- Thạch Kinh Tử bị bắt! Thạch Kinh Tử bị bắt!
Một đồn mười, mười đồn trăm, câu Thạch Kinh Tử bị bắt truyền từ miệng người này đến miệng người khác nhanh như mồi lửa cháy.
- Ai bắt Thạch Kinh Tử?
- Thầy Đại Quán.
- Thật hả? Thầy Đại Quán giỏi quá, chắc có võ!
Rồi họ sầm sập chạy lên chùa. Đã thấy phạm nhân bị trói chặt vào lan can trước tiền đình đại sảnh, xung quanh người bu đông nghịt, ồn ào bàn tán. Có người miệng há hốc, mắt tròn xoe, đứng trân trân nhìn Thạch Kinh Tử như nhìn ma quỷ hiện hình. Có người nuốt nước bọt.
Đại Quán ngồi trên thềm đá cao, chống khuỷu tay ra sau lưng, trầm ngâm không nói một lời. Lát sau, khi dân làng đến đông, ông mới khoan thai đứng dậy, giọng sang sảng:
- Xin yên lặng! Kể từ nay, thế là chúng ta có thể yên tâm lo việc đồng áng. Binh gia sẽ không còn đóng ở làng này nữa!
Tiếng hoan hô vang dậy không ngớt. Đối với dân quê chất phác, Đại Quán giờ đây là một anh hùng, một hiệp sĩ đã cứu vớt và che chở họ. Nhiều người đến trước mặt ô ng cúi đầu tỏ vẻ biết ơn. Có người sụp lạy hoặc tranh nhau đến gần sờ tay, sờ gấu áo.
Đại Quán bối rối, ông không quen với sự sùng kính cá nhân thái quá như vậy nên ngượng nghịu thấy rõ. Rẽ đám đông, ông chắp tay trước ngực, ấp úng:
- Mô Phật! Xin quý thí chủ giữ trật tự, bần tăng có điều quan trọng muốn nói.
Mọi người đứng giãn ra xung quanh, yên lặng.
Thạch Kinh Tử trở về là do thiên định, bần tăng thật chẳng dám nhận công lao.
Luật trời như vậy, mọi người chúng ta ai cũng phải theo, ai trái tất sẽ bị trừng phạt!
- Không, không phải! Thầy quá khiêm! Chính thầy bắt được nó mà, đâu phải luật trời gì!
- Chúng tôi biết công thầy!
- Chúng tôi cảm ơn thầy đã bắt nó!
Đại Quán đỏ mặt:
- Thôi cũng được. Nếu quý thí chủ muốn cám ơn, bần tăng xin nhận, nhưng luật pháp thì phải theo. Bây giờ việc đã xong, xin quí thí chủ giúp cho một tay.
Đám đông hơi ngạc nhiên, tò mò hỏi:
- Giúp gì vậy?
- Giúp việc này:
Thạch Kinh Tử đã bị bắt, giờ phải làm gì? Bà con chắc rõ nếu không bắt được hắn, bần tăng sẽ phải treo cổ trên cây đại bách, ngược lại nếu bắt được hắn, bần tăng có quyền làm gì hắn thì làm...
- Có, chúng tôi có biết chuyện đó!
- Vậy bây giờ phải làm gì? Thạch Kinh Tử kia kìa, hắn bị trói chặt rồi, bằng xương thịt hẳn hoi chứ không phải hồn ma của hắn đâu! Cũng chẳng có gì ghê gớm lắm! Nói cho đúng ra, hắn đã tự đến nộp mình, không kháng cự. Giờ ta tha hay giết?
Tiếng bàn tán xầm xì. Đa số phản đối ý kiến tha Thạch Kinh Tử. Một người mạnh miệng:
- Phải giết! Đồ vô tích sự! Tội nó nặng lắm! Thả ra, dân làng sẽ khốn khổ với nó!
Đại Quán im lặng, đảo mắt nhìn quanh. Tiếng ồn ào nổi lên, rồi những người đứng phía sau la lớn:
- Giết! Giết!
Bỗng một bà già ở đâu hớt hải chạy lại, rẽ đám đông, hích bên nọ, gạt bên kia, chen lấn lên trước. Khi tới được hàng đầu, Hồ Điểu Anh, vì bà ta chính là Hồ Điểu Anh, vừa thở hổn hển vừa trừng trừng nhìn vào mặt Thạch Kinh Tử. Bà cầm cây gậy dâu, quay lại nhìn dân làng, mặt đằng đằng nộ khí:
- Không được! Không giết ngay được! Phải cho nó đau đớn ê chề rồi hãy giết!
Coi kìa! Trông bộ mặt nó, thật gớm ghiếc!
