Chủ gia đình, lão bà Hồ Điểu Anh, mẹ Mãn Hà Chí, là một lão phụ cương nghị, bướng bỉnh không ai bì kịp.
Tuy xấp xỉ lục tuần, bà vẫn còn cai quản gia nhân và làm việc quần quật suốt ngày ngoài đồng không chịu kém ai. Mùa cấy, bà nhổ mạ cấy lúa. Mùa gặt, bà phơi, đập. Đến chiều, xong công việc, bao giờ bà cũng cố mang về nhà một chút gì, khi bó rơm, lúc bó lá dâu. Nhiều bận, bó rơm lớn đến nỗi che khuất cả người, làm thân bà còng xuống.
Buổi tối, bà bận chăn tằm.
Trưa ngày hội hoa ở chùa Tiểu Sơn, đang hái dâu trong vườn, bà Hồ Điểu thấy cháu chạy đến, chân không mang dép. Nó thở hổn hển.
- Đi đâu về đấy? Bà hỏi giọng nghiêm khắc. Lại ở trên chùa xuống phải không?
- Hì... hì... Dạ!
- Oa Tử có trên chùa không?
- Dạ... có. Nó vừa thở vừa đáp. Chị ấy đang viết kệ, thắt lưng mới đẹp lắm.
Nghe nói viết kệ, bà sực nhớ ra:
- Thế mày có mang trà và kệ trừ sâu về cho bà không?
- Dạ, không!
Đôi mắt nhăn nheo của bà bỗng nhiên mở lớn:
- Sao lại không?
- Chị ấy không đưa. Chị ấy bảo cháu chạy ngay về nói với bà...
- Nói gì?
- Thạch Kinh Tử. Chị ấy trông thấy Thạch Kinh Tử, ở bên kia sông.
Giọng bà Hồ Điểu bỗng dưng trầm xuống:
- Thật hả? Có thật Oa Tử trông thấy nó không?
- Thật!
Hồ Điểu Anh đột nhiên như mất hết nghị lực. Tâm thân cường tráng của bà bỗng nhiên yếu hẳn đi. Mắt nhòa lệ, bà quay lại, tưởng như trông thấy đứa con trai yêu quý của mình đứng sau lưng. Nhưng không có ai. Bà vội lấy lại bình tĩnh:
- Mày hái dâu cho bà.
- Bà đi đâu?
- Về nhà chứ còn đi đâu. Nếu Kinh Tử về được thì Mãn Hà Chí cũng về được.
- Cháu về với.
- Không, mày ở lại đây.
Đoạn quày quả bước, để đứa cháu một mình đứng ngẩn ngơ, chẳng hiểu ra sao cả.
Trang trại nhà Hồ Điểu khá lớn, hàng sồi cổ thụ bao quanh. Bà Hồ Điểu rảo bước len lỏi qua hàng sồi cao, thẳng hướng đến lẫm thóc, chỗ gia nhân đang làm việc.
Còn cách một thôi đường bà đã gọi rối rít:
- Ngừng tay, ngừng tay! Mãn Hà Chí đã về! Nó có đấy không?
Mọi người ngạc nhiên, tưởng bà mất trí.
- Không! Một người mau mắn đáp.
Nhưng dường như bà Hồ Điểu không để ý. Trong cơn xúc động, bà cho đấy không phải là một lời đáp. Nhìn mọi người đứng ngơ ngác, bà thấy họ đần độn quá sức. Nếu Thạch Kinh Tử về được, thì Mãn Hà Chí cũng về được. Trong thâm tâm bà, đó là lẽ đương nhiên và bà không chấp nhận bất cứ một giải thích nào khác.
Hồ Điểu Anh hách dịch ra lệnh cho mọi người phải đổ đi tìm, mỗi người một ngả, còn bà ở nhà chờ tin. Thấy tiếng chân ai đến gần, bà cũng vội vã ra ngay hỏi xem đã tìm được Mãn Hà Chí chưa.
Gần tối, vẫn chưa có tin tức gì của con, nhưng Hồ Điểu Anh không thất vọng. Bà đi thắp đèn, đặt trước hàng bài vị trên bàn thờ gia tiên rồi ngồi xuống chiếu trước bàn thờ. Lòng nặng trĩu ưu tư, bà lâm râm cầu nguyện.
Bà cứ ngồi như thế, như pho tượng giữa ánh đèn vàng vọt vây bọc chung quanh.
Mọi người chưa ai về, bếp lửa vắng lạnh. Mãi sau, bà mới uể oải đứng dậy, bước ra tựa cửa ngoài, trong bóng tối của buổi chiều chạng vạng. Qua những cành sồi, trăng suông mờ ảo chiếu xuống. Đằng xa, một màn sương trắng đục trùm lên đồi núi. Mùi hoa lê ngòn ngọt dâng lên phảng phất trong không khí.
Đứng như vậy chẳng biết bao lâu, đột nhiên bà thấy có bóng đen men theo vườn lê đến gần. Nhận ra Oa Tử, bà lên tiếng gọi.
- Oa Tử! Có người nói con thấy Thạch Kinh Tử phải không?
- Vâng. Chắc chắn là anh ấy! Anh ấy lẩn trong đám đông trước chùa.
- Thế có trông thấy thằng Mãn Hà Chí không?
- Không. Con chạy vội ra hỏi tin nhưng Kinh Tử bỏ trốn. Con bắt gặp ánh mắt anh ấy thoáng nhìn con rồi mất luôn. Tính Kinh Tử từ trước đến nay vẫn khác thường nhưng không hiểu sao lần này lại phải trốn như vậy.
