Tháng Giêng Ngon Như Một Cặp Môi Gần

Chương 1 (5)

Docsach24.com

ỬA ĐÊM, NGƯỜI ĐÀN ANH đánh thức chúng tôi dậy. Luôn luôn thế, những buổi họp quan trọng thường diễn ra về khuya. Lúc ấy rừng đồi vắng lặng và hãi hùng. Hoặc người đàn anh dẫn chúng tôi vào cuộc cánh rừng xa nhà chừng hai mươi phút đi. Hoặc ông đưa chúng tôi vượt mấy con suối tới bất cứ nơi nào đó, thảo luận vài vấn đề tối mật. Và khi trở lại, trời đã vỡ sáng. Ông bảo chúng ta làm cho mặt trời sớm mọc. Chúng tôi lấy làm sảng khoái câu nói đầy hào khí của ông. Sự bí mật quyến rũ của tôi một cách mãnh liệt. Nếu nửa đêm, người đàn anh đánh thức một mình tôi, dẫn tôi theo ông đạp lên những xác lá, củi mục, vô tận rừng sâu kể cho tôi nghe kỷ niệm chiến đấu của ông bên cạnh lãnh tụ, tôi sẽ sung sướng khôn tả. Ông đã làm thế. Và tôi lạc vào chiêm bao như, với Lá, ngồi giữa vườn cam. Người đàn anh thường cho tôi những cảm giác đê mê. Về lịch sử. Về cách mạng. Đến nỗi tôi quên hẳn những bữa ăn mà canh rau rền gai nấu với phó mát vàng khè là thức ăn “chủ lực”. Không bao giờ ông nhắc nhở hai tiếng bạo động. Cách mạng của chúng tôi, theo ông, là bất bạo động, là “bất chiến tự nhiên thành”. Có cách mạng nào thơ mộng hơn? Ông nhấn mạnh: chiến sĩ cách mạng còn là chiến sĩ văn hóa. Ông quả quyết chúng tôi sẽ trở thành những nhà văn, nhà thơ danh tiếng. Ông dẫn chứng những kịch tác gia, những văn sĩ lớn ở Sài Gòn đều là cảm tình viên hay đảng viên của cách mạng chúng tôi đang theo đuổi. Họ bị ảnh hưởng triết thuyết vĩ đại của lãnh tụ chúng tôi bao trùm mọi sáng tạo của họ.

Tôi mê văn chương trước khi mê cách mạng. Tôi thèm viết những tác phẩm lẫy lừng như ông Nhất Linh. Ông này vừa làm cách mạng vừa sáng tác văn nghệ. Tôi cũng sẽ giống ông Nhất Linh. Nhờ đi làm cách mạng. Và tôi nghiên cứu kỹ lưỡng những bài thơ, những áng tùy bút của lãnh tụ. Tôi có vẻ không mấy thích về lý thuyết chính trị, kinh tế xã hội, quân sự. Có lẽ, tôi khó lòng tiến tới một nhà cách mạng theo đúng nghĩa của cách mạng. Có lẽ, tôi chỉ muốn có cảm giác cách mạng. Tôi nhìn cách mạng thật như cách mạng ở những đoạn tiểu thuyết rực rỡ nhất. Tôi yêu cách mạng như yêu một câu thơ cảm xúc dạt dào của lãnh tụ diễn tả một cánh hoa rụng lạc xuống chén rượu từ ly. Người đàn anh hẳn chưa hiểu rõ những gì tôi dấu kín trong tâm hồn. Đêm nay, ông đánh thức chúng tôi dậy hội họp giữa bóng tối ngay trên nhà sàn. Ông loan báo buổi lễ tuyên thệ sẽ tổ chức vào tuần tới với sự chứng giám của một vị đã từng cõng lãnh tụ trốn thoát một đêm đảng tranh tàn bao năm 1945. Vị này sẽ đến đúng hẹn từ một vùng xa xôi. Sau hết, người đàn anh phiền trách mấy người bạn của chúng tôi bỏ cuộc. Họ đã về Sài Gòn hay về đâu? Tôi không biết. Chỉ biết, một buổi sáng, đang đốn cây trong rừng, họ lấy cớ bị nhức đầu, nghỉ việc và họ trở về nhà. Rồi cuốn gói dông luôn. Người đàn anh nói rất may cho họ là họ chưa tuyên thệ. Nếu họ đã tuyên thệ, họ sẽ bị kết án phản bội cách mạng. Và sẽ có một hình phạt dành cho họ. Ông kể tên những nhân vật X,Y,Z đã có án tử hình, một ngày kia, họ sẽ phải đền tội.

