Tể Tướng Lưu Gù

Hồi Thứ Mười Ba

Nay lại nói cả đoàn Hòa Thân vẫn còn đang rong chơi ở Thúy Di hiên. Thúy Hoa, Thúy Hoàn, hai người lại hát hai ca khúc. Khi ấy Trương Thiên Hoành bèn nói:

- Hai cô, muốn thế nào thì thế cũng phải hát để cho Lão Gia vui vẻ.

Khi ấy, ông Tề chủ quán cũng bơ đỡ thêm vào, rằng đúng.

Hai chị em: người nọ nhìn người kia, người kia nhìn người nọ rồi nói:

- Thưa ông Trương, xin ông chọn bài hát đi!

Trương Thiên Hoành bèn nói:

- Hát bài nào là tùy các cô.

Thúy Hoàn bèn cất tiếng hát trước:

Vào khỏi cửa, chàng kéo, ôm em vào ngực.

Em vội vàng mở rộng tấm chăn,

Chàng thương yêu em, vô cùng ghê gớm:

Bên ngoài là nghĩa anh em,

Bên trong là tình oanh yến?

Mọi người nghe xong đều reo hò, khen hay.

Bên ngoài, một tên hầu từ Hòa Phủ thở hổn hển chạy vào sân. Anh ta bị phu kiệu của Hòa Phủ ngăn lại hỏi:

- Đến đây làm gì?

Tên hầu đáp:

- Sư gia đang cần tìm Tướng gia, nên sai tôi đến đấy xem xem.

Người phu kiệu đáp:

- Nói bậy, Sư gia tìm Tướng gia để làm gì?

Tên hầu biết người phu kiệu làm khó dễ, nài nỉ:

- Ông lớn ơi, xin ông cứ vào bẩm báo cho một tiếng.

Người phu kiệu không nghe, mà cứ đem tên hầu ra trêu tức, mua vui. Ngươi hầu hoảng quá bắt đầu xô đẩy giằng co.

Trương Thiên Hoành nghe tiếng xôn xao ở ngoài sân liền đứng dậy đi ra. Sau khi hỏi rõ ngọn ngành, bèn quay lại bẩm với Hòa Thân:

- Thưa Lão Gia, họ nói rằng Lưu đại nhân Lưu Dung tìm ngài.

Hòa Thân nghe xong, cười ha hả, nói:

- Về phủ hay không về phủ đó là quyền tự do của ta. Trương Thiên Hoành, anh sang cửa bên này Thúy Du hiên cắt một tên đứng gác, nếu thấy Lưu Dung tới, thì anh phải vào bẩm ta ngay.

Nói xong, liền bảo lão chủ Tề:

- Lão Tề, có chỗ nghỉ chân không?

Lão chủ Tề vội vã đáp:

- Ngài nói lạ! Xin mời ngài sang bên này.

Vừa nói vừa ra hiệu cho Thúy Hoa, Thúy Hoàn, đỡ Hòa Thân vào trong phòng.

Lão chủ Tề nhìn Trương Thiên Hoành. Trương Thiên Hoành nhìn lão, rồi hai người bật cười sằng sặc.

Trường Thiên Hoành hỏi:

- Khởi Hồng đâu?

Lão chủ Tề nói:

- Không phải chỉ riêng có Khởi Hồng, mà còn cả con em nó nữa.

Nói xong, hai người bèn đi ra bên ngoài, ở đó họ nghe thấy tiếng cười ré lên của Thúy Hoàn. Hai người nhìn nhau một lát, rồi ra khỏi nhà.

Độ chừng đến chiều, Trương Thiên Hoành và Khởi Hồng đã làm xong xuôi mọi chuyện, hai người nằm bên giường nói chuyện suông. Chợt có một tên hầu vội vã gõ cửa. Trương Thiên Hoành quát:

- Gì thế hữ?

Tên hầu từ bên ngoài đáp:

- Lưu dung đến!

Trương Thiên Hoành đáp:

- Biết rồi!

Nói xong, mới xuống giường, chạy tới phòng Hòa Thân.

Khi đó trong phòng Hòa Thân rất yên ắng, Trương Thiên Hoành không dám phá rối, liền đứng lại dưới cửa sổ lắng nghe, và chỉ nghe thấy tiếng ngáy nhè nhẹ, lúc ấy mới biết rằng Hòa Thân còn đang ngủ. Nên đứng chôn chân lại bên cửa sổ.

