Thần Chết Trong Rừng

Chương 1

Trời đang mưa. Một cơn mưa to nặng hạt như đập thình thịch vào cửa kính. Tôi nghe thấy rõ những cơn gió mạnh rung lắc cửa sổ và cửa ra vào. Cô Yvette đang bận làm việc. Cô đóng các cánh cửa sổ lại và cài chốt. Một lát nữa thôi, cô sẽ mang bữa tối đến cho tôi. Tôi sẽ không đụng vào món nào cả, vì tôi không đói. Rồi cô sẽ nài nỉ tôi, và cô sẽ nổi cáu. Cô sẽ nói với tôi: “Nào, Elise, đừng có ngu ngốc thế, cần phải ăn để còn lấy lại sức chứ”. Thật vớ vẩn. Chút súc lực duy nhất mà tôi có được lúc này là những thứ đang duy trì bộ xương này của tôi. Phần sức lực còn lại không đủ giúp tôi di chuyển cái ghế mà tôi đang ngồi một mình. Tôi là cái mà người ta gọi là người liệt tứ chi. Không những tôi bị mất hết tay chân mà tôi còn bị nhiều bất hạnh khác nữa, đó là mất hình ảnh và mất âm thanh. Tất cả hoạt động của chúng hiện tại đều bị treo. Tôi vừa câm, vừa mù, lại còn bất động nữa. Tóm lại, tôi là một thứ thực vật sống. cô Yvette đang đến, tôi nghe thấy tiếng bước chân nhanh nhẹn của cô:

-Đến giờ ăn tối rồi!

Thường thì bữa tối của tôi là một chút nước luộc rau và chất đạm mà cô Yvette đút vào miệng tôi bằng một chiếc thìa nhỏ. Nó quá nóng và tôi đang cố gắn để không phải ăn nó. Tôi hình dung là cô Yvette sẽ rất bực mình.

Tôi còn nhớ rõ khuôn mặt tròn màu sữa kem với những lọn tóc màu sáng bao quanh của cô. Cô Yvette là một bà góa khoảng 60 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh. Cô làm việc cho gia đình của tôi đã ba mươi năm nay rồi. Cô có nhiều kỷ niệm với mẹ tôi hơn là với tôi. Lúc mẹ tôi “về trời” thì tôi mới được năm tuổi. Đến khi bố tôi mất cách đây bảy năm thì tôi về sống tại đây và cô Yvette tiếp tục trông nom nhà cửa cho tôi. Bây giờ cô là vú em của tôi. Nhân viên y tá đã hướng dẫn cho cô Yvette cách chăm sóc tôi. Cô Yvette khốn khổ phải tắm rửa, lau chùi cho tôi, và cho tôi ăn. Không biết bao lần cô đã cầu mong để tôi chết đi cho rồi? Và cả chính tôi nữa, biết bao lần tôi cầu mong mình được chết thật sự?

Không biết trời đã tối hay chưa. Đang là cuối tháng Năm. Tôi không nhớ vào mùa này trời tối vào bảy giờ hay tám giờ nữa. Tôi không thể hỏi cô Yvette điều đó. Tôi chẳng thể hỏi ai bất kỳ điều gì cả. Các chức năng chính của tôi đều không dùng được nữa.

Khi tôi đang nghỉ tại Ái Nhĩ Lan vào mùa hè năm ngoái thì chuyện đó xảy ra. Cùng với Benoît. Ngày 13 tháng Mười năm 1994. Tôi còn nhớ rất rõ quần áo anh mặc ngày hôm đó: quần âu màu xanh nước biển, áo pull hợp với quần và giầy tennis mày xanh. Còn tôi mặc quần jean, áo cổ tròn màu trắng, đi giày basket màu trắng sạch sẽ. Còn giờ đây tôi luôn đi đôi dép bệt và hầu như lúc nào cũng mặc chiếc áo ngủ. Bây giờ đến lượt bạn phải cho tôi biết màu cái áo ngủ mà tôi đang mặc…

Tôi đã cùng Benoît đi du lịch đến tận miền bắc Ái Nhĩ Lan, đến tận la Chaussée des Géants. Sáng hôm đó, tại Belfast, chúng tôi đang đi đến ngân hàng để đổi tiền từ séc du lịch. Tôi không nhớ cái túi tôi mang hôm đó nữa. Hình như nó bằng da màu xanh hay có lẽ là một chiếc ba lô kẻ sọc sặc sỡ gì đó. Chính những chi tiết kiểu này đang làm tôi phát điên lên. Tất cả những thứ mà tôi đã từng nhìn thấy mà không thể nhớ lại được! Giờ đây tôi cần có được những hình ảnh biết bao!

