Một buổi sáng mùa xuân năm Quý Tỵ (1773), niên hiệu Cảnh Hưng thứ ba mươi tư, quân ở cổng phía Tây thành Quy Nhơn nghe tiếng người ngoài thành gọi:
- Xin quan binh mở cổng cho vào!
Quân lính trên mặt thành nhìn xuống thấy sáu người khiêng một cái cũi, lại có một người bị trói ngồi trong cũi, liền hỏi lớn:
- Các ngươi là ai. Kêu mở cổng thành có việc gì?
- Chúng tôi đọc cáo thị, nay bắt được tên cướp Nguyễn Nhạc đến nộp cho quan xin lãnh thưởng.
Quân vào phi báo cùng Tuần vũ Nguyễn Khắc Tuyên. Tuyên cùng phó tướng Nguyễn Hữu Thệ gọi đốc trưng Trần Đằng đến nhận diện. Đứng trên mặt thành đốc trưng Trần Đằng nhìn kỹ người ngồi trong cũi rồi nói:
- Thằng này đúng là Biện lại Nguyễn Nhạc, nhưng lẽ đâu lại bị bắt dễ dàng như thế. Xin đại quan đề phòng xem có gian kế gì chăng ?
Khắc Tuyên nạt rằng:
- Lúc trước ngươi tiến cử hắn làm Biện lại Vân Đồn, nay ta bảo ngươi đến để nhận mặt hắn mà thôi. Ngươi chỉ trông coi thuế khóa biết gì việc quân cơ mà bàn bạc.
Khắc Tuyên nhìn kỹ hồi lâu rồi nói tiếp:
- Bọn chúng chỉ có sáu người, tên trong cũi là bảy lại không mang theo khí giới gì cả. Phó tướng Nguyễn Hữu Thệ! Ngươi hãy lệnh cho quân thả cầu treo và mở cổng thành bắt tên Nguyễn Nhạc vào đây cho ta trị tội.
Nguyễn Hữu Thệ tuân lệnh ra đi, sai quân mở cổng thành. Thấy cầu treo hạ xuống, cổng thành mở toang, Nguyễn Huệ, Vũ Văn Dũng, Vũ Văn Nhậm, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Võ Đình Tú liền khiêng cũi Nguyễn Nhạc thẳng vào thành. Vừa vào khỏi cổng các tướng Tây Sơn liền bỏ cũi xuống rút vũ khí giấu trong ống tre làm đòn khiêng, chém chết quân chúa Nguyễn. Nguyễn Nhạc cũng phá cũi xông ra. Phó tướng Nguyện Hữu Thệ trở tay không kịp bị Nguyễn Huệ chém một đao, đầu rơi xuống đất. Quân sư Trương Văn Hiến đứng trên gò cao quan sát thấy Nguyễn Nhạc đã vào thành bèn lấy cờ đỏ phất lên. Tướng quân Nguyễn Văn Tuyết trông thấy ám hiệu liền dẫn một ngàn binh mã hét vang xông thẳng vào thành. Nguyễn Lữ dẫn đại bộ binh theo sau tiếp ứng. Tiếng trống dồn, tiếng quân hò reo dậy đất vang trời.
Quan Tuần vũ Nguyễn Khắc Tuyên thất kinh hồn vía hối quân kéo cầu treo lên. Bỗng đâu Võ Đình Tú nhún mình nhảy một cái lên đến mặt thành chỗ mấy tên quân kéo cầu treo. Nào ngờ viên tiểu tướng canh giữ cầu treo chặn Võ Đình Tú vừa đánh vừa hối quân kéo cầu treo cho mau. Quân canh kéo cầu treo cao khỏi đất đã năm thước mà Võ Đình Tú vẫn chưa thắng được tên tiểu tướng ấy, may thay ở ngoài thành, tướng quân Nguyễn Văn Tuyết cưỡi ngựa Xích kỳ phi mau như gió. Toán kỵ binh mới tới nửa đường mà Nguyễn Văn Tuyết đã đến nơi. Tuyết bèn thúc ngựa phóng thẳng lên cầu treo, vung song đao chặt đứt dây kéo. Cầu rơi xuống bắt ngang qua hào, nhờ vậy quân Tây Sơn tràn vào như nước lũ. Nguyễn Khắc Tuyên trong cơn hỗn loạn bỏ trốn, binh chúa Nguyễn triều không người chỉ huy như rắn mất đầu, đều bỏ khí giới xin hàng. Quân Tây Sơn Nguyễn Nhạc chiếm thành Quy Nhơn không hao một nhân mạng, không tốn một mũi tên.
