Thần điêu hiệp lữ

Chương 62

Âu Dương Phong qua mấy ngày ác đấu, một đêm suy ngẫm khổ sở, thần đã suy, lực đã kiệt, nghe ba tiếng "Âu Dương Phong" thì đột nhiên hồi quang phản chiếu, trí óc bỗng sáng bừng, chuyện cũ mấy chục năm dồn dập hiện ra, cũng cười ha hả, reo lên:

- Ta là Âu Dương Phong! Ta là Âu Dương Phong! Ngươi chính là lão khiếu hóa Hồng Thất Công!

Hai lão nhân bạc đầu ôm nhau cười hô hố, cười một hồi, nghe tiếng nhỏ dần, rồi tắt hẳn, cả hai không thấy cử động gì cả.

Dương Quá cả kinh, gọi:

- Gia gia, lão tiền bối!

Không ai trả lời. Dương Quá đưa tay kéo Hồng Thất Công một cái, hai lão ngã ngay ra, đã chết rồi.

Dương Quá kinh hãi, cúi xuống chỗ Âu Dương Phong, nghĩa phụ cũng đã tắt thở. Hai người đã chết, mặt vẫn giữ vẻ tươi cười, tiếng cười của họ dường như vẫn âm vang trong sơn cốc.

Bắc Cái, Tây Độc mấy chục năm vài phen ác đấu, liều chết với nhau, ai dè cuối cùng lại cùng quy tiên trên đỉnh Hoa Sơn. Hai người suốt đời oán hận triền miên, lúc sắp chết lại ôm nhau cười vang. Mối thâm cừu đại hận mấy chục năm tiêu tan trong một tiếng cười!

Dương Quá nhất thời vừa kinh ngạc vừa bi thương, chưa có chủ ý, nghĩ thầm Hồng Thất Công từng giả chết ba ngày ba đêm, hay là hai lão tiền bối lại giả vờ chết? Nhưng thấy tình hình có vẻ không giống lắm, lại nghĩ thầm: "Rất có thể họ chết một thời gian, rồi sẽ sống lại. Hai vị lão nhân gia võ công cao siêu như thế, sẽ không thể chết được. Không chừng hai vị lại thi nhau, xem ai giả chết lâu hơn cũng nên".

Chàng túc trực bên hai cái xác đúng bảy ngày bảy đêm, sau một ngày, hy vọng lại bớt đi một phần, thấy sắc mặt hai người sạm dần, mới biết là họ đã chết thật, thì khóc to một hồi, đào hai cái hố ở ngoài cửa hang, đem hai vị kỳ nhân võ lâm mai táng. Cái bầu rượu của Hồng Thất Công, cùng trượng, bổng mà hai vị dùng làm binh khí tỷ thí, cũng chôn theo họ. Chàng thấy các vết chân của họ giẫm trên tuyết trong thời gian ác đấu, giờ đã kết thành băng cứng, dấu chân còn đó, mà thể xác thì đã nằm sâu trong lòng đất, Dương Quá không khỏi tiếc thương. Lại nghĩ đến võ công kinh thế hãi tục của hai vị, rốt cuộc lại bị một tên tiểu tử kém cỏi như chàng chôn xuống đất, bao nhiêu uy phong, bao nhiêu vinh dự cũng chỉ là một giấc mộng mà thôi.

Chàng cung kính khấu đầu tám cái trước mộ hai vị, nghĩ thầm: "Nghĩa phụ tuy tài giỏi, cuối cùng vẫn thấp hơn Hồng lão tiền bối một bậc. Khi thi triển Đả cẩu bổng pháp, nghĩa phụ phải suy ngẫm khổ sở một đêm mới hóa giải được, nếu là đánh nhau thật, ai cho phép nghĩ ngợi lâu như thế?" Lại thở dài một hồi, rồi đi xuống núi.