Chúng tôi đã đến ngân hàng và tôi đẩy cánh cửa kính. Và đúng lúc đó thì mọi chuyện xảy ra. Một vụ nổ. Một chiếc ô tô bị cái bom cách chúng tôi mười mét. Tài xế chết ngay lập tức cùng với bốn người qua đường. Cả Benoît nữa. Đầu tiên, tôi nghe thấy tiếng nổ, sau đó là một đám cháy khủng khiếp bùng lên, cùng lúc đó tôi có cảm giác như bị ném vào một lò lửa lớn, Benoît nắm lấy tay tôi, xô tôi xuống đất. Chúng tôi quay cuồng trong một cơn lốc xoáy toàn kim loại và kính vỡ. Tôi chỉ kịp nhìn thấy chiếc ô tô đang bốc cháy, chỉ nghe thấy tiếng kêu thét, nhưng tôi chẳng hiểu gì cả. Không, tôi thật sự không hiểu những gì đang xảy ra với mình, với Elise Andrioli này. Mọi người kêu la hoảng sợ. Tôi còn nhìn thấy một miếng thủy tinh gâm vào cổ Benoît, và máu – chẳng biết lúc đó tôi có biết đó là màu không – đang phun ra xối xả. Tôi cũng kêu thét lên. Có cái gì đó đập vào đầu tôi. Tôi nhắm mắt lại. Giờ thì tôi không bao giờ mở mắt ra được nữa.

Tôi bị hôn mê trong gần hai tháng. Khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang ở Pháp, ở Paris. Phải một lúc lâu sau tôi mới nhận thức được là tình trạng của mình không phải là tạm thời. Rằng tôi không thể mở mắt ra được hay ngồi dậy được nữa. Rằng tôi không thể nói chuyện với y tá hay bác sĩ. Tôi chỉ biết được sự nghiêm trọng của tình trạng của tôi khi nghe được họ nói chuyện với nhau. Tôi không muốn tin điều đó. Ấy thế mà…

Các bác sĩ đã cho tôi hàng tá các cuộc kiểm tra, xét nghiệm trước khi kết luận rằng toàn bộ sức khỏe cơ thể tôi bị suy giảm nghiêm trọng cho dù phần tủy sống có vẻ như không bị tổn thương. Nào là vỏ não chính…, trung tâm điều tiết của tiểu não…, có thể bị căng trương lực… Tóm lại là hỏng. Về phần mắt, cũng có chung kết luận: thần kinh thị giác còn nguyên nhưng chắc là phải có cái gì đó trong não bị ảnh hưởng và các bác sĩ không chắc là tôi có thể nhìn lại được nữa hay không. Họ cũng không chắc là tôi có thể nghe hoặc hiểu được những gị họ nói chuyện với một người lẩn cẩn vậy. Tất cả mọi người đều nói như họ, trừ cô Yvette vẫn cứ khăng khăng tin rằng tôi hoàn toàn nhận thức được và rằng một ngày kia tôi sẽ đứng bật khỏi ghế như là Lazare[1] hồi sinh vậy.

[1] Nhân vật trong Thiên chúa giáo. Theo sách Phúc âm, Lazare là bạn của Chúa Jesus, là người đầu tiên được Jesus làm cho hồi sinh (tất cả các chú thích trong sách đều là của người dịch).

Vậy đấy. Tôi đã ba mươi sáu tuổi. Tôi đã từng chơi trượt tuyết, đánh tennis, đi bộ, bơi lội. Tôi đã từng yêu ánh nắng mặt trời, những cuộc dạo chơi, những chuyến đi du lịch, những cuốn tiểu thuyết tình yêu. Ôi tình yêu… Còn giờ đây, tôi đang bị chôn chặt trong chính cơ thể mình và hàng ngày tôi đều cầu mong được chết thật sự.

Khi tôi nghe thấy cô Yvette làm việc cạnh tôi, tôi luôn nhớ đến một bộ phim mà tôi đã xem trên tivi. Phim nói về một người đáng thương như tôi, nhưng tay chân còn bị cắt cụt nữa. Chuyện về một cái thân người, bị mù và câm, luôn cố gắng liên hệ với cô y tá để thuyết phục cô giết mình đi. Benoît và tôi đã suýt khóc. Lúc đó chúng tôi đang hạnh phúc và khỏe mạnh, ngồi thoải mái trên tràng kỷ uống rượu vang và sẵn sàng khóc cho nỗi khổ của người khác.