Tôi bắt ớn sợ. Cách mạng không thơ mộng nữa chăng? Cách mạng dần mất những cảm giác đê mê rồi chăng? Người đàn anh khuyên chúng tôi kiên nhẫn chịu đựng gian khổ, sự thành công của cách mạng sắp ló dạng. Chúng tôi sẽ là những người lãnh đạo. Là những kẻ nắm vận mệnh của đất nước, dân tộc! Chúng tôi sẽ cướp quyền cai trị! Vậy là cách mạng của tôi đã ló mòi bạo động. Tôi ghét bạo động. Tôi chợt thấy cái thực của cách mạng mà tong đã tưởng nó như mộng qua hình ảnh người thầy học cũ. Buổi họp chấm dứt. Tôi về chỗ của tôi. Im lặng. Như vừa mới đây không xẩy chuyện gì. Tôi nằm vắt tay lên trán. Nhớ Lá. Nhớ chuyện giòng-suối-không-có của Lá. Tôi đi tìm hai giòng suối mộng ảo. Một giòng suối đời và một suối tình. Cả hai đều là những giòng-suối-không-có. Tôi hăng say đi tìm giòng-suối-đời-không-có trước. Tôi đã gặp. Nó giống hệt những giòng suối tôi đã coi thường. Cách mạng không có Dũng. Cách mạng không lãng mạn. Tiểu thuyết của Nhất Linh mới có cách mạng dung dưỡng Dũng, bằng lòng Dũng và quyến rũ tuổi trẻ. Tôi đang suy nghĩ thì người đàn anh bò tới, lay tôi. Ông lặng lẽ kéo tôi và bảo đi theo ông và rừng. Chúng tôi đi khá lâu. Người đàn anh bước cạnh tôi. Ông khoác bàn tay lên vai tôi. Cánh tay ông nặng trĩu và không gây ấm áp. Tóc tôi ướt đẫm sương lạnh. Rồi chúng tôi dừng chân, mỗi người ngồi xuống một gốc cây đã đốn. Ông rút trong túi quần ra một khẩu súng lục lên đạn lách cách. Tôi giật mình. Người đàn anh muốn thủ tiêu tôi? Không, ông hỏi tôi có ham sử dụng súng không. Tôi gật đầu lấy lòng ông. Ông bảo sẽ dạy tôi bắn bách phát bách trúng. Ông bảo tôi sẽ cần trở thành tay thiện xã. Để phục vụ cách mạng. Nghĩa là tôi sẽ giết người. Người đàn anh phô bày kỷ niệm của ông. Ông nói, khẩu súng Walther nằm trong tay ông, mười năm trước, ông đã bắn trúng tim rất nhiều tên phản bội dân tộc. Ông hạ chúng ở Hà Nội. Ông hạ chúng ở Hòa Bình. Ông hạ chúng ở ngọn đồi Nga My. Rốt cuộc, ông đành gói khẩu Walther vì kẻ thù đã đẩy ông vô tuốt miền Nam. Ông ngỏ ý trao khẩu súng của ông cho tôi để tôi tiếp tục sứ mạng của ông. Tôi nín thinh. Định hỏi ông rằng cái thế “bất chiến tự nhiên thành” đâu có cần giết ai xem ông trả lời sao, nhưng rừng vắng trời khuya khiến tôi sợ hãi. Tôi sẽ bắn súng. Sẽ có tiếng hổ làm ứa máu. Xin chịu, giêt mộng tôi còn không giết nổi nữa là giết người, dẫu là giết người trong mộng. Người đàn anh bảo ngày về sẽ bắt đầu từ tiếng súng đầu tiên do tôi khai hỏa. Có một sự tế cờ? Tôi đâu có ham về. Tôi không khoái cách mạng về. Tôi khoái cách mạng đi. Cách mạng đi hoài. Cách mạng mà về thì buồn quá. Như một kẻ phiêu lãng, tiêu phí hết tuổi trả, trở về lúc già nua khụ khị, đứng nhìn nhà xưa, ho vài tiếng rồi thở hổn hển. Ối giào, cái cảnh ấy nản thật. Như nó đã diễn ra tẻ nhạt và ngượng ngùng. Hình ảnh đẹp là hình ảnh mờ ảo. Là sự hư ảo. Là cách mạng ra đi không về. Là hào khí bốc sương bên bờ sông Dịch. Kinh Kha mà về, đời sau, ai còn ngưỡng mộ Kinh Kha? Người đàn anh bảo tôi sẽ giống con ma chập chờn ở thành phố. Tôi vừa xuất hiện dán bích chương phố này đã có mặt ở ngõ nọ rắc truyền đơn. Tôi không muốn nghe ông nói nữa. Tôi chán ông ta, chán lãnh tụ và chán luôn cả cách mạng. Dũng đã không đi dán bích chương, rắc truyền đơn lén lút. Dũng đi phơi phới trên đường thơm. Chắc chắn, chàng không dắt súng lục. Chàng đi làm cách mạng như đi đến điểm hẹn tình yêu.