Phải một lúc thật lâu, Thúy Hoàn ra ngoài đổ nước, Trương Thiên Hoành mới hỏi:

- Lão Gia thế nào rồi!

Thấy Hoàn đáp:

- Tỉnh rồi!

Lúc đó Hòa Thân ở phòng trong, nghe thấy tiếng nói mới hỏi:

- Có chuyện gì đấy?

Trương Thiên Hoành từ bên ngoài cửa sổ đánh tiếng. Chủ tớ, hai người, kẻ bên trong, kẻ bên ngoài, cách nhau một khuôn cửa sổ, Trương Thiên Hoành đem việc Lưu Dung tới Thúy Di hiên trình lên. Hòa Thân nằm trong nhà, tiếng ngắn, tiếng dài nói:

- Đây là Thúy Di hiên, ở Thúy Di hiên này có ca kỹ. Ta và ngươi đến đây nghe hát, vậy thì Luu Dung cũng có thể tới cũng có thể nghe, cũng có thể chơi. Đây chẳng phải là nhà ta, không thể coi là ta không cho hắn gặp, cũng không thể tính là ta đóng cửa không cho hắn ăn uống. Hoàng thượng bắt hắn sáng sớm mai vào chầu là phải trả lời, vậy tại sao lại cho hắn đến tìm ta? Điều đó chứng tỏ rằng, hắn, Lưu Dung và ta có việc khác nhau, như vậy là chẳng có gì hay ho cả.

Hòa Thân bảo Thúy Hoàn châm một điếu thuốc, nâng lên hút, rồi nói tiếp:

- Hôm nay ta sẽ không đi khỏi Thúy Di hiên này, nếu như hắn, Lưu Dung không chịu tới Thúy Di hiên, thì ta xem hắn, cái thằng già họ Lưu ấy, ngày mai sẽ trả lời Hoàng thượng ra sao. Còn như hắn, Lưu Dung mà mò tới Thúy Di hiên này... ha ha. Ngày mai, văn võ bá quan đều sẽ biết rằng lão già Lưu gù cũng đã mò vào nhà thổ...

Hòa Thân còn chưa dứt lời, đã nghe thấy bên ngoài cửa có người cao giọng nói:

- Hòa đại nhân, Lưu Dung đang ở đây.

Hòa Thân không nghe thì thôi, đã nghe thấy thì lập tức luống cuống hết tay chân, vội vã nhỏm dậy, rồi lại nằm xuống, rồi lại dậy, cố sức bình tĩnh lại, vội vã nói:

- Có tôi đây, có tôi đây…

Nói xong, liền đẩy đẩy Thúy Hoàn, Thúy Hoa bảo vuốt lại nếp áo quần…

- Chờ cho một lát!

Hòa Thân quả luống cuống, trong lúc bối rối còn bị điếu thuốc làm bỏng cho một miếng.

Hết bối rối, mới nhắc nổi mình dậy. Thúy hoàn ra mở cửa. Lưu Dung đứng sững ngoài cửa, không vào. Lưu Dung bắt đầu nói:

- Hòa đại nhân, tôi chờ ngoài cửa quá lâu rồi đấy.

Hòa Thân vội vàng nói:

- Tôi khí không phải! Tôi khí không phải!

Nói xong, liền cao giọng gọi:

- Thiên Hoành, bầy tiệc!

Lưu Dung đâu có chịu nghe, nhưng Hòa Thân cũng đâu có chịu lui. Một người cố kéo, một người cố chối, giằng co mãi, Lưu Dung chẳng thể từ chối được, nên đành nhận lời, nói:

- Hòa đại nhân, vậy việc chính bao giờ bàn.

Hòa Thân cười cười:

- Trên bàn tiệc, trong khi thay cốc đổi chén, nói càng tiện. Có điều xin Lưu đại nhân cứ yên tâm, đây cũng chỉ là một việc nhỏ thôi. Nhỏ thôi, nhỏ thôi!

Bàn tiệc được đặt ở trong hoa sảnh dãy nhà bên phía tây. Hai tên hầu đứng trông chiếc lò than đắp bằng đất dưới hiên nhà, chỉ có một việc đun trà, hâm rượu. Lúc này Hòa Thân và Lưu Dung đã cởi áo ngoài, ngồi vào bàn tiệc.