Cô Yvette đang trách móc tôi. Còn tôi thì đang cố nuốt thức ăn. Thật là khó khăn. Ngày nào cũng thế, tôi luôn tự hỏi tại sao một số cơ bắp nảy của tôi lại hoạt động được, còn những cơ khác lại không. Tại sao tim tôi vẫn tiếp tục bơm máu và các dây thần kinh của tôi vẫn có thể lập luận lô gíc? Tại sao da của tôi vẫn cảm nhận d sự đụng chạm và tôi vẫn có khả năng rùng mình? Ngày nào cũng vậy, từ khi tôi có thể nhận thức được trở lại, tôi luôn hướng theo một mục đích duy nhất: đó là cử động. Phải cử động được, cử động, cử động. Cách đây hai tháng, tôi đã có thể nheo mắt và từ một tháng gần đây, tôi có thể cử động được ngón trỏ bàn tay trái. Tôi cũng có thể cử động được đầu, nhưng đó chỉ là những động tác nhất thời mà tôi không thể kiểm soát được. Raybaud, bác sĩ của tôi nói rằng đó là một tiến bộ lớn. Rồi ông ta lại đi chơi lướt thuyền buồm. Raybaud không thuộc kiểu người mà người ta gọi là người đa cảm. Ông ta luôn nghĩ rằng chỗ của tôi hiện giờ phải là ở trong một viện nghiên cứu đặc biệt. Một trại tế bần được khử trùng, một vườn rau điện tử cho những cây rau có tính người.

Bữa tối ăn xong. Cô Yvette đang dọn dẹp. Cô bật tivi rồi đi rửa bát. Bản tin tối. “Một chiếc cần câu đã đâm vào một tòa nhà ở Bourge-en-Bresse”. Có tiếng còi báo động, tiếng kêu la và những lời bình luận. Giọng nói của phát thanh viên bị kích động cao độ. Còn một tin khác nữa: một sai lầm của cảnh sát: “Một thanh niên người Beur bị tấn công nhầm do bị nghi ăn trộm xe hơi… Bộ trưởng Bộ Nội vụ…”. Tại sao chúng tôi lại có mặt ở cái ngân hàng đó vào ngày hôm đó chứ? Phải chăng đó là định mệnh? “Tại Yvelines, cảnh sát vẫn đang tiếp tục tìm kiếm cậu bé Michaël Massenet…” Vậy nếu đó là số mệnh của tôi thì tôi phải làm gì để chấp nhận được số phận đó? Phàn nàn thì có ích gì? “Một vùng xoáy ở Acoires…”. Mục quảng cáo với âm thanh như sấm rền. Tôi nghe thấy những giọng nói đầy hứng khởi ca ngợi tính năng ưu việt của những tấm đệm, xà phòng, xe hơi, giấy vệ sinh, pin, nước hoa, pho mát… Tất cả những thứ đó đối với tôi dường như thật xa vời. Cô Yvette chuyển sang kênh khác một cuộc hội thảo về ma túy và tình trạng tội phạm trong trường học. Tôi lắng nghe một cách chăm chú.

Buổi thảo luận kết thúc. Không ai đồng ý nhưng tất cả mọi người đều chúc tụng nhau. Cô Yvette thở dài, đẩy xe đưa tôi về phòng. Cô bế tôi lên giường. Ngày mai, nhân viên mát xa sẽ tới. Cô ta sẽ kéo giãn những bắp cơ bất động của tôi, sẽ xoa dầu lên chúng và nắn bóp chúng rồi hỏi tôi có cảm thấy gì không. Còn tôi thì sẽ không thể nào trả lời được.

-Chúc ngủ ngon. – cô Yvette nói với tôi.

Ngủ ngon hay không thì đối với tôi luôn luôn chỉ là ban đêm.

***

Sáng nay, cô Yvette đưa tôi đi siêu thị như mọi thứ bảy kể từ khi thời tiết trở nên dịu hơn. Cô đi bộ ra siêu thị vì nó không xa chỗ chúng tôi. Cô Yvette tuyệt vời cứ khăng khăng đối xử với tôi như với một sinh vật biết suy nghĩ. Tôi vẫn còn may mắn là có thể ngồi được. Ít ra là tôi còn có thể có niềm vui sướng được cảm nhận ánh nắng tràn lên mặt, được nghe tiếng chim hót, tiếng còi xe, tiếng trẻ con kêu khóc, tiếng ống pô xe máy, được cảm nhận thấy mùi của cỏ cây, hình dung ra cả thế giới sôi động và màu sắc xung quanh tôi. Cô Yvette đeo cho tôi một cặp kính đen. Cô bảo đeo kính như thế để ánh nắng không làm hỏng mắt tôi. Còn tôi thì lại nghĩ rằng cô cho tôi đeo kính để tôi không làm bọn trẻ hoảng sợ vì cái nhìn bất động của tôi.

Làm hỏng mắt tôi…

Để làm gì chứ?

Đôi khi tôi đùa rằng điều mà tôi thiếu nhất lúc này là không thể nhìn mình trong gương. Thật phù phiếm, chắc chắn thế, nhưng liệu tôi vẫn còn xinh đẹp nữa hay không? Liệu đầu óc tôi có gọn gàng không? Tôi tin vào tài năng của cô Yvette.