Bà Hồ Điểu phân vân nhắc lại:
- Trốn à?
Bà cau mày suy nghĩ. Một mối nghi ngờ hiện lên trong trí, rồi càng lúc càng in vào trong óc làm bà tin rằng chính Thạch Kinh Tử, tên vô lại mà bà ghét cay ghét đắng đã dụ dỗ con bà đi lính, lại làm chuyện gì bậy rồi. Giọng bà trở nên dọa nạt:
- Đồ khốn kiếp! Chắc nó lại để cho Mãn Hà Chí chết dấm chết dúi ở đâu rồi một mình bỏ trốn về chứ gì. Thằng hèn mạt!
Tức giận, bà rít lên giữa hai hàm răng:
- Rồi nó biết tay bà!
- Con chắc không phải thế đâu. Nếu Mãn Hà Chí có mệnh hệ nào thì Kinh Tử phải mang thư hoặc một kỷ vật gì về chứ!
Nàng có vẻ bất bình vì bà cụ đã hấp tấp kết tội Thạch Kinh Tử. Nhưng Hồ Điểu Anh lắc đầu, nhất định cho ý mình là đúng:
- Không! Không phải! Thằng đó làm gì có tình nghĩa. Con ta chẳng nên kết bạn với nó mới phải.
- Thôi, bà... Oa Tử giọng làm lành. Hay chúng ta đến nhà Ô Nhiên, may ra gặp Kinh Tử ở đó.
Bà lão có vẻ nguôi giận:
- Ừ, cũng được. Ô Nhiên là chị nó, chắc nó không đến nhà ai khác đâu!
- Vậy bà cháu ta đi.
Nhưng bà Hồ Điểu khựng lại:
- Á! Tại sao ta lại phải đến nhà nó kìa! Nó biết em nó dụ con ta vào chỗ chết mà chẳng bao giờ thèm đến xin lỗi hoặc thăm ta lần nào. Bây giờ em nó trở về, nó cũng chẳng báo ta biết. Sao ta phải hạ mình đến nhà nó! Không được, ta cứ đợi ở đây.
Oa Tử đáp:
- Nhưng đây là trường hợp bất thường. Ta phải gặp Kinh Tử càng sớm càng tốt để xem sự thể ra sao chứ! Thôi, con xin bà, cứ đi với con đi, bà không phải làm gì cả, để mặc con xử sự.
Tuy bực mình nhưng Hồ Điểu Anh cũng nghe theo lời Oa Tử. Bà nóng lòng muốn biết tin con trai nhưng thà chết chứ không chịu xin xỏ điều gì của gia đình Yết Mân cả.
Ô Nhiên ở cách trang trại gia đình Hồ Điểu chừng non một dặm. Cả hai gia đình đều thuộc giai cấp hào trưởng thôn quê, từ mấy đời trước cùng chung một đảng tộc. Bây giờ mỗi nhà riêng một ven sông, tuy không tranh dành quyền lợi gì của nhau nhưng cũng chẳng giao thiệp với nhau thân thiết.
Đến trước cửa nhà Ô Nhiên, hai người thấy cổng đóng. Vườn cây dày, lá đan chằng chịt không để lọt ánh sáng ra ngoài. Oa Tử định vòng ra phía sau nhưng bà lão không đi theo, nhất định đứng ở cổng trước.
- Ta là gia trưởng nhà Hồ Điểu, không đời nào lại vào cửa sau nhà Yết Mân. Nhục lắm!
Thấy không kéo được bà đi, Oa Tử một mình rảo bước về phía cửa hậu. Lát sau, có ánh đèn lấp ló trong vườn rồi thấy chính Ô Nhiên bước ra đón bà vào.
Hồ Điểu Anh đột nhiên thay đổi thái độ. Từ một bà già quê mùa cầy sâu cuốc bẫm, bà bỗng trở thành một mệnh phụ cao ngạo:
- Xin lỗi đến làm rộn lúc đêm khuya nhưng ta có chuyện cần không đợi được. Nhà ngươi ra đón ta thế này thật quý hóa!
Rồi đường bệ qua mặt Ô Nhiên vào trong nhà, bước thẳng tới phòng danh dự như một sứ giả trên trời sai xuống, bà đĩnh đạc ngồi trước bức liễn đại tự, cạnh bình hoa cắm tỉa công phu, rồi mới sẵn sàng đón nhận những lời chúc tụng của chủ nhân.
Thủ tục xã giao thường lệ xong, bà nói thẳng vào vấn đề. Bà không mỉm cười giả dối nữa mà lạnh lùng nhìn thẳng mặt Ô Nhiên:
- Ta nghe nói tên quỷ sứ nhà này mới lén về phải không? Bảo nó ra đây cho ta hỏi.
Hồ Điểu Anh vẫn nổi tiếng là tay độc miệng nhưng lần này câu nói tàn ác trên làm Ô Nhiên tức giận. Tuy vậy nàng cố nhịn:
- Thưa bà, bà nói tên quỷ sứ nào vậy?
Hồ Điểu vội đổi ngay chiến thuật. Như con tắc kè đổi màu, bà vừa cười vừa đáp:
- Ồ! Ta lỡ lời. Tại người trong làng vẫn gọi thế nên ta bắt chước. Ta muốn nói Thạch Kinh Tử ấy mà! Cậu ấy trốn ở nhà này phải không?
