Thần điêu hiệp lữ

Chương 70

Quần hùng cũng định đáp ứng, nhưng thấy hắn liên tiếp đánh bại Lỗ Hữu Cước và huynh đệ họ Võ, không biết còn có những bản sự gì chưa thi triển, nên chưa ai dám lên tiếng, đều quay nhìn vợ chồng Quách Tĩnh, Hoàng Dung.

Hoàng Dung nói:

- Túc hạ đấu trận thứ nhất, lệnh sư huynh đấu trận thứ hai, tôn sư đấu trận thứ ba, đã chắc chắn không thay đổi nữa chứ?

Hoắc Đô đáp:

- Đúng thế.

Hoàng Dung quay lại nói nhỏ với mấy người xung quanh:

- Chúng ta chắc thắng rồi.

Quách Tĩnh hỏi:

- Làm thế nào?

Hoàng Dung nói nhỏ:

- Nay "dĩ quân chi hạ tứ, dữ bỉ thượng tứ...".

Nàng vừa nói vừa nhìn Chu Tử Liễu. Chu Tử Liễu mỉm cười, nói tiếp:

- "Thủ quân thượng tứ, dữ bỉ trung tứ, thủ quân trung tứ, dữ bỉ hạ tứ". Đánh xong ba trận, Điền Kỵ thua một trận mà thắng hai trận, giành được ngàn lạng vàng.

Quách Tĩnh giương mắt nhìn, hoàn toàn không hiểu họ nói gì.

Hoàng Dung ghé tai chàng nói:

- Chàng tinh thông binh pháp, sao lại quên diệu kế của ông tổ binh pháp Tôn Tẫn?

Quách Tĩnh chợt nhớ thời nhỏ học "Võ Mục di thư", Hoàng Dung từng kể với chàng tích cũ thế này: Đại tướng Điền Kỵ nước Tề đua ngựa với Tề vương, đánh cuộc ngàn lạng vàng. Tôn Tẫn bày cho Điền Kỵ cách thắng cuộc, dùng con ngựa kém nhất đua với con ngựa hay nhất của Tề vương, dùng con ngựa hay nhất đua với con ngựa trung bình của Tề vương, rồi dùng con ngựa trung bình đua với con ngựa kém nhất của Tề vương, kết quả Điền Ky thắng hai trận, giành được ngàn lạng vàng. Hoàng Dung vừa nói là ngụ ý dùng cách tương tự.

Hoàng Dung nói:

- Chu sư huynh, với công phu "Nhất dương chỉ" của mình, sư huynh thắng vương tử Hoắc Đô không khó.

Chu Tử Liễu ở nước Đại Lý từng thi đỗ trạng nguyên, từng làm ể tướng, tất là bậc tài trí hơn người. Hiểu rất sâu về võ công của môn phái họ Ân ở nước Đại Lý. Ban đầu Chu Tử Liễu là môn hạ của Nam Đế, võ công đứng sau cùng trong bốn đại đệ tử Ngư, Tiều, Canh, Độc, mười năm đã thăng lên vị trí thứ hai. Hiện thời võ công đã cao hơn hẳn ba vị sư huynh. Nhất Đăng đại sư đối với bốn đại đệ tử như nhau, có môn võ công nào cũng đều truyền thụ cho họ, nhưng cuối cùng thì Chu Tử Liễu là người lĩnh hội được nhiều hơn cả, nhất là công phu "Nhất dương chỉ" luyện tới mức xuất thần nhập hóa. Lúc này võ công của Chu Tử Liễu so với Quách Tĩnh, Mã Ngọc, Khưu Xứ Cơ thì chưa bằng, nhưng đã cao hơn những người như Vương Xứ Nhất, Hách Đại Thông.

Quách Tĩnh nghe Hoàng Dung nói vậy, bèn tiếp lời:

- Mời Hách đạo trưởng đấu với Kim Luân pháp vương, kể ra rất nguy hiểm. Thắng hay bại cố nhiên không liên quan đến đại cục. Chỉ sợ kẻ địch xuất thủ quá tàn ác, không đối phó nổi.

Chàng ngay thẳng, nghĩ sao nói vậy, cũng không ngại coi mình là "con ngựa hay nhất", Hách Đại Thông là "con ngựa dở nhất".