Hòa Thân vòng tay nói:

- Lưu đại nhân chưa bao giờ đặt chân tới những nơi giải trí mua vui này, đạo đức ấy thật đáng khâm phục. Theo luật lệ của hoàng triều, mệnh quan của triều đình, không được phép ngủ lang ở nhà con gái đẹp, lại càng không được phép đến mua vui giải trí ở nhũng nhà ca kỹ, điếm đàng. Nhưng đã đến bước này, thì luật lệ cũng là những lời văn rỗng tuếch, chẳng ai chịu thi hành nữa. Nghe thượng thư bộ Hình nói: Trong mấy chục năm đầu, các quan còn không dám mở tiệc trong các nhà hát. Còn bây giờ ấy mà, Lưu đại nhân của tôi ạ, hư thân mất nết đã quen, chẳng phải nói ai xa, mà ngay trong hàng các quan cửu khanh, bát tọa, đều đường hoàng ra ra vào vào các nhà kỹ nữ như không. Ôi chao, thói đời là vậy, thói đời là vậy. Uống! Uống!

Qua một tuần rượu, Hòa Thân chê rượu không đủ ngon liền bảo với Trương Thiên Hoành:

- Trương Thiên Hoành, anh sai người về phủ, mang các loại “Thông tiêu hương” để đã lâu năm ấy tới đây.

Lưu Dung vội nói:

- Không cần thiết. Hòa đại nhân, thịnh tình xin bái nhận, chỉ có điều tiểu đệ đây tửu lượng rất kém. E rằng lại uống thêm cái “Thông tiêu hương” đó của Hòa Phủ, thì càng không chịu đựng nổi. Huống hồ, rượu cũ, lâu năm, vị ngọt mà đậm, say chết người.

Hòa Thân cười nói:

- Hà tất phải lo, tuy nói là một vò rượu cũ, như qua ngày qua tháng, khi mở niêm phong ra, cũng chỉ có nửa vò. Loại rượu cũ này, đương nhiên là phải uống cùng với rượu mới, Lưu huynh không phải quá lo. Hơn nữa, tôi còn bảo Trương Thiên Hoành, xẻ ra một ít cho hắn uống cùng với Văn Thừa, Tưởng Kỳ vài chén, nên số còn là cũng chẳng là bao nhiêu nữa bảo đảm ông anh không thể say đổ được đâu.

Nói đến đó, bèn ngoảnh ra ngoài cửa sổ, cao giọng:

- Trương Thiên Hoành đã đi lấy rượu chưa đấy?

Có tiếng đáp lại:

- Xin Lão gia yên tâm. Đi từ lâu rồi ạ!

Chỉ một lát sau, Trương Thiên Hoành đã đem vò rượu “Thông tiêu hương” do Hòa phủ cất lấy để đã lâu năm về, hâm nóng, đặt vào một góc bàn.

Ngoài sân cũng đặt thêm hai bàn tiệc, Trương Thiên Hoành tiếp Văn Thừa và Tưởng Kỳ cùng uống. Hòa Thân thấy bên trong cũng như bên ngoài hầu như hòa thành một, cũng lấy làm tự đắc, mặt đỏ bừng bừng, nói:

- Tốt lắm!

Lưu Dung ngồi trên bàn tiệc, lòng dạ vô cùng thấp thỏm, còn bụng dạ nào mà uống rượu cho được, nhung ông biết rằng, nếu không uống bữa rượu này, việc của Hoàng Thượng sẽ không nhắc tới được, rồi ra ngày mai biết trả lời Hoàng thượng ra sao. Ông hiểu biết sâu sắc nhân phẩm và tính cách của Hòa Thân, nhưng vì buổi chầu sáng sớm ngày mai, nên đành cứ phải vươn cổ ra mà uống, nhưng đồng thời lại phải luôn nhắc mình rằng, không được uống say, vì một là mất mặt, chẳng nói làm gì, hai là hỏng mất công việc thì hỏng to. Thế là nhấc chén, ngoặc tay, mà uống.