Chàng mặc cho hai chân đưa chàng đi đâu thì đi, cũng chẳng phân biệt đông tây nam bắc, thiết nghĩ đại địa bao la, chỉ có một mình ta, phiêu bạt tứ xứ, lúc nào hết thọ mệnh, thì chỉ việc nằm xuống chết. Ở trên đỉnh Hoa Sơn chưa đầy một tháng, mà chàng tưởng như đã sống mấy năm. Khi lên núi thì đau khổ, phẫn uất vì bị người đời khinh rẻ. Khi xuống núi thì cảm thấy thế sự chỉ như phù vân, người đời quý trọng hay khinh rẻ thì cũng chẳng sao hết. Tuổi còn nhỏ, mà đã phẫn thế đố tục, coi cuộc đời như một trò đùa.

Một hôm mới một vùng hoang dã ở Thiểm Nam, phóng tầm mắt ra xa, chỉ thấy cành khô cỏ úa, gió bấc thổi ào ào, cỏ rạp xuống trỗi lên từng chập. Đột nhiên từ phía tây văng vẳng tiếng chân ngựa, bụi tung lên như sương mù, không lâu sau có mấy chục con ngựa hoang cuồng bôn từ tây sang đông, cách chỗ chàng đứng non một dặm. Nhìn đàn ngựa hoang thỏa sức phi nhanh, tự do tự tại giữa thảo nguyên, Dương Quá bất giác cũng cảm thấy khoan khoái dễ chịu.

Đồng cỏ bằng phẳng, đàn ngựa đã chạy xa, trời đất rộng lớn, không gì trói buộc, thật là đắc ý, bỗng nghe có tiếng ngựa hí bi thương phía sau lưng. Quay người lại, thấy một con ngựa gầy lông vàng kéo một chiếc xe chở củi thong thả chạy tới. Chàng tưởng con ngựa này thấy đồng loại được rong ruổi tự do giữa thảo nguyên, còn nó phải lao thần khổ dịch ở đây, nên hí lên bi thương như thế. Con ngựa gầy quá, gầy trơ cả xương, bốn cái vó dài teo hết cả thịt, trông khô khẳng như cành cây, lông rụng từng đám, mình mẩy rớm máu nhiều chỗ vì vết roi quất. Một hán tử thô lỗ ngồi chễm chệ trên xe, cứ không ngừng quất roi đánh ngựa, giục ngựa chạy nhanh.

Dương Quá bị người ta khi vũ đã nhiều, giờ thấy con ngựa còm khổ sở thế kia, cái roi tựa hồ đang quất vào chính thân chàng, chợt nao lòng, nước mắt muốn ứa ra. Hai tay chống nạnh, chàng đứng giữa đường, quát to:

- Tên kia, sao nỡ đánh con ngựa tàn tệ như thế?

Hán tử thấy một thiếu niên lam lũ, trông như thằng ăn mày, đứng chắn đường, bèn vung roi quát:

- Xê ra, muốn mất mạng hả?

Nói xong lại quật roi tới tấp xuống mình ngựa.

Dương Quá cả giận, nói:

- Mi còn đánh ngựa, ta sẽ giết mi.

Hán tử kia cười hô hố, vung roi đánh xuống đầu Dương Quá. Dương Quá giơ tay chộp lấy, đảo ngược cái roi, cầm đằng cán, xoay xoay một vòng trong không trung, rồi quấn vào cổ gã kia kéo hắn xuống khỏi xe mà đánh cho một trận.

Con ngựa tuy gầy ốm, nhưng rất có linh tính, thấy hán tử bị đánh, thì nó hí lên thích thú, dùng đầu giụi giụi vào ống chân Dương Quá, đầy vẻ thân thiết. Dương Quá giật đứt dây chằng giữ nó với cỗ xe, vỗ vỗ mông nó, chỉ tay về phía đám bụi mà đàn ngựa hoang còn để lại phía sau, nói:

- Mi hãy đi đi, không kẻ nào còn khi vũ mi nữa.

Con ngựa giơ hai vó trước lên, hí một tiếng dài, phi nhanh về đằng trước. Ai dè sức nó suy kiệt, đột nhiên phóng nhanh, không còn đủ sức, mới chạy được mươi trượng, thì chân trước bủn rủn, ngã khuỵu ngay xuống. Dương Quá nhìn vậy không nỡ, chạy tới luồn tay dưới bụng con ngựa, giục "Dậy nào!" bốc con ngựa đứng lên. Gã hán tử thấy thần lực của chàng như thế, thì bỏ cả chiếc xe củi mà cắm đầu chạy, chạy đến nửa dặm mới kêu toáng lên:

- Cướp cướp! Có kẻ cướp ngựa, cướp củi!

