Đôi lời của người dịch
Tôi đã đọc và dịch cuốn sách này trong “hoài niệm về cái lãng mạn và hồn nhiên”. Đó không hẳn là cái lãng mạn hồn nhiên mà con người từng có. Đúng hơn, đó là cái lãng mạn hồn nhiên mà con người luôn khao khát - dù có thể không tự nhận với chính mình - và có thể chưa bao giờ đạt được. Viết bằng thứ văn đẹp thuần khiết, như giọt sương sớm trong suốt, cuốn sách là một giọng nói đầy cảm xúc và tình yêu đối với con người, thấu hiểu và trân trọng những khát vọng sâu thẳm, chân thật, dễ tổn thương nhất của họ.
Alberto Ruy Sanchez, nhà văn Mexico sinh năm 1951, tự cảm thấy mình là đứa con không phải chỉ của một đất nước, một châu lục, một nền văn hóa. Con người ấy, từng nhận bằng Tiến sĩ ở Đại học Paris, theo học các lý thuyết gia lẫy lừng như Roland Barthes và Michel Foucault, dường như lại chẳng bận tâm đến cái gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại, cảm quan hậu hiện đại, cùng với tất cả các chủ đề quen thuộc - sự hoài nghi, mỉa mai - và những kỹ thuật rắc rối kèm theo nó. Vào cái thời đại khi tâm thế chung dường như là hoài nghi và ngán ngẩm đối với con người, khi dường như có sự đồng thuận ngầm rằng nền văn minh đã khiến con người mất đi sự hồn nhiên, khi vấn đề dục tính của con người hình như đã bị khai thác cạn kiệt đến mức không còn gì hơn là một thứ “dục tính cơ giới”, và khi dường như niềm tin vào bất cứ cái gì cũng đáng bị đem ra chất vấn, nghi hoặc và giễu nhại, con người này, một cách bền bỉ và điềm tĩnh, cho thấy một niềm tin giản dị, không thể lay chuyển - cứ cho là bướng bỉnh và ngờ nghệch - vào chất thơ và cái đẹp của tính dục. Ruy Sanchez viết về dục vọng ái tình tự nhiên và khôn thỏa của con người như thể ông đang sống ở một chốn ngoài thời gian.
Phải là kẻ yêu con người đến mức nào, và dũng cảm đến mức nào, mới có thể viết được như vậy. Là người tìm kiếm không mệt mỏi sự nối kết suốt nhiều thế kỷ giữa Marốc và Mexico, sự nối kết có tính huyết thống - song quan trọng hơn nhiều là có tính tinh thần - giữa văn hóa Ả rập với văn hóa Tây Ban Nha/Mỹ Latinh, Alberto Ruy Sanchez hiện thân cho sự “toàn cầu hóa” theo nghĩa cao nhất, chân chính nhất của nó, sự toàn cầu hóa về mặt tinh thần.
Đó là sự toàn cầu hóa mà chất liệu và trái quả của nó là những người đàn ông đàn bà cảm thấy từ trong máu thịt rằng tất cả kho tàng và của cải tinh thần của loài người là của chính họ, cũng như những gì thuộc bên trong họ là thuộc về nhân loại.
Tên của khí trời, tiểu thuyết đầu tay của Ruy Sanchez, là lời xưng tụng đẹp đẽ và khôn nguôi về khát vọng yêu đương của người đàn bà, những khát vọng đi liền với sự mong manh, sự e ấp, và sự táo bạo đầy ắp nữ tính. Đó là một trong những món quà đẹp nhất mà một người đàn ông - một con người - có thể trao tặng cho những người đàn bà của nhân loại.
Về phương diện đó, Tên của khí trời, cũng như toàn bộ sáng tác của Ruy Sanchez, có thể gọi là một “bài thơ tình gửi toàn nhân loại”.