Quân Tây Sơn lấy thành Quy Nhơn rồi mà trên mặt thành Võ Đình Tú vẫn đánh vùi cùng tên tiểu tướng. Võ Đình Tú côn đồng dũng mãnh, viên tiểu tướng thương pháp tinh vi, hàng trăm hiệp không phân thắng bại, thật là kỳ phùng địch thủ! Nhạc bèn sai Nguyễn Huệ lên mặt thành hợp sức cùng Võ Đình Tú. Đến nơi Huệ gọi:
- Đinh Tú đừng đánh nữa!
Tiểu tướng nghe tiếng Huệ gọi, và thấy Võ Đình Tú cầm côn nhảy khỏi vòng chiến liền quăng thương xuống đất nói với Nguyễn Huệ:
- Ta cũng thôi không đánh nữa! Tại sao các ngươi không hợp sức đánh ta mà bảo thôi không đánh nữa?
Huệ cười đáp:
- Hai hổ tranh nhau ắt phải có một con bị thương. Ấy chẳng phải là điều đáng tiếc hay sao? Tướng quân thật vũ dũng hơn người, nhưng Nguyễn Khắc Tuyên đã bỏ thành chạy chốn, ba quân chúa Nguyễn đã đầu hàng cả, một mình tướng quân có thể làm cột chống trời được sao mà đánh nhau mãi cùng Võ Đình Tú thế?
Tiểu tướng đáp:
- Ta vẫn biết quân đã thua thì một mình đánh nhau phỏng có ích gì. Nhưng từ trước đến giờ chưa ai có thể cự với Nguyễn Văn Lộc này nổi ba hiệp, mà nay có kẻ đánh với ta trăm hiệp không phân thắng bại, nên ta quyết chiến cũng vì muốn thử tài cao thấp của con nhà võ tướng mà thôi. Tiếc thay ta chỉ là một tên đội trưởng giữ cầu treo, chứ nếu là đại tướng giữ thành thì dễ gì các ngươi lấy được thành Quy Nhơn. Giờ hãy giết ta đi không phải nói nhiều nữa.
Nguyễn Huệ vỗ tay khen:
- Cái khí phách của tướng quân thật đáng để khâm phục lắm thay. Nhưng sao tài cao chí lớn thế mà chỉ làm viên đội trưởng mà thôi?
Nguyễn Văn Lộc vẫn ngang ngạnh nói:
- Bởi lũ quan triều đình chỉ biết ăn tiền đút lót, không tiến cử nhân tài nên…
Nguyễn Huệ liền chặn lại nói:
- Chính vì lẽ ấy nên bọn ta mới khởi binh ở Tây Sơn, thu phục nhân tài đánh đuổi bọn tham quan ô lại cứu muôn dân khỏi cảnh lầm than. Tướng quân sao không cùng chúng ta thay trời hành đạo thì có phải là không uổng tấm thân hữu dụng đó ư?
Nghe Huệ nói xong Nguyễn Văn Lộc như tỉnh ngộ liền quỳ bái tạ:
- Ơn tha mạng của tướng quân, xin đem thân khuyển mã báo đền.
Nguyễn Huệ đỡ Nguyễn Văn Lộc dậy nói:
- Gia quyến của tướng quân ở nơi nào để tôi cho người đến đón.
Nguyễn Văn Lộc ngậm ngùi đáp:
- Tôi mồ côi từ thuở nhỏ, chăn trâu cho nhà giàu ở chân núi Kỳ Sơn, được một dị nhân dạy cho võ nghệ. Sau tôi ra đầu quân mong đem chút tài mọn phò vua giúp nước. Ngờ đâu vua chúa bạo ác, quan lại tham tàn, trọng của khinh người, vùi dập nhân tài, nên không tiến thân được. Nghĩ phận hèn chưa thành gia thất, gia quyến chẳng có ai.