Cô Yvette để tôi ngồi gần một cái cây. Cô cho tôi biết như vậy. Chỗ này thật yên tĩnh, không xa người bảo vệ siêu thị, cô đề phòng trường hợp những bọn người xấu bắt tôi đi. “Một cô gái bại liệt xinh đẹp bị bắt cóc bởi một nhóm tội phạm vị thành niên”, tôi tưởng tượng ra một cái tít như vậy. Cô Yvette đã vào trong siêu thị mua hàng, còn tôi thì ngồi chờ. Tôi nghe mọi người nói chuyện về thời tiết, về tình hình bầu cử, nạn thất nghiệp, vân vân. Trước khi trở thành một cây rau, tôi đã từng điều hành một rạp chiếu phim nhỏ, rạp Trianon ở cửa ngõ thành phố, à không xin lỗi, ở Khu đô thị mới. Ba phòng chiếu đã được cải tạo mới. Cái rạp là của thừa kế của bố tôi. Tôi đã phát triển một lĩnh vực nghệ thuật và thử nghiệm, điều đó cho phép tôi được mời đến không biết bao nhiêu festival và thường xuyên đến Paris. Điện ảnh, sân khấu… giờ đã chấm hết.

Không, tôi không được phép lại bắt đầu động lòng thương hại chính bản thân mình.

Có một thứ gì đó vừa rơi vào tay tôi. Cái gì đó ẩm ướt. Tôi ngeh thấy tiếng chim bồ câu gù gù phía trên đầu. Chính là phân chim bồ câu. Cái cảm giác dính phân chim ở tay làm tôi kinh tởm. Tôi không thể chịu đựng nổi cái cảm giác cơ thể không thể cử động được, tôi không thể chịu đựng nổi sự bất động này nữa…

-Tại sao cô không chùi tay đi?

Có ai đó đang nói với tôi. Một đứa bé. Một giọng nói nhỏ và rụt rè. Tôi không trả lời gì cả, tất nhiên rồi.

-Cô à, có một con chim bồ câu ị bậy lên cô đấy.

Đứa bé hẳn là phải tự hỏi vì sao tôi không trả lời gì cả. Nó tiến lại gần tôi, tôi nghe thấy hơi thở của nó rất gần mình.

-Cô bị ốm à?

Thật sáng suốt, bé con ạ! Tôi cố gắng thu hết sức mình và cử động ngón trỏ.

-Cô không nói được à?

Không, tôi không thể. Tôi lại giơ ngón trỏ lên. Tôi thậm chí còn không biết là đứa bé có để ý đến ngón trỏ của tôi không nữa.

-Cháu tên là Virginie.

Hóa ra là một cô bé. Rõ ràng thính giác của tôi vẫn hoạt động. Con bé đặt bàn tay lên tay tôi, tôi cảm nhận được bàn tay đó, một bàn tay nhỏ mát dịu. Con bé định làm gì? À, ra là nó lau tay cho tôi, tôi có cảm giác như được chùi tay bằng khăn hay giấy ăn vậy.

-Cháu lau tay cho cô đấy. Cô sống ở đây à?

Tôi giơ ngón trỏ lên.

-Khi cô giơ ngón trỏ lên nghĩa là cô đồng ý à?

Tôi giơ ngón trỏ.

-Cháu cũng thế, cháu cũng sống ở đây. Cháu đang đi chợ với bố cháu. Bố cháu không muốn cháu nói chuyện với người lạ, nhưng với cô thì không, vì cô bị liệt. Cô bị tai nạn à?

Tôi giơ ngón trỏ lên. Đó là cuộc nói chuyện đầu tiên của tôi kể từ nhiều tháng nay. Tôi tự hỏi cô bé mấy tuổi rồi.

-Bố cháu làm việc trong một ngân hàng. Mẹ cháu là nhân viên thư viện. Còn cháu đang đi học ở Charmilles. Cháu bảy tuổi. Cô có muốn cháu kể cho cô nghe một câu chuyện không?

Tôi giơ ngón trỏ lên và ngẫm nghĩ. Bảy tuổi. Tất cả tương lai đang ở phía trước con bé. Tôi đã từng bảy tuổi và tự hứa với mình sẽ làm được nhiều chuyện…

-Ngày xửa ngày xưa có một cậu bé tên là Victor, con trai của người bán thuốc lá. Cậu bé rất độc ác. Một ngày kia, người ta thấy cậu bé bị chết trong một khu rừng mà người ta đã cấm mọi người đi vào.

Con bé đang kể chuyện gì vậy?