Người đàn anh nói những gì, sau đó, tai tôi điếc rồi. Tôi chỉ còn nghe được giọng côn trùng rên rỉ. Chúng tôi về, trời sắp sáng. Tôi nằm cố ngủ một giấc ngắn, không ngủ nổi. Tôi nghĩ tới Lá. Tôi nghĩ tới ngày tuyên thệ, tới hình ảnh một lãnh tụ chiếu nhì, chiếu ba sắp từ “một miền xa xôi đến đây”. Tôi nghĩ tới người thầy học cũ. Có lẽ thầy tôi nhầm rồi, thầy tôi nhầm và kéo theo tôi nhầm luôn y hệt cái đầu tầu bò ra khỏi đường rầy làm đổ hết những toa máng sau đó. Ở thế hệ tôi, những người hướng dẫn còn thích miệt mài lăn vào những cuộc chiến đầu hư ảo đòi phục hồi dĩ vãng. Họ còn khoái đắm đuối trong sương khi mặt trời đã bắt sương tan rã. Họ còn muốn duy trì niềm bí mật tưởng chừng thần thánh lắm, linh thiêng nhiều nhưng thực ra niềm bí mật ấy đã ngớ ngẩn và buồn cười. Khi tôi kịp hiểu, tôi mang tâm sự của kẻ bị tình phụ, đau đớn mà không dám hé răng than thở. Tôi đi trên đường hoa, trong vườn thơ cơ hồ một bộ hành phiêu lãng. Người ta bắt tôi đạp lên hoa. Người ta bắt tôi cầm dao đâm chém thơ. Chẳng bao giờ tôi trở thành nhà cách mạng thiếu bụi phấn của tình yêu mê hồn. Tôi sẽ không tuyên thệ. Không thề thốt trung thành với bất cứ một cái gì. Suốt đời tôi, tôi sẽ là thứ hồn lưu lạc không thờ riêng một chúa. Dứt khoát là không. Lấp lửng chưa thờ riêng một chúa là dọn lối để thờ riêng một chúa. Nhưng Là, anh sẽ chỉ yêu một em. Yêu một người ta dâng trọn tình thương. Anh dâng trọn tình thương cho em, cho Lá yêu dấu, Lá hư ảo, Lá tiểu thuyết, Lá hoang đường, Lá thần tiên, Lá cổ tích. Tôi sẽ nói với Lá như thế, chiều nay. Hẳn Lá sẽ cười, sẽ sung sướng bảo rằng “Anh xạo, anh luôn luôn xạo”. Buổi sáng, tôi tự ban cho tôi cái quyền phản cách mạng (Trong đáy hồn tôi, cách mạng kiểu cầm súng giết người đã bị phản bội rồi, cái kiểu cách mạng lén lút dán bích chương rắc truyền đơn cũng đã bị phản bội luôn, cái kiểu cách mạng đi bình minh về hoàng hôn bị phản bội nốt) là nằm lỳ trên nhà sàn. Nghe tiếng cú rúc còn xúc động hơn nghe đàn anh mưu đại sự. Tôi vắt tay lên trán. Tôi suy nghĩ. Và tôi chợt hiểu, ở cách mạng này hay ở cách mạng nào, hễ đã có đàn anh đạo diễn, thứ chiến sĩ cách mạng nai vàng như tôi sẽ đóng vai trò rất hèn mọn tương đương vai trò của kép hát vô danh trên sân khấu tuồng. Là dạ dạ rối rít khi chủ tướng la lớn ba quân! Sự khốn khó của tuổi trẻ thế hệ tôi là thiếu vắng những đàn anh đạo diễn tin cẩn. Trong mọi lãnh vực. Hãy làm đàn em văn nghệ đi, tôi sẽ được hân hạnh suy tôn đàn anh không tiếc lời, sẽ được sai mua thuốc lá lẻ, sai mua cà phê chịu và được khen qua đường “có triển vọng”. Vậy tốt nhất, đừng dại dột làm đàn em, đừng tình nguyện đóng vai quân hầu cúip ạp mình khúm ním dạ dạ. Hãy làm chủ tướng, dẫu là chủ tướng ngu ngần để dõng dạc gọi ba quân. Không thì cứ là hồn lưu lạc, mãi mãi lưu lạc. Làm một ngọn núi có đỉnh, dẫu là đỉnh núi thấp nhất nhưng phải là một ngọn núi tách rời những ngọn núi khác. Làm một thi sĩ tóm gọn vũ trụ nhét vào túi thơ. Làm một nhà văn vẫy vùng trong cõi tiểu thuyết của riêng mình. Làm bất cứ cái gì, tùy ý, với điều kiện không có đàn anh đạo diễn khi ta đã thực sự bước xuống đời. Chả nên để bị lung lạc, bị huyễn hoặc bởi một hào quang dĩ vãng. Tôi bỗng thấy tôi ngớ ngẩn. Tại sao tôi phải nghiên cứu những bài thơ, những áng tùy bút, làm thơ hay gấp bội lãnh tụ. Lãnh tụ chết rồi. Thơ văn của ông, triết thuyết của ông chỉ còn để hoài cổ. Tại sao ta cứ mê muội đòi phục hồi dĩ vãng?