Hách Đại Thông hiểu rõ cuộc đấu này quan hệ đến vận mệnh quốc gia, hoàn toàn không giống cuộc đấu giành giật danh tiếng tầm thường trong võ lâm, nếu để lão quốc sư Mông Cổ kia đoạt lấy chức vị minh chủ anh hùng thiên hạ, thì các võ sĩ người Hán chẳng những mất mặt, mà còn làm phân tán nhân tâm, e rằng khó kết minh kháng địch, bèn khảng khái nói:

- Chuyện đó khỏi cần lo nghĩ, chỉ cốt lợi cho quốc gia, lão đạo này dẫu có bỏ mạng dưới tay Tạng tăng, cũng không sao cả.

Hoàng Dung nói:

- Trong ba trận, chúng ta chỉ cần thắng hai trận đầu, thì trận thứ ba đâu cần đấu nữa.

Quách Tĩnh cả mừng, khen phải.

Chu Tử Liễu cười, nói:

- Tại hạ gánh vác trọng nhiệm rồi, nếu không thắng nổi gã vương tử Mông Cổ, thì suốt đời sẽ bị anh hùng thiên hạ phỉ thổ mất thôi.

Hoàng Dung nói:

- Không nên quá khiêm tốn, mời sư huynh xuất trận cho.

Chu Tử Liễu bước ra giữa sảnh, ôm quyền nói với Hoắc Đô:

- Trận đấu thứ nhất này, do tệ nhân lĩnh giáo các hạ. Tệ nhân họ Chu, tên Tử Liễu. Bình sinh thích ngâm thơ, làm câu đối, tụng kinh đọc Dịch, võ công thì rất thô sơ, mong được các hạ chỉ giáo thật nhiều.

Nói rồi vái một cái thật dài, rút từ ống tay áo ra một cây bút, viết mấy nét trong không trung, đúng là phong thái một gã hủ nho.

Hoắc Đô nghĩ thầm: "Kẻ trông càng tầm thường, càng có võ công cao thâm, thực không thể coi thường", bèn ôm quyền đáp lễ, nói:

- Tiểu vương xin lĩnh giáo tiền bối, xin hãy lấy binh khí ra cho.

Chu Tử Liễu nói:

- Mông Cổ là xứ man di, chưa được thánh nhân giáo hóa, các hạ đã muốn lĩnh giáo, thì tệ nhân dĩ nhiên sẽ chỉ điểm cho.

Hoắc Đô trong bụng tức giận: "Ngươi mở miệng nhục mạ Mông Cổ ta, không thể tha cho ngươi được".

Hắn xòe quạt, nói:

- Đây là binh khí của tiểu vương. Tiền bối sử dụng đao hay kiếm?

Chu Tử Liễu giơ bút viết chữ "Bút" trong không trung, cười, nói:

- Tệ nhân cả đời lấy cây bút làm bạn, còn biết sử dụng thứ binh khí nào khác?

Hoắc Đô nhìn kỹ cây bút của đối phương, thấy cán tre lông cừu, ngòi bút chấm mực đen một nửa, thật không có gì lạ, khác hẳn với loại bút thép dùng để điểm huyệt trong võ lâm, đang định hỏi, thì thấy từ ngoài tiến vào một bạch y thiếu nữ.

Nàng dừng chân ở cửa sảnh, thong thả đưa mắt nhìn mặt mọi người, tựa hồ đang tìm ai đó.

Quần hùng vốn đang chú mục nhìn Chu Tử Liễu và Hoắc Đô, thấy bạch y thiếu nữ bước vào, ai nấy bất giác cùng nhìn về phía nàng. Chỉ thấy nàng sắc diện trắng trẻo, xanh xao như người có bệnh, nhìn dưới ánh nến tưởng chừng không một hạt máu, càng lộ vẻ thanh nhã tuyệt tục, vô cùng tú lệ. Người đời thường dùng bốn chữ "đẹp như tiên nữ" để tả cái đẹp của nữ nhân, nhưng tiên nữ đẹp như thế nào, thì chẳng ai biết cả. Lúc này vừa trông thấy bạch y thiếu nữ, mọi người nghĩ ngay tới bốn chữ kia. Toàn thân nàng như được bao phủ bởi một lớp sương khói mỏng manh, nửa thực nửa hư, không phải như người trần tục.