-Cảnh sát đến nhưng họ chẳng tìm thấy gì cả. Sau Victor, Thần rừng đã bắt Charles-Eric, con trai của bà Bưu điện. Người ta tìm thấy cậu bé trong bụi rậm dọc đường tàu, người cũng dính đầy máu. Cảnh sát đã đến nhưng họ vẫn chẳng tìm thấy gì. Sau đó là Renaud. Và từ hôm qua, Thần rừng đã bắt đi Michaël, ở dọc bờ sông.

Con bé này bị điên thật rồi. Sao nó lại có thể sáng tác ra một câu chuyện như vậy chứ! Cô bé tì vào cánh tay tôi và thầm thì:

-Nhưng cháu biết ai là người đã giết chúng nó.

Sao cơ? Con bé này ở đâu ra? Bố con bé đâu rồi?

-Vì cháu đã nhìn thấy kẻ giết người. Cô vẫn còn nghe cháu đấy chứ?

Tôi giơ ngón trỏ. Nếu đó là sự thật? Không, thật kỳ quặc. Đây hẳn là một con bé xem tivi quá nhiều.

-Và từ đó đến nay, lúc nào cháu cũng thấy sợ. Thế là ở trường cháu học kém đi và mọi người cứ tưởng đó là do Renaud đã bị chết. Renaud là anh trai cháu, cô hiểu chứ?

Tôi giơ ngón trỏ. Cô bé này có một trí tưởng tượng thật bệnh hoạn.

-Cháu nhìn thấy hung thủ khi án mạng xảy đến với Renaud. Trong một căn lều nhỏ cuối vườn. Cô biết không, đó là những căn lều bằng vải có cửa sổ vải màu phía trên dành cho bọn trẻ con, lúc đó Renaud đang ở trong đó và…

-Virginie! (giọng một người đàn ông, trầm và ấm). Bố tìm con đã mười lăm phút rồi đấy. Bố đã bảo con phải đứng gần sạp báo cơ mà. Con bé không làm phiền cô chứ, thưa cô? Ồ, xin lỗi cô!

Mọi người đều xin lỗi tôi khi họ nhận ra tình trạng của tôi.

-Tạm biệt cô đi con, Virginie!

-Tạm biệt cô. Thứ bảy nào bố con cháu cũng đến đây đi chợ.

-Nào Virginie, thôi đủ rồi! Xin lỗi cô!

Một giọng nói còn trẻ, hơi lanh lảnh. Tôi hình dung ra một người đàn ông cao to với tóc ngắn, quần jean và áo polo hiệu Lacoste.

-Có chuyện gì à?

Tiếng của cô Yvette.

-Ồ không, không. Chỉ là Virginie đến nói chuyện với cô đây. Tôi hy vọng là nó không làm phiền cô ấy.

Trong tất cả những thứ làm phiền tôi thì đây chính là thứ phiền tôi nhất. Tiếng thầm thì của cô Yvette. Tôi hình dung ra câu chuyện mà cô có thể kể cho anh ta nghe. “Nào là một tai nạn kinh khủng, vân vân, rồi tàn tật, mù lòa, còn bị câm nữa, vân vân, nào là kinh khủng, nào là còn quá trẻ, chồng chưa cưới đã chết, đáng thường, không còn hy vọng gì, bác sĩ cũng phải bi quan, một cuộc đời thật bất công…”

Virginie thì thầm vào tai tôi:

-Nếu cô còn đến đây vào thứ bảy, cháu sẽ kể phần tiếp theo cho cô.

-Nào chúng ta đi thôi! Tạm biệt bà và cô đi con!

Tôi hình dung ra bố con bé đang kéo tay con bé lôi đi.

Cô Yvette đặt những chiếc túi nilon đựng đầy những vật nhọn lên đùi tôi rồi đẩy xe đưa tôi đi. Trên đường đi, cô nói chuyện với tôi như cô vẫn thường làm vậy mỗi khi cô cho tôi đi dạo. Cô đã có thói quen nói chuyện một mình rồi. Cô nói với ông Raybaud rằng theo ý cô thì tôi hiểu những điều cô nói với tôi. Thì đúng là như vậy. Còn ông Raybaud thì khuyên cô không nên quá ảo tưởng, và sau đó lại đi lướt thuyền buồm.

Trường hợp của tôi không làm ông ta bận tâm lắm. Bệnh quá nặng. Người duy nhất biểu lộ sự hy vọng là bác sĩ tâm lý học thần kinh của bệnh viện, giáo sư Combré. Ông là chuyên gia về phẫu thuật não. Ông sẽ khám lại cho tôi trong ba tháng nữa. Đôi khi tôi hy vọng là ông sẽ quyết định phẫn thuật một lần cuối cho tôi. Nhưng làm thế nào để có thể thuyết phục được ông ấy chứ? Cô Yvette vẫn nói một mình không ngừng.

