ÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN ẤY đẹp như một câu thơ mở đầu bài thơ dài của Thế Lữ: “Thuở ấy nhiệm mầu sương gió lạnh”. Thuở nhiệm mầu ấy, tôi lên mười và thả dài một chuỗi tuổi thơ của mình ở huyện lỵ Phụ Dực. Huyện lỵ buồn tênh như tuổi thơ tôi. Nhưng ba ngày tết thì nó bừng lên một niềm vui. Tôi nhớ là vui lắm và văn chương của tôi bây giờ không đủ khả năng diễn tả lại. Quan huyện cho thả cửa đánh bạc. Ở hội quán, tổ tôm điếm, tam cúc điếm chơi suốt sáng thâu đêm. Hè phố huyện, đông đầy những sóc đĩa, những tài xỉu, những cò cua tôm cá. Không có một thứ âm thanh nào huyền diệu hơn âm thanh của bốn đồng chinh trên chiếc đĩa bị nhốt kín bằng chiếc bát khi nhà cái lắc nhẹ hay mạnh. Lúc đó, nhà cái là một nhạc sĩ sử dụng cây đàn muôn điệu làm toát mồ hôi thính giả, làm trái tim thính giả muốn vỡ tung. Tiếng kêu của bốn đồng chinh gợi tưởng niềm bí mật và quyến rũ người ta khám phá niềm bí mật. Cơ hồ tiếng kêu cứu của một công chúa bị nhốt ở lâu đài của yêu râu xanh và hoàng tử si tình vẳng nghe tiếng kêu cứu đã thúc ngựa phi nhanh tung bụi đường xa tới và lao vào sinh tử. Người ta đã tự tử, đã vô tù, đã biệt xứ, đã đi ăn mày, đã trở thành đạo tặc vì ham mở bát khám phá niềm bí mật của bốn đồng chinh dưới cái bát úp. Sấp một, sấp ba. Lẻ. Ngửa hai, ngửa bốn. Chẵn. Chẵn, lẻ. Niềm bí mật chỉ có thế. Và chỉ có thế, ngay cả kẻ đã được tuyên dương lên “bác thằng Bần”, đang cổ đeo gông, chân mang xiềng nơi khám tối lạnh, vẫn lạc quan đánh xóc đĩa tưởng và thấy xuân về nếu từ ngoài đã lọt qua song tù tiếng kêu rền của bốn đồng chinh. Tôi, thằng bé lên mười, đã mê mệt tiếng kêu huyền ảo của bốn đồng chinh ấy. Mê mệt một cách hồn nhiên. Như những thằng bé bằng tuổi tôi. Trẻ con giống hệt loài khỉ về sự bắt chước. Chúng tôi đã bắt chước người lớn, mở một chiếu sóc đĩa mừng xuân.
Cũng bốn đồng chinh mà bốn mặt ngửa bôi vôi trắng để dễ phân biệt chẵn, lẻ. Cũng cái đĩa. Cũng cái bát. Thằng Trình làm nhà cái. Em nó, thằng Quý, làm hồ lỳ. Tôi và bạn bè làm dân chơi sóc đĩa. Chơi như người lớn. Khác mỗi điều là chúng tôi ăn thua bằng vỏ hến. Muốn đánh bạc phải có tiền. Tôi đã gian khổ trong việc kiếm tiền vỏ hến. Dân phố huyện thường dùng cái dậu bìm làm nơi đổ vỏ ốc, vỏ trai, vỏ hến. Tôi đến chân dậu tìm vỏ hến, nhét đầy các túi áo diện tết. Thật khó giải thích một nỗi đam mê ở đoạn đầu đời mình. Mùa xuân thiếu gì cuộc vui. Mà tôi, tôi bám chặt lấy chiếu bạc vỏ hến. Thua, tôi điếng người. Được, tôi mừng rỡ. Tôi hồi hộp chờ đợi thằng Trình mở bát. Chẵn có khi rền bẩy bận, tôi cứ lẻ đoán mò. Và cháy các túi vỏ hến. Lại đi tìm. Vỏ hến khan hiếm. Nơi tôi cư ngụ, người ta thích lấy vỏ hến in vào tường đất. Đó là cách trang trí lạ đời. Tôi đã dùng móng tay nậy từng chiếc vỏ hến. Bạn sẽ hỏi móng tay mà nậy được những chiếc vỏ hến ăn chặt vào đất sét ư? Câu trả lời chỉ là câu hỏi lại: Người Ai Cập dùng máy nào đưa những tảng đá khổng lồ lên ngọn Kim tự tháp? Nhưng rồi những chiếc vỏ hến cực công kia đã lọt hết vào tay anh em thằng Trình. Hết vỏ hến, tôi ngồi chầu rìa. Hôm sau, trò chơi chưa tan, tôi đi xa hơn để tìm vỏ hến. Đủ vỏ hến, lại chơi. Mồng ba tết, chiếc sóc đĩa vỏ hến còn thừa sức quyến rũ tôi. Nói theo tay chơi bạc sạt nghiệp, tôi đã bán hàng trăm mẫu đất, hàng chục căn nhà. Chiều mồng ba, tự nhiên, tôi thắng. Thắng liên miên. Thằng Trình nhường chức nhà cái cho tôi. Anh em nó thua quá. Anh em nó buồn hiu. Những thằng khác cũng thua. Chúng nó cúng tôi những chồng vỏ hến cao ngất. Tôi sướng rên. Chúng nó đánh tiếng bạc cuối cùng. Đống vỏ hến nằm phía chẵn. Tôi mở bát. Sấp một. Lẻ. Tôi vơ trọn. Những con bạc phủi tay đứng dậy. Chiều đã tắt nắng. Chúng cười giòn. Thằng Trình bảo tôi: “Ê, Long, con chịu khó đổ vỏ hến nhé! Không đỏ, mai bà Quyết quét cửa, bà ấy chửi mục mả, con nghe một mình đấy!”.
Tôi cố hình dung tôi thuở lên mười. Tôi cố hồi tưởng hình ảnh một thằng bé lên mười ngồi một mình trong buổi chiều xuân tắt nắng trước đống vỏ hến chiến thắng, trong cảnh hoàng hôn đám bạc. Tôi đã háo hức tham dự cuộc chơi. Tôi đã hòa mình vào cuộc chơi. Tôi đã đổ mồ hôi vì cuộc chơi. Có lẽ, móng tay tôi đã thấm vào tường đất sét khô khi tôi nậy vỏ hến. Tôi cho hết nhiệt tình. Để được đống vỏ hến vô tích sự. Bạn xưa của tôi hưởng cạn niềm vui. Tôi đi đổ vỏ hến. Hình dung và hồi tưởng và so sánh thuở lên mười với thuở ba mươi chín, tôi thấy tôi vẫn còn đang tiếp tục chơi những canh bạc vỏ hến.
(1973)