Hòa Thân cũng nghĩ rằng vế câu đối hôm nay vua Càn Long đã xem tới, nhưng lại không nghĩ rằng, nó cũng đã tới triều ban, và nói cho Lưu Dung biết. Điều đó cũng có ý để cho Lưu Dung thưởng thức, song cũng chính điều đó đã làm cho Hòa Thân đắng cai ngầm trong dạ, do cái tài sơ học thiển của mình, nên có lúc cũng cảm thấy bực bội. Mặt khác Hòa Thân cũng rất tri ân Hoàng Thượng, cuối cùng Hoàng Thượng đã để Lưu Dung đến hỏi han mình, nếu không, làm sao có được bữa tiệc hôm nay? Nghĩ đến đó, bất chợt Hòa Thân cảm thấy đắc ý. Chợt nhìn thấy đậu lạc ở trên bàn, bèn nói:

- Lưu đại nhân, tiểu đệ bất tài, mới nghĩ ra một vế câu đối.

Lưu Dung đáp:

- Xin mời.

Hòa Thân nói:

- Hai đĩa đậu. (Lưỡng điệp đậu)

Lưu Dung đáp:

- Một âu dầu. (Nhất âu du)

Hòa Thân nói:

- Ấy là tôi nói. Hai con bươm bướm chọi nhau (Lưỡng điệp đấu)

Lưu Dung nói:

- Ấy là tôi cũng nói: Một con hải âu bơi lội, đấy chứ (Nhất âu du)

Hòa Thân lại nói chữa:

- Tôi nói là: Hai con bướm chọi nhau trong rừng. (Lâm gian lưỡng điệp đấu).

Lưu Dung đáp lại:

- Tôi cũng nói: Một con hải âu bơi lội trên nước, đấy chứ, (Thủy thượng nhất âu du). (1)

Hòa Thân liên tục tán thưởng, khen ngợi, rồi nói.

- Lưu đại nhân, bây giờ ta ra một tửu lệnh, ai ra đối, đối phương không đối đó sẽ bị phạt ba chén rượu.

Lưu Dung đáp:

- Được thôi!

Hòa Thân tự cho mình là người khiêm nhường, nhã nhặn, bèn nói:

- Xin mời Lưu đại nhân ra trước!

Lưu Dung nói:

- Xin mời Hòa đại nhân ra trước cho.

Hai người cứ nhường nhịn, đùn đẩy nhau mãi.

Hòa Thân nói:

- Hôm nay, tôi làm được một việc lớn, tôi là chủ, khách phải theo chủ.

Lưu Dung cười khà khà, nói:

- Xin lĩnh ý ông suy nghĩ một lát, rồi nói:

- Trời xanh ba thước vóc (Tam xích thiên lam đoạn).

Hòa Thân suy nghĩ, tính trong bụng? Số đối với số, đất đối với trời, rồi bỗng nhiên nhớ ra được tên một vị thuốc, bèn đối:

- Địa hoàng sáu vị viên. (Lục vị địa hoàng hoàn).

Lưu Dung nghe xong liền bật cười, nghĩ khác, tuy rằng cũng chẳng hay ho gì cho lắm, nhưng cũng gọi là chỉnh, nên khen:

- Thật không chê vào đâu được.

Hòa Thân rất lấy tâm đắc ý. Bây giờ đến lượt Hòa Thân ra vế thách. Hòa Thân nghĩ đến nẫu ruột nẫu gan, chợt nghĩ tới trước đây hai ngày, đã phò Hoàng thượng xem một vở tuồng, tên là "Cầu Gãy" (Đoạn Kiều), và nghĩ ngay tới Bạch Nương Tử với Hứa Tiên, sau đó sắp xếp lại một chút và ngân nga đọc.

- Hôm nay qua Cầu Gãy, Cầu Gãy hôm nào gãy?(Kim nhật quá đoạn kiều, đoạn kiều hà nhật đoạn).

Trong khi Hòa Thân ra vế thách, cũng đúng là lúc Lưu Dung nhìn thấy một vành trăng từ từ mọc lên, bèn đối:

- Đêm mai dạo trăng sáng, trăng sáng mấy đêm trăng?(Minh dạ bộ minh nguyệt, minh nguyệt kỷ dạ minh?).

Cả đám đồng thanh tán thưởng.

Lúc này Hòa Thân đã thấy có chút nản lòng, gã biết rằng nếu lấy học lực ra mà nói, thì gã còn thua xa Lưu Gù, nhưng việc mà Hoàng Thượng đòi hỏi là bắt Lưu Dung phải đối câu đối, cho nên gã mới dùng tới cái tửu lệnh trong việc đối đáp này. Gã cố nghĩ, trong lúc mông lung chợt nhận ra rằng đèn đuốc đã thắp sáng, thầm khen, ta thật là thông minh, rồi nói:

- Xin Lưu đại nhân nghe cho: “Đèn lửa sáng bừng trời" (Hỏa chúc xung thiên lương).