Dương Quá nhìn thấy bạch y thiếu nữ thì sung sướng như điên, như có ai đấm mạnh vào ngực, tức thì từ trong góc sảnh lao ra, ôm lấy nàng, gọi to:

- Cô cô, cô cô!

Bạch y thiếu nữ chính là Tiểu Long Nữ. Sau khi giã biệt Dương Quá, nàng quanh quẩn ở vùng sơn dã một vòng, lội suối trở lại "Hoạt tử nhân mộ". Hơn mười tám năm sống trong tòa cổ mộ, lòng nàng giống như hồ nước lặng, không hề gợn sóng. Nhưng từ khi gặp Dương Quá, lại trải qua một phen sóng gió vừa rồi, muốn trở lại nếp sống cũ đã không tài gì làm nổi. Mỗi lần ngồi tĩnh tọa luyện công trên chiếc giường hàn ngọc, nàng lại nhớ Dương Quá từng nằm ngủ trên cái giường này, mỗi lần ngồi bên bàn ăn cơm, nàng lại nhớ mình luôn có Dương Quá bầu bạn trong lúc ăn uống. Luyện công chỉ được một lát, nàng đã sốt ruột, không thể tiếp tục được nữa. Cứ vậy hơn một tháng, nàng hết chịu nổi, quyết ý đi tìm Dương Quá, nhưng nếu tìm được, sẽ đối xử với Dương Quá như thế nào, nàng cũng chưa biết. Nhân tình thế cố nàng không hiểu gì hết, y hệt một dã nhân ở chốn thâm sơn cùng cốc. Từ khi xuống núi, Tiểu Long Nữ thấy cái gì cũng hoàn toàn mới mẻ, nàng lại không biết đường, hễ gặp ai trên đường nàng cũng hỏi:

- Quý vị có thấy Dương Quá hay không?

Bụng đói, thì lấy thứ này thứ nọ của nhà người ta mà ăn, cũng không biết rằng cần phải trả tiền, dọc đường đã gây nên bao chuyện tức cười. Người ta thấy nàng xinh đẹp hồn nhiên, tự dưng đều nhường nhịn, cũng chẳng nỡ gây khó dễ với nàng. Một hôm vô tình ở một khách điếm nghe hai đại hán trò chuyện với nhau, rằng các anh hùng hảo hán hữu danh trong thiên hạ đều đi dự anh hùng đại yến ở Lục gia trang, ải Đại Thắng. Tiểu Long Nữ nghĩ bụng Dương Quá rất có thể sẽ tới đó, thế là nàng hỏi đường và đi tới Lục gia trang.

Trừ ba người Hách Đại Thông, Triệu Chí Kính và Doãn Chí Bình, hơn hai ngàn người trong đại sảnh không ai biết lai lịch của Tiểu Long Nữ, chỉ thấy nàng quá xinh đẹp, thì ai nấy đều có cảm giác đặc dị. Tôn Bất Nhị tuy biết Tiểu Long Nữ, song cũng chưa gặp mặt lần nào. Doãn Chí Bình mặt tái nhợt, người run rẩy. Triệu Chí Kính liếc nhìn sư đệ, cười nhạt. Quách Tĩnh, Hoàng Dung thấy cử chỉ của Dương Quá đối với Tiểu Long Nữ thì cũng vô cùng kinh ngạc.

Tiểu Long Nữ nói:

- Quá nhi, ngươi quả nhiên ở đây, thế là cuối cùng ta đã tìm được ngươi.

Dương Quá ứa nước mắt, nghẹn ngào nói:

- Cô cô... cô cô sẽ không hắt hủi đệ tử nữa chứ?

Tiểu Long Nữ lắc đầu, nói:

- Ta không biết.

Dương Quá nói:

- Từ rày cô cô đến đâu, đệ tử sẽ theo cô cô đến đó.

Đại sảnh đông cả ngàn người, hai người ấy cứ làm như xung quanh chẳng có ai, cứ trò chuyện thân mật với nhau. Tiểu Long Nữ cầm tay Dương Quá, trong lòng cũng không rõ là hỉ hay bi.

Hoắc Đô thấy Tiểu Long Nữ xinh đẹp như thế, lòng cũng xúc động, nhưng hắn không biết nàng chính là cô nương ở núi Chung Nam mà hắn từng đến cầu hôn, thấy Dương Quá ăn mặc lam lũ, nhưng lại thân mật với Tiểu Long Nữ, thì hắn rất khó chịu, bèn nói:

- Bọn ta cần tỷ thí ở đây, hai người bước ra chỗ khác hộ cho!