-Tôi nghĩ rằng họ lại tăng giá của cá bơn lên rồi. Nếu mọi người mà con muốn ăn cá tươi thì chắc tất cả phải là triệu phú mất. Tôi biết là cô không quan tâm, nhưng cũng chẳng sao.

Tôi không hiểu sao cô Yvette gọi tôi là cô như thế. Cô luôn gọi bố mẹ tôi là “ông bà”, còn tôi thì là cô Elise. Nghe hơi kiểu cách một chút. Giờ thì cô đang nói về Virginie:

-Thật đúng là một con bé xinh xắn. Bố nó cũng vậy. Đúng là một anh chàng dễ mến. Những người như thế nhìn cái là biết ngay. Con bé ăn mặc ngay ngắn gọn gàng, sạch sẽ lịch sự. Còn bố nó trông rất thanh lịch, áo polo xanh nhạt, quần jean sạch sẽ, trông rất sành điệu. Cô thấy không? Đáng tiếc là cô chẳng thấy gì. Tôi biết là cô chẳng thấy thích thú gì, nhưng dù sao thì nó vẫn như thế. Ở một mình như vậy… à, có thể nói là bạn bè cô đã bỏ rơi cô. Đấy, cô đã nói với cô rồi đấy, thời nay người ta chỉ yêu quý cô khi cô còn có ích cho họ mà thôi.

Bạn bè của tôi… Tôi chưa bao giờ có nhiều bạn thân cả. Số bạn của tôi có thể đếm bằng đầu ngón tay mà thôi. Các bạn tôi đều không có ở đây: Frank và Julia thì sống ở Paris, Cyrill thì vừa bị chuyển công tác đến gần Grenoble, Isabelle và Luc thì sống ở Nice, gần nhà chú tôi. Từ khi yêu Benoît, hầu như tôi không còn gặp lại bọn họ nữa. Những người bạn của tôi mà phần lớn thời gian chúng tôi đi chơi cùng nhau thì đang ở Paris. Thời gian đầu bạn bè tôi còn gọi điện, nhưng từ khi Benoît chết, còn tôi trở thành tàn phế thì những cú điện thoại cứ xa dần. Tôi hiểu lắm chứ, bạn bè tôi cảm thấy phiền và họ muốn quên tôi đi.

-Có phải tôi đang nói đến Ajax Vitres không nhỉ? – đột nhiên cô Yvette tự hỏi.

Cô đang tính toán lại buổi đi chợ của mình. Tôi không nghe cô nữa. Tôi đang nghĩ đến câu chuyện mà con bé Virginie đã kể cho tôi nghe. Cứ nghĩ đến câu chuyện đó là tôi lại nhớ rất rõ về cậu bé Victor, con trai ông chủ buôn thuốc lá. Tất cả mọi người đều bàn tán về vụ án đó. Thằng bé bị bóp cổ gần một con kênh. Vụ đó xảy ra cách đây ít ra cũng được năm năm rồi. Còn vụ kia, vụ thằng bé có cái tên ghép, tôi nhớ rất rõ là tôi đã nói chuyện với Benoît về nó. Tôi nhớ là trường hợp này cũng bị bóp cổ. Cảnh sát đã nghi ngờ ông chú nhưng không có kết quả. Nhưng những câu chuyện kiểu này xảy ra quá thường xuyên đến nỗi rộ lên một thời gian người ta bàn tán về nó, rồi thời gian trôi đi và người ta cũng quên luôn. Thế còn cậu bé Michaël? Như thế thì chắc là một trường hợp mới xảy ra? Chẳng phải tôi đã nghe nhắc đến cái tê này tối qua ở bản tin trên tivi hay sao? Tôi cần phải nghe bản tin trên tivi tối nay mới được. Với điều kiên là cô Yvette để tôi lại trong phòng khách. Thỉnh thoảng, cô ấy cứ đưa tôi về phòng rồi để tôi lại đó như là để một đống đồ bẩn cần giặt cho đến tận bữa tối. Tôi coi như mình đang nghỉ ngơi vậy. Tôi còn đòi hỏi gì nữa. Cô bật radio hoặc bật nhạc cho tôi nghe. Cô cặm cụi lục lọi trong đống đĩa CD của tôi, vứt bỏ những dĩa nhạc mà theo cô là không hợp và nhồi nhét vào đầu tôi nhạc cổ điển hoặc nhạc valse chơi bằng kèn bễ. Tôi đã phải nghe đến hai trăm lần bản Riquita, bông hoa đẹp đảo Java và tôi thường mơ được bóp cổ Riquita và đun sôi nó lên.