Dương Quá cảm thấy tức cười, vặt mấy túm cỏ xanh cho con ngựa ăn, thấy con ngựa bị đày đọa, bất giác nảy sinh đồng bệnh tương liên, vuốt ve lưng nó, nói:

- Ngựa ơi, ngựa ơi, từ nay mi cứ đi theo ta!

Chàng cầm cương, dắt nó thong thả tới một thị trấn, mua một ít lúa mạch cho con ngựa ăn no. Hôm sau thấy con ngựa còm có vẻ khỏe lên, chàng mới cưỡi lên mình nó mà đi.

Con ngựa thoạt đầu bước đi còn lẩy bẩy, không ngờ càng đi càng vững, sau bảy, tám ngày được ăn no, tinh lực dồi dào, đã có thể phóng như bay. Dương Quá cả mừng, càng chăm chút nó hơn.

Một hôm chàng vào nghỉ ở một tửu lâu, con ngựa tự nhiên tới bên bàn, nhìn bát rượu ở bàn bên cạnh, hí hí mấy tiếng liền, như thể muốn uống. Dương Quá nổi lòng hiếu kỳ, gọi tửu bảo mang ra một bát rượu to, đặt trên bàn. Chàng xoa xoa đầu con ngựa, chìa bát rượu cho nó, nó uống một hơi hết luôn, ve vẩy đuôi, giậm giậm chân, vô cùng thích thú. Dương Quá cũng lấy làm lạ, gọi mang rượu ra, con ngựa uống liên tục mười bát rượu, mà còn định uống thêm. Tửu bảo thấy Dương Quá ăn mặc rách rưới, sợ chàng không có tiền để trả, nói rằng đã hết rượu.

Ăn xong, tiếp tục lên đường, con ngựa có lẽ say rượu, phóng như điên, cây cối bên đường cứ vùn vụt lùi về phía sau, càng phóng càng nhanh thêm, thân mình nó cứ nhấp nhô lên xuống, Dương Quá may có khinh công cực cao, nên mới ngồi vững trên yên. Con ngựa này quái dị ở chỗ, hễ thấy đằng trước có một con vật, thì nó nhất định phải phi vượt lên mới xong, bất kể đó là trâu bò lừa ngựa. Cái tính hiếu thắng trình cường có lẽ là do nó cả đời luôn bị làm nhục mà ra. Dương Quá nghĩ bụng con tuấn mã này rơi vào tay gã thôn phu thô lỗ, phong trần khốn đốn, uất ức mãi rồi, bây giờ bỗng được một phen tung vó, ắt muốn phi đi như bay.

Cái tính nết ấy sao mà giống với Dương Quá, một người một ngựa, thành đôi hảo hữu. Chàng vốn tâm tình phẫn uất dọc đường lấy việc huấn luyện con ngựa làm vui, tính nết thiếu niên, cũng chóng quên buồn. Từ đó một mạch đi xuống phía nam, đến bờ sông Hán Thủy. Dọc đường nhớ lại chuyện đùa giỡn Lục Vô Song cùng sư đồ Lý Mạc Sầu, ngồi trên lưng ngựa bất giác cười vui. Nghĩ đến Tiểu Long Nữ không biết hiện tại ở đâu, bao giờ mới được gặp lại nàng, thì chàng lại buồn bã vô cùng.