Hòa Thân còn chưa dứt lời, thì ngoài sân, có một đám trẻ không cẩn thận làm rơi vỡ cái gì đó, kêu loảng xoảng.

Lưu Dung điềm nhiên cười, nói:

- Đứa bé đã đối hộ tôi rồi đấy.

Hòa Thân không hiểu, hỏi:

- Lưu đại nhân, nói gì cơ ạ.

Lưu Dung đáp:

- “Bát sứ rơi vang đất", (Từ uyển lạc địa hưởng).

Mọi người nghe xong vế đối, lại nhiệt liệt hoan nghênh.

Hai bên đối đáp cũng đã khá lâu, nhung vẫn bất phân thắng bại... Hòa Thân nâng chén:

- Nào uống! Uống!

Lưu Dung điềm nhiên nói:

- Hòa đại nhân, ông có thể đem chỉ ý của Hoàng Thượng nói cho tôi biết với có được không?

Hòa Thân bật cười lớn:

- Lưu đại nhân, yên tâm, nếu như việc quân quốc đại sự tiểu đệ này đâu dám chậm trễ. Chẳng qua chỉ là việc rất nhỏ thôi mà...

Nói tới đây, Hòa Thân bất chợt giật mình. Đã là việc của Hoàng thượng, ai dám bảo là việc nhỏ. Lưu Dung cũng biết rằng Hòa Thân đã lỡ lời, nhưng coi như không để ý tới nói:

- Xin mời nói?

Nói tới đây, trong lòng Hòa Thân bỗng nảy sinh ra một mưu kế, bụng nghĩ: Sao không nói việc đối câu đối hôm nay nói cho Lưu Dung biết, và cứ chỉ như là chuyện đấu rượu thôi!

Trong lúc đang suy tính thế, thì từ bên ngoài đã bưng vào món cá hầm cách thủy nóng hôi hổi. ông chủ Tề, đứng ở một đầu bàn, cung kính giới thiệu món ăn:

- Dạ thưa đây là món "Giao Long náo hải".

Hòa Thân cười khăng khặc hỏi:

- Sao lại gọi là món giao long náo hải?

Ông chủ Tề đáp:

- Món này bao gồm giống chạch ở phương Bắc, cùng với Lươn ở phương Nam và cá nheo hồng đặc sản của một vùng nghỉ mát nổi tiếng là Thừa Đức chế biến ra rồi đem hấp cách thủy, cần phải giữ lửa liên tục trong nửa ngày, cho nên phải chờ tới tận giờ mới mang lên hầu được.

Hòa Thân nhìn đĩa thức ăn nghĩ ngay tại vế câu đố đang định đọc ra, thì lấy làm đắc ý lắm, rồi đứng dậy hỏi:

- Còn bao nhiêu rượu?

Một tên hầu đáp:

- Con rót được độ ba bát đầy.

Hòa Thân vội vã nắm lấy cánh tay Lưu Dung nói:

- Lưu đại nhân, tôi có một vế thách đối, nếu Lưu đại nhân đối được, tôi xin uống ba hơi cạn ba bát rượu đó, còn nếu như Lưu đại nhân…

Lưu Dung đáp:

- Nếu không đối được, tôi phải uống hết chứ gì?

Thực ra Lưu Dung mới chỉ là hỏi vậy thôi, ai ngờ Hòa Thân nghe xong, liền cất cao giọng ra lệnh:

- Rót rượu ra!

Bọn hầu trẻ đem rượu rót ra, đầy tràn ba bát, đặc ở một bên. Hòa Thân nói:

- Lưu đại nhân, xin nghe cho kỹ. Vế đối này mà ngài đối được, việc ngày mai sẽ do mình tôi gánh vác. Người không đối được, Hoàng thượng cũng sẽ chẳng gây khó dễ gì cho ông đâu.

Lưu Dung hơi ngỡ ngàng.

Hòa Thân lại rất hăm hở nói:

- Lưu đại nhân, xin ngài nghe cho kỹ, về thách đối của tôi lấy ngay đĩa thức ăn này làm đề.