- Mô Phật! Không!
Ô Nhiên ngạc nhiên thật sự nhưng cũng không giấu vẻ khó chịu khi thấy người ta gọi em mình là quỷ sứ. Nàng cắn môi suy nghĩ. Oa Tử vội giải thích là nàng có trông thấy Thạch Kinh Tử trong ngày hội hoa trên chùa. Và để trấn an, nàng thêm:
- Lạ nhỉ! Anh ấy không về đây sao chị?
- Không. Chị chẳng biết gì về chuyện này. Nhưng nếu nó có về đây thật thì chẳng bao lâu nữa cũng gọi cửa thôi!
Bà lão ngồi xếp bằng trên gối, hai tay nghiêm túc bắt chéo để trên đùi, dáng điệu như một bà mẹ chồng bị xúc phạm, cau mặt lớn tiếng:
- Sao? Nhà ngươi nói không được tin tức gì của nó mà nghe được à? Nhà ngươi không biết con ta đã bị thằng em vô lại của ngươi dụ dỗ đi lính hay sao? Ngươi không biết nó là đứa con độc nhất kế thừa dòng họ Hồ Điểu hay sao? Nó bị thằng em ngươi lôi vào chỗ chết. Nếu nó chết thì chính em ngươi đã giết nó và đừng tưởng là cứ men tường trốn về nhà mà xong đâu!
Bà nói một hơi không kịp thở, ngưng một chút lại tiếp tục, mắt đổ hào quang:
- Còn ngươi nữa! Ai cũng biết nó trốn về một mình mà ngươi là chị nó lại không đưa nó đến cho ta hỏi. Cả hai đứa chúng bay đối xử với một người già cả như thế à?
Thật đáng phỉ nhổ. Các ngươi không coi ta ra gì cả!
Rồi không đợi trả lời, bà lại thao thao:
- Nếu thằng Kinh Tử có trở về thì dẫn Mãn Hà Chí lại cho ta. Nếu không được, ít nhất cũng phải điệu thằng quỷ non ấy đến ngay đây để tra hỏi nó xem nó đã làm gì con ta, đứa con yêu quý của ta bây giờ ở đâu...
- Bây giờ bà muốn tôi làm gì? Em tôi không có đây!
- Nói láo không biết ngượng miệng. Mày phải biết nó ở đâu!
- Không, tôi không biết!
Giọng Ô Nhiên run run, mắt đầy lệ. Mặt nàng hơi cúi về phía trước. Trong thâm tâm, Ô Nhiên thầm mong cha nàng còn sống.
Thình lình có tiếng động ngoài hiên, rồi những bước chân người chạy rầm rập. Hồ Điểu đảo mắt nhìn láo liên. Oa Tử định đứng dậy. Một tiếng thét ghê rợn trong bóng đêm từ bên ngoài đưa vào, tiếp theo là tiếng kêu đau đớn kéo dài như tiếng hú của con vật bị chọc tiết. Rồi một giọng đàn ông hét lớn:
“Bắt lấy nó!”.
Lại tiếng chân người chạy rầm rập, tiếng la hét cùng với tiếng rào rào của những cành gẫy và những nhánh tre rung động.
Hồ Điểu Anh thét lên:
- Thạch Kinh Tử rồi!
Bà đứng phắt dậy, quắc mắt nhìn Ô Nhiên quỳ dưới chân, gay gắt nói:
- Ta biết nó ở đây. Thật rõ như ban ngày mà ngươi còn cố giấu. Nhưng ta không quên đâu!
Rồi bà vụt chạy ra, mở tung cửa. Cảnh tượng bên ngoài làm cho mặt bà đã tái lại càng thêm nhợt nhạt:
một thanh niên, ống chân còn mang giáp cứng, nằm ngửa mặt lên trời, đang giẫy chết, máu từ mắt và mũi ri rỉ chảy ra thành từng đường đen sẫm. Cứ xem như vết thương trên sọ của nạn nhân cũng đủ thấy kẻ chém hắn phải mạnh lắm và võ khí là một vật bằng gỗ!
Bà lão lắp bắp:
- Có... có... người chết ngoài kia!
Oa Tử mang đèn ra hiên rồi cùng với Hồ Điểu Anh đến gần xác chết. Bà run sợ nhìn chăm chú vào mặt nạn nhân. Không phải Thạch Kinh Tử mà cũng không phải Mãn Hà Chí, chỉ là một kiếm sĩ còn trẻ tuổi cả hai đều không biết rõ danh tính.
Hồ Điểu Anh lẩm bẩm:
- Ai giết hắn vậy?
Rồi quay lại Oa Tử, bà bảo:
- Ta đi chỗ khác thôi, đừng nên dính vào chuyện này.
Nhưng Oa Tử không đành lòng bỏ đi chỗ khác. Bà lão đã nói nhiều câu bất công và độc ác với Ô Nhiên, nàng thấy nếu không ở lại an ủi Ô Nhiên đôi chút thì thật là tàn nhẫn. Nếu Ô Nhiên có điều gì che giấu, hẳn phải có lý do chính đáng, bèn nói với Hồ Điểu Anh xin bà cứ về trước rồi nàng sẽ trở lại sau.
- Tùy ngươi.
Bà đáp khô khan và định cất bước. Oa Tử đưa đèn lồng cho bà nhưng bà gạt đi, giọng kiêu hãnh:
- Ta không cần! Gia trưởng nhà Hồ Điểu đâu đã lẫn mà phải dùng đèn!