Hôm ấy đi đến chính ngọ, dọc đường chốc chốc lại gặp một khiếu hóa tử, nhìn bộ dạng họ, phần lớn đều biết võ công, Dương Quá nghĩ thầm: "Không lẽ cuộc tranh chấp giữa Lục Vô Song và Cái Bang còn chưa chấm dứt? Hay là Cái Bang triệu tập bang chúng, nhất quyết thư hùng với Lý Mạc Sầu? Cuộc nhiệt náo này không thể không xem". Đối với Cái Bang chàng vốn không mấy hảo cảm, nhưng vì khâm phục Hồng Thất Công, mà tự dưng chàng có cảm giác thân cận với Cái Bang, nghĩ thầm nếu mấy khiếu hóa tử kia không phải đang gây khó dễ với Lục Vô Song, thì chàng sẽ báo cho họ biết cái tin Hồng Thất Công tạ thế. Lại đi một quãng, thấy trên đường khiếu hóa tử càng đông thêm. Các khiếu hóa tử nhìn Dương Quá cũng hơi lấy làm lạ, vì lối ăn mặc của chàng hệt như khiếu hóa tử, song bang chúng Cái Bang nếu không có việc thật khẩn cấp, thì không bao giờ họ cưỡi ngựa.

Dương Quá cũng chẳng để tâm, cứ thế đi.

Đi đến giờ Thân, bỗng nghe có tiếng chim điêu trên trời, một đôi chim điêu trắng bay qua, lao xuống phía trước. Chỉ nghe một khiếu hóa tử nói:

- Hoàng bang chủ đến rồi, tối nay chín phần sẽ tụ hội.

Một khiếu hóa tử khác nói:

- Không biết Quách đại hiệp có đến hay không?

Gã hóa tử thứ nhất nói:

- Vợ chồng họ như cán cân với quả cân, có bao giờ rời nhau...

Liếc thấy Dương Quá đang chú ý nghe họ nói chuyện, gã trừng mắt với chàng một cái, không nói nữa.

Dương Quá nghe nhắc đến tên Quách Tĩnh, Hoàng Dung, hơi ngạc nhiên, rồi cười nhạt, nghĩ thầm: "Ngày trước ta ăn chực ở nhà các người, bị các người khinh rẻ, bấy giờ ta còn bé nhỏ bất tài, phải chịu không ít khổ sở. Giờ đây ta lấy thiên hạ làm nhà, đâu cần dựa dẫm vào các người?" Lại nghĩ bụng: "Chi bằng giả bộ bơ vơ khốn khổ, xem các người đối xử với ta thế nào".

Thế là chàng bèn tìm một chỗ vắng, vò tóc rối bù, đấm mạnh một cái vào mắt trái, cào cào mấy cái vào má, mắt trái lập tức sưng lên và tím lại, má có nhiều vệt cào xước rớm máu. Quần áo của chàng vốn đã rách, chàng lại xé cho rách thêm, rồi lăn mình xuống chỗ ướt át cho lấm lem, cộng với con ngựa gầy gò xấu xí, quả nhiên trông như một kẻ cùng đồ mạt lộ, thiểu não vô cùng. Hóa trang xong xuôi, chàng khập khiễng trở ra đường cái, không cưỡi ngựa nữa, mà đi lẫn vào đám hóa tử. Chàng không cầm cương dắt ngựa, con ngựa tự đi sau chàng. Có gã hóa tử hỏi chàng có đi dự buổi đại yến hay không, chàng giương mắt nhìn không đáp, đi lẫn với đám hóa tử, lúc với đám này, lúc với đám khác.

Đi đến lúc trời sắp tối, thì tới một tòa miếu lớn cũ nát. Thấy đôi chim điêu trắng đậu trên một cây tùng. Huynh đệ họ Võ một tay cầm chậu, tay kia nhặt từng miếng thịt trong chậu ném cho chim ăn.

Lần huynh đệ họ Võ cùng Quách Phù hợp lực đấu với Lý Mạc Sầu, Dương Quá từng đứng bên cạnh quan sát, nhưng lúc ấy chàng chỉ chú ý đến Quách Phù, không để ý lắm tới huynh đệ họ Võ. Lúc này chàng có dịp nhìn kỹ, thấy Võ Đôn Nhu thần sắc dũng mãnh, cử chỉ mạnh mẽ, Võ Tu Văn thì linh hoạt sinh động, luôn chạy chỗ này chỗ kia, không lúc nào yên. Võ Đôn Nhu mặc chiếc áo lụa tơ tằm, Võ Tu Văn thì mặc áo lụa Sơn Đông màu lam, cả hai đều thắt dây lưng bằng gấm thêu, quả nhiên là thiếu niên anh hùng, nhân tài xuất chúng.