Cô Yvette đã sắp xếp lại những thứ mua ở siêu thị. Cô để tôi ngồi trên ghế salon dưới ánh nắng. Trời bắt đầu nóng dần, cô Yvette mở toang cửa sổ. Tôi cảm thấy gió lướt trên trán mình và mùi hoa ở ngoài trời bay vào trong phòng. Tôi không thể phân biệt được mùi hương của chúng, nhưng tôi cảm nhận được, tôi hít thở hương mùa xuân qua mùi của các loài hoa, tôi đang ngấu nghiến cảm nhận ánh mặt trời.

Chuông cửa reo. Cô nhân viên mát xa tới. Lại một màn tra tấn nữa.

Vận may mỉm cười với tôi. Khi đang xoa bóp những bắp cơ căng cứng của tôi thì Catherine, cô nhân viên mát xa bỗng kêu lên với cô Yvette đang ở trong bếp:

-Bà nghe thấy không? Người ta đã tìm thấy thằng bé bị bóp cổ.

-Gì cơ? – cô Yvette vừa khóa vòi nước vừa trả lời.

-Thằng cu Michaël Massenet, ở La Verrière. Mẹ nó đã đến nhà tôi vì bị đau cổ. Bà ta bị một cú đập ở gáy năm ngoái. Họ vừa tìm thấy nó ở trong rừng. Bị bóp cổ.

Giọng của cô Yvette càng gần hơn. Tôi hình dung ra cô đang lau tay vào tạp dề bằng vải cotton ainhoa. Cô nói giọng đầy phẫn nộ:

-Thời buổi gì vậy! Nó bao nhiêu tuổi rồi?

-Nó mới tám tuổi. Một thằng bé xinh đẹp tóc xoăn. Tôi vừa mới nghe vụ đó ở bản tin lúc ba giờ. Xác của nó được một ông đánh cá tìm thấy gần bờ sông. Ông này đang quay trở lại xe của mình vào giữa trưa thì phát hiện ra nó. Nó bị chết ít ra cách đây hai mươi bốn giờ rồi. Bà có tưởng tượng được cú sốc mà nó phải chịu đựng không? Tôi mà có con nhỏ thì không bao giờ tôi để chúng ra đường vào lúc này đâu. Bà có để ý thấy đây là vụ thứ tư trong vòng năm năm không?

-Vụ thứ tư rồi cơ à?

-Đúng thế đấy! Hồi đầu cảnh sát không tìm hiểu cặn kẽ, nhưng mà bây giờ thì...

-Họ đã có manh mối hay dấu vết gì đó chưa? – cô Yvette cắt ngang. Cô rất thích đọc truyện trinh thám.

Cô Catherine cao to hẳn là đang bĩu môi:

-Bà nghĩ thế à? Họ vẫn đang chật vật lắm, như cô ấy đây này. – Cô ta nói thêm và véo vào bắp chân tôi.

Cô Yvette hẳn là phải có thái độ chê bai vì cô Catherine vội nói lại ngay:

-Dù sao đi chăng nữa thì cô ấy cũng rất tiến bộ đây này. Thật tuyệt vời.

Cô Yvette không để cho Catherine nghỉ tay:

-Nhưng mà này, có phải Michaël Massenet là thằng cu chơi đàn piano ở trung tâm văn hóa không?

-Đúng là nó. Rất lễ độ, chừng ấy tuổi mà sớm có tài năng đấy.

Hai người đàn bà tiếp tục tán một lúc nữa về cậu bé đó và tôi không bỏ sót một chi tiết nào. Michaël Massenet, tám tuổi, học sinh lớp Ba ở trường Charmilles, một ngôi trường mới ở Khu đô thị mới. Bố cậu bé là giáo viên trường đào tạo lái xe, còn mẹ là thư ký. Một học sinh ngoan, gia đình hòa thuận êm ấm. “Đây đúng là một tội ác tàn bạo” – cô Yvette kết luận.

Giờ thì tôi đang nằm trên giường. Cô Yvette đã tắt tivi. Có lẽ đã mười một giờ. Cô sẽ đến giường tôi lúc ba giờ để xem tôi có cần gì không, xem tôi có bị khát, muốn đi vệ sinh hay có bị nóng không.

Cô Yvette thật như một vị thánh. Thánh Yvette. Tôi hy vọng người bảo trợ của tôi trả lương xứng đáng cho cô. Chú tôi chính là người bảo trợ của tôi. Chú tên là Fernand, em trai của người cha quá cố của tôi. Chú tôi điều hành một công ty xây dựng ở gần Nice, và là một người trung thực.