- Bà đến gần Thạch Kinh Tử giơ cao cây gậy vụt lấy vụt để xuống thân hình tiều tụy của hắn.
- Đồ khốn kiếp! Đồ đốn mạt! Này...này...
Những ngọn roi liên tiếp giáng xuống đầu, xuống mình Thạch Kinh Tử như mưa bấc làm hắn đau đớn, dẫy dụa. Hắn không kêu la, còn bà Hồ Điểu thì mệt nhoài, thở hổn hển. Đánh chán tay, bà quay sang nhìn Đại Quán:
- Thằng này làm con lão hư hỏng!
Rồi giọng run lẩy bẩy, đứt quãng, bà tiếp:
- Mãn Hà Chí bỏ đi, lấy ai nối dõi tông đường cho lão?
- Mô Phật! Mãn Hà Chí đâu phải là đứa tốt lành gì, sao bà không để cho rể kế tự?
Bà ngó Đại Quán trân trân:
- Sao nhà thầy lại nghĩ về con lão như thế?
Tủi thân, bà khóc:
- Ai nghĩ sao, mặc! Con ta... nó chẳng phải là đứa xấu!
Nhưng cơn giận kéo đến lại làm cho bà đột nhiên khác hẳn, liều lĩnh và ương ngạnh. Bà trỏ Thạch Kinh Tử:
- Mày làm hư nó! Nó trở nên vô lại cũng vì mày. Tao có quyền băm vằm mày rạ..
Rồi quay lại đám đông, bà năn nỉ:
- Bà con cô bác để cho lão quyết định. Lão xin xử nó xứng đáng...
Một tiếng thét giận dữ cắt ngang lời Hồ Điểu. Đám đông quay lại nhìn về phía sau, rồi không ai bảo ai, đứng giạt sang hai bên, nhường chỗ cho một người ăn mặc theo lối binh gia, hùng hổ tiến vào. Đội trưởng “râu bàn chải” nghênh ngang trước mặt Đại Quán, quay một vòng nhìn đám đông và lên giọng hách dịch:
- Có chuyện gì vậy? Đây không phải là trò chơi! Mọi người hãy giải tán, ai về nhà nấy lập tức.
Đám đông yên lặng, ngần ngừ nhưng không ai chịu bỏ đi.
- Các ngươi nghe ta nói không? Giải tán ngay, không được tụ họp nữa!
“Râu bàn chải” tay nắm đốc kiếm, nét mặt gườm gườm, dọa nạt, nhìn những người đứng ở hàng đầu làm cho họ sợ hãi, mắt mở lớn, lùi xa thêm vài bước.
- Không! Đại Quán lên tiếng. Họ không có lý do gì phải dời khỏi nơi đây. Chính bần tăng đã mời họ đến để định đoạt số phận Thạch Kinh Tử!
- A! Thầy mời họ lại? Nhưng thầy lấy quyền gì can thiệp vào chuyện này?
Rồi tay nắm đốc kiếm, ưỡn ngực, viên đội nhìn Đại Quán, lão bà Hồ Điểu Anh và đám đông bằng đôi mắt hống hách. Hắn cao giọng:
- Tên Yết Mân Thạch Kinh Tử này không những đã phạm trọng tội đối với luật pháp hàng tỉnh, hắn lại còn là đào binh trong trận Sekigahara nữa. Dân chúng không được làm tội hắn mà phải để nhà cầm quyền xét xử!
Đại Quán lắc đầu:
- Nhảm! Vọng ngôn!
Thấy viên đội trưởng định nói thêm, nhà sư giơ tay chận lại:
- Đấy không phải là những điều đội trưởng đã hứa với ta!
Thấy tình hình nghiêm trọng có thể làm hại đến uy tín của mình, “Râu bàn chải” bèn dịu giọng:
- Chắc chắn thầy Đại Quán sẽ được trọng thưởng. Nhưng ở đây, ta là đại diện chính thức của Tôn gia, ta có bổn phận phải giữ phạm nhân lại. Bà con không cần phải lo lắng!
Đại Quán không trả lời, bật lên cười ha hả. “Râu bàn chải” quay lại, nghiêm trọng:
- Thầy hãy giữ thái độ đứng đắn. Ta không đùa và chẳng có chuyện gì đáng cười!
- Thái độ đứng đắn? Đại Quán vẫn không thể nén cười. Thế nào là thái độ đứng đắn? Này “Râu bàn chải”, nhà ngươi quên lời hứa với ta rồi chăng? Nếu thật vậy thì cứ nói, ta sẵn lòng và lập tức thả ngay Thạch Kinh Tử!
Mọi người giật mình lùi ra xa, lấm lét nhìn Đại Quán và viên đội trưởng?