Nguyễn Huệ dẫn Nguyễn Văn Lộc vào dinh phủ thành Quy Nhơn ra mắt Nguyễn Nhạc. Võ Đình Tú quỳ tạ tội:
- Trại chủ giao cho trọng trách đánh quân kéo cầu treo để quân ta từ ngoài tràn vào mà tôi không làm tròn phận sự. Xin chủ tướng trị tội.
Nguyễn Nhạc nói:
- May nhờ có Nguyễn Văn Tuyết tiếp ứng kịp thời, chặt dây treo cầu. Nếu không có Văn Tuyết, ta cùng các tướng đã nộp mình vào miệng cọp. Đánh thành Quy Nhơn ghi Nguyễn Văn Tuyết công đầu.
Văn Tuyết cười đáp:
- Thật ra tôi chẳng có công gì cả! Ấy là nhờ con ngựa Xích kỳ chạy mau quá nên quân chúa Nguyễn không kéo cầu treo kịp mà thôi. Nếu có luận công thì công đầu chính là ở ngựa Xích kỳ đó.
Nguyễn Nhạc vỗ tay nói đùa rằng:
- Nếu vậy ta phong cho ngựa Xích kỳ của Vân Tuyết chức phi mã đại tướng quân. Còn Vũ Văn Dũng khen Võ Đình Tú cầm côn vào chỗ muôn tên ngàn giáo như chỗ không người sao lại không hạ được vài chục tên lính giữ cầu treo?
Nguyễn Huệ bước ra nói:
- Đình Tú không làm tròn trọng trách ấy chính là nhờ hồng phúc của đại huynh.
Nguyễn Nhạc ngạc nhiên hỏi:
- Sao Huệ lại nói lạ vậy?
Nguyễn Huệ đáp:
- Ấy là vì viên tướng giữ cầu treo dũng mãnh vô song đánh cùng Đình Tú trăm hiệp không phân thắng bại. Nay tướng ấy đã theo về với quân ta, thì đó chẳng phải là hồng phúc của đại huynh ư?
Nguyễn Văn Lộc quỳ tâu:
- Hàng binh Nguyễn Văn Lộc xin ra mắt trại chủ.
Nguyễn Nhạc mừng rỡ nói:
- Vậy là nhờ đánh thành Quy Nhơn ta được thêm hai dũng tướng là Võ Đình Tú và Nguyễn Văn Lộc. Thật đáng vui thay. Truyền quân mở tiệc khao quân.
Nguyễn Huệ can rằng:
- Việc quân chưa hoãn, xin đại huynh khoan bày yến tiệc. Trong lúc khí thế quân ta đang hăng, đại huynh nên sai tướng đuổi theo Nguyễn Khắc Tuyên chiếm hai huyện Phù Ly, Bồng Sơn. Rồi thừa thắng đánh lấy đèo Thạch Tân để dựa vào thế núi hiểm yếu của đèo này chống giữ với binh triều ở mặt Bắc. Mặt Nam ta đánh chiếm đèo Cù Mông là con đường độc đạo đề phòng quân chúa Nguyễn từ Phú Yên đánh ra. Mặt Đông ta chiếm cứ cửa biển Thị Nại. Đóng đồn trên núi Phương Mai thuộc dãy núi Triều Châu nằm ở phía Bắc cửa Thị Nại. Phía Nam cửa Thị Nại ta cho đóng đồn trên núi Nhạn Châu Lãnh, thuộc dãy núi từ đèo Cù Mông đâm ngang ra biển. Ở giữa hai núi này cách bờ biển chừng vài dặm lại có một hòn núi tên là núi Sơn Chà như một bức tường thành trời cho để che chở cho thành Quy Nhơn ở mặt Đông. Ta cho đặt súng đại bác và cung tên trên ba ngọn núi này, trong đầm Thị Nại lại cho đóng thuyền luyện tập thủy binh, thì không phải lo giặc đánh ta bằng đường thủy vào thành Quy Nhơn. Mặt Tây là căn cứ của ta dựa vào núi rừng Tây Sơn Thượng. Đồng thời ta truyền hịch nói rõ chính nghĩa của mình để được sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân. Lúc ấy ta tích thảo dồn lương, chiêu binh mãi mã, huấn luyện quân sĩ, rèn gươm đúc súng, xẻ gỗ đóng thuyền để chờ ngày Nam chinh, Bắc phạt. Ấy là kế sách lâu dài xin đại huynh xét lại.