Rồi vén áo kimono, bà bước những bước dài, mạnh bạo xông vào màn sương đêm mỗi lúc một dày đặc.
Đi được một quãng, một bóng đen gọi giật bà lại. Bóng đen cầm gươm trần, ống chân và cánh tay mang giáp sắt trong như kiếm sĩ chuyên nghiệp, không phải người trong làng. Bóng đen hỏi lớn:
- Bà vừa ở nhà Yết Mân ra hả?
- Phải.
- Bà có họ hàng gì với nhà Yết Mân?
- Lạy trời, ta đâu có họ hàng gì với chúng! Ta là gia trưởng họ Hồ Điểu ở bên kia sông.
- Vậy bà là mẹ Mãn Hà Chí hả? Thạch Kinh Tử với hắn dự trận Sekigahara mà!
- Phải! Nhưng con ta đâu có tự ý đăng lính. Thằng quỷ đó dụ con ta đi đấy chứ!
- Thằng quỷ nào?
- Thì thằng quỷ Thạch Kinh Tử chứ ai?
- Hình như tên đó không được lòng dân làng phải không?
- Được lòng gì? Ngươi không biết đấy thôi chứ nó là một tên vô lại ai cũng gớm!
Từ khi con ta chơi với nó, gia đình ta chịu không biết bao nhiêu là phiền nhiễu.
- Hình như con bà đã chết ở Sekigahara rồi mà!
- Chết rồi! Trời! Mãn Hà Chí chết rồi ư?
- Không! Ta cũng không biết rõ lắm! Nhưng để bà đỡ buồn phiền, ta sẽ giúp bà trả thù.
Hồ Điểu Anh nhìn người đàn ông nghi hoặc:
- Quan nhân là ai vậy?
- Ta thuộc binh đoàn của Tôn gia. Sau trận chiến, ta được phái đến trấn thủ ở lâu đài trên thượng lưu sông này. Theo lệnh thượng cấp, ta có cho chặn đường chỗ biên giới liên tỉnh Harima để khám xét người qua lại. Tên Thạch Kinh Tử, nhà ở đằng kia - hắn giơ tay chỉ xóm Ô Nhiên ở - phá rào chặn rồi phóng chạy về phía làng Miyamoto này. Ta phái người đuổi theo nhưng hắn khá quỷ quyệt. Tưởng đâu vài ngày hắn phải nhược, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra hắn. Trước sau thế nào rồi cũng tóm cổ được. Sức đâu mà hắn trốn mãi.
Hồ Điểu Anh gật đầu. Bây giờ bà mới hiểu tại sao Thạch Kinh Tử phải lẩn trốn trong ngày hội hoa ở Tiểu Sơn tự và tại sao hắn không dám về nhà, vì chắc chắn lính sẽ đến xét nhà hắn trước tiên. Nhưng nghe tin Thạch Kinh Tử trở về làng có một mình, cơn giận của bà càng tăng. Còn tin Mãn Hà Chí chết, bà thấy khó lọt tai quá. Bà nói khéo:
- Tên Thạch Kinh Tử khỏe và quỷ quyệt thật, nhưng gặp quý quan binh, làm gì mà không bị bắt.
- Ờ... Ở... lúc đầu ta cũng nghĩ thế. Nhưng bọn ta ít người mà mới đây nó lại giết mất một rồi!
Bà không biết cấp bậc của người đối thoại nhưng cứ gọi bừa là đội trưởng:
- Đội trưởng cho phép già khuyên một câu nhé!
Rồi cúi đầu ghé sát tai người kia nói nhỏ. Những lời bà thì thầm có lẽ làm viên đội trưởng khoái chí lắm. Thỉnh thoảng hắn lại gật đầu đồng ý và thốt lên:
- Hay lắm! Hay lắm! Tuyệt!
Bà lão quay đi nhưng không quên dặn với:
- Nhớ đấy! Mà phải làm đến nơi, chớ có bỏ nửa chừng mà mang họa.
Ô Nhiên và Oa Tử ngồi trên chiếu, đang than thở và lau nước mắt bỗng giật mình trông ra.
Bốn, năm kẻ lạ mặt mặc binh phục nhẩy qua cửa sổ xông thẳng vào phòng khách, kéo lê bùn đất bê bết. Oa Tử tái mặt, nhưng Ô Nhiên không hổ danh con gái Mưu Ni Sai, vẫn bình tĩnh. Nàng lạnh lùng hỏi:
- Các ngươi là ai, vào đây làm gì?
Một tên cao giọng:
- Đứa nào là chị thằng Thạch Kinh Tử?
- Ta. Ô Nhiên điềm tĩnh đáp. Đêm khuya, các ngươi tự tiện vào phá nhà phụ nữ, không biết xấu hổ sao?
Viên đội trưởng vừa vào tới, giơ tay chỉ Ô Nhiên, quát lớn:
- Trói con bé này lại!
Vừa nghe tiếng quát, đèn đóm tắt hết, tối om. Nhà cửa rung động, bàn ghế đổ lổng chổng. Lính ùa đến bắt Ô Nhiên. Nàng kháng cự mãnh liệt, nhưng đàn bà sức vóc bao nhiêu, chỉ mấy phút sau đã bị trói gô như bó giò nằm vất chỏng chơ dưới đất. Những tên lính dã man còn xúm lại đạp thêm cho mấy cái. Oa Tử sợ quá vùng chạy ra cửa.