- Sẵn sàng chưa?
Đại Quán vừa hỏi vừa kề dao gần dây trói.
“Râu bàn chải” ngẩn người, luống cuống. Đại Quán trỏ viên đội trưởng:
- Ta sẽ cho hắn xông đến ngươi trước để hắn tự xử. Ta không trách nhiệm. Để xem ngươi có khả năng đối phó với hắn không!
- Khoan!... Khoan!... “Râu bàn chải” hối hả xua tay.
- Ta đã giữ lời hứa! Bây giờ... tùy ngươi.
Mồ hôi đổ lấm tấm trên trán, “Râu bàn chải” vội nói:
- Khoan...khoan... Đừng cắt!
- Vì sao?
Hắn lắp bắp:
- Bắt... bắt... bắt được nó rồi thì đừng thả. Nguy hiểm lắm. Bây giờ thế này:
Thầy giết nó đi. Đây gươm đây, nhưng để ta mang đầu về. Thế là công bằng. Thầy nghĩ sao?
- Hà...hà...Để ngươi lấy đầu nó hả? Không đời nào! Chùa chỉ nhận làm tang lễ, đâu có bao giờ giết người, giao xác hay giao một phần nhục thể cho người khác! Vậy còn ra thể thống gì nữa? Hà... hà... ngươi nghĩ xem, làm thế còn ai dám lên chùa tụng niệm mà chư tăng còn ai được đồng xu nào nữa?
Ngay cả trong tình trạng như vậy mà Đại Quán vẫn không ngớt trêu trọc “Râu bàn chải”. Nhưng nói xong, ông vội vã quay lại trước mặt dân làng và nghiêm giong:
- Xin quý thí chủ xét cho kỹ, bây giờ ta phải làm gì? Hay ta treo nó trên cây đại bách vài ngày, mặc cho gió mưa vùi dập, quạ sẽ đến mổ mắt nó. Qúy thí chủ nghĩ sao?
Trước ý kiến quá tàn bạo, ai cũng rùng mình, nhưng chẳng ai dám phản đối. Chỉ có Hồ Điểu Anh lên tiếng:
- Ý thầy Đại Quán rất hay, nhưng lão cho vài ngày chưa đủ. Phải lâu hơn thế nữa.
Treo nó chừng nửa tháng cho nó thật đói khát để rồi chính tay lão đưa nó về âm phủ!
Đại Quán gật đầu:
- Cũng được! Vậy cứ y thế mà làm!
Rồi Đại Quán cởi dây buộc Thạch Kinh Tử khỏi lan can, lôi hắn đi như lôi một con vật ra sau chùa, đến bên cây đại bách. Tội nhân đầu cúi gầm, lầm lũi đi không nói, những vết roi hằn trên da thịt còn rướm máu làm mọi người động lòng thương hại. Tuy nhiên, trong lúc say sưa vừa mới bắt được tên tội nhân nguy hiểm, họ vẫn tiếp tay nối thêm dây và hè nhau kéo hắn lên cao buộc vào cành đại bách lớn nhất.
Bị trói chặt chân tay, treo lủng lẳng trên cây, Thạch Kinh Tử trông chẳng khác gì một hình nhân bằng dạ ướt.
Từ trên núi về chùa, một mình trong gian phòng lạnh lẽo, Oa Tử cảm thấy mỏi mệt và buồn vô hạn. Niềm trống trải đối với Oa Tử không phải là một điều mới lạ, nhưng sao bữa nay nàng thấy cô đơn hết sức. Chùa đông gia nhân, tương đối đủ tiện nghi, Oa Tử vẫn không cảm thấy bình yên như khi chỉ có nàng và Đại Quán ở trên núi. Ngồi một mình bên chiếc bàn thấp, ngó mông lung ra cửa sổ, nàng suy nghĩ về những tình cảm phức tạp của lòng mình mà vẫn không sao tìm được một kết luận thích đáng. Nhưng biến cố vừa qua đã mở mắt cho nàng thấy rõ lòng mình hơn. Nàng cho rằng nỗi cô đơn giống như cơn đói, không phải ở ngoài vào mà chính ở trong lòng mình. Cảm thấy cô đơn không khác gì cảm thấy thiếu một cái gì hết sức cần thiết, tối quan hệ cho cuộc sống, một cái gì không có không được. Nhưng cái gì? Nàng không biết... Chẳng phải người chung quanh, cũng chẳng phải những tiện nghi của đời sống yên ổn trong chùa.
