộc vào nơi binh khí mà ở tài thao lược của tướng lĩnh, và lòng trung dũng của ba quân. Nhân đây, thần xin bệ hạ cho xuất kho ba mươi vạn lượng vàng để mua đồng, sắt và thuốc súng. Dạ mua ngay của khách buôn người nhà Nguyên và người Hồi-hột.

Nguyễn Hiền vừa dứt lời, không khí im phăng phắc, chỉ nghe tiếng sóng vỗ lóc róc quanh mạn thuyền. Và bất chợt một đàn ngỗng trời bay qua che rợp cả mấy chục chiến thuyền. Đúng lúc chúng giăng ngang thuyền ngự, thì cả bầy cùng thả ra những tiếng kêu vang từ lưng chừng trời, tưởng như đó là khúc nhạc tiên thiên tấu mừng các quần hùng tụ hội. Thế nhưng Trần Thánh tôn lại nghĩ khác. Nhà vua liên tưởng đến tiếng quạ kêu đêm khi chúng bay ngang qua thủy trại của Tào Tháo trên sông Trường Giang, lúc Tháo sắp sửa đánh Đông Ngô. Nét mặt nhà vua lộ vẻ buồn chán. Thánh tôn hất hàm hỏi Hàn Thuyên: "Thế là điềm gì?".

( Hàn Thuyên vốn họ Nguyễn làm quan tới chức thượng thư bộ Hình. Tháng 8 năm Nhâm ngọ (1282) (trước sự kiện Bình Than hai tháng) có cá sấu nổi lên ở sông Lô. Vua sai Nguyễn Thuyên làm văn, thư ném xuống. Cá sấu tự đi mất. Vua cho việc này giống như việc của Hàn Dũ đời Đường, bèn cho Thuyên đổi họ Hàn.)

- Muôn tâu thượng hoàng, quan Hình bộ thượng thư nói - Thiên nga là một giống chim quý của phương bắc. Nay chớm mùa đông, chúng tránh rét di trú về phương nam ấm áp. Vậy là đất lành chim đậu, xưa nay vẫn thế. Đàn chim đông đúc thế kia, càng làm tăng thêm cảnh đẹp và sự phồn vinh của phương nam. Xin bệ hạ yên tâm. Đó là lộc trời cho Đại Việt ta đó. Dạ, muôn tâu thượng hoàng, cảnh nay khác xa cảnh tiếng quạ kêu đêm của Tào Tháo. Vì quạ là loài ác điểu. Quạ là giống chim ăn ngày, lại bay ra kêu đêm như loài cú. Điều trái tự nhiên ấy, báo hiệu một điềm gở. Chính nó đã ứng vào trận Xích Bích, khiến tám mươi ba vạn quân Tào bị đánh tan tác.

Nghe Hàn Thuyên phân giải, vua tôi lại vui vẻ. Trần Nhân tôn gạn hỏi:

- Vậy là vương triều ta nhất tâm cự tuyệt việc nhà Nguyên mượn đường đánh Chiêm, cùng các yêu sách khác của Hốt- tất -liệt đều gạt bỏ?

Thánh tôn nói tiếp:

- Cự tuyệt, nhưng vẫn cứ phải nhún nhường. Theo ta, nên gửi biểu trần tình sao cho kẻ kia không vì lẽ ta chối từ mà nổi giận.

Chiêu Quốc vương Trần ích Tắc từ sớm vẫn chưa khai khẩu nói điều gì. Mặc dù trong các lời qua tiếng lại, có nhiều việc, nhiều điều bất như ý. Trong thâm tâm ông vẫn cho hai vua và triều đình đều thiển cận, không biết tự lượng sức mình. Ông thương cho đám dân đen vô tội, một khi bị cuốn vào cơn binh hỏa, thì họ cũng chỉ là một lũ thiêu thân.

Thấy không thể không bày tỏ ý của mình, Chiêu Quốc vương bèn nói:

- Tâu hoàng thượng, tâu quan gia, Đại Việt ta từ thuở lập quốc vẫn một lòng thờ nước lớn lân bang. Mạnh yếu mỗi thời khác nhau. Như Ngô vương Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn tuy có đánh đuổi được quân Nam Hán, quân Tống, nhưng vẫn một lòng thần phục, chịu cho phương Bắc phong thần. Tiếp đến nhà Lý, tạo dựng được một quốc gia hùng cường. Nhằm lúc nhà Tống suy yếu, thừa cơ Lý Thường Kiệt đem quân vào đánh phá hai châu Khâm, Liêm. Nhưng rồi lại phải nhanh chóng rút về phòng thủ, và vẫn phải xin giảng hòa và chịu phận phiên thuộc. Nhưng nhà Tống cũng chỉ phong cho tước An Nam quận vương. Mãi sau đó mới chịu phong các vua nhà Lý làm An Nam quốc vương. Lại so binh ta với binh thời Lý thế nào? Binh ta nhiều hơn, mạnh hơn binh thời Lý? Nhưng binh Nguyên so với binh Tống thời ấy thì sao? Trần ích Tắc dằn giọng hỏi. ông tự ngừng một lát, rồi lại lên tiếng - Binh nhà Nguyên hiện nay có sức mạnh di sơn đảo hải. Khắp bốn phương trời, đều không có địch thủ. Từ đông sang tây, từ nam đến bắc, từ miền rừng rậm núi cao, sông hồ đầy rắn rết, đến các miền sa mạc khô cằn, cả đời người không thấy một trận mưa. Từ miền bốn mùa rét mướt giá băng đến các vùng biển sâu thăm thẳm, núi cao chót vót chọc trời. Từ đế quốc hùng mạnh ghê gớm, mà âm vang còn khiếp đảm nhiều dân tộc, như đế quốc La Mã cổ xưa, hoặc của quốc gia mênh mông gấp trăm vạn lần các quốc gia khác, như Trung Hoa, Thiên Trúc, Nga-la-tư, Ba-tư, Ai-cập... tất cả các thành trì ấy, các vương quốc ấy đều run cầm cập hoặc bị xéo nát dưới vó ngựa tàn bạo của quân Mông Cổ. Quân Mông Cổ đi đến đâu thì gió ngừng thổi, cát ngừng bay, nước sông ngừng chảy. Vó ngựa quân Mông Cổ lướt tới đâu, đường không còn một ngọn cỏ. Các quốc vương đều nem nép cúi đầu dâng nộp thành trì. Đội quân ấy đã chinh phục Trung Hoa, làm nhục nhiều đời vua Tống, đã tàn phá xác xơ và hiện đang thống trị Trung Nguyên. Sức mạnh Mông Cổ, hợp với kho của kho người của Trung Hoa, sẽ là nguồn cung cấp vô tận cho cả chục cuộc chiến tranh lớn, sẽ kéo dài tới trăm năm không nao núng. Thử hỏi, cái càng xe con bọ ngựa của chúng ta, có làm đổ cỗ xe hàng trăm voi kéo của nhà Nguyên không, mà bệ hạ cự tuyệt không cho Hốt-tất-liệt mượn đường? Người thức giả phải biết làm việc gì có lợi cho nước, cho dân. Kết liên với nước mạnh, là việc làm khôn ngoan nhất. Phải biết tự lựa sức mình mà chờ thời, nếu không sẽ có tội với quốc dân và làm trò cười cho hậu thế. Mọi người đều đã đọc qua Kinh Dịch sao không biết ngẫm cái chữ "thời"? Trần ích Tắc hạ một lời hết sức cao ngạo, khiến ai nấy đều bất bình.

Trần Khánh Dư một con người thất thế. Một tướng tài bỏ xó đã nằm chết dí ở góc rừng sâu, kiếm ăn cho qua ngày đoạn tháng, như một lão tiều phu. Ông không còn gì nữa để chờ thời. Gia sản bị tịch thu. Tước trật bị cách tuột. Ơn vua đối với ông là chưa phải chết, và chưa phải đổi họ tên. Từ lúc bị gọi lên thuyền ngự, ông vẫn ngồi bó gối nghe bàn. Điều gì ông cũng nghe cả, nhưng rồi ông cũng coi như một cơn gió thoảng, chẳng còn ngưng đọng được chút gì trong óc não. Việc ông quan tâm hơn hết trong lúc này, là chiếc thuyền than đầy ắp của ông đang nằm đây, như một kiểu bị cầm giữ, trong khi các lái mua đang chờ ông tại bến. Thế là ông đã sai hẹn, và họ sẽ mua than của thuyền khác. Than ông lỡ mất một phiên chợ. Vợ con ông lại thiếu đói mất năm ngày gạo.

Nhưng nói cho công bằng, thì sự việc xảy ra ban sáng, đối với thằng bé cháu nhà Chiêu Thành vương, tức Hoài Văn hầu Quốc Toản, cũng có làm ông mủi lòng. Sự thật, ông rất trọng nhân cách của cậu bé này. Tuy là trong nội tộc, nhưng ông ở khác chi, và nhất là sau khi ông thất thế, thân còn cũng coi như đã khuất. Vì có thân mà không có danh, đời còn ai biết đến, nên ông chẳng có đi lại, có quan hoài với ai trong nội tộc. Nhưng vừa nghe mấy lời dạy đời cao ngạo của hoàng tử Chiêu Quốc vương, ông thấy nổi máu uất ở trong người. Chao ôi một con người cứ nghe đồn nổi tiếng tài hoa, văn học lẫy lừng vào bậc nhất Thăng Long. Kiến thức hơn đời gì mà nhân cách không bằng thằng bé con. Đã không dám chống lại bọn rợ Hồ, lại còn dùng ba tấc lưỡi biến chúng thành con ngoáo ộp nạt dọa người đời. Bực mình, Trần Khánh Dư đứng phắt  chạy đến trước mặt thượng hoàng, sụp lạy:

- Muôn tâu, thần tuy có bị lỡ phiên chợ, cũng xin được  tỏ đôi lời.