Nàng không nhớ đã chạy ra ngả nào, nhưng trốn thoát được bọn lính. Tâm thần hoảng hốt, chân không còn cả dép, nàng nhắm mắt chạy bừa trong làn sương dày mờ mịt trắng xóa như sữa dưới ánh trăng suông, hoàn toàn phó mặc cho bản năng định hướng, hy vọng về được đến chùa Tiểu Sơn. Sống yên ổn từ tấm bé trong một khung cảnh êm đềm thuần hậu, Oa Tử cực kỳ xúc động và thấy thế giới xung quanh mình như vừa sụp đổ.
Gần đến chân đồi, bỗng nghe tiếng gọi. Ngẩng nhìn bóng người ngồi trên phiến đá dưới tàn cây, nàng nhận ra là Đại Quán.
- Mô Phật! Ngươi đấy ư? Ta đang lo không biết hôm nay sao ngươi về trễ.
Đại Quán nhìn xuống chân Oa Tử:
- Dép ngươi đâu?
Đại Quán chưa hết ngạc nhiên thì Oa Tử đã chạy đến bên, miệng không ngớt rên rỉ:
- Thầy ơi! Ghê quá! Ghê quá!
Đại Quán lấy giọng bình tĩnh, cố trấn an thiếu nữ:
- Nào... nào... cái gì mà ghê quá? Tên đời này làm gì có chuyện gì ghê đến thế!
Bình tĩnh kể ta nghe chuyện gì nào!
- Ghê quá! Chúng bắt chị Ô Nhiên trói lại rồi! Không có tin gì của Mãn Hà Chí mà chị Ô Nhiên hiền dịu như vậy bị chúng đá, thật khổ! Thầy, bây giờ phải làm sao, thầy?
Vừa run rẩy vừa khóc nức nở, Oa Tử sợ hãi bám chặt lấy Đại Quán, đầu nép vào ngực nhà sư cầu xin che chở.
oo Buổi trưa mùa xuân ẩm ướt và lặng gió. Thạch Kinh Tử lang thang trong rừng, mồ hôi chảy đầy mặt. Sương mờ mờ như còn lãng đãng xung quanh. Hắm mệt lắm rồi, tưởng không còn cất nổi bước. Một tiếng chim đậu trên cành cũng làm hắn hốt hoảng thủ thế.
Sau cơn thử thách vừa qua, con người hắn trở lại hung bạo và man rợ cũng như bản năng sinh tồn của hắn. Thạch Kinh Tử giận dữ văng tục:
- Tổ cha những thằng khốn nạn chó má!
Không tìm được vật gì trút bỏ nỗi bực dọc trong lòng, hắn vung mạnh thanh kiếm gỗ, thuận tay chặt một cành cây lớn trước mặt. Trừng trừng nhìn chỗ vết thương trên vỏ cây, thấy giòng nhựa trắng chảy ra ri rỉ, hắn nghĩ đến sữa mẹ. Mất mẹ, không còn ai để quay về những khi tuyệt vọng, Thạch Kinh Tử thấy cô đơn lạ lùng. Ngọn suối trong, rặng đồi uốn éo đằng xa kia, ở chính quê hương hắn mà sao hắn thấy vô tình quá, đôi khi còn như chế nhạo hắn nữa.
Đã bốn ngày nay, Thạch Kinh Tử lẩn trốn trong vùng rừng rậm triền núi Sanumo.
Qua làn sương mong ban chiều, thấp thoáng ngôi nhà của cha hắn xưa kia, bây giờ do chị hắn ở. Dưới thung lũng là chùa Tiểu Sơn, mái chùa ẩn hiện sau những tàn cây dày lá.
Hắn biết những nơi đó nguy hiểm không thể đến được vì đấy là những chỗ đầu tiên lính tới khám xét. Ngày Phật Đản vừa qua, hắn đã dám bò tới gần chùa. Mặc dầu đông người dễ trốn nhưng quả thật hắn đã quá liều lĩnh. Khi nghe tiếng gọi, hắn bỏ chạy vì không còn cách nào khác. Ngoài mục đích tự cứu, hắn không muốn gây phiền cho Oa Tử.
Đêm hôm trốn về nhà, ngẫu nhiên có bà mẹ Mãn Hà Chí ở đó. Đứng ngoài hiên, ghé mắt qua khe cửa nhòm vào, hắn đương mãi nghĩ cách giải thích cho bà cụ biết tại sao con bà không về thì bị lính bắt gặp. Hắn phải giết chết một tên rồi vùng chạy, vẫn không có dịp nói với ai câu nào.
Từ đó sống chui nhủi trong vùng rừng núi này, hắn thấy như bị bao vây càng ngày càng chặt. Binh sĩ Tôn gia kiểm soát gắt gao các miền phụ cận, chúng tuần tiễu khắp các nẻo đường từ chân núi trở đi và bắt dân làng chia nhau thành từng toán lục soát khắp sườn núi.
Thạch Kinh Tử tự hỏi chẳng biết Oa Tử nghĩ gì về hắn và bắt đầu nghi có lẽ nàng cũng chẳng ưa gì hắn. Biết mọi người ai cũng coi mình như kẻ thù, Thạch Kinh Tử thấy bị dồn vào ngõ cụt. Hắn nghĩ:
giải thích cho Oa Tử hiểu tại sao vị hôn phu của nàng không về, thật khó quá! Chi bằng kể cho bà già nghe, tốt hơn. Ừ phải, để ta nói cho bà cụ biết rồi bà cụ sẽ từ từ khuyên giải Oa Tử sau. Xong chuyện này, ta đi đâu cũng được, không còn gì phải bận tâm!