Những thứ đó không làm giảm bớt được cảm giác đơn độc đang đè nặng lên tâm hồn nàng bữa nay. Ở trên núi chỉ có cây rừng tịch mịch, sương mù âm u, nhưng có Đại Quán. Đột nhiên nàng chợt hiểu và bừng tỉnh. Phải rồi! Sự thông cảm! Những lời an ủi, khích lệ của nhà sư bàng bạc một niềm cảm thông đi thẳng vào tâm hồn nàng làm cho Oa Tử thấy ấm áp dễ chịu như chưa một ngọn lửa nào sưởi ấm được như thế! Và tự nhiên, nàng cảm thấy sự thiếu vắng nhà sư đã làm tăng thêm nỗi cô đơn ấy.
Oa Tử đứng dậy, óc suy nghĩ vẩn vơ về những ý tưởng vừa qua. Sau khi quyết định treo Thạch Kinh Tử lên cây, Đại Quán gần như bận rộn suốt ngày trong nhà khách với các kiếm sĩ từ Himeji đến. Ông không có lúc nào rảnh rỗi ngồi nói chuyện với nàng như những ngày ở trên núi. Oa Tử thở dài, lại ngồi xuống.
Giá nàng có một người bạn. Không cần nhiều, chỉ một người bạn thôi, một người hiểu nàng, để cho nàng dựa dẫm, một người bạn trung thành, có khí phách và đáng cho nàng tin cậy. Nhưng biết ai bây giờ?
Dĩ nhiên nàng còn cây sáo trúc, nhưng một thiếu nữ mười sáu tuổi có những cảm nghĩ, những băn khoăn, vật vô tri như cây sáo làm sao giải đáp? Nàng trông cậy một tâm hồn biết thông cảm, tham dự hẳn vào cuộc sống của nàng chứ không phải chỉ làm khách bàng quang.
Những giọt nước mắt chua cay chảy trên má, nàng thấy người nóng hừng hực, máu dồn lên thái dương khiến nàng khó chịu, muốn hét to lên cho hả cơn bi phẫn.
Cánh cửa khép hờ phía sau nhẹ nhàng mở. Trong bếp, lửa cơm chiều đã bắt đầu nhóm và tiếng động nồi niêu theo cửa mở tràn vào. Oa Tử quay lại, bóng Hồ Điểu đã in đậm trên nền khung cửa sáng.
- Á à, cô này trốn ở đây hả? Chiều rồi, cả ngày không làm việc gì sao?
Nàng hơi ngạc nhiên, chưa kịp phản ứng. Quên cả chào hỏi, nàng luống cuống xếp gối ngay ngắn và mời bà lão ngồi. Hồ Điểu Anh không làm khách, thản nhiên ngồi xuống vào đề ngay, giọng trịnh trọng:
- Này con dâu ta...
Trước dáng điệu đầy tự tin và kẻ cả ấy, Oa Tử khẽ dạ, cúi rạp đầu xuống chiếu.
- Ừ! Bây giờ con đã nhận làm dâu ta, ta có điều muốn nói. Nhưng hãy mang trà lại đã. Ta vừa nói chuyện với thầy Đại Quán và các kiếm sĩ từ Himeji tới, khát khô cả cổ mà chẳng được hớp nước.
Oa Tử lật đật đi pha trà mang lại.
- Ta muốn nói chuyện với con về thằng Mãn Hà Chí. Ta không tin thằng Thạch Kinh Tử, nhưng hình như Mãn Hà Chí vẫn còn sống và hiện nay đang ở tỉnh khác, phải không con?
Oa Tử đáp, lạnh nhạt:
- Thế ạ?
- Ta không chắc, nhưng có điều là sư cụ đã đồng ý cho con kết hôn với nó mà gia đình Hồ Điểu ta cũng đã coi con như vị hôn thê của nó rồi. Dù sao đi nữa, mong con chớ từ...
- Mô Phật!
- Con vẫn giữ lời hứa chứ, Oa Tử?
Oa Tử khẽ thở dài.
- Vậy được! Ta bằng lòng lắm.
-...
- Con biết đấy, miệng lưỡi thế gian, làm sao mà bịt được? Ta không biết bao giờ thì Mãn Hà Chí trở về nên ta muốn con đến ở với gia đình ta, giúp ta một tay. Công việc bề bộn quá, rể và gái ta làm chẳng xuể...
- Thưa bà...
- Ngoài con là dâu ra, còn ai đến ở với ta được?
- Thưa bà, con không biết, nhưng...
- Con không muốn đến hả? Con không thích hay sao? Nhiều người khác chắc không ngần ngại gì mà không nhảy vào ngay đấy!
- Không phải thế... nhưng chỉ vì...
- Không nhưng gì hết. Cô đi sắp xếp quần áo ngay đi!
- Ồ, đi ngay à? Con nghĩ nên đợi ít lâu thì hơn.