Dương Quá bước tới, ấp úng nói:

- Hai vị... Võ huynh... vẫn mạnh giỏi!

Lúc này trước miếu sau miếu tụ tập khá đông hóa tử, người nào người nấy quần áo vá chằng vá đụp, Dương Quá tuy mặt mày lem luốc, song giữa đám đông hóa tử cũng không có gì khác biệt lắm.

Võ Đôn Nhu đáp lễ, nhìn Dương Quá một cái, không nhận ra chàng, nói:

- Thứ cho tiểu đệ mắt kém, tôn huynh là ai vậy?

Dương Quá nói:

- Tiện danh chẳng đáng xưng, tiểu đệ... tiểu đệ muốn cầu kiến Hoàng bang chủ.

Võ Đôn Nhu nghe giọng nói quen quen, đang định hỏi, bỗng từ cửa miếu vọng ra giọng nói trong trẻo như tiếng chuông ngân:

- Đại Võ ca ca, muội nhờ ca ca mua giùm cái roi ngựa mềm, không biết ca ca đã mua hộ chưa?

Võ Đôn Nhu vội bỏ Dương Quá, quay sang đón người kia, nói:

- Huynh mua rồi, muội thử xem có vừa tay hay không này.

Nói rồi lấy trong túi ra một cái roi ngựa.

Dương Quá ngoảnh lại, thấy một thiếu nữ mặc áo màu xanh nhạt, từ trong miếu bước nhanh ra, đôi lông mày cong cong, cái mũi nhỏ, mặt như bạch ngọc, dung nhan tươi như hoa, chính là Quách Phù. Nàng phục sức cũng không sang trọng cho lắm, chỉ đeo một chuỗi minh châu trên cổ, hợp với khuôn mặt diễm lệ của nàng. Dương Quá chỉ nhìn nàng một cái rồi ngoảnh đi, không khỏi tự thẹn về sự nhơ bẩn của mình. Võ Tu Văn cũng chạy lại, hai huynh đệ cùng ra sức nịnh bợ Quách Phù.

Võ Đôn Nhu nói chuyện với Quách Phù một hồi, mới sực nhớ ra Dương Quá, quay lại hỏi: Truyện được copy tại TruyệnFULL.vn

- Tôn huynh đến dự anh hùng yến phải không?

Dương Quá chẳng hiểu anh hùng yến là gì, thuận miệng đáp phải. Võ Đôn Nhu bèn vẫy gọi và nói với một gã hóa tử:

- Hãy tiếp đãi vị bằng hữu này, ngày mai dẫn tới ải Đại Thắng.

Rồi quay qua trò chuyện với Quách Phù, chẳng lý gì đến Dương Quá nữa.

Gã hóa tử đáp ứng, hỏi họ tên của Dương Quá. Dương Quá nói thật ra. Chàng vốn là hạng vô danh, gã hóa tử kia tất nhiên chưa từng nghe tên chàng bao giờ, cũng không để ý. Gã tự xưng tên là Vương Thập Tam, là đệ tử hai túi trong Cái Bang. Gã hỏi:

- Dương huynh từ đâu tới?

Dương Quá nói:

- Từ Thiểm Tây.

Vương Thập Tam nói:

- Ồ, Dương huynh là môn hạ phái Toàn Chân à?

Dương Quá nghe ba tiếng "phái Toàn Chân" thì khó chịu, lắc đầu nói:

- Không phải.

Vương Thập Tam hỏi:

- Dương huynh chắc là có mang theo anh hùng thiếp đấy chứ?

Dương Quá ngẩn người, nói:

- Tiểu đệ lưu lạc giang hồ, làm sao được gọi là anh hùng? Chẳng qua ngày trước có gặp Hoàng bang chủ, nay cầu kiến để bẩm cáo vài việc liên quan.

Vương Thập Tam cau mày, ngẫm nghĩ một lát, rồi nói:

- Hoàng bang chủ bận tiếp đãi anh hùng thiên hạ, chỉ e không rỗi để gặp huynh.

Dương Quá lần này cố ý giả trang cơ hàn, đối phương càng khinh rẻ, chàng càng đắc ý trong thâm tâm, bèn ra sức cầu khẩn.