Văn Hiến khen:
- Nguyễn Huệ thật có tài thao lược, dụng binh tính toán hơn người. Xin trại chủ nên theo kế sách mà làm.
Nguyễn Nhạc hỏi:
- Nhưng ta truyền hịch đánh đổ binh triều thì dựa trên chính nghĩa nào đây?
Văn Hiến đáp:
- Việc này tôi đã liệu tính từ lúc mới khởi binh ở Tây Sơn Thượng. Thiên hạ ngày nay ai cũng bất bình việc Trương Phúc Loan phế bỏ Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương mà lập Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi chúa. Ấy là ta có được thiên thời. Nay ta dựa thiên thời ấy truyền hịch tôn phò Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương, đánh đổ Quốc phó Trương Phúc Loan, thì lo gì thiên hạ không theo. Ấy là ta lại giành thêm được nhân hòa. Rồi cứ theo cách dụng binh của Nguyễn Huệ mà làm, chiếm lấy phủ Quy Nhơn núi non hiểm trở đất rộng dân đông ấy là ta chiếm thêm phần địa lợi. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa đều có đủ, nghiệp ắt phải thành không nghi ngờ gì nữa!
Nguyễn Nhạc mừng rỡ nói:
- Quân sư liệu việc như thần. Vậy việc soạn hịch ngoài quân sư ra còn ai làm nổi. Đoạn quay sang các tướng: Các tướng nghe lệnh. Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, lãnh một ngàn quân đánh chiếm đèo Cù Mông. Vũ Văn Nhậm, Vũ Văn Dũng lãnh ba ngàn quân đánh chiếm hai huyện Phù Ly, Bồng Sơn, rồi đánh lấy núi Thạch Tân. Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Văn Tuyết đem hai ngàn quân đánh thủy trại của địch ở cửa Giã. Rồi chia quân đóng đồn ở ba núi Nhạn Châu Lãnh, Phương Mai sơn và núi Sơn Chà. Các ngươi hãy thường cho thám mã báo cáo việc quân. Ta cùng Nguyễn Lữ, Võ Đình Tú và quân sư lãnh đại quân trong thành sẽ tùy tình hình mà chia quân tiếp ứng.
Nguyễn Văn Tuyết bước ra nói:
- Tâu trại chủ, đây chính là lúc quân ta đã công khai đối địch với đại binh của chúa Nguyễn triều. Tôi thấy tướng quân Nguyễn Huệ tuy còn nhỏ tuổi mà trí dũng song toàn. Nếu trại chủ cho cầm quân Bắc tiến thì các tướng đều phục, ba quân vững dạ, trên dưới một lòng thì mới mong dễ dàng toàn thắng.
Nguyễn Nhạc lắc đầu đáp:
- Ta không để Nguyễn Huệ cầm quân Bắc tiến vì hai lẽ. Một là quân thắng địch cốt ở chỗ tinh nhuệ, thiện chiến. Lúc còn ở Tây Sơn Thượng nhờ Nguyễn Huệ thao luyện binh sĩ thiện chiến nên quân ta đánh đâu thắng đó. Nay tân binh đầu quân mỗi lúc một đông, phải cần người huấn luyện tinh tường rồi mới đưa ra sa trường diệt giặc. Ấy chẳng phải là nguồn gốc của câu binh pháp “quân cốt giỏi chớ chẳng cốt nhiều” đó sao? Vả lại Nguyễn Khắc Tuyên bỏ thành Quy Nhơn mà chạy ra hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn, quan quân ở hai huyện ấy đã kinh tâm tán đởm. Nay Dũng và Nhậm kéo quân ra chỉ một hồi trống cũng có thể đuổi chúng chạy ra đến phủ Quảng Ngãi rồi, cần gì phải Nguyễn Huệ ra tài. Ấy là một lẽ, - Rồi Nhạc ứa nước mắt nói tiếp - Lẽ thứ hai là trước lúc lâm chung thân phụ ta căn dặn rằng phải thay Người dưỡng dục hai em, nhất là Huệ lúc mới sinh ra, hoa Huệ trong vườn bỗng nở hoa thơm ngát nên phụ thân ta mới đặt cho tên là chữ Huệ, tục là Thơm, và tin rằng ngày sau Nguyễn Huệ sẽ làm nên điều tốt đẹp đem lại tiếng thơm cho tổ tông. Bởi vậy thân phụ thường bảo ta không được để cho Huệ xông pha nơi gian khổ, hiểm nghèo. Việc này thân mẫu và hai em đều biết, vậy ta không cho Huệ cầm quân Bắc tiến cũng là làm theo lời di huấn của thân phụ mà thôi.