Buổi trưa, tôi lại vào vườn cam. Tôi không ngủ. Và Lá không tới. Tôi ngồi dựa lưng vô gốc cây cam. Cho đến khi chiều xuống. Lá vẫn chẳng tới. Cô nhỏ, sao cô không tới? Tôi buồn quá. Tôi vừa biết buồn. Nỗi buồn khởi sự như sương mờ giăng kín vườn cam. Đời sẽ có kẻ cho ta những ngôn từ không lấy chi làm đẹp. Đời sẽ có kẻ bảo ta cuồng si, phản động. Ôi, những con nhái bén học đòi giọng nói và cung cách xử thế của những con ếch già nào khác chi ta vừa mới đây. Vừa mới đây ta anh dũng nhẩy xuống cái giếng, ta nhìn lên một miếng trời và ta tưởng cả vùng trời bao la toàn một mầu mây cách mạng. Và ta, ta mới nhìn rõ dấu chân cách mạng. Cách mạng chính là ta. Chỉ là ta. Nạn nhân đầu tiên của ta là bạn bè ta. Ta bỉ thử họ, ta coi thường họ. À, đời sẽ có kẻ bỉ thử ta, coi thường ta như thế là cùng. Ta nhẩy vọt lên. Đứng trên bờ giếng, hồn choáng váng, ta muốn có cây sào thật dài, chọc thủng cái miếng trời đáng giận kia. Ta thương ta và thương luôn những con nhái bén. Người đàn anh cũng mon men vào vườn cam. Lần đầu tiên tôi thấy ông ta vào vườn cam. Ông ta đến trước mặt tôi, quăng cho tôi gói thuốc lá thơm. Ông quăng luôn cả hộp diêm. Ông hỏi tôi đã xúc động chuyện gì. Tôi nói tự nhiên tôi buồn. Thế thôi. Người đàn anh ngồi cạnh tôi kể lể những kỷ niệm niên thiếu. Rồi ông kết luận ông nhìn rõ ở tôi một tương lai hứa hẹn. Ông lại đem lịch sử đặt vào tay tôi. Tôi nắm bàn tay. Lịch sử của ông hẳn đã vuột ra ngoài. Nhưng ông ta chẳng biết. Tội nghiệp ông. Khi ông rời vườn cam, tôi giận ông ta kinh khủng. Ông đã đem sự thô bạo vào vườn cam mà tôi ngỡ sẽ viết cổ tích từ đó. Sắt máu không thể làm nên những chuyện thần tiên. Vườn cam thế là hỏng. Vườn cam thế là vất đi. Lá chẳng bao giờ đến đây nữa? Tôi mong gặp Lá một lần chót, dưới gốc cam này, cùng Lá đi tìm giòng-suối-không-có. Và, trước đó, chúng tôi chọn một nơi chốn thay thế vườn cam.

Nơi chốn mới lạ ấy sẽ chỉ có Lá và tôi. Chỉ có hư ảo. Chỉ là hoang đường. Hư ảo bang bạc khắp trời, hư ảo đẩy lùi những tham vọng phù du của nhái bén và ếch. Hoang đường mù mịt, hoang đường ngăn lối vào của những bước chân thô bạo. Nơi chốn ấy phải y như tiểu thuyết thuẩn túy. Tôi chán ngán những cảnh cùng khốn trong nỗi hiện thực võ vàng. Thực đã nhăn nheo nếp gấp, đã tả tơi, đau thương. Ta cố bấu víu lấy cái thực, hy vọng thoát lên cùng mộng, cùng cõi đời ngập gió yêu thương, sao ta còn phân chất mùi hương tiểu thuyết, đàn hạch nó phải thế này, phải thế nọ. Không chấp nhận cái hiện hữu cũng là một biểu lộ của phàn kháng. Một biểu lộ đầy thiện cảm và không vương một hạt bụi cuồng nhiệt mỏng manh. Tôi muốn một nơi chốn của loài người không còn thứ lãnh tụ nào xúi dại nhau cầm súng giết nhau. Tôi muốn một nơi chốn loài người vẫn còn cách mạng nhưng là những cách mạng lên đường ngâm thơ và không bao giờ trở về bởi vì chẳng cần thiết trở về đời vẫn đẹp, đời đã đẹp. Tôi muốn, tôi muốn… Rồi tôi ngủ vùi dưới gốc cam, trở thành tên văn nghệ viễn mơ hạng nặng.