Bang chúng Cái Bang đều xuất thân bần khổ, xưa nay phò nguy giải khốn, không khinh miệt người bần cùng. Vương Thập Tam nghe Dương Quá nài nỉ khổ sở, thì nói:

- Dương huynh đệ, huynh đệ hãy ăn no bụng cái đã, ngày mai chúng ta sẽ cùng đến ải Đại Thắng. Huynh sẽ bẩm về đệ với trưởng lão, nhờ bẩm với bang chủ, tùy bang chủ phân phó, được chứ?

Vương Thập Tam lúc đầu gọi Dương Quá là Dương huynh, bây giờ nghe chàng trả lời không phải là người được mời dự anh hùng yến, mình lại nhiều tuổi hơn hẳn chàng, đổi sang gọi là Dương huynh đệ. Dương Quá rối rít cảm tạ. Vương Thập Tam mời chàng vào trong miếu, bưng suất cơm khách ra mời chàng ăn. Bang quy của Cái Bang định rằng, đệ tử bổn bang dù gặp dịp đại điển hỉ khánh, mọi thứ thịt cá đều phải đem nấu cho nhừ nát, hệt như thức ăn dư thừa, mới được ăn, để vĩnh viễn không quên gốc gác, nhưng khi chiêu đãi khách khứa, thì lại thết cơm rượu tử tế.

Dương Quá đang ăn, thấy Quách Phù cười nói vui vẻ ung dung đi vào đại điện, huynh đệ họ Võ theo hầu hai bên. Nghe Võ Tu Văn nói:

- Được, đêm nay chúng ta sẽ đi suốt đêm tới ải Đại Thắng. Để huynh đi dắt ngựa lại cho muội.

Ba người mải trò chuyện, không để ý đến Dương Quá đang ngồi ăn dưới đất. Họ đi vào hậu điện lấy bọc vật dụng, binh khí, ra khỏi miếu, sau đó lên ngựa phóng đi. Dương Quá ngồi ăn, nghe tiếng vó ngựa xa dần, trong lòng cảm xúc lẫn lộn, cũng không rõ là sầu hay hận, là nộ hay bi?

Sáng hôm sau Vương Thập Tam rủ chàng cùng đi. Dọc đường, trừ bang chúng Cái Bang, còn có không ít nhân vật võ lâm, hoặc cưỡi ngựa, hoặc bộ hành, chắc là đều đi dự anh hùng yến. Dương Quá chẳng biết anh hùng yến, anh hùng thiếp là cái gì, có hỏi chắc Vương Thập Tam cũng chả chịu nói, bèn giả si giả ngốc mà đi. Gần tối thì đến ải Đại Thắng. Đại Thắng là cửa ải hiểm yếu giữa vùng Dự Ngạc, dân cư thưa thớt, từ đây trở lên phía bắc là vùng đất do quân Mông Cổ chiếm đóng. Vương Thập Tam dẫn Dương Quá đi qua thị trấn, lại đi thêm bảy, tám dặm nữa, thấy phía trước có mấy trăm cây hòe cổ thụ bao quanh một đại trang viện, các lộ anh hùng hảo hán đều đi đến trang viện này. Trong trang viện có nhiều dãy nhà, không đếm xuể, xem chừng có thể tiếp đón hàng ngàn tân khách một lúc.

Vương Thập Tam trong Cái Bang chỉ là đệ tử thuộc hạng thấp kém, biết bang chủ hiện đang bận bịu yếu vụ đâu dám bẩm cáo những chuyện nhỏ nhặt? Sau khi bố trí cho Dương Quá một chỗ ở, y đi gặp các bằng hữu trò chuyện.

Dương Quá thấy trang viện rất sang trọng, các trang đinh qua lại nườm nượp để tiếp khách, thì kinh ngạc, không hiểu chủ nhân trang viện là ai mà thanh thế lớn vậy? Bỗng nghe đoành đoành ba tiếng súng hỏa mai, rồi nhạc trống tấu lên. Có người nói:

- Vợ chồng trang chủ thân chinh ra đón khách, bọn mình đi xem vị anh hùng nào đến đi.