Nghe Khánh Dư nói, mọi người cười ồ. Khánh Dư nghiêm lạnh nhìn khắp lượt.

Không khí có vẻ căng thẳng.

Trần Thánh tôn nhìn sắc mặt Khánh Dư hiện lên vẻ quắc thước, trở lại phong độ của một vị tướng, chứ không còn rụt rè của một ông lái bán than. Nhà vua thấy đẹp lòng bèn khích lệ:

- Khanh cứ nói tự nhiên. Đây là bàn việc quốc sự. Chưa ngã ngũ bề nào. Các ý phải trái chưa phân, không việc gì phải che giấu lòng mình.

- Kính thưa thượng hoàng! Kính thưa quan gia - Khánh Dư lại nói và đưa mắt nhìn khắp lượt - Kính thưa các vương hầu, các đại quan - Cuộc chiến năm Đinh ty tôi được Thái thượng hoàng cho theo đánh giặc Thát. Ngày ấy chỉ thuần quân Thát-đát hung bạo, chứ chưa có đám quân tân phụ hèn yếu xen lẫn vào như quân Nguyên bây giờ. Theo thiển ý của tôi, các nước lớn bị thua bọn rợ Hồ này, là vì nội tình họ ngu hèn vị kỷ, chứ không vị dân, vị quốc. Chúng nó, cái bọn nhà Nguyên ấy, thuần là một lũ giặc, cướp. Thiên binh, thiên tướng, thiên tử, thiên triều gì nếu đem quân vào đất người cũng đều là giặc, là cướp cả. Giặc vào nhà, cướp vào nhà phải đánh đuổi nó ra, để mà yên ổn làm ăn. Thử hỏi, có nhà nào, trộm cướp đến không lo việc hô hoán làng xóm cứu  rồi tự mình đánh đuổi nó đi, lại trói cha mẹ vợ con anh em lại nộp cho cướp. Và chỉ cho nó chỗ cất giấu của cải. Đó là việc tự cổ chưa từng thấy. Cho nên đối với nhà Nguyên, dùng sức mạnh ép ta đủ điều. Ta muốn sống đàng hoàng như một con người thì phải chống lại, đánh lại? Tôi tuy bất tài, xin theo dưới quân đánh giặc. Ông thượng thư bộ công lo phần binh khí thế là rất quí. Mong sao các loại cự thạch "Song sảo", “Ngũ sảo” pháo và "Hỏa pháo" ấy thành công mỹ mãn. Thần đã được đọc và có nghiền ngẫm kỹ "Hưng Đạo binh pháp". Xin đem sách ấy dạy cho tướng sĩ. Thâu nhận được tinh thần đó thì sức mạnh trong quân không biết đến đâu mà lường trước được. Xin chớ có ngại ba cái thằng kỵ binh Mông Cổ nhãi ranh, với mấy con ngựa nòi. Chính chúng đã đại bại trên đất này hai mươi lăm năm trước. Nhiều người ở đây đã từng đánh giặc Thát. Cũng nhiều người chứng kiến khi giặc Thát rút chạy nhanh hơn là khi nó đến.

Lời nói của Trần Khánh Dư như khích vào lòng tự trọng dân tộc và tự tôn phẩm giá, khiến ai nấy đều cụng cựa muốn nói. Khác với khi Chiêu Quốc vương Trần ích Tắc biện bác, làm cho không khí im lìm. Tuy nhiên, không phải chỉ có một mình Ích Tắc có lòng nể sợ Hốt-tất-liệt, mà rất nhiều người ở vào hàng tôn quý cũng nghĩ như ông, song họ không dám nói ra.

Nghe lời bàn của Trần Khánh Dư, hai vua rất đẹp lòng. Ngay lập tức, Trần Thánh tông ban ý.

- Triều đình sẽ trả lại tất cả gia sản cùng thái ấp phủ tước cho khanh. Trẫm sẽ mua thuyền than của khanh với giá gấp mười lần giá chợ. Khanh có bằng lòng không? Nhà vua nhìn về phía Khánh Dư và mỉm cười.