Ý đã quyết, Thạch Kinh Tử lại cất bước nhưng hắn biết hắn không thể về làng trước khi trời tối. Nhặt hòn đá, đập thành từng mảnh, hắn ném chim bay ngang. Vì đói qua, giết được con nào hắn vặt lông sơ rồi ngồm ngoàm ăn sống. Cầm con chim máu bê bết, hắn vừa đi vừa ngoạm vào thịt chim nóng hổi, ăn ngon lành không nghĩ gì đến chuyện khác.
Đột nhiên có tiếng kêu khẽ trong bụi cây. Hắn khựng lại. Một người nhảy ào ra, chạy trốn. Nghĩ đến chuyện ai cũng khinh ghét và tìm cách xa lánh hắn một cách vô cớ, Thạch Kinh Tử tức giận hét:
- Đứng lại!
Và không đợi phản ứng, hắn chạy theo nhanh như thú dữ vồ mồi. Chỉ một loáng đã đuổi kịp. Thì ra là một người làng hắn biết mặt thường lên núi đốt than. Hắn nắm cổ lôi lại dẫn vào khu rừng thưa gần đấy.
- Sao chú bỏ chạy? Chú không nhận ra ta à? Thạch Kinh Tử ở Miyamoto đây mà!
Ta có ăn thịt chú đâu mà sợ? Người làng gặp nhau chẳng chào hỏi gì cả, xấu thế?
- Dạ... dạ...
- Ngồi xuống!
Hắn buông tay ra, nhưng người kia vừa được thả đã vội co cẳng chạy. Thạch Kinh Tử chận phía sau, giơ kiếm lên như định chém. Người kia ngã ngồi xuống, hai tay chắp lại, lạy như tế sao:
- Lạy ngài, xin ngài tha cho con!
- Vậy trả lời câu ta hỏi đây!
- Dạ dạ... xin ngài đừng giết. Con còn vợ con nhỏ dại.
- Không ai giết chú. Quanh đây nhiều lính lắm phải không?
- Dạ.
- Dân làng hôm nay còn đi kiếm ta không?
Không có tiếng trả lời.
- Chú có phải là một trong những người đi kiếm ta không?
Người kia đứng dậy lắc đầu quầy quậy:
- Dạ không! Không!
Thạch Kinh Tử lại tóm cổ người đốt than:
- Thôi được! Chị ta ra sao?
- Chị nào?
- Chị ta, Ô Nhiên nhà Yết Mân. Đừng làm bộ ngớ ngẩn. Chú đã hứa trả lời những câu ta hỏi. Ta không trách dân làng, họ bị lính bắt phải theo, nhưng ta muốn biết chị ta có sao không?
Người kia làm bộ ngây ngô đáp:
- Dạ, con không biết gì hết.
- A! Nghi quá! Không nói ta chém chết tức khắc!
Nói rồi hắn giơ kiếm.
- Ấy, lạy ngài! Con xin nói! Con xin nói!
Rồi hai tay chắp lại run rẩy, người đốt than sợ hãi lắp bắp kể lại chuyện Ô Nhiên bị bắt dẫn đi và lệnh rao trong làng hễ ai chứa chấp Thạch Kinh Tử sẽ bị coi như đồng lõa. Hàng ngày, lính dẫn từng nhóm dân lên núi bắt đi sục sạo và mỗi nhà cứ hai ngày lại phải cử một người tham dự.
Thạch Kinh Tử nghe chuyện, tóc dựng ngược, không phải vì sợ mà vì giận. Hắn hỏi lại cho chắc:
- Chị ta có tội gì?
Và mắt hắn mờ lệ.
- Trong làng không ai biết. Lệnh trên như vậy, chẳng ai dám trái.
- Thế chúng dẫn Ô Nhiên đi đâu?
- Có lẽ lên đồn Hinagura. Ấy là nghe nói vậy, con cũng không chắc.
Thạch Kinh Tử lẩm bẩm nhắc lại:
- Hinagura... Hinagura...
Và hắn quay nhìn rặng núi xa, sát vùng biên hai tỉnh, mây chiều đã kéo đến làm loang lổ vài nơi trên đỉnh.
Thạch Kinh Tử thả người đốt than. Anh ta vừa mừng vừa sợ chạy xuống chân đồi.
Thạch Kinh Tử vừa ngao ngán vừa tức giận những kiếm sĩ đê mạt đã bắt một người con gái yếu đuối không phương tự vệ. Một mình, hắn lững thững quay đi, yên lòng vì không bị ai làm rộn. Hắn cần yên tĩnh để suy nghĩ.
- Ta phải cứu Ô Nhiên. Trời ơi, chị ta! Nếu chúng làm gì chị ta, ta sẽ giết hết!
Trời đã chiều. Thạch Kinh Tử rảo bước xuống núi, nhắm hướng làng Miyamoto thẳng tiến.
Một giờ sau, Thạch Kinh Tử đến gần chùa Tiểu Sơn. Chuông thu không vừa ngưng tiếng, hoàng hôn sập xuống. Chùa đã lên đèn, Thạch Kinh Tử trông thấy người đi lại rộn rịp dưới bếp và cả ở tăng phòng.
“Giá Oa Tử ra ngoài được một lúc!”, hắn nghĩ.