Lưu Dung nói:

- Xin mời đọc.

Hòa Thân đọc:

- “Một loài không vẩy, chạch ngắn, lươn dài, nheo ngoác miệng" (Nhất xuyến vô lân, thu đoản, thiện trường, niêm chủy đại).

Đọc xong, đôi mắt chòng chọc nhìn Lưu Dung. Lưu Dung nghe xong, trong đầu như có một tiếng nổ "bùng". Bụng nghĩ: Hòa Thân tài thô, học thiển, không thể bỗng nhiên mà nghĩ ra được một vế thách đối như thế. Nhưng nói ra vào đúng lúc này, thật khéo léo, thích hợp không thể nào hơn. Chắc hẳn là hắn đã có sự bàn bạc phối hợp với lão chủ quán này, để quật ngã ta đây. Nghĩ ngợi một lát trong lòng càng thêm bối rối. Với vẻ trầm tư, Lưu Dung nghĩ: bất kể rằng, Hòa Thân cố ý gây khó dễ cho ta, hoặc như vế thách này do một người khác nào đó nghĩ ra cũng thế thôi, vế thách này mới nghe, xem ra có vẻ bình thường, nhung thực tế lại vô cùng hắc búa. Nghĩ mãi chẳng tìm ra được một mối gỡ nào, ông bất chợt đứng bật dậy...

Hòa Thân kéo kéo vạt áo ông:

- Lưu đại nhân!

Lưu Dung chỉ vào ba bát rượu.

Hòa Thân hiểu ý nói:

- Tất nhiên, tất là phải vậy.

Lưu Dung hỏi:

- Quân tử nhất ngôn, mấy ngựa khó đuổi? (...kỷ mã nan truy?)

Hòa Thân nghe xong, nói ngay:

- Bốn! (Tứ)

Đồng thời chìa ra bốn ngón tay.

Lưu Dung mỉm cười:

- Chữ "Tứ” của "tứ mã nan truy", là tên một loài ngựa, chứ không phải tứ là bốn con ngựa đâu!

Nói xong, ông rời chỗ, bưng lấy một bát rượu, uống cạn. Hai bát còn lại cũng đều mỗi hơi một bát.

Lưu Dung quay lại, khoanh tay trước mặt Hòa Thân:

- Hòa đại nhân! Xin cáo từ.

Mới chỉ bỏ đi được mấy bước, ông đã thấy trời nghiêng đất ngả, rồi "ọe" một tiếng, nôn sạch.

Hòa Thân vội chạy lại đỡ:

- Uống quá rồi! Uống quá rồi! Lão Tề đâu, vục Lưu đại nhân vào phòng nghỉ.

Văn Thừa và Tưởng Kỳ cũng vội chạy tới.

Hòa Thân bảo:

- Các anh hãy cứ đi uống rượu của các anh đi. Các anh chẳng có việc gì ở đây cả.

Hai người thấy Tể Tướng Hòa nói vậy, cũng không dám đỡ Lưu Dung nữa, đành đứng trơ tại đó.

Lưu Dung được lão chủ Tề đỡ, đứng đó một lát, rồi lè nhè nói:

- Văn Thừa, Tưởng Kỳ, ta về thôi!

Hòa Thân nghe nói vậy, cũng chẳng tiện cố giữ, bèn dặn dò:

- Các anh phải hầu hạ cho chu đáo đấy!

Văn Thừa và Tưởng Kỳ cùng chạy lại, đỡ Lưu Dung, rồi chậm rãi đi ra phía ngoài.

Đi được vài bước, Lưu Dung quay người lại nói:

- Hòa đại nhân, xin ngài dừng bước.

Hòa Thân vốn là vẫn đứng nguyên tại chỗ, khi nghe Lưu Dung nói vậy, liền dấn lên mấy bước, theo sau Lưu Dung và nói:

- Thật là đắc tội, đắc tội. Hôm nào phải sang quý phủ tạ tội.

Ra khỏi cổng, Hòa Thân đúng nhìn Lưu Dung lên kiệu lại nói.

- Xin cẩn thận!

Đoàn ngươi khênh kiệu của Lưu Dung đi đã xa. Hòa Thân mới thấy mừng thầm trong dạ, và cúi người vái một cái thật dài theo hướng kiệu đi.