Trần Khánh Dư vái tạ với tấm lòng biết ơn.

Kế đó, Trần Nhân tôn nói:

- Vậy là ngày hôm nay trời cho ta thêm một viên đại tướng! Có đúng là ứng với điềm thiên nga sớm nay không các khanh?

Mọi người cười vui.

Nhà vua lại hỏi:

- Vậy chớ còn ai muốn bày tỏ điều gì. Ngay cả sự lo ngại nữa, cũng nên nói cho cạn nhẽ, rồi ta bàn thật thấu đáo. Đây là việc nước, ai ai cũng có trách phận như nhau. Trần Nhân tôn nói và dừng lại cặp mắt hiền hậu nơi hàn lâm học sĩ Lê Văn Hưu.

Thấy nhà vua có lòng ưu ái đối với mình, quan quốc sử bèn vòng tay vái bề trên hai vái, rồi nói:

- Dạ muôn tâu, ý trăm quan đều tỏ rạng cả. Thần là một sử quan, xin ghi nhận và chép lại hết thảy sự việc thật trung thực, để đời sau được biết, trước thế nước nghìn cân treo  tóc, vua tôi đã bàn như thế nào, và sẽ làm như thế nào để giữ nước. Dạ, thần không dám bình phẩm gì cả. Lời bàn của  quan đôi khi làm thiên lệch sức kiến giải của hậu thế. Như đo đắn mãi và dằn lòng, Lê Văn Hưu lại nói:

- Tuy vậy, thần chỉ nêu lại một vài cảnh ngộ đã diễn ra trong lịch sử gần đây, để thượng hoàng và các bậc đồng liêu nghiêm khảo. Ấy là việc nhà Bắc Tống bị quân Kim thôn tính. Nhưng Mông Cổ lại chinh phục được nước Kim. Năm Nhâm thìn (1232), tháng năm, Mông Cổ chiếm Biện Kinh( Khai Phong), Kim Ai tông chạy về Qui Đức, rồi về chốt ở Thái Châu( nay là đất Nhữ Nam thuộc tỉnh Hà Nam).

Người Mông Cổ vừa thiếu quân vừa cạn lương. Muốn diệt được quân Kim, họ bèn liên minh với nhà Nam Tống cùng đánh. Giao ước rằng diệt xong Kim, nhà Nam Tống sẽ thu hồi ba kinh thành: Đông Kinh( một tên khác của Khai Phong), Tây Kinh( tức kinh đô Lạc Dương của đất Hà Nam) và Nam Kinh( tức Thượng Khâu, thuộc tỉnh Giang Tô ngày nay).

Tống Lý tông bèn sai Mạnh Hồng làm tướng, đem hai chục ngàn quân và ba trăm ngàn thạch lương, giúp Mông Cổ vây Thái Châu.

Năm Giáp ngọ (1234), tức là hơn hai năm sau, liên quân Mông-Tống đánh vỡ Thái Châu, Kim Ai tông tự sát. Nước Kim mất.

Theo ước thúc, nhà Nam Tống tiến quân thu hồi lại các miền đất cũ. Nhưng quân Mông Cổ đã tháo nước sông Hoàng Hà dìm chết mấy vạn quân Tống. Kế đó là một cuộc đại xâm lăng nhà Nam Tống. Vương triều Tống đã kết thúc thê thảm trong thế trận Nhai Sơn vào năm Kỷ mão (1279). Lê Văn Hưu thở dài, như là ông muốn chia sẻ nỗi buồn khờ dại của vua tôi nhà Nam Tống. Rồi ông thong thả nói như đếm mấy lời sau đây:

- Xem ra việc Hốt-tất-liệt mượn đường, vay lương, vay quân của Đại Việt đánh Chiêm Thành ngày nay, cũng không có khác gì với việc năm mươi năm trước, họ liên minh với nhà  Nam Tống đánh nước Kim vậy?

Kể lại bài học cay đắng của nước láng giềng, Lê Văn Hưu đã  gieo vào lòng mỗi người một hạt giống cảnh giác. Và vì vậy không  còn ai bàn lùi nữa. Cuộc nghị bàn vừa sôi nổi, vừa sâu sắc.

Sau ba ngày cuộc nghị bàn kết thúc, Nhân tôn đã phong  lại cho Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư làm phó đô tướng  quân, và cắt cử các tướng đi trấn giữ những nơi hiểm yếu. Ít  lâu sau, lại phong thái úy Chiêu Minh vương Trần Quang  Khai, kiêm chức thượng tướng, thái sư. Và Hưng Đạo vương  Trần Quốc Tuấn, làm quốc công tiết chế, thống lĩnh thiên hạ chư quân sự.