Nguyễn Huệ bước đến cầm tay anh khóc rằng:
- Phụ thân chẳng may mất sớm, ơn dưỡng dục của đại huynh ví như trời biển. Xét theo đạo nhà là quyền huynh thế phụ, xét theo phép nước là nghĩa chúa tôi. Đại huynh dạy bảo thế nào em nhất nhất tuân theo, xin đại huynh cho em dời doanh trại tập binh từ Tây Sơn Thượng về Tây Sơn Hạ dưới chân đèo Mang để việc đưa tân binh về huấn luyện và đưa tinh binh đến sa trường được thuận tiện.
Nhạc nói:
- Lời em rất phải, các tướng cứ y lệnh mà làm.
Mọi người đều hăng hái đứng dậy. Huệ quay sang dặn Sở và Lân:
- Đèo Cù Mông là yết hầu phía Nam của thành Quy Nhơn. Nếu đánh chiếm được đèo này chẳng những giữ vững Quy Nhơn mà còn có thể dễ dàng lấy đất Phú Yên. Nhân khi quân giữ đồn chưa hay tin Quy Nhơn thất thủ hai em xuất kỳ bất ý đánh lấy đỉnh Cù Mông là làm nên công lớn vậy!
Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân xin vâng. Huệ quay sang dặn dò Nhậm và Dũng:
- Đánh hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn đúng như đại huynh nói chỉ một hồi trống là xong, nhưng đánh đèo Thạch Tân là việc khó. Em Dũng và ông Nhậm nên gắng sức đồng lòng.
Vũ Văn Nhậm cười lớn:
- Tướng quân quá lo xa đó thôi. Phù Ly và Bồng Sơn là hai huyện lớn còn đèo Thạch Tân là một đồn nhỏ chỉ có mấy trăm quân. Nếu ta lấy hai huyện xong thì quân trên đèo nghe tin ắt bỏ đồn mà chạy chứ khó là khó làm sao?
Huệ đáp:
- Biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Chưa rõ địch tình ông đừng nên khinh địch mà tổn thất ba quân.
Nhậm chỉ cười mà không nói. Huệ quay sang Nguyễn Nhạc thưa:
- Nếu Dũng và Nhậm lấy xong huyện Phù Ly, đại huynh nên cho quân đóng đồn ở chân núi Bô Chinh Sơn (núi Bà ở Phù Cát) đề phòng quân Nguyễn đánh vào sườn ta bằng thủy binh ở cửa biển Cách Thử và cửa đầm Đạm Thủy (nay là cửa Đề Gi). Nếu lấy xong huyện Bồng Sơn nên cho quân đóng đồn ở núi Hương Sơn, đề phòng quân Nguyễn đánh vào cửa An Giũ (Hoài Hương). Còn các nơi không có cửa biển thì núi non hiểm trở làm thành trì che chở mặt Đông. Nếu được như thế và Dũng, Nhậm lấy được đèo Thạch Tân thì phủ Quy Nhơn của ta coi như là bất khả xâm phạm. Xin đại huynh lưu ý đến hai cửa biển này.
Nhạc cảm động an ủi Huệ:
- Em thật hết lòng lo lắng cho anh, nhưng mọi việc đã có anh và quân sư định liệu. Em hãy gắng sức huấn luyện tinh binh để chờ ngày Nam chinh Bắc tiến.
Huệ quay sang dặn dò Nguyễn Văn Tuyết và Nguyễn Văn Lộc:
- Cửa Giã và đầm Thị Nại là nơi trọng yếu của thành Quy Nhơn. Tuyết và Lộc đừng nên khinh xuất.
Dặn dò xong Huệ mới an lòng bái biệt ra đi. Các tướng đều sửa soạn ai vào việc nấy.