Ngồi thu lu trong xó tối cạnh hành lang dẫn từ bếp lên chùa, mùi thức ăn lởn vởn trong không khí khiến bụng hắn cồn cào, nghĩ đến những bát cháo thơm phức. Đã mấy ngày nay, chỉ ăn toàn thịt sống và cỏ dại, bây giờ con tỳ con vị hắn làm reo, nước miếng ứa ra suýt làm hắn sặc.
- Tiếng gì thế? Một giọng nói cất lên.
- Chắc con mèo.
Oa Tử đáp. Ở bếp bước ra, hai tay bưng mâm thức ăn dành cho bữa tối, Oa Tử men theo hành lang ngay trên đầu Thạch Kinh Tử. Hắn định gọi, nhưng cơn xúc động làm nghẹn lời. Thật may cho hắn vì đúng lúc đó có tiếng đàn ông hỏi ngay đằng sau Oa Tử:
- Phòng tắm chỗ nào cô?
Người đàn ông đi sau mặc kimono mượn của nhà chùa, ngang lưng giắt chiếc khăn mặt nhỏ. Thạch Kinh Tử nhận ra đó là một kiếm sĩ đồn trú tại lâu đài Himeji. Hiển nhiên phải là cấp chỉ huy vì như vậy hắn mới được ở trong chùa, suốt ngày ăn uống no say để mặc quân lính dưới quyền và dân làng vất vả ngày đêm tìm Thạch Kinh Tử.
Oa Tử đáp:
- Ngài muốn dùng phòng tắm xin đi phía này.
Đặt mâm thức ăn xuống, nàng dẫn người lạ mặt đến cuối hành lang.
Đột nhiên, người kia giơ hai tay ôm ngang lưng Oa Tử. Bằng một giọng cợt nhả, hắn nói:
- Nàng vào phòng tắm với ta đi!
- Mô Phật!
Nhưng hắn đã giữ chặt Oa Tử và ghé môi hôn lên má nàng. Oa Tử vùng vẫy.
- Sao vậy? Không thích đàn ông à?
Oa Tử sợ hãi kêu:
- Bỏ ra! Không được làm hỗn!
Tên kia hoảng hốt, bịt mồm nàng lại. Nhưng nhanh như cắt, Thạch Kinh Tử chồm lên khỏi chỗ nấp, nhảy xổ tới, đấm một cú tựa trời giáng vào gáy tên kiếm sĩ. Trong lúc bất ngờ không kịp phản ứng, hắn ngã nghiêng, tay vẫn bám lấy Oa Tử. Oa Tử vừa hét vừa vùng vẫy tìm cách gỡ ra rồi đẩy mạnh hắn ngã ngồi xuống đất. Hắn la hoảng:
- Bắt lấy nó! Thạch Kinh Tử đây rồi! Quân lính đâu, bắt nó! Bắt nó!
Từ trong chùa, tiếng chân rầm rập chạy ra lẫn với tiếng la hét. Chuông mõ gióng liên hồi, ai cũng kêu:
Bắt được Thạch Kinh Tử! Bắt được Thạch Kinh Tử!
Nhưng Thạch Kinh Tử đã không còn ở chùa nữa. Một số người chia nhau lên núi, vào rừng tìm kiếm. Chính Thạch Kinh Tử cũng không rõ tại sao hắn đã may mắn thoát khỏi màng lưới bủa vây hắn. Trong khi mọi người ra công lục soát khắp nơi thì hắn đã sang bên kia sông, chạy vào trong căn bếp rộng lớn nền đất nện của nhà Hồ Điểu.
Áng sáng căn bếp lờ mờ. Thạch Kinh Tử cất tiếng gọi khẽ:
- Bà ơi! Bà!
- Ai đó? Giọng bà già hách dịch hỏi lại.
Hồ Điểu Anh tay cầm đèn lồng từ phòng trong bước ra. Trông thấy hắn, bộ mặt nhăn nheo của bà tái đi. Bà hỏi:
- Mày hả?
Thạch Kinh Tử vội đáp:
- Con có chuyện gấp muốn nói. Mãn Hà Chí chưa chết đâu, hắn vẫn khỏe nhưng giờ theo một người đàn bà đi nơi khác ở rồi. Con chỉ biết có thế. Bà làm ơn bảo cho Oa Tử biết, con không thể gặp nàng để báo tin được!
Nói xong những lời đó, Thạch Kinh Tử thoải mái như vừa cất được gánh nặng.
Định bước đi thì bà Hồ Điểu gọi giật lại:
- Mày định đi đâu bây giờ?
- Con lên đồn Hinagura cứu Ô Nhiên. Giọng hắn buồn bã. Xong rồi đi đâu cũng được. Con chỉ muốn nói để bà và Oa Tử biết là không phải con đã bỏ Mãn Hà Chí, ngoài ra chẳng còn chuyện gì khác.
Bà Hồ Điểu đổi tay cầm đèn, lặng thinh suy nghĩ. Bà muốn kéo dài thì giờ, bèn ra hiệu cho Thạch Kinh Tử:
- Mày có đói không, Kinh Tử?
- Mấy hôm nay chẳng được hột cơm nào.
- Tội quá! Vậy vào đây. Bà đang làm cơm, xong ngay bây giờ. Vào ăn cơm nóng đã. Trước khi đi, bà đãi con bữa cơm nhé! Hay là con đi tắm, đợi bà làm bữa.
Thạch Kinh Tử ngạc nhiên ngẩn người.
- Đừng làm bộ mặt vậy! Gia đình ta và gia đình con cùng một tộc, con không biết à? Ta nghĩ con chẳng nên đi, nhưng nếu ý con đã quyết thì bà muốn đãi con bữa cơm trước khi lên đường vậy mà!