Dương Quá cũng chẳng trả lời, kéo tay Tiểu Long Nữ sang bên cạnh, ngồi xuống tảng đá kê chân cột, lòng sung sướng không sao kể xiết.

Hoắc Đô quay lại, nói với Chu Tử Liễu:

- Các hạ đã không dùng binh khí, thì chúng ta dùng quyền cước phân thắng bại cũng được.

Chu Tử Liễu nói:

- Đâu có. Trung Hoa là nước có lễ nghĩa, không phải Mông Cổ man di. Quân tử luận văn, dùng bút hiểu nhau, tệ nhân có bút, chính là binh khí đó.

Hoắc Đô nói:

- Đã vậy thì tiếp chiêu đi!

Hắn xòe quạt, quạt một cái về phía đối phương. Chu Tử Liễu bước chếch, lắc đầu, tả chưởng đưa nhẹ trước thân, cây bút trong tay phải vạch một nét lên mặt Hoắc Đô. Hoắc Đô nghiêng mặt né tránh, thấy đối phương thân pháp nhẹ nhàng, chiêu số kỳ dị, chưa dám tấn công, muốn xem gia số võ công của đối phương thế nào, mới định cách đối phó.

Chu Tử Liễu nói:

- Cây bút của tệ nhân quét sạch ngàn quân, các hạ hãy cẩn thận đấy.

Nói xong ngọn bút chọc nhanh về phía trước.

Hoắc Đô tuy học võ nghệ ở Tây Tạng, nhưng Kim Luân pháp vương có bộ não uyên bác, võ công của các danh gia Trung Nguyên món nào cũng biết. Hoắc Đô trong khi học võ, đã quyết ý đi Trung Nguyên lập uy danh, bởi vậy Kim Luân pháp vương từng đem những chiêu số đắc ý của các đại phái võ học lừng danh ở Trung Nguyên ra chiết giải với hắn. Không ngờ hôm nay lại gặp Chu Tử Liễu sử dụng cây bút như một thứ binh khí cổ quái, xuất chiêu càng lạ lùng ngoài sức tưởng tượng, chỉ thấy ngọn bút cứ tạo các nét vạch, nét sổ, nét chấm, y như đang viết chữ, nhắm vào các đại huyệt trên thân người.

Họ Ân ở nước Đại Lý vốn thuộc quận Võ Uy, Lương Châu, lập nước xưng đế tại Đại Lý, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn vật giáo hóa Trung Hoa. Chu Tử Liễu là danh gia thư pháp đệ nhất ở Thiên Nam, tuy học võ, song không bỏ văn, khi võ học càng luyện càng tinh thông, đã đem môn "Nhất dương chỉ" phối hợp làm một với thư pháp. Công phu ấy do một mình Chu Tử Liễu sáng tạo, đối phương võ công dẫu cao cường mà trong bụng ít chữ, thì quả thật khó bề đối phó nổi với môn võ công trong văn có võ, trong võ có văn, cả văn lẫn võ đều đạt tới cảnh giới cao diệu của Chu Tử Liễu. Chỉ thấy cây bút cứ chao động, trong thư pháp có điểm huyệt, trong điểm huyệt có thư pháp, lợi hại vô cùng, vừa oai hùng lại vừa uyển chuyển.

Quách Tĩnh không hiểu văn chương, nhìn mà lấy làm lạ. Hoàng Dung được phụ thân dạy dỗ, văn võ toàn tài, thấy môn võ công kỳ diệu của Chu Tử Liễu, không khỏi thầm tán thưởng.

Quách Phù đến bên cạnh Hoàng Dung, hỏi:

- Mẹ ơi, Chu tiên sinh cứ vạch vạch cái gì như đùa thế ạ?

Hoàng Dung đang mải xem đấu, trả lời:

- Bia văn Phòng Huyền Linh.

Quách Phù ngơ ngác:

- Bia văn Phòng Huyền Linh là cái gì ạ?

Hoàng Dung đang ngắm thích quá, không trả lời.