*

Lại nói đoàn của Lưu Dung về tới Lưu phủ, Lưu Dung được Văn Thừa và Tưởng Kỳ vực vào sân. Vợ của Lưu Dung là Lâm đại gia vẫn một mạch ngồi trực ở nhà, vội vàng đi từ trong nhà ra. Chợt nhìn thấy Lưu Dung phải có người vực đi, bất chợt giật mình, hỏi ngay:

- Sao vậy?

Văn Thừa nói lại qua loa mọi chuyện.

Lâm đại gia không nói một câu, vực Lưu Dung và nói với Văn Thừa và Tưởng Kỳ:

- Các anh xuống nhà đi nghỉ đi.

Rồi đi vào phòng ngủ.

Lâm đại gia đặt Lưu Dung nằm yên ổn trên giường rồi gọi a hoàn Kỷ Hà hăm trà thật đặc để súc miệng lại lấy khăn nóng lau mặt. Lưu Dung khua khua tay, có ý bảo tất cả ra ngoài, Lâm đại gia thổi tắt đèn, rồi cùng với Kỷ Hà đi về phòng mình.

Thực ra Lưu Dung uống không nhiều, ba bát cuối cùng cũng đều nôn ra hết. Nhưng rượu của Hòa phủ qua là thứ rượu, cất lâu ngày, rất thơm ngon, nên ông mơ màng thiếp đi. Sau khi Lâm đại gia về phòng mình, bèn bảo Kỷ Hà đem món rùa rùa, ba ba hấp cách thủy lúc chiều, bắc lên bếp đun lại, rồi vừa sai bảo Kỷ Hà vừa chú ý xem Lưu Dung có động tĩnh gì không. Qua khoảng độ một canh, Lưu Dung chợt tỉnh giấc. Cảm thấy cơn say cũng đã qua đi rồi, nhưng vẫn cứ nằm yên trong bóng tối nghĩ lại những chuyện lúc ban ngày, cùng các câu đối đối đáp với Hòa Thân. ông nằm đó, cảm thấy đói bèn gọi Lâm đại gia. Lâm đại gia vừa chợt nghe tiếng Luu Dung gọi, cũng gọi Kỷ Hà, chờ đó một lát, rồi sẽ bưng bát canh lên, còn mình, đi trước vào trong phòng.

Lưu Dung vui vẻ, kể lể cho phu nhân nghe chuyện ở Thúy Di hiên. Lâm đại gia nghe xong cũng rất vui hỏi:

- Thiếp cứ tưởng đó là chuyện gì, thì ra chỉ là một vế câu đối Thôi tướng công hãy cứ nằm nghỉ đi đã, một lát nữa Kỷ Hà sẽ bưng canh giã rượu lên.

Trong khi đang đói, Kỷ Hà đã vào phòng. Trao món canh cho Lâm đại gia. Lâm đại gia bưng tới cho Lưu Dung.

Lưu Dung ngồi dậy nói:

- Tôi đói quá!

Lâm đại gia tiếp lời:

- Nửa ngày nay nào đã ăn tý gì đâu...

Lưu Dung bung bát canh đặc, nấu bằng ba ba rùa rùa, húp liền mấy hơi, và chỉ nói:

- Khát quá!

Rồi đòi ăn thêm.

Kỷ Hà lại đi bưng lên một bát to hơn. Lưu Dung đỡ lấy, rồi lại một hơi húp hết đến già nửa bát, sau đó mới hỏi:

- Đây là canh gì vậy?

Lâm đại gia nói:

Đun nấu từ lúc ban ngày cơ đấy, cứ đặt trên bếp suốt. Canh này nấu toàn bằng loại cá có mai...

Lưu Dung cũng chẳng để ý tới những lời nói ấy, chi biết ăn tiếp …

Rồi dột nhiên, Lưu Dung ngẩng đầu lên, cặp mắt lóe sáng hỏi:

- Phu nhân, nàng nói lại xem, canh gì?

Lâm đại gia cảm thấy hơi khó hiểu, nói:

- Thì thiếp đã chẳng nói với tướng công rồi đó sao? Là canh loại cá có mai, cùng với cẩu khởi.

Lưu Dung vỗ tay xuống giường nói:

- Cảm ơn phu nhân về bát canh rùa rùa ba ba, loại cá có mai này...

Nói xong ông bật ra khỏi giường.