Thạch Kinh Tử chẳng biết trả lời sao. Hắn giơ tay chùi nước mắt. Đã lâu lắm hắn không thấy ai thương và nói với hắn những lời âu yếm như thế. Hắn tưởng ai cũng khinh miệt và nghi kỵ hắn, ngờ đâu... Hắn bỗng thấy một cảm giác kỳ lạ khi được đối xử như một người.
- Thôi con đi tắm đi. Hồ Điểu Anh nói với hắn như bà nói với cháu. Đứng đây có người trông thấy thì nguy hiểm lắm. Để ta mang khăn cho, trong khi con tắm ta lấy cái áo của thằng Hà Chí để sẵn đây, tắm xong thì mặc. Vào phòng, tắm đi cho khỏe.
Bà đưa Thạch Kinh Tử cây đèn rồi trở lên nhà. Lúc sau, thấy cháu bà chạy đi, biến vào trong đêm tối.
- Thế nào? Nước vừa đủ nóng không con?
- Vừa vặn bà ạ. Con thấy như tỉnh hẳn lại.
- Cứ thong thả, cơm chưa được đâu.
- Cảm ơn bà. Nếu biết thế này con đã đến sớm hơn.
Thạch Kinh Tử nói thêm vài câu nữa, nhưng tiếng nước rào rào làm át tiếng hắn.
Vả bà già cũng không còn đứng đó nữa.
Không bao lâu sau, đứa cháu đã trở về, thở hổn hển, theo sau lục tục những binh sĩ và dân làng mang gậy gộc. Hồ Điểu Anh ở trong nhà bước ra, ghé tai thì thầm với viên đội trưởng.
- Hay lắm! Tuyệt diệu! Bà đã dụ cho hắn tắm. Thật diệu kế! Lần này có chạy đằng trời!
Rồi chia hai toán, mọi người cẩn thận nằm rạp xuống theo hướng bếp lửa bò vào như đàn cóc châu vào đốm lửa sáng.
Đột nhiên Thạch Kinh Tử linh cảm một điều gì khác lạ khó tả làm hắn nhột nhạt.
Ghé mắt nhìn qua khe cửa, hắn nổi da gà, tóc dựng ngược.
- Chết rồi! Ta bị trúng bẫy rồi!
Nhà tắm nhỏ và chật. Hắn thì trần như nhộng, ngoài cửa, người mang gậy gộc giáo mác lố nhố sắp tiến vào. Trông trước trông sau vô kế khả thi, hắn đâm liều. “Được rồi!
Nếu chúng bay muốn, ta sẽ cho biết tay!”.
Hắn chẳng cần biết bên ngoài có bao nhiêu người. Từ trước đến nay hắn vốn là tên liều mạng, luôn luôn tấn công trước. Trong khi mọi người đang theo nhau từ từ bò vào, không do dự, hắn đột nhiên đạp tung cửa phòng ra, thét một tiếng rợn người!
Không mảnh vải che thân, tóc bay tung tứ phía, Thạch Kinh Tử cướp ngay ngọn giáo của tên lính gần nhất đang chĩa vào hắn, thuận chân đạp tên kia bắn văng vào bụi. Hai tay cầm ngang ngọn giáo, hắn quay cuồng như điên trong đám đông, mạnh tựa vũ bão.
Trong trận Sekigahara, hắn đã học được bài học này và thấy thật hiệu nghiệm khi phải đối đầu với số địch thủ đông gấp bội. Cán giáo nhiều khi còn lợi hại hơn ngọn giáo. Hắn đá đông, phạt tây, đâm nam, gạt bắc, ào ào như gió cuốn làm mọi người sợ hãi dạt ra hai bên. Toán binh sĩ không cho người vào phá nhà tắm trước khi tấn công, đến khi biết lầm thì đã muộn. Lính và dân chỉ đứng vòng ngoài la hét, rõ ràng ai cũng sợ không dám xông vào. Khi ngọn giáo của hắn giáng xuống lần thứ mười thì bị gẫy làm hai đoạn. Thạch Kinh Tử nhặt hòn đá lớn ném vào phía quan quân và thừa cơ nhốn nháo phóng ra khỏi vòng vây.
- Nó chạy vào nhà rồi!
Mẹ con Hồ Điểu Anh bỏ chạy ra vườn. Thạch Kinh Tử vừa chạy vào nhà vừa hét:
- Áo tao đâu? Áo tao đâu?
Trong nhà quần áo ngổn ngang, có cả một chiếc rương to đựng đầy kimono mở nắp, nhưng Thạch Kinh Tử không để ý. Hắn đảo mắt nhìn quanh tìm bộ áo rách bươm của hắn. Thấy nó cạnh bếp, hắn vơ quàng nhảy vội lên lò đất, chui qua lỗ trần leo lên mái nhà.
Dân chúng ở dưới chỉ trỏ, mắng nhiếc và đổ lỗi cho nhau đã để hắn trốn thoát.
Đứng trên nóc nhà, Thạch Kinh Tử khoan thai mặc lại bộ kimono cũ, lấy răng xé một miếng thắt lưng buộc mớ tóc ướt. Hắn thắt sợi dây vải chặt đến nỗi chân tóc bị kéo mạnh ra đằng sau, làm đôi lông mày hắn xếch ngược.
Bầu trời đêm ấy trên đầu hắn lấp lánh đầy sao.