- Đợi gì?
- Đợi Mãn Hà Chí về.
- Không được! Nhất định không được!
Giọng bà đanh lại, không cho cãi.
- Để cô một mình, cô nghĩ đến những đứa khác hả? Bổn phận tôi phải trông nom cô. Tôi sẽ dạy cô chăn tằm, làm công việc đồng áng, may vá thêu thùa và giữ phong cách con nhà chứ!
Oa Tử phân vân không biết phản đối ra sao. Hai bên thái dương nàng nóng rần rật.
Chuyện Mãn Hà Chí làm lòng nàng đau thắt. Nàng sợ. Nàng sợ bất cứ lời nói gì cũng sẽ tăng thêm nỗi đau đớn ấy và làm nàng bật khóc.
Không để ý gì đến nỗi phiền muộn của Oa Tử, bà Hồ Điểu tiếp theo, ngạo mạn:
- Còn chuyện nữa, ta vẫn không rõ rồi sư bác sẽ xử thằng Thạch Kinh Tử ra sao, nên muốn con để mắt canh chừng nó cho đến khi nó chết hẳn. Cả ngày lẫn đêm. Nhất là về đêm vì ta nghi chúng nó đồng lõa với nhau quá!
- Vậy bà vẫn để con lưu lại đây chứ?
- Ừ, tạm thời thôi. Không lẽ bắt cô phân thân ra được à! Khi thấy nó chết hẳn rồi, cô mang quần áo lại ngay nhà ta, nghe chưa?
- Dạ.
- Nhớ kỹ đấy!
Đoạn bà hối hả bước ra khỏi phòng.
Ngay lúc đó có bóng người thấp thoáng bên song cửa. Rồi một giọng đàn ông gọi khẽ:
- Oa Tử!
Tưởng Đại Quán, nàng chạy vội ra, nhưng vừa đến bên cửa thì dừng ngay lại.
Người đứng ngoài là “Râu bàn chải”. Hắn thò tay qua cửa sổ nắm chặt lấy tay nàng.
- Oa Tử, nàng đối với ta rất tốt, nhưng đáng tiếc, ta phải đi Himeji ngay bây giờ!
Oa Tử không trả lời, cố rút tay ra, nhưng viên đội trưởng càng giữ chặt.
- Nghe đâu Himeji đang phái người đến điều tra chuyện Thạch Kinh Tử. Ta hận không lấy được đầu nó. Giá ta giết được Thạch Kinh Tử thì cũng gọi là làm tròn trách nhiệm, nhưng thằng trọc cản không cho ta làm theo ý định. Ta biết nàng có cảm tình với ta nên đến đây đưa thư này, lúc nào rỗi thì đọc, đừng cho ai biết. Ta đi đây!
Nói xong, hối hả dúi phong thư vào tay Oa Tử và đi vội, tiếng chân bước trên những bậc thang gỗ cọt kẹt nghe đến tận cửa ngoài.
Cuốn giấy không phải chỉ có bức thư mà còn một đồng tiền vàng nữa. Ý tứ thật rõ ràng:
“Râu bàn chải” yêu cầu Oa Tử chặt đầu tội nhân mang đến Himeji, hắn sẽ kết hôn với nàng, Oa Tử sẽ là vợ hắn, suốt đời giàu sang, phú quý. Cuối thư, hắn ký tên Hoa Kính Áo Đại Môn và xác nhận hắn là một trong những hiệp sĩ thuộc dòng dõi thế phiệt nhất trong vùng.
Oa Tử phẫn nộ nhưng chỉ mỉm cười thương hại. Vừa lúc đó, Đại Quán đến.
- Oa Tử, chưa ăn cơm chiều à?
- Chưa! Con không đói mà nhức đầu quá!
- Ngươi cầm vật gì vậy?
- À, bức thư.
- Lại thư!
- Vâng.
- Của ai vậy?
- Thật là... Thầy thóc mách quá!
- Không, tò mò tìm hiểu thôi, đâu có thóc mách!
- Thầy muốn xem không?
- Nếu ngươi không thấy gì phiền...
- Để thầy đọc chơi lúc rảnh thôi nhé!
- Thì cớ nào cũng là cớ, có gì quan trọng!
- Đây, thầy cứ đọc, chẳng sao.
Oa Tử chìa lá thư ra. Đại Quán đọc xong cười ha hả. Oa Tử cũng không nhịn được, nhìn nhà sư hỏi ý.
- Tội nghiệp! Hắn thất vọng quá đấy mà! Phải dùng cả tình lẫn tiền để dụ ngươi.