Nguyên "Bia văn Phòng Huyền Linh" là loại bia văn do vị đại thần triều Đường Chử Toại Lương viết ra, là một loại thư phẩm kỳ diệu kiểu chữ khải. Tiền nhân bình phẩm thư pháp của Chử Toại Lương là "Tiên nữ tán hoa", thư pháp vừa mạnh mẽ vừa uyển chuyển, vút lên trời cao, cực kỳ phóng khoáng, thanh thoát. Môn "Nhất dương thư chỉ" của Chu Tử Liễu này dùng bút thay ngón tay, chiêu nào pháp độ cũng nghiêm cẩn, hệt như lối viết chữ khải không thể cẩu thả.

Hoắc Đô tuy không hiểu sự huyền diệu của môn "Nhất dương chỉ", song cũng từng tập viết "Bia văn Phòng Huyền Linh", dự tính sau nét ngang sẽ là nét sổ, nên phòng thủ rất chặt chẽ, hoàn toàn không có dấu hiệu núng thế.

Chu Tử Liễu thấy đối phương nhận biết lộ thư pháp này, bèn quát:

- Coi chừng! Giờ đến chữ thảo. Text được lấy tại TruyệnFULL.vn

Đột nhiên ném cái mũ đang đội trên đầu xuống đất, tay áo dài múa lượn, chạy tế lên, xuất chiêu không còn theo chương pháp nào nữa. Chỉ thấy Chu tiên sinh như điên như cuồng, như kẻ say rượu, như kẻ trúng tà, bút ý lâm li, chỉ trỏ loạn xạ.

Quách Phù ngạc nhiên, hỏi:

- Mẹ ơi, Chu tiên sinh phát điên hay sao thế?

Hoàng Dung nói:

- Ừm, nếu uống ba chén rượu, thế bút càng tuyệt diệu.

Nàng cầm bình rượu, rót ra ba chén, gọi:

- Chu đại ca, hãy cạn ba chén trợ hứng.

Rồi tay trái giơ chén, dùng ngón giữa tay phải búng một cái, chén rượu bay ngang đi. Chu Tử Liễu ra một đòn bút, buộc Hoắc Đô lùi một bước, đón chén rượu uống cạn một hơi. Hoàng Dung búng tiếp chén thứ hai, chén thứ ba. Hoắc Đô thấy hai người mời rượu trước trận như thế, thật chẳng coi hắn ra gì, định dùng cây quạt đánh văng chén rượu, nhưng Hoàng Dung phối hợp rất ăn ý với cây bút của Chu Tử Liễu, búng chén rượu tới đúng lúc, Hoắc Đô không làm gì được.

Chu Tử Liễu uống liền ba chén, nói:

- Đa tạ, công phu Đạn chỉ thần công mới hay làm sao!

Hoàng Dung cười, nói:

- Sắc bén thay "Tự ngôn thiếp"!

Chu Tử Liễu cười, nghĩ thầm: "Chu mỗ một đời tự phụ thông minh, hóa ra còn thua tiểu cô nương một bậc. Ta tốn hơn mười nă khổ công mới nghĩ ra tuyệt kỹ này, nàng ta vừa nhìn đã biết". Nguyên lối chữ Chu Tử Liễu viết lúc này chính là "Tự ngôn thiếp" của Trương Húc đời Đường. Trương Húc được tôn là "Thảo thánh", tức là bậc thánh về thảo thư. Đỗ Phủ viết Ẩm trung bát tiên ca có câu:

張旭三杯草圣傳

Trương Húc tam bôi thảothánh truyền

脫帽露頂王公前

Thoát mạo lộ đính vương công tiền

揮毫落紙如云煙

Huy hào lạc chỉ như vân yên

Trương Húc ba ly xưng thánh thủ

Trước vương công ném mũ ngẩng đầu

Bút vung quỷ khốc thần sầu

Như mây như khói trên màu giấy hoa

Hoàng Dung mời ba chén rượu, một là rất hợp với thân phận của Chu Tử Liễu khi sử dụng môn công phu này, hai là để tăng tửu ý, bút pháp sẽ càng lợi hại, ba là cũng giảm bớt nhuệ khí của Hoắc Đô.

Chỉ thấy Chu Tử Liễu viết đến chữ "Đạo" trong câu "Đảm phu tranh đạo", thì nét cuối cùng hất lên, như cái móc kéo toạc vạt áo của Hoắc Đô. Quần hào cười rộ, Hoắc Đô nhảy vội về phía sau.