°

Ngày hôm sau, buổi chầu sớm.

Lưu Dung lên điện với tinh thần rất phấn chấn. Vua Càn Long ngồi trên ngai rồng xong, bèn nhìn Lưu Dung. Rồi nói với Hòa Thân:

- Hòa ái khanh, người đã nói chuyện đó với Lưu ái khanh chưa?

Hòa Thân đáp:

- Dạ, nô tài đã có nói, nhưng không biết rằng Luư đại nhân nghe có rõ hay không thôi ạ!

Vua Càn Long cười kha kha, hỏi:  

- Lưu Dung việc Hòa Thân nói với người, ngươi nghe có rõ không?

Lưu Dung đáp:

- Thần nghe rõ.

Vua Càn Long nói:

- Một khi đã nghe rõ, thì không biết đã nghĩ xong chưa?

Lưu Dung đáp:

- Thần đã nghĩ xong!

Vua Càn Long nói:

- Vậy thì đối đi!

Khi đó Hòa Thân tâu:

- Khai bẩm vạn tuế, văn võ bá quan trong triều, không phải rằng ai cũng đều đã biết hết, không biết có nên đọc lại một lần, cho các quan cùng thưởng thức hay không?

Văn võ bá quan trong triều đình, thực tình vẫn không biết rằng giữa vua Càn Long, cùng với Hòa Thân và Lưu dung đố đá nhau cái gì, nên cũng muốn biết cho tường tận, nên đã đồng thanh thỉnh cầu cho biết.

Vua Càn Long bèn nói:

- Hòa Thân, ngươi đọc đi.

Lúc đó Hòa Thân thực không dám đem chuyện Hoàng thượng trốn ra khỏi cung cấm đi chơi rông nói ra trước mặt văn võ bá quan vì sợ nhà vua mất mặt. Đồng thời cũng không dám nói chuyện tối hôm qua, do mình đã hồ đồ, bất cẩn dám nhận vơ cái vế thách đối kia là của mình, đem ra đố Lưu Dung. Nên chỉ đành nói:

- Đức Vạn tuế đã có một vế thách đối tuyệt vời, diệu kỳ không gì so sánh nổi, thật đúng là diệu kỳ không có gì so sánh nổi, như thế này...

Hòa Thân hàng lại giọng, ngâm nga:

- “Một loài không vẩy, chạch ngắn, lươn dài, nheo ngoác miệng"

(Nhất xuyên vô lân, thu đoản, thiện trường, niêm chủy đại)

Cả triều đình văn võ nghe xong, đều nhất một khen hay, xôn xao tán thưởng:

- Đúng là một vế tuyệt đối, tuyệt đối...

- Kỳ diệu, diệu kỳ!

Vua Càn Long nhắc nhở Lưu Dung:

- Lưu ái khanh, vế đối lại của ngươi ra sao?

Lưu Dung sang sảng đáp lại:

- Vế đối của thần là: “Ba giống có mai, Rùa tròn, vích dẹt, cua không đầu”,

(Tam nguyên hữu giáp, qui viên, miết biết, giải đầu vô).

Quần thần lại được một phen tán thưởng. Vua Cảm Long nghe xong vế đối, trong lòng cũng thầm khen ngợi Lưu Dung: Kỳ tài, quả là kỳ tài vậy. Một lát sau có cho đình thần yên yên lại, vua Càn Long nói:

- Lưu ái khanh thật quả là một tay tài hoa!

Vua Càn Long nhìn khắp là các vị quần thần của mình, rồi đưa ra lời răn dậy:

- Mang danh là trọng thần của giang sơn xã tắc muốn đảm nhiệm được công việc, muốn làm được chu đáo mọi việc, phải nhanh nhẹn, thông hiểu. Cẩn mật tất không thất thoát, thông mẫn tất không trì trệ, không thất thoát không trì trệ, có như vậy mới gọi là làm hết chức phận của một kẻ trọng thần vậy. Đã rõ cả chưa?

Quần thần dạ ran.

Vua Càn Long lại nói:

- Ngày mai sẽ khởi giá hồi kinh, quần thần hãy trở về dọn dẹp, thu xếp cả đi!

Chú thích:

( 1) Họ "chơi nhau" bằng những chữ đồng âm dị nghĩa nên khó mà dịch cho trọn vẹn trong tiếng Việt. (N.D.)