Bức thư này thật khôi hài, may mà xã hội ta lại có những hiệp sĩ kiêu hùng như hắn, dám yêu cầu một thiếu nữ cắt đầu giặc thay mình và lại còn viết thư nữa mới đáng phục chứ!
- Con chẳng lưu tâm đến thư, nhưng tiền thì phải làm gì hả thầy?
Oa Tử đưa đồng tiền vàng cho Đại Quán xem. Ông nhấc thử trong lòng bàn tay:
- Khá nặng đấy! Có giá lắm!
- Thế mới phiền.
- Việc gì mà phiền! Ta biết cách dùng, đừng lo.
Đại Quán đến bên thùng phước sương kê sát vách, định bỏ vào, nhưng nghĩ sao lại đổi ý. Ông đến trước bàn thờ Phật, thắp hương và cúi đầu làm lễ. Một lúc sau, đứng dậy, ông nói:
- Con giữ lấy. Sau này sẽ có dịp dùng đến.
- Con chẳng giữ làm gì, chỉ gây thêm oan nghiệt. Lỡ có người hỏi đến thì biết nói sao. Con tưởng cứ coi như không có là hơn.
- Vàng này không còn là của Áo Đại Môn nữa, ta đã đem cúng đường tam bảo và đức Phật cho lại con đấy. Con cứ giữ lấy.
Oa Tử ngần ngại, nhưng cũng nghe lời Đại Quán, giắt đồng tiền vào thắt lưng, đoạn nghiêng đầu nhìn trời qua khe cửa, lẩm bẩm:
- Trời nổi gió. Chắc đêm nay mưa mất. Đã lâu lắm không thấy mưa.
- Đầu tháng ba rồi còn gì! Đêm nay hẳn mưa to. Càng tốt, mưa lớn làm rụng bớt hoa úa và làm lòng người thêm mát mẻ.
- Bạch thầy, nếu mưa to thì Thạch Kinh Tử ra sao?
- Hừ...Thạch Kinh Tử...
Đại Quán nhìn ra phía cây đại bách, không nói.
Ngoài kia, đột nhiên có tiếng tội nhân gọi vọng vào:
- Đại Quán! Đại Quán!
- Á à! Thạch Kinh Tử còn sống hả?
Tiếng Thạch Kinh Tử gay gắt, tục tằn:
- Thằng trọc chó lợn kia! Đồ sư hổ mang! Đến đây ta nói câu chuyện!
Gió thổi qua cành cây rào rào, tiếng hắn chửi rủa nghe khi được khi mất. Những lá úa bắt đầu rụng tơi tả, quay cuồng quanh gốc cây rồi tản mát trên những ngọn cỏ đã chớm vàng vì thiếu nước.
Nhà sư bật cười, bước ra sân, nhìn lên tàng cây cao:
- Khá lắm! Ngươi còn khỏe lắm! Hy vọng sinh lực ấy không phải như ngọn đèn dầu phựt sáng trước khi sắp tắt.
- Câm mồm! Nếu sợ chết, ta đâu có để cho nhà ngươi trói dễ như vậy!
- Ngươi bị trói vì ta khỏe, ngươi yếu!
- Láo! Nói láo! Ngươi phải biết là ngươi đang nói láo!
- Vậy ta nói khác đi:
Ta khôn, ngươi dại. Dại hết sức!
- Ừ, dại thật! Tự nhiên chui vào bẫy! Thật là dại!
- Đừng dãy dụa như vậy, mất sức vô ích!
- Ở trên núi, nếu ta muốn thoát thân thì dễ quá. Ta có thể giết ngươi dễ dàng như dẫm chết con giun vậy!
Đại Quán cười khà khà:
- Sự so sánh làm ta chẳng hài lòng chút nào. Nhưng việc đã rồi, có hối cũng không kịp nữa. Bây giờ phân bua làm gì!
- Đồ khẩu Phật tâm xà! Tại ta nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của ngươi nên tin tưởng, giờ bị lừa. Ta tưởng ngươi là một thầy tu khác với những người khác chứ!
- Thôi đừng khùng nữa, muốn gì nói đi!
- Tại sao ngươi đối với ta tàn nhẫn vậy? Sao không giết ngay đi? Ngươi muốn giết thì cứ giết, sao để chúng hành hạ ta thế này? Ngươi là người tu hành, tất biết thế nào là hiệp sĩ đạo...
- Dĩ nhiên biết chứ, biết hơn ngươi chứ!
- Giá ta để cho dân làng bắt lại hơn! Họ còn ít ác độc hơn ngươi.
- Đấy là lỗi lầm độc nhất của ngươi đấy ư, Thạch Kinh Tử? Chuyện gì ngươi làm cũng lầm lỗi, không nhiều thì ít. Ở trên đó sao ngươi không suy nghĩ về những việc ngươi đã làm đôi chút?