Nhưng đó không phải là câu chuyện tối nay. Chủ đề ngày hôm nay, chính là những vụ giết người. Chúng tôi đã nghe bản tin lúc hai mươi giờ. Thật may mắn là khi có một chuyện gì đó làm cô Yvette quan tâm là y như rằng cô để tôi ngồi gần cô để cô có thể bình luận với ai đó. Đương nhiên là người ta lại nói về cậu bé Massenet. Cậu bé bị bóp cổ. Người ta cũng liên hệ án mạng này với những vụ án trước đây xảy ra trong vòng năm mươi không muốn: Victor Legendre, bị bóp cổ tại Valençay năm 1991; Charles-Eric Galliano, bị bóp cổ gần Noisy năm 1992; Renaud Fansten bị bóp cổ trong khu vườn của cha mẹ mình tại Saint-Quentin năm 1993. Không một vụ nào được làm sáng tỏ. Thêm vào đó, như phát thanh viên đã nói, có nhiều đội điều tra làm việc với từng vụ: cảnh sát tham gia hai vụ đầu tiên trong khi đội điều tra hình sự lại điều tra vụ thứ ba. Tóm lại, vụ án Michaël Massenet lại cũng chỉ có những cuộc tìm kiếm mà thôi. Cô Yvette không ngừng thốt ra những lời than vãn và thóa mạ cảnh sát và những kẻ bị ám ảnh tình dục, rằng phải phẫu thuật cắt bỏ thùy vỏ não của bọn chúng.

Có tiếng chim cú kêu ở đằng xa. Tôi muốn nằm nghiên người vì tôi chán phải nằm ngửa mãi rồi. Cứ một đêm nằm ngửa lại một đêm nằm nghiêng. Lần nào cũng thế, cô Yvette kê cho tôi những chiếc gối giữa đầu gối và bàn chân theo lời khuyên của ông Raybaud để tránh tì vào những huyệt gây ra những mảng hoại tử. Thật là chán khi đêm nào cũng phải nằm như thế này. Stop, không than thân trách phận nữa. Dù sao thì con bé Virginie cũng nói thật. Có nhiều đứa bé đã bị ám sát, trong đó có anh trai của nó. Thật kinh khủng. Tôi hiểu vì sao con bé muốn nói đến chuyện đó. Tôi thấy rõ giọng nói đứt quãng đầy lo âu của con bé khi kể về những vụ án mạng. Hẳn là nó phải lo lắng lắm… Tôi rất muốn gặp lại con bé, à không, ý tôi muốn nói là tôi muốn lại được nghe nó nói chuyện. Charmilles? Chẳng phải đấy là tên ngôi trường mà con bé kể với tôi là nó đang học, một ngôi trường to bằng kính với những cái cây trong một ngày nào đó sẽ mọc lên hay sao?

Tôi đang thiu thiu ngủ bỗng giật mình tỉnh dậy. Làm sao mà con bé lại biết Michaël Massenet? Con bé đã nói rất rõ ràng với tôi: “Và từ hôm qua thì đến lượt Michaël, bạn ấy ở gần con sống”. Ấy thế mà cô Catherine đã nói rõ là xác cậu bé chỉ được ra vào trưa ngày hôm nay. Vậy thì làm sao mà con bé Virginie có thể biết được chuyện đó vào lúc 10 giờ sáng chứ?

Vì con bé đã nhìn thấy nó. Con bé đã trông thấy cái xác.

Hoặc là nó đã trông thấy án mạng.

Chính vì vậy mà con bé biết rõ mọi chuyện. Có thể là con bé đang đi dạo chơi ở gần đó và đã nhìn thấy tất cả. Con bé đã không nói dối khi nói rằng nó biết kẻ giết người. Nhưng cũng phải nói rằng tôi không biết con bé là ai cả. Virginie. Tôi lục lọi trong trí nhớ. Tôi đã nhìn thấy rất nhiều đứa trẻ, ở rạp chiếu phim hàng ngày. Cái tên Virginie duy nhất mà tôi còn nhớ là con bé Virginie to lớn khoảng 10 tuổi rất hay ăn kẹo. Còn Virginie này mới chỉ 7 tuổi, do đó không thể là Virginie kia được. Thêm nữa, Virginie kia có cái giọng nghe chói tai, trong khi Virginie này lại có giọng nói dịu dàng, bình tĩnh. Và lạnh.

Nếu con bé này đã nhìn thấy kẻ giết người thì cần phải làm một điều gì đó. Nhưng việc gì chứ? Tôi thì không thể báo cho cảnh sát biết được. Thậm chí nếu có một phép màu nào đó mà tôi có thể đến chỗ cảnh sát thì tôi sẽ nói gì với họ đây? Chẳng nhẽ tôi sẽ bảo họ phải đi tìm một con bé bảy tuổi tên là Virginie mà ngay cả tôi cũng không biết nó sống ở đây hay ở một trong những “khu chung cư nào đó” quanh khu rừng?

Tôi chỉ làm được mỗi một việc, đó là chờ đến thứ bảy.