- Đồ giả nhân giả nghĩa! Ta chẳng làm điều gì đáng phải xấu hổ. Mẹ Mãn Hà Chí tìm đủ mọi cách hại ta, nhưng trước sau ta vẫn coi hắn là bạn. Bổn phận ta phải trở về báo cho mẹ hắn biết tin. Ta phá rào, giết người cũng vì vậy, đâu có gì xấu, đâu có gì trái với đạo người hiệp sĩ?
- Không phải vậy! Vấn đề của ngươi là không biết cân nhắc, suy nghĩ. Không phải cứ khinh cái chết là trở nên hiệp sĩ. Chết lúc chưa đáng chết chỉ là xuẩn động. Tin tưởng vào một điều gì phải, là tốt nhưng cứ nhắm mắt làm bừa chỉ có hại, chỉ đưa ngươi đến tình trạng như ngày nay, bị trói thúc thủ trên cây cao này mà thôi.
Đại Quán ngừng một lát rồi hỏi kháy:
- Thế nào, ở trên đó nhìn phong cảnh có đẹp không?
Thạch Kinh Tử hét lên:
- Thằng trọc! Ta sẽ không bao giờ quên mối nhục này!
- Sẽ quên! Sẽ quên! Trước khi trở thành cái xác khô đét, còn chút thì giờ, ngươi hãy cố gắng quan sát mọi vật xung quanh, quan sát mọi người rồi bỏ những ý nghĩ thiển cận, vị kỷ của ngươi đi. Chừng nào về chầu tổ tiên, nhớ nói với các cụ rằng một tăng sĩ nghèo tên Đại Quán đã khuyên ngươi như vậy. Tổ tiên ngươi sẽ hối tiếc ngươi không nghe ta nên đã chết, mang tủi nhục về cho dòng họ.
Oa Tử đứng gần đó lắng tai nghe, chạy vội lại:
- Thầy Đại Quán! Sao thầy lại có thể tàn nhẫn với người không còn tự vệ được như thế? Thầy là người tu hành hay chỉ khoác áo thầy tu? Thạch Kinh Tử đã tin tưởng ở thầy, không kháng cự...
- Này, chuyện gì vậy? Đồng minh của ta bây giờ quay lại chỉ trích ta đấy hả?
- Xin thầy thương hắn. Thầy đối với hắn như thế con không trọng. Nếu thầy muố n giết thì giết quách ngay đi, hắn chịu chết mà, để cho linh hồn hắn được siêu thoát.
Trong cơn phẫn khích, Oa Tử nắm vạt áo Đại Quán giật liên hồi. Đại Quán gạt tay nàng, giọng nghiêm nghị:
- Yên! Đàn bà biết gì mà nói! Nếu ngươi không im, ta sẽ treo lên cây như nó!
- Không im! Con có quyền nói! Con có công đi lên núi bắt hắn, con có quyền!
- Không được! Đại Quán này muốn phạt Thạch Kinh Tử ra sao thì phạt!
- Vậy thầy giết hắn đi! Giết ngay đi! Làm nhục hắn trong khi hắn nửa sống nửa chết thật không xứng đáng...
- Đó là nhược điểm duy nhất của ta. Ta thích hành hạ những thằng ngu như nó!
- Bất nhân!
- Đi đi, để ta yên!
- Không!
- Đừng bướng! Đi!
Đại Quán lấy tay đẩy mạnh Oa Tử. Nàng ngã ngồi xuống đất, bên gốc đại bách.
Cạnh gốc cây, áp má vào lớp vỏ xù xì, nàng rên khe khẽ. Nước mắt trào ra, Oa Tử không ngờ Đại Quán tàn nhẫn đến mức ấy. Người trong làng ai cũng tưởng Thạch Kinh Tử chỉ bị treo ít lâu rồi sẽ được thả, ai ngờ chính Đại Quán vừa xác nhận ông thích nhìn Thạch Kinh Tử đau đớn. Oa Tử rùng mình ghê sợ cho sự dã man của con người.
Nếu Đại Quán, người mà nàng tin tưởng bấy lâu nay, đã tỏ ra tàn ác như vậy thì ở ngoài kia, xã hội còn ghê gớm đến bực nào! Nàng còn ai để trông cậy nữa? Bất giác, Oa Tử cảm thấy thân cây đại bách ấm áp hơn, dường như máu tội nhân từ trên cành cao dồn xuống đang luân lưu trong những thớ gỗ. Thạch Kinh Tử kiên cường, không hổ với dòng dõi hiệp sĩ. Lúc đầu bị trói ở trên núi và ngay bây giờ đây, nàng thấy Thạch Kinh Tử vân còn nhân tính. Hắn còn biết khóc. Không hiểu sao cái gì đã là mọi người khinh ghét hắn, coi hắn như một con quỷ và xua đuổi hắn đến thế?
Nước mắt tràn trề, hai vai rung động, Oa Tử ôm gốc cây, không kể gì đến gió rít bên ngoài và những giọt mưa bắt đầu rơi trên vai và cổ áo. Đại Quán kéo vạt tăng bào lên che đầu, gọi:
- Oa Tử! Vào thôi, ướt hết bây giờ!
-...
- Lỗi tại ngươi đó! Tại ngươi hay khóc nên trời cũng bắt chước.
Không nghe trả lời, ông đổi giọng nghiêm trang:
- Gió mạnh rồi. Có lẽ bão. Về phòng thôi, đừng dư nước mắt khóc một người chẳng còn sống bao lâu nữa!
Nói xong, nhà sư tay giữ vạt áo, tay che đầu chạy vào hậu liêu!
Vài giây sau, nước đổ như trút. Những giọt mưa to rơi lộp bộp trên sân đất. Oa Tử ngồi bất động dưới gốc cây, mặc cho mưa rơi trên đầu trên tóc. Chiếc kimono nàng mặc dán vào mình ước sũng và lạnh buốt, nhưng nghĩ đến nỗi đau khổ Thạch Kinh Tử phải chịu, nàng thấy mưa gió không có nghĩa lý gì. Nàng thầm cầu nguyện cho tính mệnh hắn toàn vẹn.
Oa Tử quanh quẩn bên gốc cây, thỉnh thoảng ngẩng đầu lên nhìn, nhưng mưa to quá, không trông thấy Thạch Kinh Tử đâu hết. Nàng gọi tên hắn. Không nghe tiếng trả lời. Có lẽ giọng nàng đã lạc đi trong mưa bão, mà cũng có lẽ hắn không trả lời thực, vì hắn coi nàng như mọi người khác trong làng có ý tưởng thù nghịch, chỉ tìm đến để làm khổ hắn mà thôi.
Mưa thế này mà không cứu Thạch Kinh Tử thì hắn chết mất. Trong cơn tuyệt vọng, nàng bỏ chạy vào chùa, gió thổi sau lưng khiến nàng suýt ngã.
Trong chùa, cửa bếp cũng như cửa các tăng phòng đều khép kín. Nước mưa từ các máng xối đổ xuống, đào những rãnh nhỏ sâu trên sân đất, ào ào chảy xuống chân đồi.
Đến phòng Đại Quán, nàng vừa đập cửa vừa gọi lớn.
- Ai đó?
- Con đây! Oa Tử!
- Ngươi còn ngoài đó hả? Làm gì ngoài đó?
Cửa mở, nước mưa theo gió tạt vào làm Đại Quán lùi lại mấy bước. Ông ngạc nhiên nhìn Oa Tử trong bộ quần áo ướt sũng, giục:
- Vào đi!
- Không cần! Con không đến để trú mưa, chỉ xin thầy rủ lòng thương, cho hắn xuống!
- Không! Nhất định không được!
- Con lạy thầy, thầy cứu hắn, con đội ơn thầy suốt đời.
Nàng quỳ xuống, không nghĩ gì đến chiếc kimono bê bết bùn đất:
- Xin thầy đừng quan tâm đến con, mà thương hắn. Thầy không thể để hắn chết thế được! Con xin làm theo bất cứ lệnh gì của thầy, nhưng lạy thầy, xin thầy cứu hắn!
Tiếng gió ù ù, mưa đổ sầm sập át cả tiếng Oa Tử van xin khóc lóc. Hai tay chắp trước ngực, trông nàng chẳng khác gì một phật tử đang thành kính đội mưa chịu lễ sám hối trước tòa sen.
Đại Quán đứng im như tượng, mắt nhắm nghiền. Không ai biết bên trong khuôn mặt bình thản ấy có những xao động thầm kín gì. Lúc sau, mở mắt ra, ông nghiêm nghị:
- Oa Tử, về phòng ngay đi! Sức ngươi yếu đuối, để bị cảm hàn là tự chuốc lấy cái chết vô ích.
- Con lạy thầy, con van thầy! Xin thầy thương hắn...
Trước mắt Đại Quán, Oa Tử vẫn quỳ, đầu cúi rạp. Nhà sư với tay đóng cửa. Một giọng nói như băng vọng ra lẫn trong tiếng mưa rơi vẫn còn nặng hạt:
- Khuya rồi, ta đi nghỉ. Ngươi cũng nên về thôi. Ta khuyên ngươi đấy.